Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Quê Hương Gò Công
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Văn Học - Nghệ thuật :Quê Hương Gò Công
Message Icon Chủ đề: THẦY CŨ TRƯỜNG XƯA VÀ KỶ NIỆM Gởi trả lời Gởi bài mới
Người gởi Nội dung
thonglo2003
Admin Group
Admin Group
Avatar

Tham gia ngày: 31/May/2007
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 406
Quote thonglo2003 Replybullet Chủ đề: THẦY CŨ TRƯỜNG XƯA VÀ KỶ NIỆM
    Gởi ngày: 03/Mar/2017 lúc 7:18pm
THẦY CŨ TRƯỜNG XƯA
VÀ KỶ NIỆM
Trường "Bà Phước", tên gọi rất phổ thông của ngôi trường mẫu giáo. Trường nằm cạnh Ty Cảnh Sát, phía sau là trường Khai Trí, và tên mới là Trường Trung Học Bồ Đề.
Trường Bà Phước nằm trong khuôn viên tu viện, bao bọc bởi bốn bức tường cao, cổng lúc nào cũng đóng kín, chỉ mở ra trước giờ học chừng nửa tiếng và lúc tan trường. Chính nơi đây đã khai tâm, mở ngõ lối vào cuộc đời tôi.
Tôi nhớ Bà Nhất, tôi thường nghe gọi như vậy và Bà là Hiệu Trưởng. Năm đầu, tôi học với Sơ Elizabet, Sơ trẻ trung trong trang phục màu trắng nhà dòng, chiếc mũ rộng vành, nhìn như một bà tiên, hay đúng hơn là một thiên thần mà tôi vẫn thấy ở hang đá trong nhà nguyện.
Hồi đó, ông ngoại thường chỡ tôi đi học bằng chiếc xe đạp đòn dong, trên sườn ngang có lót chiếc gối nhỏ cho ngồi được êm. Tay tôi nắm chặt càng xe, lúc đầu rất sợ, nhưng sau mấy ngày làm quen lại là điều thích thú. Có hôm không hiểu vì mê ăn hay mê ngủ, tôi không chịu vào lớp, ông phải đưa tôi vào văn phòng gặp Sơ Nhất. Sơ nhìn tôi:
- Nếu con không chịu học, Sơ sẽ gọi Sơ Elizabet đưa con xuống hầm rắn.
Tôi sợ và lủi thủi theo chân Sơ xuống lớp. Năm sau, tôi học với Sơ Ana, Sơ dáng gầy, qua cặp kính trắng trông rất nghiêm nhưng lại hiền. Có lần, Sơ hỏi:
- Con đi học, lớn lên muốn làm gì?
Tôi nhìn Sơ, hồn nhiên trả lời:
- Con muốn làm Dì Phước. Sơ xoa đầu tôi, cười và quay gót.
Sân trường có nhiều cây và bóng mát. Cây trổ hoa vàng, cánh tròn và đẹp. Những lúc đến trường sớm hoặc giờ ra chơi, tôi tẩn mẩn nhặt những cánh hoa rơi, kết lại thành xâu choàng lên cổ. Tôi không biết tên loại hoa nầy nhưng cho tới bây giờ, mỗi khi nhìn thấy màu hoa ấy, tôi tức khắc nhớ đến trường Bà Phước và những ngày tháng nơi đây, tôi, đứa học trò nhỏ, ngồi trên ghế đá sân trường xỏ chỉ kết những vòng hoa vàng đeo lên cổ.
Thỉnh thoảng, tôi đi dọc hành lang, đưa mắt nhìn từ đầu phòng học nầy đến cuối dãy lớp kia, qua nhà nghỉ của các Sơ để tìm hầm rắn như lời Sơ Nhất nói, nhưng tôi chưa bao giờ thấy. Hầm rắn ấy vẫn lỡn vỡn trong tâm trí tôi, về sau, có dịp trở lại tu viện tặng quà cho cô nhi, tôi có hỏi thăm, mới biêt chỉ là những lời mà Sơ dọa các học trò lười biếng.
Trong trường còn nhiều Sơ nữa, có Sơ phụ trách giảng dạy, có Sơ phụ trách việc văn phòng, có Sơ lo phần ẩm thực, nhà bếp. Tôi có biết tên các Sơ như Anges, Maria Teresa và Lucia lo giảng dạy cho các trẻ. Riêng Sơ Catina và Madelina lo việc nấu ăn cho tu viện. Sáng nào hai Sơ cũng đi chợ với áo dòng đen, mũ trắng với một cô nhi mà tu viện đã nuôi từ tấm bé.
Thời gian học ở đây thật vui, nhưng cũng phải xa để đến nơi chốn khác, giống như các Sơ đã chuyển đổi khắp nơi. Nhưng trong lòng tôi, ngôi trường nầy vẫn là nơi chốn để thương, để nhớ vì nôi đây đã cho tôi những mẫu tự đầu tiên của ngôn ngữ Việt và những con số của cuộc đời. Tôi muốn tỏ lòng biết ơn và chúc sức khỏe các Sơ, những thiên thần áo trắng đẵ dâng trọn đời mình cho THIÊN CHÚA và các trẻ mồ côi.
Đã đến tuổi học Tiểu học, tôi được vào Trường Thái Lập Thành, nhưng vì trường tọa lạc gần khu nhà máy điện, nên dăn địa phương thường gọi trường "Nhà Đèn". Tại đây, tôi học lớp Năm với cô Bé. Cơ dáng cao, đôi tay dài nên mỗi bước đi của cô có vẻ dịu dàng, tha thướt lắm. Cô ở cùng đường với nhà tôi. Sau giờ học về, tôi đứng trước nhà để nhìn cô đi qua và chỉ cho ông tôi với niềm hãnh diện sâu kín: ông ơi, đó là cô giáo của con.
