Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Tâm Tình
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Đời Sống - Xã Hội :Tâm Tình  
Message Icon Chủ đề: NHÓM 12 YÊU THƯƠNG Gởi trả lời Gởi bài mới
<< phần trước Trang  of 159 phần sau >>
Người gởi Nội dung
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23786
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 10/Aug/2016 lúc 9:45am

Ngày con ra trường


graduationChiều thứ Sáu cuối tuần, và là một ngày vui tưng bừng đối với gia đình chị, mà trời lại u ám, đổ mưa. Từ thành phố nào đó trong vùng này đang bị bão lụt làm ảnh hưởng lây tới những thành phố lân cận. Suốt tuần, mỗi ngày đều có một cơn mưa. Chị chép miệng tiếc thầm, giá mà trời đừng mưa thì niềm vui sẽ trọn vẹn hơn.
Anh đi làm về, ăn vội bữa cơm chiều. Dù rằng thời gian vẫn còn rộng rãi, hai tiếng đồng hồ nữa buổi lễ mới bắt đầu, mà chị cứ luôn miệng giục giã:
– Ăn cho xong, còn tắm rửa, thay đồ.


Trường Sam Houston High School tại Arlington tổ chức lễ ra trường lúc 8 giờ pm, tại Nokia Theatre thuộc thành phố Grand Prairie, cách nhà chừng nửa tiếng lái xe. Nhưng gia đình chị đã lên xe lúc 7 giờ pm, vì chị trừ hao trời mưa gió, đường lạ vào buổi tối, không thể chạy nhanh. Đàn bà bao giờ cũng cẩn thận, lo xa, thế mà vẫn có sơ suất, sờ sờ ngay trước mắt, nhà có hai cây dù vẫn dựa sẵn ở góc tường, cạnh cửa ra vào để chờ được che chở cho chủ những lúc trời mưa nắng, chị lại quên, chẳng mang theo.
Rạp hát lớn, bãi parking rộng mênh mông, đi bộ vào tới rạp, trong làn mưa lất phất, ướt lạnh, làm chị đau xót cho bộ áo váy mới, cho mái tóc chải kiểu cọ, xịt keo. Đã thế, còn phải leo lên mấy chục bậc thang cao mới lên đến sân rạp. Cả hai vợ chồng và thằng Ben đều thấm mệt và thấm ướt từ đầu tới chân.

Người ta đã đến đầy sân rạp, đủ mọi lứa tuổi, mọi kiểu áo quần, ai cũng diện đẹp trong ngày lễ ra trường của người thân của mình, để chụp hình, quay phim và để không thua kém ai trong đám đông hàng mấy ngàn người có mặt đêm nay. Chị vuốt lại mái tóc, nếp áo dù ướt, nhưng ánh mắt chị vẫn vui tươi cùng với đám người rộn rịp đi vào bên trong, chị ngạc nhiên khi người hướng dẫn chỉ số ghế của gia đình chị rất gần khán đài, chị hí hửng thì thầm vào tai anh:
– Hên ghê, mình được xếp gần khán đài.
Thì anh giải thích:
– Không phải vô tình đâu, những người có con ra trường điểm cao thì được xếp ngồi gần sân khấu đấy.
– Vậy càng ngồi xa tít mù khơi trên kia là con họ điểm thấp hả anh? Mình ngon hơn họ rồi.

ngoanh-lai.jpg

Chị hãnh diện, ngồi xuống ghế, mở tờ giấy “Chương Trình Lễ Phát Bằng” ra coi, tên những học sinh tốt nghiệp niên khoá 2007 có tên con chị đứng hàng thứ Tư, hạng Ưu, trong tổng số hơn 500 học sinh của trường. Chị sung sướng nhìn ngắm tên con mình mãi mà không chán. Anh chỉ vào tờ giấy :
– Em thấy chưa? Trong số 6 học sinh hạng ưu này, có tới 4 người là Việt Nam. Rồi những hạng kế tiếp vẫn là người Việt Nam.
– Như thế thì hầu hết học sinh Việt Nam đều học từ giỏi đến khá, anh nhỉ?
– Bất cứ trường Trung học, Đại học nào, khi tốt nghiệp cũng có mặt nhiều học sinh Việt Nam xuất sắc. Cha mẹ Việt Nam nào chẳng khích lệ và hi sinh cho con cái ăn học, con không học được thì mới đành chịu thôi.
– Thật là hãnh diện, khi người Mỹ đã phải lắng nghe những last name thông dụng của người Việt Nam như Nguyễn, Trần…từ những học sinh giỏi ấy.

Chị tự hào tiếp một tràng:
– Chắc người Mỹ bản xứ thấy di dân Việt Nam mình thật dễ thương. Này nhé, cha mẹ thì chăm chỉ làm ăn, con cái ngoan ngoãn học hành. Trông mấy ông bà đi làm hãng xưởng, hết sức bình dân, khiêm tốn, nhưng con cái họ thành công ngon lành: Bác sĩ, Nha sĩ, kỹ sư…không à! Cứ mở ti vi coi tin tức mỗi ngày thì biết, các hình ảnh tội phạm rất ít khi là người Châu Á, càng không phải là người Việt Nam, em cũng thấy mừng thầm, vui thầm.
– Bởi thế nên người Việt Nam mình đi làm đâu là được tin cậy đó, vì chăm chỉ và tôn trọng luật lệ. Hãng xưởng nào mà chẳng muốn có nhân viên tốt.

Chị khoe:
– Trong hãng em có mấy người Việt Nam đều làm việc tốt như nhau cả. Có hôm, em đang làm việc thấy nhức đầu, khó chịu, mà cũng ráng làm cho hết ca, không dám về sớm vì tiếc công tiếc việc…
– Và tiếc tiền chứ gì? Thậm chí có người còn không lấy ngày nghỉ Vacation, đi làm để lãnh hai cái “pay check”.
Chị lanh chanh thêm:
– Chưa nhằm nhò bằng mấy bác lớn tuổi, đã ăn tiền hưu mà vẫn đi làm để lãnh thêm một đầu lương. Có khi họ chẳng cần tiền cho chính bản thân họ, mà kiếm tiền để giúp con, cháu, hay những người thân còn ở lại Việt Nam. Người Việt Nam mình quen hi sinh vì người khác như thế đấy, trong khi người Mỹ chỉ mong retire sớm để hưởng nhàn.

Hai vợ chồng cứ chuyện trò lan man, cho tới khi buổi lễ bắt đầu. Sau các phần nghi thức, thì học sinh bước lên khán đài từ hai phía cánh gà, hết đứa nọ tới đứa kia, những học sinh khoác áo màu đỏ, đội mũ đỏ, hớn hở bước ra, mà chị chẳng trông thấy thằng con của mình đâu. Biết chị sốt ruột, anh lại giải thích:
– Những đứa hạng ưu sẽ ra sau cùng, với áo, mũ, màu trắng. Khác biệt và đặc biệt là thế đó em.
Cuối cùng thì điều chị mong đợi đã đến, 6 đứa mặc áo trắng bước lên khán đài giữa những tiếng vỗ tay, reo hò của thân nhân,bè bạn. Chị cũng mừng rỡ réo gọi tên con:
– Cu Tí ơi!
– Ơ kìa! Cái tên Cu Tí là tên ở nhà cơ mà. Anh vội vàng nhắc nhở chị.
– Chester Phương Nguyễn ơi! Mẹ đây nè!

Nó chẳng thể nghe tiếng chị gọi, nhưng khi cả đám ngồi yên chỗ, thì thằng Chester cũng nhìn thấy cha mẹ và thằng Ben ngồi ở dưới, thỉnh thoảng nó lại mỉm cười mỗi khi thấy bố giơ máy hình lên chụp.
Khi nhìn những học sinh lần lượt được gọi tên lên nhận bằng tốt nghiệp, mỗi đứa biểu lộ một niềm vui, niềm hãnh diện khác nhau, làm chị xúc động như chính mình đang là những người tuổi trẻ đó. Khi tên con chị được đọc lên, vang to “Chester Phương Nguyễn” thì niềm xúc động càng cao hơn nữa, chị nhìn con không chớp mắt, theo từng bước con đi trên khán đài tới chỗ bà hiệu trưởng, nó bắt tay bà, và nhận tấm văn bằng tốt nghiệp. Chị sung sướng, bối rối, đến quên cả chụp hình, mà anh đã phân công cho chị, trong lúc anh quay phim hình ảnh ấy.

Khi buổi lễ tan, mọi người vội ùa ra ngoài để gặp con em mình, các học sinh còn mặc nguyên màu áo tốt nghiệp rối rít bên người thân, để nhận những lời chúc mừng và chụp hình làm kỷ niệm.
Thằng Chester Phương Nguyễn hết chụp hình với mẹ, với Bố, lại chụp với thằng nhóc tì Ben. Mọi ngày thằng Ben hay cãi cọ và “ăn hiếp” anh nó, cái gì Chester cũng phải nhường, phải chịu thua thằng em đanh đá. Vậy mà tối nay, thằng Ben đã nhìn anh bằng ánh mắt kính nể và thân ái. Nó trịnh trọng sờ vào tấm áo rộng của anh, và hỏi mượn cái mũ để đội thử, chắc nó đang mơ 6 năm sau sẽ đến lượt nó đội cái mũ này, cũng ra trường hạng cao như anh của nó? Chưa hết, Ben còn đòi anh cho xem cái bằng tốt nghiệp anh vừa lãnh, mở ra không thấy gì, nó mở to mắt ngạc nhiên, Chester phải giải thích cho Ben biết rằng văn bằng thực sự sẽ có sau, đây chỉ là tượng trưng trong ngày lễ mà thôi.

Chụp hình vừa xong, thì các bạn của Chester kéo đến để chúc mừng nhau, này thằng Reese đậu thủ khoa, nguyện vọng sẽ học ngành Bác sĩ Thú Y, thằng Thomas sẽ đi vào Quân Đội, thằng Justin sẽ đi làm…Chị ngạc nhiên khi nghe con giới thiệu từng đứa bạn một, chị cứ tưởng rằng sau ngày lễ ra trường này, thì tất cả học sinh, những đứa vừa hớn hở nhận văn bằng tốt nghiệp trên khán đài lúc nãy sẽ bước vào Đại Học như con chị, nhưng không ngờ mỗi người đi một ngả, một ước muốn khác nhau.Chester nói với bố mẹ:
– Người ta thăm dò ý kiến những học sinh ra trường năm nay, thì trường Sam Houston của bọn con chỉ có 50% là tiếp tục lên College mà thôi.

Chị thấy “tội nghiệp” cho thằng nhỏ đậu Thủ Khoa quá! Học giỏi vậy, sao không mơ làm Bác Sĩ khám bịnh cho người, vừa danh vọng vừa kiếm nhiều tiền, mà học chi Bác Sĩ Thú Y, chăm sóc chó mèo, heo gà, vớ vẩn? Còn thằng kia, ai bắt bớ, cưỡng ép đâu mà đi vào quân đội, nằm gai nếm mật vất vả, cực khổ vào thân? Chiến tranh ở Iraq, Afghanistan đang hàng ngày máu đổ đầu rơi đó, không tởn sao? Và thằng nọ, đòi đi làm, sao không ráng gồng mình học thêm mấy năm Đại Học, để rồi cũng đi làm, mà có bằng cấp Đại Học, le lói hơn?
Chị than phiền:
– Anh ơi, em thấy mà tiếc giùm cho tụi nó, đi học mấy nghề trời ơi đất hỡi không à.
Anh không đồng ý với chị:
– Quan niệm như em thì xã hội này chỉ toàn Bác sĩ, không có ai trong các ngành nghề khác, xã hội sẽ tê liệt, không còn sự sống. Người ta hạnh phúc khi được đi theo ngành nghề đúng sở thích của mình.Cha mẹ nên tôn trọng quyết định của con, sau khi đã góp ý với nó.
– Bởi thế, nên mới có những đứa chơi ngông, như con bác Tư đó, tốt nghiệp Trung Học xong, không thèm học trường nào ở Mỹ, mà sang du học mãi bên Pháp, làm bố mẹ nó phải vất vả gởi tiền cho thằng con ăn học nơi xứ người, và thỉnh thoảng còn phải khăn gói sang Pháp thăm con nữa chứ. Người ta mong được sang Mỹ học, còn nó ở Mỹ, lại sang Pháp học. Tôn trọng quyết định của con kiểu này thì em không ham.

Chester nói chuyện với đám bạn một lát thì xin phép bố mẹ để đi chơi với bạn bè đêm nay. Bây giờ là 11 giờ đêm rồi, chị ái ngại, nhưng không muốn làm dang dở cuộc vui của con, đành gật đầu và dặn dò:
– Đường mới mưa còn trơn ướt. Con lái xe cẩn thận nhé!
– Con nghe lời mẹ,cám ơn mẹ.
Thằng Ben âu yếm nói với anh:
– Chúc anh đi chơi vui vẻ.
Khi Chester ra xe, Ben còn nói với theo:
– Chester! Em hứa là từ đây, em sẽ không bao giờ ăn hiếp anh nữa đâu!

