Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Thơ Văn
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Văn Học - Nghệ thuật :Thơ Văn
Message Icon Chủ đề: Mưa nắng Sài Gòn Gởi trả lời Gởi bài mới
<< phần trước Trang  of 13
Người gởi Nội dung
cao the
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 15/Jul/2011
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 589
Quote cao the Replybullet Gởi ngày: 08/Aug/2015 lúc 10:34pm
Nhà Văn Nguyễn Thị Vinh

Chị Nguyễn Thị Vinh là nhà văn nữ duy nhất trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn , chị có nhiều tác phẩm :
- Hai Chị Em, xuất bản năm 1953
- Thương Yêu , xuất bản năm 1955
- Xóm Nghèo, xuất bản năm 1958
- Cô Mai, xuất bản năm 1972
- V.v…

Nổi tiếng là truyện “Hai chị em”.
Văn chị viết bình dị , nhẹ nhàng , tình cảm yêu thương ấm áp như bản tánh của chị ngoài đời.
Nhà chị Nguyễn Thị Vinh trong chung cư Kỳ Đồng, nằm bên ngã ba đường Kỳ Đồng Trương Minh Giảng. Tâm chị bao la như Bồ Tát Quan Thế Âm, dáng chị như cánh Hoa Mẫu Đơn vững chắc, đôn hậu, trắng đẹp tuyệt vời, ăn nói từ tốn đoan trang, môn tướng học cho là tướng quý phu nhân, nhưng tôi biết đời chị nhiều gian truân, lận đận. Chị bằng tuổi má tôi Tuổi Tý sinh năm 1924 nhưng bắt phải gọi bằng chị xưng em.
Tôi mê anh Nguyễn Hữu Nhật chồng chị lúc chưa gặp mặt chỉ qua 2 bài thơ, chị đọc cho nghe, thật là tuyệt cú mèo:
“ Dù yêu tất cả loài hoa ”
“ Nhưng tôi ghét nhất lại là hướng dương “
“ Mênh mong trời đất vô thường “
“ Lẽ đâu chỉ có một phương mặt trời !* “       
“ Dù yêu tất cả những lời “
“ Nhưng tôi ghét nhất, những lời nói chung “
“ Linh hồn ta đẹp vô cùng “
“ Lẽ đâu lời nói đóng khung một chiều ?! “       
Quá đã !!!

Lâu rồi mới thấy hạt cơm
Quý hơn ( quên ) hoa thơm cài đầu
Lâu rồi mới thấy cọng rau
Quý hơn tay ngọc buổi đầu trao thân
Nghe nói vì mấy câu thơ này anh khăn gói đi học tập lần thứ 2, không biết đúng chăng !
Anh Nguyễn Hữu Nhật tuổi Ngọ sinh năm1942, cùng quê hương với chị Hà Đông người tuổi Ngọ đa tài, anh là Hoạ sĩ, nhà thơ, nhà văn, nhà báo nhà nào cũng nổi tiếng.
Thời gian anh Nguyễn Hữu Nhật đi du học Bắc Việt, nhà vắng vẻ nên chúng tôi thường đến thăm viếng tâm sự. Tập trung đông người cũng sợ, nhưng chị nói không sao vì cháu công an khu vực rất thương chị.
Đến thăm nhau, thế nào chị cũng giữ lại ăn cơm, thời gian này ăn khoai mì sùng, bánh bao hấp, được ăn mì sợi là quý rồi, nhà chị cơm gạo trắng tươi, món thường bắt gặp trong mỗi bửa ăn củ dền đỏ hấphoặc canh củ dền, chị khuyên chúng tôi giữa thời buổi thịt cá khó khăn nên ăn củ dền cho có chất bổ !
Thời gian này chị chơi thân với Chị Hồ Điệp, Nữ sĩ Tuệ Mai và chị Liên. Chị Liên trước đây là nhà xuất bản sách nổi tiếng trên đường Nguyễn Thái Học chồng chị tu theo phái Nguyên Thuỷ vượt biên hiện định cư ở Na Uy đang làm giấy tờ bảo lảnh chị. Chị Nguyễn Thị Vinh đang chờ giấy bảo lãnh của Cô Mai cũng từ Na Uy vì vậy hai vị thân nhau.
Đoàn Yên Linh và chị Hồ Điệp là hai nghệ sĩ ngâm thơ chính cho Thi Văn Tao Đàn. Đoàn Yến Linh cũng thường đến viếng thăm chị, mỗi lần anh đến thì y như rằng Nhạc sĩ đàn Tranh Thạch Cầm kèm theo. Một buổi tối lần đầu tiên tôi được nghe chị Hồ Điệp ngâm bài thơ “ Màu tím Hoa Sim “ của Hữu Loan
Chất giọng bay bổng tuyệt vời, chuyển tải lòng chân thành thỉnh thoảng chen vào những nấc nghẹn. Thơ thì buồn, giọng ngâm lại đoạn trường đưa hồn tôi lâng lâng kỳ ảo như lạc vào thế giới nào , Hồ Điệp, Hồ Điệp !!!
Trong một lần văn nghệ bỏ túi Đoàn Yến Linh kèm theo nghệ sĩ Bắc thế hệ 2 nút vừa gặp anh đã chiếm được cảm tình của mọi người bằng phong cách lịch sự lễ phép không kênh kệu chiến thắng như những vị khác.
Đoàn Yến Linh giới thiệu anh là :
Đức Thành, sinh viên ngành nhạc dân tộc môn Đàn Bầu. Đoàn anh 10 vị ngoài Bắc được gởi vào Nam học hỏi nghiên cứu sâu về chuyên môn. Hiện anh đang chuyển hệ : liêu hò sự cống sang đồ rê mi fa sử dụng trên cây đàn Bầu.
Ngày trước đi về Cần Thơ ngang Bến Lức xe dừng lại chờ qua cầu, trông thấy lão nghệ sĩ mù Đàn Bầu chỉ một dây mà đủ cung bậc tiếng đàn ai oán, đoạn trường. Nghe người lớn nói ông Tổ Đàn Bầu vốn mù nên những ai học môn này nếu giỏi thì Tổ làm mù mắt hết, hỏi :
- Tổ làm mù bằng cách nào ?
họ bảo :
- Tổ làm cho đứt dây đàn, đầu dây đứt quật lại đâm vào mắt
tôi chợt nghĩ Tổ nào chơi ác với lớp hậu sanh như vậy, mà nếu đúng như vậy tội nghiệp cho anh quá, một tinh hoa của dân tộc !
Tiếng đàn Bầu tuyệt vời hoà quyện với tiềng đàn Tranh du dương, nhắm mắt lại tôi thấy như Rồng Phượng đang vờn nhau, giọng ngâm Đoàn Yến Linh chân thành man mác buồn xa vắng chuyên chở những sầu khúc ! tiếng đàn giọng ngâm cứ đan quyện vào nhau bay bổng đưa chúng tôi phiêu bạt cõi nào !
Từ ngày đấy thân tình giữa chị và Đức Thành mỗi ngày mỗi gắn bó hơn
Thời gian này chị thường đi thăm chị Tuệ Mai, đi chùa và viết truyện, đi đâu trông thấy điều gì việc gì chị cũng ghi vào giấy. Nhiều khi chúng tôi được chị đọc cho nghe một vài đoạn hoặc hết cả một truyện ngắn
Chị nhẹ nhàng dễ thương trãi lòng ra thương mến hết mọi “ chúng sanh “ quẩn quanh bên chị . Khi ngạc nhiên điều gì chị thường trợn to đôi mắt tròn xoe rồi cười nụ cười của chị với chị Hồ Điệp đối chọi nhau một bên sang sảng hồn nhiên một bên mũm mĩm êm ái lạ thường !

