Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Âm nhạc
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Văn Học - Nghệ thuật :Âm nhạc
Message Icon Chủ đề: GIAI THOAI VĂN-THƠ-NHẠC-NHẠC SĨ-VĂNTHI SĨ Gởi trả lời Gởi bài mới
<< phần trước Trang  of 4
Người gởi Nội dung
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 11/Oct/2014 lúc 6:09pm


Nói Về Ca Khúc và Thơ Phổ Nhạc


Written by Phạm Duy

Một Đời Nhìn Lại - Ngàn Lời Ca
Nói Về Ca Khúc và Thơ Phổ Nhạc


Tranh Nguyên Khai


Vào năm 1970, nhà xuất bản BORDAS, Paris-Montreal cho ra đời một cuốn sách nhan đề LA LITTÉRATURE EN FRANCE DEPUIS 1945. Các tác giả là Jacques Bersani, Michel Autrand, Jacques Lecarme, Bruno Versier... đã cho rằng từ năm đó trở đi, Văn Học Pháp Quốc không phải chỉ là thơ, tiểu thuyếtkịch bản mà thôi. Vào thời đại này, trong văn học phải kể thêm truyện trinh thám, truyện bằng tranhca khúc.

Riêng về ca khúc, người ta nhận định rằng: sau thế chiến 2, vì sự góp mặt của các thi sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ như Jacques Prévert, Boris Vian, Joseph Kosma, Georges Br***ens, Charles Trenet v.v... ca khúc (chanson) của nước Pháp phải đi vào văn học sử bởi vì nó đã không còn là một thứ nghệ thuật yếu kém (un art mineur) nữa rồi. Thơ Prévert được phổ thành ca khúc và rất thành công cho nên vào lúc đó triết gia Jean Paul Sartre làm lời ca cho bài La Rue Des Blancs Manteaux, nhà thơ Raymond Queneau soạn lời cho ca khúc Si Tu T'imagines. Georges Br***ens thì đem thơ Victor Hugo, Paul Fort ra phổ nhạc. Léo Ferré phổ thơ Aragon và Hélène Martin phổ thơ Jean Genet... Trong sách, có nói rõ về chỗ đứng của ca khúc : En quelques années, la chanson est devenue intelligente, humoristique, sensible, satirique, enfin intéressante. La chanson a pénétré dans toutes les couches sociales. (...) Elle fait partie de notre vie quotidienne. Biên giới giữa ca khúc và thơ gần như không còn nữa. Nhạc còn làm cho thơ (hay lời ca cũng vậy) đi nhanh vào lòng người.

Bây giờ ta nói đến Văn Học Sử Việt Nam. Phần nhiều nó là những thi phẩm được hát lên như TRUYỆN KIỀU, LỤC VÂN TIÊN với lối kể Kiều và nói thơ Vân Tiên. Dân chúng thường biết đến văn chương thi ca qua hình thức ca ngâm cho nên tác phẩm thường có thêm chữ NGÂM hay chữ CA vào, ví dụ CHINH PHỤ NGÂM, CUNG OÁN NGÂM KHÚC, GIA HUẤN CA. Còn HÁT Ả ÐÀO thì hoàn toàn là thơ của những thi sĩ lỗi lạc như Tú Xương, Nguyễn Khắc Hiếu v.v... Ta có thể nói văn học Việt Nam của thời trước là những ca khúc ngắn hay những ca khúc dài.

Trong Nhạc Sử Việt Nam, kể từ khi có Tân Nhạc để thay thế cho Cổ Nhạc, ca khúc dù là những đoản khúc hay những trường ca, dù sử dụng nhạc ngũ cung của dân tộc hay đi theo đường lối nhạc chủ âm của Âu Mỹ... ca khúc đều đã đóng một vai trò rất lớn. Nó có một chỗ ngồi rất vững trong lòng người, không phải là một mà tới ba, bốn thế hệ. Chẳng cần phải nghiên cứu kỹ càng, ta cũng thấy rằng trong 50 năm qua, nhạc điệu của ca khúc Việt Nam mỗi ngày một phong phú thêm, lời ca mỗi ngày một trí thức hơn, mỗi thời đại, mọi tình cảm đều được diễn dịch qua hàng ngàn ca khúc của hàng trăm tác giả, từ Lê Thương, Ðặng Thế Phong qua Văn Cao tới Trịnh Công Sơn... Và nếu thế hệ nhạc sĩ đương thời hay tương lai rất giỏi về nhạc lý, về nhạc thuật, chịu bỏ công ra để soạn phần hoà âm, phối khí mới mẻ cho những ca khúc cũ của các bậc cha chú thì nhạc Việt Nam chắc chắn sẽ không thua nhạc cổ điển hay tân thời của Âu Mỹ đâu ! Hơn nữa, vì hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của nước ta cho nên nhạc Việt còn có rất nhiều sự sống mà chưa chắc nhạc cổ điển hay nhạc tân kỳ của Âu Mỹ có thể có được.

Khởi sự là một người soạn ca khúc, rồi không hề có một mặc cảm nào cả, tôi cứ mãi mãi là người soạn ca khúc bởi vì sau khi đi học ở Pháp về và nhìn vào tình trạng sinh hoạt âm nhạc ở nước mình thì tôi thấy không thể đi vào con đường nhạc thuần túy như nhạc cổ điển Tây Phương được. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ rằng nếu tiếp tục soạn ca khúc thì phải thăng hoa nó lên, nghĩa là phải làm sao cho cả hai phần nhạc và lời càng ngày càng tiến bộ. Nghĩa là vào lúc cuối đời, làm sao nhạc của mình có thể tiến dần tới cõi giao hưởng mà hình như mọi người đều coi là cái đỉnh của nghệ thuật âm thanh và làm sao cho lời ca của mình có thể được cho vào văn học sử.

Ca khúc của tôi, như mọi người đã biết, về phần lời ca, đa số là do tôi soạn, còn một số là những bài thơ đã nổi danh hay chưa ai biết tới khi được tôi phổ nhạc. Lý do tôi thích phổ thơ cũng rất là giản dị. trước hết, tôi yêu thơ từ ngày còn bé. Lớn lên, tôi có nhiều bạn là thi sĩ làm thơ hay và làm cho tôi càng yêu thơ hơn lên. Cuối cùng, tôi có một người tình rất yêu thơ tiền chiến và làm 300 bài thơ tình tặng tôi.

Hành trình phổ nhạc những bài thơ hay của tôi xét ra cũng thật là dài. Khởi sự với thi phẩm của những thi sĩ đã thành danh như Cô Hái Mơ của Nguyễn Bính (1942), rồi tới Tiếng Thu (1945) rồi sau đó là Vần thơ Sầu Rụng, Hoa Rụng Ven Sông, Thú Ðau Thương của Lưu Trọng Lư. Tôi đến với Tiếng Sáo Thiên Thai của Thế Lữ vào năm 1952, với Ngậm Ngùi của Huy Cận và với Chiều của Xuân Diệu vào đầu thập niên 60. Những bài thơ của các thi sĩ lớn khác như Mầu Thời Gian của Ðoàn Phú Tứ, Tỳ Bà của Bích Khê, Con Qùy Lại Chúa Trên Trời của Nhất Tuấn cũng được tôi đem vào nhạc trong những ngày xa xưa đó.

Ngoài việc phổ nhạc những bài thơ đã trở thành thơ cổ điển của nền THƠ MỚI, vào những năm 60, tôi là người đóng góp vào việc phổ biến những bài thơ tình của lớp thi sĩ trẻ vừa mới được in ra hoặc chưa ai biết tới như : Kiếp Nào Có Yêu Nhau, Ðừng Bỏ Em Một Mình của Hoài Trinh, Mùa Thu Paris, Tiễn Em, Kiếp Sau, Bên Ni Bên Nớ, Về Ðây, Chiều Ðông của Cung Trầm Tưởng, Mùa Xuân Yêu Em của Ðỗ Quý Toàn, Tâm Sự Gửi Về Ðâu của Lê Minh Ngọc...

Thơ về chiến tranh/hoà bình và về tình yêu trong suốt 30 năm ly loạn ở trong nước cũng được tôi phổ nhạc rất nhiều như : Thanh Niên Ca của Ðào Duy Kỳ, Ðồi Tím Hoa Sim của Hữu Loan, Lời Mẹ Dặn của Phùng Quán, Kỷ Vật Cho Em của Linh Phương, Tưởng Như Còn Người Yêu của Lê Thị Ý, Khi Tôi Về của Kim Tuấn, Nhân Danh của Nguyễn Ðắc Xuân, Bi Hài Kịch của Thái Luân, Ði Vào Quê Hương của Hoa Ðất Nắng, Tình Khúc Trên Chiến Trường Tồi Tệ, Thầm Gọi Tên Nhau Trên Chiến Trường Tồi Tệ của Ngô Ðình Vận, Mười Hai Tháng Anh Ði của Phạm Văn Bình, Còn Chút Gì Ðể Nhớ của Vũ Hữu Ðịnh, Ở Rừng U Minh Ta Không Thấy Em của Nguyễn Tiến Cung, Chuyện Tình Buồn của Phạm Văn Bình... Ðó là chưa kể trường khúc CHIẾN CA MÙA HÈ gồm 13 bài thơ của Phạm Lê Phan mà tôi phổ nhạc trong Mùa Hè Ðỏ Lửa vào năm 1972.

Trong khoảng đầu của thập niên 70, tôi lại có diễm phúc là làm cho mọi người nhanh chóng biết tới hai hiện tượng về thơ là : thơ rất Ðạo của Phạm Thiên Thư: Ðưa Em Tìm Ðộng Hoa Vàng, Gọi Em Là Ðoá Hoa Sầu, Em Lễ Chùa Này... (nhất là mười bài thơ được phổ thành MƯỜI BÀI ÐạO CA), và thơ tình ngộ nghĩnh của Nguyễn Tất Nhiên: Thà Như Giọt Mưa, Em Hiền Như Ma Soeur, Hai Năm Tình Lận Ðận...

Ra hải ngoại, ngoài những bài thơ ngắn của Hà Huyền Chi như Mười Năm Một Chuyện Tình Buồn, Năm Ngàn Năm Về Trước, của Nguyên Sa như Vết Sâu, của Cao Tần như Thư Em Ðến, Mai Mốt Ông Về, của Viên Linh như Thủy Mộ Quan, của Nguyễn Xuân Quang như Mây Trôi Trôi Hết Một Ðời, của Duyên Anh như Có Bao Giờ Em Hỏi, Em, Anh Ðã Tới Paris và một loạt 5 tập thơ của Ngô Xuân Hậu nhan đề MỘ KHÚC I, II, III, IVV... tôi còn tung ra hai loại ca là Ngục CaHoàng Cầm Ca mà mọi người đều biết đó là thơ Nguyễn Chí Thiện và thơ Hoàng Cầm do tôi phổ thành ca khúc.

Thế là sau khi đã đi qua gần như hầu hết các nẻo thơ của Nền Thi Ca Việt Nam Hiện Ðại trong tuổi thanh xuân và tuổi giữa trưa rồi, bây giờ vào tuổi về chiều, hành trình phổ nhạc phải dẫn tôi tới THƠ HÀN MẶC TỬ và THƠ NGUYỄN DU.


Sau đây là bảng danh sách (chưa đầy đủ) của những bài thơ mà tôi đã phổ nhạc:


1942
Cô Hái Mơ (theo thơ Nguyễn Bính)

1945
Tiếng Thu (theo thơ Lưu Trọng Lư)

1947
Thanh Niên Ca (theo thơ Ðào Duy Kỳ)

1952
Tiếng Sáo Thiên Thai (theo thơ Thế Lữ)

1953
Thuyền Viễn Xứ (theo thơ Huyền Chi)

1958
Kiếp Nào Có Yêu Nhau (theo thơ Hoài Trinh)
Tình Quê (theo thơ Hàn Mặc Tử)
Hoa Rụng Ven Sông -- Vần thơ Sầu Rụng -- Thú Ðau Thương (theo thơ Lưu Trọng Lư)
1959 Mùa Thu Paris -- Kiếp Sau -- Chiều Ðông -- Về Ðây -- Bên Ni Bên Nớ -- Tiễn Em (theo thơ Cung Trầm Tưởng)

1960
Nhạc Cảnh Mầu Tím Hoa Trinh Nữ (theo thơ Kiên Giang)

1961
Ngậm Ngùi (theo thơ Huy Cận)

1962
Mộ Khúc (theo thơ Xuân Diệu)
Tâm Sự Gửi Về Ðâu (theo thơ Lê Minh Ngọc)
Nhạc Cảnh Chức Nữ Về Trời --
Nhạc Cảnh Tấm Cám (libretto của Năm Châu)
Quán Bên Ðường (theo thơ Bình Nguyên Lộc)
Mùa Xuân Yêu Em (theo thơ Ðỗ Qúy Toàn)

1966
Nhân Danh (theo thơ Nguyễn Ðắc Xuân)
Bi Hài Kịch (theo thơ Thái Luân)
Ði Vào Quê Hương (theo thơ Hoa Ðất Nắng)

1968
Kỷ Vật Cho Em (theo thơ Linh Phương)
Khi Tôi Về (theo thơ Kim Tuấn)

1969
Ðừng Bỏ Em Một Mình (theo thơ Hoài Trinh)
Tỳ Bà (theo thơ Bích Khê)

1970
Con Qùy Lạy Chúa Trên Trời (theo thơ Nhất Tuấn)
Mùa Thu Chết (theo Apollinaire)
Thu Ca Ðiệu Ru Ðơn (theo Verlaine)

1971
MƯỜI BÀI ÐạO CA Pháp Thân -- Ðại Nguyện -- Chàng Dũng Sĩ Và Con Ngựa Vàng -- Quán Thế Âm -- Một Cành Mai -- Lời Ru Bú Mớm Nâng Niu -- Qua Suối Mây Hồng -- Giọt Chuông Cam Lộ -- Chắp Tay Hoa -- Tâm Xuân (theo thơ Phạm Thiên Thư)
Ngày Xưa Hoàng Thị -- Ðưa Em Tìm Ðộng Hoa Vàng -- Em Lễ Chùa Này - Gọi Em Là Ðoá Hoa Sầu (theo thơ Phạm Thiên Thư)
Huyền Thoại Trên Một Vùng Biển (theo thơ Thái Phương Thư tức Phạm Thiên Thư)
Tình Khúc Trên Chiến Trường Tồi Tệ -- Thầm Gọi Tên Nhau Trên Chiến Trường Tồi Tệ (theo thơ Ngô Ðình Vận) Thôi --
Anh Yêu Em Vào Cõi Chết (theo thơ Nguyễn Long)
Mười Hai Tháng Anh Ði -- Chuyện Tình Buồn (theo thơ Phạm Văn Bình)
Tưởng Như Còn Người Yêu (theo thơ Lê Thị Ý)
Mầu Tím Hoa Sim (theo thơ Hữu Loan - sửa lại ca khúc đã soạn từ lâu)
Nụ Hôn Ðầu (theo thơ Trần Dạ Từ)

1972
Còn Chút Gì Ðể Nhớ (Vũ Hữu Ðịnh)
Rừng U Minh Ta Không Thấy Em (Nguyễn Tiến Cung)
CHIẾN CA MÙA HÈ Qua Cầu Ái Tử -- Bên Giòng Thạch Hãn --Lời Dặn Dò -- Suối Trăng Hờn -- Ðêm Hội Máu -- Một Tình Thương -- Ðêm Hội Pháo -- Bất Khuất -- Ðưa Mẹ Về -- Trị Thiên Yêu Dấu -- Sữa Trắng Rừng Xanh -- Mặc Niệm -- Xin Tha Thứ (theo thơ Phạm Lê Phan)
Khúc Lan Sầu (theo thơ Thanh Lan)
Xin Tình Yêu Giáng Sinh (theo thơ Trụ Vũ)

1973
Thà Là Giọt Mưa -- Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ -- Em Hiền Như Ma Soeur -- Anh Vái Trời -- Hãy Yêu Chàng -- Hai Năm Tình Lận Ðận (theo thơ Nguyễn Tất Nhiên

1975
Ta Yêu Em Lầm Lỡ (theo thơ Ðào Văn Trương)

1978
Thư Em Ðến (theo thơ Cao Tần)
Mưa Rơi Ở Ca Li (theo thơ Nam Lộc)
Những Mùa Ðông Dĩ Vãng (theo thơ Hà Huyền Chi)
Biển Máu (theo thơ Diệu Văn)

1980
Mây Trôi, Trôi Hết Một Ðời (theo thơ Nguyễn Xuân Quang)
NGỤC CA Từ Vượn Lên Người -- Ðảng Ðầy Tôi -- Ngày 19 Tháng 5 -- Xưa Lý Bạch -- Những Thiếu Nhi Ðiển Hình Chế Ðộ -- Tôi Có Thể --. Chuyện Vĩ Ðại Bi Ai -- Thấy Ngay Thủ Phạm --Nước Ðổng Trác Ðiêu Thuyền -- Sẽ Có Một Ngày -- Ðôi Mắt Trưương Chi -- Cái Lầm To Thế Kỷ -- Vì Ấu Trĩ -- Tia Chớp Này Vĩ Ðại -- Ôi Mảnh Ðất Nửa Trên Hình Chữ S -- Trong Bóng Ðêm -- Ðất nước Tôi -- Xin Hãy Giữ Mầu Trong Trắng -- Biết Bao Giờ Lời thơ Của Tôi -- Thời Ðại ************ (theo thơ Nguyễn Chí Thiện)

1981
Sương Khói Tây Nguyên (theo thơ Lâm Hảo Dũng)
Người Tù Dũng Liệt (theo thơ Thái Tú Hạp)

1982
Anh Ði Từ Ðộ Ấy -- Bài Ca Dang Dở Cho Con -- Trinh Nữ Biển Xanh (theo thơ Nguyễn Long)
Mộ Khúc I -- Mộ Khúc II -- Mộ Khúc III -- Mộ Khúc IV -- Mộ Khúc V (theo thơ Ngô Xuân Hậu)
Tôi Phải Chết Từ Năm Ngàn Năm Về trước (theo thơ Hà Huyền Chi)
Mai Mốt Ông Về -- Xa Em Anh Về (theo thơ Cao Tần)

1983
Ðất Mẹ Và Ðôi Ta -- Bài Ca Tình Ái -- Cười Chung Một Nụ (theo thơ Trần Quan Thái)

1984
Có Bao Giờ Em Hỏi -- Em ! Anh Ðã tới Paris (theo thơ Duyên Anh)
HOÀNG CẦM CA Tình Cầm -- Lá Diêu Bông -- Qua Vườn Ổi -- Cỗ Bài Tam Cúc -- Ðạp Lùi Tinh Tú -- Trăm Năm Như Một Chiều (theo thơ Hoàng Cầm)
Mầu Thời Gian (theo thơ Ðoàn Phú Tứ)
Lời Mẹ Dặn (theo thơ Phùng Quán) 

1985
Bài thơ Xanh (theo thơ Vi Khuê)
Thủy Mộ Quan (theo thơ Viên Linh)
Vết Sâu (theo thơ Nguyên Sa)

1986
Từ Dạo Ta Buồn (theo thơ Cung Vũ)
Buồn Xưa -- Sao Em Biết Thu Về -- Tìm Người (theo thơ Hoàng Ngọc Ẩn) 1987
Mơ Về Đất Mẹ -- Hãy Trả Về Em -- Mộ Chiều Xuân (theo thơ Hoàng Ngọc Ẩn)
Mười Năm Chuyện Tình Buồn (theo thơ Hà Huyền Chi)

1990
Tình Như Biển Xanh Muôn Thuở -- Một Khắc Bay Chơi (theo thơ Trần Văn Nam)

1993
Tập HOA THÔNG THIÊN : Huyền Trân -- Người Em Xứ Huế -- Em Ðến Thăm Tôi -- Tôi Ðưa Em Về -- Thần Tượng -- Si Mê-- Sao Em Chẳng Nói -- Mừng Cưới -- Xin Làm Nhân Chứng -- Hoa Thông Thiên -- Em Tập Viết -- Nếu Em Hỏi -- Người Em Gái -- Lỗi Hẹn (theo thơ Ðào Tiến Luyện)
Ngựa Biển (theo thơ Hoàng Hưng)
Tôi Yêu (theo thơ Bạch Vân)
Tháng Mười Yêu Dấu (theo thơ Võ Hoàng Châu)
Lời Vọng -- Tháng Tư Không Quên (theo thơ Trần Thiện Hiệp)
Buồn Xưa -- Sao Em Biết Thu Về -- Tìm Người -- Xuân Chết -- Nếu Ngày Mai Tôi Chết -- Gửi Lại Em Yêu -- Mãi Tiễn Ðưa -- Hãy Trả Về Em -- Mộ Chiều Xuân (theo thơ Hoàng Ngọc Ẩn)
Ðá Soi Nhật Nguyệt -- Ảo Giác -- Lỗi Hẹn (theo thơ Thái)
Thuyền Say -- Lời Cuối (theo thơ Nguyễn Thị Thanh Bình)
Còn Cát Bụi Tìm (theo thơ Ngô Tịnh Yên)
Trường Ca HÀN MẶC TỬ Tình Quê -- Ðây Thôn Vỹ Dạ -- Dalat Trăng Mờ -- Trăng Sao Rớt Rụng -- Hồn Là Ai -- Trút Linh Hồn -- Lạy Bà Là Ðấng Tinh Truyền Thánh Vẹn -- Ôi Sứ Thần Thiên Chúa Gabriel -- Phượng Trì Ôi Phượng Trì (theo thơ Hàn Mặc Tử)

1994
Mặt Trời Buồn (theo thơ Mùi Qúy Bồng)
Thu Man Mác (theo thơ VTT Paris)
Mùa Xuân Hoa Thắm -- Nhớ Con Sông Ðà (theo thơ Danielle)
Ngàn Hôn Mộng (theo thơ Nguyễn T.)

1997
MINH HỌA TRUYỆN KIỀU - PHẦn MỘT Rằng Năm Gia Tĩnh Triều Minh -- Ngày Xuân Con Én Ðưa Thoi -- Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba --Ngổn Ngang Gò Ðống Kéo Lên -- Sè Sè Nấm Ðất Trên Ðường -- Ðau Ðớn Thay Phận Ðàn Bà -- Một Vùng Cỏ Áy Ác Tà -- Dễ Hay Tình Lại Gặp Tình -- Gốc Cây Lại Vạch Một Bài Cổ Thi -- Dùng Dằng Nửa Nửa Về -- Chàng Vương Quen Mặt Ra Chào -- Tình Trong Như Ðã Mặt Ngoài Còn E (theo thơ Nguyễn Du)

2002
MINH HỌA TRUYỆN KIỀU - PHẦN HAI Người Đâu Gặp Gỡ Làm Chi -- Lơ Thơ Tơ Liễu -- Một Buổi Êm Trời -- Biết Đâu Hợp Phố -- Đá Biết Tuổi Vàng -- Hán Sở Tranh Hùng -- Tư Mã Phượng Cầu -- Kê Khang Và Khúc Quảng Lăng -- Chiêu Quân Cống Hồ -- Càng Tỏ Hương Nồng -- Trăng Thề Còn Đó -- Càng Tỏ Hương Nồng -- Trăng Thề Còn Đó (theo thơ Nguyễn Du)

Trên đây là bản danh sách chưa đầy đủ của những bài thơ mà tôi đã phổ nhạc trong đó có một số bài không được tôi cho vào MỤC PHẠM DUY TỔNG QUÁT. Nay tôi xin được ghi những bài đó vào mục THƠ PHỔ NHẠC này để các bạn đọc và nghe lại những bài -- đa số là thơ tình -- đã một thời trở thành những ca khúc ghi lại khá nhiều những kỷ niệm buồn vui của các bạn... Và của cả riêng tôi nữa. 