Gia đình chị lên xe, trở về nhà, nhìn quanh bãi đậu xe vắng lặng, giờ chỉ còn hơn chục cái xe, những người còn ở lại muộn màng, còn tiếc niềm vui như gia đình chị. Hàng ngàn người khác đã ra về với con em của họ, những đứa vừa mới đây trên khán đài đã tung mũ tốt nghiệp lên cao, thảnh thơi sau 12 năm với trường lớp, với phấn bảng, sách vở, và bao nhiêu buồn vui đời học trò.
Ánh đèn điện màu trắng trên cao chiếu xuống bãi parking rộng, vắng, còn đẫm ướt nước mưa thành những màu sáng loang loáng. Nhưng ngày mai trời lại có nắng, ngày mai những cánh chim non trẻ sẽ tung bay đi khắp nẻo đời.
Anh lái xe về nhà trong nỗi suy tư của chị:
– Sao trông em trầm ngâm thế? Chester đi chơi với bạn, lát nữa lại về thôi mà.
– Em đang nghĩ tới sau 3 tháng Hè kìa, nó lên Austin học, mà buồn đứt ruột!

Anh đùa:
– Từ Arlington tới Austin có 4 tiếng lái xe, gần hơn con bác Tư ở bên Pháp nhiều. Em lo buồn làm gì!
– Nhưng cũng là xa khỏi tầm tay em rồi. Khổ thân nó! Ai nấu cơm, nấu phở, làm bánh, nấu chè cho nó ăn? Ai sẽ giặt quần áo, sẽ xếp giày, xếp vớ cho nó ngay ngắn mỗi khi đi học về?
– Thì đây là lúc nó đang tập trưởng thành, không thể mãi mãi là một đứa trẻ cần sự chăm sóc của cha mẹ nữa. Rồi nó học xong Đại Học, sẽ tìm việc làm, có người yêu hay có vợ. Lúc đó em còn giữ được thằng Chester trong vòng tay của em nữa không?
Chị nghe anh nói mà thấm thía, rưng rưng vui buồn lẫn lộn. Con chị là cánh chim sẽ bay cao vào bầu trời, mà vợ chồng chị, dù mặn nồng, âu yếm, vẫn chỉ là cái tổ ấm đã cũ, đã chật, sẽ chỉ còn là kỷ niệm trong đời nó mà thôi.

Nguyễn Thị Thanh Dương

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23786
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 11/Aug/2016 lúc 9:22am

Mùa Hạ Năm Nay

 

Ngọc Ngà về tới nhà, trong garage đã có hai xe nên cô phải đậu xe ngoài sân, bên cạnh một chiếc xe xa lạ nào đó, chắc là khách của mẹ. Cô cũng chẳng kịp thắc mắc là hôm nay sao mẹ cho xe vào garage sớm thế, để cô phải vào nhà bằng cửa trước.

Mùa hạ, buổi chiều vẫn còn nóng hừng hực, Ngọc Ngà chỉ muốn nhanh chóng chạy bay vào nhà, thay quần áo mát cho thoải mái.

Đúng như cô suy nghĩ, trong nhà đang có khách, là một anh trẻ tuổi xa lạ. Vừa thấy Ngọc Ngà bước vào là bà Bông đã hớn hở giới thiệu ngay:

- Đây là em Ngọc Ngà. Còn đây là anh Vinh, con bác Hảo.

Chàng trai có vẻ ngỡ ngàng nhưng cũng lịch sự mỉm cười:

- Chào Ngọc Ngà.

- Chào anh Vinh.

Bà Bông lại hớn hở:

- Anh Vinh mang đến nhà mình những rau qủa vườn nhà mẹ Vinh trồng đấy con. Nào, con ngồi đây nói chuyện với anh.

Gía không có người khách này thì Ngọc Ngà đã không phí đi giây phút nào đứng đây, cô sẽ thay quần áo và ra chỗ tủ lạnh tìm dĩa trái cây bưng ra ghế sô fa vừa nằm xem ti vi vừa ăn ngon và hưởng không khí mát mẻ trong nhà.

Nghe cách giới thiệu ân cần của mẹ và người khách bất ngờ này Ngọc Ngà đã hiểu ngay mục đích chuyến viếng thăm. Cô lịch sự nhưng lạnh lùng:

- Cám ơn anh nhé, nhưng anh ngồi nói chuyện với mẹ em đi, chiều nay em bận.

Nói xong cô đi thẳng vào trong mặc cho bà Bông ngẩn ngơ. Vinh nhanh chóng đứng lên giã từ để tránh cho bà Bông sự ngại ngùng khó xử:

- Cháu xin phép cô cháu về. Thật ra chiều nay cháu cũng bận. Cô cho cháu gởi lời chào Ngọc Ngà.

Ở phía trong Ngọc Ngà đã nghe thấy tất cả, cô chạy lên phòng ngủ trên lầu, kín đáo vén màn cửa nhìn xuống sân, anh Vinh đang ra sân, có mẹ cô thân ái ra tiễn chân. Trông anh đẹp trai, cô không ác cảm gì, nhưng cô không lạ gì mẹ mình, chuyên đi tìm chồng cho con. Bà sưu tầm toàn là bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ và dàn cảnh cho cô gặp gỡ để mong nên duyên chồng vợ.

Cô chán lắm !. Mẹ cứ làm như Ngọc Ngà là miếng thịt chiều 30 Tết cần phải bán tống bán táng đi, như mẹ đã từng ví von. Cô luôn quyết liệt phản đối mẹ chuyện này. Với cô tình yêu và duyên nợ tự nó tìm đến.

Biết anh Vinh đã về rồi Ngọc Ngà mới xuống nhà, bà Bông mắng mỏ ngay:

- Tại sao con làm mẹ mất mặt thế chứ? Người ta đến nhà mình mà con không thèm ngồi nói chuyện lấy vài phút.

- Nhưng con không thích những chàng trai thời đại này mà còn ngoan ngoãn nghe theo lời mẹ như một đứa trẻ con như thế đâu. Thảo nào mẹ đã cố tình đậu xe mẹ trong garage sớm để con phải vào nhà bằng cửa trước.

- Ừ thì mẹ muốn con vào cửa trước. Nhưng ý con nói gì ?

- Anh Vinh chứ ai, chắc lại nằm trong kế hoạch của mẹ với mẹ anh ấy giả vờ mang rau qủa tới đây để gặp mặt con. Những thứ này mua ở chợ thiếu gì, chẳng lẽ vì mấy qủa bầu qủa mướp mà anh lại tốn công đến thế?

- Con ơi, trường hợp này thì không. Anh Vinh không có ý định ấy đâu, con đừng xem thường anh ấy, dù gì người ta cũng là?

- Là bác sĩ, nha sĩ hay dược sĩ chứ gì?

- Ừ thì?. anh Vinh là một bác sĩ, con nhà tử tế?.

- Đấy, con biết ý mẹ ngay mà, con đã từng nói với mẹ rồi, có duyên thì gặp nhau. Từ giờ trở đi mẹ đừng bày kịch bản ra nữa nhé. Kịch bản nào của mẹ cũng giống nhau, con thuộc hết cả rồi.

- Nhưng trường hợp này không phải như con nghĩ đâu.

Rồi bà Bông xót xa, tiếc rẻ:

- Coi như con đánh mất cơ hội rồi, dễ gì anh Vinh thèm đến đây lần nữa. Năm nay con bao nhiêu tuổi rồi biết không?

Cô dài giọng ra để trêu mẹ:

- Mới 25 tuổi chứ mấy. Đời còn dài.

Bà Bông ai oán:

- Con lạc quan nên nói thế chứ mẹ thấy cuộc đời ngắn ngủi phù du lắm, tuổi xuân bay vèo như chiếc lá khô trong cơn gió lốc.

Cô đổi sang đề tài khác:

- Trời nóng qúa, hôm nay mẹ gọt trái cây gì thế? Con đang muốn ăn lắm đây

- Đu đủ chín và Blueberry.

- Mẹ thật là hiểu ý con. Cám ơn mẹ nhiều.

- Thôi, mẹ chẳng cần con cám ơn, chỉ cần con lấy chồng là mẹ vui ngay.

Ngọc Ngà bưng dĩa trái cây nhâm nhi vài miếng và nói cho vừa lòng mẹ:



- Con biết rồi, con sẽ lấy chồng, chẳng dại gì ở gía đâu, nhưng mẹ phải cho con thời gian tìm hiểu và chọn lựa nhé. Bây giờ con chỉ muốn thảnh thơi đầu óc để xem ti vi và ăn dĩa trái cây này thôi.

Mẹ đi vào phòng trong, nét mặt vẫn buồn rười rượi, có lẽ mẹ đang áy náy ray rứt vì Ngọc Ngà đã để hụt mất anh Vinh vừa rồi. Từ hồi nào đến giờ mẹ luôn mong ước Ngọc Ngà lấy chồng phải là bác sĩ, dược sĩ hay nha sĩ thì mới xứng đáng với đứa con gái xinh đẹp, học hành đến nơi đến chốn của mẹ.

Đã mấy lần có người giới thiệu đến, ngành nghề đúng như mẹ muốn, nhưng anh thì Ngọc Ngà chê thấp, vì cô cao thế này, người cô mong đợi phải cao hơn cô ?cái đầu? cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, anh thì tính tình ba hoa, mà cô thì khiêm nhường nói ít.

Cô nói với mẹ con sẽ lấy người nào thích hợp, người mà con rung cảm được, chứ không vì cái nghề của họ.

 


********************

Bà Hảo thấy con về sớm hơn dự tính và nét mặt không vui nên dè dặt hỏi Vinh:

- Con có tìm thấy nhà chị Bông ngay không?

- Chuyện tìm nhà có khó gì đâu mẹ.

- Chắc chị Bông cảm động lắm đây, chẳng phải vì mấy qủa bầu bí vườn nhà, mà vì tấm lòng. Cũng mười mấy năm mới gặp lại nhau chứ ít gì.

- Vâng, vì tấm lòng của mẹ với bà bạn cũ nên con làm cho mẹ vui, Chỉ một lần là đủ rồi.

Thấy con không nói gì thêm bà Hảo hỏi luôn:

- Thế con có gặp Ngọc Ngà, con gái chị Bông không?

- Con đến được một lúc thì cô ta về tới..

Bà Hảo vui mừng hỏi nhanh:

- Hai đứa có chuyện trò gì không? Con thấy Ngọc Ngà thế nào?

Vinh ngạc nhiên:

- Sao mẹ lại quan tâm đến cô ta nhiều thế? Con có để ý đến cô ta mấy đâu.

Bà Hảo được dịp kể:

- Ngày xưa, khi con còn bé, chúng ta sống ở thành phố Arlington, trong cái xóm đạo đó, con cũng đã từng làm bạn với con bé Ngọc Ngà rồi mà con không nhớ sao?.

Vinh tò mò một chút:

- Con có nhớ đã sống ở một nơi gần nhà thờ, ngôi nhà thờ ấy to lớn có sân trước và sân sau rất rộng, và con có nhiều bạn cùng chơi đùa. Nhưng con không nhớ Ngọc Ngà là ai?

- Đúng thế, những đứa trẻ con thường bỏ ra ngoài khi sắp tan buổi lễ để chơi đùa với nhau, con và Ngọc Ngà cũng thế, cái con bé có đôi môi cong cớn đấy.

Vinh ngẫm nghĩ một chút rồi reo lên:

- Mẹ nhắc tới con bé cong môi là con hình dung ra nó rồi, con hay chọc ghẹo nó là con môi cong? vì ngày ấy nó đanh đá hiếp đáp con. Chơi trò chạy đuổi nhau, nó chân dài chạy nhanh lần nào cũng tóm được con, dù chân con cũng dài không kém gì nó.

- Ừ, con hay mách mẹ nó sảnh sẹ với con, vào trong nhà thờ cũng xí chỗ ngồi trước. Gớm, con bé thua con 2-3 tuổi mà cứ ăn hiếp anh.

Vinh lẩm bẩm:

- Thì ra thế, sau bao nhiêu năm gặp lại con môi cong ấy vẫn như xưa.

- Nghĩa là sao hở con?

- Cô ta vẫn có vẻ đanh đá và khó ưa. Chào nhau xong cô ta lạnh lùng đi vào trong nhà, và con cũng ra về ngay. Đúng là người ta có thể dời cả núi non nhưng cá tính con người thì khó thay đổi.

Bà Hảo lo lắng:

- Sao con vội kết luận thế? Hôm mẹ gặp lại Ngọc Ngà ở nhà thờ trông nó xinh đẹp dịu dàng và thân thiện lắm mà. Chắc phải có lý do gì đấy?

Vinh nhún vai:

- Điều ấy không liên quan tới con.

Gia đình bà Hảo đã rời khỏi thành phố Arlington về tiểu bang khác để gần gũi thân nhân và có cơ hội cho công ăn việc làm. Hơn 17 năm sau, vợ chồng bà lại theo công việc của con cái đưa đẩy trở về sống ở thành phố Garland, tiểu bang Texas được mấy tháng nay. Bà Hảo đến nhà thờ Arlington đi lễ ngày Chủ Nhật là để thăm lại những người quen xưa, những kỷ niệm cũ.

Tan lễ bà Hảo gặp bà Bông, cả hai vui vẻ hỏi thăm nhau. Hôm ấy cô Ngọc Ngà đi lễ cùng với mẹ, cô chào bà Hảo xong, thì ra nói chuyện với mấy người bạn thân của mình trong khi chờ đợi mẹ để cùng ra về.

