Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Lịch Sử - Nhân Văn
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Văn Học - Nghệ thuật :Lịch Sử - Nhân Văn
Message Icon Chủ đề: Bà Hoàng Từ Dũ và lời dạy vua Đồng Kh Gởi trả lời Gởi bài mới
Người gởi Nội dung
dangtrung1977
Newbie
Newbie
Avatar

Tham gia ngày: 02/Apr/2013
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 6
Quote dangtrung1977 Replybullet Chủ đề: Bà Hoàng Từ Dũ và lời dạy vua Đồng Kh
    Gởi ngày: 03/Oct/2013 lúc 2:01am
Bà Hoàng Từ Dũ và lời dạy vua Đồng Khánh

Là bậc mẫu nghi thiên hạ lại được chứng kiến sự thịnh suy của vương triều Nguyễn qua 8 đời vua nên bà hoàng Từ Dũ có đủ thời gian để suy nghĩ, chiêm nghiệm về cuộc đời và thế sự. Sử sách ghi chép, ca ngợi nhiều đến sự đoan chính, đức hạnh, khiêm tốn, giản dị, tiết kiệm và lòng yêu dân của bà cũng như việc dạy con là Tự Đức làm vua, còn chuyện nhắc nhở cháu là Đồng Khánh phải làm tròn trọng trách đế vương thì không phải ai cũng được rõ.
Bà hoàng nổi tiếng nhất vương triều và sự tôn kính của vua Đồng Khánh
Xuất thân trong một gia đình quan chức cao cấp, bằng tài sắc, phẩm cách, bà hoàng Từ Dũ nhận được sự yêu mến của vua Thiệu Trị, sự kính trọng của đông đảo quan lại và dân chúng.
Nhập cung khi mới lên 14 tuổi, cô gái xứ Gò Công là Phạm Thị Hằng trở thành vợ của hoàng trưởng tử Nguyễn Phúc Miên Tông, nhưng ít ai ngờ rằng con người đó sau này lại ghi một dấu ấn đậm nét trong lịch sử vương triều Nguyễn.
Đúng ra tên hiệu của bà là Từ Dụ, theo nghĩa chữ Hán là “nhân từ” và “độ lượng” nhưng về sau, không hiểu do một sự lầm lẫn nào đó, người ta viết chữ “Dụ” thành “Dũ” và trở thành thói quen không thay đổi…
Năm Tân Sửu (1841), sau khi vua Minh Mạng băng hà, hoàng tử Miên Tông lên ngôi, đặt niên hiệu là Thiệu Trị, bà Phạm Thị Hằng được phong làm Cung tần, giữ chức Thượng nghi để coi sóc lục thượng, dần dần qua thời gian được phong làm Thần phi, Giai phi, rồi Nhất giai phi.
Hoàng đế Thiệu Trị rất yêu mến người vợ này của mình, mỗi khi lâm triều đều cho bà ngồi sau vách để nghe về chuyện quốc gia đại sự, sau đó bao giờ vua cũng có ý hỏi bà về từng việc mà vua đã giải quyết trong ngày.
Thậm chí sự quý mến còn thể hiện ở việc vua không gọi tên của bà mà chỉ gọi là phi. Năm Đinh Mùi (1847) vua Thiệu Trị mất, để lại di chiếu tôn bà làm hoàng hậu và lời căn dặn rằng: “Ta tiếc là không được cùng ái phi chung hưởng phúc lâu dài.
Trong mấy đứa con của ta, Hồng Bảo lớn tuổi nhưng ít chữ, lại ham vui, việc triều chính không thể giao phó vào tay nó. Hồng Nhậm là đứa con ta tin tưởng hơn cả, phi hãy giúp nó trông nom triều chính như đã giúp ta. Ngoài ra mọi việc trong nội cung, phi hãy lo sao cho chu tất, chớ phụ lòng của trẫm”.
Hoàng tử Hồng Nhậm nối ngôi lấy niên hiệu là Tự Đức, nhiều lần ngỏ ý tấn tôn cho mẹ nhưng bà Phạm Thị Hằng đều từ chối, mãi đến ngày 15 tháng 4 năm Kỷ Dậu (1849), bà mới nhận tôn hiệu là Hoàng Thái hậu.
Tháng 6 năm Quý Mùi (1883), vua Tự Đức mất, để di chiếu tôn bà làm Từ Dụ Thái hoàng Thái hậu nhưng ngay sau đó xảy ra tình trạng “tứ nguyệt tam vương” (4 tháng 3 vua) vì thế mãi đến năm Ất Dậu (1885) vua Hàm Nghi mới làm lễ tấn tôn cho bà theo di chiếu.
Sau khi Hàm Nghi xuất bôn mở đầu phong trào Cần Vương chống giặc, triều đình mới hỏi ý kiến của bà rồi đón ông hoàng Chánh Mông là Nguyễn Phúc Ưng Kỷ, một trong 3 người con nuôi của vua Tự Đức lên nối ngôi, đại diện Pháp là De Champeaux cũng yết kiến Từ Dụ để xin lập Ưng Kỷ lên làm vua.
Ưng Kỷ lấy niên hiệu là Đồng Khánh, trong bản chiếu ban ơn thiên hạ khi lên ngôi cũng có đoạn nhắc đến sự ơn nhớ đối với người bà của mình: “Sau khi làm lễ thỉnh mệnh ở Giao miếu, lễ cáo tại điện Hòa Khiêm, vào tâu lên Thái hoàng thái hậu Từ Dụ.
Hoàng Thái hậu xem chọn ngày giờ. Vào giờ Tị ngày 11 tháng ấy, vua lên ngôi hoàng đế tại điện Thái Hòa, lấy năm sau là năm Bính Tuất làm năm Đồng Khánh nguyên niên” (Đồng Khánh chính yếu). Ngay trong năm đầu làm vua, tháng 8 năm Ất Dậu (1885), Đồng Khánh ban chiếu tấn tôn Thái hoàng Thái hậu Từ Dụ thêm hai chữ là Bác, Huệ, bài chiếu viết:
