Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Thơ Văn
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Văn Học - Nghệ thuật :Thơ Văn
Message Icon Chủ đề: CẦU HUYỆN QUÊ HƯƠNG TÔI Gởi trả lời Gởi bài mới
<< phần trước Trang  of 18 phần sau >>
Người gởi Nội dung
cao the
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 15/Jul/2011
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 589
Quote cao the Replybullet Gởi ngày: 21/Jan/2012 lúc 11:14am

Chú Mười Lăm, Chị Mỹ Kiều và Anh Hoàng Ngọc Hùng kính !

Cám ơn Chú đã viết cho một tài liệu thật quý

Cám ơn Chị và Anh đã ghé thăm và gởi thiệp Xuân

Xin chân thành chúc Chú, Chị và Anh hưởng Mùa Xuân an lạc, vạn sự như ý và gia đình tràn đầy hạnh phúc

 

Cao Thệ

IP IP Logged
cao the
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 15/Jul/2011
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 589
Quote cao the Replybullet Gởi ngày: 26/Jan/2012 lúc 6:46am

CHỢ LONG THUẬN

 

Khu vực chợ Long Thuận ngày nay, xưa là ruộng được bao bọc bởi đường đi Bình Ân, Nguyễn Huệ và hẻm Đồ Chiểu khoảng hơn một mẫu tây. Vỏn vẹn 1căn nhà và 6 -7 chòm mả nổi giữa vùng đất trũng, ruộng thật sự cấy lúa chẳng còn được bao nhiêu.

Thời tôi còn nhỏ 5 giờ sáng, nằm ngủ nướng còn nghe tiếng  gọi tập họp công cấy, từ chiếc “ tù và “ làm bằng sừng trâu, người đầu nậu thổi tẹo …tí …tẹo,…   tẹo .. . tí . . . tẹo, reo vang trên đường lộ, tính đường chim bay nhà tôi với những đám ruộng  không xa lắm nên đem khuya thanh vắng, nghe rõ tiếng gọi nhau nói chuyện nô đùa của các công cấy vang vang, thỉnh thoảng còn nghe hò đối đáp chọc ghẹo giữa các cô chú nam nữ.

 

Thật tình tôi không biết miếng ruộng đầy những chòm mả của Bác nào trong xóm, nhưng từ thuở nhỏ tôi rất kính phục nghĩa cử của gia đình này.

Ngày ba tôi lìa đời, Bác Tư Lục Lộ dẫn anh tôi đến nhà xin một tiếng, vị chủ ruộng ra đến nơi chỉ tận chổ cho các anh, chú đào huyệt.

Ngày chôn Ba thật là buồn, các cô chú bác đứng trên bờ, chỉ những người trong gia đình và người phụ chôn cất là xăn quần lội ruộng, chổ đặt chân xuống ruộng đầu tiên sau này là tiệm cám, anh em tôi vừa đi vừa té, nước sình văng  ướt mặt mày đầu cổ.

Bảy năm sau đó, ngay nền chợ bây giờ Bà Nội tôi cũng được an nghỉ;  Nhưng Ba và Nội tôi có được an nghỉ đâu !!!

 

Thời gian nầy trên phần đất ruộng chỉ có một quán bán tạp hoá của Bác Mười Thành nằm ngay đầu hẻm Đồ Chiểu bây giờ, bên hông nhà là bãi rác nhỏ sau này Cô Tám Kiểu đến dựng nhà ngay trên bãi rác ấy.

Dưới ngã tư Bình Ân, Chú Mưòi Giả bên này đường cũng đào một cái ao gần những chòm mả, đất đấp nền trồng rau, ớt, trồng quanh cả trên mồ mả và ven lối đi.

Khu chòm mả này một thời tôi đi đốn củi, những bụi lứt có cây to bằng ngón tay cái, những lùm gai chùm lé có cây bằng ngón chân cái, đã giúp gia đình có những buổi cơm ngon

Tôi nhớ từng ngôi mã đá quanh chợ hiện giờ, những ngôi mã táng bằng đá ong rộng lớn phía trông, nơi đây cứ mỗi độ đông về dây Thiên Môn Đông, từng nách lá hoa nở trắng phau thành dòng toả hương thơm ngát.

Mùa mưa đêm soi ếch, nước nổi lúa trổ thì giăng câu cấm.

Những ngày giáp tết đi mót lúa, những nhánh lúa ngã rạp trên gò mà người thợ gặt cố tình bỏ xót lại cho lũ chúng tôi, những khu nước trũng cá gom về chúng tôi be bờ tát cá, những chú cá rô mề cở hai ba ngón tay phùng mang lóc dưới sình, những con cá lóc kèo cửng nhảy vọt, chúng tôi rượt đuổi tranh nhau. Đứa nào bắt được tay đưa cao con cá miệng cười hô hố.

Đến khi ruộng khô thì đánh trỏng, đá banh, thả diều.  Tuổi thơ  lũ chúng tôi trãi dài trên từng tấc đất ngày này qua ngày khác, năm này qua năm nọ. Trên mãnh ruộng thân thương này cũng là nơi nằm nghĩ của bạn bè họ hàng thân tộc.

 

Đối diện với nhà Cô Chín Xô, Chú Hai Cám cho đào ao đấp nền nhà, sau đó cất ngôi nhà ngói ba gian và tiệm cám. Cái ao nước hình chủ nhật sát phía sau nhà mỗi buổi sáng ánh nắng rọi xuống ao chiếu lên vách  những vệt sáng lung linh kỳ ảo, thầy địa lý cho là xấu lắm, công việc làm ăn đang phát đạt thấy rõ. Một ngày nọ, Chú phải đi lấy cám ở trên Cây Lậy - Mỹ Tho, thời đó Bắc Chợ Gạo còn kéo tay nên tốn rất nhiều thời gian đi về. Khi xe đò lên đến Thạnh Trị thì việt cộng đấp mô, chờ lâu không thấy lính đến giải tỏa, sợ đi về trong ngày không kịp chú xuống xe đi bộ qua mô đất, người ta nghe tiếng chốc chùm trong xóm xa vọng ra Chú Hai ngã xuống. Mấy ngày sau nơi Chú ngã xuống một cái miếu nhỏ mọc lên ven đường.

Định mệnh kỳ lạ làm sao, trước tiệm cám có khoảng sân rộng để xe vào lên xuống hàng, giáp ranh với nhà Cô Tám Kiểu có trồng cây chùm ruột rất sai trái, trong một đêm phục kích lính kéo xác một tên việt cộng bỏ nằm gần cây chùm ruột. Nghe nói tên này là tỉnh uỷ viên đêm lén về thăm nhà bị bắn chết, trên ngực áo dắt đầy viết phải trên 10 cây Paker, loại viết mà Phan Nhật Nam tả Võ Đông Giang sử dụng giữa cuộc họp bốn bên trong quyển truyện “ Mùa Hè đỏ lửa”, lũ học trò chúng tôi nhìn xem thèm thuồng.

 

Sau khi nhà Hai Cám được cất,  Chú Hai sửa xe đạp sang lại miếng đất của Chú Mười Giả cất một căn nhà lá ba gian rất khang trang. Bên hông nhà dọc theo con lộ đi Bình Ân còn khoảnh ruộng, là khu mặt tiền chợ hiện nay Chú Mười Giả trồng rau muống

Chú Hai sửa xe đạp dạy con rất nghiêm khắc đứa con trai duy nhất tên Cần mỗi lần trốn chạy chơi với chúng tôi về là bị đòn ngang đòn dọc, thật là tội nghiệp, bạn bè chẳng dám đến gần, sợ bạn bị đòn. Bạn ngồi trước cửa nhìn chúng tôi chạy giỡn với ánh mắt thèm thuồng tội nghiệp.

 

Hẻm Đồ Chiểu đi vào đến nhà Bác Ba Núm quẹo trái, ngay chổ cua quẹo dưới ruộng là một chòm mả to, Chú Tám Méo đào ao lấy đất đắp nền và cất một căn nhà lá nhỏ, lại cũng cái ao lấp lánh ánh nắng buổi sáng chiếu rọi vào nhà, một buổi chiều nghe tiếng la làng dậy xóm người ta võng lên bệnh viện Chú Tám đã ra đi, nghe thiếm Tám nói Chú Tám bệnh Suyễn, lên cơn không chửa kịp, cũng tại căn nhà này Thiếm Tám bị “ trúng gió” làm méo miệng nên có biệt danh là Tám Méo từ đó.

 

Anh Ba Đực con chú Mười Thành làm bên Trường Tiền, lại cũng đào ao lấy đất đấp nền phía sau quán Chú Mười cất nhà dọc theo hẻm, nhà ngói rất bảnh.

Rất nhiều con, nên chị Ba bán chè trôi nước, trưa trưa gánh chè đi bán quanh xóm, mỗi lần nghe tiếng rao “ siêu …nước…h..ô..n “ của chị, bọn tôi thèm nhỏ nước miếng, chẳng biết bánh có ngon không nhưng tiếng rao sao đặm đà ngọt lịm !

 

Chị Ba gà, đón mua bán gà vịt mỗi sáng thường ngồi trên ngã tư cạnh nhà Cậu Mười Niềm nhận thấy một số người ở Tân Tây, Bình Ân đi thẳng đường Hộ Mưu lên chợ nên cho con gái xuống mua hàng trước của nhà Chú Hai xe đạp.

 

Người dân quê chỉ có lúa, ít ai có tiền, cho nên việc trao đổi lúa để lấy hàng hoá với nhau là bình thường. Làm con heo 1kg thịt được quy ra bao nhiêu kg lúa, thế là người ta đem lúa đổi lấy thịt. Những khi cần đi chợ khuya ra chuồng bắt một vài con gà, vịt cho vào giỏ hoặc đem theo mớ trứng gà,  trứng vịt, trên đường đi ghé vào điểm mua gà vịt nào đó bán lấy tiền, lên chợ mua hàng, các điểm mua gà vịt ép giá người bán, sau đó ép cho gà vịt ăn, họ dùng ống bơm, bơm thức ăn vào cân nặng đem bán lại.

Chị Ba gà sau đó thấy giữa nhà Chú Hai xe đạp và Chú Hai Cám còn khoảng ruộng trống có chòm mả nhỏ, thuê xe bò chở đất cất lên căn nhà ngói nhỏ ở đây cho tiện việc mua bán.

Như vậy toàn thể  vỏn vẹn chỉ có 7 căn nhà và 6-7 chòm mả trên miếng ruộng này. Hàng rào nhà bít kín đường vào ruộng khó khăn, sân chơi chúng tôi được dời xuống khu ruộng trước nhà máy xay lúa, hoặc chơi ké với các bạn bên Xóm Nhà Thờ trước Thánh Thất Cao Đài trên đường Hộ Mưu, những nơi này các trò chơi đá banh, đánh trỏng, thả diều được người đi đường hưởng ứng đông vui mỗi chiều.

 

Ngày cộng sản vào thành phố, nơi an giấc nghìn thu của các vị tiền bối chúng ra lệnh đào, cuốc đem đi nơi khác. Ba và Nội tôi được bốc lên dùng củi đốt tại chổ cho xương vào hủ đem về nhà thờ.

Mồ mả đã di dời bãi đất bỏ hoang rất lâu, tình cờ đi thăm người bạn nuôi tôm ở Vàm Láng tôi trông thấy ngôi chợ Long Thuận trên mãnh đất nhiều kỹ niệm này.

Biển quá cồn dâu. 

 

Cao Thệ

IP IP Logged
cao the
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 15/Jul/2011
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 589
Quote cao the Replybullet Gởi ngày: 01/Feb/2012 lúc 10:30pm

CHĂN VỊT

 

 

Trước Tết vừa rồi tôi về Bình Phú Đông đi chăn vịt chạy đồng với anh em thằng Quang con Chú Năm Mạnh, Ba thằng chúng tôi ngủ trong chòi y như con nít chơi, cắm mấy cây cột gát lên nóc mấy cọng lá dừa cho thêm ít rơm trên nóc, dưới đất lót một lớp rơm dầy để ngủ, cái mùng , cái mền gối ngủ đen thui, mọi sinh hoạt đều ở bên ngoài chòi.

Mùi phân vịt, mùi mùng mền hôi không chịu nổi, tiếng vịt oan oan suốt đêm ngày thế mà ba thằng đều an nhiên tự tại.