Bà Hảo sửng sốt khi thấy Ngọc Ngà, con bé gầy nhăng nhẳng và môi cong thuở nào hay theo cha mẹ đi lễ nhà thờ ngày Chủ Nhật bây giờ đã là một cô gái xinh đẹp, cao ráo. Đôi môi cô vẫn cong nhưng gợi cảm làm sao.

Bà Bông lại được dịp khoe con gái như đã từng khoe bấy lâu nay với bất cứ ai khi có thể:

- Cháu Ngọc Ngà học xong Master ngành Business và đang làm cho một hãng lớn ở thành phố Dallas, nó chưa từng có người yêu, học hành xong là đi làm chứ không biết ăn chơi đua đòi như các cô gái khác thời đại này.

Đó là chiêu bài tìm bạn bốn phươn giùm con của bà Bông, các ông bà bạn sẽ biết con gái bà đẹp, có học, có công ăn việc làm tốt và nết na ngoan ngoãn. Họ không có con trai để cưới Ngọc Ngà về làm dâu thì cũng có cháu trai, hay sẽ giới thiệu cho con cái của bè bạn khác.

Ngay tức khắc bà Hảo chấm Ngọc Ngà cho Vinh con trai mình, bà dặn dò bà Bông và cũng khéo léo khoe con:

- Chị để dành con Ngọc Ngà cho thằng Vinh nhà tôi nhé. Nó là bác sĩ và chưa có người yêu. Hai đứa cùng cao ráo, đứa đẹp trai đứa xinh gái. Thật đẹp đôi.

Bà Bông mừng thầm như mở cờ trong bụng, bất cứ chàng trai tử tế nào trong ngành y, nha, dược đều thuộc diện ưu tiên kén rể của bà. Thật không uổng công bà đã quảng cáo cho con.

Bà Bông hớn hở gợi ý:

- Mình tìm cách nào cho hai đứa gặp nhau một cách tự nhiên, trai gái lớn lên ở Mỹ không như mình ngày xưa ở Việt Nam, con Ngọc Ngà không thích mai mối, giới thiệu gì hết, có vài đám như thế nó đều chối phăng.

Bà Hảo đồng ý với bà Bông:

- Thằng Vinh nhà tôi cũng thế. Tôi cũng muốn để cho thằng Vinh làm quen Ngọc Ngà một cách tự nhiên. Được rồi tôi đã có cách, cuối tuần sau tôi sẽ sai thằng Vinh mang ít rau qủa vườn nhà trồng, trước là biếu chị làm qùa, sau là có cớ cho chúng gặp mặt nhau. Trai tài gái sắc sẽ thích nhau ngay lần đầu gặp gỡ cho mà xem, có khi còn đòi chúng ta tổ chức đám cưới sớm đấy.

Bà Bông hoan hỉ:

- Tôi sẽ không hé miệng cho Ngọc Ngà biết ý định của chúng ta.

- Tôi cũng thế!.

Tuần sau bà Hảo ra vườn cắt vài quả bầu qủa bí tươi ngon nhất, và cho Vinh địa chỉ nhà bà Bông, bà nói thật tự nhiên:

- Vườn rau nhà mình tươi tốt qúa, ăn không kịp, con mang một ít xuống thành phố Arlington tặng cho một nhà quen giùm mẹ, Chủ Nhật rồi mẹ đi lễ nhà thờ Arlington gặp lại bạn cũ, món qùa chẳng đáng gía nhưng mình có tấm lòng con ạ. Mẹ bận đi ăn giỗ nhà một người bạn ở đây nên không cùng đi với con được.

Lớn lên ở Mỹ, vô tư và thành thật Vinh không hề thắc mắc hay ngạc nhiên dù phải lái xe từ thành phố Garland đến Arlington cả giờ đồng hồ chỉ vì món qùa nhỏ này. Anh nghĩ mẹ gặp lại bạn cũ thì mừng vui và qúy bạn thế thôi..

************************

Ngọc Ngà trang điểm xong cô mặc chiếc váy màu hồng. Chiều nay cô sẽ làm phù dâu cho đám cưới người bạn thân của mình .

Xinh đẹp tươi trẻ Ngọc Ngà tự tin bước xuống lầu. Bà Bông ngắm con khen và âu yếm dặn dò:

- Chiều nay chắc sẽ có nhiều anh làm quen với con đấy. Ai quen thì cứ quen và tìm hiểu thêm con nhé.? Đấy, bạn bè con lần lượt lên xe hoa cả rồỉ

Cô thích chọc mẹ:

- Tìm hiểu về ngành nghề của anh ấy hở mẹ?

- Con đừng đùa, điều ấy thực tế đấy. Chẳng lẽ con quan tâm đến một người mà không cần biết anh ta là ai, làm gì?

- Nhưng nếu anh ta không trong ngành y nha dược thì sao? mẹ có vui lòng cho con quen không?

Bà Bông chép miệng phân trần:

- Mẹ có bắt con phải lấy người y nha dược đâu, nhưng được thì càng tốt, ai chẳng muốn con gái mình lấy được tấm chồng giỏi giang làm ra tiền của, nếu không thì cũng chẳng sao, miễn là có ăn học và là người tử tế.

- Hình như mỗi năm con thêm một tuổi mà vẫn ế, chưa có người yêu nên mẹ hạ bớt tiêu chuẩn kén rể, phải không?. Vâng, nói chung loại người này cũng khó kiếm chứ không phải mình muốn là được. Điều trước tiên là con tim mình phải rung cảm vì họ?

Bà Bông phân trần thêm:

- Với lại cái mẹ lo cho con là con gái chỉ có một thời lộng lẫy, để qua đi sẽ không còn nhiều cơ hội cho con chọn lựa nữa.

- Con cám ơn mẹ đã lo cho con.

Ngọc Ngà đến nhà hàng Hoa Hồng đã gặp cô dâu, chú rể, nhưng khách khứa thì chưa đến giờ, mà dù có đến giờ mời ghi trong thiệp thì không phải tất cả đều đến đúng giờ, mà có nhiều người còn cố tình đến trễ để trừ hao khỏi phải đợi chờ người đến trễ khác. Vì ai cũng nghĩ thế nên cái vòng luẩn quẩn đi trễ này muôn đời không thay đổi được.

Ngọc Ngà đang loay hoay sửa lại vài nếp áo váy của cô dâu thì chú rể lên tiếng:

- Giới thiệu với phù dâu đây là phù rể của chúng tôi hôm nay.

Ngọc Ngà quay người lại, bốn mắt cùng nhìn nhau ngạc nhiên đến ngỡ ngàng.

- Thì ra là cô?

- Thì ra là anh?

- Tại sao cô lại ở đây?

- Tại sao anh cũng ở đây?

Rồi cả hai cùng bật cười vì sự ngạc nhiên đến ngớ ngẩn của mình

Chú rể cũng ngạc nhiên như thế:

- Thì ra là hai người đã quen nhau trước?

- Nói quen trước hay chưa quen cũng đều đúng cả. Tôi biết cô ấy tên là Ngọc Ngà.

- Vâng, tôi cũng nhớ tên anh ấy là Vinh

Chú rể nhìn cô dâu vui đùa:

- Anh không hiểu nổi ?. Em ơi, biết đâu hôm nay lại là duyên kỳ ngộ của hai người bạn thân của chúng mình nhỉ?

Từ hôm gặp Vinh ở nhà mình Ngọc Ngà đã cảm thấy áy náy và ân hận vì đã cư xử không phải với anh, cô đã không làm tròn cái lịch sự tối thiểu khi khách đến nhà. Hình ảnh chàng trai hiền lành khiêm tốn chào mẹ cô ra về đã làm cô trăn trở nuối tiếc vu vơ, cô luôn nghĩ mình mắc nợ anh một lời xin lỗi, chỉ mong ước có ngày gặp lại anh để nói lời xin lỗi cho nhẹ lòng.

Thế mà đã gần một năm trôi qua. Không ngờ được gặp lại anh hi hữu như hôm nay.

Khách khứa lần lượt đến, dù kẻ trước người sau thì tiệc cưới cũng bắt đầu. Tưng bừng và vui vẻ, cô dâu chú rể đi tới bàn nào là có phù dâu phù rể cùng theo, nên Ngọc Ngà và Vinh luôn gần gũi bên nhau.

Mãi khi đến giữa tiệc cưới thì cô dâu chú rể và phù dâu phù rể mới được ngồi vào bàn ăn uống, tuy rất mệt nhưng cũng rất vui. Ngọc Ngà và Vinh ngồi cạnh nhau, Vinh chăm sóc cho cô từng chút một, không thua gì chú rể đang chăm sóc cho cô dâu. Trong từng cử chỉ, từng ánh mắt nhìn nhau họ như gần gũi nhau hơn và thân nhau hơn.

Bây giờ Ngọc Ngà mới ấp úng:

- Anh Vinh, em xin lỗi anh, dù đã qua lâu rồi cái hôm ở nhà em.

Vinh ngắt ngang:

- Có phải hôm ấy em đang bực mình điều gì không?

Cô nhìn anh ngạc nhiên và thán phục:

- Sao anh đoán hay thế?

- Ai cũng có thể đoán được, vì chẳng có lý do gì mà em lại có thái độ lạnh lùng ghét anh đến thế.

- Có phải anh đến nhà em do mẹ anh và mẹ em sắp đặt không? Em không thích thế đâu.

- Không, không bao giờ, anh chỉ biết một điều là mẹ anh nhờ anh mang mấy qủa bầu bí đến nhà tặng mẹ em thôi. Không ai nói với anh về cô Ngọc Ngà cả.

- Nếu thế em xin lỗi anh thêm một lần nữa, vì em đã đoán sai.

Vinh chợt reo lên:

- Có thể là em đóan đúng, có sự sắp đặt nào đó giữa hai bà mẹ của chúng ta. Hèn gì khi anh trở về nhà mẹ anh cứ tìm cách hỏi về em. Anh cũng giống y như em, không thích sự sắp đặt của người khác, những sự quen biết hay chuyện tình cảm tự nhiên vẫn hay hơn, có duyên thì sẽ gặp nhau, như ngày hôm nay không hẹn mà anh lại gặp được em.

Rồi anh hạ giọng ngọt ngào:

- Và thật sự hôm nay em mới là em, một cô gái xinh đẹp và dịu dàng đáng mến.

- Cám ơn anh đã tặng em những lời khen.

- Em bây giờ khác ngày xưa nhiều lắm?

Cô mở to đôi mắt nhìn anh và đôi môi cô cong cong hé mở duyên dáng :

- Anh làm như chúng ta quen nhau từ thuở nào ?

- Chính thế, chúng ta từng lạ bạn hàng xóm thời thơ ấu đấy, nhưng năm anh 10 tuổi đã rời khỏi thành phố này, em nhỏ tuổi hơn nên chắc không còn nhớ gì về anh đâu. Em cứ về hỏi mẹ em đi.

- Thật vậy hở anh?

- Ừ, nhờ mẹ anh nhắc lại, anh nhớ ra nhiều kỷ niệm về em nữa kìa, như thế chúng ta chẳng là có duyên làm bạn với nhau từ lâu rồi sao?

Anh nâng ly rượu và nói:

- Em hãy nâng ly lên cùng anh, chúng ta uống chút rượu mừng tình bạn từ ngày xưa và ngày hội ngộ này.



Xung quanh họ tiệc cưới vẫn ồn ào tưng bừng, những gương mặt, những nụ cười chung vui, nhưng có hai người cảm thấy trong mỗi trái tim mình có một niềm vui riêng. Trong ồn ào ấy, tiếng Vinh vừa đủ cho một mình Ngọc Ngà nghe thấy:

- Mùa hạ năm nay anh sẽ được phép mang những qủa bầu qủa bí vườn nhà anh đến tặng nhà em không?

Ngọc Ngà nhắp một chút rượu và thân mến nhìn anh qua màu rượu đỏ nâu sóng sánh trong chiếc ly thủy tinh trong suốt:

- Vâng, chẳng những mẹ em thích mà em cũng thích ăn những rau qủa trồng trong vườn nhà lắm anh ạ.

Nguyễn Thị Thanh Dương



Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 11/Aug/2016 lúc 9:24am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23786
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 15/Aug/2016 lúc 4:03pm
   

Nghe Đọc

Nhớ Lắm Những Mùa Trăng



Tôi viết lên câu chuyện không đầu không đuôi này nhằm ôn lại những gì nó đã dần dà mất đi, nó sẽ không còn hiện diện trong đời sống của mình nữa rồi, do lối sống thời nay đã khác xưa nhiều lắm, ruộng vườn dần lùi bước, nhường đất lại cho những phố sá mọc lên như nấm sau mưa, những hình ảnh đẹp như tranh trong những đêm trăng sáng vằng vặc trên bầu trời đâu còn ai thưởng lãm nữa, ánh đèn đô thị đã khiến trăng già hờn tủi lạnh lùng soi sáng trong đêm...

Tôi không dám cả quyết những người ở độ tuổi năm sáu mươi trở lên họ đều được nghe qua ít nhất một lần trong đời bài vọng cổ Gánh nước đêm trăng do soạn giả Viễn Châu viết và do đệ nhất danh ca Út Trà Ôn cất tiếng vô lối bài vọng cổ này:

- Sương thu lạnh bao trùm khắp nẻo. Trăng đêm nay vằng vặc cả không gian. Tôi với em ra gánh nước cạnh đầu làng, mùi cỏ dại mơ màng bên sóng nước...

