Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Thể Thao
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Đời Sống - Xã Hội :Thể Thao
Message Icon Chủ đề: VÕ-THUẬT Gởi trả lời Gởi bài mới
<< phần trước Trang  of 3
Người gởi Nội dung
Huy-Tưởng
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 15/Aug/2008
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 164
Quote Huy-Tưởng Replybullet Gởi ngày: 23/Mar/2013 lúc 9:39pm
 
 

Hùng Kê quyền

16:53', 29/1/ 2005 (GMT+7)

Chuyện xưa kể rằng: Khi ba anh em Tây Sơn bí mật chiêu mộ anh hùng hào kiệt về tụ nghĩa, một lần nọ lúc xem 2 chú gà chọi nhau vào dịp Tết, trong đó có một con nhỏ hơn đối thủ nhưng biết vận dụng yếu thế "nhỏ con" của mình để triệt hạ đối phương, bằng thiên tư võ thuật của mình Nguyễn Lữ đã nghiền ngẫm và sáng chế ra bài Hùng Kê quyền, gọi nôm na là võ gà. Ngày nay, bài Hùng Kê quyền đã trở thành "danh trấn giang hồ" và được Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam đưa vào hệ thống những bài quyền thi đấu bắt buộc tại các giải…

* Mãnh lực của một bài quyền

Người có công lớn trong việc làm cho bài Hùng Kê quyền không bị mai một và được truyền bá rộng rãi cho đến ngày nay là lão võ sư Ngô Bông, năm nay đã 76 tuổi, hiện đang sống thôn Điền Chánh, xã Nghĩa Điền, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi). Trong một buổi chiều giáp Tết, tôi có dịp hầu chuyện với lão võ sư Ngô Bông tại tư gia của ông…

"Hùng Kê quyền là bài quyền mà tôi yêu thích nhất. Ngày xưa sư phụ của tôi kể rằng: Nguyễn Lữ rất thích bài quyền này, đến đời sư phụ tôi cũng thế. Bài quyền như có sức hút mãnh liệt mà hết thảy những ai đã được học nó đều rất mê. Riêng tôi tự thề với lòng rằng: trước khi nhắm mắt lìa đời, tôi phải đi vài đường của bài quyền Hùng Kê rồi, nếu không làm được như thế tôi sẽ không nhắm mắt được". Lão võ sư Ngô Bông bắt đầu câu chuyện của mình như thế.

Sư phụ của võ sư Ngô Bông là ông Mười Diệp, trong tiềm thức của lão võ sư Ngô Bông thì thầy Mười Diệp là "truyền nhân" của một người lính dưới trướng Nguyễn Lữ, tên gọi là Lý Trường Xuân. Người lính này rất được Nguyễn Lữ tin dùng và truyền hết những tuyệt kỹ của bài quyền Hùng Kê.

Cùng thời với lão võ sư Ngô Bông, có rất nhiều võ sư tại Bình Định và Quảng Ngãi rất giỏi bài quyền này, trong đó đáng kể nhất là võ sư Sáu Nghê, võ sư Hồ Sắt (quê ở Phù Mỹ), võ sư Hồ Nguyệt (quê ở Tây Sơn), Hòa Thượng Thích Đại Long (quê ở Tuy Phước)… Nhưng tất cả đã mất vì tuổi cao, vì chiến tranh. Duy chỉ còn lại Ngô Bông cho đến nay. Năm 1989, võ sư Ngô Bông thực hiện bài quyền Hùng Kê tại một giải đấu quốc gia và đạt giải cao. Đến năm 1993, tại Đại hội võ thuật của Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam, đã thống nhất lấy bài Hùng Kê quyền đưa vào hệ thống thi đấu bắt buộc ở nội dung biểu diễn và võ sư Ngô Bông chịu trách nhiệm truyền dạy, hướng dẫn bài quyền này…

"Các đòn đánh của bài quyền Hùng Kê cực kỳ chuẩn xác và biến ảo. Cái thần thái của bài quyền là sử dụng sức mạnh của thủy để đánh đối phương. Mà cậu biết rồi đó, nước mà chảy là mạnh lắm và không thể nào tránh né cho khỏi. Các đòn đánh của bài quyền Hùng Kê cũng vậy. Nó đánh vây tứ bề, dùng ba đến bốn mũi giáp công chỉ nhằm đánh vào một điểm, đánh từ dưới thấp lên cao, từ trên cao phủ đầu xuống thấp…".

* Hùng Kê quyền: trong võ có văn

Mới xem qua trình diễn thì có thể nhiều người sẽ nhầm đây là một bài quyền đơn giản. Chỉ khi vận dụng nó mới biến ảo khôn lường, nó ví như "thủy" có thể len qua mọi ngóc ngách nhưng khi tập trung lại thì mạnh như thác lũ.

Các chiêu thức của bài quyền Hùng Kê khi đánh ra lúc thì vây tứ phương tám hướng như trận đồ Bát quái ví như nước lũ tràn về, lúc thì như nước từ trên cao ập xuống bởi các đòn bay người lên cao, đánh ập xuống, sử dụng "nhất dương chỉ" đâm vào các tử huyệt trên cơ thể khiến đối phương khó lòng tránh né…

Hơn hết, bài quyền Hùng Kê rất tiêu biểu cho người Việt Nam với các đức tính sau: Con kê (gà) có dáng đi đẹp, đôi chân có cựa sắc bén thể hiện cho tướng võ, trên đầu lại có mào như tướng văn. Thấy kẻ thù dù to lớn nhưng không khiếp sợ đó là đức dũng, trong lúc chiến đấu luôn uyển chuyển, biến ảo đó là đức trí, khi gặp mồi (thức ăn) không ăn ngay mà gọi đàn cùng đến là đức nhân. Ngoài ra cái chủ ý trong bài thiệu đã lồng chứa tất cả cốt lõi của nền võ trận Việt Nam, nó mang một nguyên lý khoa học ở võ thuật, nghệ thuật chiến đấu mà nhà Tây Sơn đã có công sáng tạo dựa trên nguyên tắc: thấp có thể tranh cao; nhỏ có thể đánh lớn; yếu có thể đánh mạnh; gần có thể đánh xa mà vẫn có thể chiến thắng được đối thủ…

* Những truyền nhân của Hùng Kê quyền

Bài thiệu Hùng Kê quyền:

"Lưỡng Kê giao thủ thủy tranh hùng

Song túc tề phi trảo thượng xung

Trấn ải kim thương như Bạch Hổ

Thủ quan ngân kiếm tựa Thanh Long

Xuyên khung độc tiễn tăng ư trác

Hồi thủ đơn câu thủ tứ hung

Thiểu tẩu vượt trâm thiên sở tứ

Nhu, cương, cường, nhược tận kỳ trung

Bình thân bái tổ đứng lập tần".

 

Thời trai trẻ, lão võ sư Ngô Bông đã dạy và hướng dẫn cho không biết bao nhiêu là học trò khắp đất nước. Nhưng ông nhớ nhất là 2 võ sư Thanh Long (Hoài Nhơn) và Nguyễn Lê Hương (Quy Nhơn). Ông cho biết: "Tôi không phải là sư phụ của 2 người này, tôi chỉ hướng dẫn cho họ bài Hùng Kê quyền thôi, nhưng 2 người này rất sáng ý, họ tiếp thu bài quyền rất tốt, đánh đẹp, chuẩn xác và nghe đâu hiện nay 2 người này cũng đã dạy cho rất nhiều đệ tử bài quyền Hùng Kê này… Riêng tại Quảng Ngãi thì đã có Ngô Lâm, là con trai tôi nối nghiệp nên tôi rất yên tâm, không sợ bài quyền bị thất truyền…".

