Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Quê Hương Gò Công
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Tuổi Trẻ Gò Công :Quê Hương Gò Công
Message Icon Chủ đề: Tắm gương sáng : Dạy và Học ở GC Gởi trả lời Gởi bài mới
Người gởi Nội dung
van phan
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 12/Mar/2010
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 173
Quote van phan Replybullet Chủ đề: Tắm gương sáng : Dạy và Học ở GC
    Gởi ngày: 12/Jul/2010 lúc 7:14am
 Nhà giáo Nguyễn văn Bá từ trần ngày 6 / 7/ 2010
tại Florida Hoa Kỳ. Thầy là Tấm gương sáng cho hoc sinh Gò Công noi theo ...... 
 

 Ngày 9/4/ 2009 trên diễn đàn Hội Cựu Giáo Chức TXGC . Thầy Phan Thanh Sắc có giới thiệu bài  viết của Thầy Nguyễn Văn Bá , M A  nguyên văn như sau:

 LỜI MỬNG :  

Lâu quá không được bài của anh Nguyễn Văn Bá, M.A. ở Fl. Nay mừng được bài ký về “Một thời đi học” của anh. Tính chân thật và gương phấn đấu học hỏi của anh là một bài học quí hiếm hoi, gởi gắm cho lớp trẻ ở quê hương “Gió nào độc bằng gió Gò Công “ nầy.  

 

 

MỘT THỜI ĐI HỌC

 

                                                              NguyễnVăn Bá

          

           Đầu năm 2009 tôi về thăm quê hương và ăn Tết tại Gò Công. Ngày 02 tháng 02 năm 2009, tôi trở lại Mỹ bằng hãng hàng không Asiana. Từ Seoul, thủ đô Hàn Quốc, về thành phố Los Angeles, trong khi chăm chú theo dõi lộ trình của phi cơ trên màn hình trước mặt, một cô hành khách ngồi hàng ghế bên cạnh bật đèn, lấy quyển sách trong xách tay ra đọc. Liếc qua, tôi thấy tựa sách Những tâm hồn cao cả với tên tác giả Edmondo De Amicis. Edmondo De Amicis (1846-1908) là tên nhà văn Ý, tác giả quyển tiểu thuyết trẻ em Cuore. Tác phẩm này được dịch ra nhiều thứ tiếng. Bản dịch tiếng Pháp tựa là Les Grands Coeurs. Cuốn sách tiếng Pháp này đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong tâm trí tôi từ khi tôi còn học Trung học Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho.

Qua “những tấm lòng cao cả”, De Amicis muốn gởi gắm đến các em thiếu nhi những bài học đạo đức sâu sắc, vai trò quan trọng của nhà trường và việc phụ huynh dạy dỗ các con em của mình. Những bài đọc bằng tiếng Pháp như ngày khai trường, tình thầy trò, tình bạn học, lòng nhân ái, lòng yêu nước vẫn còn thấm nhuần trong tư tưởng của tôi. Bản dịch tiếng Việt đầu tiên với tựa đề Tâm Hồn Cao Thượng do nhà giáo Hà Mai Anh dịch và bản dịch được giải thưởng của Hội Alexandre de Rhodes tại Hà Nội năm 1948 và đến nay được tái bản nhiều lần. Một bản dịch khác là Những Tấm Lòng Cao Cả do nhà giáo Nhân dân Hoàng Thiếu Sơn dịch, được NXB Phụ nữ ấn hành lần đầu năm 1977 và được tái bản nhiều lần.

Tôi hơi xúc động khi thấy lại tên nhà văn trên quyển sách của hành khách ngồi bên cạnh. De Amicis, một tên rất kính mến đối với tôi trong những năm đầu dạy học, 1958 – 1962, qua những bài trong sách Tâm Hồn Cao Thượng được chọn làm bài học trong sách giáo khoa Tiểu học và Trung học. Trong không khí yên lắng và lạnh lẽo của chuyến bay dài hơn mười tiếng đồng hồ với tiếng động cơ rè rè, êm ả và đơn điệu và dưới ánh đèn mờ nhạt khiến tôi trầm tư về quá trình đi học, một thời say mê học tiếng Pháp.