Phạm Duy



http://www.phamduy.com/en/van-nghien-cuu/mot-doi-nhin-lai-ngan-loi-ca/5778-38-noi-ve-ca-khuc-va-tho-pho-nhac





Chỉnh sửa lại bởi mykieu - 11/Oct/2014 lúc 6:11pm
mk
IP IP Logged
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 15/Nov/2014 lúc 11:57pm


Giai Thoại Về Nhạc Phẩm
 Làng Tôi
NHẠC SĨ chung quân
(1936-1988)

http://www.truongvanduc.net/images/logo/ThanhSaiGon.jpg


Tác Giả
:
Phan Văn Thanh,
CHS Văn Đức Lớp 12C Niên Khóa 1972 – 1975



Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh
Có sông sâu lờ lững vờn quanh êm xuôi về Nam …
Làng tôi bao mái tranh san sát kề nhau
Bóng tre ru bên mấy hàng cau đồng quê mơ màng!

Năm ấy, đoàn hát Kim Chung lần đầu tiên có kế hoạch thực hiện bộ phim nhựa có tiếng nói (âm thanh). Để cho bộ phim thêm phần hấp dẫn, trang trọng và gây ấn tượng với công chúng trong buổi chiếu ra mắt, toàn bộ êkíp điều hành, bầu sô, đạo diễn … đồng ý việc tổ chức một cuộc thi sáng tác bài hát làm nền cho phim với giải thưởng lớn cho tác phẩm được chọn. Đây cũng là bộ phim nhựa có âm thanh đầu tiên của ngành điện ảnh Việt Nam vào thời ấy. (1952)

Cuộc thi được tổ chức rộng rãi trong công chúng, không phân biệt tuổi tác, chuyên nghiệp hay nghiệp dư…đã có nhiều nhạc sĩ tên tuổi cùng một số những người mới thành danh trong làng ca nhạc giải trí thời đó tham gia. Đề tài sáng tác là quê hương và con người Việt Nam.

Sau nhiều lần chọn lựa rất công bằng và vô tư, ban giám khảo đã mất khá nhiều thời gian bàn bạc, nhận xét rồi cân nhắc để đưa ra một sự chọn lựa chính xác, dù biết đó là một quyết định rất khó khăn. Cuối cùng, Ban tổ chức đã công bố, tác phẩm được chọn để trao giải là bài hát “Làng Tôi” của một tác giả vô danh tiểu tốt, cái tên nghe chừng như rất xa lạ trong làng ca nhạc Việt thời ấy đó chính là nhạc sĩ Chung Quân.

Bản nhạc Làng Tôi được chọn vì nó mang hơi thở của một vùng quê yên bình, lời lẽ cũng mộc mạc, dung dị thấm đẫm tình cảm của người dân Việt Nam, cho dù năm đó tác giả bài Làng Quê mới chỉ vừa 16 tuổi. Nhạc phẩm Làng Quê và cái tên Chung Quân ra đời từ dạo ấy. Nhờ giai điệu du dương, thắm thiết tình người tình quê của Làng Tôi cứ mãi bay xa mà cái tên nhạc sĩ Chung Quân trở nên nổi tiếng và đi vào lòng người.

Nhiều nhạc sĩ tên tuổi và giới văn nghệ thời đó có hơi ngỡ ngàng, nhưng mọi người đều công nhận bản nhạc "Làng Tôi" xứng đáng được nhận giải thưởng vinh dự đó.

Quê tôi chìm chân trời mờ sương
Quê tôi là bao nguồn yêu thương
Quê tôi là bao nhớ nhung se buồn
Là bao vấn vương tâm hồn ... người bốn phương.

Bản Làng tôi đã giành được giải của công ty điện ảnh, đoàn cải lương Kim Chung ở Hà Nội để làm bản nhạc nền cho phim Kiếp Hoa.

Hành trình về phương Nam

Thế rồi, thế sự đổi thay theo mệnh nước nổi trôi. Năm 1954, Chung Quân cùng gia đình di cư vào Nam, định cư ở vùng Khánh Hội. Nhờ đã từng học sư phạm chuyên ngành về nhạc và danh tiếng của Làng Tôi, Chung Quân được Bộ Quốc gia Giáo dục của Đệ Nhất Cộng Hòa ưu đãi, cho dạy môn nhạc tại hai trường trung học Chu Văn An, và Nguyễn Trãi. Thời gian giảng dạy ở trường Nguyễn Trãi, Chung Quân là thầy dạy nhạc của nhiều nhạc sĩ nổi tiếng sau này như Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Đức Huy, Nam Lộc... Cũng khoảng thời gian 1955 - 1956, ông có soạn bản hợp xướng Sông Bến Hải, theo một vài ý kiến thì đó là một trường ca có giá trị nghệ thuật, viết về cuộc di cư năm 1954, nhưng về sau không thấy phổ biến rộng rãi.

Trường Nguyễn Trãi năm ấy có cậu học trò nghèo nên buổi trưa thường không về nhà mà nghỉ lại ở trường cùng bữa ăn trưa là gói xôi mà mẹ cậu đã mua cho cậu đem theo từ sáng sớm. Thay vì nghỉ trưa, cậu học trò lại tha thẩn trong trường để rồi lắng nghe được câu chuyện tranh cãi giữa hai người thầy.

Trong một căn phòng, tiếng của vị giáo sư Hà Đạo Hạnh (cử nhân toán) đang ầm ĩ nói với nhạc sĩ Chung Quân
  • Trình độ học vấn của anh chỉ đáng là học trò của tôi thôi. Việc anh được dạy chung với những giáo sư như chúng tôi là một vinh dự cho anh, anh có biết điều đó không?
  • Nhưng thưa giáo sư, nếu hỏi công chúng có biết nhạc sĩ Chung Quân là ai không? Thì chắc chắn nhiều người biết đó là tác giả của bản nhạc Làng Tôi. Còn như hỏi họ, có biết giáo sư Hà Đạo Hạnh là ai không? Tôi tin người ta không mấy người biết.

Câu chuyện đang đến hồi hấp dẫn, và cậu học trò cố áp sát tai để chờ nghe tiếp xem Giáo sư Hà Đạo hạnh trả lời ra sao, bỗng từ phía sau, một bàn tay lạnh lùng của thầy giám thị véo vào tai cậu học trò kéo đi chỗ khác! Và vì thế mà câu chuyện đành dở dang ở đây.

Rồi thời gian trôi qua, tưởng mọi chuyện đã rơi vào quên lãng. Nhưng không, nhạc sĩ Chung Quân đã không chịu bỏ qua dễ dàng như vậy, ông nhất định phải đòi lại món nợ danh dự này. Không công danh thà nát vói cỏ cây.

Nhạc sĩ Chung Quân sau đó đã quyết chí tiếp tục con đường kinh sử, ông ghi danh theo học và hoàn thành tú tài toàn phần, sau đó, ông lại tiếp tục việc học để đạt cho kỳ được mảnh bằng Đại học. Cuối cùng, ông đã tốt nghiệp cử nhân văn chương tại Anh quốc.

Đã mang tiếng đứng trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông

Nhớ lại câu chuyện ngày xưa, nhạc sĩ Chung Quân sao chép tất cả văn bằng mà mình có được gửi về cho giáo sư Hà Đạo Hạnh kèm theo lời nhắc nhở rất nhẹ nhàng lịch sự.

Thưa giáo sư Hà Đạo Hạnh, tất cả những gì mà giáo sư làm được thì Chung Quân tôi cũng đã làm được. Còn những gì Chung Quân tôi làm được thì giáo sư đã không làm được.

Viết tới đây tôi bỗng nhớ tới bài thơ của cụ Nguyễn Công Trứ có đoạn như sau:

Đã hẳn rằng ai nhục ai vinh
Mấy kẻ biết anh hùng khi vị ngộ
Cũng có lúc mưa dồn sóng vỗ
Quyết ra tay buồm lái với cuồng phong
Chí những toan xẻ núi lấp sông
Làm lên tiếng phi thường đâu đấy tỏ …

Nhạc sĩ Chung Quân đã đòi lại món nợ danh dự năm xưa một cách sòng phẳng bằng ý chí và lòng kiến nhẫn của chính ông. Rất lịch sự, tế nhị mà cũng rất quân tử. Không ồn ào, không gióng trống khua chiêng làm người khác phải ngượng ngùng, mất thể diện. Quả thật, chẳng ai biết trước được chuyện gì xảy ra trong cuộc đời.

Cậu học trò nghe lén câu chuyện ngày xưa sau này cũng theo cái nghề “gõ đầu trẻ”. Ông dạy Trung học đệ nhị cấp (cấp 3) ở miệt dưới tận tỉnh Bạc Liêu. Ngoài công việc dạy học, ông còn làm thêm nghề tay trái là viết báo, viết văn với bút hiệu Thái Phương. Sau biến cố 1975, ông nghỉ dạy và chuyển hẳn sang viết báo. Hiện nay, độc giả biết nhiều đến ông với bút danh nhà văn Đoàn Dự.

Đã có lần, nhà văn Đoàn Dự gặp lại thầy cũ là giáo sư Hà Đạo Hạnh và ông có hỏi vị giáo sư:
  • Thưa Thầy, sao ngày đó thầy lại nặng lời với Nhạc sĩ Chung Quân thế ạ!
  • Hồi ấy tôi có hơi nóng nảy nên đã quá lời

Mọi chuyện rồi cũng qua đi, người xưa giờ cũng đã trở về cùng cát bụi, nhưng câu chuyện thì sẽ còn mãi như một bài học, một tấm gương về cách đối nhân xử thế của người xưa vậy .



Nguồn : http://www.truongvanduc.net/LangToi.htm




mk
IP IP Logged
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 23/Nov/2014 lúc 10:11pm


Ai muốn đánh cắp "Nỗi Lòng Người Đi" của Anh Bằng?


Phạm Trần (Danlambao) - Vấn đề suy thoái đạo đức, ăn gian nói dối, mua bán bằng cấp và chạy chức chạy quyền trong xã hội thời Cộng sản không còn ngạc nhiên mà là thói quen của một bộ phận cán bộ, đảng viên, ngay cả trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Lãnh đạo đảng và nhà nước đã nhiều lần nhìn nhận như thế nhưng không sao cải thiện được.

Giáo sư Hoàng Tụy, nhà toán học nổi tiếng của Việt Nam từng nói: “Giả dối hiện nay đang có nguy cơ trở thành nỗi nhục trong khi truyền thống dân tộc Việt Nam không phải là dân tộc giả dối. Ngành giáo dục càng không thể là ngành giả dối. Thế nhưng đã có hơn một nhà khoa học nước ngoài nói thẳng với tôi rằng, điều thất vọng lớn nhất mà ông ta cảm thấy là sự giả dối đang bao trùm lên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội ở các tầng nấc.” (trích Phỏng vấn của báo Dân Trí)

Giáo sư Hoàng Tụy
Ông Hoàng Tụy, người có Anh hùng Hoàng Diệu là Bác ruột còn nói với báo điện tử Việt Nam Quality (VieQ.VN) ngày 03/03/2014: "Việc sử dụng bằng giả, bằng thật mà chất lượng dỏm có hại trực tiếp đến cơ quan nhà nước, làm ảnh hưởng đến chất lượng hệ thống của chúng ta. Muốn nâng cao chất lượng bộ máy nhà nước, không có cách nào khác phải chống bằng giả, phải bảo đảm giá trị thật của bằng cấp. Tình trạng bằng giả chỉ chui được vào cơ quan nhà nước theo cách nói của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận không phải là khám phá gì mới mẻ, chẳng qua quan chức nói ra thì nghe... lạ tai, chứ dân chúng thì biết rõ điều này. “Nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, bốn trí tuệ” là câu vè nghe chướng tai nhưng lại rất thực tế."

Thực tế đã chứng minh số người có bằng giả đã hoặc đang làm việc trong các cơ quan nhà nước không hiếm ở Việt Nam. Người nổi tiếng trong vụ khai gian bằng Tiến sĩ là Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang nay đã bị sa thải. Ông Quang khai đã có bằng Tiến sĩ tại Đại học Uppsala, Thụy Điển, nhưng sự thật thì trường này, theo báo chí Việt Nam, chỉ cấp chứng chỉ về nghiên cứu Khoa học Dược phẩm tự nhiên cho ông Cao Minh Quang, chứ không phải văn bằng.

Báo VnExpress viết ngày 16/9/2011: “ĐH Uppsala xác nhận: "Ông Cao Minh Quang, sinh ngày 6/6/1953, đạt chứng chỉ "Licentiatexamen" về nghiên cứu khoa học dược phẩm tự nhiên vào ngày 26/10/1994. Đây là chứng chỉ chứ không phải văn bằng. Theo quy định của trường Uppsala chứng chỉ nói trên cần phải đạt được để tham dự khóa học tiến sĩ".

Bằng chứng này đã xác nhận một thực trạng ai cũng biết đang diễn ra trong xã hội Việt Nam: Ở bất kỳ địa vị nào trong xã hội, nhất là những kẻ có chức có quyền, cũng có thể gian dối để đạt lợi ích cá nhân mà không cần phải hổ thẹn với lương tâm.

Trường hợp của "Nỗi Lòng Người Đi"

Vì vậy khi đem bi kịch gian dối lồng vào sự bất lực của nhà nước trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng từ bao nhiêu năm mà nay vẫn còn “nghiêm trọng” cũng không phải là một ngoại lệ. Nếu sự dối gian này cũng đã lan sang lĩnh vực Văn nghệ trong thời gian 2 năm qua đối với Tác phẩm Âm Nhạc nổi tiếng “Nỗi lòng người đi” của Nhạc sĩ Anh Bằng thì cũng không ai ngạc nhiên.

Tuy chuyện “tranh quyền Tác giả” bài ca lịch sử này đã râm ran từ lâu nhưng không mấy người quan tâm cho đến khi Đài Truyền hình VTV1 loan báo có chương trình Giai điệu tự hào mang chủ đề Người Hà Nội lúc 20h ngày 24/10 (2014), và Ca khúc Nỗi lòng người đi - của nhạc sĩ hải ngoại Anh Bằng sẽ lên sóng VTV1.

Vì vậy ông Khúc Ngọc Chân - nguyên nhạc công cello Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam đã làm to chuyện rằng chính ông ta mới là Tác giả của “Nỗi Lòng Người Đi”, có tên gốc là “Tôi Xa Hà Nội” viết năm 1954!

Câu chuyện bắt đầu như thế này :

Nhạc sĩ Anh Bằng, người có tên thật là Trần An Bường, sinh năm 1926 tại Nga Điền, Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa cùng quê với Nhà thơ Hữu Loan, Tác giả của Bài Thơ bất tử “Mầu tím hoa sim”. 

Khi bước sang tuổi 88 năm 2014, Nhạc sĩ Anh Bằng đã có một gia tài gần 700 ca khúc nhạc tình, nhạc dân tộc và nhạc trẻ nổi tiếng, trong đó có “Nỗi lòng người đi” ra đời ngày 15/04/1967.

Khi Tác phẩm này in ra, ai cũng thấy chỉ có một mình tên Tác giả Anh Bằng in trên Bản nhạc.


Và trong suốt 47 năm qua, qua trình diễn của nhiều thế hệ ca sĩ từ trong nước ra hải ngoại, không có bất cứ một ai dám “cả gan” tranh chấp chủ quyền với ông.

Tại sao? Bởi vì ông đã viết ra “Nỗi Lòng Người Đi” cho cả một thế hệ người Bắc di cư vào Nam năm 1954, trong đó có gia đình ông, sau khi Việt Nam phải chia đôi đất nước tại Hội nghị Geneve tháng 07/1954.


Nội dung bài hát nói lên tâm trạng rời bỏ quê hương Hà Nội của một Thanh niên đã phải bỏ lại người yêu đi tìm tự do vì không thể nào có thể ở lại miền Bắc sống chung với quân Việt Minh thời ấy.

Lý do dễ hiểu vì Anh Bằng thuộc một gia đình chống Cộng sản như Tiểu sử ông đã cho biết: “Năm 1935 ông xa gia đình để học Tiểu chủng viện Ba Làng tại huyện Tĩnh Gia thuộc tỉnh Thanh Hóa, sau đó ông lại tiếp tục theo học trung học ở Hà Nội. Vì gia đình anh em ông chống Việt Minh, vào thời kỳ Kháng Pháp, ông bị Việt Minh bắt giam ở trại Lý Bá Sơ. Các anh em ông bị tuyên án tử hình nhưng sau được thả, riêng người anh Trần An Lạc bị Việt Minh thủ tiêu. Ông theo gia đình di cư vào Nam năm 1954 và sinh sống ở khu Bà Chiểu, Sài Gòn cho đến năm 1975.”

Chuyến ra đi lịch sử của Anh Bằng năm 1954 và cuộc di cư vào Nam trong thời gian 300 ngày của trên 1 triệu người dân miền Bắc đã in đậm trong tâm khảm người Việt Nam thời ấy. Vì vậy, mỗi khi nghe ai hát “Nỗi lòng người đi” là người dân gốc Bắc, dù ở trong nước hay hải ngoại suốt 60 năm qua (20/7/1954 – 20/07/2014), cũng phải rưng rưng nước mắt!

Thế nhưng, tuy đã gần đến tuổi 50 kể từ ngày ra đời 1967, “Nỗi lòng người đi” vẫn không thoát khỏi một tai nạn không ai có thể ngờ tới xẩy đến năm 2012 qua “một việc làm chung” của 2 người ở Hà Nội, Nhà báo phê bình ân nhạc Nguyễn Thụy Kha và Nhạc sĩ Khúc Ngọc Chân, người tự nhận chính ông mới là “tác giả thật” của “Nỗi Lòng Người đi” đã được ông Anh Bằng đặt thay cho “tên nguyên thủy” là “Tôi Xa Hà Nội”.

Nguyễn Thụy Kha - Khúc Ngọc Chân

Lập luận của 2 ông Kha và Chân có một số điểm “rất nên thơ” nhưng họ lại không chứng minh được:

Thứ nhất, hãy nghe ông Nguyễn Thụy Kha kể: "Một buổi sáng cuối thu Hà Nội, có một người nhỏ thó đến văn phòng tôi làm việc ở 59 Tràng Thi - Hà Nội. Ông tự giới thiệu là Khúc Ngọc Chân.

Tôi nhìn mãi mới nhận ra ông đã từng là nghệ sĩ đàn cello ngồi ở Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam từ những năm mới thành lập. Các anh em của ông là Khúc Phác và Khúc Ka Hoàng cũng đều là dân nhạc nổi tiếng từ lâu. Ông Chân họ Khúc, đích thị là con cháu Khúc Thừa Dụ ở Ninh Giang - Hải Dương rồi. Ông nói rằng ông có bài thơ về tổ tiên được khắc trên bia đá tại đền thờ họ Khúc ở quê. Dần dà, ông bắt đầu kể cho tôi nghe về hoàn cảnh ra đời của ca khúc “Nỗi lòng người đi” mà chính ông là tác giả với cái tên đầu tiên là “Tôi xa Hà Nội.”

Thế rồi chuyện tình của Tác giả “Tôi Xa Hà Nội” Khúc Ngọc Chân được ông Kha kể: “Vốn yêu âm nhạc, ông Chân tìm đến học đàn với thầy Wiliam Chấn ở gần Hồ Tây. Lúc ấy, cả nhạc sĩ Đoàn Chuẩn và Tạ Tấn cũng đều đến học thầy Chấn nổi tiếng. Qua học thầy mà ông Chân quen với một thiếu nữ Hà Nội tên là Nguyễn Thu Hằng, kém ông hai tuổi. Rồi tình yêu nhen lửa. Họ đã có những ngày đầu yêu thương thật thơ mộng bên bờ Hồ Gươm. Không thể quên những chiều ngồi bên bờ hồ té nước đùa vui với nhau.

Sau thất bại ở Điện Biên Phủ, Pháp buộc phải ký hiệp định Genève. Ông Chân phải theo gia đình về quê. Nỗi nhớ nhung người yêu khiến cho ông cảm xúc bâng khuâng.

Khi trở về Hà Nội, ông Chân mới biết gia đình người yêu đã xuống Hải Phòng, ở khách sạn Cầu Đất chờ di cư vào Nam. Ông tìm xuống Hải Phòng để sống cùng người yêu, chờ tiễn nàng xuống tàu. Những ngày đó, với cây guitar luôn mang theo bên mình, Khúc Ngọc Chân viết Tôi xa Hà Nội tại khách sạn Cầu Đất – Hải Phòng, viết lại những gì đã bâng khuâng trong suốt những ngày tháng qua, những ngày tháng xa Hà Nội:

(1) "Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu
Bao nhiêu mộng đẹp yêu đương thành khói bay theo mây chiều
Hà Nội ơi! Nào biết ra sao bây giờ
Ai đứng trông ai bên hồ
Khua nước chơi như ngày xưa.”

Trong khi Anh Bằng viết : 

“Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu
Bao nhiêu mộng đẹp yêu đương thành khói tan theo mây chiều
Hà Nội ơi! Nào biết ra sao bây giờ
Ai đứng trông ai ven hồ khua nước trong như ngày xưa.”

Bài của Nguyễn Thụy Kha viết tiếp như ông viết Truyện tình thơ mộng của Khúc Ngọc Chân: “Chàng tròn 18 tuổi. Nàng tròn 16 tuổi. Khi ấy, tuổi ấy yêu đương là bình thường. Nếu nỗi nhớ thương người yêu ngày đó đã khiến cho Hoàng Dương viết ra Hướng về Hà Nội nổi tiếng, thì Khúc Ngọc Chân cũng viết Tôi xa Hà Nội nổi tiếng không kém. Chàng lại tiếp tục dào dạt trở lại cái cảm xúc ấy, cái giai điệu ấy nhịp 3/8 hát chậm và tình cảm (Lento - Espressivo):

(2)“Tôi xa Hà Nội năm em mười sáu xuân tròn đắm say
Đôi tay ngọc ngà dương gian tình ái em đong thật đầy
Bạn lòng ơi! Thuở ấy tôi mang cây đàn
Quen sống ca vui bên nàng
Nàng khóc tơ duyên lìa xa…”

Nhạc Anh Bằng :

“Tôi xa Hà Nội năm em mười sáu xuân tròn đắm say
Đôi tay ngọc ngà dương gian, tình ái em đong thật đầy
Bạn lòng ơi! Ngày ấy tôi mang cây đàn quen sống ca vui bên nàng
Nay khóc tơ duyên lìa tan.”

Nguyễn Thụy Kha còn bi thảm hóa cuộc gặp của đôi tình nhân Nguyễn Thu Hằng-Khúc Ngọc Chân với những dòng: "Không biết trong những ngày ngắn ngủi bên nhau ở Hải Phòng, nàng đã khóc bên chàng bao lần. Chỉ biết rằng họ vẫn an ủi nhau, nàng cứ vào trước, chàng hứa hẹn rằng sẽ vào sau, sẽ tìm nàng ở Sài Gòn. Nàng hãy gắng chờ đợi giữa đô hội phồn hoa:

(3)“Giờ đây biết ngày nào gặp nhau
Biết tìm về nơi đâu ân ái trao nàng mấy câu
Thăng Long ơi! Năm tháng vẫn trôi giữa dòng đời
Ngậm đắng nuốt cay nhiều rồi
Hồ Gươm xưa vẫn chưa phai mờ.”