Một hình ảnh thật thanh bình trên quê hương. Vào những đêm trăng tỏ tôi cũng đã từng gánh nước đêm trăng, nay thuật lại để mọi người nhớ lại ngày ấy quê hương mình một thuở đẹp như các câu chuyện cổ tích...

Dạo ấy thập niên sáu mươi, xóm làng tôi cũng như bao xóm làng khác ở miền nam mình, hình bóng cái giếng nước nơi cung cấp nguồn sống cho cả xóm được nằm một nơi cao ráo, tránh xa các nơi ô uế và được mọi người trong thôn xóm cùng nhau giữ gìn cẩn thận, bất cứ hành động nào làm ảnh hưởng xấu đến cái giếng nước đều bị bà con trong xóm cực lực lên án chẳng hạn như xả rác gần đấy, đỗ nước thải gần giếng cũng là điều cấm kỵ nhất là cấm không để gia súc léo hánh đến gần giếng, cái lệ của xóm tôi ngày xưa ai mà để cho gà vịt chó mèo nhà mình rơi xuống giếng thì phải thân chinh trục vớt lên và bị lối xóm lên án rầy rà nghe mà muốn "xẩu mình", vì lẽ trên mà cái giếng trong làng quanh năm được giữ gìn sạch sẽ cho nguồn nuớc tuơi mát ngọt lịm, những buổi trưa hè thuở ấy khi đi học về khát nước cháy khô cổ họng, chúng tôi sà vào ngay khi cái gàu nước được bà con quay lên và đỗ vào thùng thì chúng tôi lấy hai tay bụm lại múc nước uống ngay tại chổ, vậy đó chỉ có vài bụm nước giếng này thôi khi nuốt ực qua khỏi cổ họng chúng tôi sung sướng như nuốt cả bầu trời quê hương vào trong dạ...

* * *

Tưởng cũng nên tả sơ qua kết cấu hình dáng và vật liệu của cái giếng ngày xưa, thường thì khi lập làng lập xóm các bô lão hay cúng kiếng để tìm cuộc đất tốt, nơi cao ráo có mạch nước ngầm trong veo nằm bên dưới, Ông Chín Mẫm một người lực lưỡng, rồi ông Năm Đen, ông Tư Diệu và ba tôi được chỉ định là những người đào giếng tìm nguồn nước ăn cho cả xóm, không khí buổi đầu tiên ấy nó còn ghi mãi ấn tượng trong tâm trí tôi.

Sáng hôm ấy, khi bộ (Tam sên) gồm con tôm càng xanh luộc chín đỏ ối nằm cạnh miếng thịt heo ba rọi luộc chín, và cái trứng vịt lạt luộc chín, thêm dĩa trái cây đủ loại, nhang đèn cộng thêm con gà tréo cánh luộc chín vàng ươm được bày lên bàn cúng để cầu xin thổ thần cho phép dân làng được động thổ, ông Bốn người được tôn kính nhất xóm, râu tóc bạc phơ dáng người phương phi đạo mạo, ông mặc bộ áo dài khăn đóng trịnh trọng đốt nhang khấn vái, khi mấy nén nhang cháy vơi đi gần quá phân nửa thì ông vội nói như ra lệnh:

- Nè mấy chú em, hôm nay tế cáo trời đất, thổ công thành hoàng, khi xin keo thì được ông bà chấp thuận cho xóm mình đào giếng nơi đây, bây giờ mấy chú cùng nhau đào để có cái giếng riêng cho xóm mình xài, khỏi phải đi xa nhờ cậy giếng của xóm trên nhé.

Chú Năm Đen là người nhanh nhẩu đáp lời ông Bốn:

- Dạ tụi cháu sẽ cố gắng hoàn thành công việc sớm nhất để bà con mình đỡ vất vả.

Thế là công việc đào cái giếng cho xóm tôi được bắt đầu, cứ người nào mệt thì đổi người khác đào, cứ như vậy sang ngày thứ ba khi chiều xuống thì ông Chín Mẫm thét lên ầm ĩ dưới đáy giếng khiến cả đám người phía bên trên miệng giếng cũng mừng vui khôn xiết:

- Có nước... Có nước.. r..ồ..i bà con mình ơi..

Qua ánh đèn pile của ba tôi rọi xuống, ánh sáng lờ mờ chạm tới đáy giếng tôi thấy nước ngầm trong giếng tuôn ra, bà con hò reo vui sướng, đánh dấu kể từ nay không còn cảnh chầu chực ở giếng của xóm trên nữa rồi.

Qua hôm sau, người thì vét giếng cho sạch bùn đất, người thì xây miệng giếng, xây trụ, người thì đi đặt làm tay quay, không khí làm việc thật vui, khi ông Bốn đích thân đặt tay quay lên hai cái trụ được gắn chặt vào cái cặp bạc đạn, rồi được giữ chặt vào cái trụ bằng những con bu loong to tướng, cái trục quay được làm bằng lõi gỗ cây mít già, sợi dây thừng dài ngoằng được bện bằng sơ dừa thật chắc, chính tay ông Bốn là người cột cái gàu bằng tre có trét dầu hắc (hắc ín) vào dợi dây thừng, và ông là người đầu tiên thả cái gàu xuống giếng, quay gàu nước đầu tiên từ giếng lên, ông chia đều gàu nước này cho mọi gia đình trong xóm ngầm nhắc nhở mọi gia đình cùng nhau sinh sống hòa thuận có phước cùng chia, có họa cùng chịu...

Nhà tôi cách cái giếng trong xóm cũng không xa mà cũng không gần, khi có cái giếng này mấy anh em trong nhà tôi tự mhiên ai nấy cũng siêng năng đi xách nước cho gia đình, bù lại trước đây cái giếng cũ quá xa nên anh em có phần sanh nạnh, hơn nữa cái giếng mới này là nơi trai gái trong xóm hò hẹn, thấy các anh chị lớn tuổi trong xóm cùng nhau gánh nước những đêm trăng sáng, họ bày trò hò vè đối đáp với nhau họ nói, cười đùa vui vẻ thì trong lòng tôi cũng rộn rã vui theo.

Rồi thì xóm làng ngày càng nhiều người nơi khác về đây tá túc, chen chút nhau gánh nước nơi cái giếng ngày nào giờ đây trở nên quá chật chội, ông Bốn lại phải tìm nơi lập thêm một cái giếng thứ hai để bà con bớt nhọc nhằn, từ khi có cái giếng thứ hai này chúng tôi cùng nhau tranh đua thi nhau xách nước thật vui...

* * *

Ngày tháng trôi qua, cuộc sống bình yên của cư dân xóm chúng tôi thêm phần ấm cúm, rồi thì cái đám con trẻ chúng tôi cũng bước qua cái tuổi dậy thì, ngoài giờ học hành ở nhà, ở trường, trong tâm hồn chúng tôi lại bắt đầu nhen nhúm những tình cảm vụng dại của tuổi trẻ, còn nhớ một buổi chiều nọ khi mấy cái lu nước trong nhà đã cạn dần mà anh Thọ người anh lớn trong nhà tôi đi học chưa về, sợ đêm hôm mà trong nhà không còn giọt nước thì khổ sở vô cùng nên má tôi lên tiếng bảo:

- Thằng Phước, thằng Phương đâu, hai đứa ra giếng xách đỡ vài đôi nước về nhà có cái mà xài coi con. Sao anh Thọ bây học hành gì giờ này chưa về.

Hai anh em tôi dạ rân một tiếng,tôi đi vội xuống nhà sau lấy cặp thùng thiếc loại thùng này ngày xưa các hảng Esso, shell dùng để chứa 20 lít dầu hõa, sau khi các tiệm tạp hóa bán hết số dầu bên trong cho bà con thắp đèn dầu, còn cái thùng này họ bán lại cho các gia đình trong xóm dùng để làm thùng xách nước, trước khi xài phải dùng xà bông rửa cho thật sạch, nhà nào chơi sang một chút thì sơn lên cái thùng những lớp sơn dầu tùy theo màu mình thích, nhà nghèo thì nấu dầu hắc chảy ra rồi tranh thủ sơn lên một hai lớp mỏng để giữ cho thùng khỏi bị rỉ sét, cái cán thùng thì nhiều chuyện để nói, có người dùng cây gỗ dầu bốn phân vuông cắt ra vừa với miệng thùng thiếc. Có người sợ dùng cây dầu vuông, khi xách nước rất đau tay, họ lấy cái bào của thợ mộc bào bớt cạnh cây gỗ, có khi họ dùng cây tầm vông làm cán thùng, rồi hai đầu cán thùng trước khi đóng đinh có người dùng cái nắp khoén chai larue đập cho thẳng ra làm miếng đệm phía bên ngoài cán thùng rồi đóng đinh vào, mục đích để tránh cho cán thùng sút ra bất tử, có nhà thì dùng ruột cao su xe hơi đệm phía bên ngoài thay cho cái nắp khoén kia, vì loại thùng này bằng thiếc rất mỏng nên cái đáy thùng thường hay bị xì nước, lại phải dùng vải vụn lót phía dưới cộng thêm lớp dầu trai trét ghe chống sét thật hữu hiệu.

Hai anh em tôi ra đến cái giếng thì trăng cũng đã treo trên đầu ngọn tre ở đầu làng rồi, lúc này thì con Thanh, con Thảo cũng đang quảy đôi thùng nước đến bên giếng, thấy hai anh em tôi chuẩn bị cột cái gàu vào sợi dây thì con Thanh nó lên tiếng trước:

- Ê... Ê cái anh kia, tụi tui tới trước tụi tui quay trước mới phải chứ.

Nghe con nhỏ Thanh nói theo kiểu tranh giành, tôi cãi lại liền:

- Cái gì, đâu Thanh nói lại xem ,có nói lộn thì nói lại đi , anh em tui tới đây trước mà.

Con Thanh nó dùng chiêu mỹ nhân kế cộng thêm chiêu đánh động vào cái tính ga lăng của con trai, Thanh nói tiếp:

- Cái ông này, tui thấy ông cũng đẹp trai, tui thử coi ông có biết nhường nhịn phái yếu không, vậy mà cũng không hiểu nữa, chớ ai thèm giành giật cho mệt, trước sau gì cũng có nước gánh về nhà thôi, đúng không?

Trong bụng tôi thầm nghĩ:

- Cái con Thanh này, hồi nào còn con nít trân hà, vậy mà bây giờ nó ăn nói chững chạc ghê hé.

Nghe cô Nàng nói vậy, trong lòng tôi cảm thấy vui vui, rồi tôi nói với nhỏ Thanh:

- Mình cũng giỡn chơi một chút mà Thanh không biết hả, ai nỡ lòng nào chèn ép mấy tiểu thơ bao giờ. Để cặp thùng xuống đi mình quay nước lên dùm cho, chịu hông cô Nương.

Qua ánh sáng của cô Hằng Nga đang soi rọi xuống trần gian, tôi lén nhìn đôi mắt thật đẹp của con Thanh, bất chợt Thanh hỏi một câu làm tôi muốn độn thổ:

- Gì mà nhìn tui chầm chầm vậy ông Phương?

Lúng ta lúng túng như kẻ cắp bị bắt quả tang, nhưng tôi cố trấn tỉnh tìm cách nói trớ đi:

- Thấy con gì đen đen tưởng con muỗi đậu trên má của Thanh, mình định nói cho Thanh biết chớ có dòm ngó gì đâu.

Con Thảo tự nảy giờ nó không thèm lên tiếng, nhưng nó đã âm thầm quan sát thái độ của tôi từ đầu đến giờ, dường như nó đã đọc được ý nghỉ trong đầu của tôi nên nó nói chen vào:

- Ư tui thấy hết trơn rồi nha, còn chối nữa hả, nhìn thì nhìn có gì đâu mà phải chối, đúng hông Thanh?.

Con Thảo vừa dứt lời, khiến tôi thật sự bối rối, trong bụng tôi nói thầm: "Cái con quỷ Thảo này ghê thiệt, vậy mà nó cũng nhìn ra", nhưng tâm lý không để thua cuộc một cách đơn giản như thế, hơn nữa tôi đã được đọc qua cuốn sách nào đó mà anh Thọ tôi làm quyển sách gối đầu giường, trong đó có đoạn tác giả khuyên ta đại ý như sau:

"Trong bất cứ công việc nào, biết có thể ta sẽ thua, nhưng cho dù còn lại một phút, bạn vẫn phải hô hào mình đang chiến thắng"

Tôi bèn áp dụng liền để đối đáp lại con Thảo nhằm đánh tan cái ý nghĩ mới manh nha hình thành trong nó, chớ không nó và con Thanh kết hợp lại chọc quê mình chắc tôi phải bỏ xứ ra đi chớ ở lại nơi này mắc cở vô cùng làm sao tôi chịu cho được.

- Nói rồi, nhìn đâu mà nhìn, Thảo đừng nói vậy Thanh hiểu lầm tội cho mình lắm, thôi đầy thùng nước rồi kìa ,gánh về liền đi để thím Năm chờ ở nhà.