“Kính nghĩ đức Thánh Tổ mẫu triều ta, tính giản dị, nết trinh thuận, đức hóa thấm rộng khắp nước nhà, phúc trạch để lại cho con cháu, thực xứng là bậc Nghiêu Thuấn trong giới phụ nữ như người xưa từng gọi, kể cũng không có gì là quá.
Vua cha ta ở ngôi 36 năm, được bà một lòng chăm sóc dạy dỗ trước sau không một chút ngưng nghỉ, nghĩ đến đức độc cao cả của bà cũng đã muốn biểu dương tôn hiệu nhưng chưa kịp làm được. Vào năm Kiến Phúc tuân theo di chiếu dâng tôn hiệu là Từ Dụ Thái hoàng Thái hậu.
Trẫm nay đức mọn mà tiếp nhận cơ đồ lớn lao, kế thừa chưa được bao lâu, lòng vẫn nghĩ sâu sắc rằng phải lấy đức hiếu để trị thiên hạ. Việc vinh danh hiển hiệu để tôn xưng đời nào cũng có, hợp kính đồng tôn vừa là tình cũng vừa là lễ.
Mới rồi các tôn nhân, đình thần có xin tấn phong gia tôn hiệu, trẫm đã thân sang cung Gia Thọ tấu xin ý chỉ, được thánh dụ rằng: “Nay bốn phương vừa mới yên, thân già này đã có gì báo đáp xã tắc mà đáng được nhận sự tôn vinh hết mực như vậy, lòng ta thực không thể yên.
Cháu nên bảo cho bá quan biết như thế để tuân theo”. Trẫm kính cẩn được nghe lời ấy, thực càng thấy rõ đức khiêm nhường hết mực của Thánh tổ mẫu, thầm nghĩ không dám vượt qua khuôn phép. Hôm khác lại đến vái lạy tâu xin rằng:
“Việc an dưỡng tôn vinh là phép thường đời thịnh, thực không thể trì hoãn được. Vả lại niềm tôn thân là tình cảm hết mực của kẻ bề tôi và lòng tôn kính hết mực của cả thiên hạ đang ngày ngày mong ngóng trông chờ”.
Trẫm 2, 3 lần tâu xin, cuối cùng may được bà y cho. Nghĩ lại những ngày kinh thành thất thủ, xa giá phải chạy ra ngoài. May nhờ Thánh tổ mẫu biết lấy xã tắc làm trọng mà quay xe trở về, đất nước đang cơn nguy biến chuyển thành bình yên.
Sau đó, bà lại lo lắng dân lành không thể không có chủ, nên đã giáng chỉ dụ bảo trẫm lên ngôi kế vị, khiến cho thần dân thiên hạ đang lìa tan trở thành tụ họp trở lại. Đúng chỉ là người có đức lượng rộng lớn mới có thể bao dung đến thế, há chẳng phải là “Bác” hay sao?
Chỉ người mang tấm lòng nhân ái mới có thể thương xót được rộng khắp như vậy, há chẳng phải là “Huệ” hay sao? Vậy nay nghĩ tấn phong gia tôn hiệu cho Thánh tổ mẫu là Từ Dụ Bác Huệ Thái hoàng Thái hậu để bày tỏ sự tôn sùng đặc biệt và thể hiện đạo hiếu trị”.
Theo sách “Đồng Khánh chính yếu”, sự kính trọng của vua Đồng Khánh đối với người bà của mình còn được thể hiện bằng nhiều chiếu chỉ, sắc dụ tôn phong mỹ hiệu cũng như những lời ngợi ca công đức.
Chỉ một tháng sau khi ban dụ tôn Thái hoàng Thái hậu Từ Dụ, vua Đồng Khánh vào cung Gia Thọ vấn an bà và dâng thơ mừng, ước mong “thánh thể ngày một mạnh khỏe”.
Đầu năm Đồng Khánh nguyên niên tức năm Bính Tuất (1886), khi Thái hoàng Thái hậu Từ Dụ chuyển sang ở cung mới, vua Đồng Khánh liền dâng thiếp mừng; cũng trong năm đó, vào tháng 6 khi đang đi tuần thú việc quân ở Quảng Trị, vua lại sai quan ở Viện cơ mật mang sớ về kinh vấn an và thông báo tình hình cho bà mình được biết.
Tháng 3 năm Đinh Hợi (1887), vua Đồng Khánh lại ban dụ tấn tôn mỹ hiệu cho bà thêm hai chữ là Trang, Ý. Trong bài dụ đó, giải thích ý nghĩa của hai từ “Trang” và “Ý” như sau: “Đức trạch do Thánh tổ mẫu và thánh mẫu tích góp lại nên qua được cơn tai biến để có ngày nay.
Phúc ấy là bởi hòa hợp đức trời, rạng ngời nết đất, vốn ấp ủ trong lòng mà thể hiện ra ngoài. Xuất phát từ sự thành thực sâu xa, lại thêm tính hiền thục ý tứ, đó chẳng phải là “Trang” hay sao? Bề ngoài thì đẹp đẽ, bên trong thì sâu sắc, đó chẳng phải là “Ý” hay sao?
Trẫm được vẻ vang kế thừa cơ đồ lớn lao, tiếp nhận cả thiên hạ về tay, xuôi chèo mát mía. Bề trên với người thân cùng thuận, trên dưới đồng lòng. Bữa trước các tôn nhân cùng đình thần tâu xin gia phong tôn hiệu là Trang Ý Hoàng Thái hậu…
Vậy truyền cho các quan hữu ty chiếu lệ tổ chức nghi thức lễ tấn tôn để thỏa tấm lòng thành của riêng mình trẫm và hợp với niềm mong mỏi, tôn kính của bàn dân trăm họ”.
Đến tháng 4 nhuận cùng năm, vua dẫn các hoàng thân, tôn nhân phủ cùng bá quan văn võ vào cung Gia Thọ nơi bà Từ Dụ ở để chúc mừng và dâng lên sách vàng, ấn vàng, tôn phong hiệu là Từ Dụ Bác Huệ Thái hoàng Thái hậu với lời ca tụng:
“Tài sắc hiến cho xã tắc, đức hạnh thấm khắp gia đình. Dám nghĩ rằng đứa trẻ thơ này được kế thừa nghiệp lớn, thực nhờ ơn cao dày nâng đỡ, chở che, đức khiêm tốn sáng ngời khó kể được ra cho xứng”.
Và chỉ vài ngày sau đó, vua Đồng Khánh lại cho tổ chức một nghi lễ tương tự tại cung Trường Ninh với bài văn sách rằng:
“Để biểu dương công lao không kể xiết và bày tỏ tấm lòng báo đáp, nay xin kính dẫn đám quần thần đến dâng sách vàng, ấn vàng và dâng tôn hiệu là Trang Ý Hoàng Thái hậu. Cúi nghĩ rằng, đức lớn phải có danh xưng, biểu dương vẻ vang danh tiếng; tấc lòng thành cỏ dại mong báo đáp vừng xuân, xin lượng xét cho tấm lòng hiếu thảo”.
Tháng 5 năm đó, triều đình tổ chức lễ Đại khánh tiết mừng Thái hoàng Thái hậu Từ Dụ tròn 60 tuổi, vua Đồng Khánh lại cùng quần thần dâng biểu chúc thọ với lời chúc “mong cho cứ mười năm một tiết, lễ mừng năm tháng mỗi thêm nhiều; ước gì mãi trăm tuổi đến kỳ, sống lâu cùng sơn hà còn mãi”.
Sau đó trong bài chiếu ban ân cho cả nước với tất cả 16 điều, vua Đồng Khánh một lần nữa nhắc đến ơn đức của bà mình “đã vì thiên hạ mà phụng dưỡng, tất sẽ cùng thiên hạ hưởng phúc”.
Lời bà dạy cháu khiến hoàng đế rơi lệ
Hoàng Thái hậu Từ Dụ tính tình đoan chính, nhàn nhã, cử chỉ khiêm cung đức hạnh, không chỉ nổi tiếng thông minh, xinh đẹp, yêu dân mà còn là một người mẹ rất giỏi trong việc nuôi dạy con cái.
Cho đến nay sách sử và dân gian vẫn còn lưu truyền những giai thoại việc bà dạy dỗ con, nhờ đó vua Tự Đức trở thành vị vua thông minh ham học, ham hiểu biết và trở thành vị vua hay chữ nhất triều Nguyễn.
Chuyện Từ Dụ dạy con thì nhiều tư liệu nhắc đến, nhưng chuyện bà dạy cháu làm vua thì không phải ai cũng biết. Lên ngôi chưa lâu, vào tháng 9 năm Ất Dậu (1885), nhân khi vua Đồng Khánh vào hỏi thăm sức khỏe của mình, bà Từ Dụ đã có lời căn dặn rằng:
“Cái học của bậc đế vương là cốt để làm nên thiên hạ, biết bao đạo lý về tu thân, đãi nhân, dùng hiền tài, quản lý chính sự đều đã được giảng giải kỹ trong sách vở chứ đâu chỉ hạn hẹp ở trong phạm vi bút mực, chỉ cần biết lượm lặt khái quát những cái hay cái tốt, tích lũy mỗi ngày mỗi tháng thêm dày, quang minh sáng suốt đều từ cái nền móng đó mà ra. Đức Phu tử (Khổng Tử) từng dạy rằng:
“Ta từng suốt ngày quên ăn, thâu đêm không ngủ để suy nghĩ, nhưng thật là vô ích, chẳng bằng học tập”. Thánh nhân còn vậy huống chi là người thường. Nhà vua mà biết trước sau như một, chăm chỉ thận trọng giữ đạo trung dung thì thật là phúc lớn cho nước nhà”.
Tháng 3 năm Bính Tuất (1886), trong một buổi thiết triều bàn việc nước, vua Đồng Khánh nói với các quần thần về chuyện được bà nhắc nhở, dạy dỗ như sau: “Trẫm về các mặt chất, học, tài, đức vốn đều còn yếu kém, may được trao cho trách nhiệm to lớn, khó khăn, thực rất nặng nề.
Trên là tuân theo ý chỉ của bề trên, dưới tham chước lời nghị bàn của các quan, xuất phát từ việc công mà đón trẫm lên ngôi, đều coi trẫm là con của vua triều ta.
Từ khi tức vị đến nay, trẫm luôn canh cánh trong lòng, lúc nào cũng lo lắng đến việc giữ gìn yên ổn và phát triển thịnh vượng của quốc gia, chỉ e không kham nổi, thành công hay nên tội cũng khó biết trước được.
Suốt ngày tựa đầu án để đợi phê duyệt chương tấu từ khắp nơi nam bắc chuyển về, chẳng kịp nghỉ ngơi ăn uống, lấy đêm làm ngày, tuy chỉ làm những việc chỉ riêng mình rõ, nhưng mọi cử chỉ hành động đâu phải chẳng ai hay biết.
Bữa trước, theo đạo bề tôi, trẫm tuân lệ cũ kính cẩn sang Đông cung thăm hỏi, nhận được Từ chỉ hỏi han và dụ rằng: “Ngày trước, khi Anh Hoàng đế còn tại vị, mọi việc chính sự đều sáng suốt đoán quyết.
Khi già này hỏi đến từng khoản hạng trong phủ khố thiếu đủ ra sao, Anh Hoàng đế cũng không ngại ngần lần lượt đem từng thứ ra tâu trình, tường tận chu đáo đến như vậy đấy. Nay cháu vừa bắt đầu ra coi chính sự, thể thức còn chưa am tường.
Lại đương khi quốc gia có chút biến động bị tàn phá mà phải vượt trên mọi người đảm đương địa vị lớn lao. Nỗi lo của cháu cũng là nỗi lo chung của bậc tôn thân. Câu của người xưa “trân trọng thì được lời hay” là có lý chứ đâu phải nói suông.