Nhưng đoạn này lại giống hệt như lời của Anh Bằng:

“Giờ đây biết ngày nào gặp nhau
Biết tìm về nơi đâu ân ái trao nàng mấy câu
Thăng Long ơi! Năm tháng vẫn trôi giữa giòng đời ngậm đắng nuốt cay nhiều rồi
Hồ Gươm xưa vẫn chưa phai mờ.”

Nhưng đến đoạn chót của Bài hát thì ông Khúc Ngọc Chân thay đổi:

(4)“Hôm nay Sài Gòn bao nhiêu tà áo khoe màu phố vui
Nhưng riêng một người tâm tư sầu não đi trong bùi ngùi
Sài Gòn ơi! Mộng với tay cao hơn trời
Ai nhắn thay tôi đôi lời, chỉ ước mơ mong đẹp đôi.”

Trong khi Anh Bằng đã viết:

“Hôm nay Sài Gòn bao nhiêu tà áo khoe màu phố vui
Nhưng riêng một người tâm tư sầu vắng đi
trong bùi ngùi
Sài Gòn ơi! Mộng với tay cao hơn trời
Tôi hái hoa tiên cho đời để ước mơ nên đẹp đôi.”

Những mặt trái bị lộ

Đến đây thì chân tướng không thật bắt đầu lộ ra với giọng văn tiểu thuyết của Nguyễn Thụy Kha: "Ca khúc được viết xong, Khúc Ngọc Chân đã tập cho nàng hát thuộc lòng, hát đi hát lại đến chan chứa cảm xúc. Khi ấy đã là cuối tháng 11.1954.

Ngày đưa tiễn nàng và gia đình xuống tàu há mồm di cư vào Nam, chàng và nàng cùng xuống một chiếc thuyền con ở bến Bính để đi ra nơi tàu đậu ngoài cửa biển. Thuyền cứ trôi, còn chàng thì cứ bập bùng guitar và hát Tôi xa Hà Nội cho nàng nghe. Nàng thì vừa nghe vừa đập nhịp bằng tay lên mạn thuyền. Một cảnh tượng chia tay thật lãng mạn như trong tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn. Và rồi con tàu đã rời xa đất liền, trôi mãi vào biển cả mênh mang, mang theo nàng và mối tình đầu day dứt cùng giai điệu đượm buồn kia. Còn chàng thì quay về, rồi trở lại Hà Nội. Nhưng nỗi nhớ nàng thì cứ thắp sáng trong những đêm trường cô đơn.”

Lối “tả chân” của Nhà văn Nguyễn Thụy Kha chất chứa đầy đủ những hoạt cảnh cần thiết cho một khúc phim tình cảm của thời bình trên chiếc du thuyền, nhưng chắc chắn không thể có “trong chuyến đò” di cư của người miền Bắc vào Nam của thời 1954. Tất nhiên vào khi ấy, không người di cư tất tưởi nào lại còn đủ bản lãnh để thư thái mà “bập bùng guitar và hát Tôi xa Hà Nội cho nàng nghe” , và nàng cũng “ung dung”, chả quan tâm gì đến bố mẹ và gia đình ngồi quanh để “vừa nghe vừa đập nhịp bằng tay lên mạn thuyền”!

Về trường hợp của cô Nguyễn Thu Hằng, qua ngòi bút điêu luyện không cần có chứng minh, ông Nguyễn Thụy Kha viết: “Còn nàng, khi vào Sài Gòn, vì mưu sinh, với khả năng văn nghệ và vẻ đẹp của mình, nàng đã đến đầu quân cho một quán bar. Ở đó, nàng vừa làm việc, vừa nhớ người yêu. Ca khúc của chàng đã được nàng tự hát trong những đêm thương nhớ. Hát để nhớ chàng, hát để chia sẻ với bao người khác có tâm trạng nhớ nhung như nàng. Và đương nhiên, một ca khúc hay như thế đã lọt vào thẩm âm của nhiều nhạc sĩ lúc đó cũng đã lìa xa Hà Nội. Chắc chắn trong đó có nhạc sĩ Anh Bằng. Ca khúc đã có một số phận khác khi được nhạc sĩ nhận thức và tìm cách xử lý. Còn ở Hà Nội, Khúc Ngọc Chân đâu ngờ gia đình ông bao đời không chịu làm cho Tây đã không theo dòng người di cư mà ở lại Hà Nội vừa giải phóng. Vậy là lời hứa với nàng đành lỡ dở theo thời gian.”

Đến đây thì “mùi sắc” chính trị “làm cho Tây” và “Hà Nội vừa giải phóng” đã được Nguyễn Thụy Kha lồng vào âm nhạc. Chả lẽ Nguyễn Thụy Kha không biết đâu phải hơn 1 triệu người bỏ miền Bắc di cư xuống Nam là vì đã “làm cho Tây” nên đã đi theo Tây vào Nam?

Cũng chẳng lẽ ông Kha không biết lực lượng Việt Minh đã “tiếp quản” thành phố Hà Nội từ tay quân đội Pháp sáng ngày 10/10/1954 chứ đâu có đánh đấm gì mà bảo là “giải phóng” như Ban Tuyên giáo đảng CSVN đã viết tài liệu tuyên truyền trong dịp kỷ niệm 60 năm mới đây (10/10/1954 – 10/10/2014)?

Không dừng ơ đây mà Tác giả Nguyễn Thụy Kha đã cùng với Khúc Ngọc Chân đong đưa tiếp với nhiều huyền thoại:

Nhà báo này viết: “Ở lại Hà Nội, năm 1956, ông Chân vào học đàn cello ở Trường Âm nhạc Việt Nam. Khi tốt nghiệp thì về công tác tại Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Ngày thống nhất đất nước, khi Dàn nhạc Giao hưởng vào biểu diễn ở Sài Gòn vừa giải phóng, ông Chân đi tìm người yêu qua họ hàng thân thiết thì biết tin người yêu vò võ đợi chờ ngày gặp lại đã mất vì mắc bệnh hiểm nghèo năm 1969, khi mới vào tuổi “tam thập nhi lập”. Theo người thân của người yêu, ông đã tìm đến mộ nàng và thắp hương, thầm khóc cho cuộc tình chia phôi bất hạnh. Chính vì người yêu đã mất, nên ông không sao hiểu nổi bằng cách gì mà ca khúc Tôi xa Hà Nội của ông lại lọt vào tay nhạc sĩ Anh Bằng, được ông sửa thành nhịp 4/4 theo điệu Slow và phổ biến “quá trời” tại Sài Gòn.”

Rồi ông Kha và ông Chân kể tiếp như người chết đuối vớ được phao giữa dòng nước xoáy: "Ông Chân nói rằng đó là điều may mắn. Khi ấy, nếu ca khúc lan ra mà lại ghi tên ông là tác giả, chắc ông khó mà ngồi yên ở Dàn nhạc Giao hưởng cho đến khi về hưu. Nhưng vì ca khúc ghi là của tác giả Anh Bằng, nên những ca từ rất thực của ông diễn tả nỗi phấp phỏng trong lòng Hà Nội tạm bị chiếm lại trở thành một vệt đen mang đậm nỗi ấm ức của bao người di cư ở bên kia chiến tuyến. Lại nữa, vì Anh Bằng đổi tên ca khúc thành Nỗi lòng người đi nên vệt đen kia hóa thành có thực khi đất nước bị chia cắt. Cũng chính vì thế mà cho đến nay Nỗi lòng người đi (vốn là Tôi xa Hà Nội) vẫn chưa được cho phép hát lại.”

Nhưng làm sao mà ông Chân có thể “hát lại” được, bởi vì Trung tâm bảo vệ quyền Tác giả Âm Nhạc Việt Nam ở Hà Nội (Vietnam Center for Protection of Music Copyright , VCPMC) đã bác lời xin bảo vệ quyền lợi cho ông vì ông “đã không chứng minh được quyền Tác giả” của mình.

Nguyên văn điện thư của Bà Đinh Thị Thu Phương, Phó quản lý, đặc trách ngoại vụ của Trung Tâm gửi Nhạc sĩ Anh Bằng về tác quyền như sau:

From: "Dinh Thu Phuong" <phuong.dtt@vcpmc.org>
Date: September 24, 2014 at 1:08:06 AM PDT
Subject: Fwd: NOI LONG NGUOI DI

Kính gửi Nhạc sĩ Anh Bằng,

Cháu nhận được email kèm theo bản nhạc của bác đã lâu, nhưng phải chờ thẩm định, rồi lại vì bận nhiều việc quá nên hôm nay cháu mới hồi âm tới bác được, mong bác thứ lỗi.

Nhạc sĩ Khúc Ngọc Chân ủy quyền cho VCPMC ca khúc Tôi xa Hà Nội từ ngày 24.4.2014, tuy nhiên sau đó phát hiện có sự song trùng với ca khúc Nỗi lòng người đi của bác. VCPMC đã yêu cầu 2 bên cung cấp chứng cứ bằng văn bản, nhưng ông Khúc Ngọc Chân không có, vì vậy VCPMC đã quyết định ngừng bảo vệ, quản lý và khai thác ca khúc Tôi xa Hà Nội. Điều đó có nghĩa VCPMC chỉ công nhận tính hợp pháp của ca khúc Nỗi lòng người đi của nhạc sĩ Anh Bằng. Cháu xin chúc mừng bác ạ. 

Đây là việc thường xuyên phải giải quyết của VCPMC, mong bác giải thích với mọi người rằng chỉ thuần túy là việc tranh chấp dân sự bình thường, ai không đủ chứng cứ là thua, có thế thôi, không phải là âm mưu chính trị gì đâu (như có bài viết ở hải ngoại phỏng đoán) vì sự việc nó quá tầm thường không đáng để suy diễn làm ảnh hưởng đến chính sách đại đoàn kết dân tộc của Nhà nước Việt Nam.

Để thực hiện khoản 1, 2 Điều 3 của Hợp đồng ủy quyền (mà cô Trương Mỹ Dung – học trò của bác ở Việt Nam đã thay mặt bác ký với VCPMC) một lần nữa cháu đề nghị bác vui lòng gửi qua email cho cháu toàn bộ ca khúc của bác mà bác đang có, nếu đã là xuất bản phẩm trước 1975 tại Sài Gòn thì bác scan cho cả mặt ngoài và mặt trong của bản nhạc khổ giấy A3, ca khúc nào chưa xuất bản hoặc viết sau 1975 chưa in thì bác gửi cho cháu bản chép tay cũng được. Cháu cảm ơn bác trước.

Cháu xin gửi kèm theo đây 1 quyết định của Giám đốc VCPMC và 1 mẫu Hợp đồng ủy quyền để bác tham khảo.

Trân trọng kính chào bác – người nhạc sĩ tài danh mà tác phẩm luôn hướng tới và dành cho tình yêu con người cùng quê hương đất nước Việt Nam. Chúc bác vui khỏe và dồi dào sức sáng tạo.

Kính thư,
--
Dinh Thi Thu Phuong (Ms)
Deputy Manager of External Relations Divison,
Cellphone: +84 91 660 5156
Vietnam Center for Protection of Music Copyright (VCPMC)
66 Nguyen Van Huyen Str, Cau Giay District., Hanoi, Vietnam
Phone: +844 3762 4718 (ext: 268) / Fax: +844 37624717
Office hour: 8am - 5pm GMT+7, Mon-Fri

Ngoài ra, Giám đốc Trung Tâm, Nhạc sĩ Phó Đức Phương cũng ra Quyết định ngày 12 tháng 09 năm 2014 có 3 điểm, nguyên văn như sau:

Điều 1: Ngừng bảo vệ quản lý và khai thác 1 ca khúc “Tôi xa Hà Nội” của Nhạc sĩ Khúc Ngọc Chân.

Điều 2: Những ca khúc khác của Nhạc sĩ Khúc Ngọc Chân vẫn được bảo vệ, quản lý và khai thác bình thường.

Điều 3: Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký. Các phóng ban chức năng của Trung tâm chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

(Phó Đức Phương-Ký tên và đóng dấu).



Tiếp tục sai lầm

Bài viết của Nhà báo phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha xuất hiện trong Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay số 804 và được Website Giai Điệu Xanh đăng lại ngày 21/12/2012 còn tiếp tục sai lầm rằng: “Tìm hiểu về nhạc sĩ Anh Bằng qua nhiều luồng thông tin, qua trang mạng Google thì thấy rằng điều ông Chân thổ lộ rất có cơ sở. Nhạc sĩ Anh Bằng tên khai sinh là Trần An Bường. Ông sinh năm 1925 tại thị trấn Bỉm Sơn thuộc Ninh Bình. Ông học trung học tại Hà Nội trước khi di cư vào Nam. Sau ngày 30.4.1975, Anh Bằng sang Mỹ, cư trú tại Houston, bang Texas . Ông vẫn hoạt động văn nghệ trong cộng đồng người Việt và hiện là cố vấn Trung tâm Asia Entertainment tại Houston.”

Ngay trong đoạn này, ông Kha đã “khẳng định chuyện kể của ông Chấn “rất có cơ sở”, căn cứ theo những gì ông Kha tìm được trên mạng điện tử Google, nhưng ông lại nói sai “Sau ngày 30.4.1975, Anh Bằng sang Mỹ, cư trú tại Houston, bang Texas . Ông vẫn hoạt động văn nghệ trong cộng đồng người Việt và hiện là cố vấn Trung tâm Asia Entertainment tại Houston”, trong khi gia đình Nhạc sỹ Anh Bằng và Trung tâm Asia chưa bao giờ sinh sống hay xây dựng sự nghiệp âm nhạc ở Houston, Texas.

Tuy vậy, tác giả Nguyễn Thụy Kha cứ “đong đưa” với chữ nghĩa để tiếp tục thêu dệt rằng: “Ngày ấy, khi vào Sài Gòn, theo thiển nghĩ của tôi, Anh Bằng chưa được biết đến như Chung Quân, Cung Tiến. Nghe được ca khúc Tôi xa Hà Nội do một thiếu nữ làm ở quán bar hát những khi chia sẻ mà lại không biết xuất xứ. Với khả năng âm nhạc của mình, Anh Bằng đã thuộc được giai điệu này. Ông thấy rất hợp tâm trạng của ít nhất là những thanh niên vừa phải xa Hà Nội di cư vào Sài Gòn. Vậy là cuộc sử dụng một giai điệu mang tâm trạng của thanh niên xa Hà Nội, nhưng để hợp thời thế, Anh Bằng đã chuyển nhịp 3/8 gốc của ca khúc Tôi xa Hà Nội thành nhịp 4/4 dùng tiết điệu Slow.”

Tệ hại hơn, Thụy Kha còn dựa vào lời nói của người duy nhất tự nhận là Tác giả “Tôi xa Hà Nội” Khúc Ngọc Chân để bịa ra rằng: “Còn về ca từ, Anh Bằng đã khéo léo gắn vào đó tên của một nhà thơ tình nổi tiếng là Nguyễn Bính.

Nguyễn Bính là nhà thơ đã từng tham gia chiến tranh tại Nam bộ và có bài thơ Tiểu đoàn 307 được Nguyễn Hữu Trí phổ nhạc rất hoành tráng. Nhưng sau Hiệp định Genève, ông đã ra tập kết ở miền Bắc. Có lẽ thông tin này, Anh Bằng không biết, nên ông đã tự “vu” cho Nguyễn Bính chịu trách nhiệm ca từ này.”

Nhưng Nhạc sĩ Anh Bằng, đã trả lời câu hỏi của tôi (Phạm Trần) về chuyện Nguyễn Bính như sau:

“Cảm ơn Anh đã tỏ ra rất quan tâm đến ca khúc NỖI LÒNG NGƯỜI ĐI của tôi đang bị cướp đoạt một cách trắng trợn.

Anh đã xem Bản nhạc được in và phát hành năm 1967 tại Sài Gòn chỉ có tên Tác giả là ANH BẰNG trong ca khúc NỖI LÒNG NGƯỜI ĐI. Tuyệt đối không có tên Thi sĩ Nguyễn Bính in bên cạnh như kẻ gian manh, xáo quyệt, vô lương tâm, vô liêm sỉ bịa đặt.

ANH BẰNG xin minh xác như vậy để Anh yên tâm.”



Nhạc sĩ Lê Dinh, người bạn tâm giao của Anh Bằng trong nhóm 3 Nhạc sĩ Lê Minh Bằng (Lê Dinh-Minh Kỳ-Anh Bằng) phản ứng về chuyện này:

“Bài viết này, của báo trong nước, tôi cũng đã đọc cách nay một tuần. Đây chỉ là một bài viết lập lại những lý luận mà họ đã lải nhải như trong nhiều bài trước, không có gì mới lạ.

Nhưng họ không đá động gì tới việc cô Đinh thị Thu Phương, Vietnam Center for Protection of Music Copyright (VCPMC / thuộc Trung Tâm Bảo Vệ Quyền Tác Giả) đã xác nhận với Anh Bằng, qua thư đề ngày 24-09-14, rằng: “Sau khi thẩm định, VCPMC đã quyết định ngừng bảo vệ, quản lý và khai thác ca khúc Tôi xa Hà Nội (của Khúc Ngọc Chân vì không cung cấp chứng cứ bằng văn bản). Và VCPMC chỉ công nhận tính hợp pháp của ca khúc Nỗi lòng người đi của nhạc sĩ Anh Bằng”.

Như vậy, chúng ta xem như việc này đã kết thúc qua lá thư của cô Đinh thi Thu Phương (CVPMC) gửi cho Anh Bằng ngày 24-09-14 (được trích trên đây)

“…Việc lên tiếng của VCPMC là một tiếng chuông cảnh cáo những kẻ giả mạo để ăn cướp công lao của những nhạc sĩ sáng tác, vì không gì dễ bằng, cứ lấy một tác phẩm cũ nổi tiếng nào đó, của một nhạc sĩ nổi tiếng nào đó, chép bằng máy vi tính, sửa lại vài chữ và nói đây là bài nhạc của tôi sáng tác năm đó, năm đó… ông nhạc sĩ này lấy bài nhạc của tôi làm và nói là của ổng. Chủ nhà trở thành kẻ cướp và kẻ cướp trở thành chủ nhà, quá dễ.

May mà có sự quyết định sáng suốt của Trung Tâm Bảo Vệ Quyền Tác Giả, nếu không thì sẽ có loạn trong làng âm nhạc Việt Nam, chứ chẳng không.”

Tại sao đến 2012 mới biết ?

Về chủ quyền bài hát, ông Khúc Ngọc Chân tỏ ra lúng túng khi phóng viên báo Thể thao- Văn hóa Việt Nam (Thethaovanhoa.vn) hỏi ngày 15/10/2014 rằng: “Tại sao đến tận bận bây giờ ông mới nhận Nỗi lòng người đi là của mình. Ông có bằng chứng gì thuyết phục rằng đó chính thức là ca khúc của mình không? Ông đã sáng tác ca khúc đó trong hoàn cảnh nào và liệu ông có còn nhạc bản ngày xưa hay không?”

Ông Chân đáp gọn: “Bản nhạc ngày xưa sao mà giữ được. Ca khúc của tôi sáng tác hồi đó chính ra chỉ có 2 người biết với nhau là tôi và cô người yêu thôi.”

Về chuyện bảo Anh Bằng ghi tên Nhà thơ Nguyễn Bính vào bản nhạc, ông Chân lại ú ớ khi được báo Thanh niên-Văn hóa (TTVH) hỏi: “Sau này rồi có ai biết có bài nào nhác nhác như thế của ông Nguyễn Bính không?

Khúc Ngọc Chân: “Không có. Gia đình Nguyễn Bính ở Nam Định cũng không còn ai, con cháu đi hết rồi. Tất cả các tuyển tập thơ Nguyễn Bính không có bài nào như thế.

May cho tôi là khi kể chuyện này với nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha và một số người bạn, có người lên mạng đã copy được bản nhạc Anh Bằng sáng tác đề rằng Nỗi lòng người đi, nhạc Anh Bằng, thơ Nguyễn Bính. Tuy nhiên, sau bài viết đầu tiên của Nguyễn Thụy Kha được đưa lên mạng thì đến ngay cả Thụy Kha đi tìm bản đề thơ Nguyễn Bính cũng không có nữa mà chỉ đề là tác giả Anh Bằng thôi, bỏ phần thơ đi. Nếu mà sự thực phổ thơ Nguyễn Bính thì vẫn để nguyên chứ. Giả dụ là thơ của Nguyễn Bính thật thì không sao, không thì tôi phải là Nguyễn Bính chứ không phải Anh Bằng, bởi Anh Bằng chỉ phổ nhạc thôi mà.”

Nhưng tại sao ông Khúc Ngọc Chân (KNC) không yêu cầu ông Nguyễn Thụy Kha và “một số người bạn” trưng ra bằng cớ về chuyện “đã copy được bản nhạc Anh Bằng sáng tác” có tên Nguyễn Bính trên đó?

Báo TTVH: “Ông nói rằng Nỗi lòng người đi không phải của Anh Bằng, vậy chỉ cần ông đưa ra bằng chứng xác đáng đó là của ông và nếu thực sự là của ông thì dù cho nhiều người chưa biết thì sẽ biết đến ca khúc này là của ông?

KNC: "Người yêu của tôi đã mất, do vậy tôi không tranh chấp quyền tác giả. Tôi chỉ muốn nói về một số phận khác khi ca khúc được một nhạc sĩ nhận thức và xử lý và đã thành một ca khúc hay, đó là điều may mắn. Khi xưa, lúc tôi biết Anh Bằng phổ nhạc, tôi cũng không dám nói ra, bởi Tôi xa Hà Nội với những ca từ rất thực diễn tả nỗi phấp phỏng trong lòng Hà Nội tạm bị chiếm của tôi lại trở thành một vệt đen thì sao?"

Chân trái đá chân phải

Trong ki đó, Nguyễn Mạnh Hà (báo Tiến Phong, 11-10-2014) viết: “Khúc Ngọc Chân khẳng định, mãi tới năm kia (2012) ông mới biết đến sự tồn tại của Nỗi lòng người đi. Bởi ông không thích và rất ít nghe nhạc hải ngoại.

Qua lời kể của ông Chân thì thậm chí Nguyễn Thụy Kha cũng biết đến “nghi án” Nỗi lòng người đi. Ông Chân thuật lại lời ông Kha trong cuộc gặp lần đầu tiên của hai người: “Anh có cái bài Nỗi lòng người đi bên kia người ta nói là bài của anh?!” Nhưng Nguyễn Thụy Kha lại khẳng định không hề biết đến nghi án này cho tới khi Khúc Ngọc Chân kể ra. Tuy nhiên, ông Kha vẫn cảm thông với cách trình bày hơi khó hiểu của ông Chân: “Người ta không phải người ăn nói với công chúng. Nhưng mình biết được cái lõi của vấn đề. Tôi bằng trực giác biết chắc chắn bài này của ông ấy rồi!”. 