Nhưng, tôi nhớ, có một lần trong bài tập đọc,vì mải mê nói chuyện với bạn ngồi phía sau lưng, tôi bị "cô thưởng" một cây thước bảng, đau điếng. Từ đó, tôi không còn đứng ngó mong cô bước chân qua nhà nữa. Lúc ấy, cô rất lạ xa trong tôi.
Năm sau, tôi được lên lớp Tư và học với cô Duyên. Cô mảnh mai, nước da trắng xanh. Cô yếu đuối và thường nghỉ bịnh, những lần như vậy, lớp tôi được các cô khác dạy thế, khi thì cô Nở, lúc thì cô Công, em cô Nhẫn dạy môn Vạn vật ở trường Trung Học Gò Công. Những hôm đó, lớp chúng tôi được về sớm và cả lớp, không ai bảo ai vậy mà trước sau mọi người đều có mặt đầy đủ để thăm cô. Chúng tôi vòng tay lại, đứng trước mặt cô, nghiêm chỉnh:
- Thưa cô, chúng em đến đây thăm cô!
Bây giờ ngồi ghi lại những dòng nầy, tôi thấy tuổi nhỏ của chúng tôi dễ thương làm sao.
Tôi học không giỏi, nhưng năm nào cũng đủ điểm để lên lớp. Tôi học lớp Ba với cô Lan, cô là con gái của ông Tòa Ý, nhà ở ngã ba Cầu Tàu, đường ra giếng nước. Cô Lan không chỉ đẹp mà giảng bài rất hay. Tôi nhớ, trong bài Đức Dục, cô giảng:
- Trong cuộc sống, chúng ta là con người, phải lấy tình cảm làm lẽ chính, vì tình cảm là trên hết mọi thứ, tiền bạc không so sánh bằng.
Lớp Nhì, cô Lộc, nhà ở đường lên cầu cây là cô giáo của tôi. Cô có gương mặt tròn, trán cao đượm vẻ thông minh. Cô có hàm răng đẹp, tôi thích ngắm mỗi lúc cô cười và năm đó, cô lấy chồng, thầy Nguyễn văn Long, Giáo sư dạy ở Sài Gòn. Những cuối tuần, cô Lộc vui vẽ lắm vì Thầy Long ghé thăm và đón cô tan trường. Không biết cuộc sống cô có tròn vẹn hạnh phúc không, nhưng tơi nhớ, cô dạy chúng tôi:
- Trong cuộc sống chúng ta, tiền là trên hết. Tiền giải quyết tất cả mọi thứ, quyết định mọi thứ. Chuyện tình cãm nói sau.
Sau nầy, mỗi lần nhớ đến cô Lan và cô Lộc, tôi luôn nhớ hai bài giảng ấy. Không thể nói ai đúng ai sai mà đó là cách nghĩ suy và chọn lựa lối sống của con người.
Khi lên học lớp Nhất, tôi chuyễn qua Trường Nữ Tiểu Học Gò Công, nằm đối diện với Trường Nam Tiểu Học, Hiệu Trưởng là Bà Trần Thị Lài, mọi người hay gọi Bà Đốc Lài. Khuôn viên trường rộng rãi, lớp học nền cao, thoáng. Giữa sân trường có trụ cờ lêu nghêu, rãi rác khắp sân, có trồng nhiều hoa đẹp. Đặc biệt, trước thềm của mỗi lớp học đều có một bồn hoa lớn, màu sặc sở. Thứ Hai mỗi tuần, chúng tôi xếp hàng theo từng lớp để chào cờ chung và hát quốc ca do cô Châu Thị Hoa đánh nhịp. Năm nầy, tôi học với cô Hoa, nhà cô ở cùng dãy với nhà cô Lan. Tôi thường về đó sau giờ tan học hoặc Chúa Nhật để học múa. Chúng tôi biểu diễn trong chương trinh văn nghệ của trường trong dịp Tết, lễ phát thưởng ở rạp hát Bình An, lễ Tết Trung Thu và đôi khi, tham dự với chương trình văn nghệ của Ban Tâm Lý Chiến Tiểu Khu tổ chức. Tôi và Mỹ Dung lúc nào cũng đứng giữa đội hình múa nên bạn học gọi chúng tôi là "đào chánh". Tất cả nhuwngx lần biểu diễn đều có chụp hình kỷ niệm và treo ở phòng bà Hiệu Trưởng, tơi thường lên đó ngắm hình mình với nỗi tự hào riêng. Không biết bây giờ, trãi qua bao biến đổi, những hình ảnh xưa đó ra sao, và tôi vẫn luôn nhớ cô Hoa nhưng không có dịp gặp lại.
Cùng dạy lớp Nhất, tôi còn biết cô Tuyết Huệ, cô Tuyết Lan và cô Tuyết. Cô Bích Vân thì dạy lớp Tiếp Liên. Lớp nầy dành cho những học sinh lớp Nhất, thi vào Đệ Thất không được, ở lại trường học thêm, chờ mùa thi năm sau. Tôi cũng là học trò của cô.
Những ngày của tuổi măng non đã qua, từ bước chân vào học lớp vở lòng cho đến hết bậc Tiểu học, có những kỷ niệm thật khó quên và dường như tất cả đã in sâu vào ký ức. Các cô giờ đã già hoặc không còn nữa. Các cô không nhớ hết học trò của mình vì cứ mỗi năm bao nhiêu khuôn mặt mới lại đến với các cô, rồi cũng lần lượt ra đi theo từng niên khóa. Nhưng những học trò như tôi, làm sao quên được, và hôm nay, nhân ngồi ôn kỷ niệm đời mình, tôi muốn tỏ lòng biết ơn Thầy Cô, những người đã dạy dỗ đời tôi. Xin cầu chúc sự bình an, sức khỏe và hạnh phúc cho mỗi gia đình Thầy Cô dù đang ở đâu.