 

Sáng sớm gió heo may lành lạnh, thằng Quang thức dậy công việc đầu tiên nhổ tấm lưới,  bầy vịt cả ngàn con tranh nhau ra chuồng tiếng kêu cạp cạp vang một góc trời, tôi đang cuốn mình ngủ nướng vội chui ra khỏi tấm nóp nhìn bầy vịt trắng phau đang bơi lội, thi nhau quạt cánh rỉa lông, rỉa mồi kiếm ăn ven ao.

 

Mặt trời đỏ rực nhô lên sau dãi lá dừa nước hàng cây ven sông, sương mù mờ mịt cả một vùng ánh sắc đỏ hồng điểm tô trời nước.

Máng vội chiếc nóp ướt sương đêm lên hàng rào, tôi chọp cây gáo múc nước cho vào miệng xúc qua lại, vuốt hai bàn tay ướt lên mái tóc. Công việc hằng ngày mà tôi khoái nhất cầm nhanh cần xé đi vào chuồng, trứng vịt trắng như những hòn đá cụi đầy khắp. Quang và tôi nhặt cho vào hơn nữa cần, phải 600-700 trứng đêm nay.

Anh Quý lum khum dội nước làm vệ sinh mấy nắp máy, xong vác bao lúa đổ vào cho vịt ăn, thằng Quang nói với tôi vì mùa đẻ trứng phải cho ăn dậm thêm, xong việc anh lên  ngồi trên bờ lộ nhìn bầy vịt xôn xao tranh ăn, phì phèo nhả khói thuốc  nói:

- Tụi bây áo, nón đầy đủ chưa sáng sương mù kiểu này trưa nay nắng như đổ lửa.

Mỗi người chúng tôi cầm một cây trúc dài đầu buộc tấm vải lòng thòng dùng để lùa vịt, lên ngồi trên mép lộ ngó mong.

 

Mờ mờ hình bóng người đàn bà vai quảy gánh thong dong “ Bánh mì đây !”

Lũ con nít hai bên lộ nghe tiếng rao thèm nhỏ dải, đây là thực phẩm quý hiếm chỉ phục vụ cho người giàu có. Buổi sáng ôm tô cơm nguội ăn với cục đường tán đã là cao cấp rồi, nhiều đứa chỉ uống gáo nước lạnh óc ách bụng là xong buổi sáng ôm tập chạy u đến trường !

Bác Tư trong bộ bà ba đen vá chi chít trên vai, đặt gánh xuống. Tay cho vào bao bố miệng hỏi : Mấy ổ đây ?

Anh Quý đáp gọn hơ: 6 ổ

Bàn tay nám đen gầy guộc lôi ra 6 ổ bành mì “ Pa gết dài lòng thòng “ cười híp mắt:

-         Nóng hỏi nè.

-         Lạnh tanh ! Bao nhiêu ?

-         Một chục.

Kể cũng hay hay, ngoài chợ chục là 10 ở đây chục 14, giá cả không đổi.

Thằng Quang đếm đúng 14 trứng vịt giao cho Bác Tư.

Bác Tư nhà trong xóm với thằng Quang chồng chết để lại 3 đứa con nhỏ,  bác buôn bán nhọc nhằn nuôi con. Hằng ngày 1-2 giờ khuya Bác đã thức dậy gom những món hàng Bác đổi được ngày hôm qua đi chợ sớm để bán, lấy tiền mua bánh mì, bỏ vào 2 bao bố đặt trên 2 thúng, Bác gánh đi từ Chợ Gò qua Long Chánh, Bình Công, Bình Phú có hôm ế bác đi đến nhà quen tận đâu Đồng Thạnh đổi gạo lấy bánh, thật là vất vả.

 

Thằng Quang chiên trứng vịt kẹp vào bánh mì nó chia mỗi người hai ổ

Tôi được ưu tiên đi trên đường lộ dọc theo ruộng, Quang bì bỏm đi trước, lùa vịt tránh những thửa ruộng chưa gặt, anh Quý lội nước đi phía sau, người đi sau đàn vịt phải tinh ý, nhanh mắt, thính tai. Trên những cánh đồng lúa đã được gặt xong gốc rạ cao ngất, chứ không như những gốc rạ  bây giờ được cắt tận gốc,  ban đầu vịt len lỏi đi dưới những gốc rạ, cả đàn cứ quần qua quần lại riết, những gốc rạ ngã rạp xuống có nơi khắn dưới bùn sình. Người làm ruộng thường đốt các gốc rạ làm phân bón ruộng mùa sau, nên vịt vào ruộng thường chủ ruộng không vui.

Người xấu đào những hố sâu nho nhỏ vịt đi qua lọt xuống thế là mất. Tinh mắt để nhìn thấy trứng vịt đẻ rớt, thính tai để nghe tiếng kêu những con vịt đẹt lạc bầy, bị nạn kẹt lại đâu đó.

Long nhong trên lộ, tôi thích nhìn những em học trò nhỏ gặp người lớn nào cũng  đứng nghiêm khoanh tay lễ phép chào hỏi, duy nhất ở Gò Công làng Bình Phú Đông dài lên Đồng Sơn các học sinh được Thầy Cô giáo dục như vậy, một nét đẹp văn hoá, để theo kịp thời đại mới hiện giờ đã mất đi !

 

Chúng tôi ngồi trên bờ móng quan sát đàn vịt ăn kêu cạp cạp, rào rào dưới những góc mạ, chợt tôi bắt gặp con vịt có bờm màu trắng trên đầu từ dưới gốc rạ bay lên rượt đuổi con cào cào, châu chấu gì đó, bổng tôi nhớ đến cô học trò ngang bằng tuổi vừa chia tay, nhớ đến Tươi thằng bạn mập ú trắng bóc, nhớ đến những ngày tháng vui đùa ngắn ngủn qua mau, bất giác thấy buồn trong lòng. Tôi chợt thèm có cha mẹ bên đời như bạn tôi, tôi chợt thèm cuộc sống bầy đàn, như đàn vịt dưới ruộng kia.

Mới ngần tuổi đầu trong thời gian chẳng là bao tôi đã thắm thía nhiều cuộc chia ly

-         Cuộc chia ly với Ba tôi vội vã đến không ngờ

-         Chị em chúng tôi tan tác như đàn vịt vỡ bầy

-         Giữa tôi và mẹ làm thành nổi nhớ kéo dài không biết đến bao lâu !

-         Gần đây nhứt, hai đứa học trò những người bạn trẻ thơ trong sáng như chiếc phao cuối giữa dòng đời cũng bị lấy và cuốn trôi đi biền biệt.

Ngồi bên bờ quạnh hiu này nghĩ đến cuộc chia ly đã ra đi hình dung những cuộc chia ly sẽ tới lòng dâng lên những nỗi niềm chua xót, bất giác hai dòng lệ nóng trào dâng!

Thằng Quang ngồi bên hút sáo tía lia tay bẻ nhánh lứt cạo bùn sình dính trên bắp chuối, từng vệt sình rơi xuống đóng thành giề,  thấy tôi quẹt mắt nó lăng xăng hỏi ;

-         Cái gì vậy ?

-         Con gì bay vô mắt tao !

Trong một không gian thời gian như nhau, hai thằng hai tâm tư khác nhau, tôi chạy đuổi theo những tình cảm xa lơ xa lắc, thằng Quang thực tế hơn cạo sình dính chân, vì vậy một thằng buồn khổ, một thằng khoan khoái yêu đời !

Phải chăng, Hạnh phúc là sống ở phút giây này tại đây ? Krisnamurti đã nói như vậy.

 

Tiếng chị gái Quang gọi như hét trên lộ

- Quang … Quang … Quang lên lấy cơm nè, hôm nay đi xa vậy, … kiếm mệt muốn chết !

Hai thằng tôi chạy u lên đường

Ba thằng quây quần dưới bóng mát cây me, bên thúng cơm nóng hỏi, trời chói chang ánh nắng, không một chút gió, ăn cơm mà như rượt đuổi vịt khi chúng xông vào những ruộng lúa chưa gặt, ba thằng mồ hôi chảy xối xả ướt cả mặt mày, áo xống !

Nghề nuôi vịt chạy đồng rất vất vả, cực nhọc, phải ăn bờ nằm bụi, dầu dải lăn lóc với nắng mưa, gió rét từ lúc mới bắt vịt con về cho đến lúc bán đi.

Mùa gặt, ruộng có nhiều những cua, cá, cào cào châu chấu và lúa đổ trên đồng, người nuôi vịt chạy đồng giảm bớt chi phí thức ăn. Nhưng cuối năm dịch hoạ nguy hiểm luôn rình rập đối diện hằng ngày, bầy vịt cả ngàn con  nếu chậm giải quyết người nuôi vịt trắng tay chỉ mấy ngày sau đó.

Gia đình Quang theo nghề nhiều đời truyền nối, bí quyết tuyển chọn vịt giống, chăm nuôi không người kinh nghiệm bằng, nhưng bệnh dịch chẳng chừa một ai ! vệ sinh chuồng trại, thay đổi liên tục nhưng bệnh đến cũng bó tay, nợ từ đợt nuôi trước kéo dài đến đợt nuôi sau như món nợ trần ai nối truyền nhau phải trả.

Nghề đi liền với nghiệp

Cao Thệ



Chỉnh sửa lại bởi cao the - 01/Feb/2012 lúc 10:34pm
IP IP Logged
cao the
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 15/Jul/2011
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 589
Quote cao the Replybullet Gởi ngày: 26/Feb/2012 lúc 10:17am

CẮM CÂU

----o0o----

 

Thằng Cai ngồi bẹp dưới đất, bành hai chân bên đóng dăm tre nó vót cần câu cắm.

Tay trái cầm cây mác dài sọc ngón trỏ được quấn vãi kín mít, kẹp thanh tre vào giữa lưỡi mác và ngón tay. Tay phải cầm thanh tre kéo tới kéo lui thật điệu nghệ, dăm tre uốn cong lên như người thợ mộc đẩy bào gổ, dăm bào thi nhau cuốn lên .

Lũ chúng tôi thường chọc nó “ Tay trái bóp d…không đau”, nhưng trong trường hợp này tôi thấy bàn tay trái của nó siêu thật, chỉ cần 4 - 5 lần kéo tới kéo lui mà người ta gọi là vót, một cây cần câu cắm hình thành, đầu cần câu dịu ngoặc, tôi vót sơ vài cái dưới chân cho nhọn để dể cắm xuống đất và gọt trên đầu cần mấy nhát để buộc cho dây gân khỏi tuột là xong. Công nghệ làm cần câu cắm của hai thằng tôi “vươn lên tầm cao mới” nói theo kiểu mấy anh, mấy chú hiện giờ.

 

Chúa nhật trốn không đi Nhà Thờ, hai thằng chui vào bụi tre gai, nó chọn cây tre già trong kẹt, phải dọn những nhánh gai dài sọc, nó bảo phải cẩn thận kẻo gai tre mà đâm vào thì độc như rắn cắn, tôi bảo:

- Mầy sạo vừa vừa thôi

Nó nhìn tôi bằng ánh mắt chê bai, thuộc hàng chẳng biết gì rồi nó giảng một hơi

- Rằng, ngày xưa Chúa chỉ cho duy nhất một loài rắn nước là có nọc độc, các loài khác thì vô tư.

Một hôm trong làng  thằng bé tên Chẳn tắm ao vô tình bị chú rắn nước cắn, nộc độc theo máu làm tim ngừng đập, Chòm xóm thấy la làng lên “ Bà con ơi rắn cắn thằng Chẳn chết”. Sau đó người lớn vớt xác đưa lên bờ.

Vào thời đó thú vật đều biết tiếng người, con rắn nước đang núp trong bụi gai tre nghe thế nó nghĩ cắn không chết ta giữ làm gì bèn phun bỏ hết nộc độc, những loài rắn nghe thế tốc hành tiến về bụi tre tranh nhau liếm hết chất độc đó. Từ ấy rắn nước không còn độc nữa, Rắn thi nhau liếm hết nhưng chất độc vẫn còn ít nhiều trên tre, thành thử gai tre rất độc, bị gai đâm nhức thầu xương.