Mãi lo chống đỡ sự tấn công của đối phương, tôi đỗ mấy gàu nước vào mấy cái thùng của Thanh và Thảo hồi nào không hay, đến khi nhìn kỹ lại thì do bị phân tâm nên tôi mới lầm lẫn như trên, mà cũng nhờ cái lầm lẫn vô tình này tôi lại chiếm được cảm tình của hai cô hàng xóm thật dễ thương, cảm động trước sự giúp đỡ cho mình. Thanh và Thảo lí nhí nói lời cảm ơn tôi, tôi ra vẻ anh hùng mã thượng vì sách thánh hiền ngày xưa có dạy "Thi ân bất cầu báo", tôi đáp lời:

- Có gì đâu mà phải cảm ơn hai cô nương ơi, đàn ông con trai phụ giúp cho những người tay yếu chân mềm là lẽ thường mà.

Hai nàng nguýt tôi một cái rồi tra cái đòn gánh vào và gánh đôi nước đi với dáng thật mềm mại, đợi hai nàng đi khuất tôi mới chợt nhớ công việc của mình chưa đâu vào đâu, nhìn thấy gương mặt ông anh tôi không được vui tôi cất tiếng hỏi:

- Có gì không mà em thấy hình như anh không vui thì phải.

Bây giờ đến lượt ông anh tôi hỏi tôi theo kiểu móc lò:

- Phương nè! Vậy chứ công anh quay nước mệt thấy mồ, em đổ cho hai con bé đó hết, giờ tính sao đây.

Nghe anh hỏi tôi mới chợt nhớ hai cô bé này cũng không tinh ý cho lắm. Phải chi họ nói lời cảm ơn anh tôi nữa thì đẹp biết bao, thì giờ này tôi đâu phải đối diện với cách bắt bí của anh, tôi đành phải trách móc hai cô nương này để vuốt giận anh mình:

- À hai con bé này tệ thiệt, có công lao của anh trong đó nữa, vậy mà mấy cô lại quên cám ơn anh.

Thấy anh cười cười tôi nói đùa thêm:

- Thôi em chia bớt ơn cho anh nè, còn cám em bán cho bà sáu Bi, để bả nuôi heo.

Nghe tôi nói chuyện tiếu lâm như vậy anh ôm bụng cười rồi nói một câu làm tôi mát ruột:

- Nói là nói vậy thôi chứ anh đâu có trách cứ gì em đâu, mà anh thấy nhỏ Thanh, nhỏ Thảo có cảm tình với em nhiều lắm đó.

* * *

Tôi còn nhớ, thuở trước ở hai cái giếng trong xóm ông Bốn cho mấy chú mấy bác trồng những cây lê kiu ma, chỉ có vài năm thôi những cây này đã cho bóng mát những buổi trưa hè, trong khi chờ đợi đến phiên mình quay nước, mấy anh chị em có chỗ núp nắng, từ đó cùng nhau kể cho nhau nghe đủ chuyện trên trời dưới đất, thậm chí khỏi cần đọc nhật trình thì mọi người đều biết được những tin tức, thời sự, hoặc tin xe cán chó, chó cán xe.

Có hôm mải mê kể chuyện cho nhau nghe nhiều anh chị quên chuyện nấu cơm nước ở nhà, đến trưa trờ trưa trật chồng con đi làm đi học về chưa có cơm bỏ vô bụng khiến họ cãi nhau ỏm tỏi. Vậy đó hôm sau khi đến lúc ra giếng gánh nước thì chuyện vẫn đâu vào đó, riết rồi chồng con cũng chán không thèm cãi vã chi cho mệt, họ để bụng đói ngủ một giấc dài đến khi thức dậy thì ăn vội vàng rồi tiếp tục công việc cho đến chiều tà.

* * *

Một đêm nọ khi ánh trăng rằm thượng nguơn đã lên cao, gió hiu hiu thổi, bầu trời trong veo ánh trăng sáng huyền hoặc. Anh Tôn một võ sĩ của trường phái Thiếu lâm Tự, anh tập họp bọn trẻ chúng tôi lại trong khoảnh sân nhà anh để anh dạy chúng tôi những thế võ căn bản nhằm phòng thân, cái không khí đêm ấy thật vui. Khi chúng tôi tề tựu đầy đủ trong sân nhà anh Tôn, trai có, gái có, chúng tôi xếp thành vòng tròn còn anh Tôn thì vào giữa vòng tròn để tiện bề chỉ dạy. Có hai đứa nói lầm thầm với nhau:

- Anh Tôn tự nhiên làm cục nhưn chi vậy trời.

- Mầy có bệnh không vậy, ảnh đứng giửa là phải đạo rồi, đứng bên ngoài thì làm sao mọi người thấy được, rồi làm sao mà dạy với dỗ.

Anh Tôn cho chúng tôi ngồi xếp bằng giống như cách ngồi tọa thiền của đức Phật Thích ca Mâu ni, mới được vài phút có đứa càm ràm:

- Chắc tao đi tu không xong rồi, ngồi kiểu này tê chân gần chết, học võ kiểu này mệt lắm nghe tụi bây.

Anh Tôn ra hiệu cho mọi người yên lặng, anh chắp tay và lâm râm đọc câu gì đó thì thầm trong miệng, không gian yên ắng vô cùng, chừng một ít giây sau anh xoa chặt hai bàn tay vào nhau cho thật nóng rồi anh vuốt tóc từ phía trán ra sau đỉnh đầu rồi anh bắt đầu hướng dẩn chúng tôi, anh kêu tôi làm người đối kháng với anh để minh họa cho lũ trẻ biết những thế võ căn bản, nào là xuống tấn, đứng trụ hai chân, tập dồn khí lực từ trên xuống đan điền. Rồi tập đá song phi, ôi thôi đủ thế võ cho đến bây giờ tôi còn nhớ mang máng một hai chiêu như Ngáng chân đối phương, một thế võ khác ta kéo đối phương về phía mình rồi thình lình ngã ngữa về sau, dùng chân phải hất đối phương lộn ngược người ra phía sau lưng mình. Các thế võ thật hay nhưng khi tập thì chúng tôi phải nương tay cho nhau, nếu không thì tai nạn xảy ra tức thì. Nói thì nói vậy khi tập luyện với nhau những khi hăng tiết vịt có đứa ra tay hạ độc thủ đối phương khiến có đứa bị trật chân tay, đau đớn vô cùng. Những lúc đó anh Tôn chạy vù vô nhà lôi chai thuốc rượu ra thoa lên chỗ đau, thật là hiệu nghiệm chỉ một thời gian ngắn nạn nhân có cảm giác như mình chưa từng bị chấn thương bao giờ, con Thanh thấy thuốc quá hiệu nghiệm nó thốt lên:

- Ồ thuốc của anh Tôn y như thuốc tiên trong những chuyện cổ tích ngày xưa vậy.

Sau khi biểu diễn những thế võ cho mọi người xem, anh Tôn bắt chúng tôi bắt cặp để thực hành thế võ mới được xem qua. Như có sự sắp đặt anh Tôn chia ra mỗi cặp đấu gồm một trai một gái, con trai thì đóng vai những tên "dê xồm" đi rình rập phe kẹp tóc đang đi một mình trong đêm vắng. Tôi và Con Thanh được ghép thành một cặp, nghe được làm tên gian ác hãm hại các cô, mà người mình sắp hãm hại là con Thanh thì tôi mừng như mở cờ trong bụng. Riêng con Thanh nó mắc cỡ vì từ nhỏ đến bấy giờ nó chưa hề đụng chạm tay chân với phe khác phái, vậy mà hôm nay phải ôm phải vật, mà vật với tôi nữa nó bèn la bài hải như heo bị chọc tiết:

- Anh Tôn cho nữ vật lộn với nữ đi. Vật với con trai kỳ lắm, đã vậy vật với ông Phương nữa kỳ lắm anh Tôn ơi.

Nghe mấy cô gái phản đối việc chung chạ với đám con Trai, anh Tôn nghiêm nét mặt và nói:

- Anh nói cho mấy em biết nhe, học võ phải dẹp bỏ những ý nghỉ đen tối trong đầu, lấy tinh thần thượng võ làm kim chỉ nam, dẹp bỏ những ngại ngùng như vậy khi tập mới có kết quả tốt. Hiểu chưa?

- Chúng em hiểu rồi.

Lúc này tôi liếc nhìn con Thanh xem thái độ nó ra sao khi nghe lời huấn thị của sư phụ anh Tôn dạy bảo, bẩt chợt lúc này Thanh cũng nhìn về phía tôi, bốn mắt chạm nhau, chớp chớp đôi mắt Thanh như ngầm nói với tôi "Cái ông Phương này coi vậy mà nhát gái quá đi chứ", còn tôi hơi bối rối vội nhìn qua hướng khác, nhưng trong lòng hai đứa tôi tâm trạng y như câu ca dao "Tình trong như đã, mặt ngoài còn e".

Khi những tấm nệm cao su mỏng được trải ra, anh Tôn cho chúng tôi bắt đầu thực tập các thế võ.  Thú thật nếu ngoài đời mà gặp cô gái nào đó để phải đánh nhau thì tôi giơ tay đầu hàng, nhưng hôm ấy phải vật lộn với con Thanh thâm tâm tôi cũng ngại ngùng, nhưng sư phụ mới nhắc nhở nên hai đứa tôi mạnh dạn đóng tròn vai do anh Tôn sắp đặt.  Hai đứa tôi cúi đầu chào như những võ sinh thứ thiệt.  Sau cái màn dạo đầu như thế chúng tôi bắt đầu nhập cuộc, vờn nhau như hai con mãnh hổ chực chờ đối phương sơ hở để nhào vô tấn công,

Chợt thấy con Thanh dường như bị phân tâm chuyện gì thì phải, lợi dụng tình thế đó tôi nhào vô nắm vai Thanh và định ra đòn, nhưng phải công nhận Thanh đã lừa được tôi, nàng nương theo đà lách mình xoay người khiến tôi chụp hụt vai nàng, nàng vội túm lưng áo tôi và ra đòn đã được sư phụ hướng dẫn, Thanh vật tôi lộn một vòng rơi xuống nệm cao su, tưởng chừng như cú rơi êm ru trên tấm nệm, nhưng không, khi chạm xuống tấm nệm tôi cảm thấy đau nhói ở trên lưng, tôi la lên oai oái:

- Chết tui rồi Thanh ơi, bà làm gì thù oán tui quá vậy, chắc gãy be sườn số 8 của tui rồi.

Nghe tôi nói như vậy con Thanh sợ sệt mặt mày méo sẹo, cô nàng xuống nước năn nỉ:

- Cho Thanh xin lỗi nha, ủa mà cái cách ngã anh Tôn dạy rồi, mà Thanh cũng đâu có mạnh tay đâu mà anh đau đớn dữ thần vậy.

Anh Tôn chạy đến xem xét vết thương của tôi ra sao, chừng như không thấy gì nghiêm trọng xảy ra anh nhìn tôi rồi nhìn con Thanh bất chợt anh nhoẻn miệng cười rồi nói vừa đủ cho hai đứa tôi nghe:

- Vụ này ngộ à nha, Phương có bị gì đâu mà nằm vạ, mà Thanh cũng khờ nữa bị thằng Phương dụ khị rồi.

Anh Tôn vừa dứt lời, con Thanh thay đổi sắc mặt từ sợ sệt sang thẹn thùng, bất chợt cô nàng co giò đá vào chân tôi một cái đau điếng kèm theo câu nói:

- Tui trừng trị ông cái tội ba xạo nghe chưa.

Tuy lảnh một cước bất ngờ đau điếng nhưng trong lòng tôi có cái gì vui vui nó len lỏi vào tâm hồn mình hôm ấy.

Tập dợt gần hai giờ đồng hồ ai nấy mồ hôi nhuễ nhại, bà Hai mập mẹ của anh Tôn bưng nồi chè đậu xanh thơm lừng nóng hổi ra đến nơi, bà Hai vui vẻ nói với chúng tôi:

- Lâu lắm rồi bà Hai mới thấy bây đến tập võ đông đủ, bà Hai nấu nồi chè đậu xanh cho các con ăn lấy thảo nè.

Chúng tôi quây quần bên nhau, cùng thưởng thức chè đậu xanh của bà Hai mập khoản đãi, mạnh đứa nào đứa nấy húp phút chốc nồi chè cạn trơ đáy. Sương khuya bắt đầu xuất hiện, chúng tôi cảm nhận được do những làn gió mơn man thổi đến, bọn con trai chúng tôi thì tỉnh bơ trước hiện tượng bình thường của thời tiết lúc về khuya, chỉ tội những cành hoa mong manh như con Thanh con Thủy, con Hồng, con Thúy, các cô nàng bắt đầu run lặp cặp thì anh Tôn cũng chính thức thông báo buổi tập đã xong, chúng tôi cùng nhau lũ lượt đi về. Khi đi ngang cái giếng nước tôi chợt thấy các anh chị vẫn còn trò chuyện, tình tự với nhau, bất chợt tôi nhìn lên bầu trời cố nhìn xem may ra mình sẽ thấy được chú cuội và cô Hằng nga có cùng nhau hẹn hò trên cung quảng chăng, chỉ thấy những đám mây trắng bàng bạc trôi ngang nguyệt điện, bất chợt tôi nhớ đến những điển tích về trăng như Đường Minh Hoàng muốn thâu tóm mặt trăng làm của riêng cho mình, rồi chàng Hậu nghệ ngày xưa dùng cung thần bắn hạ những mặt trăng cứu Hằng nga, những điển tích trên đến giờ nó chỉ còn lờ mờ trong ký ức của tôi do nghe ông bà kể lại cho mình nghe gần nữa thế kỷ rồi còn gì.