TRUNG HỌC BÁN CÔNG
Học lớp Nhất, không rớt trong kỳ thi tuyển vào Đệ Thất trường Trung Học thì cũng còn chỗ
để tha thứ. Tôi học thêm năm Tiếp Liên mà thi cũng không xong thì quả thật là tệ. Thật ra, thi tuyển vào Đệ thất thời điểm ấy rất cam go, thí sinh thì đông nhưng sức chứa của trường có giới hạn, cho nên ước mơ học trường Trung Học Gò Công là ước mơ lớn của những học sính sau khi xong cấp Tiểu học, vì đó là niềm hãnh diện và dinh dự cho đời làm hoc trò và cho cả phụ huynh nữa. Số phận của những thí sinh bị rớt, nếu muốn tiếp tục theo đường học vấn, chỉ có quyền lựa chọn một trong hai nơi: Trung Học Bán Công và Trung Học Bồ Đề. Và tôi, ghi danh học Đệ Thất trường Trung Học Bán Công. Từ nhà đến trường, có hai hướng đi. Một, ngang qua trường Trung Học Gò Công, hai đi vòng qua ngã lộ dương Cầu Tàu. Tôi phải chọn cho mình con đường xa hơn vì tôi biết, tôi sẽ ngượng ngùng khi lỡ gặp bạn bè cùng lớp trước kia, nay đang học tại trường Trung Hoc Gò Công. Đường tuy xa hơn một chút, nhưng bù lại, con đường nầy cũng cho tôi những niềm vui riêng. Bởi con đường tôi đi rất thơ mộng, có hàng dương rũ bóng, có lá dương ẻo lã bay bay theo triền gió lộng. Con đường tôi đi thưa vắng, ít người, tôi thong thả bước và thích thú đếm mỗi bước chân mình, cứ như thế cho tròn năm học. Nơi đây còn có trại nuôi gà với những cây trứng cá nhiều trái, chín đỏ ngọt lịm mà tôi thường ghé qua hái, vừa ăn, vừa ngắm những con gà đủ màu, đủ loại ở trong chuồng.
Tôi bắt đầu với trường khác, lớp khác, Thầy Cô cũng khác, bắt đầu với sự nao nức của tuổi học trò. Tôi nhớ, Thầy Võ Văn Tân, con ông Đốc Giáp, dạy Vạn Vật, Thầy Nguyễn Thành Châu dạy Quốc Văn. Thầy Châu là anh của cô Thanh Nguyên, cô làm Hiệu Trưởng trường Trung Học Gò Công sau nầy, Thầy Châu qua đời đột ngột để lại cho đời bao nỗi nhớ thương. Thầy Quang con ông Sáu Tống dạy Lý Hóa. Môn Toán do Thầy Đỗ Quang Hiển phụ trách. Sử Địa học với Thầy Rãnh, Công Dăn do Thầy Lộc dạy, Thầy có biệt danh là Bảy Lửa. Chúng tôi nhớ nhiều đến Giáo Sư dạy môn Anh văn, Thầy Lê Phi Giao. Khi giảng bài, đứng trên bụt giảng, Thầy ra điệu bộ cả tay lẫn chân. Mỗi khi đọc bài hay lập lại nhiều lần cho một chữ mới, Thầy hay trợn mắt nhìn lên trần nhà trông thật tức cười. Bây giờ, chắc Thầy không còn nữa, vì lúc đó, tuổi Thầy đang ở khoảng năm mươi. Thầy cũng là Giáo Sư duy nhất hay kễ cho chúng tôi nghe về tập tục của dân tộc Miên, Lào.
Học ở trường Trung Học Bán Công, học sinh thường thở dài ngao ngán nhìn cảnh Thầy Bảy (Ben) đến trước cửa lớp đọc một tràng dài tên học sinh và mời lên văn phòng. Lý do, chưa đóng học phí. Vừa học lớp Đệ Thất bán công, nhưng tôi vẫn học luyện thi vào Đệ Thất trường trung học công lập. Có hai Thầy dạy luyện thi lúc đó, Thầy Xuyên và Thầy Tiễn. Tôi theo học lớp của Thầy Tiễn, vì nhà Thầy gằn nhà tôi.
Phải thành thật mà nói, tôi, đứa học trò quá dốt. Tôi rất sợ những bài toán động tử. Nào đi cùng chiều, đi ngược chiều, đi rồi nghỉ, rồi đi hoặc những bài toán về dung tích, thể tích. Vòi nước nầy chảy vào, vòi nước khác chảy ra. Thiệt là nhiều chuyện, ngược xuôi làm chi, ra vào làm chi cho học trò chúng tôi phải nhức đầu. Nhưng đề thi tuyển vào Đệ Thất, nhất định phải có loại nầy.
TRUNG HỌC GÒ CÔNG
Niên khóa 1964 - 1965, trường Trung học Gò Công tuyển 250 học sinh cho năm lớp Đệ Thất, tôi trúng tuyển với số danh bộ 249/64. Số danh bộ nầy, là mã số của học sinh suốt thời gian học ở trường. Tôi vẫn còn giữ Thẻ Học Sinh lớp 12A1 mà Thầy Hiệu Trưởng Phan Văn Ba ký tên, đóng dấu ngày 24-12-71. Sau đó, tôi biết được có con số 249 vì mình thi đậu với thứ hạng 249 trên 250 học sinh. Người mang số danh bộ 250/64, là ai, có biết chuyện nầy không.