Huống chi mọi việc của thiên hạ đều quyết ở một người, từ ngàn xưa đến giờ đều vẫn như thế, không thay đổi. Việc không dự liệu trước thì tất sẽ hỏng, lời nói không cân nhắc trước tất sẽ sai.
Chỉ cần thường xuyên gần gũi với những phụ thần, những người có đức, có kiến thức, cùng đàm đạo bàn luận về chính sự thì lo gì việc không xong, công không thành.
Bây giờ về tình hình tiền nong, đồ vật, thuế lệ trong các phủ khố của triều đình đã giao nộp hay chưa, số lượng thiếu đủ thế nào, cháu biết hãy kể sơ sơ cho già này nghe thử xem nào”.
Trẫm ngớ ra, vô cùng kinh sợ, quỳ xuống đất khóc mà tâu rằng: “Hiện nay công việc đang bề bộn cần người giải quyết, cháu chưa tiện phái đi kê cứu điều tra, nên trong đó có nhiều thứ cháu chưa được rõ”. Lập tức thấy nét mặt của bà không vui, dụ trẫm rằng:
“Người xưa chỉ nói: Tận tụy một tấm thân thuộc về của chung bôn tẩu vì giang sơn, chứ chưa hề nghe thấy bảo: Việc bộn cần người, để rồi nương cho tính hời hợt lười nhác. Huống chi già này xem trong các tờ biểu chúc tụng đều thấy ca ngợi nào là “ông vua lâu dài của xã tắc”, nào là “đời trung hưng thủ tay trong áo an nhàn mà coi”, đó là nói gì vậy?
Cho nên cháu hãy cố gắng chăm chỉ, thận trọng, đừng ngại ngần, lưỡng lự, sử dụng người hiền tài, gây dựng việc có lợi, trừ bỏ điều có hại, làm cho quốc gia trở nên yên ổn vững vàng như bàn thạch, đó mới là đại phúc cho muôn đời vậy.
Hãy kính cẩn mà tuân theo”. Nghe lời dạy bảo của bề trên, trong lòng lẫn lộn vừa cảm kích vừa lo sợ, rớm nước mắt cáo lui về để tự tu tỉnh bản thân, chẳng còn biết nói sao.
Vả lại căn cứ vào những văn bản phiến trình của các Bộ, Viện đều thấy tâu những việc thông thường, còn về tình hình trong các miếu điện, kho tàng, số lượng đồ thờ, màn trướng, tiền bạc, lương thực, súng ống cùng với sổ sách văn thư, tất cả nguyên cất giữ ban đầu là bao nhiêu.
Vừa rồi Lê Thuyết tự ý mang đi bao nhiêu, vì sự biến mất mát bao nhiêu, thành trì, dinh thự, công sở bị tổn hại bao nhiêu, tất cả đều chẳng thấy các nha tâu báo lên, thành ra trẫm chỉ ngồi suông chẳng có ích lợi gì.
Vậy truyền cho bách ty đọc kỹ lời dạy của bề trên để cởi bỏ tội lỗi cho trẫm. Hãy sức cho các Bộ, Nha tìm lại những người ngày trước, cùng nhau thảo luận làm việc, cấp tốc tra xét kiểm kê ngay tất cả các khoản, nhất nhất rõ ràng, không được sai sót, hạn trong vòng 3 ngày tập hợp phúc trình lên.
Hoặc nếu số lượng nhiều thì có thể viết sơ lược ra giấy đủ để xem rõ, miễn cho khỏi phải câu nệ theo lệ cũ, soạn thành phiến sớ cho phiền phức mà trở ngại cho công việc.
Trong đó ở ba tòa tôn điện là Phụng Tiên, Hiếu Tư và Long An, trước đây bày biện các đồ tự khí, vật trân bảo, đồ chơi bằng ngọc do các triều trước tạo lập, mua sắm rất nhiều. Vậy chuyển giao cho Tôn nhân phủ hội đồng cùng Bộ Lễ tuân chuẩn kê cứu rõ ràng, đầy đủ.
Đây là việc hệ trọng, khi xem xét phải để tâm không được coi thường. Các quan ở thượng ty phải đích thân tận sức thi hành đúng việc, đúng chức.
Làm thế, một là dâng lên bề trên ngự lãm để giải trừ mối âu lo, hai là chuộc lỗi cho trẫm để tỏ rõ tính thận trọng, ba là chứng tỏ tấm lòng kẻ bề tôi mà biểu dương tính cần mẫn, bốn là chấn chỉnh lại kỷ cương triều đình mà tiện cho sau này kê cứu.
Làm trọn vẹn bốn điều ấy, công việc sớm hoàn thành, đó là điều may mắn và cũng là ước mong vô cùng của ta vậy. Còn nếu có ai đó tính quen lười nhác, bất tài ngại khó thì đã có điều lệ luật pháp còn đó, ai cũng đều rõ, hà tất phải nêu ra làm gì. Mong mọi người hãy hiểu và làm theo lời của trẫm”.
Có thể thấy, chỉ một câu hỏi nhỏ và lời nhắc nhở nhẹ nhàng của bà Từ Dũ nhưng đã khiến cho vị hoàng đế thứ 9 của vương triều Nguyễn giật mình, sợ đến phát khóc khi nhận ra những hạn chế trong việc cai quản, xử lý, điều hành chính sự của mình.
Câu chuyện mà chính vua kể lại, còn là minh chứng rõ về tính cách, đức độ của bà hoàng Từ Dũ, không quá coi trọng vào những tấu trình hời hợt, những lời ca tụng khuôn sáo mà chú ý đến tính hiệu quả, sự thiết thực, đó mới là điều cần thiết đối với người cầm quyền, đặc biệt là người ở cương vị lãnh đạo cả một quốc gia.
Phạm Đăng Trung
IP IP Logged
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 14/Dec/2013 lúc 5:51am