Hiện nay, bài Hùng Kê quyền đã trở thành bài quyền mang tính đại trà, bất cứ một VĐV thi đấu ở nội dung biểu diễn nào cũng phải biết vì nó mang tính bắt buộc. Nhưng để đánh chuẩn xác, đẹp và có hồn thì không phải VĐV nào cũng làm được.

Anh Trần Duy Linh, HLV của bộ môn võ cổ truyền Bình Định, là người rất giỏi về Hùng Kê quyền tâm sự: "Bài quyền Hùng Kê hay lắm, các chiêu thức đơn giản nhưng chính xác, biến ảo, tự bản thân tôi cũng rất yêu thích…".

. Công Tâm

 

mhth
IP IP Logged
Huy-Tưởng
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 15/Aug/2008
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 164
Quote Huy-Tưởng Replybullet Gởi ngày: 27/Apr/2013 lúc 11:11pm

Hùng kê quyền

đăng 22:46 07-08-2011 bởi Phi Long Hồ

  

    I. TÊN GỌI

- Hùng Kê Quyền là một bài quyền pháp khá nổi tiếng trong số những bài võ cổ truyền đặc sắc của miền đất võ Bình Định.

    II. NGUỒN GỐC

- Tây Sơn - Bình Định. Tương truyền qua dân gian và một số sách báo, tư liệu, bài Hùng Kê Quyền do Dông Định Vương Nguyễn Lữ là anh em Nhà Tây Sơn nghiên cứu sáng tạo nên.

- Người giới thiệu và thị phạm bài Hùng Kê Quyền ghi băng hình lần thứ I năm 1993 tại TP.HCM là Lão võ sư Ngô Bông. Đơn vị Quảng Ngãi.

- Người thị phạm bài Hùng Kê Quyền ghi băng hình lần thứ II năm 2001 tại Khánh Hòa là Lão võ sư Ngô Bông. Đơn vị Quảng Ngãi.

- Người thị phạm bài Hùng Kê Quyền ghi đĩa hình lần thứ III năm 2007 tại Hà Tây là Võ sư Ngô Lâm. Đơn vị Quảng Ngãi.
- Bài Hùng Kê Quyền được bình chọn trong Hội nghị chuyên môn VTCT toàn quốc lần thứ I năm 1993 tại TP.HCM.

    III. ĐẶC ĐIỂM


          Nguyễn Lữ vốn người mảnh khảnh, yếu hơn các anh mình là Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ. Tính ông hiền hòa, ưa thanh tịnh, thích giao du với các nhà sư Ấn Độ và Trung Quốc, thích học văn hơn học võ. Tuy nhiên, với tư cách một trong những võ tướng đầu lĩnh của Tây sơn khởi nghĩa, ông cũng đã học thập bát ban võ nghệ và chuyên về môn miên quyền, nhu quyền. Ông nhận thấy võ thuật Thiếu Lâm phần nhiều thiên về dương cương, có những điểm không phù hợp với thể chất người Việt Nam. Để học thông môn phái Thiếu Lâm phải mất hàng chục năm, trong khi yêu cầu cấp bách của nghĩa quân là tinh thông võ nghệ càng nhanh càng tốt. Nguyễn Lữ cũng say mê nghệ thuật chọi gà. Trong một dịp tết, ông quan sát đôi gà chọi: một con to lớn kềnh càng, dũng mãnh, mặt đỏ gay, các đòn nặng nề sát thủ và một con nhỏ bé mà linh hoạt. Nhưng con gà to lớn kia đã liên tục phải cúp đuôi bỏ chạy trước sức tấn công bền bỉ, liên tiếp, nhanh như chớp của con gà nhỏ. Từ đó ông nghiệm ra nguyên lý của nước mà con gà nhỏ đã áp dụng theo bản năng: miên viễn, bền bỉ, nhẹ nhàng nhưng dữ dội, có thể chọc phá bất cứ một sơ hở nhỏ nào. Ông đã sáng tạo ra bài Hùng kê quyền vừa phù hợp với sở học của bản thân, vừa phù hợp với thể chất người Việt nói chung, vừa thích ứng với nhu cầu cấp thiết của nghĩa quân Tây Sơn giai đoạn đó. Đặc tính của nước được áp dụng trong bài bằng những yếu lĩnh, nhằm đến mục tiêu: yếu có thể đánh mạnh, thấp có thể đánh cao, nhỏ có thể đánh lớn, ít có thể đánh nhiều, gần có thể đánh xa.

        Như những động tác dũng mãnh của con gà chọi nhỏ bé mà nhanh nhạy trước đối thủ, bài Hùng kê quyền sử dụng ngón tay trỏ để đâm (nhất dương chỉ) mô phỏng hình mỏ gà, và các ngón còn lại co vào như chiếc cựa gà. Thủ pháp độc đáo như vậy lại nhằm vào những mục tiêu hiểm của đối thủ, như các huyệt đạo, ngực, hầu v.v. Bộ pháp của bài hết sức linh hoạt, thần tốc, xoay chuyển một cách biến ảo đã hỗ trợ cho việc thi triển thủ pháp một cách kiến hiệu, khiến đối thủ luôn phải hứng chịu những đòn thế có tính sát thương cực cao.

Lão võ sư Ngô Bông

        Võ sư Ngô Bông, trên Bình Định nguyệt san, đã nói về những điểm tinh túy của bài Hùng kê quyền: Các đòn đánh của bài quyền Hùng Kê cực kỳ chuẩn xác và biến ảo. Cái thần thái của bài quyền là sử dụng sức mạnh của thủy (nước) để đánh đối phương. Mà... nước mà chảy là mạnh lắm và không thể nào tránh né cho khỏi. Các đòn đánh của bài quyền Hùng Kê cũng vậy. Nó đánh vây tứ bề, dùng ba đến bốn mũi giáp công chỉ nhằm đánh vào một điểm, đánh từ dưới thấp lên cao, từ trên cao phủ đầu xuống thấp.

        Vì uy lực của bài quyền này, hiện nay bài thường chỉ được truyền dạy cho môn đồ đã có trình độ nhất định, chẳng hạn như cấp huấn luyện viên.

    IV. LỜI THIỆU


A. Nguyên văn

    1. Lưỡng kê giao nạp thí tranh hùng.
    2. Song túc tề phi trảo thượng xung.
    3. Trấn ải kim thương như bạch hổ.
    4. Thủ quan ngân kiếm tợ thanh long.
    5. Xuyên hầu độc tiễn tàng ư trác.
    6. Hồi thủ đơn câu thọ tự hung.
    7. Khiêu, tẩu, dược, trầm thiên sở tứ.
    8. Nhu, cương, cường, nhược tận kỳ trung.