“Phổ thơ cũng được nhưng đấy là cái sai lầm nhất của Anh Bằng. Toàn bộ gia tài Nguyễn Bính không có bài thơ nào như lời bài “Nỗi lòng người đi”. Mà lúc đấy Nguyễn Bính tập kết ra Bắc ra Hà Nội rồi, không dính dáng đến miền Nam nữa mà viết cái đó. Đấy là kẽ hở của câu chuyện.

Thế rồi Nguyễn Mạnh Hà nhận xét: "Sự vô danh của Khúc Ngọc Chân là một điều bất lợi khi đặt cạnh Anh Bằng- tác giả của hàng trăm bài hát trong đó có Khúc thụy du, Nếu vắng anh, Anh còn nợ em, Tình là sợi tơ… Một điểm yếu nữa trong câu chuyện của Khúc Ngọc Chân mà những người đứng về phía Anh Bằng xoáy vào là có nhiều hình ảnh tư liệu cho thấy tàu há mồm đưa người vào Nam cập sát cảng Hải Phòng. Trong khi ông Chân kể, ông vẫn còn hát Tôi xa Hà Nội cùng người yêu trên thuyền từ bến Bính ra “phao số không” để tiễn nàng lên tàu há mồm. Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, người gốc Hải Phòng, cho hay Thu Hằng vào Nam là đợt đầu tiên, tháng 11/1954. Lúc đó tàu há mồm chưa cập vào cảng Hải Phòng."

Với những gì chúng ta đọc được quanh “vụ án Nỗi Lòng Người Đi” của Nhạc sĩ Anh Bằng cho thấy đã có những thay đổi nguy hiểm trong tâm tư của cả giới làm văn nghệ ở Việt Nam trong thời đại “gian dối đã ngự trị trên, không những con người mà cả nền tảng văn hóa truyền thống lấy nhân, nghĩa, lễ, trí, tín của dân tộc làm kim chỉ nam cho đời sống hàng ngày.”

Một nền văn hóa loạn xạ như thế phải là mối lo nhức nhối của mọi người, vì như Giáo sư Hoàng Tụy đã báo động: “Giả dối hiện nay đang có nguy cơ trở thành nỗi nhục trong khi truyền thống dân tộc Việt Nam không phải là dân tộc giả dối.” -/-


(10/2014)



mk
IP IP Logged
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 27/Jan/2015 lúc 1:18am

Ca Sĩ Mộc Lan là :

 "NGƯỜI EM GÁI MIỀN NAM" 

của Nhạc Sĩ ĐOÀN CHUẨN

Hà Đình Nguyên

**

Mời nghe Quang Tuấn hát

" Gửi người em gái miền Nam" :

 

https://www.youtube.com/watch?v=OtrKtscyW64


Những người am hiểu và gắn bó với nền tân nhạc Việt Nam, hẳn vẫn còn nhớ về một thế hệ nữ ca sĩ cách đây hơn 60 năm. Đó là những giọng ca: Mộc Lan, Tâm Vấn, Châu Hà, Kim Tước... Thời may, tôi được gặp một người trong số họ: danh ca Mộc Lan.
Tiếng tăm của nữ danh ca một thời Mộc Lan thì tôi đã từng nghe biết từ lâu qua những lời truyền tụng và sách báo. Thời hoàng kim của bà đã cách đây hơn nửa thế kỷ nên một kẻ hậu bối như tôi dù rất ao ước cũng khó lòng gặp được, bởi bà đã “mai danh ẩn tích” từ rất lâu... Qua sự giới thiệu của một nhà thơ, được biết nhà văn Trần Áng Sơn (vốn là chỗ quen biết với tôi) chính là em ruột của bà, tôi nhờ anh Sơn dẫn đến thăm bà. Một ngày cận Tết, anh Trần Áng Sơn đưa tôi đi, nhưng dặn nhỏ: “Hạn chế hỏi chuyện đời tư nhé!”. Tôi vâng dạ mà... buồn thiu bởi thú thực tôi đang rất muốn hỏi bà một số chuyện tình cảm liên quan đến các nhạc sĩ Châu Kỳ, Đoàn Chuẩn..., đành gặp trước rồi tính sau.

Dù đã được anh Trần Áng Sơn báo trước nhưng tôi cũng không thể ngờ người đàn bà tài sắc một thời này, nay lại có hoàn cảnh khó khăn như thế. Bà hiện sống - có thể nói là cô độc trong một căn nhà chỉ chừng mười mấy mét vuông ở cuối con hẻm nhỏ trên đường Lê Văn Sỹ (Q.3, TP.HCM). Càng cô độc hơn khi một mình bà phải nuôi nấng, chăm lo cho người con gái trên 50 tuổi bị bệnh tâm thần. Mảnh lưng ong ngà ngọc một thời nay đã còng xuống, trí nhớ có phần mai một nhưng vẻ xuân sắc ngày ấy vẫn chưa phai nét trên khuôn mặt mà mái tóc đã gội tuyết sương... Bà khoe: “Tôi mới vừa nói chuyện qua điện thoại với nhạc sĩ Trịnh Văn Ngân ở bên Mỹ gọi về (nhạc sĩ Trịnh Văn Ngân là tác giả các ca khúc Buồn thu, Đường tơ lưu luyến, Người đưa thư đã đi qua...). Bây giờ buồn lắm, bạn bè chỉ còn dăm người, ai nhớ đến mình, gọi điện hỏi thăm hay gửi cho chút quà là mừng lắm, cảm động lắm... Châu Hà, Kim Tước đang ở nước ngoài, chỉ có Tâm Vấn thỉnh thoảng có ghé thăm. Tất cả đều già yếu rồi nên chẳng ai trách ai...”.

* Cô đi hát từ bao giờ và bài hát đầu tiên cô biểu diễn trước công chúng là bài nào?

- Tôi tên thật là Phạm Thị Ngà, sinh năm 1931, tuổi Mùi. Đi hát từ thời 14 - 15 tuổi ở Đài Pháp Á. Nghệ danh Mộc Lan do nhạc sĩ Lê Thương đặt cho tôi. Bài hát đầu tiên thì không nhớ nổi nhưng tôi nổi tiếng với bài hát Em đi chùa Hương (thơ Nguyễn Nhược Pháp, nhạc Trần Văn Khê). Ông Khê viết bài này rất kỳ công, có xen kẽ những đoạn vừa nói vừa diễn tả rồi lại hát, cho nên bài hát rất dài và rất kén người hát. Tôi may mắn được coi là người đầu tiên thể hiện thành công bài hát này... Nghe nói ông Khê về nước mấy năm nay rồi, lẽ ra tôi phải đến thăm ông vì cái ơn hồi đó ông uốn nắn cho giọng hát của tôi từng chút một, nhưng giờ cả hai đều già yếu. Tôi nhớ dạo ông ấy còn ở bên Tây, tôi đã từng về quê của ông ấy ở xã Vĩnh Kim (Cái Bè, Mỹ Tho) hát. Mới đó mà đã hơn 50 năm rồi...

* Ngoài Em đi chùa Hương, cô còn hát thành công những ca khúc nào nữa?

- Nhiều lắm. Tiếng thời gian, Hình ảnh một buổi chiều (Lâm Tuyền), Gởi gió cho mây ngàn bay, Chuyển bến (Đoàn Chuẩn), Thoi tơ (Đức Quỳnh), Nhớ nhung (Thẩm Oánh), Phố buồn (Phạm Duy)... Sau này, tôi hát trong ban Tiếng Tơ Đồng của nhạc sĩ Hoàng Trọng. Lúc đó, Hoàng Trọng được mệnh danh là “Vua Tango” nên những bài tango của Hoàng Trọng đều do tôi hát đầu tiên...

* Hiện cô còn giữ băng đĩa nào ghi âm những bài hát này không?

- Hồi xưa, tôi ghi âm nhiều lắm. Thu vào đĩa 45 vòng, vào băng Magne, Akai... nhưng rồi mấy lần dọn nhà đâm ra thất lạc, cái nào giữ được thì ẩm mốc, hư hỏng hết... Có mấy người bạn ở nước ngoài gửi cho vài đĩa nhạc nhưng nhà chẳng có máy mà nghe nên cũng chỉ để đó.

*Nhiều người cho rằng bài hát Gởi người em gái là của Đoàn Chuẩn viết riêng cho Mộc Lan. Điều này đúng không?

- (cười...). (Anh Trần Áng Sơn gật đầu xác nhận: “Đã có rất nhiều tài liệu cho rằng nhân vật nữ trong Gởi người em gái của Đoàn Chuẩn chính là chị Mộc Lan”)... Thực ra thế này, dạo đó tôi ở trong Nam, còn ông Đoàn Chuẩn ở ngoài Bắc, ông ấy sáng tác và gửi bài hát vào Nam cho các ca sĩ, không cứ gì gửi cho riêng tôi. Tôi vào Nam từ rất sớm do ông anh tên là Long dắt vào. Mấy năm sau, khi tôi chung sống với ông Châu Kỳ ở Huế thì tôi đón Trần Áng Sơn vào ở chung (1952).


* Cô nhận xét thế nào về nhạc sĩ Châu Kỳ?

- Ông ấy rất hiền lành, đã hứa làm cái gì thì làm tới nơi. Riêng với phong trào âm nhạc thì ông ấy rất nhiệt tình. Sống có tình cảm nên bạn bè rất quý. Có điều nhậu vô là nói lèm bèm. Tính tôi nghe nhiều không chịu được, bực lắm! Mình đi hát thì phải tiếp xúc với nhiều người mà ông ấy lại quá ghen...

* Nhạc sĩ Châu Kỳ mất, cô có biết tin không?

- (ứa nước mắt)... Trước đó ít lâu, tôi có việc đi ngang Hội quán Nghệ sĩ trên đường Trần Quốc Thảo (Q.3), thấy Châu Kỳ ngồi phía bên ngoài. Thấy tôi, Châu Kỳ ngoắc lia lịa: “Bà vào đây chút đã!”. Tôi xua tay: “Tôi mắc công chuyện phải đi gấp!”... Ít lâu sau nghe tin ông ấy mất. Tâm Vấn và Thanh Nhạn gọi điện thoại bảo tôi nên đến viếng ông ấy một chút nhưng tôi bệnh quá không đi được. Để chừng nào tôi khỏe khỏe một chút, tôi với Tâm Vấn sẽ đến thắp cho ông ấy một nén hương...

...Chia tay người của một thời mà lòng tôi nặng trĩu. Nhan sắc ấy, giọng ca ấy từng khuấy đảo sân khấu ca nhạc cả trong Nam lẫn ngoài Bắc. Kẻ đưa người đón dập dìu mà nay vò võ còng lưng trong căn nhà chật hẹp. Có tâm sự cũng chẳng biết sẻ chia với ai bởi bên cạnh bà giờ chỉ còn người con gái ngờ nghệch, khật khùng... Anh Trần Áng Sơn bảo thậm chí đến cơm nước bà cũng không thể tự nấu, phải đặt cơm tháng, người ta mang đến nhà cho mẹ con bà... Buồn ghê!

clip_image001

Hương sắc 60 năm trước


Khi biết tôi có ý định viết về nữ ca sĩ một thời vang bóng Mộc Lan, nhà văn Trần Áng Sơn không nói gì nhưng trao cho tôi bộ Những trang sách khép mở (3 tập). Để bạn đọc hình dung được một Mộc Lan hương sắc của 60 năm về trước, xin trích từ những trang viết của Trần Áng Sơn:
“Khi tôi chưa đầy một tuổi thì mất cha. Mẹ tôi, người đàn bà chân quê không đủ sức nuôi dưỡng, dạy bảo 8 đứa con đang sức ăn sức lớn. Tình cảnh gia đình thật bi đát, 8 anh chị em tôi ở trong tình trạng xẻ nghé tan đàn bất cứ lúc nào... Cuối cùng người lãnh trách nhiệm hy sinh để cứu những đứa em còn quá nhỏ dại là anh hai tôi - anh Long. Anh phải từ bỏ trường học, từ bỏ võ đài - nơi anh ấy đang nổi lên như một võ sĩ quyền Anh trẻ tuổi đầy hứa hẹn. Anh dắt theo hai chị tôi: chị Ngọc, chị Ngà từ Hải Phòng vào Sài Gòn tha phương cầu thực. Cảnh chia ly ấy diễn ra khi tôi vẫn còn là một đứa trẻ lẫm chẫm tập đi. Tôi lớn dần lên trong cơ cực, trong đạn bom Thế chiến thứ hai, và khi tiếng súng toàn quốc kháng chiến nổi lên cũng là lúc gia đình tôi hoàn toàn bị đứt liên lạc với các anh chị tôi ở Sài Gòn...

Ngày các anh chị rời xa gia đình, tôi còn quá nhỏ nên không hình dung được họ ra sao, nhưng qua lời mẹ tôi kể lại thì các anh chị tôi đều rất đẹp: anh Long cao lớn, đẹp như thầy chúng tôi. Còn chị Ngà (sau này là nữ danh ca Mộc Lan - PV) đẹp như tranh vẽ, mẹ kể da của chị trắng như trứng gà bóc, răng đều tựa như hạt cườm, tay cứ như tay tiên. Tóm lại trong 5 chị gái, chị Ngà tôi đẹp nhất. Tôi giữ hình ảnh đẹp như tranh vẽ của người chị trong tâm hồn như một niềm kiêu hãnh...

Một hôm vừa đi học về, tôi ngạc nhiên thấy nhà có khách - một người phụ nữ sang trọng, rất đẹp, cái đẹp sắc như dao cau. Tôi ngỡ ngàng ngộ nhận đó là chị Ngà tôi ở Sài Gòn mới về. Nhưng không phải, người ấy là chị Thanh, chị dâu tôi - vợ anh Long. Đúng là chị về từ Sài Gòn để tìm lại gia đình sau hơn 10 năm thất lạc. Mẹ tôi rất mừng, cơn ác mộng những đứa con thất lạc trong chiến tranh không còn phủ cái bóng ảm đạm lên gia đình tôi nữa. Mẹ tôi còn cho biết chị Ngà tôi bây giờ đã trở thành ca sĩ nổi tiếng khắp Bắc - Trung - Nam. Chị ấy đang lưu diễn ở Hà Nội theo lời mời của Đài phát thanh Hà Nội cùng với nữ ca sĩ số một của Hà Nội bấy giờ là Minh Đỗ. Tin này đối với tôi thật bất ngờ. Thời thơ ấu khổ cực nhưng tôi luôn giữ hình ảnh người chị đẹp như tranh trong ký ức, chị ấy đã phải rời xa tổ ấm để chia bớt phần ăn cho những đứa em. Thế mà cô gái nghèo ấy sau hơn 10 năm xẻ nghé tan đàn đã trở thành ca sĩ danh tiếng. Tuy chưa biết khi hát chị tôi lấy nghệ danh là gì nhưng tôi tin chắc cái tên phải xứng với sắc đẹp và giọng hát của chị ấy. Vào thời điểm này (1952), tôi sắp bước sang tuổi mười lăm...

Sau chuyến lưu diễn ở Hà Nội, chị Ngà tôi và anh Long về Hải Phòng thăm mẹ và các em sau hơn 10 năm đứt liên lạc. Đúng như mẹ tôi nói, chị tôi đẹp thật, đẹp hơn cả lời miêu tả với tất cả niềm âu yếm của mẹ tôi. Các anh chị tôi nhìn thấy cảnh mẹ và các em sống quá cơ cực đã đi đến quyết định làm thay đổi cuộc đời tôi. Cuối năm 1952, các anh chị tôi về thăm mẹ lần thứ hai và chuyến bay của hãng Air France cất cánh từ sân bay Gia Lâm đến Huế có tôi bay cùng...

Những ngày đầu ở Huế, tôi sống chung với chị và anh rể - đôi vợ chồng ca nhạc sĩ Mộc Lan - Châu Kỳ trong một căn phòng nhỏ phía sau Ty Thông tin Huế dưới chân cầu Tràng Tiền. Căn phòng quá nhỏ cho một đôi uyên ương quá nổi tiếng ở đất Thần Kinh. Tôi cứ ngỡ đẹp và hát hay như chị tôi thì phải ở trong lâu đài khuê các. Vậy mà thực tế lại như thế này ư? Nó khác xa với hình ảnh rực rỡ của chị tôi khi đứng trên sân khấu cất tiếng hát họa mi làm say mê biết bao tâm hồn mơ mộng, đa tình, trong đó có cả tôi. Tiếng hát của chị tôi nâng tâm hồn tôi bay theo cánh diều căng gió trên bầu trời xanh ngắt...

Anh rể tôi - nhạc sĩ Châu Kỳ khá đẹp trai, giỏi nhạc hát hay, không cao lớn nhưng đứng trên sân khấu không đến nỗi bị khuất lấp bởi sự rực rỡ của chị tôi. Giọng hát của anh chị tôi là một sự tô điểm cho nhau, khi họ song ca, cảnh vật trở nên tưng bừng, lòng người rộn rã. Mặc dù lúc đó ở Huế có cặp song ca nổi tiếng Ngọc Cẩm - Nguyễn Hữu Thiết nhưng họ thuộc về một lớp khán giả riêng biệt, khác hẳn với đôi uyên ương Mộc Lan - Châu Kỳ, họ thuộc về mọi lứa tuổi, mọi thành phần nhưng trước hết là giới trẻ bởi sự trẻ trung của mình và cũng vì nghệ thuật ca hát mới mẻ mà họ cống hiến mỗi khi xuất hiện...

Ít lâu sau, anh Long có lệnh gọi nhập ngũ. Anh Châu Kỳ và chị tôi vào Sài Gòn và họ chia tay nhau. Tôi rất buồn vì cuộc chia ly này. Người chị đẹp như tranh của tôi bước chân xuống đời cũng vấp váp như bất kỳ cô gái nào, vì yếu đuối, vì ảo vọng. Thế là Huế để lạc mất con chim họa mi của mình. Liệu có còn ai nhớ đến bản nhạc Đi chơi chùa Hương (thơ Nguyễn Nhược Pháp, Trần Văn Khê phổ nhạc) khi duy nhất thời đó chỉ một ca sĩ hát thành công, đó là chị tôi - Mộc Lan.

Mấy năm sau tôi cũng từ biệt Huế vào Sài Gòn. Tôi lại về sống chung với chị tôi đang trong tình trạng phòng không chiếc bóng. Trên bước đường công danh, chị tôi đã tiến một bước dài. Khác với Thái Thanh, Tâm Vấn, chị tôi bước lên sân khấu như một nữ hoàng. Không sân khấu đại nhạc hội nào vắng bóng chị tôi. Các ban nhạc trên đài phát thanh, các câu lạc bộ, phòng trà, nơi nào cũng muốn có ca sĩ Mộc Lan hiện diện...”.

clip_image002



Giai thoại cuộc tình Đoàn Chuẩn - Mộc Lan

 

Bấy lâu nay, trong giới nghệ sĩ vẫn lưu truyền có một mối tình thật lãng mạn giữa chàng nhạc sĩ phong lưu Đoàn Chuẩn và nữ ca sĩ lừng danh Mộc Lan. Chuyện tình này mang đậm phong cách hào hoa của “Đoàn công tử”. Thực hư như thế nào chỉ những người trong cuộc mới rõ.
Ở đây chúng tôi xin thuật lại như là một giai thoại. Xuất phát của giai thoại này có lẽ là từ bộ sách Chuyện tình các nhạc sĩ tiền chiến (2 tập) do nhạc sĩ Lê Hoàng Long biên soạn, trong đó có bài viết Gởi gió cho mây ngàn bay nói về cuộc gặp gỡ và lối tỏ tình ly kỳ của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn với ca sĩ Mộc Lan. Nhiều bài viết (trên báo chí, trên mạng internet) và cả những lời kể hầu như đều dựa theo những tình tiết mà nhạc sĩ Lê Hoàng Long đã viết. Người viết bài này cũng đã từng gặp gỡ những người trong cuộc (Lê Hoàng Long, Mộc Lan, Châu Kỳ) chỉ trừ nhạc sĩ Đoàn Chuẩn (do ông ở ngoài Bắc và nay đã mất). Cuối năm 2002, khi thực hiện bài phỏng vấn tác giả ca khúc Gợi giấc mơ xưa tại tư gia của ông ở đường Cách Mạng Tháng Tám (gần Bệnh viện Thống Nhất - ngã tư Bảy Hiền), nhạc sĩ Lê Hoàng Long có tặng cho người viết bộ Chuyện tình các nhạc sĩ tiền chiến, do đó mới “thắc mắc” chuyện tình cảm giữa nữ danh ca sắc nước hương trời Mộc Lan và “Ông hoàng nhạc tình” Đoàn Chuẩn.

Như ở bài trước chúng tôi đã từng nói đến, nữ ca sĩ Mộc Lan nổi tiếng cả nước với bài hát Đi chơi chùa Hương của nhạc sĩ Trần Văn Khê phổ thơ Nguyễn Nhược Pháp. Bài hát này có những đoạn xen kẽ giữa hát và nói thơ cho nên rất dài và kén người hát. Dạo ấy (đầu những năm 1950), bài hát này hầu như chỉ có Mộc Lan độc diễn. Nàng là người gốc Hải Phòng nhưng vào Sài Gòn khá sớm (khoảng cuối thập niên 1940), lập gia đình với ca sĩ kiêm nhạc sĩ Châu Kỳ, rồi về quê chồng ở cố đô Huế sinh sống. Tuy nhiên, thỉnh thoảng nàng vẫn được mời đi lưu diễn, kể cả ra Bắc (sau năm 1954, chia đôi đất nước mới cách ngăn sự đi lại giữa hai miền). Và trong một lần hát Đi chơi chùa Hương ở Nhà hát Lớn (Hà Nội), giọng ca và sắc đẹp của nàng đã khiến một anh chàng đẹp trai, tài hoa và phong lưu bậc nhất thời đó ngây ngất. Chàng chính là nhạc sĩ Đoàn Chuẩn...


clip_image003



Thời ấy ở miền Bắc có những sản vật nổi tiếng được truyền khẩu và trở thành “ca dao, thành ngữ”: “Dưa La, cà Láng, nem Báng, tương Bần, nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét” (dưa của làng La, cà của làng Láng, nem do làng Báng gói, tương do làng Bần làm, nước mắm của hãng Vạn Vân, cá rô sống ở Đầm Sét mới là món ngon đích thực). Đoàn Chuẩn chính là con của chủ hãng nước mắm Vạn Vân giàu có nức tiếng ở Hải Phòng. “Cái nết” ăn chơi của Đoàn công tử cũng là đề tài râm ran từ Hải Phòng đến tận Hà Nội (có lẽ chỉ thua bậc tiền bối là công tử Bạc Liêu ở trong Nam mà thôi). Chàng có hai thú đam mê, đó là âm nhạc và...ô tô!. Về âm nhạc, ông từng học đàn guitar với nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ và học guitar Hawaii với nhạc sĩ Wiliam Chấn. Sáng tác đầu tay của ông là ca khúc Ánh trăng mùa thu (1947) ký tên Đoàn Chuẩn - Từ Linh (kể cả sau này, tất cả tác phẩm của Đoàn Chuẩn đều ký tên Đoàn Chuẩn - Từ Linh. Nhiều người cho rằng đến nay Từ Linh vẫn là một ẩn số, nhưng theo tìm hiểu của người viết thì Từ Linh tên thật Hà Đình Thâu, vốn là nhiếp ảnh gia và là em ruột một người bạn thân của Đoàn Chuẩn. Người được nhạc sĩ chia sẻ từng bản nhạc khi vừa viết xong cũng như trút hết bầu tâm sự về những bóng hồng đi qua đời mình. Sau 1954, Từ Linh vào Nam và mất năm 1992. Một tình bạn “tri âm, tri kỷ” rất đáng trân trọng. Về ô tô thì vào thời điểm đó ông có đến 6 chiếc, trong đó có chiếc Ford Frégatte (cả Việt Nam chỉ có 2 chiếc của ông và... Thủ hiến Bắc kỳ). Tài tử Ngọc Bảo, người cùng thời với nhạc sĩ đồng thời là giọng hát được coi là hát nhạc Đoàn Chuẩn thành công nhất từng thú nhận: “Tôi là tay ăn chơi có hạng nhất Bắc kỳ nhưng còn thua xa người lịch lãm, hào hoa Đoàn Chuẩn”... Đoàn Chuẩn kết hôn từ rất sớm (năm 1942), vợ ông là cô bạn cùng lớp, cùng 18 tuổi - tên Xuyên, đẹp người đẹp nết, chịu đựng sự hào hoa của chồng cũng như chung thủy chăm sóc ông cho đến cuối đời một cách rất đáng khâm phục...