Qua chị Nguyễn Thị Vinh tôi được quen biết nhiều vị :




Chị Hồ Điệp

Nữ nghệ sĩ Hồ Ðiệp, tên thật là Nguyễn Thị Tý, tự là Nhu, sinh năm Canh Ngọ 1930 tại Sơn Tây. Giọng ngâm chị chuyên chở nổi đoạn trường, tiếng cười hào sảng hết lòng, hai điều mâu thuẩn nhau làm đời chị đau khổ
Chị có con trai học Sư Phạm ra trường dạy học ở Rạch Giá đã vượt biên
Chị Hồ Điệp thời gian này chờ vượt biên lúc rảnh rổi thường ghé nhà chị Nguyễn Thị Vinh tâm sự. Tôi không bao giờ quên câu chuyện cười có thật chị kể như sau:
Nhà thơ Đinh Hùng chủ xị Chương Trình Ngâm Thơ Tao Đàn trên đài phát thanh Sài Gòn, Ông rất hào sãng, anh em nghệ sĩ kẹt tiền là có ngay, nên thường lấy 2 câu trong truyện kiều để trêu ghẹo. Một hôm chương trình diển ngâm Kiều, tiếng Đàn Tranh, tiếng Sáo Tô Kiều Ngân vang lên Chị Hồ Điệp cất cao giọng:
“ Rằng nghe nổi tiếng cầm đồ “
“ Trong rương sẳn có một bồ biên lai “
Hai câu quen miệng đến độ trong Ban diển ngâm không ai biết bị “trật đường rầy” đến chừng có người phát hiện, ngưng … quây … mở ra xem lại mọi người cười ra nước mắt !
Chị Hồ Điệp tánh tình rất dể thương, vui vẽ hoà đồng, chị thích đi chùa, ưa làm việc thiện như chị Nguyễn Thị Vinh, một hôm hai chị rủ:
- “ Em đi vượt biên, không tụng kinh Pháp Hoa làm sao mà đi được, không nghe thiên hạ nói kinh Pháp Hoa là kinh vượt biên sao ? “
Chùa Pháp Hoa tọa lạc bên Cầu Trương Minh Giãng, hôm nay ngày Chúa Nhật thật là đông, kinh Diệu Pháp Liên Hoa 7 quyển 28 phẩm, chỉ đọc trong ngày, thiện nam tín nữ người Bắc tốc độ đọc kinh tương đương với ánh sáng, buông quyển kinh ra mệt ứ hơi. Đọc kinh kiểu này thiệt là uổng kinh, uổng sức hết biết!
Thần Hội ngày xưa đọc kiểu hoả tiển này, cho nên chẳng bao nhiêu tuổi mà đọc hơn ba ngàn lần, lất khất bị Lục Tổ quánh ! Nếu Ngài Lục Tổ ở đây chắc mấy bà và cả tôi nữa sẽ bị Tổ rượt chạy có cờ!
Chùa Pháp Hoa Thầy trụ trì Hoà Thượng Thích Tuệ Hải, chùa trang trí toàn là đồ xịn, những pho tượng Phật bằng trầm hương, những khối trầm hương to đùng tự nhiên đẹp hết biết!
Còn nhớ mùa Vu Lan nhóm chúng tôi thường đi các Chùa phụ diển văn nghệ lần nọ đến Chùa Thanh Minh Thiền Viện, chị Hồ Điệp ngâm bài Ngọn Lửa Từ Bi của Cố Thi Sĩ Vũ Hoàng Chương :
“ Lửa, Lửa cháy ngất toà sen “
“ Tám chín phương nhục thể trần tâm hiện thành thơ, quỳ cả xuống “
Quỳ cả xuống, như một lệnh truyền tất cả đạo tràng kẻ ngồi người đứng tự dưng quỳ cả xuống.
Mùa Vu Lan này Thầy Thích Quãng Độ mẹ vừa qua đời được gắng lên ngực áo đoá hoa Hồng trắng thầy khóc như trẻ thơ, Thầy là người rất có hiếu với mẹ, làm cả đạo tràng xúc động vô cùng.
Chị có thời gian ngắn ngủi sống hạnh phúc với anh Lữ Hồ vừa tốt nghiệp khoá học từ Bắc về, Lúc đó anh chị ở tại Quán Ốc trên đường Thái Lập Thành, giờ là Phan Xích Long, P3, Quận Phú Nhuận. Anh viết bài thơ “ Vợ tôi mặc áo bà ba “ chị rất thích. Từ lúc có anh Lữ Hồ ít khi gặp chị
Chị dẫn đi chùa Pháp Hoa mấy lần tụng kinh Pháp Hoa để cầu vượt biên, tôi đi hoài không được năm 1985 bèn lẳng lặng rời xa nhóm về Long Xuyên mua ve chai lông vịt, chị em không liên hệ nhau. Năm 1987 trở về Sài Gòn bạn bè cho hay chị bỏ mình trên con đường tìm tự do !
Chị ơi ! lời kinh Pháp Hoa mà chị em mình tụng đọc đã không được ơn trên chấp nhận rồi, tội cho cháu gái và con trai chị,Tiến Sĩ Nguyễn Quốc Quân ở nước ngoài mong chờ mẹ từng ngày ! Qua trang viết này em cầu mong chị an lạc trong cõi vĩnh hằng.

Cao Thệ
IP IP Logged
cao the
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 15/Jul/2011
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 589
Quote cao the Replybullet Gởi ngày: 30/Aug/2015 lúc 12:38am
Tuệ Mai

Nữ Sĩ Tuệ Mai, tên thật Trần Thị Gia Minh sinh năm 1928, con gái của cụ Á Nam Trần Tuấn Khải, nhà trên đường Nguyễn Chí Thanh, Ngã Sáu Chợ Lớn gần đường Nguyễn Tiểu La.
Tác Phẩm đã xuất bản:
- Thơ Tuệ Mai 1962 (tựa Nguyễn Sỹ Tế),
- Không Bờ Bến 1964,
- Như Nước Trong Nguồn 1969,
- Trên Nhánh Sông Mưa 1970,
- Về Phía Trời Xanh 1973.
chị Tuệ Mai là bạn cùng trang lứa với chị Nguyễn Thị Vinh. Hai người rất thân nhau.
Khi biết nhau, chị Tuệ Mai mang chứng bệnh ung thư giai đoạn cuối, chị thường cùng với chị Vinh đến nhà Chị Trinh Thục ở Ngã Bảy trên đường Lý Thái Tổ nhờ cứu chửa. Chị Trinh Thục có biệt danh là Quỳnh Y Trinh Thục phong thái siêu phàm, hoà nhã, vừa thấy đã mến, vừa nghe tiếng nói đã kính thương, tôi mê những hòn non bộ kiểu Nhật bạn bè tặng, chị trang trí trong phòng thờ thật là tuyệt.
Những năm đầu của chế độ mới, chị vẫn ung dung chửa bệnh cứu người tại nhà thật đáng kính. Dù được chửa trị tận tâm nhưng chị Tuệ Mai qua đời vào ngày đầu năm Nhâm Tuất 1982 vì chứng bệnh quái ác !
Chồng chị Nhà sư thi sĩ Phạm Thiên Thư, tác giả quyển Đoạn Trường Vô Thanh nổi đình nổi đám một thời.
Dù tuổi đời giữa hai người chênh lệch nhưng tình yêu thì không tuổi, Mẹ anh đã đem trầu cau xin cưới chị Tuệ Mai cho anh.
Tình thơ dệt “ Động Mai Vàng “, hạnh phúc không được bao lâu… Trong lần anh chị đến thăm nhà văn chuyên viết chuyện đường rừng Hoàng Ly tác giả quyển Giặc Cái, cô con gái có đôi mắt rất to đã hốt hồn Phạm Thiên Thư.
Chị Tuệ Mai biết hết nhưng không nói ra, sau cùng Phạm thiên Thư to nhỏ :
- Tuệ Mai không sanh nở được, Thiên Thư còn trẻ cần phải có con nối dòng …”
Thế rồi chị đứng ra thay mẹ đi cưới vợ cho chồng rồi ôm đồ về ở tại căn nhà trên đường Nguyễn Chí Thanh với căn bệnh cùng vết thương lòng. Thui thủi một mình cho đến ngày đầu năm 1982 chị ra đi, ngày đưa chị … buổi trưa hôm đó tôi tìm không thấy anh, thật là … đáng trách !
Chị Tuệ Mai và gia đình đã dệt hoa thiêu gấm trên đường anh đi, chị lại còn chơi đẹp đến phi thường, thế mà anh đối xử với chị quá tệ!
Tôi thương quý chị Tuệ Mai và cả Phạm Thiên Thư nửa, nhưng không thích cách cư xử của anh với chị. Vẫn biết rằng nhân quả chi phối việc mình làm nhưng … như thế thì đáng buồn !
Sau ngày tan hàng, một người bạn chồng là Linh Mục ra đời, đã nói với tôi thế này:
Nhất quỹ, Nhì ma, Thứ ba tu xuất
Anh cũng nằm trong dạng này ? tôi thấy và biết sau khi làm rể Hoàng Ly anh trãi qua nhiều mối tình nhưng đời bướm …! Chạy hoài theo những cãm thọ sao ?
Ông chủ quán Cà phê “ Động Hoa Vàng “ ơi ! Anh là nhà tinh thông Phật pháp, chuyển những bài kinh văn xuôi thành thơ rất tài tình, ăn nói có duyên tài hoa, tự đáy lòng tôi rất mến anh ngay từ ngày gặp đầu tiên bên nhà anh Trụ Vũ. Hảy tĩnh thức dừng chân lại kẻo muộn !