B. Dịch nghĩa:

    1. Hai con gà chọi nhau để tranh hùng

    2. Hai chân cùng bay, móng chân đâm hất lên

    3. Trấn biên ải, cây thương vàng như cọp trắng

    4. Giữ cửa quan, lưỡi kiếm bạc tựa rồng xanh

    5. Mũi tên độc đâm vào hầu được cất giấu từ mỏ gà (mổ thóc)

    6. Quay đầu móc đâm vào ngực kẻ địch

    7. Chạy, nhảy lên, luồn, hụp xuống là thế trời cho

    8. Mềm, cứng, mạnh, yếu, tất cả đều trong bài quyền này.

Dịch thơ (Việt Hà):

    1. Hai gà đối chọi quyết tranh hùng

    2. Đôi chân cùng bay móng hất tung

    3. Trấn ải, thương vàng như cọp trắng

    4. Giữ quan, kiếm bạc tựa rồng xanh 

    5. Tên độc lút hầu ngầm nơi mỏ

    6. Ngoái đầu đâm ngực địch đến cùng

    7. Chạy, nhảy, luồn, hụp xoay tứ phía

    8. Mềm, cứng, yếu, mạnh ngầm ở trong.

    V. Ý NGHĨA


         

 

Trước khi trở thành “Tây Sơn Tam kiệt”, 3 anh em nhà Tây Sơn đã theo học văn - võ tại nhà thầy giáo Trương Văn Hiến ở An Nhơn. Sau đó, Nguyễn Lữ đi tu một thời gian nên thường được gọi là thầy tư Lữ. Trong giai đoạn này, thầy tư Lữ thường gặp gỡ, tiếp xúc và trao đổi về võ học với các nhà sư Trung Hoa di cư sang VN.

        Nhận thấy võ Thiếu lâm Trung Hoa thường nghiên cứu, vận dụng từ tư thế của các con vật như: hổ quyền, xà quyền, hạc quyền…, Nguyễn Lữ cũng nghiên cứu về gà đá. Theo đó, ông đã lấy 1 con gà chọi nhỏ cho đá với 1 con gà chọi lớn, để từ đó nghiên cứu, rút tỉa, tạo nên bài võ phù hợp với thể tạng của người Việt. Bài võ Hùng Kê quyền ra đời từ đó. Lời thiệu của Hùng Kê quyền được viết theo thể thất ngôn, bát cú, qua Hùng Kê quyền thấy Nguyễn Lữ đã nghiên cứu khá kỹ về đặc điểm của loài gà chọi.

Câu 1: Lưỡng kê giao nạp thí tranh hùng (Hai con gà gặp nhau và bắt đầu thi tài cao thấp).

        Bao giờ cũng vậy, trước khi đá nhau, 2 con gà thường đi qua lại 1 vòng, quan sát, gườm nhau. Điều đó có nghĩa, người võ sĩ trước khi so tài với đối thủ phải dùng “nhãn pháp” quan sát đối phương thật kỹ để tìm hiểu trạng thái, tinh thần, điểm mạnh, yếu của đối phương…

Câu 2: Song túc tề phi trảo thượng xung (Hai chân bay lên, móng chân đâm lên phía trên).

        Đây là điểm khác biệt so với quan niệm “túc bất ly địa” (chân không rời đất) của võ cổ truyền Bình Định. Để thực hiện được đòn tấn công với động tác song phi cả 2 chân về phía đối phương, người võ sĩ phải luyện tập công phu, toàn diện cả nhãn pháp, thân pháp, thủ pháp…

 

 

Câu 3: Trấn ải kim thương như bạch hổ (Cây thương vàng trấn cửa ải tựa cọp trắng).
        

        Giống như gà chọi, người võ sĩ Tây Sơn luôn chú trọng đến việc phòng thủ, chống đỡ. Đầu, thân thể, tay chân đều là những bộ phận phòng thủ. Khi giao chiến, người võ sĩ phải luồn lách, né tránh, gạt đỡ ra sao cho thật linh hoạt. Để thực hiện được việc này, người võ sĩ phải rèn luyện khá toàn diện cả thân pháp, thủ pháp, nhãn pháp và nhất là chỉ pháp (phép dùng ngón tay). Trong động tác này, người võ sĩ không chỉ dùng thủ pháp để đỡ, gạt, né tránh đòn của đối phương, mà còn sử dụng cả 10 ngón tay như “cây thương vàng” để tấn công địch thủ.

Câu 4: Thủ quan ngân kiếm tự thanh long (Ngọn kiếm bạc giữ cửa tựa rồng xanh).

        Quan sát con gà đang chọi ta sẽ thấy nó sử dụng đôi cánh thật lợi hại. Đôi cánh của nó không chỉ để giữ thăng bằng, mà còn quật vào cổ, vào mặt của địch thủ, thậm chí như một lưỡi kiếm sắc. Tương tự như vậy, đôi tay của người võ sĩ Tây Sơn không chỉ giữ thăng bằng cho cơ thể, mà còn để gạt, đỡ, chống trả và để chém, chặt, xỉa, tấn công đối phương. Những thế “kim kê thượng xí”, “kim kê triển dực”… chính là vận dụng từ thế của đôi cánh gà chọi.

Câu 5: Xuyên hầu độc tiễn tàng ư trác (Mũi tên độc đâm vào cổ họng địch thủ tiềm ẩn từ cái mỏ gà).

        Đây là một đòn cực kỳ lợi hại mà võ Tây Sơn vận dụng từ thế của gà chọi. Quan sát những con gà chọi chiến, ta thấy nó thường sử dụng đòn đá móc yết hầu địch thủ. Võ Tây Sơn cũng thường chú trọng đòn đánh vào yết hầu để có thể hạ đo ván địch thủ nhanh nhất. Đáng lưu ý là câu “tàng ư trác” (nghĩa là giấu ở mỏ). Khi tay chân bị khóa, vô hiệu hóa, người võ sĩ Tây Sơn sẽ sử dụng cả miệng để cắn vào yết hầu địch thủ.

Câu 6: Hồi thủ đơn câu thụ tự hung (Quay đầu lại phản công, đánh vào ngực địch thủ).

        Quan sát gà chọi ta thấy có con đang đá thì cắm cổ chạy, rồi lại quay lại phản đòn; có con lại cứ xoay quanh “xà quần”, rồi quay lại phản đòn. Và, khi con gà địch thủ mệt thì nó bắt đầu phản công tới tấp. Vận dụng thế của gà chọi, khi mới sáp trận người võ sĩ Tây Sơn cũng thường né tránh những đòn hiểm ác, mãnh liệt của đối phương một cách lanh lẹ, uyển chuyển; vừa đánh vừa di chuyển linh hoạt. Cho đến khi đối phương thấm mệt, người võ sĩ Tây Sơn mới ra đòn phản công và tấn công vào những chỗ yếu điểm, để hạ địch thủ.

Câu 7: Thiểu, tẩu, dược, trầm, thiên sở tứ (Chạy, nhảy lên, thụt xuống là sở trường trời cho).

        Vận dụng thế này, người võ sĩ Tây Sơn rất chú trọng khi luyện tập thân pháp, bộ pháp, thủ pháp, cước pháp để có thể chạy nhanh, nhảy xa, luồn lách, né tránh… làm cho đối thủ hao tổn sức lực và cuối cùng là tấn công tiêu diệt.

Câu thứ 8: Nhu cương cường nhược tận kỳ trung (Mềm, cứng, mạnh, yếu đều tập trung trong bài quyền này).