Tôi nghe chuyện phục lăn và cho nó thuộc vào hàng đỉnh cao trí tuệ loài người

Tỉa các nhành gai xong đến phần đốn, tre già cứng như sắt mẻ dao như chơi. Sau cùng cũng hạ được. Cây tre nhiều cành nhánh, nhánh cây này dan díu với nhánh cây kia hai thằng dùng hết sức chỉ kéo ra được chút ít, thằng Cai nó càm ràm hết biết. Tôi chạy đi gọi thêm thằng Long, thằng Bình tiếp cứu

Thằng Bình sức lực như voi một mình nó cây tre muốn chịu phép.

- Tao kéo cây tre ra tụi bây phải cho tao 2 khúc, không cho thì tao về.

Cai quạo lên mấy khúc cũng được, cả bốn thằng kéo được cây tre ra khỏi bụi phải đổ mồ hôi hột

Sau khi tỉa cành bỏ đầu cưa ra cũng được 6 khúc dài 7 tấc

Thằng Bình trở chứng không chịu lấy khúc nào bảo rằng:

- Chọc tụi mầy chứ lấy làm gì.

Tổ hợp cần câu cắm giữa tôi và Cai được phân công như sau:

- Cai làm cần câu

- Tôi chịu dây gân và lưởi

Mua lưởi câu về Cai chê lưởi câu như hình cái móc thùng gánh nước, cá ăn mồi chứ không ăn câu, phải uốn lại như hình quả trám mới được. Nó dùng kềm điện kẹp lưỡi câu cho vào bếp lửa đến màu đỏ lấy ra để uốn, tay trái mà khéo như nó lũ chúng tôi ai cũng chịu thua, 5 – 6 chục lưởi câu giống nhau như một, thật là tài.

Câu cá rô lúc chúc, cá lốc kèo cửng bằng ngón chân cái là mừng, mà nó làm như câu cá thu cá mập.

 

Mồi câu nó bảo, trùng để câu cá trê, mồi tôm dùng câu cá rô, mồi nhái câu cá lốc, nó y như dân chuyên nghiệp cắm câu vậy.

Đào trùng nó chọn loại trùng hổ to mập, đầu ánh sắc xanh mới bắt

Hông nhà tôi có hai mương ngày trước ba tôi đào, vớt cá Phi con thả xuống để bán, bây giờ tôi trồng rau muống cắt bán cho Bà Tư Lang, những buổi chiều mưa mát trời lũ nhái bầu núp dưới lá bắt cặp kêu “ngắc … ngan”  om trời đất, tôi bắt cho vào khạp.

 

Ôm cầu câu ra nhà tôi Cai nói đêm nay cắm câu, thế là lui cui móc mồi trùng, nhái thì cho vào giỏ ra đến ruộng sẽ móc vào lưởi câu

Chuẩn bị xong phải đợi trời tối hai thằng mới vác cần câu đi, đi sớm sợ các chiến hữu thấy chúng sẽ phỏng tay trên.

 

Thiệt là sui xẻo, chúng tôi đi vào khu vực gò mã là chợ Long Thuận hiện giờ bằng ngã vườn chú Mười Giả, những điểm chúng tôi chọn đã có người cắm trước rồi, lội dọc theo chòm mã đi lên hướng nhà máy xay lúa để lên lộ hai thằng theo đường Hộ Mưu đi đến cống lấy nước xuống bờ ruộng của Bác Tư Xung đi vào chòm mã thứ nhì.

 

Thằng Cai nói đây là đường nước chảy vào ruộng lủ cá tôm thường tụ tập kiếm mồi, cấm câu là tốt nhất.

Tôi chợt nhớ đến hai ngôi mã vừa mới chôn mấy ngày nay, tự dưng nổi da gà môi đánh bồ cạp, nghe lóc cóc Cai hỏi

- Bộ mày lạnh hả

- Thấy hai mã mới chôn tao lạnh giò quá

 

Thằng Cai nó chỉ tôi, co ngón cái vào lòng bàn tay bốn ngón còn lại quập vào vì ma dẩn đi, nó nắm ngón tay cái của mình. Nó không tìm được ngón cái là mình thoát. Còn nữa miệng phải đọc câu Thần Chú là: “ Giê Su, Maria, Juse ” sẽ đuổi ma chạy có cờ,  ba nó đã truyền cho lúc đưa má nó đi bệnh viện rồi một mình phải về nhà ngang qua cây me ông Thân Bính và khu nhị tỳ ở Cầu huyện mà chẳng con ma nào dám hó hé, bây giờ nó truyền lại cho tôi.

 

Trời ơi đi cắm câu mà nó bảo nắm hai bàn tay lại có ngộ không, làm sao móc nhái, làm sao cắm câu. Tôi ngồi gần bên mả, bắt từng con nhái móc vào lưởi câu miệng lầm bầm câu thần chú “Giê Su, Maria, Giu Se”

 

Thằng Cai dặn tôi phải móc lưởi câu vào cuối xương sống của con nhái, không chạm vào tim gan phèo phổi nên nhái sống dai, khi cắm câu canh cho con nhái vừa chạm mặt nước để hai chân sau nó tống nước gây chú ý cho cá

Bạn bè đứa nào cũng giỏi chỉ có tôi chẳng biết thứ gì.

Bắt đầu từ gò mả cắm dài đến Thánh Thất Cao Đài, Hai đứa lên cống trước nhà Bác Năm Truyện rửa giò theo đường Hộ Mưu trở về nhà.

 

Thằng Cai ngủ nhà tôi, khuya thức dậy sớm đi thăm câu.

Hai thằng nằm trên giường nói chuyện trên trời dưới đất, đói bụng Cai hỏi

- Mày còn cơm không

- Tao nhớ còn một ít

Nó xuống bếp bưng nồi cơm lên, nhưng không thấy thức ăn liền hỏi

- Ăn cơm với gì ?

Tôi trả lời tỉnh queo

- Với nước mắm, nhưng hết rồi.

Đợi tao một chút, nó chạy u về nhà đem ra một gói mắm sặc tổ bố

- Ông nội, để dành ăn sống hoặc chưn cơm mà ăn

Mắm sặc mà ăn với cơm nguội thật là bắt, loáng một cái sạch sẽ nồi cơm

Một gáo nước lạnh, no kềnh bụng hai thằng lăn ra ngủ tới sáng.

 

Chạy vội ra ruộng, gần 50 cây cần câu không dính một con nào, thằng Cai bảo:

- Mình bị tụi nó gở trộm rồi!

Quăng bó cần câu dưới sàn giường tôi ra sau nhà xuống đìa bập bởm vài cái, cho hai ống quyển sạch bùn rồi vội cột của, ôm cặp chạy miết đến trường.

 

Tối nay thằng Cai nói hay là mình vô xóm bờ kinh cấm câu, khu vực này không ai chú ý, lại né được mấy thằng phá đám.

Hai thằng cằm cây đèn soi nhái ven theo những bờ ruộng, khu vực này chúng tôi thường xuyên đi bắt dế nên rất thân quen, nền đất bỏ hoang nằm gần kinh Cầu Huyện, thằng Cai quan sát một hồi rồi nói ở đây có cá lốc  mình móc mồi nhái và mồi trùng.

 

Trên đường về, hai thằng vẽ hưu vẽ nai viển ảnh xách giỏ nặng đầy cá và bửa cơm canh chua, cá kho đang chờ sáng mai mà thèm chảy nước miếng.

Rút kinh nghiệm đêm rồi hai thằng không ngủ, hết ngồi nói dóc rồi lấy bài ra học, rồi ngồi nói dóc chẳng đứa nào dám ngã lưng.

Cứ bàn đến nồi cháo cá đải bạn bè tối mai, tô canh chua bông so đủa, ơ cá kho mà nôn.

 

Tôi cột cửa xách giỏ cằm đèn, hai thằng đi bộ đến nhà Bác Bảy xay hàng sáo mới dám xẹt hột quẹt thắp đèn.

Bác Bảy đang sàng gạo trong nhà nghe tiếng nhỏ to ngoài đường hỏi vọng ra

- Ai làm gì ngoài đó

Cai nhanh nhẩu trả lời

- Tụi con đi cắm câu

Bác Bảy tưởng chúng tôi cắm câu ở đìa của nhà bác

- Cá tao nuôi, tụi bây cắm câu, ngon quá há !

Hai thằng vừa đi vừa chạy, ngọn đèn phùn phực ánh lửa chao tới chao lui

Lại qua khu vực trường gà nhớ anh Minh anh Mẫn, con đường đi nhểu đầy vết máu ngày trước, tôi lại rùng mình da nổi gai

- “Giê Su, Maria, Giu Se”, “Giê Su, Maria, Giu Se”, “Giê Su, Maria … ”.

 

Hai thằng đi như chạy trên bờ móng dẫn vào khu vực nền nhà bỏ hoang.

Dưới góc cây Muối cây cần câu đầu tiên, rọi đèn tìm hoài không thấy, cây thứ hai, cây thứ ba ….. không thấy luôn !

Cả ba mặt của nền nhà hơn 50 cây cần câu chẳng còn cây nào, tôi ngồi một chổ bên cây đèn dầu buồn não ruột, chợt nghe thằng Cai la thất thanh từ lùm cây mây chạy ù về phía tôi, như cái máy đã lập trình sẳn miệng tôi :

- “Giê Su, Maria, Giu Se”, “Giê Su, Maria, Giu Se”.

Thằng Cai ú ớ ngồi sát vào tôi, tay chân run bần bật, miệng nói chẳng nên lời:

- M…a, m..a … ma

Tôi sợ muốn té đái trong quần, nhưng làm bộ tỉnh

- Đâu, ma đâu

Một lúc sau Cai bảo:

- Một cái đầu lâu trắng toát, toòng ten … toòng ten.

Trong bụng tôi nghĩ thằng này sạo, định nhát ma tôi . Ỷ lại vào câu thần chú nó cho, tôi nói:

- Tao mầy đến xem nào

Cai nói, khi nảy đi tới lùm cây mây, thấy cần câu tao bèn nhổ lên cần câu nặng quằn, dở lên thấy đầu lâu trắng toát tao quăng lên bờ, dười ánh đèn dầu leo lét, tôi nhìn thấy cục gì trắng toát trước mặt.

- Đây rồi.

Tôi bạo gan lượm lên, hoá ra đây là trái dừa điếc ai lấy vôi ăn trầu trét lên trắng toát móc vào lưởi câu, trời đêm tối đen mới nhìn như đầu lâu trắng toát.

Xin bái phục vị nào giấu cần câu cơm của chúng em.

Một ngày Chúa nhật, tiền bạc công sức đầu tư vào, bao mơ ứơc nhỏ nhặt đời thường gởi gắm vàơ hơn 50 cây cần câu cắm, đổi được trái dừa điếc bôi vôi.

 

Cao Thệ

 

 

 

 



Chỉnh sửa lại bởi cao the - 26/Feb/2012 lúc 10:35am
IP IP Logged
cao the
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 15/Jul/2011
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 589
Quote cao the Replybullet Gởi ngày: 08/Mar/2012 lúc 9:51am
                                             CỘ ĐÈN.

Năm nào đến dịp lễ Tết Trung Thu chị tôi cũng mua cho chiếc đèn xếp với mầy cây đèn cầy đỏ lòm cở ngón tay bỏ vào túi áo. Tôi vốn vô tích sự lại vụng về, chị tôi nói vậy. Năm nào không bị mưa ướt nhẹp thì cũng bị cháy mất xác do cây đèn cầy ngã. Năm nay tự do hoàn toàn tôi chọn cho mình một chiếc đèn vừa ý nhất.

                                                         

*

 

Thằng Long bảo :

- Mày làm chiếc tàu đi dễ ẹt hà !

Tôi đâu khéo tay như thằng Cai với thằng Hai Néo, chiếc tàu, con rồng của chúng nó là có sự tiếp tay của ba và anh. Tôi quyết định chọn làm lồng đèn ngôi sao 5 cánh … đơn giản mà dễ. Lấy giấy vẽ hình ngôi sao chăm chỉ đếm từng gạch dài ngắn trên tấm giấy vẽ,  có tất cả 10 thanh tre dài và 5 thanh ngắn.

Tôi lật chiếu lên,  nại tấm vạt giường bằng tre, chẻ nhỏ ra nhiều thanh và vuốt sạch sẽ.

Giai đoạn 1, ráp 5 thanh tre lại thành hình ngôi sao, sau cùng ráp hai khung ngôi sao lại, rồi lầy kẻm buộc hai đầu lại với nhau, thằng Long mau tay cởi mấy sợi thun đang đeo trong cườm tay nó ra quấn thật chắc.

