Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Lịch Sử - Nhân Văn
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Văn Học - Nghệ thuật :Lịch Sử - Nhân Văn
Message Icon Chủ đề: Bà Ngô Đình Lệ Quyên tử nạn lưu thông Gởi trả lời Gởi bài mới
Người gởi Nội dung
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Chủ đề: Bà Ngô Đình Lệ Quyên tử nạn lưu thông
    Gởi ngày: 17/Apr/2012 lúc 5:09pm



Bà Ngô Đình Lệ Quyên tử nạn lưu thông tại Roma

LM. Trần Đức Anh OP4/17/2012


ROMA. Bà Ngô Đình Lệ Quyên, đặc trách phân bộ di dân thuộc Caritas Roma, đã tử nạn lưu thông ở Roma hôm 16-4-2012.





Bà Lệ Quyên năm nay 53 tuổi, là con gái của Ông Bà Ngô Đình Nhu. Lúc 8 giờ rưỡi sáng ngày thứ hai vừa qua trên đường đi vào Roma để làm việc, đến cây số thứ 12 ở đường Pontina, bà bị ngã xe gắn máy và một xe bus chở học sinh từ sau chạy tới và cán lên bà.


Đức Ông Enrico Feroci, Giám đốc Caritas Roma đã ra thông cáo bày tỏ đau buồn sâu xa về sự qua đời của Bà Ngô Đình Lệ Quyên, trong đó ngài viết: ”Bà Lệ Quyên là một gương mẫu. Trong bao nhiêu năm trời, bà hăng say chu toàn công tác bênh vực những người nghèo khổ và rốt cùng, với tất cả niềm tin. Hoạt động của bà đối với chúng tôi là một động lực giúp tăng trưởng về mặt nhân bản và chuyên nghiệp. Bà biết liên kết những năng khiếu con người, kinh nghiệm như một người tị nạn, với niềm tin sâu xa nơi Thiên Chúa, và lòng tôn trọng đối với con người. Với những lời khuyên và công việc không biết mệt mỏi, bà biết nhắc nhở chúng tôi rằng hoạt động của chúng tôi là cho người nghèo và những người kém may mén. Chúng tôi gần gũi với gia đình bà và cộng đoàn giáo xứ thánh Gregorio Barbarigo, nơi bà Lệ Quyên vẫn siêng năng tham dự thánh lễ Chúa nhật”.

Đô trưởng thành Roma, Ông Gianni Alemanno, đã gửi thư đến Đức ông Enrico Feroci, Giám đốc Caritas Roma, để chia buồn và nhắc đến bao nhiêu lần bà Lệ Quyên đã đối thoại với chính quyền để bênh vực quyền lợi của những người di dân.

Bà Ngô Đình Lệ Quyên sinh tại Sàigòn ngày 26-7-1959 và đến Italia vào năm 1990 với qui chế tỵ nạn. Từ tháng 12 năm 1992, đến tháng 11 năm 1996, bà phụ trách Trung tâm lắng nghe người ngoại quốc thuộc Caritas Roma. Tháng 12 cùng năm đó bà đặc trách phân bộ di dân của Caritas, với nhiệm vụ phối hợp và giám sát các dịch vụ cũng như các dự án nhắm giúp những người di dân nước ngoài, người tị nạn và nạn nhân những vụ buôn người, trong đó có các trung tâm lắng nghe, các cửa thông tin, trung tâm tiếp đón nam giới, nữ giới và các gia đình, vườn trẻ. Từ tháng 7 năm 2000 đến tháng 12 năm 2007, Bà Lệ Quyên cũng đặc trách việc điều hợp toàn quốc về tỵ nạn thuộc Caritas Italia và dự án tỵ nạn. Bà cũng là thành viên của Ủy ban di dân thuộc Caritas Âu Châu, và sau đó bà làm chủ tịch Ủy ban này. Từ tháng 6 năm 2009 Bà Lệ Quyên là chủ tịch phân bộ Italia của Hiệp hội nghiên cứu vấn đề người tị nạn trên thế giới, một tổ chức phi chính phủ và có tính chất quốc tế.

