Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Lịch Sử - Nhân Văn
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Văn Học - Nghệ thuật :Lịch Sử - Nhân Văn
Message Icon Chủ đề: "CuốnTheoChiềuGió"&150NămNộiChiếnMỹ Gởi trả lời Gởi bài mới
Người gởi Nội dung
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Chủ đề: "CuốnTheoChiềuGió"&150NămNộiChiếnMỹ
    Gởi ngày: 18/May/2011 lúc 7:58pm
 
 

Wednesday, April 27, 2011

"Cuốn Theo Chiều Gió" & 150 năm nội chiến Mỹ

 

Cuốn Theo Chiều Gió và kỷ niệm 150 năm nội chiến Mỹ
Trong tuần lễ từ 12 tháng Tư, nước Mỹ đã bắt đầu những tiết mục kỷ niệm ngày nội chiến bùng nổ 150 năm trước đây. Cũng vào dịp này cuốn sách và cuốn phim "Gone with The Wind" (Cuốn Theo Chiều Gió) với bối cảnh là cuộc nội chiến đã được những người ái mộ, những "Windies" nhắc nhở đến nhiều, nhất là tại Atlanta và vùng phụ cận, nơi có viện bảo tàng Gone With the Wind.


image
Clark Gable và Vivien Leigh (vai Rhett Butler và Scarlett O'Hara)
 trong bộ phim Cuốn theo chiều gió, 1939


Sau khi quân đội miền nam thất trận, tướng Lee nói với các hàng binh dưới quyền ông rằng: "Hãy từ bỏ lòng hận thù và để thế hệ con cháu của quí vị nhớ rằng họ đều là đồng bào, là công dân của nước Mỹ."
Trước rạng đông ngày thứ Ba 12 tháng Tư năm nay, tiếng đại bác nổ rầm trời tại thành Sumter, thuộc hải khẩu Charleston, bang South Carolina, diễn lại cảnh nội chiến bùng nổ cách nay 150 năm.

Đó là một giờ khắc sâu xa nhất của định mệnh trong lịch sử nước Mỹ, và theo nhiều phương diện, đó cũng là giờ phút mà nước Mỹ hiện đại đã hình thành.

Trong suốt nhiều thập niên qua, một số đông dân Mỹ hằng năm vẫn đến đây để chứng kiến việc diễn lại giờ phút lịch sử đó.

Đúng vào 4 giờ 30 phút sáng ngày 12 tháng Tư năm 1861, đại úy George S. James chỉ huy tiểu đoàn pháo binh của quân miền nam hạ lệnh nã đại bác tấn công vào đồn binh của quân miền bắc đóng trong thành.

Trong lúc giờ khắc lịch sử này được diễn lại, ở gần đó một ban kèn đồng tấu bản "When Jesus Wept" (Khi Chúa Ki Tô nhỏ lệ).

Cuộc nội chiến để lại những cảm nghĩ khác nhau trong lòng người dân và những lý giải khác nhau cho những nhà sử học.

Nguyên nhân chính xác của cuộc nội chiến hiện còn trong vòng tranh cãi, một số chuyên gia cho rằng cuộc chiến xoay quanh quyền của các tiểu bang được tách khỏi liên bang. Nhưng những người khác cho rằng 11 tiểu bang miền nam đòi ly khai vì muốn bảo vệ chế độ nô lệ mà Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln thời đó muốn bãi bỏ.

Ngày đó kinh tế miền nam nặng về nông nghiệp. Nô lệ là lực lượng lao động quan yếu để làm việc trên những đồn điền rộng lớn trồng bông vải và những hoa màu khác, cũng như để giúp việc nhà.

Cuộc nội chiến kéo dài 4 năm với chừng 600 ngàn người tử vong.

Tướng bại trận miền nam Robert E. Lee đã đầu hàng quân đội miền bắc tại Appomattox, bang Virginia và được phe thắng trận đối xử với tất cả cung cách hết sức kính trọng.

Người ta vẫn thường nhớ đến những câu chuyện được thuật lại trong sử sách về quyết định khó khăn của tướng Robert E. Lee khi ông từ chối lời mời giữ quyền chỉ huy trong quân đội miền bắc để chọn phục vụ cho miền nam vì quê quán ông ở Virginia, một bang miền nam, cùng những câu chuyện về đức khiêm tốn của ông trước những chiến tích lừng lẫy cũng như những thất bại mà ông trải qua. Sau khi quân đội miền nam thất trận, ông nói với các hàng binh dưới quyền ông rằng: "Hãy từ bỏ lòng hận thù và để thế hệ con cháu của quí vị nhớ rằng họ đều là đồng bào, là công dân của nước Mỹ."

Những gì mà vị tướng lãnh này đạt được nhưng lại ít được người Mỹ biết đến là những thành quả trong những năm sau khi cuộc chiến đã tàn. Ông nhận chức Viện trưởng một viện đại học nghèo đang bên bờ vực khánh tận, đại học WashingtonLexington, bang Virginia. Ở chức vụ này, ông không nhấn mạnh đến những môn học từ chương, cổ điển nữa, mà chú trọng nhiều đến việc giảng dạy cho sinh viên những kỹ năng thực tiễn để có thể giúp tái thiết miền nam.

Chương trình đầu tiên của nước Mỹ giảng dạy về ngành báo chí được đem áp dụng ở đại học này là một thí dụ điển hình. Các lớp dạy về kinh doanh, khoa học và nông nghiệp là những thí dụ kế tiếp. Được đặt tên là "Washington and Lee University," giờ đây trường đại học tư và nhỏ này phát triển thật tốt đẹp.

Cũng liên quan đến cuộc nội chiến nam bắc kéo dài từ năm 1861 đến năm 1865, 75 năm sau, nhà văn miền nam Margaret Mitchell đã cho ra đời cuốn "Gone with the Wind" (Cuốn Theo Chiều Gió). Đây là một tiểu thuyết lồng trong bối cảnh trước, trong và sau cuộc nội chiến với mối tình ảo tưởng và vô vọng của nhân vật chính Scarlett O'Hara, một cô gái đẹp tuyệt, con nhà trưởng giả miền nam trước khi chiến tranh bùng nổ và một hôn nhân đổ vỡ với  người chồng, khi cô nhận thức được thực tế là cô yêu chồng, Rhett Butler, vào lúc mà Rhett Butler không còn kiên nhẫn để chịu đựng cuộc hôn nhân trong đó người vợ ôm một ảo tưởng về một người đàn ông khác. Rhett Butler là một thương nhân miền nam từng trải, giàu có, lanh lợi nhưng bị người miền nam khinh thường vì đã "vượt rào" làm ăn với miền bắc. Điểm chính mà tác giả muốn nêu bật là ý chí sắt đá của con người thắng vượt mọi nghịch cảnh để vươn lên từ những lầm lỡ và hoang tàn đổ nát. Cuốn tiểu thuyết của Margaret Mitchell ra đời năm 1936 và tức khắc chinh phục được độc giả không những tại nước Mỹ mà còn khắp thế giới. Vào năm 1946, tức là 10 năm sau, cuốn tiểu thuyết này đã bán được gần 4 triệu ấn bản, đến năm 1965 số bán lên đến 10 triệu chỉ nội ở nước Mỹ không thôi. Gone with the Wind còn được dịch ra 25 ngôn ngữ ở 29 quốc gia.