Giai đoạn 2, cho 5 thanh nhỏ chống hai khung tre hình ngôi sao vào, rắc … rắc … rắc 3 thanh gãy ngang, 5 thanh để làm ngôi sao do không đủ chiều dài, ngôi sao tròn vo mập ú, không giống ai, thằng Long bảo :

- Tấm vạt giường của mầy lâu quá nên tre giòn dễ gãy, thôi bỏ đi.

 

Tôi vào nhà anh Chín Đức nan nỉ anh bán cho cây trúc , đi với anh Chín ra sau vườn thì gặp bọn phá nhà gồm thằng Rọt Nổ con Bác Mười, thằng Tư Niếng, thằng Năm mỏ nhọn, chúng nó đang lội dọc theo con rạch nhỏ chặt cốc kèn. Cười nói vang rân !

Chào tụi nó rồi vác cây trúc về nhà, tôi chia làm hai phần, phần gốc làm lồng đèn, phần ngọn làm cần câu.

Thật là tiện lợi không phải bỏ thời giờ ngồi vót tre cả buổi sáng, trúc chỉ cần chẻ ra là xong, kinh nghiệm đã làm qua nên nhanh chóng hoàn thành khung ngôi sao, bây giờ đến phần dán giấy.

Thằng Long nói:

- Phải mua giấy kiếng dán vào mới đẹp, chứ giấy bao tập xấu lắm. Giấy kiếng này chỉ có ở quán Năm Châu ở ao Trường đua, hoặc lên chợ.

Cằm cuộn giấy kiếng và gói bột trên tay hai thằng tôi vừa đi vừa chạy, buổi trưa mà trời ui ui, mây đen vần vũ, đài khí tượng Long nhìn trời quan sát một lúc rồi thông báo:

- Tối nay trời mưa

Tôi hỏi :

- Sao mày biết

Nó đáp tỉnh rụi

- Năm nào cũng vậy !

Cái thằng này miệng ăn mắm ăn muối nói linh lắm, tối nay mưa thiệt chứ phải chơi !

Về đến nhà, Long lấy gói bột cho vào chảo đổ nước quậy làm hồ dán

Cái phần dán giấy tưởng dễ hoá ra lại khó, cắt giấy phết hồ vào, cầm giấy dán lên thanh trúc, giấy tuộc lên tuộc xuống nhăn nheo, dán được một tấm thật là trầy vi tróc vảy chớ phải chơi sao !

Sau cùng thằng Long đề nghị là mình phết hồ lên thanh trúc rồi dán giấy lên  dể hơn, tôi lúc nào công việc gì cũng dở hơn các bạn, hoan hô Long.

Hai ngôi sao một màu xanh và một màu đỏ. Do phết hồ nhiều, lồng đèn màu xanh của tôi giấy kiếng nhăn nheo trông xấu quắc, Long nói mình thắp đèn cầy lên hơi nóng sẽ làm giấy căng ra, mà y chan như vậy ! Long thật là tài.

 

Hai thằng ngồi chống tay lên càm nhìn trời mưa rầu nảo ruột, nhìn cặp ngôi sao đẹp hết biết, không chừng chấm giải phải được giải ba giải tư gì đó, nhưng rủi mà không trúng giải cũng không sao phen này thằng Phước, thằng Dũng, thằng Tươi đám công tử bột chuyên xài đèn mua lát mắt hết.

Nôn nóng đợi giờ đi hai thằng van vái trời đất cho hết mưa, trời hết mưa.

Tụi nó gọi nhau ơi ới ngoài đường, hai thằng tôi cầm đèn dọt lẹ, chương trình đi cộ đèn được thông báo 6 giờ tối tập trung ở trường Nam Tiểu Học, đi cộ đèn vòng vòng chợ, sau cùng tập trung ở Sân Vận Động xem văn nghệ

 

Cái lũ phá nhà do thằng Rọt Nổ làm chúa đảng dẫn theo thằng Tư Niếng và Năm Mỏ Nhọn, tôi nghe tiếng các trò ở Gò Tre đi ngang la lên:

- Chơi gì kỳ vậy, chơi gì kỳ vậy !

- Đèn tao bị bằn thủng rồi !

À thì ra đám phá nhà vào vườn Anh Chín Đức chặt cốc kèn, cốc kèn là một loại dây leo mọc hoang dọc theo bờ sông lủ chúng tôi chặt khúc cở 4 phân bẻ lại thành hình chử V kẹp vào ná thun bắn lộn, bị bắn trúng da nổi đỏ bầm hình chữ V đau thấy mồ tổ. Hôm nay tụi nó không dùng ná chơi kiểu du kích  đứng dọc theo  bên đường, lấy 2 sợi thun móc vào đầu ngón tay trỏ và ngón giữa kẹp đạn cốc kèn … chéo chéo… bịch bịch.

Qua khỏi cống, mấy cha giang hồ ở mé sông thì chọi đá, các bạn đưa thân ra vừa đở vừa chạy. Con đường đem được lồng đèn đến trường quả thật quá nhiêu khê. Đến bây giờ tôi thấy mấy chị tôi thiệt là giỏi bỏ tiền vào túi đi một hơi lên chợ mua lồng đèn xếp, mấy cây đèn cầy thế mà hay.

Đi vừa tới nhà Ông Thân Bính trời bắt đầu nhiểu hột, chúng tôi vội chạy núp vào cổng , tụi nó bảo là mưa mây làm cái rào rồi dứt.

Trăng vừa lên tròn như cái thúng đỏ rực trời đông soi rỏ những vầng mây đen hùng hổ vội vả bay ngang. Tới nhà Ông Phán Đờn xa xa trên trường Bà Phước những chiếc đèn đủ màu sắc như những vì sao trên trời di chuyển ngang dọc thật là đẹp, thúc dục đoàn người chúng tôi mau bước. Tôi nói

- Long mình thấp đèn lên.

Nó bảo

- Thắp đèn tụi nó bắn hư đèn sao

Qua khỏi trường Bà Phước mưa nặng hột, chạy vội vào đục mưa dưới 2 cây cầu nhảy ở piscine, mưa tạt tứ lung tung khom người ôm đèn chịu trận, mỗi cơn gió thổi ngang qua nước trên mấy cây dương rớt xuống rào rào.

Mưa cũng vội tan ôm đèn chạy nhanh vào trường, các lớp xắp hàng đi ra cổng hướng về chợ, chợt có nghe tiếng ai gọi tôi, hoá ra thằng Hai Néo nó bảo không có điểm danh đi lớp nào cũng được. Đi ở ngoài hàng vui hơn, nghe theo lời dụ dỗ của nó tôi thắp đèn cầy gắn vào đèn ngôi sao thì ra nước mưa làm nhảo hồ dán, giấy kiếng rớt mất mấy miếng, ngọn đèn bị nước mưa văng nghe xèo xèo. Chợt thấy Hai Néo cầm đèn xếp bèn hỏi:

- Chiếc tàu mầy đâu rồi ?

Nó bảo

- Đứng trước bưu điện bị mấy anh lớn lấy chạy mất rồi, con rồng của thằng Cai bị mưa rả hết không biết nó đi đâu mất !

Bọn tôi nhập vào đoàn học sinh, quẹo cua qua đường Hai Bà Trưng trước nhà Đốc Phủ Hải bị mấy anh lớn chọi đá hoặc phá cho rách đèn  tôi là nạn nhân trong những nạn nhân. Bọn con nít có đèn đẹp phải chen vào giữa để lánh nạn

Khi chúng tôi đến gần phòng Thông Tin,  mưa đổ xuống ầm ầm mạnh ai nấy chạy tìm chổ đục mưa. Đoàn người rồng rắn xách lồng đèn đầy màu sắc vừa đi vừa hát vang … bóng trăng trắng ngà có cây đa to, có thằng Cuội già ôm một … chẳng mấy chốc như bầy vịt mạnh ai nấy chạy kêu la  gọi nhau vang trời dậy đất.

 

Đất nước thanh bình, đám con nít xách đèn vui chơi trên đường phố thật là tuyệt vời, nhưng trời thì không thương năm nào cũng mưa, người thì phá đám, trong đó có nhóm phá nhà Cầu Huyện chúng nó bắn vào những lồng đèn, còn bắn vào nhóm học trò nữ ,  tội nghiệp đám con nít áo quần ướt như chuột, có đứa đèn bị rách, bị cháy hoặc bị mấy anh lớn giựt lấy khóc tỉ tê. Thế mà vui ! Lại hẹn nhau vào Tết Trung Thu năm sau.

 

Trên tay tôi chỉ còn cây trúc buộc đèn vào, cầm nhánh trúc ra về trời mưa lạnh cóng , nghĩ đến đoạn đường nghĩa địa phải đi qua mà lạnh người.

 

Cao Thệ



Chỉnh sửa lại bởi cao the - 08/Mar/2012 lúc 9:54am
IP IP Logged
cao the
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 15/Jul/2011
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 589
Quote cao the Replybullet Gởi ngày: 29/Apr/2012 lúc 8:26pm

ĐƯỜNG HỘ MƯU

 

Thật lòng mà nói chòm nhà lá khoảng 30 gia đình chúng tôi tuy nằm ven  Cầu Huyện nên ăn ké gọi xóm Cầu Huyện cho oai, nhưng thật sự trên mặt hành chánh,  giấy tờ lại thuộc về Ấp Nhà Thờ. Dường như toàn bộ cuộc đất xóm lao động chúng tôi đang định cư cũng thuộc tài sản của Nhà Thờ ?

Từ Cầu Huyện đi xuống đến ngã tư Bình Ân quẹo trái, con đường Hộ Mưu nơi này với tôi nhiều kỹ niệm, những ngôi nhà nằm trên khu vực các Cô chú Bác có biết nhưng không thân nên hiểu rất ít, xin được viết ra đây các bạn  biết rõ sẽ  bổ khuyết thêm.

 

Đường Hộ Mưu là tên của vị Bá Hộ Trương văn Mưu, người đã đào ao chứa nước ngọt cho dân chúng trong khu vực, cảm cái ơn này dân chúng trong vùng gọi ao trử nước ngọt này là Ao Ông Hộ.

Ao Ông Hộ từ ngã tư Bình Ân đi về hướng Tân Niên Tây khoảng 200 m, qua khỏi nhà Chú Ba quản lý nhà máy xay lúa quẹo trái vào khoảng 200m quẹo mặt, Ao nằm giữa ruộng xa nhà dân, chung quanh những hàng cây Chăm Bầu cao ngất che chắn, Đất đào ao đắp làm nền và người giữ ao trồng rau quả, cải cà, ớt tuỳ theo mùa vụ và mùa lể tết trồng cả bông vạn thọ.

Vào mùa nắng chiều nào tôi cũng đi gánh nước, nước ao Ông Hộ không trong lắm nhưng độ ngọt có phần hơn những ao khác. Được người trong coi nên chung quanh ao sạch hơn, không ai tắm trừ những người gánh nước khi kéo thùng nước lên bị đứt giây và chìm, phải lặn xuống mò vớt đem thùng lên.

Tôi thích gánh nước Ao Ông Hộ vì có cầu đúc bê tông để người gánh ra ao múc nước, khoảng cách giữa cầu mực nước rất thấp, mùa nắng lúc nước cạn quấn giây thùng vào đầu đòn gánh thả xuống múc nước vẫn kéo lên được, Ao Trường Đua nước lợ lợ cầu lại rất cao so với mặt nước lũ con nít chúng tôi ngại. Ao Chuối gần lăng Võ Quốc Công thì xa, lại có nhà gần ao, nhiều khi đi gánh nước nhìn thấy người tắm.

Vì vậy người quanh vùng thích dùng nước Ao Ông Hộ hơn.

 

Đường Hộ Mưu, từ ngã tư Bình Ân đến ngã tư Nhà Thờ đoạn đường thân quen tôi nhớ từng nhà, từng loài cây mọc ven đường.

Đường Hộ Mưu hai bên lề mọc hoang toàn cây lức, chăm bầu, gai chùm lé và cây hột nổ. Cây hột nổ, rể kết thành củ mọc từng chùm màu vàng đất, bông tim tím trái đen hình dáng như chiếc thoi bé tí tị chúng tôi thường hái ngặm vào miệng, nước miếng thắm vào nổ cái bốc một trò chơi dân dả, thế là đặt tên Cây hột nổ.