Bà Lệ Quyên không xin quốc tịch Ý, nhưng do công tác phục vụ nổi bật dành cho Italia, theo đề nghị của Bộ Nội vụ, Tổng thống cộng hòa Italia đã ban hành sắc lệnh cấp quốc tịch Ý cho Bà năm 2008.


(Tổng hợp 16-4-2012)


http://vietcatholic.com/News/Html/97263.htm



mk
IP IP Logged
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 17/Apr/2012 lúc 5:34pm



Video Clip về tai nạn của Ngô Đình Lệ Quyên trên YouTube (bằng tiếng Italy)
 

mk
IP IP Logged
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 18/Apr/2012 lúc 12:15am


Ngô Đình Lệ Quyên,
con gái út của Ông Bà Ngô Đình Nhu ,
thiệt mạng vì tai nạn giao thông tại La Mã...


Bà Ngô Đình Lệ Quyên

Văn phòng Caritas of Rome, một tổ chức thiện nguyện của Tòa Thánh La Mã cho biết: Bà Ngô Đình Lệ Quyên, 53 tuổi, tiến sĩ Luật, người phụ trách di dân của Caritas of Rome, trên đường đi làm bằng xe gắn máy, bà bị té, và bị một xe bus chở học sinh cán phải, tử thương, vào sáng ngày thứ Hai, 16 tháng 4, 2012 tại Rome, Ý Đại Lợi..

Được biết bà là con gái út của Ông Ngô Đình Nhu (em ruột và là Cố vấn của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm) và bà Trần Lệ Xuân. Bà lập gia đình với một người Ý, nhưng không mang quốc tịch Ý, có một người con trai mang họ mẹ là Ngô Đình Sơn.

Ông, Bà Ngô Đình Nhu có bốn người con : Hai trai, hai gái..
Hai người anh của bà là: Ngô Đình Trác (Ý Đại Lợi) và Ngô Đình Quỳnh (Bỉ) 
Chị là bà Ngô Đình Lệ Thủy, thiệt mạng trong một tai nạn giao thông tại Pháp năm 1968.
Mẹ là bà Trần Lệ Xuân qua đời ngày 24 tháng 4 năm 2011 tại La Mã, Ý Đại Lợi.






Chỉnh sửa lại bởi mykieu - 18/Apr/2012 lúc 12:19am
mk
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 18/Apr/2012 lúc 3:05am

Con gái út ông bà Ngô Ðình Nhu qua đời vì tai nạn giao thông

Ðỗ Dzũng/Người Việt  

“Ngô Ðình Lệ Quyên qua đời trong một tai nạn giao thông ở Rome vì va vào một xe bus chở học sinh.”

ROME, Ý (NV) - Bà Ngô Ðình Lệ Quyên, con gái út ông Ngô Ðình Nhu và bà Trần Lệ Xuân, qua đời trong một tai nạn giao thông tại Rome, Ý, hôm 16 Tháng Tư, một nguồn tin thân cận với gia đình xác nhận với nhật báo Người Việt.

Hình bà Ngô Ðình Lệ Quyên, trong thông báo tin buồn trên trang web của
Caritas of Rome. (Hình: caritasroma.it)

Luật Sư Trương Phú Thứ, người duy nhất phỏng vấn bà Nhu thời gian sau chiến tranh, và là một người thân của gia đình nạn nhân, nói: “Tôi vừa nói chuyện với Ngô Ðình Quỳnh, anh trai của Lệ Quyên, và được biết cô ấy qua đời trong tai nạn giao thông hôm Thứ Hai. Hôm đó, cô đi làm bằng xe gắn máy, bị té, đập đầu xuống đường. Lúc đó, cô không đội nón an toàn.”

Bản tin trên trang blog caritas.org của Caritas of Rome cho biết, “Ngô Ðình Lệ Quyên qua đời trong một tai nạn giao thông ở Rome vì va vào một xe bus chở học sinh.”

Caritas of Rome, một tổ chức thiện nguyện thuộc Tòa Thánh Vatican, là nơi bà Ngô Ðình Lệ Quyên, 53 tuổi, tiến sĩ luật, làm việc với vai trò giám đốc phụ trách di dân.