Chị Nguyễn Thị Thuỵ Vũ.

Nguyễn Thị Thuỵ Vũ, theo lời chị Nguyễn Thị Vinh kể lại, chị xuất thân gia đình danh gia vọng tộc ở Vĩnh Long. Chị dạy học và viết văn chồng chị là nhà thơ Tô Thùy Yên hai người ăn ở với nhau sinh được, hai gái, một trai.
Về nghiệp văn chị đoạt Giải nhì Văn chương toàn quốc năm 1970.
Văn chị viết cháy bỏng, tình yêu rực lửa, những quyển tiểu thuyết làm xôn xao giới trẻ thời ấy gồm:
- Mèo đêm, tập truyện, nhà xuất bản Kim Anh 1966
- Lao vào lửa, tập truyện, nhà xuất bản Kim Anh 1967
- Chiều mênh mông, tập truyện, nhà xuất bản Kim Anh 1968
- Ngọn pháo bông, truyện dài, nhà xuất bản Hiện Đại 1968
- Thú hoang, truyện dài, nhà xuất bản Hồng Đức 1968
- Khung rêu, truyện dài, nhà xuất bản Kẻ Sĩ 1969.
Chị cộng tác với nhiều Báo và Tập chí như: Bách Khoa, Tiểu Thuyết Thứ Năm, Tin Sáng, Đời v.v…
Tôi còn nhớ thật ít về chị, dáng người khắc khổ nổi bật trên gương mặt rám đen là cái trán cao.
Con gái út sinh năm 1973, Chẳng may lúc chưa đầy 2 tuổi, chị người làm giữ bé không cẩn thận để cháu bị té từ trên giường đầu đập xuống nền gạch, chấn thương sọ não rất nặng. Cháu sống đời sống thực vật, chỉ nằm một chỗ, không biết gì. Chị vẫn yêu thương an ủi người giúp việc chị thật tuyệt vời ! Với chị trong hoàn cảnh nào tình yêu con bao giờ cũng thiết tha, tận tuỵ. Đáng làm gương cho nhiều người.
Tôi mến chị vì bản chất miền Tây, thật lòng, bộc trực, cuộc đời gian truân, khi thì đi kinh tế mới, lúc trở về làm lơ xe chạy tuyến Sài Gòn Thủ Đức chị nói suốt ngày đứng một chân đến kiệt sức, nhiều khi về sớm chị ghé nhà chị Vinh bới cơm cho thức ăn vào tô ăn vội rồi ra đi. Chị không có thời gian nhàn rổi như chúng tôi, chợt đến chợt đi, không tham gia văn nghệ văn gừng gì cả. Một hôm chị ghé giả từ chị Vinh về Lộc Ninh làm lò bánh mì từ ấy đến nay không gặp.
Tôi kính phục chị trong cuộc làm người, ở vai nào chị đóng cũng tròn, chấp nhận và chân thành !
Chị Nguyễn Thị Vinh được bảo lãnh đi Na Uy, sau đó anh Nguyễn Hữu Nhật tốt nghiệp trở về tôi có ghé nhà thăm một lần sau đó anh sang đoàn tụ với chị.

Cao Thệ
IP IP Logged
cao the
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 15/Jul/2011
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 589
Quote cao the Replybullet Gởi ngày: 09/Sep/2015 lúc 11:42pm
THUỴ LAM THUỴ Ý


Thụy Lam, tên thật là Phạm Dân Chủ, sinh năm 1945 tại Tân Châu Long Xuyên. Gia đình sang Campuchia sinh sống . Theo học trường dòng Thiên Chúa giáo.
Thuỵ Lam ít nói, hiền lành, tâm Phật, giản dị hoà đồng, nụ cười mĩm chi cọp thật an lành, cuộc sống rất bụi Thuỵ Lam Điêu khắc gia, chuyên đấp những tượng Phật lớn nhất ở Việt Nam như :
- Tượng Phật Di Lặc ở Thiên Cấm Sơn, Châu Đốc.
- Tượng Phật Di Lặc, Phật A Di Đà ở chùa Vĩnh Tràng, Mỹ Tho, Tiền Giang.
- Tượng Bồ Tát Quan Thế Âm ở Bãi Bụt, Sơn Trà, Đà Nẳng
- Chùa Quan Âm Nam Hải toạ lạc ở nhà mát Bạc Liêu ( viếng chùa thấy trang trí tranh tượng phong cách Thuỵ Lam nói đại hy vọng trúng )
- V.v…
Thời Lonnol Thuỵ Lam chạy về Việt Nam, nhà gần chợ Ông Tạ trên đường Cách Mạng Tháng Tám, hẻm gần hồ bơi Cộng Hoà đi sâu vô trong phải qua nhiều ngã quẹo. Căn nhà đơn xơ mẹ già, vợ giáo viên dạy Pháp văn cùng mấy con nhỏ
Sau ngày trời sập có thời gian đi mua phế liệu. Tiền bối Trụ Vũ thấy anh có khiếu về điêu khắc nên giới thiệu anh với phái Khất Sĩ và anh đến với chúng tôi trong thời gian đấp cây Bồ Đề tại Pháp Viện Minh Đăng Quang. Thuỵ Lam đi làm suốt ngày ngủ hết chùa này đến chùa khác vì vậy anh giải thích tên Thuỵ Lam là ngủ chùa.
Tổ Đình Quan Thế Âm, nơi Bồ Tát Thích Quãng Đức trụ trì nằm trên đường Nguyễn Huệ, Phú Nhuận. Ngày giải phóng bọn lính nguỵ chúng tôi thành khẩn đem quân trang, quân dụng giao nợp và trình diện tại đây. Súng chất đống như củi, trước điện thờ Phật, mấy thầy y chang như cán bộ ban quân quản, kiểm tra súng ống kéo “cu lát” ra bóp cò tách…tách , xem xét lựu đạn nổ, lựu đạn cay. Thật chuyên nghiệp! sau cùng cấp cho giấy chứng nhận. Ngon lành !
Thầy Thích Thông Bữu Sư trụ trì, đệ tử chân truyền của Ngài Bồ Tát Thích Quãng Đức mời Thuỵ Lam trang trí lại Chánh Điện và đấp một số tượng Phật, cùng với điện thờ Thầy Tổ
Vào thời gian này quý thầy ở Sài Gòn không ai dám thuyết pháp trừ thầy Thích Thông Bữu, tướng mập mạp rất vui tánh trưa Chúa Nhật thầy giảng kinh Pháp Hoa, Thiện Nam Tín Nữ đến nghe thầy giảng chật cả chùa, nhiều người phải ngồi trên mả bên ngoài ranh chùa ngóng tai nghe. Thầy giãng kinh dông dài nhưng ít lạc đề như mấy vị khác, mà thường chen vào những câu hỏi không giống ai, thí dụ anh Trụ Vũ hôm nay ngồi đâu ? Thuỵ Lam lên thầy nhờ chút, Thạch Cầm đâu rồi v.v… lũ chúng tôi lăng xăng như khỉ đột lúc núp góc cột này, khi ở nhà bếp, đôi lúc ở ngay phòng Thầy uống trà nói dóc, không hiểu nổi !
Có gì đâu Thầy điểm danh ai có mặt, sau buổi giảng lên phòng Thầy uống trà được Thầy cho 5 đồng, sau đó nhập lại cả bọn đi nhậu, uống cà phê, mát trời ông địa.
Kinh Pháp Hoa chưa giảng hết, hà cớ gì không được giảng nữa ? có vấn đề. Thầy giao chùa cho mấy sư em, rồi đi “ du phương “ đâu đó, sau này nghe tín nữ Trúc Hạnh đệ tử ruột của Thầy nói bị đi đày chứ đi đâu!
Chùa Từ Tân hẻm 86 đường Trường Chinh, quận Tân Bình, giáp ranh với hàng rào kẻm gai vòng đai Phi Trường Tân Sơn Nhất, xa nữa phía trong là đường vòng đai phi trường nay là đường Nguyễn Thái Bình. Nơi này năm Mậu Thân việt cộng từ nghĩa trang của Pháp bò vào bị đập chết hơi nhiều. Tôi có kỹ niệm với Thuỵ Lam khi anh đấp tượng Thiện Tài Đồng Tử trong hồ sen trước chùa Từ Tân đường nét cách tân với những hoa văn tuyệt đẹp.
Tình cờ đi xuống hậu liêu bàn thờ Hậu Tổ thấy treo hình Tổ Bồ Đề Đạt Ma do hoạ sĩ Lê Trung vẽ in trên giấy cứng được cắt bỏ chỉ còn thân người treo tòn ten trên cây cột, bạn tôi đầu sói râu quai nón khoái lắm tìm hình Tổ hoài không gặp. Nhờ Thuỵ Lam xin , anh bảo:
- Lấy đi, xin ai cho !
Anh ra ngoài chánh điện kéo Thầy trụ trì đến phía hồ nước nơi anh đang thi công làm bộ hỏi nầy hỏi nọ, thừa dịp tôi nhanh tay gở hình Tổ ra nhét vào áo, chào Thuỵ Lam rồi ra về.
Hiện nay Chùa Từ Tân được xây dựng rất lớn không còn hình dáng ban đầu chỉ còn hồ nước nơi Đức Quan Âm cùng Thiện Tài Đồng Tử . Thầy trụ trì là bạn thân với Thích Chân Quang con ông Hồ Chí Nghĩa cháu nội Nguyễn Sinh Sắc ở Đồng Tháp .
Hỏi vì sao phải làm việc một mình bước xuống trèo lên thật mệt Thuỵ Lam nói, đệ tử cũng nhiều nhưng khi đấp tượng anh đứng trên cao đệ tử ngồi dưới bị tín nữ nheo mắt dẫn đi hết, giờ còn mình anh !
Cho đến một ngày nhân Duyên dẫn đến “ Người yêu của Lính “ biệt danh nhà thơ Lý Thuỵ Ý xuất hiện anh lộn nhào.