Trở lại với sự kiện sau khi nghe nữ danh ca Mộc Lan hát Đi chơi chùa Hương ở Nhà hát Lớn (Hà Nội), “Đoàn công tử” quyết tâm chinh phục người đẹp nhưng thời gian nàng lưu lại Hà thành quá ngắn, không đủ thời gian cho công tử “xuất chiêu”. Khi Mộc Lan trở về Sài Gòn thì ít lâu sau chàng cũng đáp máy bay theo vào. Nhưng rồi qua dọ hỏi, chàng lâm vào tình trạng bẽ bàng khi biết được cành lan kia đã có chủ, nàng đã là vợ của nhạc sĩ Châu Kỳ. Tuy thế với cách “chơi ngông công tử”, Đoàn Chuẩn đã đặt một khoản tiền rất lớn cho một tiệm hoa, để mỗi buổi sáng người đẹp sẽ nhận được một bó hoa hồng tươi thắm mà không hề có tên người gửi tặng. Suốt 3 tuần đều đặn như thế, Mộc Lan không khỏi xúc động cũng như rất tò mò muốn biết người tặng hoa “mai danh ẩn tích” kia là ai? Nghĩ hết cách, nàng đành phải nhờ chủ tiệm hoa chuyển tới người ấy một bức thư cảm ơn với những lời lẽ chân thành nhưng cũng có những đoạn đầy ẩn ý. Được sự đồng ý của Đoàn Chuẩn, người chủ tiệm hoa đã tiết lộ tên và địa chỉ của “gã tình si hào hoa” - chính là... “Ông vua slow” Đoàn Chuẩn vang danh khắp nước. Mộc Lan thật bất ngờ và xúc động. Đoàn Chuẩn lại tiếp tục gửi tiền vào để tiệm hoa đều đặn tặng hoa cho nàng trong suốt hai tháng nữa... Rồi một ngày, Mộc Lan nhận được một cánh thư gửi từ phương Bắc. Trong phong bì không phải là những lời tỏ tình yêu thương mà là một bài hát. Khuông nhạc được kẻ bằng tay cẩn thận, ca từ được viết nắn nót trên tờ giấy pơ-luya xanh mỏng tang: “Gởi gió cho mây ngàn bay. Gởi bướm đa tình về hoa. Gởi thêm ánh trăng, màu xanh lá thư về đây với thu trần gian...”. Và dường như Đoàn Chuẩn cũng nhận biết đây là mối tình vô vọng nên lời ca càng trở nên da diết: “Nhưng thôi tiếc mà chi, chim rồi bay, anh rồi đi. Đường trần quên lối cũ, người đời xa cách mãi. Tình trần không hàn gắn thương lòng...”.

Cũng theo nhạc sĩ Lê Hoàng Long thì nhạc sĩ Đoàn Chuẩn còn viết Gởi người em gái (tựa cũ Gởi người em gái miền Nam) tặng riêng cho... ca sĩ Tâm Vấn (bạn thân của Mộc Lan). Người viết đã có may mắn được gặp bà Tâm Vấn trong một cuộc triển lãm tranh ở đường Lê Thánh Tôn (Q.1, TP.HCM), bèn đánh bạo hỏi bà chuyện này. Bà cười xòa: “Không, ông ấy làm bài này là để tặng cho Mộc Lan, bạn tôi”.



Châu Kỳ - Mộc Lan dìu nhau vào mộng


Nàng là chim họa mi với tiếng hát lảnh lót, chàng là con bướm đa tình gieo rắc giọng hát tiếng đàn và cả những mối tình trên chặng đường lưu diễn...
Những năm đầu thập niên 1950, khởi đầu ở Sài Gòn và sau đó là ở Huế nổi lên một đôi uyên ương rực rỡ trên sân khấu ca nhạc, đó là đôi Châu Kỳ - Mộc Lan.

Người viết có được may mắn là chơi rất thân với nhạc sĩ Châu Kỳ khi ông đã gần... 80 tuổi. Tình bạn vong niên này kéo dài được khoảng 10 năm thì nhạc sĩ mất. Quen nhau bên những ly bia ở Hội quán Văn nghệ (81 Trần Quốc Thảo, Q.3, TP.HCM - gọi tắt là 81 TQT), người viết thuộc rất nhiều những ca khúc của Châu Kỳ và thường hát cho ông nghe (say mới dám hát). Ông ngồi im gật gù, đôi lúc “nhắc tuồng”. Dạo ấy, nhà ông ở tuốt bên Tân Quy Đông (Nhà Bè). Hằng ngày, ông đạp xe hơn 20 km đến 81 TQT chỉ để uống vài ly bia, nhìn mặt bạn bè, người quen cho đỡ nhớ rồi lại đạp xe về nhà. Có lẽ nhờ “hoạt động thể thao” này mà sức khỏe của ông khá dẻo dai, 80 tuổi vẫn còn minh mẫn. Ông cũng lập một “kỷ lục” ngồ ngộ: mất 18 chiếc xe đạp chỉ vì ham vui với bạn bè. Bạn bè sau đó cũng gom góp mua lại chiếc khác cho ông, nhưng ít bữa sau... lại mất! (nên họ nhại bài Đón xuân này tôi nhớ xuân xưa của ông để trêu: “Mất xe này ta sắm xe kia...”). Đến khi nhà ông chuyển về phường Phước Bình (Q.9) xa đến 50 km ông mới giã từ chiếc xe đạp để chuyển qua đi xe ôm. Dăm bữa lại thấy ông đi xe ôm đến 81 TQT gặp bạn bè...

Châu Kỳ sinh năm 1923 tại làng Dưỡng Mong (Thừa Thiên-Huế). Cha ông là Châu Huy Hà, một nghệ nhân ca Huế. Chị ruột là Châu Thị Minh, được xem là nữ minh tinh duy nhất của miền Trung trong “Ngũ nữ minh tinh” (miền Nam có Phùng Há, Năm Phỉ, miền Trung: Châu Thị Minh, miền Bắc: Ái Liên, Bích Hợp). Ở Lycée Khải Định, Châu Kỳ được học nhạc với sư huynh Pière Thiều - giáo sư âm nhạc đầu tiên ở Huế. Vị này còn dạy cho Châu Kỳ kỹ thuật hát. Dạo đó hầu như chưa có nhạc Việt nên Châu Kỳ thường hát những bài do danh ca Pháp Tino Rossi thể hiện như J’ai deux amours, Tant qu’il aura étoiles, Òu vous étiez... đến nỗi bạn bè gọi ông là “Deuxième Tino Rossi”. Khi người chị Châu Thị Minh lập đoàn ca Huế hiệu Hồng Thu, Châu Kỳ trở thành ca sĩ chính của đoàn và nghiệp cầm ca khoác lên đời ông từ đấy.

Năm 1942, đoàn Hồng Thu lưu diễn ở Savanakhet rồi Thakhet (Lào). Ở Thakhet khi đang diễn vở kịch Hồn lao động thì Châu Kỳ bị mật thám Pháp bắt, đem lên giam ở Ba Vì. Rời nhà giam trở về Huế, Châu Kỳ bàng hoàng nghe tin mẹ mình bị chết đuối trong một cơn lũ. Những buổi chiều bên dòng Hương giang ngổn ngang tâm sự, Châu Kỳ viết nhạc phẩm đầu tay Trở về (1943): “Về đây nhìn mây nước bơ vơ. Về đây nhìn cây lá xác xơ. Về đây tìm bóng chiều mơ. Mong tìm mái tranh chờ. Mong tìm thấy người xưa...”. Nhạc phẩm Trở về đã gây một tiếng vang trong giới tân nhạc lúc đó với âm hưởng buồn man mác, càng nghe càng thấm thía. Từ đó cho đến cuối đời, Châu Kỳ đã viết khoảng 200 nhạc phẩm. Về ca từ, ông đã viết được những câu “xuất thần”, chẳng hạn để tả nét đẹp của cô gái Huế, ông chỉ cần 3 câu: “Buổi trưa em che nón lá, cá sông Hương liếc nhìn ngẩn ngơ, lũ chim quyên ngất ngây từ xa...” (Huế xưa)...

Tài hoa như thế nên Châu Kỳ cũng là khách đa tình. Từ những cô gái Lào gặp trên đường lưu diễn, rồi cô tiểu thư con quan thượng thư triều đình Huế (nhân vật chính trong ca khúc Giọt lệ đài trang) đến cô nữ sinh Đoàn Thị Sum ở Nha Trang đã vì tình mà quyên sinh bởi bị bố dượng ngăn cấm (mối tình này được nhạc sĩ viết thành nhạc phẩm Nha Trang, sau này bà Kha Thị Đàng - vợ ông sửa tựa thành Nha Trang hoài nhớ). Bi kịch này xảy ra khi Châu Kỳ đang đi diễn ở Phan Rang. Nghe tin cô Sum tự tử, Châu Kỳ cũng quyết hủy mình theo, nhưng bà chị Châu Thị Minh khóc lóc, khuyên giải nên Châu Kỳ bỏ vào Sài Gòn (năm 1947) để tìm quên.

Sài Gòn chính là nơi định mệnh đã chọn để tạo nên một hiện tượng của làng ca nhạc thời đó với sự xuất hiện của cặp uyên ương Châu Kỳ - Mộc Lan. Chàng là ca sĩ - nhạc sĩ tài hoa, nàng là con họa mi giọng ca vang khắp Bắc - Trung - Nam. Chính nàng đã cho chàng nếm trải hạnh phúc và cũng chính nàng đã cứa vào tim chàng những vết thương đớn đau tưởng chừng không bao giờ nguôi...

Gần 60 năm sau (tức những năm 2000 - NV), mối tình này được nhạc sĩ Châu Kỳ nhiều lần kể riêng với người viết. Rằng khi vào Sài Gòn, ông ở đậu nhà nhạc sĩ Mạnh Phát. Hai người thành lập nhóm “Thần Kinh nhạc đoàn” (sau này là ban nhạc Tiếng Thùy Dương). Một năm sau, nàng ca sĩ gốc Hải Phòng cũng có mặt tại Sài Gòn. Những ngày “chân ướt, chân ráo” ở Sài thành, nàng được nữ ca sĩ Minh Diệu (vợ nhạc sĩ Mạnh Phát) cưu mang. Vậy là tài tử và giai nhân gặp nhau trong căn nhà của một cặp nghệ sĩ cũng rất ư “tài tử, giai nhân”. Tiếng sét ái tình đến ngay từ cái nhìn đầu tiên. Rồi chàng dắt dìu nàng đi hát ở các rạp Văn Cầm (gần cầu chữ Y), Aristo (đường Lê Lai), Thanh Bình (đường Phạm Ngũ Lão), Quốc Thanh (đường Nguyễn Trãi), Khải Hoàn (đối diện chợ Thái Bình)... Chỉ chưa đầy nửa năm, họ chính thức trở thành vợ chồng. Rồi chàng đưa nàng về Huế ra mắt gia đình. Cả hai vợ chồng sau đó được ông Thái Văn Kiểm - Giám đốc Nha Thông tin và Đài Phát thanh Huế là chỗ thân tình tạo điều kiện cho được hát thường xuyên trên đài với mức lương 3.800 đồng/tháng - một mức lương khá hậu hĩnh vào thời điểm bấy giờ.

Ở Huế, danh tiếng của đôi uyên ương Châu Kỳ - Mộc Lan nhanh chóng nổi như cồn, mặc dù ở đất Thần Kinh lúc đó cũng có một đôi vợ chồng nghệ sĩ nổi tiếng không kém, đó là nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết và ca sĩ Ngọc Cẩm (song thân của ca sĩ Hồng Hạnh bây giờ). Có thể nói đó là khoảng thời gian hạnh phúc nhưng cũng thật ngắn ngủi - một kỷ niệm đẹp nhưng đau thương của nhạc sĩ Châu Kỳ...


clip_image005


Khúc ly ca

Chàng là nhạc sĩ tài hoa, nàng là ca sĩ nổi tiếng - định mệnh đã đưa họ đến với nhau, yêu nhau ngay lần gặp đầu tiên.

Rồi họ nên duyên vợ chồng, trở thành đôi uyên ương đẹp đôi và nổi tiếng một thời. Tiếc rằng, họ đã không dìu nhau đi hết con đường nghệ thuật cũng như đường đời, để cho nhạc sĩ Châu Kỳ phải đau đớn viết nên Khúc ly ca...

Như chúng tôi đã đề cập ở bài trước, Châu Kỳ và Mộc Lan gặp nhau ở Sài Gòn qua “nhịp cầu” của cặp vợ chồng nghệ sĩ Mạnh Phát - Minh Diệu. Chỉ ít tháng sau, họ tổ chức lễ cưới và đưa nhau về Huế ra mắt gia đình chồng. Tại Huế, họ được ông Thái Bá Kiểm - Giám đốc Nha Thông tin và Đài Phát thanh Huế nâng đỡ, tạo điều kiện cho họ được biểu diễn thường xuyên trước công chúng cũng như trên sóng phát thanh với mức lương khá hậu hĩ. Tuy nhiên, cái “tổ uyên ương” của họ chỉ là “... một căn phòng nhỏ phía sau Ty Thông tin Huế dưới chân cầu Tràng Tiền. Căn phòng quá nhỏ cho đôi uyên ương quá nổi tiếng ở đất Thần Kinh...” (trích trong Những trang sách khép mở - Trần Áng Sơn). Phải chăng đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho cuộc hôn nhân của họ mau chóng đổ vỡ?

Sinh thời, nhạc sĩ Châu Kỳ đã từng nhiều lần tâm sự với người viết: Chung sống ở Huế được 6 năm thì nàng “phải lòng” và đi lại với một người bạn học cũ của Châu Kỳ - người này là con một bà chúa (hoàng tộc), chủ sòng xóc đĩa ở Kim Long (Huế). Vì chuyện đau lòng này mà Châu Kỳ đành đưa vợ trở vào Sài Gòn để giấu không cho gia đình mình biết và cũng để ngăn trở đôi tình nhân. Tuy nhiên, Châu Kỳ vẫn không ngờ tình địch vẫn bám theo. Ở Sài Gòn, đôi nhân tình vẫn hẹn hò, gặp gỡ nhau... Lời ong tiếng ve râm ran nên Châu Kỳ quyết theo dõi vợ. Ông nhờ nhà thơ Đặng Văn Nhân (người đứng ra tổ chức đám cưới cho Châu Kỳ và nàng) chở đi bằng xe hơi bám theo nàng vào tận Chợ Lớn. Châu Kỳ không đủ can đảm chứng kiến người đã từng cùng mình “hương lửa mặn nồng” nay lại ở trong vòng tay người khác nên nhờ ông Đặng Văn Nhân đi bộ theo dõi, còn mình ngồi lại trong xe. Khi ông Nhân trở ra kể lại sự tình, Châu Kỳ thấy trời đất như sụp đổ, ông tông cửa xe, định đâm đầu xuống sông tự tử, may nhờ có ông Nhân ôm ghì lại. Người viết hỏi: “Rồi ông có gặp lại nàng?”. “Có, nhưng mà cũng lâu lắm rồi. Đó là hôm đám tang nhạc sĩ Lê Thương (1996 - NV), cô ấy đi cùng ca sĩ Tâm Vân đến phúng điếu. Chúng tôi chỉ chào hỏi xã giao. Không nói chuyện gì nhiều. Chuyện cũ cũng đã vời xa quá rồi!”.

Chuyện trên là do đích thân nhạc sĩ kể với người viết. Ông không nói tên tình địch, nhưng trong tập sách Những trang sách khép mở, nhà văn Trần Áng Sơn cũng có đề cập đến nhân vật này. Đó là một người đàn ông tuy lớn tuổi nhưng có ngoại hình rất thu hút, khuôn mặt quyến rũ, được mọi người kính trọng gọi là Mệ Phủ (“mệ” là tước hiệu chỉ người thuộc hoàng tộc). Mệ Phủ là trung úy Ngự lâm quân bảo vệ hoàng cung. “Ông ta thường đến thăm các chị tôi vào những buổi chiều, lúc nào cũng mang quà cáp cho mọi người, nhất là các chị tôi. Ông tự lái chiếc xe jeep hiệu “Lăng-Rô-vơ”, tiếng máy nổ rất êm... Mỗi lần ông đến, chị Ngọc tôi mừng rỡ như muốn reo lên. Cũng dễ hiểu, thường thì quà tặng chị là món quà lớn nhất, đẹp nhất. Sau đó, ông còn lái xe đưa cả nhà khi thì đi nhà hàng, khi xem phim ở rạp Morin, cũng có lúc ông đưa cả nhà đi thăm khắp các di tích, dinh thự các đời vua Nguyễn. Tuy tặng những món quà đắt nhất, đẹp nhất cho chị Ngọc nhưng người ông chú ý lại là cô em Mộc Lan, con họa mi tuyệt sắc của cố đô Huế. Tôi nhận ra điều này vì thời gian gần đây anh Châu Kỳ ít đi chung với chị tôi, nhất là trong những lần có sự hiện diện của vị khách quý tộc... Rồi, anh Châu Kỳ đã công khai phản đối gia đình tôi về sự hiện diện quá ư đặc biệt của Mệ Phủ. Với tư cách gia trưởng, anh Long tôi không chấp nhận thái độ của em rể. Cuộc xung đột đi đến kết quả đổ vỡ. Ít lâu sau, anh Long có lệnh gọi nhập ngũ. Anh Châu Kỳ và chị tôi vào Sài Gòn và họ chia tay nhau” (Những trang sách khép mở - Trần Áng Sơn).

Đây là giai đoạn đầy những đau thương, u uất chất chứa trong nhiều ca khúc của Châu Kỳ: Từ giã kinh thành, Khúc ly ca, Đàn không tiếng hát, Biệt kinh kỳ, Khuya nay anh đi rồi, Tìm nhau trong kỷ niệm, Hương giang tôi còn chờ, Đừng nói xa nhau, Tiếng ca đó về đâu (thơ Nguyễn Tiến Thịnh) và nhất là ông đặt lời cho ca khúc Mưa rơi của anh bạn nhạc sĩ hoàng tộc Ưng Lang, lúc đó ở Huế đi đâu cũng nghe thanh niên hát: “Mưa rơi chiều nay vắng người. Bên thềm gió lơi. Mơ bóng ngàn khơi... Mưa rơi màn đêm xuống rồi. Mây sầu khắp nơi. Thương nhớ đầy vơi... Ai đi như xóa bao lời thề. Thuyền theo nước trôi không về, thấu cùng lòng ai não nề, riêng chốn phòng khuê... Mưa rơi đìu hiu dưới trời. Đêm dài vắng ai. Thương nhớ nào nguôi...”.

Nhạc sĩ Ưng Lang (sinh năm 1919, lớn hơn nhạc sĩ Châu Kỳ 4 tuổi), cũng vốn là chỗ thân thiết với người viết (ông từ trần ngày 17.8.2009 tại TP.HCM). Khi tôi hỏi ông về chuyện nhạc sĩ Châu Kỳ đặt lời cho bài Mưa rơi, ông nói: “Bài hát tôi làm lúc đó đã xong cả nhạc lẫn lời. Thế rồi Mộc Lan xa Châu Kỳ mà đi Hà Nội. Châu Kỳ có tâm sự buồn như vậy cho nên khi thấy bài hát của tôi thì đề nghị cho thay đổi vài chỗ trong lời hát cho gần với cảnh ngộ của mình! Tôi đồng ý để Châu Kỳ sửa vài chỗ như thế và đồng ý để Châu Kỳ đứng tên nơi phần lời ca cho đúng với nguyện vọng về mặt tình cảm riêng tư của anh ấy...”.

Đôi uyên ương rẽ cánh, mỗi người bay đi một ngả kể từ lúc ấy...
     




Hậu Châu Kỳ - Mộc Lan


Họ đã từng có một thời gian chung sống rồi chia tay... Dòng đời cuốn mỗi người về một phía, ở đó họ lại gặp ý trung nhân của riêng mình sau những trải nghiệm về hạnh phúc lẫn khổ đau.
Khoảng năm 1954, đôi uyên ương Châu Kỳ - Mộc Lan từ Huế vào Sài Gòn thì chia tay nhau. Mộc Lan trở về với nếp sống độc thân. Lúc này Mộc Lan đã rất thăng tiến trong lĩnh vực ca hát, tên tuổi của cô nổi như cồn. Cô thuê một căn phòng ở khách sạn Viễn Đông trên đường Phạm Hồng Thái mà hầu như lúc nào cũng nườm nượp khách ra vô. Khách của Mộc Lan phần đông là người trong giới nghệ thuật: nhạc sĩ, ca sĩ, kịch sĩ, họa sĩ, kịch tác gia... Hầu hết họ đến là để liên hệ công việc nghề nghiệp nhưng cũng có những người tự nguyện đến “trồng cây si” trước người phụ nữ “ngọt ngào như một thỏi sô-cô-la” (chữ dùng của Trần Áng Sơn).

Trong số những người ái mộ này có một “ông vua”. Đó chính là nhạc sĩ Hoàng Trọng - Trưởng ban nhạc Tiếng Tơ Đồng mà Mộc Lan đang là ca sĩ chính. Kể cũng lạ, số phận đưa đẩy để Mộc Lan luôn là đối tượng say mê của những ông vua, ông hoàng... không ngai. Hết nhạc sĩ Đoàn Chuẩn “ông hoàng slow” lại đến nhạc sĩ Hoàng Trọng “vua tango” (chưa kể nhạc sĩ Châu Kỳ cũng xứng đáng được gọi là “vua nhạc trữ tình”). Họ được giới mộ điệu xưng tụng và thừa nhận là “vua” của một thể loại âm nhạc nào đó, rồi nghiễm nhiên “lên ngôi” mà không một ai tranh chấp. Hoàng Trọng có nhiều ca khúc nổi tiếng như Gió mùa xuân tới, Dừng bước giang hồ, Ngàn thu áo tím..., nhưng những bài hát viết theo điệu tango mới được coi là “thương hiệu” của ông (Mộng lành, Mộng ban đầu...). Nhà văn Trần Áng Sơn nói về Hoàng Trọng như sau: “Trong con mắt tôi, anh không phải là mẫu người phụ nữ thích. Người tầm thước nhưng hơi nặng nề, nước da ngăm bì bì, gương mặt không có cá tính. Tuy nhiên, tính anh lại rất hiền, củ mỉ cù mì, ít nói, thuộc loại tán gái bằng cách ngồi lì, chẳng nói và có lẽ cũng chẳng liếc mắt đưa tình. Anh rất thường đến thăm chị tôi, mỗi lần anh đến, anh ngồi một đống. Đến âm thầm khi về cũng lặng lẽ. Lối tán này hình như làm chị tôi... hết chịu nổi! Có vẻ như anh không phải là kẻ đi chinh phục, lại không biết gì về tâm lý phụ nữ và thế là anh bị “knock-out” ngay ngưỡng cửa nhà tôi” (Những trang sách khép mở).

clip_image007


Điều đáng nói là Châu Kỳ và Hoàng Trọng có một tình bạn thâm giao. Họ từng đứng tên chung trong vài tác phẩm (nhạc Hoàng Trọng, lời Châu Kỳ) như: Nhắn người giang hồ, Tiếng nhạc trong sương, Hững hờ (bài Hững hờ chính là món quà tỏ tình của Châu Kỳ với người vợ sau của ông).