Về đến sân nhà mình, tôi đang loay hoay mở cổng. Thì đâu phía sau lưng một làn gió mát ùa đến mang theo cái hươmg thơm quen thuộc mà khứu giác tôi cảm nhận được lúc ban nãy khi đang chia phe đánh vật, Thanh khẻ khàng lên tiếng:

- Anh Phương.

Ngập ngừng rồi đôi tay vân vê tà áo Thanh thu hết can đảm, nàng nói:

- Cho... em... xin lỗi vì đã mạnh... chân với anh khi nãy, Em không cố ý, mong anh... đừng buồn nha.

Tôi không ngờ cô bé Thanh này là người cũng mang nhiều cảm xúc trong lòng, chuyện chút xíu vậy mà cũng câu nệ để trong lòng, cũng may Thanh nói ra, chứ không thì chắc nàng sẽ rất khó ngủ trong đêm ấy.

Lòng tôi lâng lâng vui mừng khi nghe cô bé hàng xóm có đôi mắt đẹp nói những lời ngọt ngào với mình như thế, tôi mạnh dạn nắm lấy bàn tay nàng và hôn lên những búp măng non nuộc nà kia. Thấy Thanh không phản ứng, tôi tham lam choàng tay qua vai nàng và ghì chặt vào lòng mình, Thanh run lên hơi thở dồn dập tôi nghe rõ hai con tim chúng tôi đang hòa cùng nhịp đập, cô Hằng nga lúc này cũng tôn trọng giây phúc riêng tư của hai đứa chúng tôi, cô ẩn mình vào đám mây khiến bầu trời mờ dần... mờ dần.

Cuộc đời những tưởng sẽ êm ả trôi qua, tôi và Thanh yêu nhau tha thiết, cuộc tình chúng tôi gần đến ngày có thể thông báo cho mọi người thân bạn bè đến chung vui, bất ngờ Thanh ngã bệnh nặng đột ngột, Nàng ra đi vĩnh viễn sau một tuần nằm trong bệnh viện. Tôi như người mất trí sau biến cố này, gia đình chôn cất nàng sau một ngôi chùa trong vùng, đám trai gái bạn bè trang lứa trong xóm cũng không còn cười đùa mhư trước nữa, những đêm trăng bên thềm giếng giờ đây thiếu bớt đi một đôi thùng nước chờ đến phiên để cô chủ gánh về nhà, Anh Tôn vẫn tập hợp chúng tôi lại học cho xong những thế võ phòng thân, tập luyện trong những đêm trăng sáng tôi chợt nhớ và thèm cái cú lừa của Thanh vật tôi nằm bẹp xuống cái nệm cao su, bổng cái ý nghỉ ùa đến trong tôi:

"Nếu bây giờ bị Thanh vật mình một lần nữa, tôi cũng sẽ đóng kịch để hứng thêm một cái đá thật đau vào chân như dạo nào"

Từ đó về sau này, những mùa trăng tiếp theo trong cuộc đời tôi thấy nó vô vị, tăm tối không còn sáng vằng vặc như thuở hai đứa chúng tôi cãi nhau bên cái giếng.

Thôi nhé Thanh, em hãy yên nghỉ với mùa trăng của chúng mình năm nào, những mùa trăng thuở ấy với đôi mình đó là những mùa trăng vĩnh cửu.


Hai Hùng
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23786
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 20/Aug/2016 lúc 12:21pm

Tuổi Dại




Ngày nào cũng vậy, tan học về khi tắm rửa cơm nước xong, tôi thả bộ đến xóm trên để ráp lại với lủ trẻ nơi này bày trò nghịch ngợm, cái khoảnh sân nhà ông Sáu là nơi lý tưởng để cả đám nô đùa, vì nơi đây nó rợp bóng mát bởi tàn của những cây Vú sữa được trồng khá gần nhau, ở đây được bày nhiều trò chơi do thằng Cảnh cầm đầu, nào là chơi ăn ô quan, chơi trò trốn tìm, đánh bông vụ (con quay), bắn bi, đá cầu, dá dế . v.v... Nhưng cái trò đám con trai hồi đó thích nhất là  chơi u và chơi  Rồng rắn lên mây, sở dĩ cái đám " Đực rựa"  mê trò này vì có dịp để nắm tay mắm chân thậm chí ôm eo ếch các cô nàng trong xóm  mà không bị xem là "Dê xồm", vì trò này bắt buộc phải có những động tác như vậy mới thành trò chơi, cũng thành thật mà nói mấy cô nàng ngày xưa tuy to xác mà trong tâm hồn thật hồn nhiên vô tư trong các trò chơi, thậm chí các nàng khi nắm tay nắm chân hoặc ôm eo ếch thì giữ thật chặt, vì các nàng ta sợ nắm hoặc ôm lỏng lẻo sẽ bị vuột ra thì sẽ thua phía bên kia khiến cho đám con trai ngượng ngùng, đám con trai tuy tinh ranh phá phách kèm theo chút tò mò nên có thằng trong bọn biết thằng này, thằng kia có lúc làm bộ quá trớn té vào các nàng để có điều kiện khám phá cái cảm giác thơm ngất ngây mùi bồ kết trên mái tóc dài của các nàng, cái hương thơm toát ra từ làn da mái tóc của các cô nàng làm cho cả bọn khoái chơi cái trò "Chung đụng" này là vậy.

                                         * * *
    Từ lúc có thêm vài ba gia đình  dọn về cư ngụ trong xóm, cả nhóm chúng tôi thầm mừng bởi lẽ từ đây sẽ có thêm vài ba đứa trong số gia đình này nhập bọn để cùng đi học cùng chơi với mọi người, trong số họ có gia đình của cô Hai chạy nạn chiến cuộc từ một tỉnh miền núi về đây, tôi công nhận cô Hai là một người thật giỏi giang, một thân một mình mà cô lo cho cả bầy con sáu đứa an học đến nơi đến chốn, Mai con gái lớn của cô Hai nàng cũng giỏi giang không kém mẹ, thấy mẹ nhà đơn chiếc bởi cha của mình tử trận nơi chiến trường ví như căn nhà  mất đi trụ cột có thể xiêu vẹo và sụp đổ lúc nào không hay, ý thức của đứa con gái đầu lòng, Mai vùa đi học vừa làm thật chăm chỉ khiến đứa nào trong nhóm cũng phải kính nể, và điều làm cho cả đám con trai thật sự kính nể là nàng Mai nhà ta học rất giỏi vì lúc nào bảng vinh dự trong lớp nàng ta đều nằm ở ngôi vị "Bá chủ võ lâm" thử hỏi làm sao chúng tôi không phục...

    Mai về ở cũng gần cả tháng, tôi cố lân la làm quen mãi nhưng chưa có dịp thuận tiện, vì khi đi học về cô nàng ôm cái cặp trước ngực, nàng đi thật nhanh về nhà , từ xa xa tôi nhìn đôi tà áo dài trắng của nàng phất phới bay trong gió, tôi liên tưởng nàng như cánh bướm trắng vờn bay, biết được trong lòng tôi đang cố đeo đuổi làm quen với Mai, thằng Cảnh bạn tôi nó bèn này tôi một "Chiêu thức" để lấy tình cảm với Mai, tôi thấy cũng hợp lý bà hợp với hoàn cảnh thời bấy giờ nên tôi nghe theo lời thằng "Quân sư", nhưng tôi cũng làm bộ nói như không quan tâm lắm đến chuyện này để thằng Cảnh nó không  có cớ ghẹo tôi sau này, tôi nói với nó:
   - Ái chà, ông bày cách này tui thấy cũng có lý à nghe, nhưng ....
   Tôi chưa kịp bày tỏ hết sự e ngại thì bị thằng Cảnh nói chặn họng tôi liền:
   - Ông này ngộ ghê, cái vụ này tui áp dụng rồi, lúc trước mần quen với nhỏ Thúy tui áp dụng y chang kiểu này nè  
  Nóng ruột muốn biết kết quả ra sao, tôi bèn cướp lời nó:
  - Vậy là em Thúy quen với ông bằng cách này đó hả, chắc ăn không ông, ông xúi dại, nàng Mai mà lắc đầu thì có nước tui độn thổ nghe ông.
  Thằng Cảnh nó lườm tôi bằng cặp mắt "mang hình viên đạn" , nó nói:
  - Thôi, nếu ông ngại thì thôi đi, ông muốn làm quen kiểu nào thì tự lo, coi như tui chưa nói gì hết nhe.
   Bết cái tánh hờn mát của thằng quỷ này lớn hơn cái tuổi của nó nhiều, chơi với nhau hàng ngày ai nói gì không vừa ý nó hay làm mặt giận, tôi bèn nói:
  - Nói vậy thôi, cảm ơn ông không hết chứ có gì đâu mà nghi ngại, ngày mai tui áp dụng liền.
(Thằng Cảnh nó bày kế cho tôi, mua một phong bánh in nhân đậu xanh ở tiệm tạp hóa của cô Ba bán trong xóm, gói ghém cẩn thận rồi viết vài dòng chữ kèm theo bảo đảm nàng Mai sẽ nhận lời làm quen, vì đâu có cô gái nào mà không hảo ngọt).

  Vài ngày sau, tôi chắt mót được một ít từ số tiền tôi được ba má cho đi học mỗi ngày, vậy là dư sức mua một phong bánh in và có thể mua được thêm cái kẹp tóc màu hồng có con Bướm trang trí  bên trên, chưa có mua quà cho nàng mà tôi đã thấy vui sướng lâng lâng trong lòng rồi, khi mua xong phong bánh in và cây kẹp tóc, lúc này tôi mới lúng túng không biết trao cho Mai bằng cách nào, lúc này tôi mới thấy mình lơ đễnh không hỏi kỹ càng cách thức trao cho Mai bằng cách nào, chặn đường đưa tận tay thì thú thật tôi không có thừa can đảm để thực hiện, mà nhờ trung gian thì không nên vì sẽ "Lộ bí mật",  suy đi nghĩ lại chỉ còn một cách tự mình thực hiện ...

   Tôi canh giờ nàng học bài xong Mai sẽ ra sau nhà để lo cơm nước cho gia đình, chắc chắn phía nhà trên chẳng còn ai, tôi rón rén đến bên cửa sổ, may là cửa sổ nàng không đóng tôi nhìn vào bên trong , giật mình vì có thằng Bình em nàng nó đang nhìn tôi, thời may Bình lúc này còn nhỏ và nói chuyện chưa rành nên tôi cũng tạm yên tâm, tôi có nhoẻn miệng cười với Bình cho nó đừng sợ hãi khóc thét lên bất tử, lại thêm một cái may nữa thằng Bình nó cười với tôi, cười với một kẻ lạ hoắc,.. Tôi đặt phong bánh in và cây kẹp tóc cùng một lá thư ngắn bày tỏ ý muốn làm quen, tim tôi lúc này nó đạp thình thịch trong lòng ngực vì hồi hộp, lúc này mà Mai xuất hiện bất chợt chắc tôi sẽ vỡ tim mà chết vì sợ sệt. Cố nén lòng tôi đưa tay ra hiệu chào từ giả thằng Bình rồi cười với nó lần nữa và Bình cũng cười với tôi khiến tôi thấy vui vui trong lòng vì đã làm trót lọt mưu tính của riêng mình ...

    Hôm sau nàng đi học về, vẫn tha thước trong tà áo trắng học trò, tôi đạp xe đến gần Mai và cố tình đạp thật chậm, tôi nín thở và tưởng tượng sẽ nghe được tiếng gọi tên mình thốt ra từ cửa miệng của nàng, thời gian trôi thật chậm tôi cố đợi chờ, chừng nghe tiếng của thím xẩm đang gánh cái gánh chè la lên tôi mới hoàn hồn :
  - Cái thằng nhỏ này, chạy xe "li lâu", để con mắt lên trời hả, may thôi "lụng" tui té xỉu rồi "ló".
   Tôi lật đật nói lời xin lỗi thím rồi nhấn "pê đan" vọt thẳng về nhà trông thật bẽ bàng, chừng tỉnh táo lại tôi tự đặt câu hỏi, bánh và thư có tới tay nàng không? Nếu tới tay nàng rồi, bánh in đã ăn rồi sao không trả lời thư hoặc nói lời gì với tôi cho phải phép, nàng làm thinh có nghĩa là có thể nàng không thích tôi nên cố tình làm lơ, hoặc có thể món quà không đến tay của màng, nếu thất lạc thì quà đó ai đã cưỡm mất rồi, tôi bèn nghĩ ra cái kế để kiểm tra lại  thật sự món quà ở đâu, nàng có sử dụng rồi mà làm lơ với tôi chăng, nghĩ là thực hiện ngay, tôi nóng ruột muốn tìm ra đáp số cho "bài toán" này, chờ đến trưa khi mọi nhà đều nghỉ trưa, tôi đến nhà nàng, tôi chạy ngay đến thùng rác để bên hông nhà, tôi dùng cái que nhỏ lục tung cái thùng rác ra xem coi có cái chứng tích gì của phong bánh in hoặc tờ giấy gói quà thì sẽ hiểu được vấn đề, "Dã tràng se cát biển đông" đó là ám chỉ cho hành động moi thùng rác nhà của Mai, tôi thất vọng không thấy gì ngoài rác của gia đình Mai bỏ ra, tôi thất thiểu ghé nhà thằng Cảnh, đến trước nhà tôi bắt gặp nó đang nhai  mấy cái bánh in đậu xanh, dưới chân nó cái kẹp màu hồng nằm chỏng chơ, cạnh đấy đúng là lá thư của tôi viết bị ai vò nhàu nát, tôi hiểu ra sự việc bèn nhào tới cốc lên đầu thằng Cảnh một  cái khiến nó đau điếng, tôi lên tiếng trách nó :
  - Ông ngon quá há, quà tui tặng cho Mai mà ông dám  "chôm chỉa" về đây ngồi ăn ngon lành vậy hả?
  Tuy đang bị đau vì cái cốc của tôi, thằng Cảnh cũng lên tiếng phân bua:
  - Ai nói ông tui chôm chỉa quà của ông tặng cho Mai. 
Thấy bị “bắt tận tay, day tận mặt” mà thằng quỷ này còn lên tiếng chối bài hãi, giận qúa tôi lớn tiếng với nó:
   - Cái này là cái gì đây ông, sờ sờ ra đó ông còn chối nữa hả, nghỉ chơi với ông luôn, bạn gì xấu hoắc.
  Thay vì bực tức khi bị tôi mắng xối xả, vậy mà nó vẫn cười thành tiếng, nó nói với tôi:
  - Ông bình tĩnh nghe tui nói nè, ông tặng quà cho Mai đúng không?
  Tôi hỏi vặn lại nó: 
  - Ừa thì sao nữa?
- Mai nhận rồi, nhưng Mai không xài, Mai đem lại đây nói Mai tặng cho tôi, nói xong nàng bỏ thí trên bàn rồi quầy quả quay về, nàng không xài thì tui xài cũng vậy thôi đúng không, còn phân nửa phong bánh in kia chừa ông đó ăn đi cho hạ hỏa ông ơi! .
  