Chuyện người con gái
đất Gò Công
làm dâu triều Nguyễn


8:30, 23/11/2013





http://antg.cand.com.vn/Uploaded_ANTG/hakhong/28_an1317.jpg
Ấn Từ Dũ Thái hoàng Thái hậu chi bảo.



http://antg.cand.com.vn/Uploaded_ANTG/hakhong/29_hoang1317-400.jpg
Hoàng Thái hậu Từ Dũ.


Theo tài liệu hiện có thì trong số những bà Hoàng hậu của Triều Nguyễn có 8 bà đến từ mảnh đất phương Nam. Trong số đó có bà quê ở Gò Công là Hoàng hậu được sử sách nhắc nhớ nhiều trong hậu thế bởi tính nết đoan trang, nhân từ, đức độ… Đó là bà Hoàng Thái hậu Từ Dũ (Phạm Thị Hằng) vợ vua Thiệu Trị, mẹ vua Tự Đức. Điều đặc biệt hơn nữa, bà Từ dũ là người đã sống qua 10 đời vua trong số 13 đời vua Triều Nguyễn kể từ vua Gia Long là thời gian bà chào đời cho đến lúc bà tạ thế là năm v­ua Thành Thái thứ 13.

Vùng đất địa linh…

Bà Hoàng Thái hậu Từ Dũ tên thật là Phạm Thị Hằng, tự là  Nguyệt, sinh ngày 19 tháng 5 mùa hạ năm Gia Long thứ 9 (1810), tại giồng Sơn Quy (hay còn gọi là Gò Rùa), xứ Gò Công, huyện Tân Hòa, phủ Gia Định nay thuộc tỉnh Tiền Giang. Bà là con gái của quan Thượng thư Bộ Lễ Phạm Đăng Hưng (sau được truy tặng tước Đức Quốc công), một đại công thần của triều Nguyễn. Phạm Đăng Hưng là một người có văn tài, có khí tiết, theo Vua Gia Long từ khi ông còn chưa lên ngôi hoàng đế.

Tương truyền rằng, ngày bà Phạm Thị Vị vợ ông Phạm Đăng Hưng trở dạ, bà đã nhìn thấy một vầng trăng sáng từ trên trời sa xuống mặt đất tạo nên một quầng sáng lớn với rất nhiều màu sắc lung linh. Có lẽ vì điều đó mà ông Phạm Đăng Hưng đã đặt tên cho người con gái đầu lòng của mình là Phạm Thị Hằng hay còn gọi là Nguyệt.

Sách xưa viết rằng: Xứ Gò Công ngày xưa nước thường rất mặn, nhưng từ khi bà Phạm Thị Hằng được sinh ra thì nước giếng ở giồng Sơn Quy ngày càng thanh ngọt, người uống nước ở đây ngày càng ít ốm đau, bệnh tật, tiếng lành đồn xa làm người ở những vùng lân cận cũng đến xin gánh nước Gò Rùa để về ăn uống. Thêm một điều lạ nữa là từ sau khi bà Phạm Thị Vị hạ sinh con gái, Gò Rùa ngày một được bồi thêm cao như hình một cái mai rùa khổng lồ, cây trái trong vùng cũng xanh tươi trĩu quả căng tròn hơn nhiều nơi khác…

Bà Phạm Thị Hằng được tiến cung và đã trở thành Quý phi của Vua Thiệu Trị và là mẹ của Vua Tự Đức, những ông vua đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong một giai đoạn lịch sử gần 400 năm vua chúa nhà Nguyễn. Người con gái của đất Gò Công đã trở thành một bà Hoàng Thái hậu suốt 5 đời vua Nguyễn và bà là Mẫu nghi thiên hạ liên tục suốt 8 đời vua.

Có thể nói rằng, Hoàng Thái hậu Từ Dũ là một người đàn bà đã đứng được ở nơi cao nhất của phong lưu phú quý… Tuy nhiên, bà Từ Dũ chỉ thực sự viên mãn ở thuở thanh xuân và thời trung niên tức là chỉ trong giai đoạn bà là vợ của vua Thiệu Trị và là mẹ của Vua Tự Đức đương triều.

Bà Hoàng Thái hậu công đức và đạo hạnh

Sử cũ chép lại rằng: Từ khi còn nhỏ, bà Phạm Thị Hằng là người rất ham đọc sách, thông hiểu kinh sử, có tính hiền đức và có nết hạnh. Đặc biệt, bà là người rất thương và có hiếu với mẹ… Sử sách nhà Nguyễn đã chép lại rằng: Ngay từ khi còn nhỏ, chừng 12, 13 tuổi, bà đã tỏ ra là một người con gái chí hiếu, thờ mẹ hết đạo.

Lúc bấy giờ, mẹ bà lâm trọng bệnh nên suốt một thời gian dài phải nằm liệt giường, ăn uống rất khó khăn. Một mình bà sớm khuya bên mẹ để chăm sóc từng li từng tí, nhất định là không để cho gia nhân chăm sóc vì bà sợ người ăn kẻ ở chăm mẹ không kỹ càng. Cho đến khi thân mẫu bà qua đời, bà ngày đêm than khóc và dốc toàn tâm lực của mình cho việc tang chế, đến nỗi cơ thể gầy rộc đi rất đáng thương.

Đối chiếu từ nhiều nguồn tư liệu của các nhà nghiên cứu cũng như tư liệu của Nguyễn phước tộc thế phả đều ghi rất rõ ràng rằng: Năm 14 tuổi, bà được Thuận Thiên Cao Hoàng hậu nghe tiếng là người hiền đức nên tuyển vào cung cho hầu hạ Hoàng tử trưởng Miên Tông (Vua Thiệu Trị sau này). Cùng được tiến cung một lần với bà còn có bà Lệnh phi Nguyễn Thị Nhiệm con gái của Kinh môn Quận công Nguyễn Văn Nhân. Vì tước của cha bà là ông Phạm Đăng Hưng lúc bấy giờ thấp hơn tước của ông Nguyễn Văn Nhân nên bà phải xếp sau lệnh phi Nguyễn Thị Nhiệm.

Tương truyền rằng, một hôm Thánh tổ Nhân hoàng đế Minh Mạng ban cho bà với bà Lệnh phi mỗi người một chiếc áo bâu dệt bằng kim hoa sa. Đến lúc bái từ, hai bà còn được Thuận Thiên Cao Hoàng hậu mang tặng hai chiếc nút áo bằng vàng được gói kín (Một chiếc chạm hình con chim phụng, một chiếc chạm hình bông hoa) với lời nguyện chúc “Người nào nhận được chiếc nút có hình con chim phụng thì người đó sẽ sinh con trước”.

Nữ quan sẽ bưng chiếc khay vàng có đựng hai hột nút ra cho hai bà, để mỗi bà tự chọn lấy một hột rồi gói kín như thế dâng lên. Hôm ấy, bà Phạm Thị Hằng đã nhường để cho bà Nguyễn Thị Nhiệm chọn trước. Khi được dâng lên và mở ra thì nút áo của bà Lệnh phi lại có hình bông hoa.