LÝ THUỴ Ý

Lý Thuỵ Ý tên thật Nguyễn Thị Phước Lý, tuổi Đinh Hợi sinh năm 1947, Gốc Huế. Là nhà văn, thi sĩ nổi danh từ trước 1975. Thư ký toà soạn tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong trông coi mục Văn nghệ kaki.
Lý Thuỵ Ý một Mai Lệ Huyền trên văn đàn, nam tính nên đường tình truân chuyên, thơ thất tình của Thuỵ Ý đọc lên nghe cũng thấy vui như bản tính của chị, ồn ào tự nhiên nói cười thoải mái. Đến đâu thì không khí sinh động lên ở đó.
TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN :
- Theo Triền Nắng Đổ, truyện xuất bản năm 1970
- Khói Lửa 20, thơ, xuất bản năm 1972
- Người Sau Tuyến Lửa, truyện xuất bản năm1972
Bài thơ Lính Mà Em rất nổi tiếng

LÍNH MÀ EM!

Mình trách anh hay hồi âm thư trễ
- Em đợi hoài! Em sẽ giận cho xem
Thư anh viết: - Bao giờ anh muốn thế
Hành quân hoài đấy chứ - Lính mà em!

Anh gởi về em mấy cành hoa dại:
- Để làm quà không về được Noel
Không đi lễ nửa đêm cùng em gái
Thôi đừng buồn em nhé - Lính mà em!

Đêm biên giới kê đầu lên báng súng
Trăng tiền đồn không đủ viết thư đêm
Nên thư cho em nét mờ, chữ vụng
- Hãy hiểu dùm anh nhé - Lính mà em!

Qua hành lang Eden ghi kỷ niệm
Buổi chiều mưa hai đứa đứng bên thềm
Anh che cho em khỏi ướt tà áo tím
- Anh quen rồi, không lạnh - Lính mà em!

Ngày về phép anh hẹn mình dạo phố
Tay chinh nhân đan năm ngón tay mềm
Mình xót xa đời anh nhiều gian khổ
Anh cười buồn khẽ nói: - Lính mà em!

Ghét anh ghê! Chỉ được tài biện hộ
Làm người ta càng thương mến nhiều thêm
Nên xa lánh những cuộc vui thành phố
Để nhớ một người hay nói: - LÍNH MÀ EM!

Lý Thuỵ Ý

Ngày trước tôi cũng đã xem thơ Thuỵ Ý nhưng từ khi hai Thuỵ gặp nhau, thơ của Thuỵ Ý bổng trở nên mượt mà hơn, dữ dội hơn và cũng già dặn hơn, nhiều bài thơ viết tốc hành bên bàn nhậu, tại bàn uống cà phê nhưng thâm thuý, phơi trãi nội tâm nhiều sâu sắc.
Đường nét những bức tượng, hoa văn của Thuỵ Lam bắt đầu bớt góc cạnh, mượt mà lã lướt hơn, tình yêu khai mở nhiều điều thật tuyệt vời.
Một Thuỵ thì trầm ngâm sâu lắng, một Thuỵ thì sôi nổi ồn ào họ gặp nhau, đây là công án đời thường, Duyên khởi dành tặng Thuỵ Lam !
Chuyện tình Thuỵ Lam Thuỵ Ý không hiểu vì sao, chị Thuỵ Lam biết được, chị đã ốm giờ gầy hơn, Bác gái cũng buồn.
Cho đến một ngày bạn bè hay tin Lý Thuỵ Ý bị bắt giam sau Thầy Doãn Quốc Sỹ vài ngày, không lâu Thuỵ Lam cũng được mời đi học.
Tình yêu hai Thuỵ tạm ngưng !
Những vị lãnh đạo tinh thần, trước khi rao giảng hoặc thuyết pháp vị nào cũng nhập thất có vị ba chục ngày, vị bốn chín ngày…
Duyên khởi đẩy đưa “ nhập thất tù “, sau ngày ra khỏi “ mật thất “ nhập vào cuộc sống Thuỵ Lam âm thầm phiêu bồng với ngày tháng, thăng hoa công việc của mình thành công này tiếp nối thành công nọ, khác với nhóm thầy tu trong Chùa, anh là vị Thầy Tu trong Đời. Một bậc Thầy đáng kính !
Kẻ tu trong Chùa với người tu ngoài Đời, vị tu ngoài đời khó hơn bởi các pháp hành thực tập nhiều hơn đến không báo trước mọi lúc mọi nơi.
Tôi nghĩ Giác Ngộ không có gì cao xa vi diệu cả, đơn giản là biết những việc mình đang làm, thế thôi ! vì vậy tôi cho anh là vị Đạo Sư tu trong đời đã giác ngộ.
Trong tù chẳng biết thế nào Lý Thuỵ Ý cặp bồ với vị cán bộ người Bắc 2 nút còn trẻ làm thất thoát tiền nhà nước bị tù, thiệt là Duyên khởi lạ hết biết.
Sau ngày mãn hạn tù Lý Thuỵ Ý mời đến nhà chơi, bồng con ra chào bác, quá giỏi! Nhà Thuỵ Ý thật hoành tráng trong khu vực chợ Phạm Văn Hai trước 30 tháng 4 là khu nghĩa địa, còn cho biết có cả mẫu đất dưới Nhà Bè.
Sau cuộc tình Thuỵ Ý cũng thăng hoa, Hoa Đời !