Riêng về Châu Kỳ, sau khi chia tay Mộc Lan, ông sống u uất một thời gian dài. Rồi số phận run rủi cho ông gặp cô nữ sinh Kha Thị Đàng ở nhà một người bạn. 18 tuổi, cô hoa khôi của trường Nữ trung học Gia Long đẹp e ấp như một đóa hoa hàm tiếu (liệt sĩ Kha Vạng Cân là con ông bác ruột, nhưng do cha mất sớm nên được thân phụ Kha Thị Đàng đem về nuôi, sau tham gia cách mạng). Trong hồi ký Thi Đàng Kỳ Duyên, bà Kha Thị Đàng (nay đã 73 tuổi) nhớ lại: “Có vài lần tôi gặp anh Châu Kỳ tại nhà Hương (bạn cùng lớp), anh được ba má và anh Triệu (anh của Hương) rất quý trọng. Riêng tôi cũng chào hỏi dăm ba câu chuyện nhỏ, dửng dưng và vô tư. Rồi một ngày định mệnh đã đến, anh tìm gặp riêng tôi và tặng tôi bài nhạc Hững hờ do anh mới sáng tác (thực ra là sáng tác chung của Hoàng Trọng và Châu Kỳ), với lời tặng “Trách ai khéo hững hờ...”. Sự xúc cảm đột ngột của đứa con gái mười tám tuổi đời như một sức mạnh an bài số phận cho tôi sau này. Tôi biết gia đình, tía má, anh chị đều không vui với tình duyên của chúng tôi nhưng với tình thương con, thương em, dù rất miễn cưỡng cũng có một tiệc cưới nhỏ trong gia đình và giúp chúng tôi tổ chức một tiệc cưới khá linh đình với hơn một trăm khách tại nhà hàng lớn ở đường Tản Đà. Bạn bè, khách yêu nhạc cùng tất cả nghệ sĩ tân nhạc và cả nghệ sĩ cải lương của thành phố đều có mặt. Đây là một đám cưới nghệ sĩ được tổ chức trong tình thương mến thương...”.

Là con gái một gia đình vọng tộc họ Kha, tổ tiên gắn bó với vùng đất Sài Gòn - Chợ Lớn từ thời khai hoang mở cõi, truyền thống gia đình thấm nhuần đạo lý Khổng Mạnh cho nên việc cô nữ sinh 18 tuổi yêu và quyết định lấy một anh chàng nghệ sĩ lớn tuổi, dở dang một đời vợ quả là một quyết định quá khó khăn với cô. Sau khi cưới, cô Đàng phải thích nghi với kiểu sống “lang bạt kỳ hồ” của đời nghệ sĩ: ăn cơm quán, ngủ nhà mướn. Sáng ngủ, trưa ăn sáng, chiều ăn trưa, tối đi hát, khuya ăn chiều. Thời gian này, Châu Kỳ vừa viết nhạc, vừa làm ca sĩ, rồi viết kịch kiêm luôn diễn viên. Rất nhiều nơi mời ông đến hát, nhất là các rạp chiếu bóng (dạo đó, trước khi chiếu phim, người ta thường tổ chức chương trình phụ diễn văn nghệ: hát vài bài tân nhạc hoặc diễn một vở kịch ngắn). Rồi Châu Kỳ thành lập đoàn Cổ kim hòa điệu Tiếng Thùy Dương. Có thể nói trên sân khấu Sài Gòn, Châu Kỳ là người đầu tiên đem các nhạc cụ cổ truyền như đàn tranh, đàn bầu, đàn cò, đàn nguyệt hòa tấu cùng guitar, piano, violon... Người giới thiệu chương trình (bây giờ gọi là MC) cho Tiếng Thùy Dương chính là Kha Thị Đàng, cô luôn xuất hiện trong trang phục toàn trắng: bộ áo dài lụa trắng, tay mang găng trắng, đi giày trắng... hết sức duyên dáng.

Khi Châu Kỳ bước vào thời kỳ đỉnh cao cũng là lúc ông lao vào những cuộc rượu thâu đêm suốt sáng với bạn bè và những người đẹp. Lúc đó, bà Kha Thị Đàng như sống ẩn mình, không thường xuất hiện bên ông nữa, cũng “không thèm” ghen với những bóng hồng luôn vây quanh ông. Để không bị mang tiếng là sống nhờ vào danh tiếng, tiền bạc của chồng, bà xin vào làm kế toán trong nhà máy giấy Tân Mai (Cogivina - Biên Hòa, nay thuộc tỉnh Đồng Nai)... Nhạc sĩ Châu Kỳ tuy đang “hư” như vậy nhưng vẫn có những điểm dễ thương: mỗi đêm dù về khuya đến mấy ông cũng vẫn mang về một món ngon cho vợ con. 6 giờ sáng ông chở vợ ra trạm đợi xe đến rước bà đi làm, 4 giờ rưỡi chiều lại có mặt tại trạm đón bà về hoặc chở vợ ra xa lộ hóng mát...

Những xa hoa, phù phiếm cũng tan sau ngày 30.4.1975, bà Kha Thị Đàng lại phải vừa nuôi 4 đứa con (3 trai, 1 gái) vừa “chăm sóc” chồng. Khi những khó khăn của cuộc sống qua đi thì ông bà cũng đã ở vào ngưỡng xế chiều, người viết vui mừng khi thấy họ luôn tay trong tay một cách hạnh phúc. Ông vẫn minh mẫn sáng tác cho đến cuối đời... Ông nằm liệt giường gần 2 tháng, khi người viết cùng ông Nguyễn Tiến Toàn (chủ doanh nghiệp xe lăn tay Kiến Tường) đến thăm, ông còn bảo bà mua bia về đãi khách... 6 giờ sáng ngày 6.1.2008, người viết đang leo đến lưng chừng núi Bà Rá (khi đi ghi nhận giải việt dã Chinh phục đỉnh cao Bà Rá) thì nhận được điện thoại của bà Kha Thị Đàng: “Nguyên ơi, anh Kỳ đã ra đi lúc 4 giờ sáng nay rồi!”. Tôi ngồi sụp xuống, không thể leo núi được nữa...

Hà Đình Nguyên

 

Thêm lời của người chuyển :

Tôi được biết, vào cuối thập niên 60 (68-69), Bà Mộc Lan lấy Trung Tá Đẩu. Tr/Tá Đẩu là chánh văn phòng của Tướng Dưong Văn Minh (TT 1 ngày, cuối cùng của VNCH), sau 75 Tr/Tá Đẩu bị đi hoc tập....không biết cuộc sống của Bà Mộc Lan ra sao, cho đến khi tôi đọc bài này.

H.Đ.Nguyen


Chế Linh và nhạc sĩ Châu Kỳ tại Sài Gòn





Chỉnh sửa lại bởi mykieu - 27/Jan/2015 lúc 1:28am
mk
IP IP Logged
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 29/Jan/2015 lúc 5:30pm

9/01/2015 19:34 GMT+7

Tiếng chim đã ngừng hót trong bụi mận gai

- Nữ nhà văn Colleen McCullough, tác giả của tiểu thuyết kinh điển 'Tiếng chim hót trong bụi mận gai' vừa dừng bước trần ai ở tuổi 78.


Nhà văn Colleen McCullough.


Colleen McCullough đã qua đời ở tuổi 78 tại bệnh viện ở Norfolk Island, một hòn đảo nhỏ thuộc Thái Bình Dương vào chiều ngày 29/1 sau khi gặp hàng loạt vấn đề về sức khỏe cũng như thị lực. Thông tin này đã được nhà xuất bản HarperCollins tại Úc xác nhận.


tiếng%20chim%20hót%20trong%20bụi%20mận%20gai,%20qua%20đời

Colleen khởi nghiệp với chiếc máy chữ bà mua từ tiền mẹ cho


"Thế giới sẽ trở nên thiếu màu sắc nếu thiếu Col.”, HarperCollins viết trong một thông báo vừa được phát đi. Những năm cuối đời, dù gặp vấn đề nghiêm trọng về thị lực nhưng Colleen McCullough vẫn ham sáng tác và xuất bản sách bằng cách đọc chính tả. Năm 2013, bà vẫn xuất bản cuốn Bittersweet.

Sinh năm 1937, trước khi trở thành một tiểu thuyết gia, Colleen McCulolough từng làm tại một bệnh viện ở Sydney. Bà cũng từng có 10 năm làm nghiên cứu sinh tại trường Y Yale của Mỹ.

tiếng%20chim%20hót%20trong%20bụi%20mận%20gai,%20qua%20đời
Colleen sinh năm 1937 tại Wellington, New South Wales, Australia

Tiểu thuyết đầu tay, Tim ra mắt năm 1974 khi Colleen McCulolough 37 tuổi. 3 năm sau đó, ở tuổi 40, bà nổi tiếng toàn cầu với cuốn tiểu thuyết vô cùng ăn khách, 'Tiếng chim hót trong bụi mận gai' cùng 30 triệu bản bán ra trên toàn cầu.

'Tiếng chim hót trong bụi mận gai' được coi là tác phẩm nổi tiếng nhất trong sự nghiệp sáng tác của Colleen McCulolough, đưa bà trở thành một trong những tác gia người Úc đầu tiên thành công trên văn đàn thế giới. Trong sự nghiệp sáng tác kéo dài gần 40 năm, Colleen McCulolough đã xuất bản 25 tiểu thuyết.


  thorn-birds-8648-1422539892.jpg

Hai diễn viên Rachel Ward và Richard Chamberlain trong bộ phim The Thorn Birds (1983).


'Tiếng chim hót trong bụi mận gai' nổi tiếng đến nỗi nó đã được chuyển thể thành series phim truyền hình ăn khách cùng tên năm 1983 và nhanh chóng trở thành một trong những bộ phim ăn khách nhất mọi thời đại cùng 4 giải Quả cầu vàng cho series phim truyền hình hay nhất (trong tổng số 8 đề cử năm 1984).

Đây cũng là bộ phim truyền hình được khán giả Việt Nam rất yêu thích khi được công chiếu vào đầu thập niên 1990 với sự tham gia diễn xuất của Richard Chamberlain (vai Cha Ralph) và Rachel Ward (Meggie).

Linh Anh - Theo The Guardian, ABC



Tiếng chim đã ngừng hót trong bụi mận gai - VietNamNet


Tác giả 'Tiếng chim hót trong bụi mận gai' qua đời - Giải trí ...




Chỉnh sửa lại bởi mykieu - 29/Jan/2015 lúc 5:32pm
mk
IP IP Logged
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 26/Feb/2015 lúc 6:12pm


Giã bit

nhc sĩ bài hát Em Tôi

Lê Trch Lu


Em tôi - Nhạc và Lời: Lê Trạch Lựu - Ca Sĩ: Duy Trác - Thực hiện PPS: Doanh Doanh


***
******



EM TÔI và Nhạc Sĩ Lê Trạch Lựu -
Biên sọan: Phan Anh Dũng
PDF Print E-mail

 

 Được tin buồn từ Nhạc sĩ Trần Quang Hải: Nhạc sĩ LÊ TRẠCH LỰU đã qua đời tại Paris ngày 6 tháng 2, 2015, hưởng thọ 84 tuổi. Tang lễ được cử hành trong vòng thân mật gia đình với sự hiện diện của một số thân hữu và văn nghệ sĩ tại Paris ngày 11 tháng 2, 2015.

Nhạc sĩ Lê Trạch Lựu sáng tác bản nhạc nổi tiếng EM TÔI, cảm hứng có thật từ một cuộc tình lãng mạn với một thiếu nữ tên Kim Phượng năm 1946. Cuộc tình không thành khi Ông rời quê hương đi du học ở Paris năm 1951, cùng lớp với thi sĩ Nguyên Sa Trần Bích Lan và thi sĩ, đạo diễn Hoàng Anh Tuấn ... Bản nhạc "Em Tôi" Ông sáng tác ở Pháp rồi chép tay gởi về Việt Nam, được Nhà Xuất Bản Tinh Hoa chọn và ấn hành năm 1955 (bản nhạc Tinh Hoa số 445).

Tôi hân hạnh được nói chuyện điện thoại nhiều lần với Ông, sau khi Ông gặp một số anh chị em Cỏ Thơm trong buổi họp mặt "Thu Tao Ngộ" ở Paris năm 2009. Ông mong ước được sự hỗ trợ để phổ biến một số nhạc phẩm của Ông. Nhờ vậy mà tôi được biết thêm: NHỚ, TÌM, KHI EM YÊU, CÀNH MAI TÓC NGẮN ... và thực hiện một trang về Ông ở website Cỏ Thơm cuối năm 2009:
http://cothommagazine.com/index.php?option=com_content&task=view&id=809&Itemid=47

Tuy bị nhiều thứ bệnh trong vòng 10 năm nay nhưng giọng nói Ông rõ ràng, vui vẻ và có chút "tếu" trong đó. Ông vẫn thích học hỏi, tìm hiểu về kỹ thuật hòa âm, dùng keyboard v v Mỗi lần nói chuyện, Ông luôn nhắc khéo về mong ước phát hành một CD. Rất tiếc chuyện ấy chưa thành thì Ông đã ra đi. Ông cũng hay nhắc vài kỷ niệm đẹp thời niên thiếu và thời Ông làm phóng viên cho một hãng thông tấn của Pháp: chụp hình, quay phim nhiều nơi trên thế giới.

 

Nhạc Sĩ Trần Quang Hải đến thăm Nhạc Sĩ Lê Trạch Lựu (10/2009)

Xin được dâng một đóa hoa hồng để tưởng niệm Nhạc sĩ "Em Tôi" nhân ngày Lễ Valentine ở Hoa Kỳ. Kính mong Ông được an bình vĩnh cữu trên Thiên Đàng. Cảm ơn Ông đã dâng cho tân nhạc Việt những tuyệt tác phẩm để đời.

Mời quý vị thưởng thức:
EM TÔI:
http://cothommagazine.com/nhac1/LeTrachLuu/EmToi-LTL-TN.mp3 - Tuấn Ngọc hát

NHỚ:
https://www.youtube.com/watch?v=B_uAdsRF-3o - Tâm Hảo hát

http://cothommagazine.com/nhac1/LeTrachLuu/Nho-LeTrachLuu-TamHao.mp3


Phan Anh Dũng  (Richmond, Virginia USA)

                   *** Ghi chú: Trang này được hoàn tất cuối năm 2009 và bổ túc 14/2/2015 ***

                 Lê Trạch Lựu - Nguyễn Đình Toàn

Khi "Tiếng Hát Lênh Đênh" của Lương Ngọc Châu và Tử Phác được hát ở Hà Nội, thì cùng một lúc, ở đấy, người ta cũng được nghe "Khúc Nhạc Chiều Mơ" của Ngọc Bích, "Trách Người Đi" của Đan Trường, "Tiếc Thu" của Hoàng Dương, "Em Tôi" của Lê Trạch Lựu.

Lương Ngọc Châu và Lê Trạch Lựu có một điểm giống nhau, họ đều học nhạc và bắt đầu sáng tác tại Việt Nam, sau đó đi Pháp, rồi không thấy đâu nữa.

Thực ra, sau Em Tôi, Lê Trạch Lựu còn một sáng tác nữa đã được các ca sĩ đem hát trên các đài phát thanh, cũng rất hay, nhưng hình như nó đã bị cái bóng của Em Tôi che khuất, nên ít người biết, và cũng chưa thấy một ca sĩ nào tìm hát lại, đó là bài:

Nhớ

Rừng thu ấp hơi sương
Say ru lòng người nhớ tới quê hương
Đàn vương bao nhớ thương
Sầu dâng mắt ai bóng hình thôn vắng.

Đời say gió muôn phương,
Tôi mơ thời gian
Chiều tắm ánh nắng tàn
Dần khuất bóng xóm làng
Diều khoan thai sáo ngàn,
Cùng than van ân tình cô lái xinh

Nhớ ngày xưa ngày tôi ra đi
Nước mắt em tôi thắm thiết trên mi chia ly.
Nhớ nhung còn lắm đôi khi
còn thắm câu thơ năm xưa
Xa vắng bao ngày tháng

Mùa thu lướt êm êm
Tôi nghe hồn người thức giấc cô miên
Tìm đâu thấy bóng em?
Đàn tôi nhớ nhung một thời trinh trắng

Đừng mong đóa hoa tan
Nơi đây trầm tư
Thầm nhớ tới dáng người
 Đời đã vắng tiếng cười
Làn môi hương phai rồi
Buồn nhớ tới dáng người yêu áo xanh

 

Tình ca được viết nhiều nhất vào giai đoạn được gọi chung là “nhạc tiền chiến” của chúng ta.

Nhưng đây không phải là thời người ta hạnh phúc.

Trái lại nữa là đằng khác.

Chiến tranh đã lấy đi mọi thứ.

Tình ca không còn chỉ là những lời tỏ tình, mà cùng một lúc, người ta còn bầy tỏ cả lòng yêu đời, tiếc đời, phản ứng trước những tang thương, đe dọa, người ta không làm gì được. Còn có thể coi là những lời minh oan vô tội trước trời đất nữa.

Nguyễn Đình Toàn
(trích Bông Hồng Tạ Ơn. Tập I)

Ghi chú: Tiếng Hát Lênh Đênh: Anh Ngọc hát- Trách Người Đi: Sĩ Phú hát - Khúc Nhạc Chiều Mơ: Mai Hương hát - Tiếc Thu: Khánh Ly hát

                                      

                               Nhạc Sĩ Lê Trạch Lựu - 1953                            

                                                            Bấm vào đây để nghe:

                                                          Tuấn Ngọc hát "Em Tôi"

 Nhạc Sĩ Thanh Trang nói về "Em Tôi"  - trích trong chương trình Ca Khúc Việt Nam (VOA -22 tháng 8, 2009)

                      Lê Trạch Lựu viết về "Em Tôi" 

05/1946 – Năm 1946 là năm tôi đi trại hè Sầm Sơn, đi với đoàn Hướng Đạo, cùng nhiều đoàn khác, tập trung tại sân ga Hà nội. Tôi thoáng thấy một cô gái xinh xinh, dáng người phong nhã, có đôi mắt đẹp tuyệt vời. Không hiểu sao tôi thấy tôi như choáng váng, má tôi nóng bừng như lên cơn sốt; lần đầu tiên tôi thấy tôi có cái cảm giác lạ lùng này. Nhà đoàn tôi « đóng trại » to lớn, rộng rãi, đó là những biệt thự nghỉ mát của bọn Pháp thuộc điạ bỏ lại, trước nhà là bãi biển mênh mông, sau nhà có một cái giếng. Trưa nào tôi cũng thấy cô gái ấy, đội nón, dưới nắng trang trang rũ áo, tôi ngồi bên cửa sổ nhìn cô ta. Thỉnh thoảng cô nàng ngửng đầu lên, vành nón che đôi mắt, nhưng tôi biết là cô ta đang nhìn tôi. Thú thật, tim tôi đập thình thình. Chao ơi, yêu đương là như vậy hay sao? Đây là một rung động đầu tiên, nào đâu tôi có biết cảm giác này từ thuở ra đời.
 Về Hà nội tôi tìm nhà cô ta, vì có duyên nên tìm được ngay, cô ta ở gần nhà tôi. Bây giờ ta phải tìm biết tên cô ta nữa! Chiều nào tôi cũng đi qua nhà cô ta, để nhìn vào nhà, tìm lại đôi mắt đẹp. Tôi thấy có nhiều cậu trai cỡ bằng tuổi tôi đi qua đi lại trước cửa nhà, như tôi. Lúc đó tôi cũng thấy hơi hơi lo… sợ mất !
 Nhưng may cho tôi, hồi ấy có một chú bé đi theo tôi hoài, hỏi ra là chú Mỹ, em cô Phượng. Trời ơi là trời, đất ơi là đất! Chúng tôi đi chơi với nhau. Một hôm, tôi viết một lá thư và mạnh dạn tôi hăng hái ra đi, nhưng chiều hôm đó tôi không thấy cô ta ra đứng ngoài cửa hóng mát. Rồi chiều hôm sau, chiều sau nữa. Thế rồi một chiều nào đó, tôi lại thấy cô ta đứng rũ tóc bên thềm.
Tìm đủ nghị lực, tôi sán gần cô ta, tay đưa lá thư, miệng lắp bắp một câu: « Phượng… Phượng  cầm… cầm lấy cho… cho… tôi… tôi… lá thư này… » Rồi xong, tôi cắm đầu đi mất,  không dám quay lại, sợ nhìn thấy hoặc cô ta xé lá thư, hoặc quẳng xuống lề đường… tôi sẽ mắc cỡ …
 Để đỡ cho cái nặng nề đó, tôi tìm cách nói khéo với chú Mỹ, chú bằng lòng ngay. Thế là chú thành con chim xanh của tôi. Chiều nào chú cũng để một lá thư lên bàn. Bẩy tháng trời tôi viết đều đều, gần bẩy chục lá thư mà vẫn không thấy trả lời.
 Tôi đau khổ quá không biết cô ta có yêu tôi không, tại sao cô ta không trả lời tôi, dù thuận dù không…  Lúc bấy giờ tôi mới biết là tình yêu, thế nào là đợi chờ, là có nhiều đau khổ. Héo hon con người.
 Thế rồi một hôm chú Mỹ tất tưởi chạy đến nhà tôi, đưa cho tôi một lá thư, hôm đó là một tuần trước ngày kháng chiến toàn quốc, tôi bồi hồi cầm lá thư, ở một góc có đề : Xin TRẠCH LỰU đừng giận KIM PHƯỢNG mà xé lá thư này…, tôi mở ra, đọc từng hàng chữ đều đều, tròn tròn, vuông vắn. Phượng nói yêu tôi từ ngay lúc đầu… nhưng muốn thử lòng tôi để xem tôi có phải là người đứng đắn rồi nói rằng ngày mai Phượng đi tản cư… ở Hà Ðông, cách làng tôi mấy làng… Tôi bàng hoàng như tỉnh một giấc mơ lâu dài chờ đợi từ bao nhiêu giờ, bao nhiêu phút. Thế là hai hôm sau, tôi đi bộ từ Hà nội qua làng tôi tới làng tạm trú của gia đình nàng, chúng tôi đi chơi dọc dòng sông Nhuệ cùng chú Mỹ, mẹ của Phượng, bà cụ nhìn chúng tôi âu yếm từ đằng xa … đi chơi cùng nhau hết cả buổi chiều, tôi không dám cầm tay Phượng, tôi ân hận tới bây giờ. Tôi trở về thành, thế rồi chiến tranh, ba năm sau tôi sang Pháp. Không rõ Phượng ở đâu, tôi vẫn nhớ Phượng hoài. Một hôm trong trường cái nhớ nó làm tôi điên đầu… trong giờ Etude cuối lớp có anh chàng TRẦN BÍCH LAN NGUYÊN SA đang đọc Socrate hay sao, bên phải gần cửa sổ HOÀNG ANH TUẤN… không biết hắn làm gì, chắc đang làm thơ, tôi cầm cây đàn bấm bấm… hai ngày sau thành bài EM TÔI… cả nhạc lẫn lời. Chủ nhật ra Paris, đường Volontaires, sau bữa cơm trưa, quây quần với nhau, trong đó có Anh Tuấn, Thi Liên, Thoa em gái Nguyên Sa về sau lấy Trần đình Hòa, Bội Liên đã nhận được bài tôi gửi tới trường, hồi đó cô ta có yêu tôi, nhưng tôi tránh vì cô ta con nhà giầu… , Bội Liên dạo nhac trên mấy phím ngà… Nhạc EM TÔI vang lên khắp cả căn phòng, tôi tê tái nghe nhạc tôi, tôi thấy là lạ, chưa quen… vì mỗi lần tôi đã nghe trong tôi hay nghe cây đàn bên tôi nói với tôi, bây giờ những ngón tay ngà chạy qua phím đàn đến với tôi, tôi như ngỡ ngàng đi vào cơn mê…
 Thế rồi tôi chép lại nhạc và lời trên trang giấy học trò, trên những giòng như đã kẻ nhạc, tôi gửi tới nhà xuất bản TINH HOA…
 Những tháng năm qua…