Không những thế, 3 năm sau khi được xuất bản, Gone with the Wind đã được quay thành phim, gần như đây là cuốn phim màu technicolor đầu tiên của điện ảnh Hoa Kỳ, và chiếm được 10 giải Oscar, làm say mê khán giả khắp năm châu với hai diễn viên gạo cội Clark Gable và Vivien Leigh. Cuốn phim được chiếu ra mắt tại thành phố Atlanta, bang Georgia, quê hương của Margaret Mitchell và cũng là thành phố lớn của miền nam từng bị thiêu rụi trong cuộc nội chiến.

Cho đến nay, du khách đến viếng Atlanta thường ghé xem viện bảo tàng Gone with the Wind tại Marietta, cách Atlanta chừng 25 kilomét, trưng bày những tài liệu, vật dụng liên quan đến cuốn phim Gone with the Wind.

Sự thành công của cuốn tiểu thuyết cũng như cuốn phim là một niềm hãnh diện cho người dân miền nam, nhất là cư dân tại Atlanta. Cho tới nay vẫn còn một số khá đông người say mê cuốn tiểu thuyết và cuốn phim, họ thích những trang phục, cách bài trí của miền nam thời đó được thể hiện trong cuốn phim, rồi họ lập ra những hội để gặp gỡ nhau, để khoác lên người chiếc áo mà nhân vật Scarlett đã mặc trong phim, diễn lại một số cảnh trong phim, trần thiết nhà cửa theo như căn nhà của đồn điền miền nam trong phim; người ái mộ như thế được gọi là "Windy". Những chi tiết mới nào về cuốn tiểu thuyết hay cuốn phim được tiết lộ đều được họ quí như vàng. Trong những dịp hội họp của các "Windies", người ta thấy những diễn viên từng có mặt trong cuốn phim Gone with the Wind xuất hiện để tham gia và ký tặng. Hầu hết các diễn viên chính trong phim đã qua đời, những người xuất hiện là những vai phụ còn rất nhỏ khi đóng phim. Cô bé 4 tuổi, diễn viên Cammie King Conlon, thủ vai con gái nhỏ của Rhett Butler và Scarlett O'Hara, cũng đã qua đời năm ngoái, thọ 76 tuổi.

Hiện nay chỉ còn một diễn viên quan trọng trong phim còn sống là Olivia de Havilland, từng đóng vai người vợ hiền Melanie của Ashley, mối tình vô vọng của Scarlett O'Hara. Người ta không thấy bà xuất hiện tại những buổi hội họp của các "Windies" vì hiện bà sống ở Paris và năm nay đã 94 tuổi.

Lan Phương
 
 
 
 
 
 
 
 
 


Chỉnh sửa lại bởi mykieu - 18/May/2011 lúc 8:14pm
mk
IP IP Logged
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 18/May/2011 lúc 8:02pm
 
 
13 bí mật động trời của “Cuốn theo chiều gió”

Ngay cả chuyện vai nam chính trốn diễn 2 ngày để… lấy vợ và chơi khăm vai nữ chính bằng cách… ăn hành trước mỗi khi diễn cảnh tình tứ cũng lần đầu tiên được công bố.

Bộ phimCuốn theo chiều gió” là thiên tình sử vĩ đại giữa nàng tiểu thư xinh đẹp cá tính Scarlett O’Hara và người đàn ông phong lưu Rhett Butler. Đến giờ bộ phim mới tiết lộ rất nhiều điều thú vị.

1. Màu mắt tự nhiên của Vivien Leigh là xanh biển nhưng lại được đổi thành màu xanh lá để giống nữ chính Scarlett O’Hara trên các poster của bộ phim.

2. Trong quá trình quay phim, Clark Gable ( vai nam chính Rhett Butler ) đã tạo một scandal bất ngờ, ông đã “bỏ trốn” với người tình Carole Lombard suốt 2 ngày. Họ tổ chức hôn lễ ở Kingman, Arizona và có  một bữa tiệc nhỏ trong xe hơi chỉ với bánh mì và café

3. Để quay cảnh Scarlett và Rett chạy trốn khỏi Atlanta lửa cháy rừng rực, tất cả 7 máy quay phim màu chuyên dụng đều được huy động để quay lại khung cảnh chân thực và sống động nhất. Ngọn lửa lên cao đến 150m và lan rộng gần 20 hec-ta, việc dập tắt nó cũng tốn hơn 15.000 lít nước.

4. Hattie McDaniel trong vai người hầu của Scarlett đã trở thành người Mỹ gốc Phi đầu tiên được đề cử và đoạt giải Oscar.

5. Họ phải may 5.500 bộ váy áo, trong đó 30 bộ váy dành riêng cho nữ diễn viên Vivien Leigh.

6. Vivien Leigh đến với vai diễn Scarlett nhờ may mắn vì một số ứng cử viên nổi tiếng lúc bấy giờ Bett Devis, Polett Goldar không thể tham gia.

Trong cuộc bỏ phiếu của người hâm mộ bộ phim, Vivien Leigh chỉ được duy nhất một phiếu bầu. Và “Cuốn theo chiều gió” đã mang lại cho bà giải Oscar đầu tiên.

7. Clark Gable làm việc tổng cộng 71 ngày và nhận được hơn 120.000 USD. Ngược lại, Vivien Leigh đã làm suốt 125 ngày nhưng chỉ nhận được 25.000 USD. Nếu như ở trường quay Vivien Leigh luôn điềm tĩnh và tập trung thì Clark Gable hoàn toàn ngược lại. Leigh làm việc gần như 16 tiếng đồng hồ, còn “Rhett Butler” cứ đúng 6 giờ chiều là ra về.

“Hệt như một gã công chức ở phòng tư vấn luật pháp” – một lần bà thốt lên như vậy. Trả thù câu nói đó, Clark Gable thường ăn rất nhiều hành khi diễn cảnh tình tứ với Leigh.

8. Sau khi bộ phim ra đời, tiếng tăm của Clark Gable còn lớn hơn cả Vivien Leigh, mặc dù ông không nhận được giải chính thức nào cả.

“Anh ta đã làm nên sự nghiệp bằng mỗi con mắt trái.” – báo chí đã viết như vậy về Clark Gable, người đã chinh phục hàng triệu trái tim thiếu nữ vì ánh mắt nồng nhiệt say đắm. Còn đàn ông trên thế giời thì thi nhau để bộ ria kiểu Rhett Butler.

9. Nữ diễn viên Barbara O’Neil trong vai mẹ Scarlett, trên thực tế chỉ lớn hơn “cô con gái” Vivien Leigh một tuổi.

10. Thời điểm đó, thuốc lá chưa được coi là nguy hại gì đến sức khỏe và Vivien Leighr đã hút hết 4 gói mỗi ngày trong thời gian quay phim.