Cao Thệ
IP IP Logged
cao the
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 15/Jul/2011
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 589
Quote cao the Replybullet Gởi ngày: 17/Sep/2015 lúc 6:06pm
Anh Chị Thanh Quỳnh

Chị Quỳnh dòng dõi Hoàng Tộc cháu Ngoại của Tuy Lý Vương con thứ mười một của Vua Minh Mạng.
Dáng chị ngồi như núi, ngồi càng lâu càng thấy vững, tướng học nói tốt vô cùng, trán chị hình gan gà thật tốt nhưng tiếc là tóc quăn tiếng nói hơi khao khao vì vậy hậu vận sẽ gặp những điều rất bất ngờ !
Chị là quyển tự điển sống về văn học, Anh Thanh chồng chị nhỏ con nổi bật với hàng râu mép giản dị, vui vẻ hoà đồng lúc nào cũng cười khà khà, phong cách lịch lãm, quan tâm đến mọi người. Anh chị giao du rất rộng với văn nghệ sĩ từ thời còn sống trên Đà Lạt, sau biến cố 75 dọn về Sài Gòn.
Rất đông con, các con chị học hành rất giỏi, tên những cô gái khởi đầu bằng chử Giáng, Giáng Hương, Giáng Tiên, Giáng Châu, Giáng Ngọc … hầu hết các Giáng nhà chị là giáo viên. Hai con trai Nguyên, Đạm, dạy trường Bách Khoa Phú Thọ được học bổng sang Canada du học đậu, bằng Tiến Sĩ còn rất trẻ báo chí Canada loan tin khen ngợi, hiện sinh sống tại Canada, người còn lại ở Việt Nam là Bác sĩ Tuyền dạy Đại Học Y Dược Sài Gòn..
Qua anh chị Thanh Quỳnh, tôi được tiếp xúc nhiều nhân vật nổi tiếng thời bấy giờ như Lão Nhạc sĩ Tiền Bối Lê Thương, Nhạc sĩ Y Vân, Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, ba vị này hiền lành dể thương vô cùng, tôi không thể nào hình dung được tác phẩm và con người lại đối chọi bóp chát với nhau. Hai ông điềm đạm từ tốn như nhà giáo nghiêm khắc lại viết nhạc giựt gân hết biết, ông già hiền hậu ít nói mà nhạc lại oai hùng mạnh mẽ.
* Tôn Nữ Hỷ Khương
Tôn Nữ Hỷ Khương tên thật là Công Tằng Tôn Nữ Hỷ Khương , sinh năm 1937 tại Huế là con của nhà thơ nổi tiếng Ưng Bình Thúc Giạ Thị, cháu nội của Tuy Lý Vương, chị em cô cậu với chị Quỳnh, anh chủ nhà in, không thơ văn hiền lành ít nói thường chở chị trên xe Vespa đến nhà chị Quỳnh chơi vào ban đêm.
Các tập thơ đã xuất bản:
- Đợi mùa trăng, năm 1964
- Mộng thanh bình, năm 1970
Có tên trong thi nhân Việt Nam thế hệ 1954 – 1973
Không chuyên nghiệp nhưng trời cho chị một giọng ngâm thơ lay động lòng người, không phải ai cũng được nghe !

* Nữ Hoạ Sĩ Hoàng Hương Trang
Nữ Hoạ Sĩ Hoàng Hương Trang, giáo sư trường Đại học Mỹ Thuật Sài Gòn
Tên thật: Hoàng Thị Diệm Phương, Sinh năm 1938 tại Huế
Tốt nghiệp cao đẳng Mỹ Thuật 1960
Sư Phạm Mỹ Thuật 1961
Nghiên cứu Mỹ Thuật Á châu (Tokyo1963)
Giải thưởng:
- Nam Phương Hoàng Hậu
- Giải hội hoạ vẽ biểu mẫu nhà máy xi măng Long Thọ Huế 1958
Chị rất tài hoa có giọng ngâm trời cho, bình dị mà buồn da diết lay động lòng người. Nhà chị ở khu vục Ngã Năm Gia Định trong một không gian hữu tình

* Anh chị Nhạc sĩ Tuấn Khanh
Nhạc sĩ Tuấn Khanh, anh còn là ca sĩ tên thật là Trần Ngọc Trọng sinh năm 1933, anh viết rất nhiều nhạc những bài :
- Quán Nửa khuya
- Chiếc lá cuối cùng
- Hoa soan bên thiềm cũ
thời tôi còn trẻ đi đâu cũng nghe hát. Chị là người đàn bà đảm đang, hiền lành dễ thương những năm 78-79 chị ở nhà làm Patê gan rất tuyệt, bỏ mối kiếm sống qua ngày.
Chúng tôi ngụ cùng xóm trên đường Chi Lăng, anh là bạn với anh tôi nhạc sĩ Long Thanh ( Thanh Què ) chơi B*** trong ban nhạc Jo Marchel.
Anh Tuấn Khanh bảo với tôi :
- Anh có công với cách mạng !
Nhìn qua đôi kính lão quan sát thấy anh thật lòng nên nói :
- Thôi đi , đừng thấy người ta sang, bắt quàng làm họ !
- Thiệt mà, em ca bài Quán Nữa Khuya của anh xem nào.
Tôi ca liền:
- Quán của tôi cà phê với hủ tiếu, cá kho tiêu thì ăn với bánh mì
Anh nhìn tôi nghiêm khắc :
- Chú mày nghe đây, “ Sóc Bom Bo chập chùng bên ánh lửa …” đoạn này anh sáng tác đó !
- Ừ thì anh có công với cách mạng !
Tôi đi vượt biên chung với anh và nhạc sĩ Trương Quang Ngọc ở xã Phước Hoà, Bà Rịa nằm ổ mấy ngày, bị động phải ra về !
Chuyến sau các anh đi được hiện ở Mỹ, Trương Quang Ngọc định cư ở Úc.
* Nhà văn, nhà thơ Cao Mỵ Nhân
Cũng tại đây tôi được gặp Nhà Văn, Thi Sĩ Quân Đội Cao Mỵ Nhân, Chị Sinh tại Chapa, Hoàng Liên Sơn. Di cư vào Nam 1954. Học sinh trung học Trưng Vương Sàigòn. Sĩ quan VNCH cấp bậc Thiếu Tá Trưởng phòng xã hội, bộ tư lệnh quân đoàn I. Sau 1975 bị tù cộng sản.
Chị vui vẻ với mọi người và rất dể thương, nhiều chuyện vui kể ra cười rớt nước mắt ! Biết chị từ những ngày còn rất nhỏ, xem trong tờ Thế Giới Tự Do bài viết nói về chị, nhưng đến khi tóc muối tiêu mới gặp được chị trên nhà Chị Quỳnh. Chị và tôi cùng một họ với nhau mà.
Chị là nhà thám tử tài tình rất là siêu, chiến công để đời của chị trong một lần giặt quần áo cho chồng, nhìn thấy một sợi tóc dài trong khi chị lại cắt tóc ngắn, sợi tóc nằm quăn queo dấu mình trong túi áo lính dầy cui của anh, phải tìm cho ra người chủ của sợi tóc kỳ bí này, thế mà chị tìm được ” bát phở “ của chồng, tay nghề còn cao hơn 007 một bậc.
Chị hiện đã sang Mỹ, anh Vũ Hối nói cho tôi biết như vậy !
* Mệ Bữu Lộc
Ông sinh năm 1911 tại An Cựu, thành phố Huế . Tuổi15, 16 Mệ Bửu Lộc đã chơi thuần thục điêu luyện 4 loại đàn : tranh, tì bà, nhị cầm, nguyệt cầm, đàn tranh là ngón sở trường nhất của Mệ
Trước 75 Mệ Bữu Lộc là Giáo Sư dạy nhạc dân tộc trường Quốc Gia Âm Nhạc tại Huế, con gái là Cô Thuỷ cũng dạy nhạc chồng là Anh Sơn, Anh Sơn đánh đàn ghi ta tay trái, thật giỏi hát nhạc sến không nghe chất sến chút nào mượt mà không chê vào đâu được, Cả ba vị hiền lành dễ thương vô cùng, nhà Mệ nho nhỏ tán cây Mận che mát khoảng sân trước nhà nằm trong hẻm trên đường Điện Biên Phủ đối diện với Bệnh Viện Bình Dân.
Sơn Thuỷ hiện định cư tại Mỹ