Vào những năm 1949-1950 trường làng Tân Bình Điền đóng cửa vì chiến tranh. Sợ con dốt, mẹ tôi gởi tôi lên ở trọ nhà ông cậu tại ấp Vạn Thắng để học tư với ông thầy Tư Kỉnh (Lê Quang Kỉnh) mà theo liên hệ thân tộc tôi gọi bằng ông. Thầy Tư Kỉnh là nhân viên hãng tư của Pháp nghỉ hưu, mở lớp dạy tại nhà. Lúc đầu lớp học gồm có con ông, tôi và vài bạn trong xóm. Sau đó lớp tư gia đông lên. Nhiều học trò của thầy sau này đi vào nghề dạy học như Nguyễn Văn Bá, Nguyễn Văn Thiên, Lê Quang Sáng, Đinh Văn Bình, Phạm Văn Huyện. v. v. . . . Chương trình học tư gia chủ yếu là tập viết, toán đố và tiếng Pháp. Học sinh phải thuộc lòng và trả bài bản cửu chương bằng tiếng Pháp, thuộc cách chia động từ tiếng Pháp mỗi khi thầy kiểm tra. Mỗi tuần có ít nhất ba bài viết chính tả tiếng Pháp (dictée française). Do đó học trò phần đông giỏi tiếng Pháp. Mỗi tuần, vào thứ năm, thầy Tư Kỉnh đi xe đạp ra thành phố Gò Công dạy Pháp văn cho một trường tư thục người Hoa.

Đầu năm 1951 tôi được thầy gởi ra học trường Nam Tiểu học. Tôi học lớp Nhì (lớp 4), học kỳ II, của thầy Đỗ Văn Nhàn. Thầy Nhàn dạy tôi liên tiếp hai niên học lớp Nhì và lớp Nhứt (lớp 5). Những bài học thuộc lòng (recitation) tiếng Pháp còn in dấu trong tâm hồn tôi. Cá tính hiền hòa và cách dạy ân cần của thầy khiến tôi nhớ mãi. Sau khi thi đổ bằng Tiểu học 1952, tôi lên lớp Tiếp Liên A học với thầy Võ Văn Giáp, trên Lầu Chữ Thập. Trong khi đó thầy Đặng Xuân Chiếu dạy lớp Tiếp Liên B tầng trệt. Thầy Giáp rất nghiêm khắc; dạy Pháp văn, không giảng tiếng Việt. những giờ tập đọc (lecture) với thầy rất căng. Tôi  rất thích tiếng Pháp. Lúc học Tiểu học, tôi có mua cuốn tự điển Pháp Việt, loại bỏ túi. Những trưa hè thanh vắng ở Kinh Ngang, nay là Kinh Ba, xóm Rạch Bùn, tôi lật sách ra học từ vựng (vocabulaire). Từ vựng tiếng Pháp tích lũy trong trí tôi từ đó. Nhờ các thầy Tiểu học nghiêm khắc và tận tâm dạy tiếng Pháp, nên khi lên Trung học Nguyễn Đình Chiểu tôi không “bơi” môn này.

Năm 1956 khi học lớp Đệ Tứ (lớp 9), thầy Nguyễn Văn Mạnh dạy chúng tôi Pháp văn. Thẩy Mạnh rất nghiêm khắc và dạy rất hay. Thầy làm việc có khoa học, in ronéo những bài trong sách Les Grands Coeurs và phát cho học sinh đem về nhà đọc và chuẩn bị trả lời trước khi vào lớp. Trong lớp thầy nói toàn tiếng Pháp, truy hỏi tất cả học sinh về nội dung bài đọc, nghĩa từ vựng và ngữ pháp (grammaire). Lớp học thông suốt bài đọc, trừ vài bạn mất căn bản tiếng Pháp. Năm 1959 thầy Mạnh được chuyển lên dạy Trường Sư phạm Mỹ Tho, vừa được thành lập. Trường có 2 lớp thuộc phạm vi của Trung học Nguyễn Đình Chiểu. Em tôi Nguyễn Văn Thiên, học sinh Trung học Gò Công khóa I (1955), cũng là giáo sinh khóa I (1959), Sư phạm Mỹ Tho.