11. Ngày 15/12/1939, phim “Cuốn theo chiều gió” được công chiếu lần đầu tiên ở Atlanta. Cả đoàn làm phim được mời đến thành phố này. Ngay ở cửa vào phòng chiếu, Clark Gable dẫm phải chân một phụ nữ bé nhỏ  mặc bộ váy áo màu hồng hoa văn cầu kỳ. Hóa ra đó là tác giả tiểu thuyết Cuốn theo chiều gió – Margaret Mitchell.

12. Trong phần giới thiệu ghi tên đạo diễn là Victor Fleming, nhưng trong thực tế có đến 4 người từng ngồi ghế đạo diễn “Cuốn theo chiều gió”.

13. Trong phần giới thiệu diễn viên trên poster đầu tiên của phim liệt kê danh sách: Clark Gable, Leslie Howard, Olivia de Havillan và diễn viên tạm thời Vivien Leigh. Sau đó đã được thay đổi khi Leigh đoạt giải Oscar.

Bộ phim kinh điển này thu hút nhiều khán giả nhất trong lịch sử rạp chiếu bóng Anh quốc, phim mang về doanh thu 192 triệu USD và có sức hấp dẫn đối với rất nhiều thế hệ người xem trên toàn thế giới.

Theo afamily.vn

Nguồn: Vietnamnet.vn

 
 
 
 
 
 
 
 
 


Chỉnh sửa lại bởi mykieu - 18/May/2011 lúc 8:11pm
mk
IP IP Logged
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 20/May/2011 lúc 4:50am

 

PHIMCUỐN THEO CHIỀU GIÓ

 
 
 
 
 
 


Chỉnh sửa lại bởi mykieu - 21/May/2011 lúc 4:55pm
mk
IP IP Logged
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 21/May/2011 lúc 4:49pm
 
Một bài viết về cuộc nội chiến Mỹ thật hay và cảm động.
Trân trọng giới thiệu đến Quý Đồng Hương và Thân Hữu diễn đàn Gò Công.
 
mk
 
 
 
 
 
150 năm Nội chiến Mỹ:
bóng mờ điểm sáng lịch sử
 
 
 
 
 
150 năm của hoài niệm lịch sử là một thời gian thật dài, nhưng vẫn chưa đủ để làm nhạt phai đi những ký ức đau buồn của một bi kịch khủng khiếp. Nhìn lại cuộc Nội chiến đó của lịch sử Mỹ, có thể hiểu thêm một phần những khuất lấp - bóng mờ - điểm sáng của lịch sử nước Mỹ nói riêng, của toàn nhân loại nói chung.
Bởi, như ai đó đã từng nói, chính nhờ vào những điều đã được quên đi mà lịch sử trở nên hấp dẫn hơn từ những khía cạnh không thể nào quên.
 
 
 
 
 
Ngày 12.4.1865, đại úy George S. James, chỉ huy một tiểu đoàn pháo binh của phe Hợp bang miền Nam, ra lệnh bắn đại bác vào khu vực đóng quân của phe Liên bang miền Bắc, chính thức mở màn cuộc Nội chiến đẫm máu, kéo dài cho đến khi tướng Robert E. Lee, Tư lệnh phe Hợp bang, ký nhận đầu hàng không điều kiện ở Appomattox ngày 9.4.1865 trước sự chứng kiến của Tổng Tư lệnh phe Liên bang, tướng Ulysses S. Grant.

 
 
150 năm của hoài niệm lịch sử là một thời gian thật dài, nhưng vẫn chưa đủ để làm nhạt phai đi những ký ức đau buồn của một bi kịch khủng khiếp. Nhìn lại cuộc Nội chiến đó của lịch sử Mỹ, có thể hiểu thêm một phần những khuất lấp - bóng mờ - điểm sáng của lịch sử nước Mỹ nói riêng, của toàn nhân loại nói chung; bởi, như ai đó đã từng nói, chính nhờ vào những điều đã được quên đi mà lịch sử trở nên hấp dẫn hơn từ những khía cạnh không thể nào quên.
Trước hết, phải thấy rằng sự tài ba, cao thượng của tướng Robert E. Lee là một trong những điều kỳ lạ nhất của chiến tranh: Ngay cả tướng Grant cũng phải thừa nhận rằng tướng Lee là “người thất bại đáng được kính trọng”. Nên nhớ rằng 11 bang miền Nam chỉ có 9 triệu dân và một nền công nghiệp có sức mạnh chỉ bằng 1/3 so với 23 bang miền Bắc, có đến 22 triệu dân. Quả thực, châu chấu đã đánh bại voi suốt hơn 3 năm liền.
Miền Nam chỉ đầu hàng khi bị kiệt sức vì sự những thê thảm từ nguồn cung cấp vật chất, nhân lực từ hậu phương, đúng như nguyên lý bất di bất dịch của mọi cuộc chiến tranh - hậu phương là nhân tố thường xuyên quyết định đến thắng lợi. Tướng Lee là một thiên tài quân sự khi ông luôn giành được thắng lợi từ những cuộc đối đầu chênh lệch về lực lượng, phương tiện, vũ khí; hay nói một cách chính xác hơn, Lee chỉ thua ở kết cục sau cùng.
 
 

 
 
Điều tiếp theo cần phải được nhắc nhở là trận đánh nổi tiếng ở Gettysburrg vào tháng 7.1863. Sau 3 ngày giao tranh, phe Liên bang chết 3.000 người, phe Hợp bang mất 4.000 người. Tổng số binh sĩ bị thương và mất tích của mỗi bên không ít hơn 20.000 người.
Như vậy, cứ mỗi ngày, 1,7 vạn người đã chết, bị thương hay mất tích. Trong lịch sử Hoa Kỳ suốt 222 năm qua (tính từ khi có chính phủ đầu tiên, năm 1789), chưa bao giờ có một tổn thất về nhân mạng lớn như thế. Như là một đồng cảm, một tiên tri, một sự chói sáng đầy xúc động của tư tưởng nhân văn, Tổng thống Abraham Lincoln đã ra lệnh chiêu tập cả 7.000 thi hài của cả hai bên để an táng tại Nghĩa trang Quốc gia.
Ngày 19.9.1863, khánh thành nghĩa trang quốc gia, Lincoln đã đọc bài diễn văn nổi tiếng với những câu bất hủ: Tại đây, chúng ta đoan quyết rằng cái chết không bao giờ là vô ích - rằng, dân tộc này, ơn Chúa, sẽ hồi sinh bởi tự do - rằng, một chính phủ của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân (of the people, by the people, for the people) sẽ không thể bị tiêu diệt trên trái đất này...
Trong lịch sử hàng ngàn năm của nhân loại từ cổ chí kim, có lẽ, chưa khi nào có chuyện những người có lẽ phải lại quyết định an táng chung cho cả những người đã hy sinh vì cách mạng, chính nghĩa cùng với những người đã chết vì chống lại chân lý! Phải chăng, sự bất đồng về tư tưởng (miền Nam hay miền Bắc đều khăng khăng cho rằng lý tưởng của mình là đúng) vẫn không hề cản trở sự tôn trọng đối với những ngược chiều, cho dù những bất đồng đó đã làm đẫm máu không ít các bãi chiến trường?
Sâu xa hơn và cao đẹp hơn, phải khẳng định rằng chính nghĩa cử vô tiền khoáng hậu mà Lincoln đã làm, đã tôn vinh như là năng lực sống tự nhiên của một thiên tài (lý do chủ yếu để ông được tôn vinh là TT vĩ đại nhất nước Mỹ) là cứu cánh thật sự cho sự hòa hợp, hóa giải các mâu thuẫn - điều không thể thiếu đối với bất kỳ quốc gia nào muốn trở nên trường tồn, vĩ đại.
 