Cao Thệ
IP IP Logged
cao the
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 15/Jul/2011
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 589
Quote cao the Replybullet Gởi ngày: 30/Sep/2015 lúc 11:38pm
Hẹn nhau

Hạnh phúc như mây, tựa ráng chiều
Mây tan, nắng tắt trời cô liêu
Dư hương sót lại đau đòi đoạn
Đau trái tim đau … nuối tiếc nhiều !

Nghiệp hết duyên tan, xa rời xa
Người đi, kẻ ở mắt môi nhoà
Nhìn nhau chẳng thấy, nhìn nhau mãi
Đau hết đau hoài … đau xót xa !

Anh viết gởi em bài thơ này
Bài thơ của thuở bướm hoa say
Một năm biền biệt trời thương nhớ
Sẽ gặp nhau, nhưng chẳng hẹn ngày !

Cao Thệ


Chỉnh sửa lại bởi cao the - 30/Sep/2015 lúc 11:56pm
IP IP Logged
cao the
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 15/Jul/2011
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 589
Quote cao the Replybullet Gởi ngày: 23/Oct/2015 lúc 1:25am
Thưa các bạn !
Hôm nay ngày 23 tháng 10 nhà tôi :
Nguyễn Thị Bích Hồng
Qua đời tròn một năm.
Đã được
- Bệnh Viện National Institutes of Health Tiểu Bang Maryland tận tình chăm sóc.
- Bệnh vào giai đoạn cuối về Tiểu Bang California đã được Công Ty VITAS cử Bác Sĩ, Y Tá và nhân viên đến tận nhà chăm sóc miễn phí
Sau 7 năm 4 tháng nhà tôi ra đi
Nhân đây xin thành kính tri ân nước Mỹ và người dân Mỹ đã dang tay đón và cưu mang chúng tôi 42 tháng, Đất Mỹ bao bọc thân xác Bích Hồng
Trong thời gian nhà tôi bệnh gia đình chúng tôi được bạn hữu trên trang Web Gocong.com gởi lời thăm hỏi, quà biếu, cầu nguyện và chia buồn !
Nhân lễ giổ đầu tiên, gia đình chúng tôi xin tri ân và cầu chúc các bạn cùng gia đình nhiều sức khoẻ, may mắn, hạnh phúc !
Cao Thệ

Nhà tôi trên giường bệnh rất thích xem bài viết của con trai nói về Trịnh, hôm nay giổ đầu cháu viết gởi Mẹ xem

HOA VÀNG GIỖ MẸ

Cũng đã rất lâu rồi, ta thôi dẫn em lang thang trên những đồng cỏ, ngắm cào cào, châu chấu, đắm mình trong mùi hương của cỏ mới. Những cánh đồng vẫn như thế, vẫn sanh sôi khi mùa mưa về, vẫn héo hắt giữa những cơn nắng cháy bỏng từ trời cao. Vạn vật vẫn cứ vần vũ sanh diệt, vần vũ đến đi trong cõi người ta vô thường này. Em vẫn là em. Vẫn ngạc nhiên xoe tròn đôi mắt khi ngắm nhìn những hiện tượng đời sống. Ta vẫn cứ là ta. Trầm mặc đến vô tình, vậy mà vẫn bị cái hồn nhiên trong trẻo của em khuấy động. Em giống như một cơn gió xuân thổi xuyên suốt vào rừng già tịch mịch. Để rồi trong cơn gió, có mang chút hơi ấm của nắng trời, chút rạo rực của khí xuân, đánh thức những đóa hoa trong khu rừng. Rừng già bỗng chốc đã nở hoa…
Tháng mười đến tự khi nào em nhỉ? Chỉ biết rằng, một sớm tinh sương, khi ta lọ mọ mở cửa, dắt em ra trạm xe, em đã ồ lên thích thú, khi những cây phượng tím hai bên đường nở hoa. Bất ngờ quá. Ngạc nhiên quá. Em níu tay ta nán lại đôi ba phút để ngắm nhìn những đóa hoa tím nhạt. Cả một góc trời, tím biếc màu hoa. Một cơn gió mạnh thổi qua. Hoa phượng tím rơi lã chã, chao đảo như mưa rào. Cơn mưa màu tím. Để rồi, những mặt đường nhựa chai cứng, khô ráp cũng khoát lên màu áo tím. Đẹp thơ mộng như một bức tranh cõi thần tiên. Em dặn ta phải bước thật khẽ, thật êm, để đừng đạp hỏng những đóa hoa rơi trên phố. Lâu lắm rồi, em và ta mới có dịp bước chậm như thế. Ý thức về hiện tại, chánh niệm xuất hiện, khi con người biết trân trọng và yêu thương vạn pháp. Em có đồng ý với ta không?
Đôi mắt em cứ tròn xoe, ngắm hoa, và đôi chân bước thật bình an. Em chợt hỏi ta, kỳ diệu quá. Hoa đã trốn ở đâu nhỉ?
-          Hoa đã trốn ở trong cây phải không?

-          Nếu em bẻ một nhành cây, em có thấy hoa trong những thớ gỗ không?

-          Ơ… vậy hoa đã ở ngoài cây? Nhưng không thể có chuyện đó được, không có chỗ nào có hoa cả. Chỉ có gió, ánh nắng, mưa trời, ong bướm, đất mùn mà thôi. Không đâu là hoa.

-          Hoa đã không ở trong cây. Cũng chẳng ở ngoài cây. Hoa chẳng ở đâu cả. Hoa không phải là một thực thể riêng biệt để có chỗ để trốn. Nhìn thật kỹ trong một đóa hoa, ta sẽ thấy có sự đóng góp của cây, của nắng, của mưa, gió, ong bướm, đất đai, con người. Có thể nói, hoa là một tập hợp của vạn pháp. Hoa là một kết tinh tuyệt diệu của muôn trùng các nhân duyên.

Em mỉm cười, cúi mặt nhìn xuống những bước chân đi.
-          Hoa thật nhiệm màu…