Năm lên 15 tuổi, bà hạ sinh Diên Phúc trưởng Công chúa Tĩnh Hảo. Năm sau bà hạ sinh Công chúa Uyên Ý. Từ đó, bà ngày càng được Thái tử Miên Tông yêu quý hơn và ngôi thứ của bà cũng cao hơn ngôi thứ của bà Lệnh phi Nguyễn Thị Nhiệm. Tuy là thế, nhưng đối với Lệnh phi, bà vẫn vô cùng thân mến, đối với các cơ thiếp khác trong cung bà cũng luôn luôn lấy lòng thành mà tiến dẫn. Bà luôn che chở và yêu quý các hầu thiếp dưới mình mà không hề gợn một chút lòng đố kị ghen tuông nào…


Người xưa kể rằng: Một hôm bà nằm mộng thấy một thần nhân, mặt hồng mắt sáng, râu tóc bạc phơ, mặc một chiếc áo dài, rất rộng, đi đến vái bà một vái rồi trao cho bà một mảnh giấy vàng, bên trên có viết chữ đỏ và đóng triện cùng một xâu chuỗi ngọc rất sáng. Thần nhân từ tốn bảo với bà rằng hãy xem vào đó sẽ thấy hiệu nghiệm về sau. Quả nhiên sau đó, bà đã thọ thai lần thứ ba, năm Kỷ Sửu, bà đã hạ sinh Đức tôn Anh hoàng đế (Vua Tự Đức).



Khi Thái tử Miên Tông lên ngôi lấy niên hiệu là Thiệu Trị, bà được phong là cung tần. Khi vua đi tuần đất Bắc đến Hà Nội để cho sứ nhà Thanh là Bảo Thanh sang sách phong. Bà được đi theo Hoàng đế Thiệu Trị để hầu hạ. Trong suốt hành trình, bà sớm tối luôn ở bên cạnh vua. Tin tưởng bà, tất cả ngọc tỷ, ấn tín Vua đều giao cho bà cất giữ. Cho đến lúc Vua hồi loan về cung, cung nhân thấy bà bị rụng nhiều tóc, mặt mày gầy nám hốc hác đều lấy làm lạ hỏi thăm thì được biết chỉ vì lòng kính cẩn ưu lo của bà đã nên nỗi như thế.

Lúc bấy giờ, bà làm chức Thường nghị coi sóc Lục thường. Đó là 6 công việc hầu hạ vua ở trong cung gồm: thường quan (mão), thường y (áo), thường thực (ăn), thường mộc (tắm), thường tịch (chiếu), thường thư (sách).


  Phan Bùi Bảo Th


http://antg.cand.com.vn/vi-vn/tulieu/2013/11/82065.cand


mk
IP IP Logged
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 14/Dec/2013 lúc 6:04am

Những câu chuyện để đời
của bà Từ Dũ


6:45, 28/11/2013


Từ khi con trai nối ngôi vua cha để ngồi trên ngai vàng trị vì đất nước, lúc nào bà TừcDũ cũng nhắc nhở Vua Tự Đức phải cân nhắc, soi xét thật kỹ càng khi bổ dụng các quan lại. Bà luôn nhắc với vua rằng: Phải dùng những ông quan thanh liêm, có lòng nhân nghĩa để lương dân bớt khổ. Bà ở trong cung, nhưng nghe ở đâu có ông quan nhũng lạm hà hiếp dân lành là bà hỏi cho kỳ được.

Xuất thân trong một gia đình quyền quý, nên bà đã biết duy trì và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình. Từ nhỏ đã được dạy dỗ rất chu đáo nên bà là người thông tường kinh sử, hiểu việc nước, việc đời cũng như việc nuôi nấng dạy dỗ con cháu trong gia đình. Bà thường nhận xét những ưu điểm, khuyết điểm của từng viên quan lại trong triều một cách hết sức công minh.



Bà thường hỏi vua Tự Đức nhiều chuyện từ việc quốc gia đại sự đến việc thường ngày trong bàn dân thiên hạ, rồi ban dạy cho con những điều hay lẽ phải. Vì vậy mà vua Tự Đức hết lòng tôn kính mẹ. Tất cả những lời dạy vàng ngọc ấy của bà Từ Dũ đã được Vua Tự Đức cho khắc in lại gọi là Từ Huấn Lục (chép những lời giáo huấn của mẹ hiền).

Ở trong cung, bà Từ Dũ thường dùng địa vị và quyền hạn của mình để ổn định mọi sinh hoạt ở tam cung lục viện. Theo bà, ở trong cung có trên thuận dưới hòa thì Vua mới hết lo và dành hết thời giờ cho xã tắc. Bà vẫn thường nói với các hoàng phi, cung tần rằng càng ở ngôi cao thì càng phải chăm chắm sửa mình, phải cần kiệm liêm chính để kẻ dưới noi gương.

Sử nhà Nguyễn vẫn còn chép lại nhiều câu chuyện về sự cần kiệm của bà Hoàng Thái hậu Từ Dũ mà cho đến ngày nay vẫn còn rất nhiều người nhắc nhớ: Ai cũng biết rằng, bà là người rất được Vua Thiệu Trị sủng ái, được con là Vua Tự Đức hết lòng phụng kính, cuộc sống vật chất nơi vương triều đạt đến tuyệt đỉnh. Thế nhưng, trước sau bà vẫn giữ nghiêm một nếp sống vô cùng giản dị đến lạ lùng.

Khi vào ở tại cung Gia Thọ (sau này là Diên Thọ) người ta đã sắm sửa cho bà theo mức giàu sang tột bậc, nhưng bà nhất định chối từ. Bà nói rằng: Đồ phụng dưỡng cho bổn thân này đều là của trong thiên hạ cung nạp, mình đã không làm đặng sự chi lợi ích cho nhà nước thì thôi, cớ sao giám vọng phi? Rồi bà nhất quyết chỉ dùng những thứ đồ cũ đã có từ trước đó.