Dọc hai bên lề đường mấy chú Lục lộ vào mùa nắng nại đất ruộng đem lên đấp thành mô xa xa một mô, nếu đường bị ổ gà mấy chú lấy đất trên mô ấy mà đấp, khoảng vài chục thước họ cuốc mương vào mùa mưa cho nước chảy xuống ruộng, con đường nhiều hoa tím, những mô đất, những cây chăm bầu mọc thấp lè tè vậy mà đẹp hoa tím cây hột nổ không đẹp bằng hoa tím Bằng Lăng hiện giờ nhưng nó mộc mạc bình dị như cuộc đời lam lủ chúng tôi,

 

Chạy song song theo đường bên trái là cái ao của Chú Mười Giã, tiếp ao là miếng ruộng hình như cái ống điếu hút thuốc, thân ống điếu giáp ranh nhà Cô Chín Xô, đầu ống điếu giáp ranh nhà Bác Tư Giái, đám ruộng này có cống thông qua ruộng bên kia đường chạy từ rạch trước nhà Ông Ba Nghi ra kinh Cầu Huyện. Trên đám ruộng này vào mùa mưa tôi thường cắm câu, đặt đuôi chuột và vó tép luôn, ở nhà tôi vào mùa cấy nghe tiếng tù và của Đầu Nậu tập hợp công cấy, còn nghe các cô chú hò đối đáp nhau, không khí làm việc thật là vui, tiếng hò, nói chuyện, tiếng cười vang một góc trời.

 

 

Nhà Bà Giáo

Qua miếng ruộng nhỏ nhà Bà Giáo ngói đỏ ba gian nằm ẩn sau hàng tre, nhà nầy thật cách biệt với chúng tôi, là một trong hai căn nhà xưa nằm trên đường,  nhiều khi đi bắt cá bóng kèo lội rạch từ nhà Ông Ba Nghi, lũ phá nhà chúng tôi đột kích vào vườn trộm ổi không dám vào sâu, rất nguy hiểm bởi chủ nhà chạy trên bờ, lũ chúng tôi lội sình bị bắt như không, bên hông nhà có cây me đậu phọng trái ngọt nhưng chẳng dám đến gần vì nhà có con chó mực rất dữ

Đối diện với nhà Bà Giáo bên kia đường Hộ Mưu đám ruộng 3 chòm mả

Tiếp nhà Bà Giáo là con hẻm dẩn sâu vào đến sông Cầu Huyện có 3 căn nhà

 

Nhà Bác Tư Xung

Đầu hẻm cặp theo hông nhà Bà Giáo là cái đìa rồi đến nhà Bác Tư Xung, Hàng rào dăm bụp xanh dờn được cắt phẳng lì, sân trống phơi lúa đến ngôi nhà lá ba gian. Bác Tư  nhỏ con hiền lành chất phát rặt dân Nam bộ lúc nào cũng thấy Bác trong bộ quần áo bà ba đen với chiếc quần ngắn ngang đầu gối, đi chân không, ăn nói từ tốn dễ thương.

Bác đặt tên con cũng bình dị như cuộc sống đời thường Muối, Mặn … bên kia đường đối diện với cái ao nhà Bác là miếng ruộng của gia đình chạy dài đến cua quẹo, đặc biệt năm nào trồng lúa cũng trúng, những hạt lúa nặng trỉu trên cành, người đi đường ai thấy cũng khen.

Các anh chị con của Bác Tư rất chịu khó, đi học về làm việc nhà việc ruộng  tối ngày và cuộc sống cũng bình dị như bác Tư

 

Nhà Chị Năm Giỏi

Chị Năm Giỏi, làm nghề xay hàng sáo, chuyên đi mua lúa xay, lấy cám nuôi heo, gạo đem về nhà sàn ra lấy tấm, lượm thóc gánh bán lại cho bà con quanh khu vực, nhà tôi là bạn hàng trung thành của chị,

Chị Năm vui vẻ dễ mến, mỗi khi nhà hết gạo nhắn tin, chị gánh đến ngay hoặc đem trước một ít hôm sau đong đủ.

Nhà chị đông con, nên vất vả

 

Nhà Bác Liêm

Thường gọi Câu Liêm, một chức sắc trong Nhà Thờ, nhà Bác đất rộng hai mặt giáp Sông Cầu Huyện và rạch Ông Ba Nghi chung quanh dừa lá mọc kín bưng, vườn trồng rất nhiều cây ăn trái, ổi, me và bàn ổi

 

Bên kia con hẻm là khu vực Thánh Thất.

 

Nhà Chú Hai Thiện

Trong khuôn viên Thánh Thất,  bên phải là nhà Chú Hai Thiện cất sâu vào trong, khoảng vườn trước nhà trồng mía, có khi thấy trồng bắp tây, Chú Hai làm nghề thợ mộc sau này chuyên chuốt đủa, chú tìm mua những bộ ván bằng gổ Mun đem về cưa ra và chuốt thành những đôi đủa Mun rất đẹp, có hai loại đủa loại thân tròn suốt chiều dài, một loại nửa tròn nửa vuông

Bộ ván gổ Mun dầy 1 tấc  nhà tôi được chú đổi cho bộ ván gỏ và 400 đồng.

Nghề làm đủa lan ra Sơn Quy, sau này lòi ra đa số dân làm đủa là việt cộng nằm vùng trong đó có chú Hai Thiện.

 

Thánh Thất Cao Đài:

Thật tình tôi không hiểu Thánh Thất này theo hệ phái nào Bến Tre hay Tây Ninh ?  nhưng thấy ít tín đồ, và khuôn viên rất khiêm nhường.

Trước Thánh Thất có cây đa nhỏ xíu ốm tong teo, không lớn nổi dù tuổi đời của nó dường như lớn hơn tuổi của tôi, mỗi dịp lễ lạc cột cờ treo tấm phướng dài sọc phất phơ,  dưới cột cờ có trồng hoa, lèo tèo mấy cây Huệ trắng.

 

Nhà Anh Năm Dở

Bên trái Thánh Thất là nhà Anh Năm Dở, Anh cũng làm những công việc như chú Hai Thiện, nhà này có ngũ long công chúa, 5 cô con gái.

Nhà cất thục sâu bên trong sân trước nhà khi thấy trồng mía, lúc khoai mì

 

Nhà Bác Năm Truyện

Nép sát vào hàng tre là nhà Bác Năm Truyện, bên hong nhà là đám bưng , Bưng cũng trồng lúa, nhưng hơi khác với làm ruộng, sau khi gặt xong ruộng phải lên líp từng hàng dài đến mùa mưa, ngăn nước sông lại và bang líp ra sau đó mới cấy lúa, đám bưng này hình như cũng của Bác Tư Xung.

Bác Năm có người con học Quốc Gia Hành Chánh  ra trường  được cử làm phó quận ở đâu dưới miền tây ?

 

Sát nhà Bác Năm là cống dùng xả nước ra sông, cống này là nơi rửa chân của tôi mỗi khi đi học. Từ cống đi khoảng 100 m là đến cua quẹo bên kia đường là con hẻm dẫn vào khu vực khoảng chục nhà dân, đầu hẻm có tua gác, trên 4 cây cột cao nghệu là lô cốt, đêm đêm lính Bảo An Tỉnh xuống gác sáng về lại trên đồn. Sau này khi thành lập ấp Chiến Lược ngoài bìa xóm dân đi lao động đào kinh lấy đất đấp bờ bao và rào hàng rào kẻm gai lính không còn gác ở đây nữa sau đó cái Tua được dỡ bỏ.

 

Cao Thệ

IP IP Logged
cao the
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 15/Jul/2011
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 589
Quote cao the Replybullet Gởi ngày: 05/May/2012 lúc 9:14pm

Nhà Luật Sư Vương Quang Nhường

Đôi lời về Vương Quang Nhường, ông là nhà trí thức lớn của miền Nam, Sinh năm 1902 tại Yên Luông Đông, Gò Công.

Ông tốt nghiệp Tiến Sĩ Luật ở Pháp, năm 1929 về nước.

Ông là rể của Vua Thành Thái, chồng của Công Chúa Mệ Cưới, em ruột của Vua Duy Tân cùng đi đày qua đảo Réunion với cựu hoàng.

Năm 1950 nhận chức Tổng Trưởng Quốc Gia Giáo Dục trong chánh phủ Trần Văn Hữu, và Chánh Phủ Nguyễn Văn Tâm.

 

Sau hàng bông bụp được cắt thẳng tấp, ngôi nhà ngói cất hình chữ đinh, nền cao có tam cấp đi lên. Thuộc loại nhà cổ nhưng đã xuống cấp, trước cổng bên tay phải có cây Ô Môi tòn ten những trái đen thùi như ai treo một bầy rắn bông súng, vào tháng hai hoa nở hồng tươi rực rở đẹp cả khoảng trời. Bên hông nhà là con đường nhỏ dẫn vào khu ruộng bưng có cây me đậu phọng rất to sai trái, nhiều hôm lũ chúng tôi rủ nhau đi học về ngã này để chọi me.

Bên trái là cái ao dài trồng bông sún Nhật Bổn thật đẹp, bên kia ao là Chùa Phật Huệ có ông thầy tu rất đẹp trai, dường như chùa này cũng do Gia đình Vương Quang Nhường cất.

Chùa nhỏ lợp lá âm u , trước sân có cây Bồ Đề, trên thân cây để lư nhang, dưới gốc cây lơ thơ mấy cây hoa Huệ trắng, hông  Chùa nằm dài theo con hẻm nhà Ông Hai Nảng

Sau này nghe nói thầy yêu tín nữ và người yêu thầy mang bầu, thầy bỏ chùa đi mất.

Trước nhà là dảy ruộng của gia đình Luật Sư từ đường lộ chạy đến chòm mả tuốt bên trong phải 3-4 mẫu năm nào cũng thấy trúng mùa.

Không biết phải chuẩn bị cho Vua Thành Thái về thăm Gò Công không, bìa ruộng giáp đường  bổng thấy đào ao bên hông và phía sau lấy đất làm nền, sau đó cất Villa thật đẹp, nhưng vách nhà sơn màu vàng thấy u buồn, hiện nay là Trạm Y Tế Phường 3.

Nhà này rất đơn chiếc thấy hai người đàn bà và cô giáo dạy ở trường Nhà Đèn ?.

 

Ranh Chùa Phật Huệ là ngã tư

Tẻ về trái đi dưới hàng dừa cao nghệu dẫn vào nhà Thầy Năm Cần và Chú Tám Hải, nhà rất đẹp trồng hoa kiểng vườn rộng trồng nhiều cây ăn trái, phía sau giáp sông Cầu Huyện , bên kia sông là nhà Thi sĩ Thy Lan Thảo.

Tẻ phải, con hẻm Hai Nghé,  ngày nay gọi là đường Tết Mậu Thân

bên mặt là ruộng dài qua khỏi chùa Dư Khánh tới gò mả qua đoạn bờ ruộng  thấp tè rất khó đi, cuối hẻm là đường đi Sơn Quy

 

Nhà Chú Hai Nghé

Bên trái hẻm qua khỏi ranh nhà đầu đường đến con mương, con mương này dẫn nước từ trong Nhà Thờ Thành Tâm qua cống là con mương nhỏ chạy giữa hai ranh nhà Chú Mười Trọng và anh Liển dẫn nước mưa trên lộ ra ruộng, giữa ranh đất chú Hai Nghé và Chú Mười Trọng, có đặt cống cả hai gia đình đều nuôi cá trồng rau. Đầu mương Thầy giáo Đại con chú Mười Trọng đấp nền cất nhà.  

Chú Hai Nghé, nhà và ruộng đất của chú ở trong Tân Hoà lánh giặc ra đây. Chú người cao lớn, tiếng nói to nhưng không vang, lao động chuyên cần đông con. Nhà chuyên nuôi bò Bô, con nào cũng to lớn, Giữa  hàng rào bông bụp trồng lơ thơ mấy cây me, góc vườn giáp nhà Chú Nam Thanh có trồng 4 cây trụ hình chử nhật vừa vặn một con bò, người ta dẫn con bò vào giữa 4 cây trụ buộc hai dây nuột qua bụng sau đó dở chân bò lên nại móng sắt cũ đã mòn, cạo bỏ những chất bám quanh móng rồi đóng vào móng sắt mới, xong giũa lại móng bò cho đẹp, con bò không chống cự mà lại thích thú, Chú bảo:

- Tao thay móng sắt, gọt bỏ phần móng tè le đóng móng mới, giống như người ta cắt móng tay, khoái chết mồ tổ, bây thấy hai mắt nó lim dim thì biết

Chú đi mua móng sắt tận Lái Thiêu vì nơi đó họ rèn bằng thép nhíp xe rất tốt, xài bền hơn hẳn thợ rèn Gò Công làm.