   Thế là đã rõ, Mai đã gián tiếp cho tôi biết nàng không chấp nhận tình bạn với tôi, khỏi nói chắc mọi người cũng hiểu, tôi buồn đau vô cùng, nhìn đâu cũng thấy bầu trời u ám, tôi không tha thiết với mọi việc chung quanh nữa, ánh mắt của Mai nhất là nụ cười thật tươi và không kém phần duyên dáng nó đã hốt hồn tôi trong cái nhìn đầu tiên khi nàng chính thức cư ngụ trong xóm tôi, sau này lớn lên tôi mới biết mình lần đầu bị "sét đánh" là đây.

   Dân gian mình câu "Thua keo này, bày keo khác", tôi nỗ lực rất nhiều lần để cố lọt vào đôi mắt xanh của Mai nhưng càng ngày càng vô vọng, vậy là tôi mang cái bệnh thất tình từ dạo ấy, tôi học hành bắt đầu sa sút, khi biết được tình trạng của tôi mắc phải, ba tôi giận dữ ông cho đã bố tôi một trận bằng cây "chả lông gồi" đau điếng, sau trận đòn này dường như hiểu được tình cảm và nỗi đau trong lòng  tôi, ba lấy lời khuyên giải.
  - Tụi con còn nhỏ, chuyện bạn bè yêu đương sẽ ảnh hưởng việc học, con Mai nó làm vậy phải rồi con cũng đừng buồn, nhà Mai nghèo, đông anh chị em nó cố gắng học hành đỗ đạc để sau này còn phụ cho thím Hai nữa, yêu đương sớm qúa không nên con ạ.
    Nghe ba tôi phân tích về Mai như thế, chẳng những  tôi không để tâm ghét bỏ nàng, vì nàng chẳng thèm đoái hoài gì đến tấm chân tình của tôi mà tôi còn cảm phục Mai nhiều hơn.

                                       *  *  *
      Tôi lên đường nhập ngũ, đi chinh chiến miệt mài nơi những vùng xa tít tận miền trung nắng gió, nhớ nhà, nhớ bạn bè trong xóm nhỏ thân yêu, dĩ nhiên trong lòng tôi cũng còn chổ để chứa cái tình đơn phương với cô bạn nhỏ ngày nào, nhưng cuộc chiến khốc liệt  khiến tôi tạm quên những chuyện buồn nơi miền hậu tuyến, một hôm tôi được một phong thư, phong thư mà tôi nghĩ chẳng bao giờ mình sẽ vinh hạnh có được, Mai gửi cho tôi một lá thư kể về tình hình hậu phương, chuyện xóm làng, chuyện những đứa bạn thuở nhỏ, đọc thư của Mai tôi thấy mình sống lại tuổi còn thơ, như cuộn phim chiếu chậm, tôi đã khóc khi hay tin vài ba đứa bạn đã "Ra đi" không hẹn ngày về, và tôi đã khóc trong Hạnh phúc nàng cố tình đối xử tàn tệ với tôi không phải nàng không hiểu tình tôi, mà nàng đã nói y như ba tôi phân tích sau trận đòn bằng chổi lông gà, tôi xúc động thật sự, tôi không thể là người tình của nàng, nhưng tôi có vị trí đặc biệt trong trái tim nàng, là một người anh kính mến của nàng. 

                                        * * *
Miền Nam gãy súng, cuộc sống hàng ngày của mọi gia đình bị đão lộn, gia đình của cô Hai  trở về quê sinh sống, riêng Mai thì theo bạn đi định cư nơi xứ người quanh năm giá rét, tôi trở về sống lại nơi xóm nhỏ ngày nào, mỗi lần có dịp đi nganh căn nhà cũ của Mai nó làm lòng tôi lại xao động như Thuở nào.

    Được tin cô Hai mang căn  bệnh ung thư giai đoạn cuối, tôi thẩn thờ cả ngày, tuy không bà con họ hàng gì với cô nhưng đã từ lâu tôi xem cô như mẹ mình, nên tôi thật sự sốc khi nghe hung tinh này, tôi lật đật vào bệnh viện thăm cô, mấy chục năm gặp lại mừng mừng tủi tủi, cô nằm trên giường bệnh mặt vẫn tươi cười cho dù tóc trên đầu cô rụng sạch nhẵn, cô nói đùa với tôi một câu khiến tôi già hai thứ tóc trên đầu mà phải bẻn lẻn vô cùng:
   - Bây giờ bây còn thương con Mai không? Mầy là thằng rể hụt của cô đó.
  Tôi xúc động tột cùng với câu nói đùa của cô, bởi vì rốt cuộc cũng đã hiểu được tấm chân tình tôi dành cho cô và cho cả gia đình Mai bấy lâu, từ giả cô tôi ra về với tâm trạng buồn vui lẫn lộn trong người.

  Cô Hai mất một chiều cuối đông sau ba ngày tôi gặp cô nơi bệnh viện, cô ra đi rất thanh thản không chút vướng bận, vì cô đã dốc hết sức để nuôi nấng, dạy dỗ cho đàn con yêu dấu thành đạt nên người, trong đó có Mai cô em gái của tôi đang là một khoa học gia danh tiếng nơi xứ người.
 Cô Hai ơi! Con chúc cô "an giấc ngàn thu" nơi miên viễn cô nhé. 
         

Hai Hùng
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7169
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 25/Aug/2016 lúc 2:50pm
   
Tình Thầy Trò
 


Image%20result%20for%20ky%20yeu%201972%20trung%20hoc

Lần mở xem lại các tấm ảnh khá mờ cũ kỹ do "lớp bụi thời gian" bào mòn, Hiền đưa tay rút tấm ảnh trắng đen trong album ra, tấm ảnh chụp chung cả lớp dưới góc cây phượng già trong sân trường, đưa mắt nhìn từng khuôn mặt của bạn hữu thân quen, rồi nhìn đến các thầy cô ngồi hàng đầu trong tấm ảnh, chợt Hiền dừng lại vị trí nơi thầy Đặng ngồi, rồi bất chợt bao nhiêu kỷ niệm những ngày con theo học với thầy Đặng nó chợt ùa về khiến cho Hiền cứ ngỡ mới vừa xảy ra hôm qua.

***

Quê Hiền miền biển mặn quanh năm lộng gió, xóm làng sống với nhau thật tình nghĩa, tuy cuộc mưu sinh phần lớn của người dân nơi đây phải cưỡi sóng dữ ra khơi mang về những sản vật của thiên nhiên ban tặng cho con người, nhưng không phải lúc nào họ cũng gặp cảnh trời quang mây tạnh, do đôi khi gặp phải tính khí thất thường của biển, đang êm đềm lặng sóng như mặt nước hồ thu, rồi bổng chốc hung hăng cuồng nộ khiến không ít ngư phủ phải nằm lại vĩnh viễn trong lòng đại dương, con em của ngư phủ cũng biết được cái gian nan vất vả của người thân nên mọi người cố tâm "Sách đèn" để khỏi phụ lòng cha mẹ mà Hiền là một trong số này .

***

Sáng nọ vừa bước chân vào cổng trường, chưa kịp vào lớp Hiền đã nghe của tiếng nhỏ Thu réo lên:

- Hiền nè, bồ lại đây tui nói cho cái này hay lắm nè, chờ bồ nãy giờ nóng ruột gần chết, sao hôm nay đi hơi trể vậy?

Nghe nhỏ Thu sắp tiết lộ điều gì cho mình, Hiền ghé lại chiếc ghế đá nơi Thu đang ngồi, vén vạt áo dài Hiền ngồi bên cạnh và hỏi Thu:

- Mới sáng sớm có vụ gì bí mật vậy Thu, bồ làm tui hồi hộp quá nè.

Nói xong Hiền mở cặp ra lấy hộp Ô mai ra đưa lên gần mặt Thu rồi Hiền lên tiếng:

- Bồ ăn không? Biết hộp này đâu ra không, bồ nói trúng chút xíu vô lớp tui miễn cho bà phần quét lớp, chịu chưa?

Thấy hộp Ô mai trên tay Hiền, bổng dưng nỗi thèm thuồng dâng lên nhưng nhỏ Thu "Mại hơi" nói:

- Cái bà Hiền này chơi ác nghe, biết tui khoái món này cứ dụ tui ăn hoài nhe.

Nói xong không đợi Hiền mời thêm lần nữa Thu lấy một lúc hai viên bỏ vào miệng nhai ngon lành:

Vừa nhấm nháp món ruột của mình Thu vừa trả lời:

- Của anh chàng "Hai quần" ý tui nói lộn, anh chàng Hải quân tặng bồ chứ gì, cha cha ăn miếng này coi bộ nuốt không trôi rồi đây.

Nghe Thu đón trúng phóc, Hiền cười thật tươi, chừng nhớ chực đến cuối câu Thu nói như trách móc điều gì khiến cho Hiền hơi chột dạ, Hiền vội hỏi:

- Tui thấy bồ nhai nuốt ngon lành vậy mà dám nói nuốt không trôi, ai mà tin bà cho được, mà vụ gì bồ lại nói như vậy cho tui biết đi.

Thu thấy Hiền sốt ruột khi nghe câu nói của mình, nàng ta làm ra vẻ nghiêm nghị nói:

- Bồ nhận quà của anh chàng Hải quân này hoài có người buồn "đứt ruột" luôn đó.

Đến phiên Hiền hơi bất ngờ khi nghe cô bạn thân thiết của mình tiết lộ một điều mà Hiền chẳng ngờ, trầm ngâm đôi chút Hiền vặn hỏi:

- Ai buồn, bồ nói tui nghe đi, sao ngộ vậy, tui nhận quà của ông anh kết nghĩa tặng cho em gái có gì đâu mà buồn với phiền.

Thu chưa kịp tiết lộ những điều muốn nói cho Hiền nghe, bổng tiếng chuông reng ngân lên báo hiệu giờ vào lớp nên hai cô nàng đành bỏ dở câu chuyện chưa hồi kết, hai nàng cùng sánh bước đi nhanh vào lớp.

***

Hai giờ đầu của buổi học trôi qua thật nhanh, Hiền thấy tiếc hùi hụi vì cô nàng rất thích môn Giảng văn, phải công nhận cô giáo Băng có giọng đọc êm như lời ru của các bà mẹ, chỉ cần à ơi, hoặc hò ơ vài ba câu hò là con của họ mau chóng chìm vào giấc ngủ, cô Băng chỉ cần giảng về một bài văn hoặc phân tích bài thơ nào đó khiến cho cả lớp chú ý lắng nghe và lãnh hội, riêng Hiền thì nâng lên một bước, hiền cảm thụ được nội dung và ý nghĩa của lời cô Băng giảng, Hiền như cố nhồi nhét hết những lời giảng của cô vào trong đầu của mình rồi có dịp Hiền sẽ chứng minh cho cả lớp biết cái tài làm văn của mình khiến các anh chàng nam sinh phải lé mắt nhìn.

Hai giờ sau của buổi học thuộc về thầy dạy sinh ngữ, Thầy Đặng vốn là sinh viên tốt nghiệp loại tối ưu, quê mãi tận vùng trồng khóm Đức Hòa, ra trường Đặng được thuyên chuyển về dạy trung học ở một trường trên tỉnh, vài năm sau chàng lại cầm sự vụ lệnh đến nhận nhiệm sở tại ngôi trường Hiền và Thu đang theo học, thời bấy giờ các thầy giáo trẻ khi về dạy nơi đây thường hay bị các nàng nữ sinh "ăn hiếp", tội nhất là những thầy còn trẻ, vì tuổi đời hơn các nàng cũng không nhiều, nên các cô nàng "Kết bè kết đảng" xúm lại trêu ghẹo thầy, những lúc ấy các thầy trẻ này mới thấm thía câu" Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò", cũng nói rõ thêm ở đây các nàng ghẹo thầy với tính cách vui chứ không phạm phải khuôn phép của học đường, vì thầy và trò đều thấm nhuần việc "Tôn sư trọng đạo", đối với thầy cô có tuổi thì các em rất mực kính trọng và thật lễ phép chào hỏi khi đối diện.