 
Sự kỳ diệu và đáng phải khâm phục chưa dừng lại ở đó. Hiệp ước Appomattox không có điều khoản sỉ nhục nào với 20 vạn tù binh. Thậm chí, khi thấy binh lính của mình quá ồn ào với việc ăn mừng chiến thắng, tướng Grant đã nhắc nhở họ rằng “Những kẻ nổi loạn lại là đồng bào của chúng ta đấy” (1).
Chính nhờ lời nhắc nhở có một không hai ấy mà 20 vạn tù binh đã được an lành trở về với gia đình trong sự tôn trọng của những người chiến thắng. Còn Robert E. Lee, dù đầu hàng vẫn ngẩng cao đầu và không một ai ở phía thắng trận khi nhắc tới ông không dùng những âm trầm đầy thán phục của ngôn từ nhằm bày tỏ cả sự ngưỡng mộ về nhân cách lớn lao trong thất bại của Lee.
 
 
Tất nhiên, chính trị và lịch sử luôn là trò chơi của quyền lực. ở đó không có chỗ cho lòng nhân từ thiếu nguyên tắc cũng như chẳng bao giờ nó là nơi trú ẩn của tính nhẹ dạ của hận thù.
Phải đúng 100 năm sau, khi cuộc chiến tranh Việt Nam đã bắt đầu, Quốc hội Mỹ mới thông qua Tu chính án thứ 14 (1966), công nhận đầy đủ, hoàn toàn quyền công dân của những hậu duệ của các nô lệ ngày xưa. Không ai dám đảm bảo rằng TT Mỹ Lyndon B. Johnson đã không tính toán rằng với việc đề xuất quốc hội thông qua Tu chính án ấy, ông muốn có nhiều người da đen hơn nữa tham gia vào cuộc chiến tranh Việt Nam. Và, những lãnh tụ của phe Hợp bang chỉ được “ân xá” về tội lỗi của họ gần 120 năm sau bằng sắc lệnh đặc biệt của TT Jimmy Carter (1977-1981). Cũng cần phải mở ngoặc thêm một lần nữa rằng suốt 150 năm qua, chỉ mới có 2 TT Hoa Kỳ là người của miền Nam (J. Carter và B. Clinton) được nhân dân Mỹ lựa chọn. Mặc cảm nặng nề về tội lỗi và sự tha thứ không phải là những người bạn đồng hành tốt bụng.
 
 
Thế nhưng, có lẽ vì vậy mà lịch sử mới phân tích rõ hơn sự độ lượng của A. Lincoln và những người đồng nhiệm với ông. Cất bỏ gánh nặng của ý muốn trả thù, hả hê luôn là con đường ngắn nhất để đạt đến sự hóa giải nhất thiết phải có cho sự tái thống nhất quốc gia.
Cuộc Nội chiến dài 4 năm thiếu 3 ngày, đã lôi vào vòng sinh tử 4.198.304 người lính của cả hai phía, làm chết 617.528 người và tổng thiệt hại về vật chất được ước tính là 4,75 tỷ USD (2) (vào thời điểm đó, giá 1oz vàng là 15 USD, so với giá vàng ngày 26.4.2011 là 1.506,5 USd - tức là tương đương với 475 tỷ USD).
Đó là con số thiệt hại về người và của lớn nhất của nước Mỹ trong tất cả mọi cuộc chiến tranh mà nó đã phát động hay tham gia. Nhưng đó cũng là cái giá phải trả để giải phóng cho 3.953.857 nô lệ trở thành công dân tự do - một trong những yếu tố quyết định để nước Mỹ, rất nhanh sau đó, trở thành cường quốc lớn nhất mọi thời đại (tính đến thời điểm này).
Sự trớ trêu của lịch sử là ở chỗ, như mọi cuộc chiến tranh khác, Những nguyên nhân của thất bại lại trở thành cội nguồn của những huyền thoại/ Và, chính những nỗi đau là “phần thưởng” dành cho những người chiến thắng - tạm dịch từ ý thơ của Stephen Vincent Benét (3).
Tô Vĩnh Hà/Văn hóa Nghệ An.

(1) Khái quát về lịch sử nước Mỹ, Howard Cincotta, (nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1999, trang 200).
(2) The Beards’ New Basic History of the United States; Charles A. & Mary R. Beard; Doubleday & Company, inc; Garden City, New York, 1960; p.268.
(3) The beaten cause turns in to the magic cause/ The victor has his victory for his pains. A History of the United States (since 1865); T. Harry Williams - Richard
N. Current - Frank Freidel; New York, Alfred A. Knoff, 1963; p.3.
 
 
Biên tập: Imagescollection
 
 
 
 
 
 


Chỉnh sửa lại bởi mykieu - 21/May/2011 lúc 4:54pm
mk
IP IP Logged
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 18/Nov/2011 lúc 6:46pm


HAI PHÚT MÀ BẤT TỬ

Tác Giả: Viên Linh   
Thứ Sáu, 18 Tháng 11 Năm 2011 07:12


“Bài phát biểu của Tổng Thống A. Lincoln trong lễ khánh thành Nghĩa Trang Quốc Gia sẽ sống mãi trong biên niên sử của con người.”

'Gettysburg Address' của A. Lincoln

Vào ngày 19 tháng 11, 1863, một Nghĩa Trang Quốc Gia được khánh thành tại Gettysburg, Pennsylvania, nơi xảy ra trận đánh quyết định trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ, trong đó Nam quân (Confederate Army) đại bại nhưng cả hai bên đều thiệt hại nặng nề về nhân mạng, trận đánh diễn ra trong ba ngày: 1, 2 và 3 tháng 7 cùng năm, tử sĩ lên tới con số không thể tưởng tượng nổi: 53,000 người thương vong.

     Cố Tổng Thống Abraham Lincoln.


Cả thế kỷ sau, chưa có một con số chính xác, song theo một cuốn sách đáng tin cậy (1), thì Bắc quân (Union Army) có 23003 thương vong, trong có 3072 người chết, 14497 bị thương, 5434 mất tích hay bị bắt. Nam quân có 20451 thương vong, trong có 2592 người tử trận, 12707 bị thương, 5150 mất tích hay bị bắt. Chắc chắn những con số này không chính xác, vì Nam quân nói họ chỉ bỏ lại chiến trường 770 thương binh trong khi giám đốc bệnh viện quân đội Hoa Kỳ (miền Bắc) cho biết danh sách Nam quân ghi tên điều trị là 6082 người.
Nghĩa Trang Quốc Gia Gettysburg được thành hình trên đồi Cemetery Hill, kế cận vùng đất phía Nam quận hạt, nơi cả ngàn xác chết đã được chôn vùi vội vã từ may ngày đầu tháng 7, trong có những nấm mộ quá nông đã bị mưa dội làm trật lên cả xương cốt. Tiểu bang Pennsylvania kêu gọi và được 18 tiểu bang khác đóng góp để xây nghĩa trang này. Trong khi cả ngàn tử thi được bốc lên, di chuyển tới nơi an nghỉ mới trên đồi, ngày khánh thành dự định là ngày Thứ Năm, 19 thánh 11, 1863; người đọc bài diễn văn chính là Edward Everett, nguyên tổng trưởng Ngoại Giao thời Tổng Thống Millard Fillmore (1800-1874), viện trưởng Ðại Học Harvard và thượng nghị sĩ, từng là ứng viên phó tổng thống trong liên danh đối nghịch với Tổng Thống Abraham Lincoln. Người ta có gửi một thiệp mời tới Tòa Bạch Ốc, không dự trù là Tổng Thống Lincoln sẽ tới dự như một quan khách, bất ngờ là ông nhận lời. Vì lễ độ, ban tổ chức xin tổng thống phát biểu cho “vài lời ngắn gọn” (a few appropriate remarks) sau khi diễn giả chính nói xong.