Ở Góc ao Trường Đua chổ có mấy cây dương tôi cũng thấy người ta đóng móng bò như vậy

Con trai lớn của chú cao cẳng như tôi, nhưng qua đời sớm, chú thường săn lùng những con bò Bô đẹp mua về kéo xe bò, cày ruộng và bán lại cho người cần.

 

Nhà Chú Năm Thanh

Phải đi qua cái cống nữa, cái cống nầy dẫn nước từ nhà Bác Ba Quý trên lộ, đến nhà Bác Năm và ra ruộng .

Nhà Chú Năm Thanh quây mặt ra đường Hộ Mưu, hông nhà đòn dông chỉa ra hẻm, cặp theo đường hẻm là ao nuôi cá, chung quanh ao được trồng dừa.

Chú Năm làm nghề thợ mộc, tôi nhớ không lầm Chú Năm làm việc ở Gara nhà Bác Ba Quý đối diện với Nhà Thờ sau này là điểm chơi Bida. Thiếm Năm xưa là con mồ côi trong Bà Phước, gia đình này không con, nhận đứa con trai trong nhà Bà Phước về làm con đặt tên là Quê, đi học thấy bạn bè gọi là Cai. Thiếm Năm làm việc trên nhà thương.

 

Nhà Thầy Đại

Tên thường gọi là “Thầy Chùa Đại”, thầy tu theo hệ phái Cỗ Sơn Môn nên có vợ và có con. Thuở nhỏ tôi biết hai Thầy có vợ là Thầy Đại ở Chùa Dư Khánh và Thầy trụ trì Chùa Thanh Trước dưới Gò Tre nghe nói sau này thầy ở Gò Tre giác ngộ đi theo việt cộng ? cả hai vị đều to con.

Thầy Đại như Phật Di Lặc thường đi xe đạp rất vui tánh, cười hề hề mỗi khi chúng tôi gọi “ Thầy Chùa”. Thầy trụ trì Chùa Dư Khánh, Chùa Dư Khánh do tổ tiên Thầy Giáo Hai lập ra song song với nhà ở. Cha Thầy trụ trì  ở đây và Thấy nối nghiệp cha.

Thầy đông con có mấy thằng con trai lớn, mỗi khi bận đi đám mấy bạn ấy thay thầy tụng kinh

Mỗi buổi chiều đi mót lúa, hoặc đi phá làng phá xóm khoảng 4 giờ tôi thường ghé vào đây lang thang quanh bên những Tháp Tổ vừa hái trộm Sơri vừa nghe trống Thu Không rộn ràng mà dứt khoát từ Chùa vọng ra hoà với giọng Thầy nhừa nhựa thật tuyệt.

 

Chùa Dư Khánh

Qua khỏi nhà Thầy Đại là phía sau Chùa Dư Khánh

Chùa Dư Khánh hiện nay được quy hoạch là Chùa của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Như vậy những con trai của Thầy Đại hết quét lá đa từ buổi ấy. Gia đình Thầy Giáo Hai cũng mất Chùa luôn. Giáo Hội cử về một thầy chùa quốc danh rất đẹp trai, hơn hẳn thầy trụ trì Chùa Phật Huệ, Thầy ca cãi lương và hát tân nhạc đều hay, sến của các sến ! Thầy cũng đi đóng kịch trình diển ở các đám ma, phá ngục , đánh quỷ gì đó để che chở vong linh dẫn về Cực Lạc, thật là tài giỏi !

Chùa thầy thỉnh thoảng người ta nghe giọng ca của Chế Linh trước 75 rên xiết song ca với giọng của tín nữ , phát ra cho dân quanh vùng nghe giải buồn ! thật là buồn !

 

Tôi từng thấy Thầy đang diển kịch với một vị khác trong một đám ma trên đường Nguyễn Tri Phương phường 7 thành phố Mỹ Tho, chuông điện thoại trong túi quần reo vang, thầy ngưng đánh quỹ cho tay vào túi quần móc ra:

- Alô . . . gì đó… ừ … chờ Thầy chút, gần xong rồi.

Hoá ra thầy chạy xô. 

Khi xong màn trình diển đánh quỹ rất ấn tượng thầy lấy trong túi quần ra một xấp card phát cho từng người chung quanh, y chan như ca sĩ nổi tiếng.

- Có gì gọi thầy

Sau đó ràng rịt cẩn thận đồ nghề trên xe Honda và che chắn mặt mày rồi hô biến.

Kề bên Chùa là miếng ruộng công quả bên trong miếng ruộng là hàng tre của ao Chùa và là ranh của mấy căn nhà cuối đường nhà thờ, có nhiều ngôi mả to, nơi bọn tôi thường chui vào câu cá trộm, hái me, hái trái Thanh Long mọc hoang leo chằng chịt trên những cây me, hay tìm bắt những tổ chim cu.

Con đường hẻm đến đây là hết, bờ ruộng bắt đầu có mả mồ và sình lầy rất khó đi.

 

Trở ra đường Hộ Mưu ,

- Bên phải khoảng 2 căn nhà không nhớ căn thứ ba nhà ông thầy giáo rất bảnh trai đi xe đạp đòn dông đầu tóc lúc nào cũng thấy láng cón, rồi đến căn nhà cao cẳng có hồ chứa nước mưa rất to,  ao nuôi cá  trồng rất nhiều dừa cao lêu nghêu, sát bên là nhà của Thiếu Tá Ngọc ? trước nhà có cây Sơri. Ba bốn căn phố liền vách là đến ngã tư

- Bên tay trái Nhà villa của Chú Hai Nảng, Chú thường đi xe đạp và rất mập vườn nhà chú trồng đủ thứ cây ăn trái rất quyến rủ chúng tôi. Nhưng có nuôi chó dữ bọn tôi tránh xa.

Trên nhà Chú Hai Nảng là ngôi biệt thự rất to thật tình tôi quên mất dường như nhà Đốc Phủ Tường ? cây cỏ mọc tràn lan không người chăm sóc. Một phần đất cặp theo sông Cầu Huyện, bên kia Sông là nhà ông Thân Bính.

Cuối nhà là ngã tư nếu đi dọc ra bờ sông, ranh đất giáp với đầu cầu Tây Ban Nha xưa là một cầu tiêu sông công cộng người ta đóng bằng thiếc gồm hai ngăn, ở đây cá chốt không biết ở đâu nhiều vô số kể, theo con đường dọc sông mát rượi dưới những tàn cây, qua mấy căn nhà là đến trại lính, sau này làm khám đường. Trước trại lính một hàng cây bàng cao mút trời xanh, rể quăn queo như nhưng con rắn đang bò với muôn vàn tư thế, chúng tôi thường tụ tập lượm trái bàng , để lên rể cây bàng dùng đá xanh đập, hột vỡ ra mầm cây bé tí nị ăn beo béo.

Sau này khu Quân sự không được vào

 

Cao Thệ

 



Chỉnh sửa lại bởi cao the - 05/May/2012 lúc 9:21pm
IP IP Logged
cao the
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 15/Jul/2011
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 589
Quote cao the Replybullet Gởi ngày: 15/May/2012 lúc 8:32pm

Sông Cầu Huyện

 

Sông Vàm Cỏ khởi nguyên từ biển, một nhánh chảy ngược về biển qua dòng sông Cửa Tiểu. Nhành sông ấy gọi là Sông Gò Công.

Chủ trương ngọt hoá để phục vụ sản xuất nông nghiệp, sông Gò Công đã được khoá đầu ở Bình Xuân bít đuôi ngăn dòng ra biển bằng những cống đập trên đường đê ngăn mặn ở Long Uông, Tân Thành . . .

 

“ Thương nhánh sông chảy hoài không tới biển”

“ Đi quẩn quanh, bầu bạn với Lục Bình”

 

Sông Cửa Khâu nhánh của Sông Gò Công, một đoạn ngắn đi qua xóm Cầu Huyện trên hành trình chảy về  biển được gọi là sông Cầu Huyện, trong lịch sử tiến hoá của phố thị đã bị bức tử ngậm ngùi, để lại trong lòng người Cầu Huyện xưa ít nhiều thương tiếc !

Khởi nguyên từ Nhà Đèn. Bên kia là khu chợ Gò, bờ sông là bến đò tấp nập ghe thuyền, trên bờ sông bến xe đò rộn ràng hành khách xe cộ cùng với người mua kẻ bán ì xèo. Bên này với những cây bần mọc kín vàm sông  trên bờ sông im ắng là bải cỏ xanh, chạy dài theo con đường hiện nay gọi Nguyễn Văn Côn từ Nhà đèn đến trước vườn hoa Trường Nữ Tiểu Học, bên hông trường nữ xây nhà ăn trưa bằng gổ, kê những bàn gổ dài các bạn nhà xa ra đây ăn cơm và ngủ trưa. Bên ngoài trường Nhà Đèn là nhà vệ sinh, xanh um bải cỏ xanh . Trên đầu dây điện giăng giăng, lũ chim én thường tụ tập về đậu hót vang, học sinh nhìn bầy chim qua khung cửa sổ thả hồn mơ mộng … cô giáo chỉ cho học sinh nhìn, chắc nịch bảo rằng :

-         Chim đi học vì vậy các em phải chăm, kẻo thua lũ chim !

Trên bãi cỏ này một dạo người ta chất củi để bán, bên Trường Tiền cũng để ké thùng phi chứa dầu hắc loại nhựa trải đường. Sau này thấy nhà cửa mọc lên như nấm sau mưa, nhà mọc lan cả trên con đường nhỏ dẫn vào Trường Nhà Đèn, phía trước mặt Trường Nữ Công bên này là Hiến Binh, thật là tiếc một con đường nho nhỏ xinh xinh !

 

Trường Nhà đèn gồm hai dãy, dãy bên sông với hàng me tây mát rượi dành riêng cho học sinh nam, dãy cặp theo hàng me bên Hiến Binh, Kho Bạc dành cho Nữ.

Còn nhớ Trường Nhà Đèn có thông lệ, đến ngày lớp nào trực, học sinh giỏi nhất trong tháng lớp đó được kéo cờ, buổi sáng gọi là Chào cờ, buổi chiều gọi Hạ cờ. Học sinh hạng nhì lớp được đánh trống. Trống trường lại đặt bên nữ.

Cái trồng trường bằng cái trống chầu, để trên chân trống rất cao, mỗi lần đánh phải nhón giò, nơi để trống có cây me rất to sai trái.

 

Qua khỏi khu vục chợ phía sau Phòng Thông Tin, sông cầu Huyện cặp theo đường Trưng Nữ Vương chảy qua trước Trường Nữ, Trường Nam, Trường Bà Phước men theo đường Tổng đốc Phương đến cuối nhà ông Ba Khoa, từ đây con sông hiền hoà chạy bọc sau nhà Bác Năm Quăn ra đường Tống Thứ vào Tăng Hoà chia hai ngọn một chạy cặp theo lộ ra biển Tân Thành và một theo dòng Long Uông hoà nước vào sông Cửa Tiểu. 

 

Khi đấp sông nối hai đoạn đường Trần Hưng Đạo hiện nay, Trước mặt Trường Nam tạo thành một hồ nước thời đó gọi Piscine. Chung quanh Piscine người ta cẩn gạch ống được đúc bằng sạn, lót từng bậc đến đáy hồ. Phần đất ngay trước nhà Ông Đốc Phủ Hải và Trường Nữ Tiểu Học người ta tạo một vườn hoa, bên dưới vườn hoa đặt cống có làm cửa cống để lấy nước vào cho nước ra Piscine.