Cuối năm Đệ Tứ, tôi thi lấy bằng Trung học Đệ Nhứt Cấp (Bằng tốt nghiệp lớp 9). Tôi thi đỗ khóa I, ngày 06 tháng 06 năm 1957, Ban Anh văn. Xin mở dấu ngoặc là học sinh trung học lúc bấy giờ học hai ngoại ngữ. Trong kỳ thi, tôi chọn môn Anh văn là sinh ngữ chính trong khi Pháp văn là sinh ngữ phụ. Nhà nghèo, không thể tiếp tục học hết Trung học, tôi phải thi vào trường Sư phạm Sài Gòn (nay là cơ sở Đại học Sư phạm Thành phố ************). Thay vì chọn thi vào Ban Bổ túc, học 3 năm, tôi chọn Ban Cấp tốc, học 1 năm sớm ra trường đi dạy Tiểu học, đỡ gánh nặng tài chính cho gia đình.

Thi vào Trường Sư phạm tháng 8 năm 1957 gồm có 3 môn, tổ chức trong 2 ngày. Ngày đầu thi môn Việt văn, đề thi là bài nghị luận luân lý về tài và đức. Ngày thứ hai thi kiến thức canh nông: đề thi tựa là Nghề trồng lúa ở miền Nam. Buổi chiều, thi dịch bài văn tiếng Việt ra tiếng Pháp với thời gian thi là 2 tiếng đồng hồ. Đề thi được phát ra, tựa đề là Lòng yêu nước. Đọc qua đề thi ba lần, tôi mừng rỡ vì “trúng tủ” với bài thầy Mạnh đã dạy trong lớp, trích trong quyển Les Grands Coeus. Tôi làm bài thi trong một giờ rưỡi. Còn dư thì giờ, tôi dò lại bản dịch nhiều lần và chờ chuông reo để nộp bài. Thấy tôi làm bài thoải mái và xong sớm, thí sinh cùng bàn đẩy nhẹ tờ giấy nháp qua hỏi tôi một số chữ khó. Tôi viết trả lời hai lần. Lần sau, tôi bị giám thị lưu ý.

Tôi đỗ vào Trường Sư phạm Ban Cấp tốc, niên khóa 1957. Tôi biết được tin vui này do một bạn cùng lớp Trung học Nguyễn Đình Chiểu, quê Kiểng Phước, theo dõi kết quả kỳ thi trên báo. Bạn ấy đọc báo Tiếng Chuông, thấy tên tôi trong số thí sinh trúng tuyển, đem tờ báo xuống làng Tân Bình Điền. Một tuần sau, tôi được thư báo thi đỗ của Trường Sư phạm và gọi nhập học vào tháng chín. Sau một năm học về lý thuyết sư phạm và thực tập, tôi tốt nghiệp Sư phạm Sài Gòn ngày 21 – 04 – 1958. Ngoài các môn thi ra trường, còn có môn nhiệm ý Pháp văn, một môn không bắt buộc phải thi. Nếu thí sinh tự nguyện làm bài dịch tiếng Pháp trên 10 điểm, điểm dư được tính vào tổng số điểm thi tốt nghiệp khi sắp hạng. Danh sách giáo sinh thi đỗ ra trường có tên tôi với ghi chú là “Thi đỗ có thêm phần Pháp văn” (avec mention française). Bằng khả năng Sư phạm Tiểu học do Bộ Giáo dục cấp, ghi tôi hạng 57 trong số 205 thí sinh trúng tuyển.

 Ngay sau khi tốt nghiệp Trường Sư phạm Sài Gòn, tôi được chọn đi học lớp Thanh Huấn, Huấn luyện Thanh niên, Thể dục và Thể thao, trong hai tháng hè 1958 tại Nha Trang. Khu nội trú là Trường Nam Tiểu học Nha Trang. Ngày 24 – 08 – 1958 tôi tốt nghiệp lớp Thanh Huấn do Sở Thanh niên Xã hội Học đường, Bộ Giáo dục tổ chức. Tôi đỗ hạng Bình thứ, khóa Nguyễn Đình Chiểu.

Vừa đi dạy Tiểu học, vừa tự học, tôi đỗ Tú tài Phần Thứ hai. Năm 1962 tôi được chọn vào Trung tâm Huấn luyện Giáo sư Trung học Đệ Nhứt cấp, lớp đêm dành cho giáo viên tại Đại học Sư phạm Sài Gòn; thời gian học là hai năm. Tôi học Ban Cộng Đồng. Đây là một ban mới trong ngành Sư phạm. Chương trình học gồm kinh tế, xã hội học, quản trị, thống kê, sư phạm và điều tra cơ bản. Giáo sư được thỉnh giảng từ các đại học khác. Giáo sư dạy điều tra cơ bản về dân số là người Pháp, chuyên viên UNESCO tại miền Nam lúc bấy giờ. Tôi tốt nghiệp tháng 06 năm 1964.