Tôi được xếp vào lớp Đệ Thất 5, toàn nữ sinh và học sinh ngữ Anh Văn.
Trường có ba dãy lớp trệt, cũ, tường trắng, cửa xanh hình chữ U, nhìn thẳng ra đường Thái Lập Thành. Khu nầy có những cây lim che mát, có văn phòng Hiệu Trưởng, Giám Học, phòng Giáo Sư và phòng làm việc của Ban Giám Thị, dẫn vào bởi cổng chính. Còn cổng phụ đi vào dãy lớp tôi đang học, vừa xây xong mấy năm, cây mới trồng, chưa cho học trò bóng mát để vui chơi. Tuy nhiên lối đi vào được tráng xi măng rông và sạch. Đầu dãy lớp học là phòng Y Tế Học Đường do cô Đầm phụ trách, phía sau lưng là khu cư xá sĩ quan. Học sinh ở những lớp nầy thường được thưởng thức đủ các loại mùi vị.
Tôi sung sướng và vui mừng biết bao khi bước chân vào cổng trường với chiếc áo dài trắng tinh khôi, trên có gắn huy hiệu Trường Trung Học Gò Công.
Tôi học Quốc Văn với cô Mai Lệ Hà, Toán: Thầy Đỗ Mạnh Hiển; Nữ Công với Bà Sáu Hồ, Vẽ: cô Hồng Trang; Vạn Vật: cô Nhẫn; Anh Văn: Thầy Trần Nguyên Hội. Vui nhất là giờ Nhạc của thằy Nguyễn Trọng Khánh. Sau khi dạy xong phằn nhạc lý, còn ít phút, chúng tôi yêu cầu Thầy hát. Tôi nhớ thoang thoáng:
"...Anh bước xuống tàu ngơ ngác vài giây
Anh thấy em buồn, anh cũng buồn lây..."
Thầy ngân dài ở chữ "giây" và chữ "lây", càng ngân thì miệng Thầy càng méo, dường như nếu miệng Thầy không méo, hơi ngân sẽ ngắn đi. Cả lớp chúng tôi không nín được cười. Thầy nổi giận mắng:
- Vô duyên, vô duyên. Các em yêu cầu Thầy hát cho nghe, nhưng lại cười là làm sao.
Thế là Thầy xách cặp ra khỏi lớp, không chờ kẻng báo hết giờ. Nhưng tuần sau, Thầy lại hát, chúng tôi lại có dịp cười. Ghi lại đến đây, nhớ Thầy Trọng Khánh tôi vẫn không nín được cười. Nhưng nụ cười bây giờ là nụ cười thương nhớ, thương Thấy, và nhớ tuổi thơ.
Nhắc đến Thầy Hội dĩ nhiên phải nhắc đến cô Mười Mèo. Thầy có tài coi báo thì cô có tài coi bói. Năm đó, Thầy dạy chúng tôi Anh Văn và Công Dân. Học với Thầy, chúng tôi thường được điểm 11, tối đa 12. Thầy rất mê chữ. Đến giờ Thầy, chúng tôi để sẵn tờ báo hay một cuốn sách nào đó trên bàn, lập tức, Thầy lấy đọc say sưa. Gọi học trò lên đọc bài, Thầy vẫn mãi mê đọc. Học trò đọc xong, Thầy vẫn không hay biết. Lúc ấy, cả lớp nhắc tuồng "xong rồi Thầy. Lúc đó, Thầy ngẩn đầu lên, và...11 điểm, và người kế tiếp. Có lần, Bạch Tuyết đọc bài xong, Thấy cho 12 điểm, cộng thêm 1 là 13. Cả lớp nhao nhao:
- Điểm gì vậy Thầy?
- Điểm làm nhiệm vụ trưởng lớp.
Cả lớp ồ lên, thật vui.
Nói chung, Thầy Cô rất nhiệt tình trong chức nghiệp và hết lòng thương mến học sinh. Mỗi Thầy Cô đều có những điểm riêng rất đặc biệt, có lẽ điều đó để chúng tôi mỗi lần nghĩ đến chuyện xưa đều nhớ lại hết mọi người bằng cõi lòng trân quí và biết ơn.
ĐỌC THƠ CỦA CÁC BẠN
Một buổi chiều, chuẩn bị cắp sách ra về, tôi làm rớt cây viết dưới đất, cúi xuống để nhặt lên, vô tình nhìn thấy trong hộc bàn phía trên có mảnh giấy gấp làm tư tất cẩn thận, ngay ngắn, nhìn sang hộc bàn kế cũng vậy. Tôi tò mò ngồi yên tại chỗ, chờ các bạn ra về hết, lấy những tờ giấy, mở ra xem.
Cùng học và chơi chung với tôi, có Đinh Nguyệt Thanh, Nguyễn Thị Công Dung và Đặng Thị Châu. Chúng tôi mặc trang phục giống nhau từ áo dài, cặp táp, mũ và giày nữa. Bạn bè thân ái tặng cho chúng tôi biệt danh "tứ quái". Cũng vì biệt danh nầy mà chúng tôi đã được Cô Tuyết Lệ, Giám Thị lớp ưu ái mời lên văn Phòng ngời chơi.
Bốn đứa chúng tôi chia ra đọc những "u ẩn học trò" gởi cho nhau. Nhóm học Đệ Thất buổi chiều gởi thơ cho những anh chị học Đệ Ngũ buổi sáng. Họ muốn kết thân làm anh chị em với nhau. Vì phải có duyên mới học chung một trường, ngồi chung một lớp, một chỗ ngồi. Từ đó, buổi trưa, chúng tôi đi học sớm hơn và không đứng chờ cổng mở. Bốn đứa vén vạt áo dài, chui qua rào kẽm gai chỗ cư xá Sĩ Quan để vào lớp sớm hơn các bạn để đọc những thư hồi âm để lại từ buổi sáng.