Image%20result%20for%20lop%20hoc

Bước vào lớp thầy Đặng nhìn bao quát lớp rồi đưa tay ra hiệu cho học sinh ngồi xuống, Hiền cầm cuốn sổ điểm danh đến dự định đặt trên bàn thầy Đặng rồi thưa:

- Con chào thầy, sổ điểm danh đây ạ, tổng số ba mươi học sinh, hôm nay vắng trò Đinh văn Thọ do bệnh có xin phép ạ.

Thầy Đặng gật gù rồi đón lấy cuốn sổ điểm danh, vô tình tay thầy chạm phải bàn tay của Hiền khiến cho Hiền cảm nhận như có luồng điện vô hình vừa chạm vào mình khiến Hiền đỏ bừng đôi má vì e thẹn, riêng thầy Đặng bối rối không kém vì cái chạm tay vô rình này nó khiến chàng ngất ngây nhưng Thầy cũng kiềm chế tức thì, vì cả chục cặp mắt đang dồn vào ông Thầy trẻ đẹp trai lần đầu mới ra mắt trong buổi học này, để tránh ngượng ngập cho nhau, thầy Đặng nhìn vào đôi mắt to đen láy của Hiền thầy nói:

- Em là Hiền trưởng lớp phải không? Em đừng xưng bằng con làm thầy tưởng thầy lụm cụm lắm rồi, Hiền cứ xưng bằng em đi nhé.

Nhỏ Hiền nghe thầy nói vậy nhỏ tủm tỉm cười rồi nhanh chóng về chổ ngồi, trên bảng thầy Đặng bận quay lưng vào để ghi mấy danh từ trong bài mới cho học sinh chép vào tập, bên dưới sau lưng Hiền là Phượng cô bạn cũng thuộc hàng cật ruột với Hiền, từ lúc thấy Hiền quay về chổ ngồi mà hình như tâm trí để đâu đâu, Phượng lấy cây thước kẻ khiều nhẹ lưng Hiền rồi nói nhỏ:

- Bà Hiền nè, làm gì lên gặp thầy có chút xíu mà thờ thẩn quá vậy, bị thầy hốt hồn rồi hả, công nhận thầy Đặng "bô trai" dữ hén bà.

Nghe nhỏ bạn ghẹo mình, Hiền quay đầu lại nhìn, tay cầm viên phấn nhỏ chọi vào Phượng khiến Phượng thích thú cười khúc khích.

Chuông báo giờ tan học reo lên , không khí trong lớp đang im phăng phắc thì tự dưng ồn ào như vỡ chợ , đủ thứ âm thanh vang lên nhưng nhanh chóng trật tự trở lại sau cái nhịp thước của cô trưởng lớp:

- Học sinh...

- Đứng dậy.

Chúng em chào thầy

Trên đường trở về nhà, bộ ba của Hiền vừa đi vừa bàn tán chuyện của thầy Đặng, nào là đẹp trai, học giỏi, con nhà giàu, mấy nàng còn thêm thắt đoán già đoán non, nhỏ Phượng nói:

- Ai mà sau này được làm vợ thầy chắc thầy cưng lắm nghe mấy bồ.

Nghe vậy Thu nhào vô liền:

- Chứ còn gì, mình nhìn thầy biết ngay người tốt rồi.

Lúc này Hiền mới nói:

- Chưa chắc à, mấy bồ không nghe người ta ví hả:

"Đừng xem mặt mà bắt hình dong"

Lời ra tiếng vào chẳng mấy chốc ba cô nàng bề đến nhà lúc nào cũng chẳng hay...

***

- Bà Thu nè, kể tiếp vụ hôm trước đi, bà nói tui nhận quà của anh Bình thì ai buồn đứt ruột.

Thu nhoẻn miệng cười rồi cô nàng lí lắc nói:

- "Ai trồng khoai đất này", Cái ông Rồng lớp kế mình nè.

Nghe Thu nói xong, Hiền phá lên cười chừng cười đã rồi Hiền nói:

- Cái thằng Rồng nó nhỏ hơn mình gần hai tuổi, nó thuộc hàng em út của tui đó bà ơi, bà có lộn không?

Thu cố lên gân cổ cãi lại:

- Ổng để ý bà thiệt luôn đó, ông Hải quân ghé nhà bà lần nào thì ông Rồng theo dỏi ổng lần đó, nhà ông Rồng ở sát vách nhà bà thì bên đó nói gì ổng nghe ráo hết.

Để phá tan cái nghi ngờ của Thu, Hiền chậm rãi nói:

- Không có đâu bà ơi! Thằng Rồng nó qua nhà tui chơi hoài, nhà Rồng nghèo nên ba má tui cũng hay giúp đỡ, có lẽ vì thế nên Rồng mến thôi chứ làm gì có chuyện như bà nói.

Thu cố vớt vát:

- Mấy nhỏ lớp bên nó đồn rùm, tin không tùy bà nghe, thôi vào lớp đến giờ rồi kia.

***

Lần nọ nhân mấy ngày lễ không phải lên lớp, nhận lời mời của ba mẹ Hiền thầy Đặng ghé thăm nhà, cũng có ý dò xét để tìm ý trung nhân cho Hiền nên ông Bà Sáu tổ chức bữa tiệc mời bạn bè thân hữu đến tham dự, thầy Đặng được xem là một trong những nhân vật mằm trong cái lựa chọn trên, anh chàng Hải quân cũng có mặt, Bình đến dự với bộ quân phục màu hoa biển với lon trung úy trên cầu vai áo, Bình thật sự nỗi trội trong đám khách đến dự tiệc.

Trong suốt buổi tiệc, bà Sáu thì lúc nào cũng muốn Hiền quan tâm đến thầy Đặng, vì bà quan niệm có được thằng rể làm thầy giáo thì rạng rỡ cho gia đình thật nhiều, trái lại ông Sáu thì muốn Hiền gá nghĩa với Bình, dù muốn dù không có thằng rể sỹ quan thì còn gì oai bằng, lâu lâu kêu con rể lấy xe Jeep về chở cả nhà ra thị xã giật le với mọi người thì không phải ai muốn cũng được, chỉ tội cho Hiền nàng vẫn ngây thơ trong trắng, chưa nghĩ nhiều về cuộc sống lứa đôi nên này còn phân vân giữa hai làn nước...

***

Image%20result%20for%20đăm%20chiêu


Từ lúc dự tiệc nhà Hiền cho đến nay, thầy Đặng lúc nào cũng đăm chiêu, trong lòng thầy ngổn ngang trăm mối tơ vò, cứ dằn vặt chuyện tình cảm với cô học trò dễ thương kia, tuy thầy muốn ngỏ lời trong một vài lần rất thuận lợi, nhưng mang nặng trong lòng cái đạo đức của nghề nghiệp, thầy quan niệm nếu mình ngỏ lời yêu Hiền thì mặc cảm tội lỗi vì từ xa xưa, xã hội khó chấp nhận tình yêu giữa người thầy một người đưa đò chuyên chở lủ học trò qua dòng sông tri thức với học trò của mình, đôi lúc thầy cũng định đánh liều bất chấp lời ong tiếng ve, bất chấp xã hội khắc khe lên án, thầy sẽ làm theo điều mà con tim mách bảo, nhưng bao lần trôi qua vì lý trí vẫn lấn át khiến con tim thầy đành lỗi nhịp đập.

Riêng Hiền thì cũng có rất nhiều cảm tình dành cho thầy Đặng, nhưng thân phận phái yếu chẳng lẽ Hiền lại mở lời với thầy, không khéo lại mang tiếng "Trâu đi tìm cột", trong thâm tâm Hiền cũng chờ đợi sẽ có một ngày thầy sẽ nhận ra tình cảm của mình và nàng sẽ nhận được tình thư ngỏ ý...

***

Đất nước ngày càng tràn lan cơn binh lửa, rồi thì chiến tranh cũng lụi tàn, vì hoàn cảnh Hiền đã cùng chàng Hải quân "dong thuyền ra biển lớn" và hai người đã thực sự kết duyên tơ tóc sống hạnh phúc bên kia bờ đại dương.

Nơi quê nhà, chiều chiều thầy Đặng thẩn thờ ngồi trên bờ biển vắng, nhìn những con sóng vỗ bờ liên tục, nhìn những con dã tràng cố se những viên cát tròn trên bờ biển, chưa xây được xong lâu đài thì đã bị sóng biển kia xóa nhòa, bất chợt thầy thấy mình như lủ dã tràng kia bao lâu nay cố xây lâu đài trên cát mà chẳng hề hay...

Đang bồi hồi nhớ lại hình bóng của Hiền, bổng bên tai thầy Đặng nghe tiếng gọi:

- Thầy ơi! Thầy về Sài gòn rồi chắc ở đây tụi em sẽ nhớ thầy, và chắc tụi em khóc nhiều lắm thầy ơi.

Giật mình thầy Đặng ngoái nhìn lại phía sau lưng, hai cô học trò Thu và Phượng với gương mặt thật buồn vừa bước đến, hai cô nàng ngồi cạnh thầy rồi lên tiếng an ủi tiếp:

Image%20result%20for%20thăm%20lại%20bạn%20bè%20xưa%20cũ
- Tụi em biết thầy thương con Hiền nhiều lắm, nó đi lâu rồi mà thầy vẫn còn nhớ. Thầy cứ ở lại biết đâu gặp người khác yêu thầy hơn thì sao.

- Cảm ơn hai em, thầy dứt khoát rồi, sáng mai thầy đi sớm, hai em ở lại cố gắng học hành, gia đình gặp nhiều hạnh phúc, có duyên thầy trò mình sẽ gặp lại.

Bất chợt cơn mưa tự dưng ập đến, dường như trời cũng buồn cho buổi chia tay này.

***

Phi cơ đáp xuống phi trường Tân sơn nhất, ra khỏi phi trường Hiền như thấy mình sống lại những ngày xưa, nàng về ngay quê nhà trong đêm.

Sau vài tuần thăm mồ mả ông cha, thăm lại bạn bè xưa cũ, ai cũng mái tóc hoa râm, ăn uống, mừng mừng tủi tủi cho ngày gặp nhau, nhưng vui nhất là Hiền, Phượng, và Thu đã sống lại cái thuở hồn nhiên như thời con gái...

***

Tiếp thầy đặng và một vài bạn bè anh em, Hiền thật vui khi hội ngộ với thầy Đặng, biết thầy có được gia đình yên ấm Hiền rất mừng, trong lúc trà dư hậu tửu nhắc lại chuyện xưa ai nấy cũng bùi ngùi, riêng tôi khi biết được câu chuyện tình thầm kín của hai thầy trò ngày xưa tôi bèn hỏi:

- Hồi xưa Hiền biết thầy Đặng thầm yêu mình không?

Hiền cười rồi nói:

- Biết chứ anh, trông cho ổng lên tiếng mà chờ hoài không thấy, hahaha.

Tôi quay qua hỏi thầy Đặng:

- Sao ngày xưa thầy không chịu mở lời.

Thầy nói:

- Con Hiền này hồi xưa cũng nói bóng nói gió với tui dữ lắm, tui biết hết trơn chứ, nhưng nghĩ lại Thầy mà nói tiếng yêu trò thì khó coi quá nên thôi.

Tự dưng có sự trùng hợp, nhà hàng mở bản nhạc "Yêu một mình" có đoạn:

"Ngày xưa tiếc sao mình không ngỏ, Để rồi chiều nay mình đâu thấy cô đơn, ván kia bây giờ đóng thuyền rồi. Còn gì đâu nữa, thôi đành hẹn trong mơ..."

Nghe xong bản nhạc tôi hỏi vặn thầy Đặng một câu:

- Nếu cho thời gian trở lại thì thầy có lên tiếng nói Yêu Hiền không?

Với cái nghẹn ngào thật lòng thầy nói:

- Tôi nghĩ mình quyết định như vậy là vừa hợp tình vừa hợp lý, nên sẽ không có lựa chọn nào khác cho dù thời gian có quay trở lại.

***

Chia tay hai thầy trò trong buổi hội ngộ sau gần bốn mươi mốt năm, tôi thật sự xúc động và thương cảm cho "Tình thầy trò" này, tôi xin chúc mối tình này giữa thầy và trò được mãi mãi trường tồn với thời gian.

Hai Hùng SG


Chỉnh sửa lại bởi Nhom12yeuthuong - 25/Aug/2016 lúc 3:41pm
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7169
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 27/Aug/2016 lúc 8:29am
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7169
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 29/Aug/2016 lúc 6:50am

Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7169
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 31/Aug/2016 lúc 12:56pm
  Bông Xua Lủa Tím      <<<<<<

Image%20result%20for%20Bông%20Xua%20Lủa%20Tím


Chỉnh sửa lại bởi Nhom12yeuthuong - 31/Aug/2016 lúc 1:11pm
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23786
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 05/Sep/2016 lúc 10:29pm
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7169
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 12/Sep/2016 lúc 3:19pm
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
<< phần trước Trang  of 159 phần sau >>
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.363 seconds.