        Câu kết của bài thiệu Hùng Kê quyền cũng chính là một trong những quan niệm cốt lõi của võ Tây Sơn. Đó là quan niệm về cứng - mềm, mạnh - yếu; trong nhu có cương, trong cương có nhu và nhu - cương hài hòa. Đó cũng chính là bài học lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh mà ông cha ta từ ngàn xưa đã đúc kết, vận dụng.

        Trải qua bao thăng trầm lịch sử, giờ đây, cùng với nhiều tư liệu lịch sử, bài võ Hùng Kê quyền cơ bản đã được khôi phục lại khá hoàn chỉnh được đưa vào chương trình hội thi thuộc hệ thống võ cổ truyền quốc gia.

    VI. KỸ THUẬT


    1. Tấn pháp:
- Hầu tấn - Long tấn, Kê tấn, Hổ tấn, Báo tấn, Xà tấn, Hạc tấn.

    2. Cước pháp:
-
Độc tiêu phi  hành cước.
    3. Thủ pháp:
- Kê giáp chỉ (Nhất chỉ), Ma cương đao (Ấn công), Ưng tiêm chỉ (Tam công), Hổ trảo, Dực chẩu.

    VII. ĐIỂM DỪNG


    1. Song túc tề phi trảo thượng xung.
    2. Thủ quan ngân kiếm tựa thanh long.
    3. Hồi thụ đơn câu thọ tự hung.

 
       - Dừng ở cuối câu thiệu
        - Thời gian dừng ở mỗi lần không quá 3 giây.

    VIII. THỜI GIAN THỰC HIỆN


        - Thời gian thực hiện toàn bài - tính cả thời gian dừng là 01 phút 10 giây.

 

        * BÁI TỔ HÙNG KÊ QUYỀN

    1. Đứng Hầu tấn ở vị trí X -  lập thân (2 tay thủ quyền ngang thắt lưng) - mặt H1 - bàn tay T xòe - bàn tay P nắm lại - 2 tay vòng vào trước ngực chào - xong rút 2 tay về ngang hông (2 bàn tay xòe Kê giáp chỉ như hình cựa gà).

        A. LƯỠNG KÊ GIAO NẠP THÍ TRANH HÙNG

    2. Chân T bước tréo trên chân P (H1) thành Xà tấn - 2 tay hốt tréo dưới chân trước 2 gối (P trên - T dưới) - chân P đứng lên Hầu tấn (mặt H7) - 2 tay từ dưới gạt sang 2 bên ngang mặt (2 cạnh bàn tay nằm ngang) - Xong cuốn 2 cổ tay 1 vòng rồi thu về ngang thắt lưng.

    3. Lắc đầu sang T nhìn về H5.

    4. Xong lắc đầu qua P nhìn về H1.

    5.  Tung người nhảy phóng 2 chân tới H1 thành Long tấn P - trong khi nhảy 2 tay bung theo - tay P ngửa từ dưới đâm xóc lên - tay T úp che phía dưới.

    6. Giữ nguyên bộ tay P rút về - tay T gạt lên - cổ tay P cuốn lại úp xuống rồi mổ tới H1 - tay T ngửa rút về ngang ngực.

    7. Giữ nguyên bộ tay P gạt - tay T đâm úp tới H1.

    8. Nhích 2 chân tới một chút - cuốn cổ tay T một vòng rồi ấn cạnh bàn tay T tới H1.

    9. Lập lại động tác 8.

    10. Lập lại một lần nữa.

    11. Chuyển mình ra sau thành Lân tấn T - tay P chận ức bàn tay xuống trước hạ bộ - tay trái xòe dựng che mặt P.

    12. Chuyển mình về trước thành Long tấn P - chỏ P giật tới bàn tay - tay T che ngửa dưới ngực P - xong nhảy lên, 2 tay bung lên - tay P từ dưới đâm xóc lên (bàn tay ngửa) Long tấn P - tay T úp chận dưới chỏ P.

    13. Chân P lui về sau chân T thành Xà tấn - tay T gạt dương thủ, tay P kéo vòng ra sau lưng rồi mổ tới H1 - tay T  rút về hông.

    14. Chân P tiến H1 thành Long tấn - tay P quay 1 vòng từ trên xuống dưới rồi đâm xóc từ dưới lên (bàn tay ngửa) - tay T úp dưới chỏ P.

    15. Chân P bỏ tréo về sau trên chân T thành Xà tấn - 2 tay loan 1 vòng rồi chặt bàn tay P xuống -  tay T gạt lên đầu.

    16. Xoay người trở lại H1 thành Long tấn T - tay  T gạt - tay P đánh cạnh Ấn công tới H1.

        B. SONG TÚC TỀ PHI TRẢO THƯỢNG XUNG

    17. Chân T bỏ tréo về sau chân P thành Xà tấn - tay T loàn dưới tay P gạt đẩy ra H1 - tay P rút thủ ngang thắt lưng.

    18. Nhảy lên đá Độc tiêu phi hành cước P - trong khi nhảy đá thì lưng bàn tay P đập vào lòng bàn tay T.

    19. Chân P rớt xuống thành Long tấn P - tay T gạt - tay P ngửa từ dưới đâm xóc lên H1 - tay T úp che dưới chỏ P.

    20. Chân P bỏ lùi về sau chân T thành Xà tấn - tay P rút về úp lại rồi mổ tới H1 - tay T thủ ngang hông.

    21. Nhảy lên đá Độc tiêu phi hành cước T - trong kh nhảy đá thì lưng bàn tay P đập vào lòng bàn tay T.

    22. Chân T rớt xuống thành Long Tấn - tay P đánh thẳng ra Ấn công - tay T thủ ngang hông.

    23. Nhảy đôn chân lên thành Lân tấn P - tay T đánh thẳng xiêng  ra Tam công H2 - tay P thủ ngang hông.

            C. TRẤN ẢI KIM THƯƠNG NHƯ BẠCH HỔ

    24. Chân T lui về sau chân P thành Xà tấn - cắm chỏ trái xuống trước ngực mũi tay chỉ lên trời, lòng tay hướng vào người - tay P thủ ngang hông.

    25. Nhảy xoay người thành Lân tấn T - tay P đánh Tam công về H8 - tay T thủ ngang hông.

    26. Nhảy phóng người tới H1 Long tấn P - 2 tay bung lên - tay P ngửa xóc lên H1 - tay T úp chụp xuống.

        D. THỦ QUAN NGÂN KIẾM TỢ THANH LONG

    27. Chân P tréo về sau chân T thành Xxà tấn - tay P loan 1 vòng rút về giựt chỏ H1 - tay T che hóc vai P.

    28. Xoay người lại H1 thành Long tấn T - tay T gạt - tay P đánh Ấn công H1.

    29. Xong nhảy đôn chân lên thành Lân tấn P - tay T đánh Tam công H2 - tay P thủ ngang hông.

    30. Chân P trụ chân T co lên Hạc tấn - 2 tay hốt tréo từ dưới lên rồi bung sang 2 bên trên đầu - 2 cánh tay cong lại - bàn tay ngửa - lòng bàn tay quay ra ngoài - 2 ngón trỏ quay vào trong.