Một hôm, Vua Tự Đức đến cung Gia Thọ để thỉnh an mẹ, vua cầm cái đãy đựng kính đeo mắt lên xem, thấy đãy đã cũ mềm, nhiều chỗ đã bị sứt chỉ, tuy đã được may lại rất khéo nhưng vẫn không thể giấu được sự nghèo nàn tội nghiệp. Vua Tự Đức đã đề nghị xin cho đổi cái khác. Bà nói: Kiếng thủy tinh ấy đeo vào chỉ mát con mắt trong chốc lát thôi chớ chẳng hiệu nghiệm chi hơn. Nếu đổi cái đãy mới thì lâu rồi nó cũng sẽ cũ như rứa. Chi bằng cứ để nó mà dùng có tiện hơn không.

Ngày ngày, cung nhân dâng đèn sáp để thắp sáng trong cung Gia Thọ, bà thường dạy cất bớt đi. Mỗi ngày dành một ít, đến lúc dồn được số nhiều, bà lại sai người đem vào dự trữ trong kho của triều đình. Phần sáp nhiễu ra thường là các cung nhân mang đi vứt, nhưng bà sai người gom góp lại, để dành đến lúc nhiều thì mang đúc thành cây đèn sáp mới.

Bà vẫn thường nói với quan hầu rằng: Ta thuở nhỏ gia đình tuy không dư dả nhưng cũng đủ ăn. Vậy mà các thứ dầu nước không đủ thắp cho trọn đêm, huống nay ngửa nhờ ơn trời đất, tổ tông được giàu có trong bốn bể, một sợi tơ, một hạt lúa cũng là dầu mỡ của dân, nếu xài phung phí thì đã không ích chi mà còn rất tiếc. Lâu nay, tấn nạp cho ta toàn những đồ châu báu và gấm vóc sô tơ… tất cả ta đều giao lại cho quan kho cất giữ. Vì bổn tính ta không thích sự hào nhoáng. Sách có chữ "xa xỉ ấy triệu nghèo, kiệm cần là nguồn phước" nên con cháu phải nhớ lấy!

 

Hoàng Thái hậu Từ Dũ.

Là Hoàng quý phi của Vua Thiệu Trị, là Hoàng Thái hậu của Vua Tự Đức nhưng đương thời làm việc gì, tiêu cái gì dù nhỏ nhất bà cũng nghĩ tới dân. Có dịp mừng thọ bà Từ Dũ, Vua cũng như triều thần muốn tổ chức trọng thể cho bà, nhưng bà đã lấy lý do dân còn nghèo, thiên tai còn gây mất mùa, đói kém để mà từ chối… Bà còn là người rất có công trong việc mang nhiều giống cây ăn trái ở quê bà xứ Gò Công và cả những giống cá cũng như công thức làm nhiều loại mắm đến với xứ Huế quê chồng…

Bà Từ Dũ là người đã sinh ra Vua Tự Đức và bà cũng là người nuôi nấng, dạy học cho Vua. Bà vô cùng nhân hậu nhưng cũng vô cùng nghiêm khắc. Suốt 36 năm ngồi trên ngai vàng để trị vì đất nước, nhưng các lễ nghi giao tiếp giữa Vua Tự Đức với Hoàng Thái hậu Từ Dũ vẫn không hề thay đổi. Trong suốt thời gian ngồi trên ngôi báu, Vua Tự Đức đã dường như có một thời khóa biểu cố định cho mình.

Đó là, ngày lẻ thì Vua nghị triều bàn bạc việc nước với quần thần; ngày chẵn thì vào chầu Thái hậu. Cho dù về sau này Hoàng Thái hậu tuổi ngày một cao, nhưng bà vẫn luôn là một con người mẫn tuệ, có những việc đã qua rất lâu, những lời ai nói lúc nào, năm nào, sử sách kinh điển thế nào, nói gì bà đều nhớ như in, cho nên Vua Tự Đức có rất nhiều chuyện phải nhờ tới Hoàng Thái hậu…

Về sau này, thông qua sử sách nhiều người trong chúng ta đều biết: Cuộc đời của Vua Tự Đức có lắm chuyện buồn phiền. Để giải khuây, ông thường đi săn bắn hoặc là xem hát bội. Thấy săn bắn là sát sinh nên bà Từ Dũ đã can ngăn Vua đừng nên săn bắn. Có lần Vua Tự Đức dâng lên cho mẹ mấy con chim vừa mới bắn được, bà lựa ra những con chim bị thương nhưng còn khả năng sống được, đem xức thuốc, nuôi nấng cho lành rồi thả chúng về với thiên nhiên.
Rồi bà lấy chuyện Cao Hoàng hậu đã dạy để nhắc nhở Vua Tự Đức: vật cũng như người, bắn chết con trống thời con mái thương nhớ, bắn con con thời con mẹ thảm buồn, rứa thời bắn mà làm chi? Muốn tập bắn thời bắn súng điểu thương cho quen, bắn bia hay hơn. Tự hậu phải bớt bớt đi, chẳng nên sát hại sanh vật.

Thân Trọng Huề, một vị quan dưới triều Vua Tự Đức có kể một câu chuyện về việc giáo huấn của Hoàng Thái hậu Từ Dũ với Vua Tự Đức như sau: Một hôm rảnh việc triều chính, Vua Tự Đức ngự săn bắn tại rừng Thuận Trực, bên bờ sông Lợi Nông. Vì sợ mưa phải đi gấp, nhà vua không kịp bẩm mạng, ông dặn nữ quan ở nhà tâu lên bà hay. Chẳng hay nữ quan bận rộn công việc nên quên không tâu.

Đến khi trời mưa to điềm báo sắp có lụt lớn bà mới hay Vua Tự Đức đi săn nên bà hết sức lo âu. Hơn nữa, trong Nội chỉ hai ngày nữa là đến dịp kỵ Đức Hiến Tổ (Vua Thiệu Trị) mà vua Tự Đức chưa về thì không biết phải sắp đặt ra sao. Sốt ruột, bà liền sai quan Đại thần Nguyễn Tri Phương đi rước. Đi được nửa đường, cụ Nguyễn Tri Phương thấy thuyền ngự đang chèo lên. Vì nước chảy mạnh nên dù đã cố sức thuyền cũng không thể đi mau được. Gần tối, thuyền ngự mới về tới Nghinh Lương.