Ban ngày, ngoài giờ đi dạy, tôi ghi danh học Đại học Văn khoa Sài Gòn, Ban Sử Địa, năm 1962. Ban Sử Địa lúc đó còn vài giáo sư người Pháp. Linh mục Larre dạy Hán văn. Giáo sư Langlet dạy môn Sử Âu Châu Cận Đại. Tôi đỗ Cử nhân Văn khoa năm 1968, sau khi đỗ các chứng chỉ Quốc sử, Nhân Chủng Học, Thế Giới Sử và Văn Minh Việt Nam: hạng Bình thứ. Trong thời gian theo học Đại học, tôi học thêm Anh văn tại Hội Việt Mỹ và London School.

Tháng 05 năm 1971 tôi được học bổng của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ. Tôi qua Mỹ học Đại học Sư phạm Peabody, nay thuộc Đại học Vandebilt. Tôi tốt nghiệp Master of Arts Sử học, ngày 20 tháng 05 năm 1973. Về nước tôi được mời dạy Đại học Sư phạm, Đại học Văn khoa và Quản trị Kinh doanh thuộc Viện Đại học Đà Lạt. Ban đêm, tôi dạy Anh văn Hội Việt Mỹ Đà Lạt đến năm 1975.

Từ năm 1981 đến năm 1989 tôi là giảng viên Ban Anh văn Hội Trí thức Yêu nước Thành phố ************ và Trung tâm Anh ngữ lớp đêm, Cao đẳng Sư phạm. Tôi cũng có dạy hợp đồng cho một số cơ quan nhà nước qua sự giới thiệu của Trung tâm Nghiên cứu và Dịch thuật. Từ 1989 đến 1993 tôi là giảng viên chính của Trung tâm Ngoại ngữ, Đại học Nông Lâm Thành phố ************, Cuối năm 1993 tôi qua Mỹ định cư tại bang Florida đến nay.

Thay lời kết luận cho bài hồi ký này, tôi biết ơn mẹ tôi. Bà đã quyết tâm gởi con đi học để tránh ngu dốt, đúng như nhà văn Pháp André Gide đã viết giáo dục là khai phóng. Tôi cũng biết ơn nghề dạy. Dạy học là hình thức rèn luyện mình. Dạy là học vậy.

                                                                                      

                                                                                  Florida,

IP IP Logged
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 13/Jun/2015 lúc 6:36pm



Chuyện về bà bán chuối lấy bằng Cử nhân Luật



Học luật vì cái chết tức tưởi của đứa em trai

Bà Phan Thị Kim Hoa, SN 1960 (ngụ ấp Thạnh Lạc Đông, Thạnh Nhựt, Gò Công Tây, Tiền Giang) hàng ngày chạy xe ra chợ Vĩnh Bình (thị trấn Vĩnh Bình, Gò Công Tây) ngồi bán chuối, trứng vịt và một số món lặt vặt khác kiếm sống. Suốt mười mấy năm buôn bán, bà chỉ mong có đủ tiền nuôi 4 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học. Đùng một cái, người dân ở chợ quê này bất ngờ khi biết tin bà có bằng Cử nhân Luật.

Bà%20Hoa%20học%20Cử%20nhân%20Luật%20để%20đòi%20công%20bằng%20cho%20đứa%20em%20trai
Bà Hoa học Cử nhân Luật để đòi công bằng cho đứa em trai