        E. XUYÊN HẦU ĐỘC TIỄN TÀNG Ư TRÁC

    31. Bỏ chân T về sau trên chân P - chân P lui theo ra sau - hơi ngả người về sau - chân T kéo nhẹ về Kê tấn - 2 chỏ giựt mạnh về sau - mặt H1.

    32. Chồm người tới Long Tấn T - 2 bàn tay đâm Nhất chỉ tới H1 (lòng 2 bàn tay hướng vào nhau).

    33. Nhích lùi 2 chân về sau một chút kê tấn P - 2 chỏ giựt về sau.

    34. Nhích tới trước 1 chút Kê tấn - 2 tay tréo chận trước gối (tay P trên T dưới).

    35. Nhảy 2 chân tới trước Long tấn P - 2 tay bung lên - tay P từ dưới xóc lên - tay T úp chận xuống.

    36. Chuyển thân lại thành Báo tấn - 2 tay xé ra (Hổ trảo).

    37. Nhảy 2 chân tới trước Long tấn P - 2 tay bung lên - tay P từ dưới đâm xóc lên - tay T úp chận xuống.

        F. HỒI THỦ ĐƠN CÂU THỌ TỰ HUNG

    38. Chân P tréo về sau trên chân T thành Xà tấn - tay P quay 1 vòng rồi gạt nguyên cánh tay phía dưới về H1 bàn tay ngửa - tay T che hóc vai. 

    39. Xoay người lại Kê tấn - 2 chỏ giựt về sau.

    40. Nhích chân T tới Long tấn - 2 tay chụp tới tam công.

    41. Nhích lùi hai chân về sau 1 chút - 2 chỏ giựt về sau

    42. Nhích 2 chân tới - Kê tấn - 2 tay tréo chận trước gối.

    43. Nhảy 2 chân lên - Long tấn P - 2 tay bung lên - tay P từ dưới đâm xiên lên H1.

    44. Chuyển người sang Báo tấn - 2 tay xé ra. 

        G. KHIÊU TẨU DƯỢC TRẦM THIÊN SỞ TỨ

    45. Nhảy tung người lên thành Lân tấn P - 2 tay bung lên - tay P từ dưới đâm xóc lên - tay T thủ ngang hông.

        H. NHU CƯƠNG CƯỜNG NHƯỢC TẬN KỲ TRUNG

    46. Chân P lui về sau chân T thành Xà tấn - tay P chận xuống che hạ bộ - tay trái thủ ở hốc vai P.

    47. Xoay người thành Báo tấn - 2 tay xé banh sang 2 bên  mặt.

    48. Chân P tiến sát chân T thành Hầu tấn ở vị trí X - vòng tay chào.

http://www.youtube.com/watch?v=3Hl8KgQMO-k

 

    XI. MINH HỌA

 

 

 

 



Chỉnh sửa lại bởi Huy-Tưởng - 04/May/2013 lúc 4:58pm
mhth
IP IP Logged
Huy-Tưởng
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 15/Aug/2008
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 164
Quote Huy-Tưởng Replybullet Gởi ngày: 03/Aug/2013 lúc 12:15am

PHƯƠNG PHÁP LUYỆN TẬP, SỬ DỤNG CÔN ( ROI )



-
Giới thiệu roi: Roi có chiều cao ngang lông mày người tập (tề mi). Roi tròn và to vừa tay nắm, đường kính khoảng 3cm. Khi tập cầm roi trơn và láng. Phần roi ở trước gọi là đầu roi, phần roi ở sau gọi là đốc roi.

- Cách nắm roi:
Cách nắm âm-dương: Đứng theo "ngựa kim kê"(Chảo mã tấn) chân trái trước, chân phải sau.

+ Tay trái ở trước nắm cách 1/3 đầu roi với qui cách: Lòng bàn tay úp xuống đất (âm), bốn ngón: Trỏ, giữa, đeo nhẫn và út nắm ở phần trên roi, ngón cái nắm ở phần dưới roi.

+ Tay phải ở sau, nắm cách 1/3 đốc roi với qui cách: Lòng bàn tay ngửa lên trời (dương), ngón cái nắm ở phần trên roi, các ngón trỏ, giữa, đeo nhẫn và út nằm ở phần dưới roi.

+ Ngược lại, khi chuyển sang đứng "ngựa kim kê" nửa chân phải ở trước, chân trái ở sau thì cách nắm roi cũng tương tự như bên trái.

* Cách xê dịch đôi bàn tay trên roi



Cách chong roi:

- Đứng ở tư thế, cách nắm roi tay trái ở trước. Đầu roi ở trước hơi cao hơn đốc roi ở sau. Đầu roi ở hướng ra phía trước, hai mắt nhìn theo đầu roi. Đấy là cách chong roi.

- Tập xê dịch hai bàn tay để đốc roi dài ra phía trước: Tay trái ở trước xê dịch về phía đầu roi, tay phải ở sau đẩy đốc roi dựng đứng lên trời, tiếp đến, tay phải xê dịch gần về phía tay trái gạt đốc roi theo chiều từ trên xuống và đầu đốc roi hướng thẳng về phía trước. Hai mắt nhìn thẳng phía trước.

Tập xê dịch hai bàn tay đẩy đầu roi dài ra phía trước: Tay phải ở sau xê dịch về phía đốc roi ở trước. Tay trái ở trước xê dịch gần về phía tay phải ở sau, đồng thời đẩy bắn đầu roi theo chiều từ dưới lên, và dừng lại khi đầu roi hướng thẳng về trước ngang tầm nhìn thẳng của hai mắt.

Cứ thế ta tập nhiều lần trong mỗi buổi tập.


* Ngựa roi

- "Ngựa" phải trên đất, ngựa roi không được bám chặt hai bàn chân xuống mặt đất, mà phải xê dịch tiến lùi, qua lại trên đất, nhẹ nhàng như lá rơi.

- Đứng ngựa roi: Đứng theo tư thế "ngựa kim kê", hay "ngựa bát quái" và đứng theo cách "đơn trọng".


* Tập 12 thế căn bản theo 3 nhóm

Nhóm 1: ĐÂM, BẮT, LẮC, ĐÁNH.

Nhóm 2: BÁT, BẮT, TRIỆT, CHẬN.

Nhóm 3: HOÀNH, KHẮC, LẮC, TÉM.


Hai nhóm thế 2 và 3 thuộc về 8 phách cơ bản nêu trên.


Nhóm 1:

Tập: ĐÂM, BẮT, LẮC, ĐÁNH.

a) Đâm: Đứng "chong roi", theo tư thế chân phải ở sau bước tới một bước, tay phải nắm roi chỉ đầu đốc roi xuống đất, chỏ phải tỳ vào hông phải, tay trái nắm đầu roi ở sau chỉ đầu roi lên trời. Ở tư thế này, hai tay đâm roi thẳng từ dưới lên và đẩy thẳng ra phía trước. Hai mắt nhìn thẳng phía trước.