Sau buổi trưa, buổi lễ trang trọng bắt đầu với bốn ban nhạc, trong có ban nhạc Hải Quân từ Hoa Thịnh Ðốn tới, vô số bộ trưởng, tướng lãnh, thống đốc 7 tiểu bang và 15,000 quan khách. Nội các tới bằng ngựa, con ngựa người ta cung cấp cho tổng thống quá nhỏ, khiến hai chân ông gần chạm đất. Ông đội cái mũ ống độc đáo màu đen và đeo đôi găng tay trắng. Diễn giả chính đọc bài diễn văn dài 117 phút. Bài của ông này đã đăng hết nguyên hai trang nhật báo. Ðến lượt Abraham Lincoln sau đó được mời lên. Không có hình chụp tổng thống đọc diễn văn, vì người chụp hình duy nhất của ban tổ chức cho biết máy chụp bị hư, còn đang sửa. Máy chụp chỉ sửa xong khi tổng thống đã đọc xong bài diễn văn, chỉ ngắn có hai phút. Phóng viên báo Cincinnati Commercial tường thuật như sau:

“Tổng thống chậm rãi đứng lên, rút từ trong túi ra một tờ giấy, đọc bằng một giọng sắc, cao, khô khan, mấy điều ngắn gọn và cốt yếu.” Ngày hôm sau không một tờ báo lớn nào nói đến bài phát biểu của Lincoln, kể cả 3 tờ báo lớn của New York, trong có tờ The New York Times. Tiến Sĩ William E. Barton, người viết tiểu sử chính về Abraham Lincoln và cũng là tác giả cuốn “Lincoln at Gettysburg” đã tìm hiểu kỹ lưỡng các sự kiện liên hệ, cho biết không hẳn như thế. Ngay lúc Lincoln đọc xong, diễn giả Everett, người nói 117 phút trước đó, vốn là một người hùng biện có tiếng, đã tới khen ngợi tổng thống nói hay. Ông ta hôm sau còn gửi cho tổng thống một lá thư, trong có viết: “Tôi sẽ hài lòng lắm nếu tôi tự khen được mình là trong hai tiếng đồng hồ, tôi đã tới gần được cái ý tưởng trung tâm mà tổng thống đã nói tới chỉ trong 2 phút.” Nhưng dư luận dần dần thành hình. Tiến Sĩ Burton ghi nhận phóng viên của tờ Chicago Tribune hôm sau đã đánh điện tín về tòa báo câu này: “Bài phát biểu của Tổng Thống A. Lincoln trong lễ khánh thành Nghĩa Trang Quốc Gia sẽ sống mãi trong biên niên sử của con người.” Nhưng chủ bút của tờ báo không viết gì thêm.

Trong những tháng kế tiếp, nhiều tờ báo đã khám phá ra sự hùng biện, vẻ đẹp, và sức mạnh của những lời Lincoln phát biểu hôm 19 tháng 11, 1863. Hiện có 5 bản viết tay bài ấy, từ chính tay Lincoln, trưng bày tại Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ, Thư viện Ðại Học Cornell, cho đại sứ Cuba ở Mỹ mà ông này đóng khung gửi lại biếu Lincoln để tỏ lòng ngưỡng mộ, và cho ông Edward Everett khi ông gửi thư xin Lincoln một bản để làm kỷ niệm và một bản cho Thư Viện Lịch Sử tiểu bang Illinois. Người ta có tên để gọi bản phát biểu đó: Gettysburg Address,
Diễn văn Gettysburg.

Trong cuốn The Civil War của Harry Hansen, chương 23, Gettysburg Address được mệnh danh là Hai phút tới Bất tử (Two Minutes to Immortality). Thượng Nghị Sĩ Charles Sumner người đối nghịch với Tổng Thống Lincoln phát biểu: “Trong văn chương và trong ngôn ngữ, Gettysburg Address là bài diễn văn vĩ đại nhất đã được viết nên.” Nhiều tác giả gọi Abraham Lincoln là nhà văn đích thực; ông Douglas L. Wilson đã nghiên cứu các bài diễn văn của Lincoln, và cho rằng vị tổng thống này là một nhà biên soạn chữ nghĩa vô cùng tinh tế, một người viết đi viết lại một bản văn cho đến khi nào câu văn đọc lên mọi người đều hiểu, và có sức mạnh truyền đạt cao nhất (2).

Sau đây là phần chuyển ngữ bài phát biểu Gettyburg Address của Abraham Lincoln, những câu văn rực rỡ hàm súc và cao cả mà nhiều “lãnh tụ” chính trị thế giới sau đó hai thế kỷ nay đã mượn đi mượn lại:

“Bốn lưỡng kỷ và bảy năm trước đây (3) ông cha chúng ta đã mang tới lục địa này một tân quốc gia, hình thành trong Tự Do, và cống hiến đề xuất xác định rằng mọi người sinh ra đều Bình Ðẳng. (4)

“Ngày nay chúng ta lâm vào cuộc nội chiến lớn, chúng ta đang thử thách xem quốc gia - bất cứ quốc gia nào từng được sinh ra như thế và từng được khai sáng như thế - sẽ sinh tồn ra sao. Chúng ta gặp nhau nơi đây trong một trận đánh vĩ đại của cuộc chiến đó. Chúng ta đã tới đây để khánh thành một phần đất của trận đánh làm nơi an nghỉ cuối cùng cho những người đã hiến cuộc đời của họ cho đất nước đặng đất nước có thể tồn tại. Ðó là điều thích hợp cho cả hai bên chúng ta và chính đáng để chúng ta thực hiện.

Một em bé nhìn tượng cố Tổng Thống Abraham Lincoln tại viện bảo tàng Gettysburg, Pennsylvania. (Hình: Tim Sloan/AFP/Getty Images)


“Nhưng trong một nghĩa rộng hơn, chúng ta không thể khánh thành - chúng ta không thể cúng hiến - chúng ta không thể thánh hóa - phần đất này. Những con người dũng cảm, sống hay chết, những con người chiến đấu, nơi đây, đã hiến dâng vượt xa hơn quyền lực nghèo nàn của chúng ta, cho dù để thêm vào hay để bớt đi. Thế giới sẽ ít để ý, không nhớ nhiều hơn, những gì chúng ta nói ở đây, nhưng sẽ không bao giờ quên những gì họ đã làm ở đây.