Chúng tôi khám phá, Đặng Thị Hồng, ngồi bàn đầu viết cho một anh nào đó nhưng không Ểđ tên thật của mình mà dùng tên Nguyễn Thị
Lan. La Thị Đồng thì viết cho anh Đệ, con Bác Hai Thanh ở gần nhà Công Dung trong nhóm "tứ quái". Cuới lớp, Phan Thị Út tự đặt tên mới thật kêu: Đoàn Nguyệt Kiều. Rồi Thu Hường, Nguyệt Ảnh... rất nhiều bạn viết thư như thế. Hình như hiện tượng nầy đã trỡ thành phong trào lúc bấy giờ. Cả Nguyệt Thanh của "Tứ Quái" cũng tham gia, cô viết cho anh Nguyễn Văn Hoàng mà Thanh thường gọi là Hoàng Sơn Qui.
Thời gian dài, chúng tôi "đi sớm về muộn" để làm những nhà kiểm duyệt thư người một cách bất hợp pháp. Chúng tôi nghĩ viết thư như vậy cũng là cách tốt để học sinh kết thăn hay làm bạn với nhau, nhưng không đồng ý họ dùng tên giả. Viết tên thật có phải dễ thương hơn không. Thế là chúng tôi viết thư khác để lại. Với Đặng Thị Hồng, thư được viết như sau:
"Con nhỏ ngồi ngay chỗ nầy không phải tên Lan, tên thật là Đặng Thị Hồng, tự Hồng lùn".
Với Phan Thị Út:
"Đoàn Nguyệt Kiều tên thật là Phan Thị Út, nhà ở Long Chánh ấp Đạo".
Những lá thư đều được đặt đúng vị trí của nó. Hôm sau, chúng tôi không tìm thấy lá thư nào của Đặng Thị Hồng và Phan Thị Út nữa, còn những bạn khác, thư vẫn trao đởi bình thường.
Không biết hai bạn Hồng và Út có biết chúng tôi làm chuyện nầy không?
Hồng ơi! Út ơi! Cho mình được nói lời xin lỗi gởi đến hai bạn. Đừng buồn mình vì sự nghịch phá của thời thơ dại học trò, bạn nhé.
BÁNH MÌ, NÁ THUN VÀ U DU
Đệ Thất hồn nhiên và vô tư. Lên Đệ Lục chúng tôi cũng ngây thơ và thêm phần nghịch ngợm. Năm nầy, chúng tôi chọn bàn cuối lớp để ngồi cho tiện việc quậy phá. Dạo đó, có chương trình ủy lạo của Hội Hồng Thập Tự phát sữa và bánh mì cho những học sinh nhỏ. Không ăn bánh mì, chúng tôi lấy ruột bánh vo tròn để ném chơi. Ném trúng ai cũng được, rồi cúi xuống bàn núp. Người "trúng đạn" nhiều nhất là Kin Anh và chị Nguyễn Thị Sẩm. Nguyệt Thanh còn xúi Công Dung lấy mắt mèo bôi lên chỗ ngồi của Đinh Thị Liễng. Cuối cùng, Công Dung bị cô Tuyết Lệ "điệu" lên Văn Phòng, xin lỗi Đinh Thị Liễng và kèm theo bức thư thông báo về gia đình.
Chương trình phát bánh mì chấm dứt, chúng tôi quả thật thấy buồn, không còn đề tài để phá nữa. Nguyệt Thanh nghĩ cách khác cũng đầy quyến rũ. Lấy dây thun làm ná, u du làm đạn. U du là loại cỏ lát, thân tròn, nhỏ bằng chiếc đũa, được dùng để đan võng. Lá u du rất bén, có thể cắt đứt tay và tôi chính là nạn nhân của nó. Vì tài xạ thủ của tôi quá tệ nên bị phân công tiếp tế đạn dược, không được ra chiến trường. Mỗi ngày, tôi phải đi cắt những cọng u du rồi chặt ra từng khúc nhỏ độ 5 cm kèm theo một chùm dây thun bỏ vào cặp đi học.
Trong lớp, chúng tôi không thích bạn nào, Thanh và Dung được lệnh truy kích ngay. Kim Anh vẫn là mục tiêu chính, lý do: chúng tôi thấy ghét dù nường ta không đụng chạm gì đến mình. Nhưng không phải riêng bọn tôi thôi, hầu như cả lớp, ai cũng cãm thấy vậy. Có gì đâu, đơn giản thôi, Kim Anh quá điệu. Mới học Đệ Lục mà đã làm dáng. Đi thì không dám bước những bước tự nhiên, hai cánh tay khép sát vào thân mình, đôi môi lúc nào cũng ươn ướt, lúc nói chuyện cặp mắt bày đặt chớp chớp, lúc nào cũng cố tạo ra vẻ yễu điệu thục nữ. Chị Sẩm mới là người đáng tội nghiệp, chị không làm dáng, làm điệu, chị rất hiền và dễ thương nhưng vì đi chung với Kim Anh nên bị "văng miểng". Bị bắn như vậy, tôi nghĩ cũng đau lắm, nhưng các bạn vẫn chịu đựng và chắc cũng không bao giờ hiểu được vì sao mình bị nông nỗi. Nhưng trò chơi cũng không kéo dài được lâu vì cô Tuyết lệ đã đến lớp, đểm danh bốn đứa, sau giờ học trình diện Phòng Giám Thị, có cả Kim Anh và chị Sẩm cùng đi. Lại một màn xin lỗi bạn, nhận thư mời Phụ Huynh đến trường, lần nầy, hồ sơ còn đính kèm thêm phần chép bài phạt. Từ đó, chúng tôi không còn nghịch phá nữa.