- Tiếp đến chân trái bước tới trước một bước, tay trái nắm roi tỳ chỉ vào hông trái, đầu roi chỉ xuống đất, tay phải ở sau nắm roi chỉ đốc roi lên trời, ở tư thế này, hai tay đâm roi thẳng từ dưới lên và đẩy đầu roi thẳng ra phía trước. Hai mắt vẫn nhìn thẳng phía trước. Cứ thế ta tập đều 2 bên trái, phải và tập nhiều lần trong mỗi buổi tập.

b) Bắt:
Đứng "chong roi" theo tư thế chân phải sau bước tới trước một bước. Tay trái nắm đầu roi ở trước hạ xuống chỉ đầu roi xuống đất. Tay phải nắm đốc roi ở sau theo chiều roi chỉ đầu đốc roi lên trời. Ở tư thế này, hai tay bắt roi từ trên xuống, hai mắt nhìn theo roi phía trước.

- Ở bộ vị, chân trái bước lên trước một bước, đồng thời tay trái bắt đốc roi theo chiều từ trên xuống. Hai mắt nhìn theo roi phía trước, cứ thế ta tập đều hai bên trái, phải và tập nhiều lần trong mỗi buổi tập.

c) Lắc:
Đứng "chong roi" theo tư thế, chân phải bước tới trước một bước. Tay phải nắm đốc roi ở sau, hạ đầu đốc roi chỉ xuống đất, tay trái nắm roi, theo chiều roi chỉ đầu roi lên trời. Bấy giờ tay phải lắc đầu roi ra trước mặt và từ phải qua trái.

Tiếp đến tay phải kéo dựt hạ về sau và theo chiều từ trái qua phải. Hai mắt nhìn theo roi ra trước.

Ở bộ vị, chân trái bước tới trước một bước tay trái nắm roi hạ xuống chỉ đầu roi xuống đất, đồng thời lắc đầu roi ra trước từ trái sang phải. Tiếp đến tay trái lại kéo dựt đầu roi về sau từ phải sang trái. Hai mắt nhìn theo ra phía trước. Cứ thế ta tập đều hai bên trái, phải và tập nhiều lần trong mỗi buổi tập.

d) Đánh:
Đứng "chong roi" theo tư thế chân phải bước tới trước một bước, tay phải nắm roi chỉ đầu roi xuống đất, cho tỳ vào hông, tay trái nắm roi theo chiều roi chỉ lên trời ở tư thế này, hai tay đánh đầu roi từ dưới lên. Hai mắt nhìn về trước theo roi. Ở bộ vị, chân trái bước tới trước một bước, đồng thời tay trái đánh đầu roi theo chiều từ dưới lên, hai mắt nhìn về trước theo roi. Cứ thế ta tập đều hai bên trái, phải và tập nhiều lần trong mỗi buổi tập.


Nhóm 2: Tập: BÁT, BẮT, TRIỆT,CHẬN.


* Tập một đầu (đầu roi) (tập đơn):

a) Bát (đơn): Đứng theo cách "chong roi" ở tay trái roi ở trước hạ đầu roi xuống rồi "bát" từ dưới lên và từ trái sang phải. Hai mắt nhìn về trước theo roi. Ta tập nhiều lần trong mỗi buổi tập.

b) Bắt:
Đứng "chong roi" theo tư thế, tay trái kéo đầu roi sang bên trái, đồng thời "bắt" đầu roi từ trên xuống và từ trái sang phải. Hai mắt nhìn về trước theo roi. Ta tập nhiều lần trong mỗi buổi tập.

c) Triệt:
Đứng theo cách "chong roi" ở tay trái nắm đầu roi ở trước, chỉ đầu roi xuống đất, tay phải nắm roi ở sau theo chiều roi chỉ đốc roi lên trời. Ở tư thế này, hai tay "triệt" roi về sau và từ phải sang trái. Hai mắt nhìn về trước theo roi. Cứ thế tập nhiều lần trong mỗi buổi tập.

d) Chận:
Ở tư thế giữ y bộ vị, tay trái chận roi ra phía dưới và từ trái sang phải. Hai mắt nhìn về trước theo roi. Ta tập nhiều lần cho mỗi buổi tập.

* Tập cả hai đầu (tập đầu roi và đốc roi) (tập kép):

a) Bát (kép):
Đứng "chong roi" theo tư thế tay phải nắm roi ở sau, hạ đầu đốc roi chỉ xuống đất, tay trái nắm roi ở trước theo chiều đầu roi chỉ lên trời. Ở tư thế này, tay phải "bát" đốc roi từ dưới lên, và từ phải qua trái thẳng về phía trước.

Ở bộ vị, tay trái tiếp tục hạ đầu roi chỉ xuống đất, tay phải theo chiều đốc roi chỉ lên trời. Ở tư thế này, tay trái, "bắt" roi từ dưới lên và từ trái qua phải thẳng về phía trước. Hai mắt nhìn về phía trước theo roi. Cứ thế tập nhiều lần trong mỗi buổi tập.

b) Bắt:
Ở bộ vị, tay trái nắm phần đầu roi ở trước hạ đầu roi chỉ xuống đất, tay phải nắm phần đốc roi ở sau "bắt" thẳng roi từ sau ra trước và từ trên xuống.

- Ở bộ vị, tay phải hạ đầu đốc roi chỉ xuống đất, tay trái "bắt" đầu roi từ sau ra trước, và từ trên xuống. Hai mắt nhìn về phía trước theo roi. Cứ thế ta tập nhiều lần cho mỗi buổi tập.

c) Triệt:
Ở bộ vị, tay trái hạ đầu roi chỉ xuống đất, tay phải theo chiều đốc roi chỉ lên trời. Ở tư thế này, tay trái "triệt" roi về sau và từ phải sang trái. Hai mắt nhìn về trước theo roi. Cứ thế ta tập nhiều lần trong mỗi buổi tập.

d) Chận:
Ở bộ vị, tay trái nâng đầu roi chỉ lên trời, tay phải nắm roi theo chiều đốc roi chỉ xuống đất. Ở tư thế này "chận" đốc roi từ sau ra trước và từ trái qua phải. Hai mắt nhìn về phía trước theo roi. Cứ thế ta tập nhiều lần trong mỗi buổi tập.


Nhóm 3: Tập: HOÀNH, KHẮC, LẮC, TÉM.


(Riêng nhóm 3 theo liên hoàn, kết hợp động tác hoành khắc, hoành lắc, hoành tém)

a) Tập hoành khắc: Đứng "chong roi" theo tư thế chân trái ở trước bộ ngang qua bên trái một bước đồng thời tay trái "khắc" đầu roi từ trên xuống và từ trái qua phải. Sau đó, thu ngựa roi về vị trí cũ. Hai mắt nhìn về phía trước theo roi, và tập nhiều lần cho mỗi lần tập.

Tiếp đến ta tập chân trái ở trước bộ ngang qua phía bên phải đồng thời tay trái ở trước "bắt" đầu roi từ trên xuống và từ phải qua trái. Hai mắt nhìn về trước theo roi. Sau đó, thủ ngựa roi về như cũ. Và tập nhiều lần cho mỗi buổi tập.

b) Tập hoành lắc:
Đứng "chong roi" theo tư thế chân trái ở trước bổ ngang qua bên trái một bước, đồng thời tay trái cắm đầu roi chỉ xuống đất "lắc" từ trái qua phải và từ sau ra trước. Hai mắt nhìn về phía trước theo roi. Sau đó, thu ngựa về như cũ, và tập nhiều lần trong mỗi buổi tập.