 

Tại ngã ba đi xuống Miễu Bà, bên này là Trường Bà Phước, bên kia là Ty Cảnh Sát, Trường Tiền tháo bỏ Cầu Quan, đổ đất lấp ngang sông Cầu Huyện thành con đường chạy thẳng vào Dinh Tỉnh, trên đường hai bên được xây dựng thành công viên, trồng hoa cắt tỉa rất đẹp

 

Lề đường được trồng cây Điệp hoa vàng và cây Bả Đậu tàn che mát rượi, Công viên phía Bà Phước có độ dóc hơi cao. Bên Trường Nam người ta dựng hai cầu nhảy một thấp một cao bằng gổ các anh lớn thi nhau nhảy biểu diển lộn hai ba vòng. Dưới những cây Dương cao nghiệu có căn nhà gổ cho người tắm vào thay quần áo. Đây cũng là nơi tụ tập bọn học sinh chúng tôi. Lũ học sinh chúng tôi buổi trưa đi học thật sớm không vô trường, đi học về không về nhà thường cỡi đồ trầm nghịch hay bu quanh bên chú … người Hoa, đổ xí ngầu ăn kẹo. Ông này ăn gian hết biết, chỉ cần rung chiếc xe đạp là thay đổi kết quả tức thì, nhiều bạn thiếu nợ cả trăm cây kẹo kéo, cả trăm chén bò vò viên ?

Dạo ấy Thầy Hiệu Phó Võ Văn Giáp đi đến trường bằng chiếc xe đạp đòn dông, Thầy  thường đảo xe đạp quanh trường nhiều vòng để xem tình hình … rồi mới vào văn phòng, khi nghe các bạn ra ám hiệu Áp Dông ( Ông Giáp ) trò đang tắm leo lên hồ ôm quần áo , các trò ăn hàng, đánh đáo đổ xí ngầu ôm cặp chạy tán loạn quân thần !

Có một dạo Piscine không cho người tắm Cảnh Sát gác đàng hoàng, bởi Ty Nông Nghiệp nuôi cá Phi khuyến khích nông dân làm kinh tế.

Nhớ có lần ngư dân Vàm Láng bắt được 2 con Ba Ba rất to đem thả xuống Piscine, dân đi biển rất sợ bắt được nó họ gọi là Bà Bảy, xúi quẩy những kẻ  mê tín dị đoan bảo đem cái xúi quẩy thả vô Tỉnh. Xui rủi tính sau chỉ thấy người lớn, các anh nhào xuống tranh nhau ngồi trên thân, Ba Ba rẽ sóng lội ngờ ngờ như đang đi ghe, trên bờ người xem hò reo cổ vỏ như lễ hội. Thật tội nghiệp đang ở ngoài biển an lành, bổng đổi hộ khẩu vào cái đìa nhỏ xíu lại bị nắm kéo leo trèo rượt đuổi suốt ngày, trên đường chạy trốn đầu va vào vách hồ, vẩy vi đều bị lở lói hơn tuần sau thì qua đời, con còn lại vớt thả qua Piscine Bà Phước song được mấy ngày cũng theo ông theo bà, vớt lên để trên mép công viên.

Có năm vào ngày lễ Quốc Khánh người ta thả vịt cho người dân rượt bắt thật là vui.

Trên đường từ bờ sông đi xuống Ao Trường Đua, một bên là Trường Bà Phước, một bên là nhà ông Chủ Chí, Trường Tiền lại đấp sông làm đường qua dinh Phó Tỉnh Trưởng, đoạn này có đặt cống thông Piscine Bà Phước ra sông, nhưng đường thấp mỗi lần triều cường nước sông dâng lên là ngập.

Piscine này cạn sình nhiều, nuôi cá phi không ai tắm. Chung quanh Piscine người ta trồng dừa, cành lá la đà sát mặt nước, trước cổng Trường Bà Phước có xây bậc tam cấp những người đi bộ ngang qua và học sinh rửa chân, tiếp theo bậc tam cấp là hàng rào có lan can bằng sắt nhiều khi thấy các bạn đi trên lan can đó, thật là giỏi. Phía bên Dinh ông Phó người ta làm cầu gổ có nhà Thuỷ Tạ, hàng dương cao che bóng mát rượi, cây cảnh được chăm sóc thật đẹp.

 

Cây Cầu Huyện trên đường Tống Thứ từ ngày được dở bỏ, đấp đường đặt cống, hai đầu cống mỗi ngày một phình ra nhưng lòng sông mỗi ngày mỗi cạn dần … cạn dần.

 

Chiến tranh xô đẩy dân quê ra thành phố, bến đò chợ được dời qua  phía sông Long Chiến, người ta cất dãy phố trên bến đò này. Đoạn sông từ nhà đèn chảy đến vườn hoa trước Trường Nữ, sau đó được lấp làm đường phía sau phòng Thông Tin qua Trường Mẫu Giáo, đoạn sông này được đấp dần, sau cùng . . . Ngôi trường Thuỷ Lợi 3 mọc lên giữa chợ búa rất lãng mạng !

Đoạn sông bên này trước tiên nhà sàn được dựng lên từ nhà Bác Năm Quăn đến Cầu Tây Ban Nha vế sau nhà càng ngày cất càng nhiều, trên dòng sông nay đã chi chit là nhà. Trước miệng cống Cầu Huyện xưa, nơi sông phình lớn mênh mong nay là rảnh tí nị nước đen ngòm chảy róc rách !

Biển còn hoá cồn dâu nói chi sông biến thành nhà phố !

Cầu Huyện dòng sông quê tôi !

 

Cao Thệ

IP IP Logged
cao the
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 15/Jul/2011
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 589
Quote cao the Replybullet Gởi ngày: 02/Jun/2012 lúc 9:18pm

Đường Tổng Đốc Phương, Xóm Cầu Huyện

 

Ngày xưa dưới cầu có bến đò, đò máy chạy từ cầu lên chợ, chủ yếu chở những bạn hàng mua bán, hàng hoá cồng kềnh. Chủ đò là Ông Bảy Tre, nhà ngay ngã tư đối diện với bến đò, sát bên nhà Cô Ba Vân bán gà . Sau khi Công Chánh dở bỏ cầu, xây cống trên kinh Cửa Khâu, ông vào Biển Tân Thành bán quán ăn.

 

Từ ngã tư Đường Tống Thứ với Tổng Đốc Phương đi lên Chợ Gò đến giao điểm Ngã ba Đường Tổng đốc Phương Nguyễn Thái Học và Trưng Nữ Vương trước năm 1956 khoảng trên 30 căn nhà. Những căn nhà bên bờ sông tuần tự như sau:

 

1- Nhà Ông Hai Vó

Chổ Bến đò sau này ông Hai Bắc cất nhà có đặt cái vó rất lớn để bắt tôm cá

Ngả tư đường Tổng Đốc Phương ( Hai Bà Trưng ) và Tống Thứ  ( Nguyễn Huệ ) nằm sát dóc Cầu Huyện có hai vị thứ Hai đều là người miền Bắc.

Nhà nằm trên đường Nguyễn Tri Phương là Ông Hai Bắc có biệt danh Ông Hai Vó, làm nghề vó tôm cá bên này cống Cầu Huyện, để phân biệt với Ông Hai Bắc bán gạch ngói nhà nằm trên đường Tống Thứ sau này ông dọn đi và Bác Mười Niềm về ở.

Nhà sàn của ông được cất một phần trên lề đường và một phần trên mặt sông, lề đường lại trồng hàng rào gai Xương Rồng nên phần đất nhà ông  không được  bao nhiêu ông phải móc đất sông đắp thêm. Chổ đầu cống kế bên nhà Bác Chín Đán, đắp con đường nhỏ đi thẳng ra sông thăm vó, những cây sậy khô ông bện lại thành lưới cắm dưới sông chạy vòng vèo để dẫn cá bơi vào rọ.

Cái vó của ông rất to thường thấy trên những đoạn kinh rạch có người Bắc định cư, bốn góc vó được buộc giây vào 4 gốc cây ở hai bờ sông để định vị không cho nước chảy cuốn dạt lưới.

Thanh đòn bẩy hình chử V một đầu được buộc vào vó, một đầu được buộc vào cục đá Hộc để cân bằng cái vó, nối sợi dây vào đầu buộc cục đá hộc Ông Hai ngồi trên nhà sàn nhậu, lâu lâu kéo sợi dây xuống cái vó được cất lên, những con cá chốt, tôm tép ngạnh dính vào lưới ông kéo sợi dây được buộc vào lưới đến khi nào rớt hết vào cái đục mới thôi.

Tôi có dịp vào nhà ông vài lần để mua tôm cá

Dường như ông có ba người con anh Kim, chị Liễu và một cô em út

Không hiểu vì sao ông dẹp vó ra đi.

Nhờ Ông dẹp vó lũ phá nhà chúng tôi mới được tắm sông lặn chui qua cống

Ban đầu là các anh lớn về sau đến chúng tôi, nhìn cái xoáy nước quay tròn trên miệng cống ban đầu chúng tôi cũng thấy ớn, nhưng được các anh lớn lặn trước thế là cả đám lên tinh thần lặn theo, những con hào bám trên thành cống không khéo nó cắt cánh tay, bắp chân máu chảy ròng ròng, trò chơi này bị các người lớn rầy quá xá.

Nhà Thơ Thy Lan Thảo viết về Ông Hai vó như sau:

“ Ông Hai Bắc ở sát cầu Huyện là lính giải ngũ, ông chỉ là Hạ sĩ quan. Ông thường đi bộ, thỉnh thoảng thấy ông có chút rượu, mặt mày trở nên vui tươi, gặp ai trong xóm Ông cũng rền vang chào hỏi.

            Anh Kim, dáng ngưởi nho nhã, trông mặt vui vẽ, thuở đó tôi còn học tiểu học thì anh đã là lính cảnh sát.. lúc đó anh có cô bồ là chị Cúc gốc người Cầu Tàu, có đại lý bán nước đá ngoài chợ… Chị Cúc nhỏ người xinh gái, tình tình vui vẽ.. hàng ngày chị vẫn đạp xe ba bánh xuống nhà máy nước đá.. nằm ở đầu hẽm vào khu nhà của thầu khoán Quê Hương …            Mối tình nầy tôi không nhớ có kết hợp không, hai anh chị rất xứng đơi vừa lứa ….

Tôi không biết ông hai Bắc có mấy người con, nhưng tôi biết có chị Liễu, bây giờ hình dung lại tôi nhớ chị Liễu thuộc hạng gái đẹp .. da trắng, tóc huyển.. Nhất là vòng số một .. nói theo tiểu thuyết..Căng tràn đầy nhựa sống…

 Rối bẳng đi một thời gian dài rồi mất luôn không thấy hình bóng chị ở Gò Công

  Từ đó giáo đường vắng bóng một con chiên ngoan đạo .”

 

 

2- Nhà Bác Chín Đán

Phía trên nhà Ông Hai Bắc có một cống dẫn nước, Đầu cống hai bên đường được xây gạch rất đẹp, con rạch mọc le que vài ba cây Mắm ở đầu nguồn dẫn vào vuông đất nhà Thầy Lộ Công Bích.

Tiếp nối cống là nhà Bác Chín Đán, Bác Chín có mấy chị gái đi làm xa thỉnh thoảng mới về. Nhà lợp ngói vách ván vào thời này vậy là khá lắm rồi, bác Chín suốt ngày uống rượu say, la hét ỏm tỏi, nói toàn những chuyện trời ơi, nhiều hôm đi học về thấy bác Chín hát bội, nhảy tưng tưng.

Bác Chín gái thầm lặng dễ thương. Cách cái ao là đến nhà Cậu Tư,

 

3- Nhà Cậu Tư

Cậu Tư chạy xe ngựa, Mợ Tư  luộc khoai lang, khoai mì bán trên chợ, hằng ngày Cậu Tư chạy xe ngựa lên bến xe luôn tiện chở Mợ Tư hai giống khoai treo lũng lẳng hai bên, nhiều hôm đi học sớm Cậu Tư còn cho quá giang đến trường.

Tấn là con trai lớn ông này tuy nhỏ tuổi cũng thấy có hôm lái xe ngựa chở má đi, đem xe ra bến sau đó Cậu Tư đi bộ lên sau.

Hòn con trai kế,  nhỏ tuổi hơn tôi nhưng tên này lanh lợi lắm, thường chận đường bắt nạt mấy thằng ba giá xóm tôi, kế đến là cô gì đó rất giỏi việc nhà v.v… nghỉ học sớm phụ buôn bán cùng mợ Tư .