Tự dưng lúc ấy, ta lại nghe văng vẳng trong tai, lời Trịnh hát,
“ Em đến bên đời hoa vàng một đóa
Một thoáng hương bay bên trời phố hạ”
Nhờ hoa tím ở thành phố Brisbane, ta lại nhớ về hoa vàng của Trịnh. Sẽ rất vụng về, rất trẻ con, nếu như ta hiểu những ca từ của Trịnh bằng cách buộc chúng để ám chỉ vào một điều cụ thể. Giống như “em” không nhất thiết phải là một cô đào nào đó. Hoa vàng cũng không bắt buộc phải là hoa hoàng lan, hoa cúc, hoa tulip, hoa bí. Hoa vàng chỉ là một đóa hoa, mà theo Trịnh rất đẹp, rất nhiệm màu. Giống như hoa tím của ta vậy.
Trịnh chắc hẳn cũng đã giống như ta và em trong một sáng tháng 10, ngỡ ngàng với mùa hoa. Ngỡ ngàng vì hoa đã ở đâu mà xuất hiện nhanh đến vậy. Và rồi, Trịnh đã hiểu ra rằng, hoa chẳng ở đâu cả. Hoa tiềm tàng trong vạn pháp. Hoa không có một tự ngã riêng biệt để lẩn trốn. Hoa là một kết tinh nhiệm màu của muôn trùng duyên khởi.
Màu nhiệm và trùng điệp như thế. Nhưng mà sao nhẹ nhàng quá. Chỉ “đến bên đời”, chỉ như là một “thoáng hương bay”. Vì vạn pháp vốn dĩ là mỏng manh và vô thường kia mà. Thấy đóa hoa vàng đẹp lạ thường, kết tinh vi diệu nhưng nó chóng phai tàn lắm. Nó dễ rụng rơi trong gió, nó cũng chóng mục nát trong đất ẩm. Nó như một “thoáng hương bay”, chẳng thể cầm cố, giam giữ mà chỉ có tận hưởng ngay trong sát na hiện tại mà thôi.
“em” là một sự nhiệm màu, nhưng vô thường và mỏng manh. Vậy mà…
“Nào có ai hay, ta gặp tình cờ,
Nhưng là cơn gió, em còn cứ mãi bay đi”
Sự “tình cờ” ngẫu nhiên, nhưng bên trong đó là ẩn chứa tiềm tàng muôn vạn nhân duyên. Giữa phố muôn người qua lại, sự “tình cờ” nghe nhẹ nhàng nhưng chẳng dễ dàng chút nào. Giống như có ai đó đã từng ví von về giá trị của sự “tình cờ” ấy với con rùa mù bơi trên biển lớn. Nó vớ được một khúc gỗ mục…
“em” của Trịnh đã phải là một người cụ thể. Vậy em của Trịnh là ai ? Là ai để có thể là sự kết tinh kỳ diệu của vạn pháp(vô ngã), rồi lại vô thường như “một thoáng hương, cơn gió”. Và rồi để gặp được em, thấy có vẻ là “tình cờ” ấy, ngẫu nhiên ấy nhưng thật ra, là muôn trùng duyên kiếp?
“Em đến bên đời hoa vàng rực rỡ
Nào dễ chóng phai trong lòng nỗi nhớ
Ngày tháng trôi qua cơn đau mịt mù “
Bởi vì “em” là một pháp nhiệm màu, nhưng lại vô thường như một trò đùa trớ trêu của tạo hóa. Đó là “cơn đau mịt mù” do vô thường mang đến. Sự đau khổ vì tính mong manh ấy bao trùm cả vạn pháp. Vậy “em” có đầy đủ những những tính chất, vô ngã, vô thường, khổ. “em” có thể đại diện cho TÍCH MÔN mà kinh Pháp Hoa nhắc đến. Tích Môn chính là cuộc sống trên bình diện về sự không tồn tại một ngã riêng biệt của các pháp, đời sống và sự tồn tại của các pháp thì mỏng manh, dễ vỡ, từ đó trở thành một cơn đau dai dẳng, không lối thoát.
Trịnh đã từng viết trong bài “Tôi ơi đừng tuyệt vọng”,
“ Em là tôi, mà tôi cũng là em”
Vậy “tôi” là ai?, “tôi là ai mà yêu quá đời này?”. Biết cuộc đời đầy rẫy những đám mây khổ mịt mù, sắc thân là vô thường, cũng là không có ta và cái của ta. Vậy mà sao có thể yêu được cơ chứ ? có chăng, “tôi” chính kẻ sống ở BẢN MÔN, đang ngắm nhìn và yêu thương thế giới của Tích Môn? Bản Môn cũng là một danh từ trong kinh Pháp hoa. Nó trái ngược với những tính chất của Tích Môn. Giống như khi nói về đóa hoa, người đứng ở quan điểm Tích Môn sẽ cho rằng, đóa hoa là vô thường, dễ hư mất tàn hoại. Nhưng người thuộc quan điểm Bản Môn, sẽ mỉm cười, vì họ thấy rằng, đóa hoa hư mất tàn hoại chỉ là tướng hình mà thôi. Chứ thật ra, đóa hoa đã có mặt trong đất, cũng có mặt trong mưa, hơi ẩm và thậm chí là trở về để có mặt trong tất cả. Vì nhờ sự có mặt trùm khắp như vậy, đóa hoa cũng có NGÃ. Nhưng không phải là Ngã cũa riêng đóa hoa, mà là Ngã chung của vạn pháp. Vì các pháp đều có mặt và nương gá trong nhau. Nhờ sự quán chiếu về sự Thường, và Hữu Ngã như thế, nên người ở Bản Môn sanh ra sự hỷ lạc ( trái với đau khổ ), và tịnh (trái với bất tịnh ).
Có thể nói, Tích Môn là những cơn sóng sanh diệt. Bản Môn là đại dương mênh mông, bất sanh bất diệt. Hai góc nhìn, hai cách quán chiếu sự vật hiện tượng này, tuy có trái ngược, nhưng kỳ thật lại bổ trợ cho nhau. Nhờ có biển lớn không sanh diệt, mới có những cơn sóng vô thường, và ngược lại. Nhờ Bản Môn thường lạc ngã tịnh, mới có Tích Môn Vô thường vô ngã khổ, bất tịnh, và ngược lại. Bản Môn và Tích Môn là BẤT NHỊ.
Hay nói đúng hơn, Tích Môn chính là thân thể tứ đại vô thường, còn Bản Môn chính là TỰ TÁNH, viên mãn tròn đầy.
Vì vậy, từ Bản môn, “tôi” đang ngắm nhìn “em” đang mịt mù trong những đau khổ của thế giới Tích Môn. Hay chính là, Như Lai tánh, tánh giác thanh tịnh đang ngắm nhìn thân tứ đại đang oằn mình trong khổ từ vô thường, vô ngã và bất tịnh. Và cũng chính là, “tôi” đang ngắm nhìn “em”, ngắm nhìn và cảm thương cho chính tôi.
Nhờ sự ngắm nhìn chính mình và vạn pháp dưới những góc độ như vậy, nên Trịnh mới thốt lên “ tôi là ai, mà yêu quá đời này”. Vì tình yêu ấy, Trịnh mới thấy ý thức được rằng, sự hiện diện của các pháp trong vạn pháp tuy là vô thường nhưng cũng chính nhờ sự vô thường ấy, mà chúng trở nên đẹp độc đáo và DUY NHẤT.
Bởi thế mà, Tự tánh đã đồng cảm với những đau khổ của thân tứ đại.
“Xin cho bốn mùa,
Đất trời lặng gió
Đường trần em đi
Hoa vàng mấy độ”
Tự tánh đã mong mỏi rằng, xin hãy bớt những đau khổ cho thân tứ đại này. Tội nghiệp quá. Thương quá. Xin những cơn gió đời hãy lặng bớt đi trong giây lát, để những tháng ngày em sống, những con đường trần thế em đi qua, sẽ có những phép màu, những đóa hoa vàng.
Thấy được sự sanh diệt, vô ngã của đóa hoa. Rồi từ đó lại thấy rằng đóa hoa là một thực thể nhiệm màu. Đó chính là sát na, Tích Môn giao thoa và hòa quyện chẳng thừa, chẳng thiếu với Bản Môn. Sự GIÁC NGỘ là như thế. Nó vi diệu đến mức, trong các bản kinh văn Phật giáo, nó được diễn tả cách điệu như một vị thiện tri thức với thần thông vô hạn, có thể mang cả cõi Phật ở phương ngoại đặt trọn vẹn, vừa vặn vào thế giới Ta Bà, phiền não, ác trược.
Xin những luồn gió của cõi Ta Bà, mang đầy những thịnh và suy, hủy báng và danh dự, tán tụng và chỉ trích, đau khổ và an lạc tạm dừng lặng lại. Những cuồn phong của nhị nguyên. Đừng thổi nữa, để giữa chốn phố thị phồn hoa, em bình an mà ngắm mấy độ HOA VÀNG. Để giưã hồng trần, em có một phút lắng lòng mà GIÁC NGỘ CHÂN NHƯ.
“ Những đường cỏ lá
Từng giọt sương thu
Yêu em thật thà”
Những con đường um tùm của cỏ dại, lá rừng, đậu đầy những hạt sương mỏng tanh. Những con người xác thân vô thường đau khổ trong thế giới chằng chịt của vô minh. Xin hãy yêu “em”, hãy yêu nhau “thật thà”. Đừng yêu nhau vì cùng mau da, cùng huyết thống, cùng dân tộc, cùng tôn giáo. Đừng yêu nhau vì những kỳ vọng, những chấp trước, những lợi lạc cá nhân. Đừng yêu nhau vì để đẹp lòng Thiên Chúa, cũng đừng yêu nhau để vãng sanh Cực lạc, cũng đừng yêu nhau để có phước, tránh họa. Hãy yêu nhau chân chất, nhưng đất yêu cây cỏ, nhưng nhật nguyệt ôm ấp muôn loài. Yêu chỉ yêu mà thôi.
“Hãy yêu nhau đi, khi rừng thay lá”
Trịnh sao mà dễ thương và nồng đượm chân tình đến vậy. Ông cứ tha thiết, mong mọi người hãy yêu nhau giữa những biến động tàn khốc của vô thường trong một màn tối của vô mình. Tình yêu ấy như là một bản năng tự vệ của loài người trước những đau khổ của trần thế. Vậy hãy cứ yêu nhau đi.
“em đến nơi này bao điều chưa nói
Lặng lẽ chia xa, sao lòng quá vội
Một cõi bao la ta về ngậm ngùi
Em cười đâu đó trong lòng phố xá đông vui”
Bản Môn, tự tánh tuy là tròn đầy và viên mãn. Nhưng nó chẳng thể diễn tả, và hiển lộ bản thân. Mà phải thông qua sự sanh diệt, vô thường ngắn ngủi của Tích Môn. Để diễn tả và hiển bày Bản Môn thứ vượt qua giới hạn của ngữ ngôn và diễn đạt của loài người, thì những điều “em” đã nói cả một đời vẫn chưa đủ, vẫn chưa thấm vào đâu cả.
Vô thường không phải chỉ hiển bày qua cái chết của thân tứ đại. Mà nó luôn hằng hữu và thị hiện trong từng sát na. Vì thế mà, sự chia xa trở nên lặng lẽ một cách đáng sợ, nhưng sự hối hả, và thúc bách của vô thường thì thật là vội vàng.
“ Một cõi bao la ta về ngậm ngùi
Em cười đâu đó, trong lòng phố xá đông vui”
Nếu một cánh hoa, tan rã ra trong đất. Thì thân tứ đại cũng tan rã trong đất, trả lại hơi ấm, trả lại nước, hơi thở. Ta thì còn “ngậm ngùi “ lắm, vì thời gian đã chẳng cho phép ta hiển bày hết chính mình bằng ngôn ngữ thông qua em. Giống như nước được cơ may làm sóng, nó ao ước được tung hoành ngang dọc khắp đại dương, nhưng thời gian nó được mang thân sóng quá ít ỏi, và sóng thì quá mỏng manh đối với những dự định chinh phục của nước. Vì lẽ đó, nước sẽ tan về với biển khi sóng vỡ tan, với những “ngậm ngùi”, tiếc nuối về giấc mơ lang bạt kỳ hồ. Đại dương đối với nước, cũng như là “một cõi bao la” mà ta sẽ quay về.
Nhưng còn em thì sao ?
Em lại mỉm cười viên mãn ở đâu đó trên quả địa đầu tràn ngập nhân loại. Tại sao em lại viên mãn ? bởi vì em đã hoàn thành sứ mệnh của chính em rồi. Em đã thị hiện sanh diệt, để rồi từ đó, nhân loại có thể quán chiếu về sự bất sanh bất diệt. Con người, động vật, cỏ cây trên cõi giới này có thứ nào mà chẳng đang thị hiện sanh diệt đâu chứ ?
Bản Môn thì luôn khao khát được hiển bày thông qua hình ảnh của Tích Môn. Và thật vậy, Tích Môn chẳng bao giờ thôi, thị hiện khổ, vô thường, bất tịnh, vô ngã để ngầm hiển lộ CHÂN NHƯ là thường, lạc, ngã, tịnh.
“em đến nơi này, vui buồn đi nhé
Đời sẽ trôi xuôi qua ghềnh qua suối”
Kết thúc bài hát, bằng một lời mời gọi, mở đầu một vòng tử sanh, em hãy đến nơi này một lần nữa, thỏa sức vui , và cũng thỏa sức buồn. Vì cuộc đời này tuy thấy qua ghềnh, qua suối nhưng có giữ được gì đâu?
“vui buồn” mà Trịnh nhắc đến, là sự tùy duyên. Hãy vượt qua những be bờ của định kiến, niềm tin và tôn giáo, để có thể đi đến tận cùng của niềm vui, gốc rễ của nỗi buồn. Để thấy rằng, buồn vui không phải là SẢN PHẨM CỦA NHÂN THẾ, mà do sự CHẤP NGÃ và NGÃ SỞ HỮU của chính ta.
“ Một vết thương thôi riêng cho một người”.
Bài ca, có vẻ nhưng ẩn màu một mối tình thoáng chốc của trai gái thế gian. Nhưng có lẽ, Trịnh đã viết về một tình yêu khác. Một khúc tình ca, giao thoa Bản Môn và Tích Môn, và hòa quyện giữa Tự tánh với thân tứ đại vô thường. Đó mới chính là khúc tình ca mà sóng đại dương ngàn đời vẫn hòa điệu bằng sự thị hiện sanh diệt muôn trùng.