Tiếp đến, ta tập chân trái ở trước bỏ ngang qua bên phải một bước, đồng thời tay trái cắm đầu roi chỉ xuống đất, "lắc" ngược lại từ trước ra sau và từ phải qua trái. Hai mắt nhìn về trước theo roi. Sau đó thu ngựa roi lại như cũ, và tập nhiều lần trong mỗi buổi tập.

c) Tập hoành tém:
Đứng "chong roi" theo tư thế chân phải ở sau, bước ngang qua bên phải một bước đồng thời tay phải ở sau hạ đầu đốc roi chỉ xuống đất, tay trái nắm roi theo chiều đầu roi chỉ lên trời. Ở tư thế này, tay phải "tém" đầu đốc roi, từ dưới lên và từ phải qua trái. Hai mắt nhìn về phía trước theo roi. Sau đó trở về thu ngựa roi như cũ, và tập nhiều lần cho mỗi buổi tập.

Ở bộ vị, thủ roi như chân phải ở sau, bỏ ngược ngang qua bên trái một bước, đồng thời tay trái ở trước hạ roi xuống cắm đầu roi chỉ xuống đất, tay phải nắm roi ở sau theo chiều đốc roi chỉ lên trời. Ở tư thế này, tay trái "tém" đầu roi từ dưới lên và từ trái qua phải. Hai mắt nhìn về trước theo roi. Sau đó thu ngựa roi lại như cũ và tập nhiều lần trong mỗi buổi tập


Tập một số phách roi đấu đơn giản


1. Tập phách bắt chân:

- "Chong roi" theo tư thế hai tay nắm roi chặt. Lực tay trái ở trước "bắt" roi từ trên xuống và từ trái qua phải. Đồng thời, tay trái hạ đầu roi chỉ xuống đất "chận" đầu roi từ dưới lên và từ trái qua phải. Hai mắt nhìn về phía trước theo roi. Cứ thế ta tập nhiều lần trong mỗi buổi tập.

2. Tập phách bắt bắt:

Đứng "chong roi" theo tư thế chân phải ở sau bỏ ngược ngang qua phía bên trái một bước. Đồng thời, tay trái ở trước "bắt" roi từ trái qua phải và từ trên xuống. Tiếp đến chân phải ở sau lại bước ngang qua bên phải một bước. Đồng thời, tay trái ở trước "bắt" ngược đầu roi lại từ phải qua trái và từ trên xuống. Hai mắt nhìn về trước theo roi, và tập nhiều lần trong mỗi buổi tập.

3. Tập phách bát bắt:

- Đứng "chong roi" theo tư thế chân trái ở trước bỏ lui về sau một bước. Đồng thời tay phải ở sau "bát" đầu đốc roi từ sau ra trước, và từ dưới lên. Tiếp đến chân trái lại bước đồng thời tay trái ở trước "bắt" đầu roi từ trên xuống, và từ trái qua phải. Hai mắt nhìn về phía trước và tập nhiều lần trong mỗi lần tập.

4. Tập phách bắt bát:


- Đứng "chong roi". Tay phải ở sau "bắt" đầu đốc roi từ sau ra trước và từ trên xuống. Tiếp đến tay trái ở trước "bát" đầu roi từ dưới lên. Hai mắt nhìn về trước theo roi và tập nhiều lần cho mỗi buổi tập.

5. Tập phách đâm hạ, đâm thượng:

- Đứng "chong roi". Tay trái ở trước hạ đầu roi đâm xuống đất, tiếp đến tay trái ở trước nâng đầu roi đâm lên trên "bộ thượng". Hai mắt nhìn về trước theo roi và tập nhiều lần cho mỗi buổi tập.

ST !

 
Lời kết: Như các bạn đã thấy, roi cổ truyền của cha ông chúng ta căn bản chỉ có Hoành, Khắc, Lắc, Tém và Bát, Bắt, Triệt, Chận cùng bốn thế chánh là Đàn địa, Sang(Xung) thiên, Thích côn và Cuồng phong tảo diệp nhưng đã bao lần đánh tan bọn xâm lược miền Bắc( nơi mà bọn chúng vẫn tự hào là cái nôi của Võ thuật), điều quan trọng là các bạn có nắm được ý hay không??. Chúc các bạn thành công.
 
Huy Tường


Chỉnh sửa lại bởi Huy-Tưởng - 03/Aug/2013 lúc 12:31am
mhth
IP IP Logged
Huy-Tưởng
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 15/Aug/2008
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 164
Quote Huy-Tưởng Replybullet Gởi ngày: 03/Dec/2013 lúc 11:35pm
Các bạn đã tập phần căn bản về roi, hôm nay H.T cống hiến các bạn một tài liệu mới về công dụng của BÁT, BẮT, TRIỆT, CHẬN và HOÀNH, KHẮC, LẮC, TÉM. Chúc các bạn thành công.
 

PHẦN CĂN BẢN CỦA MÔN ROI:

Côn (ở Bình Định quen gọi là roi): Là một loại binh khí tiêu biểu được áp dụng khá rộng rãi, thuộc nhóm binh khí dài thường gọi là trường côn (roi dài). Roi làm bằng gỗ dẻo, mây già hoặc tre đặc. To hay nhỏ tùy theo bàn tay người sử dụng lớn, nhỏ. Mặt khác ở Bình Định, roi là môn nổi tiếng không chỉ ở Thuận Truyền mà còn lan rộng khắp nơi trong tỉnh và cả trong nước mà tên tuổi của võ sư Hồ Nhu đã đi vào huyền thoại. Đường roi bí truyền của ông vẫn còn lưu truyền trong dân gian mãi cho đến nay. Qua khảo sát và truy tìm gốc tích thì hiện nay ở Bình Định có rất nhiều võ đường giỏi về roi như: võ đường Lý Xuân Hỷ, Lâm Ngọc Phú, thầy Bửu Thắng ở An Nhơn, võ đường Hà Trọng Sơn, Phi Long Vịnh và phái võ chùa Long Phước ở Tuy Phước, võ đường Phan Thọ, võ đường Hồ Sừng (cháu của Hồ Nhu) ở Tây Sơn… Nhiều võ sư tiền bối ở thời Tây Sơn có đô đốc Nguyễn Văn Lộc với bài roi “Không tiên”. Thầy dạy Hồ Nhu là Hồ Khiêm với đường roi tuyệt kỷ là “Lạc Côn”, đó là đường roi có một không hai: “Dùng sức đối phương để đánh lại đối phương” – thường gọi là cộng lực. Còn các đường roi bí truyền như: “Đâm so đũa”, “Roi đánh nghịch”, “Đá văng roi”, “Phá vây”, “Roi chiến”… là những bảo vật của võ cổ truyền Bình Định.

CÁC PHÁCH ROI CƠ BẢN CỦA VÕ CỔ TRUYỀN BÌNH ĐỊNH:

Cấu tạo một bài roi bao gồm hai phần: lời thiệu và động tác. Lời thiệu thường là thể thơ, ca dao dân gian… Động tác bao gồm động tác riêng lẻ đến động tác liên hợp, các đòn thế tấn công và phòng thủ theo các phách cơ bản như:

* Bát, bắt, triệt, chận: sử dụng các phách này nặng về thủ để triệt phá hết các đòn tấn công của đối phương, dụ đối phương vào vòng vây để thuận bề sát thủ, nếu đối phương phát hiện né tránh thì ra đòn “đâm so đũa”.