Bây giờ, ngồi đây, viết và nhớ lại chuyện xưa, tôi tự mình thấy xấu hổ với Kim Anh và chị Sẩm nhiều. Hãy cho tôi được thay mặt "tứ quái", lần nữa xin lỗi , xin lỗi Kim Anh, xin lỗi chị Sầm. Tôi được biết Kim Anh và gia đình định cư ở Na-Uy, riêng chị Sẩm thì không biết ở đâu, có thể còn ở lại vùng Vĩnh Hựu trên quê
hương Gò Công của mình. Rất mong hai bạn nghe được lời xin lỗi chân thành nầy của tôi.
Đầu năm Đệ Ngũ, chúng tôi đành chia tay với Nguyệt Thanh, vì Thanh về Sài Gòn với mẹ. Sau nầy, được tin Thanh lập gia đình và định cư ở Los Angeles, Cali. Bây giờ, tôi rất muốn biết tin Thanh nhưng không biết làm sao. Bà con ơi, ai biết xin chỉ giùm.
Thế là "tứ quái" con lại ba đứa thôi. Năm nầy lớn hơn một chút, bắt đầu biết e ấp, thẹn thùng nên không còn quậy phá nữa. Chúng tôi học Anh văn với Thầy Tôn Thất Toại, Việt văn cơ Đống Thị Hường, cô Thúy dạy Lý hóa, cô rất nghiêm, nhất là lúc thi lục cá nguyệt, ai muốn "quay, cóp", đừng mong qua được cặp mắt của cô. Thầy Đặng Tòng dạy Toán. Lớp chúng tôi học là một trong hai phòng mới xây, nối liền và cách dãy cư xá Sĩ quan bằng một hàng rào kẽm gai. Thầy Tòng đang ghi bài trên bảng, bỗng có con chó nhà ai chạy vào lớp, các bạn ngồi phía trên, "suỵt, suỵt" đuổi chó. Thầy Tòng quay lại:
- Cái gì mà ồn vậy?
- Thầy chó!
Cũng có tiếng trả lời lớn hơn:
- Chó Thầy.
Thầy Tòng nghe xong nhíu mày, nhăn mặt. Sau đó, cả lớp được Thầy tặng bài giáo dục miễn phí.
- Khi phát biểu, các em nên nói cho tròn câu, trọn ý, như trường hợp vừa rồi phải nói " thưa thầy, con chó chạy vào lớp", Thầy còn cho nhiều thí dụ tương tự đã tạo sự hiểu lầm giữa người nghe và người nói. Cuối câu chuyện là xong giờ toán.
Chia tay với Đinh Nguyệt Thanh, chúng tôi lại đón nhận Đàm Thị Hoa. Hoa học năm trước, nhưng không đủ điểm lên lớp nên học lại với chúng tôi. Nhà Hoa ở xóm Cội, mỗi sáng gởi xe đạp ở nhà tôi rồi cùng nhau đi học. Vậy là, bọn tôi vẫn bốn đứa. Có hôm, trời mưa, xe đạp không đi được, phải dẫn bộ, chờ Hoa đến để đi cùng, chúng tôi đành bị trễ học. Cổng lớn của trường khóa lại sau khi kẻng báo giờ học bắt đầu. Phải đi cổng phụ, nhưng lối nầy thì vào thẳng Phòng Giám Thị. Chúng tôi gặp ngay Thầy Hân, Tổng Giám Thị đang đứng trước cửa văn phòng. Phòng Giám Thị có Cô Tuyết Lệ, Cô Châu, Thầy Chưởng, Thầy Hoan. Thầy Hân vẫy tay ra hiệu cho chúng tôi đứng lại và hỏi:
-Tại sao các trò đi học trễ?
Hoa nói vì trời mưa, nhà ở xa lầy lội, xe không đạp được, phải dẫn bộ, nên trễ. Ly do chính đáng. Thầy Hân chỉ vào tôi:
- Còn trò?
Tôi viện cớ căn cứ theo đồng hồ để đi học, nhưng không dè đồng hờ chạy trễ. Lý do có vẻ gượng ép, tạm qua. Đến phiên Châu đi trễ vì xe đạp bị sút sên hoài. Thầy Hân không hỏi Công Dung nữa, mà nói tỉnh bơ:
- Còn trò đừng nói tại sút đầu gối nên đitrêx nha. Chúng tôi vừa sợ, vừa tức cười, tất cả được vào lớp với lời hứa sẽ không đi học trễ nữa.
Thật vui tươi và hồn nhiên ở tuổi học trò. Biết bao nhiêu kỷ niệm trong sáng qua bốn năm trung học Đệ Nhất Cấp mà tôi không thể nào ghi lại hết.
Năm Đệ Tam, lớp được chia theo ban A và ban B. Tôi theo ban A, ban nầy môn Vạn Vật hệ số cao hơn, còn ban B thì chuyên về Toán. Đoàn Thị Hoa theo chồng về miền Nha Trang cát trắng. Châu vì hoàn cảnh gia đình nên nghỉ học. Còn lại chỉ tôi và Ngọc Dung, vì vậy, tình bạn hai chúng tôi càng thêm thân thiết.
Lớp chúng tôi chỉ có bốn học sinh nam, ôi, gươm lạc giữa rừng hoa, âm thịnh dương suy, vì vậy, các anh rất được "cưng", việc gì của lớp cũng giao cho "cưng" làm.