Sau Cậu tư bán nhà dời vô Đất Thánh

 

4- Nhà Anh Ba Thọ

Tiếp theo nhà Cậu Tư là nhà Anh Ba Thọ một mắt đánh xe ngựa, anh có hai thằng con trai, thấy Cậu Tư  dời nhà vào Đất Thánh anh bán nhà cho Chú Hai Thợ Mộc rồi cất nhà gần bên Cậu Tư, nhưng thay gì nhìn ra sông nhà nhìn ra đường Tông Thứ.

 

Chú Hai Thợ Mộc con trai lớn của Bà Tư Ốm bên xóm Cầu Huyện dưới chú tánh tình hiền lành có mấy người con, con trưởng tên Hai Lớn để phân biệt với thằng Hai Nhỏ con Chú Sáu Nhẩn, thằng Ba Gà, cô Tư ốm, đặc biệt không biết vì sao đứa thứ năm được đặt tục danh là Năm C… hết chuyện đặt tên con ! Năm C. . . này đủ món ăn chơi, bài bạc lanh lợi nhất nhà

 

5- Nhà Chị Tư Huỳnh

Anh Tư làm nghề thợ mộc hiền lành ít nói, chị tư lanh lợi miệng nhai trầu tối ngày, đứa con gái lớn đi làm ăn ở xa, cô út ở nhà thấy chưng diện vàng vòng đỏ tay, lập gia đình rất sớm. Sau khi thấy Cậu Tư và anh Ba Thọ bán nhà, cũng bán nhà đi theo con gái, tôi chẳng biết đi đâu, nhà này sau thấy Anh Tư Đời ở

 

Cao Thệ



Chỉnh sửa lại bởi cao the - 04/Jul/2012 lúc 8:16pm
IP IP Logged
cao the
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 15/Jul/2011
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 589
Quote cao the Replybullet Gởi ngày: 13/Jun/2012 lúc 8:56pm

6- Chú Tư Vinh,

ông này cụt một bàn tay, nghe nói Chú này là dân giang hồ, sau giải nghệ hành nghề đạp xích lô, Chú Tư ăn nói ngang tàng nhưng tính rất kỹ lưỡng nhà của lúc nào cũng sạch sẽ, gọn gàng, xe xích lô chú lúc nào cũng bóng lưỡng.

Thiếm Tư ở nhà tụ tập bạn bè đánh bài tứ sắc tối ngày

Bàn Thiên nhà chú đặt ở hàng rào ngay bên lề đường, đêm đó đi ngang thấy nải chuối mập ú, máu chôm chỉa nổi lên tôi không dằn xuống được thò tay lấy, bổng nghe tiếng thằng con Chú bên kia đường hét toán lên, tôi ôm nải chuối chạy vào đường hẻm hảng nước đá, quẹo trái qua hẻm lò Bún chạy về nhà. May mắn cho tôi trời đất phò hộ cho kẻ gian mà hiền nếu bị bắt được chỉ có nước độn thổ, xui hết biết ! từ đó đi học không dám đi ngã mé sông nữa, phải đi ngã Ao Trường Đua,

 

7- Nhà Bác Tư Búp

Ngày trước nơi này là bến đò, nơi tắm ngựa của Cậu Tư và Anh Ba Thọ, cũng là nơi tắm của các bạn bên mé sông, hôm nào lũ chúng tôi vào nhà Ông Ba nghi hái bần tắm sông gặp nhau thì hai bên chơi trò chọi lộn bằng sình hoặc kết bầy đi hái trộm ổi, bần ổi. Sau này Chú Tư Vinh rào lại

 

Dưới gốc cây keo gai là nhà Bác Tư Búp.

Bác Tư Búp làm thợ Thiếc gò hàn máng xối, thùng gánh nước, thùng tưới cây v.v… thấy trong nhà có đứa con gái tên Nở tối ngày bên mẹ, Hai bác rất hiền, Bác Tám lúc nào cũng thấy đeo cặp kiếng lão tròn vo xệ gần tới chớp mũi

Một tay cằm thanh chì một tay cằm bình khè lửa bác đi dường hàn tài rình thẳng băng, mối hàn không chê vào đâu được.

 

 

8- Nhà Bác Tám Kỷ

Quán bán tạp hoá của Bác Tám Kỷ là cái thum nhỏ trước nhà,  nhà ở cất thụt tuốt bên trong được nối liền hàng gạch

Quán của Bác Tám bán bánh kẹo, tập vở là chính nhưng đủ thứ thập vật, hàng xóm mua gì cũng có.

Điểm đặc biệt là từ đây trở lên những căn nhà  được cất sâu bên trong rất xa đường lộ vì đây là phần đất bên voi, theo ngày tháng sông mãi bồi thêm ra

Chúng tôi thường đi bắt vọp bên phần sông nhà Ông Ba nghi, bên kia sông là nhà Bác Tám  Ô rô, cốc kèn, bần mọc kín nhưng vẫn thấy bóng người ra vào, làm việc.

 

 

9- Nhà Bác Sáu Điếc,

Căn nhà nhỏ lợp lá hàng rào cây có bàn thien bằng gổ đứng chông chênh trước sân, thoạt nhìn ta cảm nhận ngay không gian man mác buồn, tôi thấy trong nhà có bạn trang lứa với chúng tôi nhưng thấy ít giao thiệp với ai, theo bài viết của nhà thơ Thy Lan Thảo “ ông bà Bảy Điếc, Ông lãng tai rất nặng.Ông là người xứ khác, bị án lưu đày, phát vãng tới đây, sinh sống bằng nghề làm mướn “.

 

10- Hai gia đình người Tàu

 

Miếng đất kế bên thật rộng, bờ sông ngay khúc quanh ắt có bên voi bên vịnh, miếng đất này nằm ven sông Cầu Huyện thuộc về bên voi, trong Phong Thuỷ bảo tốt  hai gia đình người Tàu, tên Ông là Cao Văn Báu.

Chuyên nghề  làm cải muối. Cây cải người ta muối đem phơi khô gọi là cải Tiều xại ? Củ cải muối lấy ra phơi khô gọi là cải Xá bấu ?

Không biết Tiều Xại hay Xá Bấu có đúng không nhưng tôi biết có một điều rất là đúng gọi chung là cải muối.

Khi xe bò chở cải đến nơi người ta cắt bỏ bớt rể, có hai cái ao phía trước, lá cải, rể cải rớt xuống ao lâu ngày màu nước vàng đen, màu nước này là hoa của loài Tảo rất độc do ao tù nước động đáy ao rất dơ,  công nhân quăng cây cải và củ cải xuống ao quậy qua quậy lại rồi lượm lên.

Cây cải phơi trên tấm đệm, hôm nào không đủ đệm phơi tự do trên đất, khi dốt dốt phơi trên những cây sào.

Củ cải người ta xấp cài vào hồ, một lớp củ cải một lớp muối. công nhân thi nhau dậm đạp.

Xứ Gò Công nước mặn, nên dùng mái chứa nước mưa,  phát triển người ta đúc hồ chứa nước, một cái hồ chứa mấy chục đôi nước, sử dụng hồ ít choáng chổ hơn, nhưng xi măng làm cho nước mưa nhạt hơn.

 

Hồ chứa nước, Bác Sáu Ngân thợ hồ xóm tôi đúc sẳn để bán người dân quanh vùng. Hảng cải muối đặt làm nhiều hồ không nắp để muối cải, mấy chị ở xóm tôi là thợ ở hảng muối cài này. Chị nào chị nấy kẻ tay, kẻ chân lở lói vì ghẻ , lý do là suốt ngày đứng trong hồ chất cải, đổ muối xong rồi dậm lên cho cải xọp xuống, da tay da chân tiếp xúc với cải và muối nên ra nông nổi như vậy, Cải muối ăn rất ngon !

 

12- Nhà Bác Năm Quăn

Cuối xóm nhà nằm dọc theo bờ sông là nhà Bác Năm Quăn.

Bác Năm người Miên tóc quăn nên gọi là Năm Quăn. Ông này thuộc dân giang hồ tứ chiến

Trước nhà có cây me, dưới bóng me lúc nào cũng thấy mấy cái lồng nhốt gà nòi đủ loại, đặt mấy cái ghế Bác và các bạn hay ngồi xem vảy coi cựa gà, hoặc lũ nhỏ bu lại xem cá Lia Thia, phải nói cá Lia Thia của bác đẹp và chiến đấu hơn hẳn cá Lia Thia của Bác Hai Thi, vào thời đó Bác đã có bán cá Phướng, loại cá mà vi và kỳ đều dài xanh xanh đỏ đỏ, lúc chúng phùng mang, trợn má vươn vi kỳ thật đẹp, như Lữ Bố chung quang lưng cắm đầy cờ, trước ngực có chùm hoa vãi, trên đầu đội mão có mấy cây long Trỉ thật là oắch! Nhưng thú thật chúng tôi không dám vào mua bởi cái mặt rất ngầu của bác.

Thi Sĩ Thy Lan Thảo viết vê gia đinh Bác như sau :

“Ông Năm Quăn có người con trai mà giới lính tráng cũng như thanh niên Gò Công thường biết tên đó là Ba Hóa, nhà anh ở Xóm Cỏ chuyên nuôi” em út”…  Khoảng giữa thập niên 60”

 

Từ nhà Bác đi khoảng 10m nữa là đến cống ông Ba Khoa, khu vực quanh cống vào lúc triều cường thường bị ngập nước.

 

Không hiểu vì sao có thời gian nơi này người ta đặt cái Lô Cốt đêm đêm cử người đến gác Nghĩa Địa ? Vào những năm này bọn việt cộng mới ló mặt ra lực lượng không mạnh lắm, nhưng lập ấp chiến lược, lính tráng co cụm lại trong thành phố, bên ngoài ban đêm mặc sức cho việt cộng đi giết người, chặt cây, đào đường, cuốc lộ, đặt mìn, gài lựu đạn, để sáng ra người trong ấp Chiến lược đi làm ruộng bị giết hại ! Ngày trước dọc bên đường đi Tân Niên Tây, Bình Ân, Sơn Quy… Trường Tiền trồng cây cho người đi đường có bóng mát ngồi nghỉ chân bọn chúng hè nhau mỗi đêm chặt vài cây ngã ngang trên đường, xong treo lựu đạn vào,  ai đến kéo cây thì bị nổ, hoặc núp trong lùm bụi súng bá đỏ gát trên nạng cây, ai kéo nhánh cây trên đường trong xóm nghe chốc…chùm ngoài đường người ngã xuống thật là gian ác. Chặt riết không còn cây nào, người dưới quê đa phần là ông bà cha mẹ bọn chúng đi chợ gánh hàng về nặng mệt ứ hơi không tìm được bóng mát thật là khổ bởi lũ quỹ! Cái vọng gác vô duyên ấy tuổi thọ chẳng được bao lâu ! Nhờ dẹp bỏ bớt các đồn bót mà sau này Gò Công là một trong 2 tỉnh an ninh nhất ở miền Nam

 

Nhà bác Năm là căn cuối cùng phía bên phải, từ đây sông Cầu Huyện chạy song song với đường Tổng Đốc Phương lên đến Trường Bà Phước không có nhà nào.

Bờ bên kia sông dừa nước mọc len kín, trước ngỏ nhà Ông Cả Thuận nhìn bên sông thấy một khoảnh phía nhà sau thầy Năm Cần.

Hàng dừa lá chạy đến đầu ranh đất nhà Ông Đốc Phủ Tường thì hết, hai bên bờ sông là hai con đường.

Bên phía Cầu Huyện bây giờ là đường Hai Bà Trưng đầu đường Lộ Me bờ đất voi ra sông tạo một khoảng đất rộng, người quanh khu vực đổ rác thành đống to. Đường bên kia  sông thuộc Ấp Nhà Thờ đi thẳng đến Trại Giam, qua Trường Nam Tiểu Học , Trường Nữ Tiểu Học là đường Nguyễn Văn Côn hiện nay.

Người đi đường bên này nói chuyện với người đi đường bên kia, dưới mé sông trước nhà Thầy Sáu Tống le que mấy cây bần, phần còn lại là cỏ dại Ô rô,  Cóc Kèn, Mái Chèo mọc theo mép nước.

 

Cao Thệ



Chỉnh sửa lại bởi cao the - 04/Jul/2012 lúc 8:18pm
IP IP Logged
<< phần trước Trang  of 18 phần sau >>
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.219 seconds.