“Ðó là cho chúng ta, những kẻ đang sống, thay vì khánh thành ở đây những việc làm chưa hoàn tất những gì họ đã hoàn tất, cho tới bây giờ, bởi không một ai gánh vác. Ðó là thay vì cho chúng ta ở đây để khánh thành những nhiệm vụ to tát còn lại trước mặt, để từ những cái chết danh dự kia chúng ta gia tăng sự cống hiến cho những mục đích họ đã cho đi toàn thể sự cống hiến lớn nhất cuối cùng - đặng chúng ta ở đây kiện toàn tối đa hầu cho những tử sĩ đã chết không uổng phí; để quốc gia này sẽ tái sinh trong tự do, và chính quyền này sẽ là chính quyền của người dân, bởi người dân, cho người dân, và sẽ không biến khỏi mặt đất.”
(Bản chuyển ngữ của Viên Linh)


Chú thích:


(1) Harry Hansen (1961): The Civil War, Bonaza Books, New York.
(2) Douglas L. Wilson (2006): Lincoln's Sword: The Presidency and the Power of Words.
(3) Nguyên văn: “Four score and seven years ago...” Score: 20, có thể gọi là lưỡng kỷ, Lincoln muốn nhắc đến năm 1776, Hoa Kỳ tuyên bố độc lập khỏi Anh quốc, và tinh thần Bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập của Hoa Kỳ.
(4) Có ý nhắc đến Bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập 4 tháng 7, 1776 của Hoa Kỳ.



http://saigonecho.com/main/doisong/tailieu/31034-hai-phut-ma-bt-t.html






mk
IP IP Logged
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 21/Mar/2013 lúc 7:36pm

LINCOLN Bên Thắng Cuộc

  Alan Phan



Tết rồi, một người bạn Nhật Bản không về nước nên mời tôi xông đất theo tục lệ Việt; rồi ăn tối. Sau đó, cả 2 gia đình mở lên cuốn phim mới “Lincoln” để cùng ngồi coi. Cuốn phim bắt nguồn từ một cuốn sách khảo sát và tổng hợp các sự kiện lịch sử trong 4 tháng sau cùng của cuộc đời Tổng Thống Mỹ Lincoln (Tác giả: Doris Kearns Goodwin‘s ; tên sách, Team of Rivals: The Political Genius of Abraham Lincoln).

Thời điểm là tháng giêng năm 1865, vào những ngày cuối của cuộc Nội Chiến Bắc Nam (Civil War); đã kéo dài 4 năm và đã tổn phí 600,000 sinh mạng của lính 2 bên.

 

 

Lãnh tụ của bên thắng cuộc

 

Lúc này, phần thắng coi như đã trong tầm tay của miền Bắc (đội Union). Miền Nam (đội Confederate) đang xin thương thuyết một cuộc đầu hàng với vài lá bài còn lại. Cho những ai chưa quen thuộc với cuộc Nội Chiến, nguyên nhân bắt đầu là sự xóa bỏ chế độ nô lệ trong xã hội Mỹ. Kinh tế miền Nam, chủ yếu là đồn điền nông trại, rất cần các nô lệ từ Phi Châu để điều hành. Sự giải phóng nô lệ (một loại tài sản) sẽ tạo mất mát và khủng hoảng kinh tế sâu rộng; trong khi miền Bắc không chịu ảnh hưởng kinh tế này nên chỉ muốn tiến tới một xã hội công bằng và nhân quyền của mọi người được tôn trọng hơn.

 

Lincoln vừa thắng cử nhiệm kỳ hai và được cử tri bình dân yêu chuộng nhờ tài hùng biện trên các diễn đàn và lối sống giản dị; trong khi các tầng lớp thượng lưu của giới chánh trị và tư bản không mặn mà với những tư duy tiến bộ mà họ cho là quá mạo hiểm cho quốc gia.

 

Câu chuyện quay quanh cố gắng của Lincoln lấy cho được sự chấp thuận của Hạ Viện (cần 2/3 số phiếu) để thông qua Tu Chính số 13 của Hiến Pháp Mỹ đặt “hệ thống sở hữu và điều hành nô lệ ngoài vòng pháp luật” trên mọi tiểu bang. Lý do là dù thắng trận, nếu nô lệ vẫn còn là “tài sản hợp pháp” của người dân và tùy thuộc vào luật lệ của tiểu bang, ý nghĩa sự thắng trận của phe miền Bắc coi như công cốc. Trong khi đó, vì chiến thắng đã cận kề và mọi người đã mỏi mệt qua 4 năm mất mát, nên dù đảng Cộng Hòa hay Dân Chủ,  không ai muốn đụng chạm đến chuyện “nô lệ” này nữa.

 

Cuối cùng, Lincoln và những người nô lệ hân hoan mừng thắng cuộc, trên chiến trường và nghị trường, đem vấn đề nô lệ ra khỏi lịch sử Mỹ từ đó. Hai tháng sau, Lincoln bị ám sát chết và 143 năm sau, Obama trở thành Tổng Thống da mầu đầu tiên của Mỹ.

 

Cuốn phim dàn dựng rất công phu và chi tiết theo đúng lối hấp dẫn khán giả của đạo diễn Spielberg; nhưng ngoài việc đang được đề cử cho giải Oscar của phim hay nhất trong năm, phim còn là một bom tấn trên thị trường. Điều này hơi lạ vì không ai nghĩ là người dân Mỹ quan tâm đến một đề tài khô khan của lịch sử, nhất là những tranh luận và thủ thuật chánh trị trong quá khứ xa vời. Với tôi, ấn tượng nhất là cuốn sách và phim “Lincoln” đã giúp cho tôi 4 góc nhìn mới về các sự kiện 150 năm về trước trong bối cảnh của thực tại hiện nay.

 

1. 1.      Đây mới gọi là nghiên cứu và khảo sát lịch sử

Rất nhiều tư tưởng hiện tại về quốc gia, về các nhân vật lịch sử và về hệ quả của các hành xử chính trị hay quân sự thường dựa trên những định kiến và những tài liệu xa xưa chứa nhiều huyền thoại và sai lầm. Ngay cả trong 100 năm trở lại đây, khi tiến bộ về khoa học và nhân văn đã phổ thông toàn cầu, phần lớn những trích dẫn về dữ kiện lịch sử của Việt Nam lại đến từ ghi chép của các sử gia nước ngoài. Các tài liệu tôi đã đọc về sử Việt cho thấy những bài viết rất hời hợt, chủ quan và mang tính cách tuyên truyền cho một trường phái nào đó trên quan điểm chánh trị hay xã hội (đây là kết luận có thể sai lầm của tôi vì chưa đọc nhiều và đủ từ các sử gia Việt?).

 

Ngay cả khi một giả thuyết nghi ngờ về thân thế của một nhân vật lịch sử quan trọng xuất hiện trên mạng, đề tài này được bàn tán sôi nổi vì bí mật bao quanh sự kiện. Một cuộc khảo sát DNA mất 5 phút có thể cho ta lời giải đáp chính xác. Nhưng không một sử gia nào được phép liên quan. Khi khoa học và minh bạch đi vắng, thì góc nhìn của mọi người nhất định phải bị méo mó và thui chột.