Tôi nhớ, anh Dương học Anh văn rất giỏi, thích nói chuyện với bạn bằng Anh văn trong giờ học môn nầy. Anh Châu hiền, hay cười. Anh Thuần thì từ giã cõi đời quá sớm, anh đã hi sinh trong một lần hành quân. Anh vào quân ngũ sau khi học hết Đệ Tam, không biết vì sao anh bỏ
học hơi sớm. Anh Thuần có bệnh lên máu, trong giờ học, mỗi lần như vậy, La Thị Đồng nắm tay anh xuống bàn cuối để nằm nghỉ. Có lần, La Thị Đồng nói:
- Tao cứ đưa anh ấy xuống cuối bàn nằm nghỉ mỗi lần ảnh lên cơn đau, coi chừng ảnh thưởng tao thương ảnh thì chết.
Còn Công Khanh nữa, Khanh viết và vẽ rất đẹp. Bích báo của lớp trông cậy vào anh rất nhiều.
SANG NGANG CỦA ĐỖ LỄ
Chúng tôi rất thích chơi nhạc. Tiền quà bánh tôi dành lại để mua những bản nhạc, giá cả thời ấy, năm đồng một bản. Năm ấy, tôi học Toán với Thầy Tiếng, Thầy rất thích Cô Đầm, nhà Cô ở cùng hướng với nhà của Công Dung. Buổi chiều, Thầy Tiếng đi lên hướng đó, sáng hôm sau, bản tin thời sự mới nhất trong ngày nhất định có loan tin. Mua được bản nhạc Sang Ngang, bản nhạc mà chúng tôi nghe hát từ lâu mới vừa phát hành, vào lớp, tôi và Công Dung mê say với bản nhạc ấy, bỏ mặc bài giảng của Thầy Tiếng. Đi dạy học, Thầy thường dùng cây anten làm thước để chỉ lên bảng hay gọi một học sinh nào đó, Thầy kéo anten dài ra, dùng xong, thu ngắn lại cho vào cặp. Từ trên bụt giảng, Thầy chỉ anten ngay mặt tôi, lúc đó, tôi và Dung đang ngồi bàn thứ nhì:
- Em đứng lên, nhắc lại lời Thầy vừa mới giảng.
Không biết gì hết, tôi đứng như trời trồng. Đến lượt Công Dung cũng vậy. Cả lớp lặng yên, bao nhiêu cặp mắt đỗ dồn về phía chúng tôi.
- Suốt giờ học, Thầy thấy hai em mải mê, cặm cụi nhìn xuống bàn. Có cái gì ở đó vậy? Mau lấy ra xem.
Hai chúng tôi đưa mắt nhìn nhau, bối rối, do dự. Thầy nhắc lại lần nữa, Dung đành lấy bản nhạc đưa cho Thầy.
- Sang ngang của Đỡ Lễ.
Cả lớp cười ầm lên. Tôi ước gì lúc đó mình có phép độn thổ như Thổ Hành Tôn thì hay biết mấy. Sau khi thưởng cho hai người học trò ái mộ nhạc Đỗ Lễ hai số không, Thầy Tiếng lặng lẽ bước ra khỏi lớp.
Bây giờ Thầy đang ở đâu, chuyện ngày xưa ấy, chắc Thầy cũng quên rồi. Không biết cây thước anten Thầy còn giữ lại không? Riêng em, mỗi lần nghe Sang Ngang của Đỗ Lễ là nhớ đến Thầy, nhớ cây thước anten. Cầu xin Thầy được nhiều sức khỏe và sống hạnh phúc.
Tôi không buồn và trách Thầy với điểm "không" đó, vì lỗi tại tôi. Tôi thắc mắc, Thầy có nhớ hết học trò ngày xưa không? Có lẽ không, học trò Thầy nhiều quá, đông quá, nhưng khi nghe bài nhạc xưa, Thầy có chợt nhớ hai đứa học trò vì bài nhạc nầy nhận lãnh điểm "0" như chúng nó vẫn luôn nhớ Thầy?
Năm Đệ Tam học tà tà, vừa học, vừa chơi vì năm Đê Nhị học sinh phải dốc toàn lực để thi Tú Tài. Phải đậu Tú Tài 1 mới tiếp tục học Đệ Nhất để thi Tú Tài 2. Đậu Tú Tài 2 là có một tương lai tươi sáng chờ đón. Đường vào Đại Học thênh thang.
Ngoài việc học chăm chỉ, chúng tôi cũng bắt đầu tự đặt cho mình những ước mơ. Nào con đường vào Sư Phạm, nào trực chỉ làm việc ở Ngân Hàng hay nhởn nhơ với sinh viên trường Luật, hoặc lã lướt đến trường Văn Khoa. Nhưng dù sao đi nữa, thực tại, chúng tôi phải học Toán với Thầy Duy, Lý Hóa với Thầy Trường, Anh Văn với Thầy Trọng, Vạn Vật với Thầy Thụy Hòa, Pháp Văn với Cơ Trần Thành Mỹ. Chúng tơi rất thích học giờ Pháp Văn vì sau khi dạy xong, cơ thường dành ít phút dạy cho chúng tôi về tâm lý thanh niên, những điều cằn biết trước ngưỡng cửa Đại Học.
Thầy Duy cũng cho chúng tôi khá nhiều kỷ niệm. Buổi sáng, cả trò lẫn Thầy phải học và dạy năm tiếng đồng hồ. Đến giờ cuối, Thầy thấm mệt, đi lên xuống trong lớp, Thầy nói chậm:
- Đến giờ nầy, tao hết 'pin' rồi, tao nói rắt nhỏ, tụi bây cố gắng lắng tai mà nghe.