* Hoành, khắc, lắc, tém: Sử dụng các phách này là vừa thủ vừa công.

Phân tích từng phách như sau:

- BÁT: là trừ thế đánh bổ từ trên xuống của đối phương.

- BẮT: là trừ đòn đâm từ nửa thân trên của đối phương.

- TRIỆT: là trừ đòn đánh tạt ngang sườn của đối phương.

- CHẬN: là trừ thế đánh phất cờ của đối phương.

Nói chung là trừ để dụ đối phương, “trá bại” để tấn công trả lại đòn đối phương.

- HOÀNH: Hoành roi bên trái rồi bên phải để lựa thế thuận tiện tấn công đối phương.

- KHẮC: tức là khắc giần roi của đối phương văng ra xa để phá đòn tấn công của đối thủ.

- LẮC: Trừ và né đòn tấn công đâm thẳng từ thắt lưng trở lên của đối phương.

- TÉM: Tém gạt tất cả đầu roi, đòn đâm thẳng của đối phương.

Cần lưu ý sau khi sử dụng phách này như sau:

+ Dùng thủ để công

+ Trước thủ sau công

+ Trừ công để thủ

+ Thủ giả công thật

Khi xáp trận, đối phương tranh thủ tấn công trước thì buộc ta phải sử dụng “dùng thủ để công”. Thủ không được thụ động, mà phải dùng các phách hợp lý để triệt tiêu đòn tấn công đối phương rồi ra đòn tiêu diệt đối phương. Hay dùng “trước thủ sau công” cũng là thế thủ có thể giả vờ “trá bại” để dụ đối phương vào thế đánh của ta, hay có lúc dùng “trừ công để thủ” khi đã trừ được các đòn tấn công của đối phương rồi, thì không nên tấn công ngay mà phải thủ cho kín chặt không cho đối phương ra đòn tấn công tiếp. Sau khi thủ xem xét phán đoán rất nhanh để xem đối phương phản ứng ra sao mà có đối sách thích hợp. Có thể thủ giả công thật, để đánh lừa đối phương tưởng ta yếu mệt mà tấn công ta, lúc đó ta phải nhanh chóng chuyển thủ thành công.

Roi chiến, roi trận và roi đấu trong võ cổ truyền Bình Định:

Nội dung roi có nhiều môn, mỗi môn có nhiều bài, gồm các bài biểu diễn và bài thi đấu. Trong bài biểu diễn, gồm bài quy định bắt buộc theo quy chế thi đấu hiện nay do Liên đoàn võ cổ truyền Việt Nam quy định. Thời xa xưa, về roi cũng có bài biểu diễn để phục vụ cho các ngày lễ hội. Già, trẻ, gái, trai đều tham gia biểu diễn. Còn roi thi đấu mang tính chất đối kháng có các loại như sau:

* Roi chiến:

Là loại thi đấu giữa hai người và một người đánh với một người. Roi chiến không có bài bản, chỉ sử dụng các đòn thế để tấn công và phòng thủ.

Hiện nay, mỗi môn phái ở Bình Định có các đòn roi bí truyền và các bài riêng cho môn phái mình và khi sử dụng cũng khác nhau. Roi chiến có hai tác dụng sát phạt và gây tử thương, thứ hai là cách phá công (phá vây) hoặc đánh ở địa hình hẹp, tùy theo số lượng đối phương nhiều hay ít mà sử dụng các đòn thế bí truyền phù hợp.

Tương truyền, Hồ Nhu khi vào đánh với một võ sư người Minh Hương ở Phú Yên, ông này võ nghệ cũng rất cao cường, các bạn của Hồ Nhu đánh không lại. Hồ Nhu bảo các bạn lui ra để ông xông trận. Hồ Nhu lừa thế trá bại, võ sư Minh Hương đuổi theo. Trúng thế, Hồ Nhu nhanh chóng chiếm được vị trí lợi hại. Võ sư Phú Yên không chịu thua, hai bên lại tiếp tục đánh nhau quyết liệt. Hồ Nhu thình lình ra đòn tuyệt kỷ “đâm so đũa” để hạ đối thủ.

Còn đây là đòn “Lạc Côn” của võ sư Bầu Đê: Đang đánh nhau với một võ sư khác, ông thả rơi đầu roi xuống giữa hai chân. Đối phương tưởng ông rớt roi xông tới để đánh, Bầu Đê dùng sức bật ngọn roi lên, đối phương hết đường tránh né, bị hất té nhào.

Roi chiến dùng đánh phá vây khi một người chống lại nhiều người, một người đánh năm người gọi là “roi năm”. Một người đánh mười người gọi là “roi mười”. Cứ như thế tăng lên bao nhiêu thì gọi bấy nhiêu roi. Muốn đánh giải vây thì phải tìm cho được một nơi để dụ mọi người chú ý vào đó, rồi tìm cách giả vây. Nếu bí quá thì mở đường máu chạy thoát thân thì gọi là “ra cửa”.

* Roi trận:

Là loại hình đánh nhau có trận tuyến, thường xảy ra trong các cuộc chiến tranh. Hai bên bày binh bố trận rồi áp sát vào nhau mà chiến đấu. Có thể đánh từng đôi, nhiều cặp, một người đánh nhiều người, có trận đấu ít người, có trận đấu nhiều người, hàng trăm hàng nghìn người tham gia. Hai bên dùng nhiều đòn thế, nhiều thao lược để tìm cách tiêu diệt được nhiều đối phương. Quang Trung-Nguyễn Huệ đã truyền dạy các thế roi đánh “cận chiến” cho các tướng sĩ. Trong các chiến công oanh liệt từ nam ra bắc, quân đội Tây Sơn áp dụng cách đánh cận chiến hết sức độc đáo, hiệu nghiệm, kể cả đánh trên lưng ngựa, lưng voi và đã tiêu diệt nhiều quân địch.

* Roi đấu:

Roi đấu là một trong những nội dung thi đấu của triều đại nhà Nguyễn để tuyển chọn nhân tài võ nghệ (Tiến sĩ Võ, Cử nhân Võ). Bình Định cũng có nhiều người thi đậu Tiến sĩ Võ, Cử nhân Võ.

Cùng với môn roi, môn kiếm cũng được truyền dạy khá phổ biến trong các võ đường của Bình Định. Kiếm gồm song kiếm, độc kiếm, kiếm cong, kiếm thẳng, kiếm ngắn (đoản kiếm), kiếm dài (trường kiếm).

Kiếm cong có vỏ bọc bên ngoài, thường gọi là kiếm lệnh dùng cho những ai đảm trách việc ra lệnh cho người khác thi hành (gọi là kiếm chỉ huy).

Kiếm thẳng (có bao hoặc không bao) là kiếm phổ biến dùng trong tập luyện, thi đấu và giáp trận.

Đặc biệt, thời kỳ chống Pháp ở Bình Định đã phổ biến và sử dụng khá rộng rãi bài “kiếm 12″, bài kiếm được hình thành từ 12 động tác được rút tỉa trong các bài kiếm bí truyền…

                                                                          Trích từ Báo Bình Định

 



Chỉnh sửa lại bởi Huy-Tưởng - 04/Dec/2013 lúc 8:40am
mhth
IP IP Logged
<< phần trước Trang  of 3
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.142 seconds.