Thân phụ của bà Quyên là em ruột và là cố vấn của cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm. Hai ông Ngô Ðình Diệm và Ngô Ðình Nhu bị giết chết tại Sài Gòn, một ngày sau cuộc đảo chánh ngày 1 Tháng Mười Một, 1963 tại miền Nam Việt Nam.

Luật Sư Trương Phú Thứ cho biết, bà Ngô Ðình Lệ Quyên có khuôn mặt rất giống cha, và là một người cương quyết, có cá tính rất đặc biệt.

“Tôi có thể nói, lúc 20 tuổi, cô có khuôn mặt giống ông Nhu, như hai giọt nước. Người ta thường nói 'gái giống cha, giàu ba họ.' Nhưng bây giờ cô không còn nữa, rất tội nghiệp, rất thương,” luật sư này nói.

Ông nói thêm: “Cô là người rất 'cứng đầu.' Ở Ý, nếu không có quốc tịch thì không được giảng dạy trong đại học. Cô có bằng tiến sĩ luật, nhưng không chịu nhập quốc tịch. Ðã thế, dù có chồng người Ý, cô lại đặt tên con trai là Ngô Ðình Sơn, tức là lấy họ bên ngoại.”

“Nói là 'cứng đầu,' chứ thực ra, 'con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh.' Cô là người đạo đức, ăn nói nhỏ nhẹ, nhưng cương quyết,” Luật Sư Trương Phú Thứ nhận xét.

Ðức Ông Enrico Feroci, giám đốc Caritas of Rome, ra thông cáo trên trang web bày tỏ đau buồn sâu xa về sự qua đời của bà Ngô Ðình Lệ Quyên.

“Bà Lệ Quyên là một tấm gương cho chúng tôi,” Ðức Ông viết. “Trong nhiều năm, bà làm việc giúp người nghèo và khốn cùng. Bà làm việc với lòng hăng say và tin tưởng, và là một chỗ dựa cho chúng tôi trong công việc.”

Ông Gianni Alemanno, đô trưởng Rome, cũng gởi thư đến Ðức Ông Enrico Feroci để chia buồn và nhắc nhiều lần bà Lệ Quyên đối thoại với chính quyền để bênh vực quyền lợi người di dân, theo Caritas of Rome.

Trang blog của Caritas of Rome tại www.caritas.org viết: “Lệ Quyên đóng vai trò rất lớn trong chính sách của Caritas ở mọi mức độ. Bà được nhiều nhân viên ở Caritas biết. Ðồng sự của bà khắp thế giới luôn nhớ đến bà trong vai trò một người dấn thân cho người nghèo.”

Bà Martina Liebsch, giám đốc chính sách quốc tế của Caritas, được trang
blog trích lời nói: “Chúng tôi xin chia buồn với gia đình, bạn bè và nhân
viên của Caritas of Rome... Sự ra đi của bà là một mất mát lớn đối với
cộng đồng di dân tại Rome.”


Tại Caritas of Rome, từ năm 1992 đến năm 1996, bà Ngô Ðình Lệ Quyên phụ trách một trung tâm chăm sóc người ngoại quốc.

Từ năm 2000 đến năm 2007, bà Lệ Quyên đặc trách việc điều hợp toàn quốc liên quan đến người tị nạn. Bà cũng là thành viên ủy ban di dân thuộc Caritas Châu Âu, và sau đó làm chủ tịch ủy ban này.

Theo trang web www.vietcatholic.com, “bà Lệ Quyên không xin quốc tịch Ý, nhưng do công tác phục vụ nổi bật dành cho Ý, theo đề nghị của Bộ Nội Vụ, tổng thống nước này ban hành sắc lệnh cấp quốc tịch Ý cho bà năm 2008.”

Theo trang web của Caritas of Rome, bà Ngô Ðình Lệ Quyên sinh năm 1959, sang Ý năm 1963 với quy chế tị nạn.

Sau cuộc đảo chánh, thân mẫu của bà và người chị, Ngô Ðình Lệ Thủy, lúc đó đang ở Mỹ, bay sang Rome, và sau đó sang sống tại Pháp.

Năm 1968, bà Ngô Ðình Lệ Thủy thiệt mạng trong một tai nạn giao thông tại Pháp.

Năm 2011, bà Trần Lệ Xuân qua đời tại Ý.