Câu chuyện học để biết luật của bà là cả một quá trình gian nan để đòi lại công bằng cho đứa em trai bị người ta đánh chết nhưng tòa xử không thỏa đáng. Bà Hoa tâm sự: “Trước đây tôi có đi học nhưng chỉ mới lấy bằng tốt nghiệp cấp 3 sau đó làm giáo viên mầm non, đến năm 1994 kinh tế gia đình khó khăn nên tôi nghỉ ra chợ bán lặt vặt để kiếm tiền nuôi 4 đứa con ăn học”.
Năm 2007, đứa em trai của bà Hoa tên Phan Chí Hiếu mắc chứng tâm thần nhẹ đi vào vườn bị người ta vu cho tôi ăn cắp rồi 7 thanh niên đánh đập, trói đưa vào công an xã Long Bình (Gò Công Tây) và sau đó chết tại bệnh viện. Tuy nhiên, sau khi xử sơ thẩm 3 lần rồi đến 2 lần phúc thẩm tòa đều tuyên không thỏa đáng.
Bà Hoa nhớ lại: “Năm 2010 khi tòa xử phúc thẩm lần 2 vẫn tuyên không thỏa đáng nhưng tôi không biết luật nên rất uất ức. Trong khi kết luận bệnh viện và giám định pháp y em tôi chết không có tụ máu bầm, vết thương ở đầu còn biên bản lời khai là em tôi tự đập đầu vô cửa sắt mà chết. Cơ quan cảnh sát điều tra tạm giam 2 đối tượng 6 tháng 3 ngày thì tòa tuyên đúng ngày tạm giam để thả ra còn 5 đối tượng khác được hưởng án treo. Em tôi bị đánh chết nhưng tòa chỉ tuyên bắt giữ người trái pháp luật. Vì vậy, tôi tiếp tục đi khiếu nại và quyết học luật để đòi lại công bằng cho đứa em trai đã chết của mình”.
Theo bà Hoa, uất ức nhất là 7 đối tượng này không những không thi hành án 33 triệu tiền bồi thường, không hề đến thắp 1 nén nhang xin lỗi mà còn thách thức khi bà đi khiếu nại để đòi công bằng cho em trai.

Bà%20Hoa%20vừa%20bán%20chuối%20vừa%20nghiên%20cứu%20luật%20bảo%20hiểm
Bà Hoa vừa bán chuối vừa nghiên cứu luật bảo hiểm

Sau khi kết thúc phiên tòa vụ em trai bị đánh chết, bà Hoa lên ngay Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh hỏi thủ tục học Cử nhân Luật hệ từ xa do trường Đại học Cần Thơ tổ chức đào tạo. Do có bằng tốt nghiệp cấp 3 và đủ điều kiện nên bà đăng ký học.
Suốt 4 năm học là cả một quá trình phấn đấu không biết mệt mỏi của bà khi đó đã ngoài 50 tuổi. Mỗi học kỳ bà đều phải học tập trung 3 đợt với mỗi đợt từ 15 đến 20 ngày. Những ngày đó bà phải thức dậy từ khuya để dọn hàng ra chợ nhờ mấy người bạn ở sạp kế bên bán giúp rồi chạy chiếc xe gắn máy "cà tàng" lên trung tâm tỉnh cách đó gần 30 km để học.

Chiếc%20xe%20cà%20tàng%20vừa%20là%20phương%20tiện%20mưu%20sinh%20vừa%20đi%20học%20của%20bà%20Hoa
Chiếc xe "cà tàng" vừa là phương tiện mưu sinh vừa đi học của bà Hoa

Trong quá trình học, bà phải làm đủ thứ mọi việc từ việc bán chuối, trứng vịt đến lượm ve chai, bán bảo hiểm… để có tiền đóng học phí cho mình và 4 đứa con đang học phổ thông.
Tuy nhiên, số tiền kiếm được không đủ nên phải vay nợ khắp nơi với quyết tâm lấy cho được tấm bằng Cử nhân Luật. Bà Hoa tâm sự: “Học kỳ nào cũng vậy tôi và mấy đứa con đều đóng học phí vào giờ chót. Có đợt đi thi không có tiền nên tôi mượn của chị Nguyễn Thị Nê, Chủ tịch Hội khuyến học xã Thạnh Nhựt để có tiền lộ phí”.

Bà%20Hoa%20là%20tấm%20gương%20để%20những%20đứa%20con%20phấn%20đấu%20noi%20theo
Bà Hoa là tấm gương để những đứa con phấn đấu noi theo

Chuyện đi học Cử nhân Luật của bà Hoa nhiều người ủng hộ nhưng chồng bà kiên quyết không đồng ý vì biết rằng học xong cũng không biết để làm gì. Bà Hoa cho biết: “Lúc đó chồng tôi nói cán bộ công chức học để lên lương, lên chức còn tôi quanh năm suốt tháng chỉ bán chuối, trứng vịt thì học lấy bằng về cho “ông Táo” ở nhà bếp xem chứ chẳng giúp ích gì. Tuy nhiên, biết tính tôi cản cũng không được nên ổng đành chấp nhận”.