 

Cuốn sách của Goodwin chỉ phủ trùm 4 tháng của cuộc đời Lincoln và chỉ đặt trọng tâm vào sự kiện Tu Chính 13 của Hiến Pháp Mỹ. Nhưng những chi tiết trích dẫn cho thấy một công trình khoa học, khách quan và có thể dậy cho chúng ta phân biệt thế nào là “lịch sử” và thế nào là “tiểu thuyết”. Những cái hay, cái đẹp, cái thiện được phơi bày rõ ràng cùng với những cái dở, cái xấu, cái ác…của các nhân vật và môi trường sinh hoạt 148 năm trước. Ngay cả những rắc rối khó khăn trong gia đình Lincoln, nhất là vấn đề của vợ con, cũng được phơi bày tường tận.

 

Santayana nói là những ai quên quá khứ sẽ phải trả giá cho sự tái diễn. Liệu sự ngu dốt của chúng ta về “sự thật” không nhuốm mầu chánh trị trong các sự kiện lịch sử chỉ mới xẩy ra chưa đến 100 năm có thể là một gánh nặng văn hóa và tư duy cho nhiều thế hệ sau này của Việt Nam ?

 

1. 2.      Chính trị gia thời nào nơi nào cũng thế

Trong cuộc tranh giành từng lá phiếu để thông qua Tu Chính 13, Lincoln và phe nhóm ông ta đã phải dùng đến rất nhiều thủ thuật để có đủ 2/3 số phiếu. Họ đã phải hối lộ (không bằng phong bì mà bằng những ban phát phát chức vụ trong chánh quyền mới), phải thỏa hiệp với những tay thao túng lợi ích (power brokers), phải chia để trị, phải đe dọa, phải dỗ dành….Tóm lại, tất cả những sắp xếp sau hậu trường (horse-trading) không khác gì những gian dối mua bán quyền lực và lợi ích ngày nay trên các sân khấu chánh trị từ Âu Mỹ đến Phi Á.

 

Quyền lợi cá nhân của đa số chính trị gia luôn đặt trên các lợi ích quốc gia hay lý tưởng cộng đồng. Do đó, nếu không có một thể chế phân quyền và minh bạch, sự lạm dụng quyền lực sẽ luôn luôn đi quá đà và tạo nên những thao túng pháp luật vô cùng trắng trợn và táo bạo.

 

Sự khôn ngoan của các bậc trí thức khi tạo dựng hiến pháp Mỹ và các tuyên ngôn dân quyền đã đem sự ổn định chánh trị và xã hội của Mỹ trong suốt 250 năm qua.

 

1. 3.      Tinh thần thượng tôn pháp luật

Lý do chính khiến Lincoln phải vội vã đưa ra biều quyết cho Tu Chính 13 khi chiến thắng của miền Bắc đã gần kề là sự giải thích pháp luật theo cái nhìn của một luật gia với mọi văn kiện pháp lý. Theo Lincoln, nếu hiến pháp không đặt chuyện “nô lệ” ra ngoài vòng pháp luật, thì luật vẫn cho nô lệ là một tài sản và thuộc quyền xử lý của tiểu bang. Tóm lại, dù thắng trận, chánh phủ liên bang cũng không có quyền đụng đến “tài sản của dân” và không thể áp buộc các chủ nô lệ phải “giải phóng” hay “ chịu sự tước đoạt” của bất cứ thẩm quyền nào.

 

Ở xứ Trung Quốc, khi quan điểm của ông Chủ Tịch Mao là “ người cầm súng đặt ra luật lệ” thì không ai thắc mắc về những văn kiện hay điều lệ tiềm ẩn có thể gây tranh cãi tại các tòa án. Chính vì vậy, Lincoln đã tốn bao nhiêu vốn chính trị, đêm không ngủ, thực thi kế sách…để Tu Chính 13 được Hạ Viện thông qua. Tinh thần thượng tôn pháp luật của một vị Tổng Thống quyền lực và vừa thắng trận 148 năm trước không biết có làm các lãnh tụ bé hon ngày nay phải xấu hổ vì sự ngạo mạn chà đạp lên mọi luật lệ và công lý của xã hội?

 

1. 4.      Không trả thù bại quân và dân và không cướp giật tài sản

Tuy nhiên, điều ấn tượng nhất trong cuốn sách là hai tuần trước khi miền Nam chính thức đầu hàng, Lincoln đã gặp tướng U. S. Grant, thống soái đạo quân miền Bắc cùng các tướng lãnh chỉ huy khác, và dặn dò đi lại nhiều lần là, "khi chiến tranh chấm dứt, hãy trả tự do mọi tù nhân chiến tranh (bại quân và bại dân) và giúp họ quay về nhà sớm để mưu sinh lo cho gia đình. Tuyệt đối không được đụng đến tài sản của dân (dù thua cuộc, tất cả bây giờ đều là công dân), không được trả thù và phải nghiêm trị mọi vi phạm pháp luật, nhất là của các quan cán chức hay binh sĩ của phe thắng trận”.

 

Ngoài ra, trong những đề nghị ngân sách các năm sau đó, các lãnh tụ kế tiếp của miền Bắc đã luôn dành ưu tiên cho việc tái thiết miền Nam để hàn gắn những đổ vỡ về vật chất cũng như tinh thần.

 

Tinh thần nhân hậu và cách đối xử văn minh của phe lãnh đạo miền Bắc đã tạo nên một tiền lệ lịch sử cho tinh thần xứ Mỹ: luôn luôn chăm lo cho phe thua cuộc hơn là băm xẻ những miếng mồi ngon bở cho phe nhóm mình. Sau trận thắng huy hoàng ở Thế Chiến 2, Mỹ đã bơm nhiều tỷ đô la thời đó vào chương trình Marshall để tái thiết Âu Châu và MacArthur đã giúp Nhật rất nhiều để xây một nền tảng pháp lý mới cho một nền kinh tế mới.

 

Nhân và quả của một chánh sách

 

Bản chất nhân hậu, lương thiện, tôn trọng luật pháp và đặt lợi ích quốc gia trên quyền lợi cá nhân đã biến Lincoln thành một vị Tổng Thống vĩ đại của nước Mỹ. Cùng với các thận cần như Tướng Grant, các Bộ Trưởng Seward, Stanton…họ đã thay đổi định mệnh của xứ Mỹ. Chỉ 25 năm sau, mọi thành kiến, thù hận về cuộc nội chiến đã được xóa bỏ trong lòng người dân Mỹ. Giữa hai bên, phe thắng cuộc và thua cuộc, những rào cản pháp lý hay xã hội không cón hiện diện. Atlanta vươn lên từ đống tro tàn và trở thành một trong những thành phố đáng yêu nhất của miền Nam.

 

40 năm sau đó, xứ Mỹ qua mặt đế chế Anh về kinh tế và trở thành một đế chế siêu cường chỉ 60 năm sau nội chiến tương tàn để thay thế cho đế chế Anh vừa tàn lụi.