…. Con vẫn nhớ, lần đầu tiên nghe bài nhạc này với mẹ, trên căn gác nhỏ ở nhà ngoại. Trời lúc đó nóng như đổ lữa, mẹ nằm nghỉ trưa và con ngồi nhổ tóc bạc cho mẹ. mẹ con mình đã im lặng cùng nhau nghe đến giai điệu cuối cùng.
Thời gian đấy, giống như mới ngày hôm qua thôi. Vậy mà mẹ giờ đã về với cõi bao la, và thân tứ đại đã gửi trả lại trần gian.
Giỗ đầu của mẹ. Con chẳng biết làm gì. Chỉ biết rằng, mẹ rất vui khi đọc bài con viết, niềm vui ấy đối với mẹ rất lớn. con xin chọn bài nhạc này của Trịnh, dâng tặng mẹ một đóa hoa vàng ở cõi bao la.
Dẫu biết rằng sanh tử chỉ là huyễn mộng. Nhưng nước mắt vẫn cứ rơi, vì trong cõi mộng này, ta chẳng giữ được thứ gì cả…

Cu Tí con của mẹ…
IP IP Logged
cao the
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 15/Jul/2011
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 589
Quote cao the Replybullet Gởi ngày: 11/Nov/2015 lúc 10:46am
BAO GIỜ ?

Vốn chẳng nơi đâu để trở về
Hiện ra rồi mất, chẳng là đi
Nhân Tham từ cõi Vô Minh, đợi
Đầy đủ nhân duyên, hạt lú chồi

Góp nhặt cho đầy 5 tủ chứa
Loè đời, khoe của tự là khôn
Duyên tan, Nghiệp hết thân về đất
Đọng giữa nhân gian một khối buồn !

Hành Thức, mơ thêm một giấc mơ
Lang thang nhặt nhạnh những mong chờ
Tướng không, tham biến không thành có
Dục Ái, theo chi mãi … đến giờ ?

Cao Thệ
IP IP Logged
cao the
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 15/Jul/2011
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 589
Quote cao the Replybullet Gởi ngày: 20/Jan/2016 lúc 11:33pm
Thăm vợ ngồi bên mồ đề thơ

Cô bé an nhiên ngủ giấc nồng
Bên đời hoa cỏ đã vào đông
Đất ơi xin hảy phà hơi ấm
Ru bé mơ thêm những giấc hồng

Cao Thệ
IP IP Logged
<< phần trước Trang  of 13
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.162 seconds.