Bà%20Hoàng%20kể%20chuyện%20giúp%20bán%20hàng%20khi%20bà%20Hoa%20bận%20đi%20học
Bà Hoàng kể chuyện giúp bán hàng khi bà Hoa bận đi học

Ông Nguyễn Văn Bảy, Chủ tịch Hội khuyến học huyện Gò Công Tây cho biết: “Tấm gương hiếu học của bà Hoa khiến nhiều người nể phục khi lớn tuổi, bận mưu sinh lại vừa học vừa làm để lấy bằng Cử nhân Luật. Huyện hội đang đề nghị UBND huyện khen thưởng để tuyên dương tấm gương hiếu học của bà và gia đình”.

Quyết đòi công bằng cho đứa em trai và giúp đỡ người nghèo
Mấy ngày nay, khi có thông tin bà Hoa bán chuối lấy được bằng Cử nhân Luật khiến cả chợ Vĩnh Bình xôn xao. Không ngờ bà lão đầu bạc trắng, suốt ngày bán chuối, trứng vịt lại lấy bằng Cử nhân Luật mà ngay cả thế hệ trẻ cũng mơ ước.
Bà Cao Kim Hoàng, 52 tuổi bán đậu hủ ở chợ Vĩnh Bình cho biết: “Tôi bán đậu hủ kế bên sạp của bà Hoa nên thường bán giúp bà những lúc đi có công việc gì đó. Lâu lâu lại có đợt bà Hoa nhờ tôi bán giúp nói là đi học luật nhưng ban đầu mấy chị em ở đây không ai tin. Thời gian sau thấy bà vừa bán hàng vừa đem sách luật ra học rồi giờ bà có bằng Cử nhân Luật mọi người ai cũng bất ngờ và khâm phục ý chí của bà”.

Bà%20Hoa%20hôm%20nhận%20bằng%20Cử%20nhân%20Luật
Bà Hoa hôm nhận bằng Cử nhân Luật

Hôm phóng viên ghé chợ Vĩnh Bình, bà Hoa vừa ngồi bán hàng vừa lấy sách Luật bảo hiểm ra nghiên cứu. Hỏi ra mới biết, khách hàng mua bảo hiểm xe gắn máy nhưng khi xảy ra tai nạn công ty bảo hiểm không chịu bồi thường, bà nghiên cứu để tìm cách giành quyền lợi cho họ. Bà Hoa tâm sự: “Người nghèo không hiểu biết pháp luật khổ đủ đường đến viết cái đơn cũng phải thuê, mướn nói gì đến đòi quyền lợi cho mình. Tôi mơ ước sẽ học Luật sư để giúp đỡ, tư vấn pháp luật cho người nghèo”.

Tấm%20bằng%20Cử%20nhân%20Luật%20của%20bà%20Hoa%20sau%204%20năm%20miệt%20mài%20học%20tập
Tấm bằng Cử nhân Luật của bà Hoa sau 4 năm miệt mài học tập

Vừa rồi, bà Hoa gom góp tiền bạc bắt xe khách ra tận Hà Hội để đến trụ sở tiếp công dân Trung ương gặp Thường trực tiếp công dân của Quốc hội khiếu nại về vụ án của đứa em trai mình bị đánh chết. Sau khi nhận đơn, Thường trực tiếp công dân của Quốc hội đã chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao. Bà Hoa hy vọng sắp tới vụ án sẽ đưa ra xét xử giám đốc thẩm để lấy lại công bằng và đứa em trai chết được yên lòng.

Đầu%20bạc%20trắng,%20bà%20Hoa%20vẫn%20mơ%20ước%20trở%20thành%20Luật%20sư%20để%20giúp%20đỡ%20người%20nghèo
 Bà Hoa đã trở thành Luật sư để giúp đỡ người nghèo


Hằng ngày bà vẫn miệt mày bán dăm ba nải chuối, mớ trứng vịt để kiếm vài chục ngàn đồng lo cho con và chính bản thân mình ăn học. Mái đầu bạc trắng mà bà vẫn miệt mài nghiên cứu luật để đòi lại công bằng cho đứa em trai của mình và muốn giúp đỡ người nghèo khiến nhiều người khâm phục.
Minh Giang




Chỉnh sửa lại bởi mykieu - 13/Jun/2015 lúc 6:37pm
mk
IP IP Logged
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.127 seconds.