         

                ** Nhạc sĩ Lê Trạch Lựu nói chuyện ở buổi họp mặt Thu Tao Ngộ - Paris 2009  **

KHI «EM TÔI»  ĐƯỢC NỔI TIẾNG , TÔI KHÔNG ĐƯỢC SỐNG CÙNG VỚI THỜI ĐẠI ĐÓ VÌ TÔI Ở XA , TÔI KHÔNG ĐƯỢC NHÌN NHẬN RÕ RÀNG THẾ NÀO LÀ MỘT BẢN HÁT ĐƯỢC NGƯỜI ĐỜI YÊU CHUỘNG… TRAI HAY GÁI, AI AI CŨNG TƯỞNG LÀ MÌNH CÓ MỘT NGƯỜI YÊU , HAY MÌNH ĐƯỢC YÊU , HAY MÌNH TƯỞNG TƯỢNG CHÍNH MÌNH LÀ CÔ GÁI ẤY , CÒN  CẬU TRAI ĐƯỢC YÊU CÔ GÁI DỊU DÀNG, THƠ NGÂY, ÂU YẾM , MƠ MÀNG CHO NÊN AI AI CŨNG HÁT… CŨNG TƯỞNG LÀ MÌNH… CŨNG CẦM LẤY CÂY ĐÀN…

 Rồi một hôm tôi tìm ra điạ chỉ của Phượng tôi viết về cho chú Mỹ, Mỹ trả lời tôi:
 « Em nhận được thư anh, thế là anh vẫn mạnh, chị Phượng đợi anh trong một năm dài, thấy anh không về, tưởng anh chết, rồi ba năm sau chị Phượng để tang anh. Nhiều người đến hỏi chị, chị chỉ lắc đầu. Chị vẫn đợi anh, nhưng hôm qua chị Phượng đi lấy chồng, chị đã 26 tuổi rồi, ngày ngày thầy me thúc dục. »
 Thế là tôi cắt đứt, để Phượng đi lấy chồng cho êm thấm, có bổn phận với chồng với con. Tôi không muốn ám ảnh Phượng nữa để cho nàng yên phận.
Sáu chục năm rồi vẫn nhớ em,
Nhớ ai rũ tóc đứng bên thềm,
Nhớ người giặt áo bên bờ giếng,
Nhớ nhiều, nhớ mãi, mãi không quên…

      
 Sáu chục năm sau, tôi được biết tin một người bạn cùng trường năm xưa, anh Nguyễn Thiệu Giang viết cùng một tờ báo với tôi hồi đó cùng Thanh Nam, tôi có nhờ anh ta đến căn nhà cũ, anh nói Phượng không còn ở đấy nữa. Nhưng có cho tôi số phone, tôi gọi Phượng, đầu giây Phượng trả lời, tôi nói là tôi, cô ta nhắc đi, nhắc lại ba lần, anh LÊ TRẠCH LỰU hả, anh LÊ TRẠCH LỰU hả, như không tin là có thật, khi tôi bảo là tôi thì cô ta òa ra khóc.
 Nói chuyện cùng nhau hơn nửa tiếng, sau những lúc ân cần hỏi han. Phượng có nói, anh ấy có theo đuổi Phượng trong bốn năm trời, Phượng bảo Phượng có người, anh ta cứ đeo đẳng, Phượng có nói với anh ấy chuyện Phượng và anh. Anh ta chịu là trong lòng Phượng có một người. Tôi xin thành thật cảm ơn Phượng, tình yêu Phượng cho tôi. những năm đợi chờ, đau khổ. Một lúc sau tôi hỏi Phượng: «Thế Phượng còn giữ mấy lá thư ấy không? » Tôi muốn tìm hiểu văn thời 16 tôi viết ra sao chắc là văn lủng củng lắm. Phượng trả lời tôi:
 « Em để vào trong một cái hộp, nó đi theo em tất cả mọi nơi, trong đó có cả tập ảnh chụp hồi đó, nhưng chồng em thấy lúc nào em cũng buồn, nói với em nên giấu nó đi một chỗ, khi nào vui thì hãy mở ra. Thế là ông ta bỏ vào đâu không rõ, mấy năm sau ông ta mất, tìm kiếm khắp nhà không ra. Em chỉ nhớ anh viết dài lắm… viết dài lắm… Hôm nọ em muốn tìm cái hình anh hồi đó, mà không thấy đâu. Tủi thân, em lại ngồi khóc, may rằng con, cháu em bữa đó tụi nó không có nhà…


Thu Tao Ngộ
Tháng mười năm 2009
LÊ TRẠCH LỰU

   

               http://cothommagazine.com/nhac1/LeTrachLuu/ThuTaongo-LTL-02.jpg        

** Thu Tao Ngộ Paris 2009 trong hội trường và du ngoạn sông Seine với một số văn nghệ sĩ: Thi sĩ Đỗ Bình, Nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên, Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Dung ... **

           http://cothommagazine.com/nhac1/LeTrachLuu/ThuTaongo-LTL-03.jpg

                                            >  Em Tôi (pps- Doanh Doanh thực hiện)

                    > Em Tôi (youtube - Đàm Trung Phán thực hiên với pps của Doanh Doanh)

              qua tiếng hát Duy Trác và Hồng Vân diễn ngâm bài thơ "Một Mùa Đông" của Lưu Trọng Lư

        Mời quý vị nghe một số nhạc phẩm của Nhạc Sĩ Lê Trạch Lựu - bấm vào tên người trình bày:

       Em Tôi - Quang Tuấn   Ngọc Bảo    Mai Hương (với phụ họa của Ban Tiếng Tơ Đồng)

                               Em Tôi - Vĩnh Tâm (guitar, nhạc không lời)

                               Nhớ - Ngọc Lan      Nhật Trường      Tâm Hảo

                              Tìm - Ngọc Lan

                              Khi Em Yêu - Hải Lý

                                            

                           Bấm vào tên người trình bày để nghe: Em Lễ Chùa Này - Thiên Trang 

                         

Cành Mai Tóc Ngắn

Ngày xuân sáng xanh như lúa non đang lên đòng
tôi thấy tôi ngập ngừng lên xứ mơ
Màu mây sáng tươi, vui nắng vui,vui như chiều
quen biết nhau một lần ghi trăm năm

Cành mai năm ấy xuân xanh mười lăm
Màu yêu thơm ngát tóc em cài hoa
Cành mai hoa trắng áo em lả mây
Theo em, theo em khi tan trường về

Nhiều đêm thanh vắng có nhắn ,có xin ánh sao sa
Em ơi, em ơi cho nhau ngọt ngào,
Nhìn mây bay qua sông Ngân xa quá, xa hơn trời xa
Anh yêu sao mai thêu hoa cành gầy

Từ khi xa cách có mấy mùa hoa uơm tình thơ ngây
Ngồi chân biên giới hướng nắng bên phía kia sông
Dòng đời xanh tươi buông trôi như mây trong tranh
mơ hồ câu yêu đêm trăng chiều nào

Ngày xuân sáng xanh đưa gió hanh qua đô thành
tôi thấy tôi ngập ngừng lên xứ mơ
Màu mây sáng trong như giấc hoa thơm ngọt ngào
khi thấy nhau bận đầu trên sân ga

Cành mai hoa trắng áo em vờn mây
Mùa xuân năm ấy mắt em hồ thu
Mùa yêu thơm ngát tóc em cài hoa
Theo em, theo em, theo em chiều chiều ...

      Bấm vào tên người trình bày để nghe: Cành Mai Tóc Ngắn - Lưu Hồng

      Em tôi: Lê Trạch Lựu và mối tình theo mãi một đời

        > Bấm vào đây để nghe: "Chương Trình Phát Thanh" - Lan Phương - VOA thực hiện

"Em tôi" ra đời đầu năm 1953 đến nay vẫn tiếp tục đem đến cho người nghe những xúc cảm như gần, như xa của một thời tưởng như đã thuộc về dĩ vãng nhưng vẫn tiếp tục làm rung động trái tim những thính giả trẻ tuổi ở thế hệ bây giờ. Đằng sau ca khúc lãng mạn này là một cuộc tình mang theo từ thuở vừa biết yêu cho đến tuổi xế chiều khi nhạc sỹ sáng tác "gặp" lại người xưa qua đường dây điện thoại viễn liên. Hôm nay nhạc sỹ Lê Trạch Lựu nói về câu chuyện tình đã đưa chúng ta đến với "Em Tôi", mời quí vị cùng theo dõi với Lan Phương sau đây.
Lan Phương - VOA (Thứ Ba, 11 tháng 1 2011)

Lê Trạch Lựu rời Việt Nam thời loạn ly năm 1951, bỏ lại sau lưng một mối tình, không hiểu người yêu của mình ở phương nao khi mà khói lửa, chiến tranh, tản cư, ly tán đã đẩy mọi người vào tình huống chẳng biết những người thân của mình còn sống hay đã chết.

Ở Pháp, theo học nốt bậc trung học rồi vào ngành điện ảnh và làm truyền thông, ông vẫn nhớ hình bóng cũ, cô thiếu nữ tên Phượng mà ông đã gặp lần đầu trong một chuyến đi cắm trại của đoàn hướng đạo ở Sầm Sơn. Chiều nào, qua khung cửa sổ, ông cũng nhìn thấy cô gái ngồi giặt áo bên bờ giếng, người cao, trắng trẻo, đôi mắt thật đẹp đến nỗi chàng thanh niên mới lớn thấy ngây ngất như lên cơn sốt rồi mới chợt nhận ra: "chao ơi tình yêu là thế hay sao?"

Trở về Hà Nội, ông may mắn tìm biết được địa chỉ của người mà ông say đắm. Liên tiếp trong 3 tháng trời ông viết cho cô Phượng gần 70 lá thư mà không được trả lời. Cậu em trai của cô Phượng, chú Mỹ đóng vai chim xanh đưa thư cho ông. Cho đến một ngày ông được người trong mộng hồi âm, rằng cô rất yêu ông nhưng muốn thử lòng xem ông có phải là người nghiêm túc hay không, và lúc đó là 1 tuần lễ trước ngày toàn quốc kháng chiến. Sau đó thì gia đình cô Phượng tản cư về Hà Đông. Từ Hà Nội ông tìm đến thăm cô Phượng. Thân mẫu của hai người cũng là chỗ quen biết và hai người đã cùng nhau đi chơi suốt buổi chiều bên ven sông, dưới sự... giám sát của cậu em cô Phượng! Hạnh phúc, đến nỗi hai người nói chuyện gì ông không thể nhớ, chỉ nhớ rằng hạnh phúc như chưa bao giờ được hạnh phúc như vậy, duy có một điều ân hận, là ông chưa hề nắm lấy bàn tay của người yêu, dù chỉ một lần.

Rồi chiến tranh, gia đình Phượng tản cư, mất liên lạc, ông sang Pháp.

Tháng ngày qua, ở Pháp, cũng là thời gian mà nỗi nhớ quay quắt đã là nguồn suối trào dâng để một ngày, bên những bạn bè như Nguyên Sa, Hoàng Anh Tuấn, ông bấm lên phím đàn, đưa "Em Tôi" vào đời.

Ông cho biết: "Mối tình đối với cô theo tôi suốt đời, vì rằng đó là mối tình đầu, mà mình không biết nhau ở đâu, không biết người ta sống hay chết, tôi nhớ đến cô và tôi đã làm bài 'Em Tôi'."

Bẵng đi một thời gian dài, một hôm tình cờ tìm lại được địa chỉ ở Hà Nội của Phượng, ông viết thư về cho cậu em thử hỏi thăm, thì được hồi âm rằng chị của cậu chờ đợi mãi, bao nhiêu đám hỏi mà không nhận lời, sau này ngỡ ông đã chết cô lập bàn thờ, để tang ông 2 năm, nhưng sau vì gia đình thúc giục và đã 26 tuổi, phải có con, cô đành đi lấy chồng. Từ đó ông im lặng, cắt đứt để cho người cũ yên ấm bên chồng con.

Về phần cô Phượng, người chồng cô cũng chấp nhận là cô có một mối tình trước, hết sức cảm thông. Nhưng đôi khi thấy vợ buồn, ông khuyên vợ để ông cất những lá thư và hình cảnh cũ, đến bao giờ vui hãy mở ra xem. Thế rồi ông mất, những lá thư xưa không tìm lại được nữa.

Mãi đến cuối năm 2009, 60 năm sau, ông liên lạc được một người bạn cũ từ bao năm ở lại Hà Nội, và chính người bạn này đã giúp nhạc sỹ họ Lê tìm ra số điện thoại của người xưa. Qua đường dây điện thoại ông đã gọi về thăm hỏi bà. Bà không thể tin là ông còn sống, nhắc đi nhắc lại 3 lần như ngỡ trong mơ "anh Lê Trạch Lựu đấy ư?". Ông tâm sự tiếp:

"Bây giờ chúng tôi nói chuyện với nhau. Tình ngày xưa xa lắc xa lơ. Cô đã đi lấy chồng, mà tôi đã lấy vợ, bây giờ chỉ coi nhau như bạn già thôi. Quí nhau, kính trọng nhau, chứ không nghĩ đến tình yêu ngày xưa nữa. Không thể nào lập lại thời đó được. Nhưng hai người vẫn rất quí nhau, tôi vẫn thường gọi cho cô, hay cô có gọi tôi, nhưng mà ăn nói như hai người bạn thân thôi."

Từ ngày rời Hà Nội năm 1951, nhạc sỹ họ Lê chưa một lần trở lại quê hương. Ông lập gia đình với một người vợ Pháp, gốc Ba Lan, mà theo lời ông thì bà là người rất đẹp, đoan trang, miệng cười tươi như hoa, và ông nhận là số ông may mắn, từ người yêu đến người vợ ai cũng đoan chính.

Thời còn trẻ cũng có người bạn rủ ông về miền nam làm việc, và hãng thông tấn Pháp cũng muốn ông về để lập một cột trụ ở bên đó, nhưng nhạc sỹ họ Lê tâm sự:

"Tôi nghĩ rằng hồi đó tôi có đứa con nhỏ nhất mới 3 tuổi, nếu tôi về Việt Nam tôi sẽ mê một cô Việt nam, tôi sẽ lấy cô Việt Nam, sống với cô Việt Nam thì tôi sẽ không trở lại Pháp nữa. Tôi tự nghĩ: mình sinh ra con, mình không nuôi con, mình bỏ nó, sung sướng với cuộc sống của mình, rồi sau này con mình nó nhìn mình bằng cách gì mình không thể sống được. Vì thế tôi không đi. Mà nếu tôi đi, thì cũng không thể trở về được, nghề của tôi là ra chiến trường quay phim. Tôi vui thích với nghề đó lắm, mà có thể chết được, nên về thì không thể nào trở lại được nữa."

Trong buổi nói chuyện với nhạc sỹ Lê Trạch Lựu, năm nay đã trong lứa tuổi bát tuần, ông có cho biết về những sáng tác khác của ông, những ca khúc đã bị cái bóng của "Em Tôi" che mờ:

"Nhạc của tôi người ta không biết nhiều, người ta chỉ biết đến 'Em Tôi' thôi. Ở Hà Nội, ông Thẩm Oánh có ra một bài của tôi là bài 'Thôn Chiều', ông ấy quí bài đó lắm. Sang Pháp, nhớ quê hương, tôi làm bài 'Nhớ' được trình bày trên đài phát thanh Hà Nội, và Sài Gòn sau này. Bài thứ ba là bài 'Em tôi'. Bài 'Em Tôi' được người ta quí trọng nó quá nên thên hạ quên mất 'Nhớ' và 'Thôn Chiều'."

Khoảng 20 năm sau khi "Em Tôi" ra đời, vẫn nỗi nhớ người xưa, nhạc sỹ họ Lê đã sáng tác "Cành Mai Tóc Ngắn".

Cũng trong buổi nói chuyện, nhạc sỹ Lê Trạch Lựu có lời nhắc những ai yêu mến ông xin để ý cho 3 chỗ trong lời nhạc của bài "Em Tôi" mỗi khi hát:

1. Cho anh gót thắm đem dệt nhớ nhung lời thơ (không phải "rót thắm" hay "góp thắm"); Ông giải thích: người đàn bà xưa ăn mặc kín đáo, quần chùng áo dài, gót sen của nàng là nguồn xúc cảm, gợi trí tưởng tượng, chứ không lộ liễu như bây giờ.

2. Đèn trăng phô sắc huy hoàng sáng hơn màu nắng (không phải là "đàn trăng").

3. Này trăng, này sao chia nhé em (không phải là "này trăng, này sao kia nhé em").

Xin cảm ơn nhạc sỹ Lê Trạch Lựu, cảm ơn "Em tôi", cảm ơn cả người xưa đã là nguồn cảm xúc để nhạc phẩm trữ tình này hiện hữu.

Quí vị vừa nghe Anh Ngọc, Sỹ Phú, Mai Hương trình bày nhạc phẩm Em Tôi. Xin cảm ơn quí vị đã theo dõi buổi nói chuyện hôm nay với nhạc sỹ Lê Trạch Lựu.

Quí vị có thể vào cothommagazine.com để nghe 1 số nhạc phẩm khác của nhạc sỹ Lê Trạch Lựu.
 

Tham Khảo:

Tài liệu từ Nhạc sĩ Lê Trạch Lựu;  http://khanhly.net/phoxua/; http://tranquanghai.info/; Chương Trình Ca Khúc Việt Nam của NS Thanh Trang; Chương Trình Văn học nghệ thuật của Đài VOA do Lan Phương thực hiện ...

   Vui lòng gởi ý kiến xây dựng và tài liệu về Phan Anh Dũng: dathphan1@gmail.com


=====================================================================================================================================================================================================================================================

Nguồn :

EM TÔI và Nhạc Sĩ Lê Trạch Lựu - Biên sọan: Phan Anh ...

cothommagazine.com/index.php?option=com_content&task...




Chỉnh sửa lại bởi mykieu - 26/Feb/2015 lúc 7:01pm
mk
IP IP Logged
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 30/Mar/2015 lúc 1:44am











Chỉnh sửa lại bởi mykieu - 30/Mar/2015 lúc 1:46am
mk
IP IP Logged
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 30/Mar/2015 lúc 5:06am
mk
IP IP Logged
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 17/May/2015 lúc 8:44pm
La Cumparsita -
Bản Tango nổi tiếng nhất.

 

   La Cumparsita Tango - Gerard Matos Rodriguez

https://www.youtube.com/watch?v=NY0MLG-IrSU

 

    Julio Iglesias - LIVE - La cumparsita - Francia 1997

https://www.youtube.com/watch?v=YNMcHaLhwlg

 

    Nhạc sĩ Phạm Duy đã đặt lời tiếng Việt dưới tựa đề "Vũ nữ thân gầy".

https://www.youtube.com/watch?v=svDA24ygynM

Đàn đã khơi rồi, trong lúc đêm tàn rơi
Đàn khóc ai hoài, cho héo hon lòng tôi
Đàn nhớ nhung người, như sắc hương tàn phai
Đàn cố nuôi lời, cho giấc mơ còn lơi
Ôi ! Nghe tiếng đàn réo mà thương người
Nghe tiếng cười reo xót xa đời
Nhớ nhung đau thương mà thôi

Người vũ nữ, người xưa mến thương ơi
Nhớ tới hương đêm kinh đô chưa qua đời
Nhớ tới đôi môi nụ cười
Nhớ tới xa xôi, nay đã xa rồi.
Người vũ nữ ngồi bên cốc lên men
Bát ngát hương môi cho anh say mềm
Nhịp nhàng gieo trên sàn êm
Rộn ràng nghe bao lời điên
Của khách giang hồ say triền miên.

Ta ghì cho tan vỡ trái tim này
Cho người ăn chơi nhíu đôi lông mày
Ta cười cho xanh ngát kiếp lưu đầy
Cho người vũ nữ khóc tấm thân gầy.
Chưa nói yêu nhau mà lòng đã đau
Chưa nói mê say mà tình đã bay
Chưa biết môi em mà hồn đã quên
Đã qua một đêm...

 

 

"La cumparsita"

Bìa của "La cumparsita"


"La cumparsita" (tiếng Tây Ban Nha dịch ra tiếng Việt: "Cuộc diễu hành nhỏ") là một bản nhạc tango không lời được nhạc sĩ người Uruguay Gerardo Matos Rodríguez sáng tác vào năm 1916. Thực tế, Roberto Firpo (giám đốc kiêm nghệ sĩ vĩ cầm của dàn nhạc biểu diễn ra mắt bản nhạc này) đã bổ sung những đoạn trong các bản tango "La Gaucha Manuela" và "Curda Completa" của ông vào bản hành khúc dành cho carnaval của Matos ("La Cumparsita"), từ đó tạo nên bản "La cumparsita" như được biết đến hiện nay.

Bản nhạc vốn dĩ không có lời, về sau Pascual ContursiEnrique Pedro Maroni đặt lời, biến nó thành bài hát. "La cumparsita" được coi là một trong những khúc tango nổi tiếng nhất và dễ nhận ra nhất.