Ngoài trời vẫn mưa như trút, Vua Tự Đức vội vã lên kiệu trần ngự thẳng vào cung Gia Thọ, lạy xin chịu tội với mẹ. Giận con, bà Từ Dũ quay mặt vào màn, không nói không rằng. Vua Tự Đức đã tự tay lấy một cây roi mây dâng lên đặt trên tràng kỷ rồi nằm dài xuống xin chịu đòn.

Sau một hồi lâu, bà xoay mặt ra, đưa tay hất cây roi mà ban rằng: Có một mẹ một con, con đi đâu lâu, thời mẹ ở nhà trông đợi lắm. Sao con không báo cho mẹ hay trước? Thôi tha cho. Đi chơi để quan quân cực khổ thì phải ban thưởng cho người ta. Vua Tự Đức khấu đầu lạy tạ lỗi: "Từ nay con không dám như vậy nữa".

http://nld.vcmedia.vn/S5KKUQrkCvT6Eb8lVn0QdkQXCW1U7p/Image/2013/01/lang1_e6eaa.gif

Tấm bia Vua Tự Đức ghi tạc công đức của ông ngoại mình là Thượng thư Phạm Đăng Hưng.

Khi Vua lui ra bà còn dặn: "Lo ban thưởng cho xong để ngày mai còn đi hầu kỵ. Vua rời cung Gia Thọ. Đêm hôm ấy tại Điện Cần Thành Vua đã thức rất khuya để thực hiện những điều mẹ dạy.

Vua Tự Đức bẩm sinh sức khỏe yếu, nên có một giai đoạn việc triều chính nhiều lúc bị trễ nải nên đã tạo điều kiện cho một số quan lại lợi dụng thời cơ lộng quyền vơ vét… Thấy tình hình không ổn, Tiến sĩ Phạm Phú Thứ đã dâng sớ đàn hạch Vua sao nhãng chuyện quốc sự. Tự Đức đọc xong thấy có nhiều lời hàm ý chê trách, nên giận đến tái mặt.

Nhân đó, bọn gian thần hùa theo để kết tội Phạm Phú Thứ. Vua phạt Phạm Phú Thứ phải "Tiền quân hiệu lực", tức là làm sai dịch trong quân đội ở Trạm Thừa Nông. Tin ấy đến tai bà Từ Dũ. Ngay lập tức bà cho vời Vua vào hỏi: "Ông Phạm dâng sớ trách cái tính lười biếng của con, thì ông ấy được lợi gì?". Vua Tự Đức thưa: "Ông ấy không được lợi gì, nhưng bề tôi sao dám chê trách Vua nặng lời như thế?".

Thái hậu nhẹ nhàng với con: "Khi thương người ta mới giận. Mà đã giận thì hay quá lời. Còn những người bẩm bẩm dạ dạ có chắc họ trung với Vua không?". Vua Tự Đức cúi đầu im lặng. Thái hậu nói tiếp: "Ông Phạm làm lính, có thấy ông ấy buồn không?". Vua Tự Đức thưa: "Thưa, nghe người ta bảo ông ấy không buồn mà hình như còn tỏ ra vui vẻ".

Bà Từ Dũ nói: "Con thấy không, người trượng phu không phải vui ở chức tước, mà cốt là ở những việc làm chân chính không hổ thẹn với lòng mình". Vua Tự Đức hiểu ra, sụp lạy mẹ. Ngay sau đó, Tiến sĩ Phạm Phú Thứ được triệu về kinh, được khôi phục phẩm hàm chức tước. Giao công việc mới ở Sở Tu Thư.

Rõ ràng, cách nhìn nhận đánh giá của bà Từ Dũ là rất chính xác, chí lý, chí tình. Sau này, Phạm Phú Thứ đã tham gia vào đoàn sứ bộ sang Pháp để điều đình chuộc lại đất lục tỉnh. Ông đã ghi lại những điều tai nghe mắt thấy về văn minh phương Tây, trên cơ sở đó, ông đã đề xuất với Vua nhiều ý kiến về canh tân đất nước.

Bà Từ Dũ vẫn thường nhắc Vua Tự Đức rằng: "Từ xưa tới nay, quan lại chỉ một chữ tham mà chưa trừ được. Mọt nước hại dân cũng từ đó mà ra. Làm quan mấy năm vị nào cũng giàu có gấp bội. Của ấy không lấy của dân thì lấy ở đâu ra?

Là bậc mẫu nghi thiên hạ, muốn gì được nấy, nhưng bà đã không vì vậy mà nâng đỡ những người bà con dòng họ của mình. Có lần, có người cùng trong tộc Phạm Đăng của bà từ Gò Công ra đến Huế để xin chức tước. Khi được Vua Tự Đức hỏi ý kiến bà đáp rằng: "Người trong họ ta không có công lao thì không được ban tước lộc. Nếu có ai làm điều sai quấy thì phải nghiêm trị theo phép nước để răn đe người đời…".

Năm Quý Mùi (1883), Vua Tự Đức băng hà, để lại di chiếu tấn tôn bà làm Từ Dũ Thái hoàng Thái hậu, nhưng gặp lúc đất nước đang trong cơn biến loạn.
Tháng 5 năm Ất Dậu (1885), kinh đô thất thủ, Vua Hàm Nghi phải bôn tẩu ra thành Tân Sở để hạ chiếu Cần Vương kêu gọi những người ái quốc tụ họp lại để cùng nhau đánh Pháp. Bà Từ Dũ đã theo Vua Hàm Nghi chạy ra Quảng Trị nhưng sau đó vì già yếu nên bà đã phải theo tam cung để trở về lại Huế, sống âm thầm lặng lẽ cho đến khi qua đời ở tuổi 93.

Cuộc đời của bà Từ Dũ từ khi được tiến cung cho đến khi mất là một quãng thời gian rất dài. Bà là người sống thọ nhất trong tất cả những bà hoàng của triều Nguyễn. Bà là người đã chứng kiến rất nhiều khúc đổi thay thăng trầm của hoàng tộc. Trước sau như vậy, bà Từ Dũ Phạm Thị Hằng đã có một cuộc đời tỏa sáng, nhân đức của bà đã được hậu thế lưu danh.

 

  




Chỉnh sửa lại bởi mykieu - 14/Dec/2013 lúc 6:05am
mk
IP IP Logged
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.156 seconds.