Năm đó, Thầy tổ chức cho lớp du ngoạn ở Vũng Tàu trước khi đi thi Tú Tài 1. Sau khi ghi mọi phí tổn về nhà ở, xe cộ, ăn uống, lên bảng, cuối cùng Thầy thêm vào tổng số mười ngàn đồng. Cả lớp ào ào lên:
- Mười ngàn gì vậy Thầy?
Thầy ra hiệu cho tất cả yên lặng và giải thích:
- Chớ tụi bây đi ra ăn ở, tắm rửa, ỉa đái mấy ngày, người ta dọn dẹp cho rồi không biết cảm ơn à. Tụi bây phải biết chuyện nầy chớ.
Cả lớp cười rộ trong khi Thầy tỉnh bơ đưa mắt nhìn như không có gì đáng để cười. Đó cũng là đặc điểm của Thầy Duy.
Vào giờ chơi, thấy tôi đang đứng trước cửa lớp, Thầy hỏi:
- Con...nầy, Thầy hay gọi học trò cả tên lẫn họ, tao thấy trong danh sách đi Vũng Tàu không có mầy, sợ thi rớt nên mầy không đi hả. Mầy đừng có sợ, đậu rớt gì nó có sẵn hết rồi.
- Không phải em sợ thi rớt, nhưng bận việc nhà ghê lắm, em phải phụ giúp má em.
- Vậy thì thôi, mầy không đi cũng được.
Thầy rất thương học sinh, những ngày cuối năm Thầy cẩn thận nhắc nhở học sinh từng chút một, những gì phải học kỹ, những gì cần làm khi đi thi.
Thầy ơi, chúng em rất kính mến Thầy và không bao giờ quên công ơn dạy dỡ của Thầy đâu.
Năm nầy, cô Nguyễn Thị Lang dạy môn Quốc Văn, cũng là Giáo Sư Hướng Dẫn lớp. Năm đó, tờ Đông Phong, bích báo lớp chúng tôi được giải thưởng của trường. Thầy trò rất vui. Phải ghi nhận người có công nhiều nhất cho tờ báo là Nguyễn Công Khanh, rồi La Thị Đồng, Châu, Dương. Đó cũng là một kỷ niệm vui trong những năm cuối học ở trường Trung Học Gò Công. Bây giờ, không biết các bạn tôi tản mác nơi đâu.
Đến năm Đệ Nhất, tất cả đều chú tâm vào việc học, mọi chuyện khác đều được khép lại. Năm nầy, tôi học Vạn Vật với Thầy Trần Lý. Thầy giảng bài hay, vẽ hình đẹp. Phải nói một đôi Lý Nhẫn là hai Giáo Sư dạy môn Vạn Vật mà tất cả học sinh đều kính mến. Thầy Lý có thói quen là hay dành năm phút sau giờ dạy để nói về giao tế nhân sự cho cả lớp nghe. Thầy Cao Văn Hoan dạy Sử Địa, hiền, vui, kễ chuyện tếu rất độc đáo giúp cho học sinh bớt phần mệt mỏi.
Rất nhiều những khuôn mặt các Thầy Cô mà chúng tôi đã học trong 7 năm dưới mái trường Trung Học Gò Công thân yêu. Với sự giảng dạy tận tình của các Thầy Cô, là học sinh, chúng tôi luôn kính trọng, thương mến và biết ơn. Bây giờ Thầy Cô đã già và có người không còn nữa. Các Thầy Cô là những người lái đò mà chúng tôi là khách qua sông. Người lái đò có thể không nhớ hết khách, nhưng khách qua đò làm sao quên. Thương những mái chèo đẩy theo năm tháng, thương bến đò xưa, thương dòng sông chở đầy kỷ niệm.
Sài Gòn còn đó
Gò Công còn đây
Con sông, dòng nước còn đây
Gió nam còn thổi
Ngàn mây còn về.
Tôi ngồi đây, từ nơi xa xôi, ghi lại những dòng chữ nầy khi lòng quá đỗi thương nhớ quê hương. Gò Công tôi, vùng địa linh nhân kiệt, tôi rất hãnh diện khi nói với mọi người tôi sanh ra và lớn lên nơi đây. Sẽ có một ngày, tôi trỡ lại quê hương tôi, nơi gói ghém bao nhiêu kỷ niệm vui buồn mà suốt đời tôi không thể nào quên. Quê hương tôi có đồng lúa chín vàng, cò bay mỏi cánh, có giồng Sơn Qui với Lăng Hoàng Gia cổ kính, có đền thờ Trương Định uy nghi. Làng Bình Nghị với những trái sơ ri thơm lành, sắc sơ ri đỏ thắm. Tôi nhớ có người đã mượn trái sơ ri để hỏi, để làm nhân chứng cho tình yêu tuổi học trò.
Một trăm trái sơ ri trong túi nilon, treo căng sợi dây thun đỏ
Anh hôn sơ ri và hỏi
Học trò yêu nhau có tội hay không?
Một trăm trái sơ ri trong túi nilon, treo căng sợi dây thun đỏ
Một trăm mùa Xuân làm nhân chứng chuyện chúng mình
Dù đi đâu, ở đâu, khi nhìn thấy trái sơ ri tôi cãm nghĩ như ai đã chở cả vùng quê hương tôi về nơi đó. Còn nhiều nữa, rắt nhiều nữa mà Gò Công quê hương tôi có và tôi không thể quên được, nên, tôi hẹn sẽ có một ngày trỡ lại quê hương.
TRƯƠNG THỊ NHỨT

IP IP Logged
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.148 seconds.