 

 

Lịch sử

Bài hát vốn là một bản hành khúc dành cho carnaval của Uruguay, phần giai điệu được anh sinh viên ngành kiến trúc 18 tuổi tên Gerardo Hernán "Becho" Matos Rodríguez soạn vào đầu năm 1916 ở Montevideo. Ngày 8 tháng 2 năm 1916, Matos Rodríguez nhờ người bạn Manuel Barca đưa bản nhạc cho Roberto Firpo xem, tại quán cà phê La Giralda. Firpo nhanh chóng nhận ra rằng ông có thể biến nó thành một bản nhạc tango. Bản nhạc khi ấy gồm hai đoạn, và Firpo bổ sung một đoạn nữa trích từ những bản tango của ông nhưng ít người biết là "La gaucha Manuela" and "Curda completa". Ông cũng dùng một phần của bài hát "Miserere" (của Giuseppe Verdi) lấy từ opera. Nhiều năm sau đó, Firpo thuật lại khoảnh khắc đáng nhớ ấy như sau:

Vào năm 1916, tôi đang chơi nhạc tại quán cà phê La Giralda ở Montevideo, một ngày nọ có một người đàn ông đi với khoảng chừng 15 cậu trai - tất cả đều là học sinh sinh viên - đến nói rằng anh ta mang theo một bản hành khúc carnaval và muốn tôi phê bình nó vì họ nghĩ là nó có thể thành một bản tango. Họ nhờ tôi soát lại và tinh chỉnh bản nhạc ngay đêm ấy vì một cậu bé tên là Matos Rodríguez cần nó. Trong bản nhạc nhịp 2/4 này, phần giai điệu của nửa phần đầu có vẻ ít [hữu dụng] còn nửa phần sau thì chẳng có gì. Tôi có chiếc dương cầm và nhớ đến hai bản tango tôi sáng tác hồi 1906 nhưng không thành công: "La gaucha Manuela" và "Curda completa". Và thế là tôi trích một phần từ mỗi bài để đưa vào bản nhạc. Đêm đó tôi biểu diễn bản nhạc cùng với "Bachicha" Deambroggio và "Tito" Roccatagliatta, nhận được tán dương nhiệt liệt. Matos Rodríguez cứ đi qua đi lại như một nhà vô địch...Tuy nhiên bản tango bị quên lãng, về sau mới bắt đầu thành công trở lại khi Enrique Maroni và Pascual Contursi soạn lời ca cho nó.

Firpo thu âm bản nhạc vào tháng 11 năm 1916 cho hãng Odeon Records - đĩa số 483. Ông thu tại phòng thu của Max Glücksmann ở Buenos Aires, Argentina và thuê hai nghệ sĩ vĩ cầm, một nghệ sĩ bandoneón (Juan Bautista "Bachicha" Deambrogio) và một nghệ sĩ flute còn ông làm trưởng dàn nhạc và chơi dương cầm. Bản nhạc ra mắt trên mặt B của đĩa hát 78 vòng, thu được thành công ít ỏi và chìm vào quên lãng sau vài năm.

Năm 1924, nghệ sĩ người Argentina Pascual Contursi đặt lời cho bản nhạc, khiến nó nhanh chóng biến thành một bản hit. Phiên bản này hiện được coi là bài hát tango nổi tiếng nhất trên thế giới, đứng ngay phía trước bản "El Choclo".Contursi thu âm bài hát dưới nhan đề "Si Supieras" (nghĩa là "Nếu bạn biết"). Thời gian đó Matos Rodríguez đang sống tại Paris, Pháp. Anh phát hiện tác phẩm đã trở nên nổi tiếng lúc nói chuyện với nghệ sĩ vĩ cầm kiêm trưởng dàn nhạc tango người Uruguay Francisco Canaro khi ông đang biểu diễn bài hát dưới tựa đề "Si Supieras". Canaro cho anh biết rằng bài hát được "tất cả các dàn nhạc cuồng mê". Matos Rodríguez dành hai thập niên tiếp theo để đấu tranh pháp lý đòi tiền tác quyền và cuối cùng cũng thành công khi đảm bảo rằng bài hát từ giờ sẽ lấy lại nhan đề cũ là "La cumparsita". Tuy nhiên, phần lời hát của Contursi đã gắn chặt với bài hát.

Năm 1948, Canaro dàn xếp một thỏa thuận giúp chấm dứt các vụ kiện tụng. Ông xác định 20% tiền tác quyền sẽ thuộc về Contursi và đối tác kinh doanh của Contursi là Enrique P. Maroni. 80% còn lại sẽ thuộc về Matos Rodríguez. Canaro cũng định ra rằng các tờ nhạc in trong tương lai sẽ in phần lời của Contursi kèm với các phần lời ít nổi tiếng do Matos Rodríguez viết, ngoài ra không in bất cứ phần lời nào khác.

Sự phổ biến

Năm 1997, Quốc hội Uruguay thông qua Luật số 16.905 quy định phần nhạc của "La cumparsita" là bản nhạc văn hóa và đại chúng của quốc gia.

Bài hát xuất hiện trong nhiều phim như Anchors Aweigh (1945), Sunset Boulevard (1950), Some Like It Hot (1959), Take the Lead (2006). Trong tập "Down Beat Bear" của phim hoạt hình Tom and Jerry cũng chèn bài hát. Bài hát nằm trong đoạn mở đầu của vở kịch truyền thanh khét tiếng The War of the Worlds - vở kịch có nội dung khiến nhiều thính giả tin rằng "người sao Hỏa" đã đến Trái Đất.

Trong Thế vận hội Mùa hè Sydney 2000, đội tuyển Argentina đã diễu hành bằng bản nhạc này khiến Chính phủ Uruguay phải lên tiếng phản đối. Nhiều vận động viên thể dục dụng cụ cũng dùng các biến thể của bài này khi biểu diễn như Vanessa Atler (1998–99), Jamie Dantzscher (2000), Oana Petrovschi (2001–02), Elvire Teza (1998), Elise Ray (1997–98), Natalia Ziganchina (2000), Maria Kharenkova (2013) và Mykayla Skinner (2011–12).




Chỉnh sửa lại bởi mykieu - 17/May/2015 lúc 8:48pm
mk
IP IP Logged
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 07/Jun/2015 lúc 7:55pm

Ảnh%20của%20Toan%20Thien%20Vo.



Tháng Năm, nghe Phượng hoàng gãy cánh

20/5/2015
tuankhanh

 

Có một tượng đài phượng hoàng gãy cánh tại Sài Gòn, đặc biệt trong lòng người yêu nhạc trẻ miền Nam. Tượng đài nằm im lặng trong trái tim mỗi người, nhưng luôn ngân vang với những câu hát trở thành lịch sử âm nhạc hiện đại của Việt Nam – vốn từng mở màn cho một giai đoạn cách tân âm nhạc độc nhất vô nhị.

 

Thật khó biết là nhạc sĩ Lê Hựu Hà qua đời vào lúc nào. Theo báo cáo pháp y, người ta chỉ tìm thấy ông vào ngày 11 tháng 5, 2003, nhưng dự đoán thời gian qua đời có thể từ 5 ngày trước. Lê Hựu Hà là một người cô đơn. Và những ngày cuối đời của ông lại càng cô đơn hơn khi đi về chỉ một mình, đóng cửa lặng lẽ đọc sách, nghe nhạc, mở ti vi cho có tiếng người chung quanh mình. Chính vì ti vi vẫn mở suốt nhiều ngày liền, nên chung quanh hàng xóm không ai ngờ rằng ông đã qua đời. Chỉ đến khi vài người bạn đến tìm, gọi chuông không được thì sau đó mọi người mới phát hiện rằng ông đã đi rất xa rồi.

 

Những ngày bạn bè đến thăm nhạc sĩ Lê Hựu Hà lần cuối, Lúc ấy, trời lất phất mưa, mây trĩu xám. Đám tang vừa phải và khiêm tốn, không khác gì tính cách của ông lúc sinh thời. Nhạc sĩ Minh Châu tay cắp giỏ, ánh mắt bàng hoàng “lẽ nào vậy sao?”. Minh Châu vốn là một người yêu say đắm dòng nhạc Phượng Hoàng với những bài hát mà nhạc sĩ Lê Hựu Hà khai sinh. Anh ghé qua thắp nén nhang với chiếc áo sơ-mi bó, quần ống hơi loe, không khác gì thập niên 60, thì thầm “chừng nào chúng ta lại có một Lê Hựu Hà hay Nguyễn Trung Cang?”.

 

Câu hỏi đó thật khó trả lời. Phượng Hoàng sinh ra từ lửa và hóa kiếp trong lửa, tuần hoàn vô lượng. Nhưng để nhận biết là điều bất khả. Thật khó hình dung nền nhạc trẻ Việt Nam thập niên 60-70 nếu không Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang, Elvis Phương... thì hôm nay sẽ là gì? Ban nhạc Phượng Hoàng của Lê Hựu Hà thành lập năm 1963, với chủ trương dứt khoát của Lê Hựu Hà là “người Việt phải chơi nhạc Việt”, nhằm tạo một khuynh hướng khác biệt với hàng loạt các nhóm nhạc trẻ lúc đó, phần lớn đang cover lại các bài hát ngoại quốc, và lấy tên tiếng nước ngoài như The Enterprise, CBC, The Dreammers, Les Vampires... nhạc trẻ thuần Việt được coi như khai sinh từ đó. Nếu lịch sử âm nhạc Anh Quốc có cột mốc vĩ đại từ cuộc nói chuyện vô tình trên tàu điện giữa Paul McCartney và John Lennon, thì ở Việt Nam cũng có chương lịch sử âm nhạc kỳ thú từ sự kết nối giữa Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang.

 

Là một ban nhạc rất trẻ, nhưng các sáng tác của Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang làm không ít người sửng sốt về tính triết lý sâu đậm trong ca từ. Nếu Nguyễn Trung Cang vung vẩy tung tóe màu sắc hiện sinh với Mặt Trời Đen, Sống Cho Qua Hôm Nay... thì Lê Hựu Hà dàn trãi từ khuynh hướng yêu tha nhân vô kiện của Kant cho đến tâm trạng hippy phản chiến, kêu gọi yêu thương. Trong các phẩm của Lê Hựu Hà, là niềm yêu tha nhân dù khổ đau vẫn phải gìn giữ như một định mệnh “Hãy cứ yêu thương người – dù người không yêu ta”. Từ cảm giác đó, Lê Hựu Hà bước theo lộ trình nhận thức thế giới không khác gì John Lennon từ việc viết về tình yêu cho đến hát về người nghèo khó, về một cuộc sống đầy súng đạn và hận thù. Hãy Nhìn Xuống Chân hay Lời Người Điên... là một dòng phát triển rất đặc biệt của nhạc sĩ Lê Hựu Hà bên cạnh những bài tình ca nhạc trẻ độc đáo của ông. Chỉ tiếc là sau 1975, chế độ kiểm duyệt của Nhà nước Cộng sản đã bóp chết không ít niểm cảm hứng và sự phát triển của nhiều văn nghệ sĩ, trong đó có nhạc sĩ Lê Hựu Hà.

 

Nhạc sĩ Phạm Duy, lúc sinh thời không phải là người dễ tính, cũng đã phải thốt lên rằng âm nhạc của Phượng Hoàng đầy chất tâm hoặc (psychedelic culture) và phản ánh một tâm thức của thế hệ trẻ không lối thoát trong một xã hội chiến tranh, bất an không hồi kết. Sau tháng 4/1975, khi bị buộc phải đi học tập cải tạo tư duy với các cán bộ cách mạng, nhạc sĩ Lê Hựu Hà cũng phải viết tự kiểm, nhận định rằng âm nhạc của ông là thứ suy đồi và tiểu tư sản thối nát. Nhưng Lịch sử âm nhạc Việt Nam đã may mắn biết mấy khi có được dòng nhạc “thối nát” đó làm nền tảng cho mọi phát triển hiện đại sau này. Lê Hựu Hà cũng như nhiều nhạc sĩ miền Nam tự do khác, cũng được khuyến cáo viết những tác phẩm cho nền “văn hóa mới” – một nền văn hóa mà không ít người vẫn tự hỏi nó sinh ra từ đâu, để làm gì?

 

Có một điều không may cho nhạc sĩ Lê Hựu Hà là sau 1975, có một trung tâm sản xuất băng nhạc chống Cộng lấy tên Phượng Hoàng, cho ra chương trình và gửi vào trong nước. Trong thời buổi còn chưa đủ sức phân biệt được trắng đen, công an đã coi nhạc sĩ Lê Hựu Hà như là một trong những thành phần sản xuất chương trình đó. Đã vậy, có lúc ông còn bị Sở VHTT Cộng sản những ngày đầu kiểm soát miền Nam nhầm lẫn tên ban nhạc của Lê Hựu Hà và hệ thống tình báo Phượng Hoàng của VNCH. Hai điều đó hoàn toàn không liên quan. Ủy ban tình báo Phượng Hoàng, vốn là tên gọi khác của Intelligence and Operations Coordinating Centre, do giám đốc CIA thời đó là William Colby dựng nên, hoạt động từ 1967 và chấm dứt vào 1973. Vốn đã bất đắc chí vì thời cuộc, việc bị truy vấn bởi công an mật vụ liên tục trong thời gian đó đã khiến nhạc sĩ Lê Hựu Hà trở nên trầm uất, và luôn lo sợ. Thậm chí, khi đi đường, nghe tiếng còi của cảnh sát giao thông cũng làm ông kinh hoảng, dừng xe, dù đó không phải là chuyện của ông. Đã vậy, sau năm 1968, bị gọi nhập ngũ, nhạc sĩ Lê Hựu Hà đến học tại trường Bộ Binh Thủ Đức, rồi làm việc ở Cục Quân Nhu, và dù không cầm súng bắn phát nào, nhưng do mang lý lịch là “ngụy quân” nên sự nghiệp của ông không bao giờ có thể nối tiếp trọn vẹn được nữa.

 

Những khó khăn từ vật chất cho đến đời sống tinh thần vẫn đeo đuổi đến tận ngày nhạc sĩ Lê Hựu Hà qua đời, dù tài năng của ông vẫn chinh phục mọi giới. Những tác phẩm mới sáng tác sau 1975 như Vào Hạ, Ngỡ Đâu Tình Đã Quên Mình, Vị Ngọt Đôi Môi... luôn gây nên những cơn sốt trong thính giả. Nhưng cũng ít ai biết rằng các bài hát như Hãy Yêu Như Chưa Yêu Lần Nào là bài hát viết cho phim Vết Chân Hoang (chuyển thể từ tiểu thuyết Tuổi Choai Choai của Trường Kỳ), được sửa lời và chút ít giai điệu. Bài Lời Trái Tim Muốn Nói cũng là một ca khúc viết lại một văn bản cũ, trong đó ông lặng lẽ để vào chút tâm tư của mình,qua những câu chữ như “những tháng năm không có ngày vui”.

 

Năm 1999, khi đang là thành viên trong ban nhạc Phiêu Bồng của nhạc sĩ, tôi cầm lấy những bài hát của ông và đi đến nhiều hãng băng đĩa, đề nghị làm album tác giả, nhưng mọi nơi đều lắc đầu, nói khéo. Chân thật nhất là một biên tập viên của Xí nghiệp băng đĩa nhạc Sài Gòn Audio, Hãng phim Bông Sen, đã nói thẳng thừng “Lê Hựu Hà là một người nhân thân có vấn đề”. Sau này, khi nhạc sĩ Lê Hựu Hà căn vặn hỏi mãi, tôi đành phải kể lại. Ông mỉm cười nhã nhặn và buồn. Sau đó, ngay khi tập bài cho các buổi diễn, tôi đề nghị chơi lại những bài hát nhẹ nhàng, không bị soi mói về quan điểm chính trị như Tôi Muốn, Yêu Em... ông chỉ lắc đầu, cười nhẹ. Khó biết được đằng sau cặp kính của người nhạc sĩ hết sức uyên bác đó là những suy nghĩ gì về cuộc sống khốn khó này. Về sau, nhạc sĩ Bảo Thu “luồn lách” bằng cách nào đó, cũng in ra được một băng c***ette pha trộn các tác phẩm của Lê Hựu Hà cùng các bài hát dịch lời Việt của ông, nhưng cũng không dám quảng cáo hay tổ chức ra mắt công khai như các ca sĩ, nhạc sĩ bây giờ.

 

Giờ đây khi tìm kiếm trên internet, thấy những tấm ảnh sau 1975 của ông, lòng tôi chợt chùng lại. Để mừng một ngày sinh nhật của nhạc sĩ Lê Hựu Hà, tôi “dỗ” ông cho chụp vài tấm ảnh, tự mình design bìa CD cho ông, gom những bài hát làm thành một đĩa master rồi đi tìm Tuấn – biệt danh là Tuấn Chó (do có logo thương hiệu bầy chó đốm), một trong những ông trùm sản xuất CD lậu thời đó ở Sài Gòn, nhờ chép ra phát hành giùm. Thật buồn cười và mỉa mai, khi người nhạc sĩ cầm lấy những bài hát của mình được lén lút phát hành bất hợp pháp ngay trong đất nước của mình, và cười như một hạnh phúc. Tôi vẫn còn nhớ.

 

Có lần, trong một buổi tập ở nhà, nhạc sĩ Lê Hựu Hà cao hứng đàn và hát cho tôi nghe vài bản nhạc chưa ra mắt công chúng của ông. Những bài hát mang đầy niềm cảm hứng mãnh liệt của một thời Phượng Hoàng trai trẻ nhưng đầy sự buồn chán muốn rời xa cõi nhân thế quá trớ trêu. Hát xong,ông quay qua nhìn tôi, cười trầm “Đừng hỏi, anh biết tỏng em muốn hỏi gì. Anh không muốn đưa những bài hát này ra nữa đâu. Không còn để làm gì”. Im lặng. Tôi vẫn tự hỏi là có bao nhiêu con người tài năng trên đất nước này đã chối từ đại lộ và nói với bạn bè,con cháu mình khi quay về ngõ nhỏ, rằng “không còn để làm gì”.

 

Cuộc sống của nhạc sĩ Lê Hựu Hà sau năm 1975 hết sức khó khăn, đã vậy ông còn mang nhiều mặc cảm khi người vợ của mình, ca sĩ Nhã Phương, phải đi hát, đi làm tất bật để trang trãi cho cả gia đình. Ông chọn quay lại sân khấu một phần vì yêu âm nhạc, một phần khác vì đó là cách kiếm sống duy nhất của ông. Lê Hựu Hà đã thử làm nhiều thứ như hùn mở quán cà phê, cho thuê băng video... nhưng rồi không có gì tồn tại lâu. Tài sản lớn nhất, và có lẽ vĩ đại nhất đất nước, là bộ sưu tập đĩa nhựa âm nhạc của ông. Tất cả những đĩa quý nhất của thế giới, những ấn bản hạn chế của Rolling Stones, Beatles... ông đều có đủ và luôn làm bạn bè kinh ngạc ngưỡng mộ. Thế nhưng một ngày mùa hè cách mạng, các nhân viên Sở Văn hóa Thông tin đã ập đến lục soát và tịch thu, theo “tố giác của quần chúng nhân dân”. Nhìn từng chiếc xe ba gác chồng chất các bản đĩa mà ông nâng niu, chở ra đi, là một trong những điều suy sụp lớn của đời ông. Nhạc sĩ Bảo Chấn kể rằng đời ông chưa bao giờ hoảng sợ bằng nhìn thấy hình ảnh nhạc sĩ Lê Hựu Hà ngồi gọi rượu đế ra uống một mình, trầm ngâm và khóc. Đó là lần uống rượu duy nhất trong đời của người nhạc sĩ chơi rock,Phật tử và không biết thuốc lá, rượu bia.

 

Trong một lần đi diễn ở Đông Âu và Nga, sau khi hệ thống Cộng sản ở đây sụp đổ. Lê Hựu Hà mang về những viên đá, lấy ra từ những mảnh vỡ của bức tường ô nhục Berlin, để tặng cho bạn bè. Đêm đó, ngồi hát ở một quán bar nhỏ Old Friends với Phước, tay cao bồi già yêu nhạc rock, nhà thơ hippy Đỗ Trung Quân, Lê Hựu Hà đưa cho mọi người, ông cười, thì thầm với tôi “đây là tự do”. Sau cặp mắt kính cận ấy, là ánh mắt thông minh, ẩn chứa biết bao nỗi niềm và dường như không còn niềm vui nữa, dù miệng vẫn cười.

Lê Hựu Hà đến Nga, ứa nước mắt khi nhìn thấy tự do trở lại trên đất nước tuyết trắng, nghĩ đến phận mình. Ông ra phố Arbat ở Moscow, nơi lừng danh của giới nghệ sĩ. Khi đang đi dạo thì Lê Hựu Hà nhìn thấy một người ngồi bệt dưới đất, đánh đàn và hát tiếng Anh ở phố, dưới chân có hộp đàn mở ra cho khách qua lại bỏ tiền vào. Nhìn thấy cây đàn đẹp và quý, ông dè dặt hỏi xem đàn có bán không. Người nghệ sĩ Nga lạnh lùng nhìn và nói “Anh không mua nổi đâu, vì trên đàn đã có dấu tay của tôi”. Sau này ông được giới thiệu cho biết đó là một nghệ sĩ rất nổi tiếng ở Nga về tài năng cũng như độ kiêu hãnh. Ghé vào một cửa hàng gần đó, nhạc sĩ Lê Hựu Hà đổi một ít tiền lẻ và đến ngồi kế bên. Những bài hát tiếng Anh thời thập niên 60 – 70 mà người nghệ sĩ Nga ấy hát, đã là thứ thuộc nằm lòng của Lê Hựu Hà nên ông vừa nghe, vừa hát bè theo. Cứ mỗi bài hát kết thúc, ông lại bỏ vào hộp đàn một chút tiền lẻ. Người nghệ sĩ Nga từ thái độ lạ lùng, tò mò, dần dần chuyển sang cảm mến. Cho đến khi hết tiền bỏ vào, Lê Hựu Hà đứng lên chào và đi. Người nghệ sĩ Nga bất chợt gọi lại “Anh là ai?”. Lê Hựu Hà cười “Tôi là một người thích nhạc”. “Nếu anh quá thích cây đàn, tôi có thể bán cho anh, vì anh rất thú vị”, người nghệ sĩ Nga nói. “Cám ơn, tôi đã có thứ tôi muốn rồi”, Lê Hựu Hà nói, “hát với anh, tôi đã có lại tất cả những kỷ niệm đẹp nhất mà tôi đã mất”.

 

Trong đánh giá của giới phê bình âm nhạc, vẫn hay có hiện tượng bất công về overrated và underrated. Tức có những nhạc sĩ mà công lao hay khả năng chỉ vừa phải thôi, nhưng vì lý do gì đó luôn được tung hô. Ngược lại, có những người vô cùng quan trọng với lịch sử âm nhạc nhưng lại bị coi nhẹ hay lãng quên. Nhạc Nguyễn Trung Cang hay sĩ Lê Hựu Hà là một trong những trường hợp underrated của Việt Nam, khi giá trị tiền phong của họ xuất hiện ở mọi nẻo của âm nhạc hiện đại, nhưng lại bị phủ lấp bởi truyền thông, quan điểm chính trị hay sự cố tình chôn lấp quá khứ văn hóa vàng son của một niềm Nam VNCH.

 

Tháng Năm, nghe vua nhạc Blues B.B.King qua đời. Tháng Năm nhớ Chuck Brown, tay guitar có biệt danh là "Godfather of Go-Go”. Tháng Năm rồi cũng góp vào ký ức nhân loại một tượng đài Phượng hoàng Việt Nam gãy cánh, với đường bay chưa trọn. Tượng đài của Lê Hựu Hà, một người tài hoa, khiêm tốn và nhã nhặn, chưa bao giờ dám mong ai dựng tượng mình, nhưng lại đứng trên quê hương mình, trong trái tim của những người yêu âm nhạc, của một nền văn hóa vàng son của miền Nam mãi lấp lánh trong ký ức con người.




mk
IP IP Logged
<< phần trước Trang  of 4
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.250 seconds.