 

Tôi nói với người bạn Nhật, "nếu chúng tôi có một lãnh tụ như Lincoln 150 năm trước, lịch sử Việt Nam sẽ thay đổi nhiều." Anh bạn cười, “Lúc đó, chúng tôi phải xếp hàng chờ qua Việt Nam để học hỏi các anh.”

Sao dân tộc Mỹ may mắn đến thế?

 

Alan Phan


*

T/S Alan Phan là tác giả của 9 cuốn sách về thị trường mới nổi, giảng viên thỉnh giảng tại các đại học Mỹ và Trung Quốc, và doanh nhân có 44 năm làm ăn tại Mỹ và Trung Quốc. Web site cá nhân của ông là www.gocnhinalan.com. Facebook: http://www.facebook.com/gocnhinalan?fref=ts


===

Đọc thêm bài mới liên quan: Quay về chút lịch sử

February 27, 2013 By Alan Phan 52 Comments

Bài viết “Lincoln và Bên Thắng Cuộc” của tôi tạo khá nhiều tranh luận trên các diễn đàn. Một câu hỏi thú vị là, “nếu Mỹ hào phóng rộng lượng như tinh thần Lincoln, thì sao không đem tiền tái thiết Việt Nam và giúp các nạn nhân chất độc da cam sau 1975?” Tôi nói đùa là các bạn quên rồi, Mỹ thuộc phe thua cuộc, lẽ ra Việt Nam phải đem tiền qua Mỹ giúp người thất thế chứ.

Nghiêm túc hơn, nhìn lại lịch sử, tôi nhận thấy các nhà cầm quyền Mỹ đã khá rộng rãi với Việt Nam trong thời hậu chiến. Trước khi viết tiếp về góc nhìn này, tôi muốn xác định rõ nơi đây:” Tôi không phải là một sử gia, không hề nghiên cứu sâu rộng về vấn đế này và không có những tư liệu gì ngoài các bài phân tích và tin tức tôi đọc trên các mạng truyền thông.” Do đó, quan điểm của tôi có thể chứa nhiều sai lầm và đó cũng là lý do tôi đem đề tài này ra đây để mọi người góp ý, tạo nhiều góc nhìn đa dạng phong phú hơn. Khi comment, tôi xin các bạn giữ ý kiến mình trên các sự kiện lịch sử , đừng bẻ lái đến một trường phái chính trị nào, hay hô hào khẩu hiệu vì sau 68 năm, tôi đã phải lắp bắp nhiều lần…biết rồi, khổ lắm, nói mãi.

Theo tôi biết, năm 1977, khi lên nắm quyền, dù chuyện Việt Nam không đem lại một lợi ích chính trị nào (dân Mỹ vừa chán ghét cuộc chiến tranh dài lê thê này, vừa bị nhục thua trận), Tổng thống Carter  qua kênh ngoại giao không chánh thức đã ngỏ ý với các lãnh đạo Hà Nội là muốn tái lập bang giao và sẽ viện trợ nhân đạo cho một chương trình tái thiết hậu chiến. Câu trả lời sau đó từ phía Việt Nam trong suốt nhiệm kỳ 4 năm của Carter là Mỹ phải “bồi thường chiến tranh” (dường như con số đưa ra là 2 tỷ USD thời đó) , “xin lỗi chánh thức Việt Nam” trước khi nói đên chuyện thiết lập bang giao (vì chúng tao mới thắng bọn chúng mày, hãy đến mà xin tha thứ).

Thái độ này đã làm Carter thất vọng và do đó, khi khi Đặng Tiểu Bình đến Mỹ thăm Carter, ông ta còn báo trước cho Mỹ biết là sắp sửa dậy cho Việt Nam “một bài học” về chuyện Việt Nam can thiệp vào Kampuchea. Tòa Bạch Ốc nói, ‘các ngài cứ tự nhiên”.

Sau khi Reagan đắc cử Tổng Thống thay Carter, với tinh thần chống Cộng cao độ, mọi thương thuyết với Việt Nam coi như chấm dứt. Chỉ sau khi đảng cộng sản tan vỡ ở Liên Xô và Đông Âu vào 1989, các nhà lãnh đạo Hà Nội mới có một “cuộc xét lại” về bang giao với Mỹ.

Tôi ca tụng nhân dân và tinh thần của nền kinh tế sáng tạo Mỹ, nhưng tôi gần như chưa bao giờ ca tụng một ông chính trị gia nào, Mỹ hay Âu hay Á. Ngoại trừ một vài sao sáng, phần lớn là những con hạm chỉ giỏi moi móc tiền OPM. Nếu Mỹ không có một cơ chế phân quyền với ngành lập pháp quyền lực, tư pháp độc lập và ngành truyền thông…soi xét từng bước đi, các chánh trị gia Mỹ còn đớp hít nhiều hơn các đồng nghiệp của họ trên thế giới (họ mập phì và vợ con có nhu cầu rất cao). Tuy nhiên, trong mọi cư xử với Việt Nam từ 1975 đến nay, ngoài thái độ dửng dưng, phần lớn lãnh đạo và nhân dân Mỹ đã không mang một “hận thù quá khứ” hay “mặc cảm thua cuộc” nào.

Ngược lại, ngoài cái “chảnh” đương nhiên của người thắng cuộc, lãnh đạo Việt Nam đã tự đặt mình vào vị thế cô lập, luôn gợi lại “tội ác Mỹ Ngụy” hàng ngày (qua các biểu ngữ và viện bảo tàng) cũng như qua các hoạt động ngoại giao “chống Mỹ cứu thế giới”. Chuyện Mỹ vẫn “cúi xin lập bang giao” với Việt Nam, trở thành một đối tác thương mại và đầu tư lớn, mở cửa xã hội cho người giàu Việt Nam qua lại, làm ăn, học hành…theo tôi, đã là một “phép lạ” của tinh thần Mỹ.

Còn chuyện “chất độc da cam hay tái thiết Việt Nam”? Tôi có chút kinh nghiệm cá nhân trong việc này. Để đem tiền hay vật liệu vào làm thiện nguyện ở Việt Nam, chánh phủ đòi hỏi một giây phép hoạt động rất nhiêu khê (khó gấp 100 lần giấy phép cho một dự án liên doanh). Ngoài ra mọi số tiền hay vật dụng đem vào phải do Mặt Trận Tổ Quốc hay một cơ quan tương tự phân phối và điều hành. Đó là lý do tại sao Indonesia, Phi Luật Tân và ngay cả Trung Quốc, đã nhận một lượng tiền thiện nguyện nhiều gấp ngàn lần Việt Nam.

Tôi không muốn phân tích sâu thêm về quyền lợi mỗi quốc gia đằng sau các quyết định chính trị. Cũng như thế liên hoàn đặc biệt của Mỹ, Việt Nam, Trung Quốc, Nhật, ASEAN…  Không phải vì nó quá phức tạp (các vấn đề khi giải mã ra thường rất đơn giản, luôn bị các trí thức tháp ngà thoa son trát phấn cho cầu kỳ); nhưng vì luật Việt nam không cho tôi nói. Thôi thì xin mời các bạn vậy.

Alan Phan

 
mk
IP IP Logged
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.172 seconds.