Ông bà Ngô Ðình Nhu có bốn người con, hai nam, hai nữ.

Gia đình bà Ngô Ðình Lệ Quyên sống chung một tòa nhà với gia đình ông Ngô Ðình Trác, con trai trưởng của ông bà Ngô Ðình Nhu.

 



Chỉnh sửa lại bởi Nhom12yeuthuong - 18/Apr/2012 lúc 3:07am
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 18/Apr/2012 lúc 5:26am



VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC !








mk
IP IP Logged
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 21/Apr/2012 lúc 8:21am


BẢN SONATE
CHO MỘT NGƯỜI TỬ TẾ,

NGÔ ĐÌNH LỆ QUYÊN
 
kim thanh
 
 
      Tin dữ chuyển đến tôi sáng nay từ một anh bạn phương xa làm tôi rụng rời, như mỗi lần một người quen, già hay trẻ, tại Portland bất ngờ nằm xuống, không kịp nói lời từ giã. Huống chi Ngô Đình Lệ Quyên rời bỏ dương trần lúc 53 tuổi –còn quá trẻ đối với tôi. Trong một phút giây, tôi mong đó không phải là sự thật. Biết đâu ai đó đã đùa dai tung trễ lên mạng ảo một poisson d’Avril, dù tháng tư sắp hết. Đến khi Luật sư Trương Phú Thứ gọi điện thoại kiểm chứng với Ngô Đình Quỳnh và sau đó tôi lên mạng thế giới và có trong tay bài báo bằng tiếng Ý, thì nỗi hy vọng mong manh thật sự tan vỡ và sự đau buồn trong tôi lên tới tột độ.
      Bàng hoàng như mất một người thân thuộc. O mon Dieu, mais pourquoi, pourquoi, pourquoi? Tôi thầm hỏi Thượng Đế và cho riêng tôi như một lời thở than, đột nhiên –như năm xưa khi đọc tin chị cô, Lệ Thủy, người bạn trẻ thuộc Nhóm Thanh Sinh Công, đã chết trong một tai nạn xe hơi cũng thảm khốc, cũng bất ngờ không kém– vang lên từ đáy tiềm thức trước nỗi tuyệt vọng khôn cùng. Mặc dù tôi chưa hề một lần gặp gỡ Lệ Quyên, chưa hề thấy một bức hình nào của cô trước kia, chưa hề một lần nghe nhắc đến tên cô, ngoại trừ trong bản thảo hồi ký của mẹ cô, bà quả phụ Ngô Đình Nhu. Cô rời Việt Nam năm 1963, lúc mới bốn tuổi, một tháng sau khi cha và bác bị thảm sát bởi những bàn tay tanh tưởi mùi máu và mùi đô la, nên những người thuộc thế hệ già chúng tôi không thể biết cô. Chỉ hai hôm nay thôi, tôi mới được biết Lệ Quyên đã nhiều năm đặc trách giúp đỡ những người di dân khắp thế giới trong cơ quan Caritas của thành phố Rome, nơi cô đã sống hơn nửa thế kỷ thầm lặng dấn thân. Và đã chết trong một khoảnh khắc kinh hoàng. Nằm chết cô đơn giữa dòng xe xuôi ngược, giữa dòng đời như thản nhiên đến vô tình. Chết một cách bi thảm, trong vô vàn thương tiếc muộn màng của biết bao người không hiện diện sáng ấy trên đường phố Pontina, Roma.
 
     Chúa ơi, tại sao, tại sao, tại sao? Tôi tự hỏi. Có câu giải đáp nào không cho sự bí ẩn phi lý này? Nếu người bị nạn không phải là con ông Ngô Đình Nhu, cháu Tổng thống Ngô Đình Diệm, em út của Ngô Đình Lệ Thủy sẽ chẳng ai thắc mắc gì. Có người trả lời, bằng cách so sánh dòng họ Ngô Đình với dòng họ Kennedy –cũng chịu nhiều oan trái tương tự. Phần tôi không nghĩ như thế. John F. Kennedy, những đồng lõa Mỹ và tay sai Việt Nam, năm 1963, rõ ràng là thủ phạm trực tiếp hay gián tiếp giết chết ba anh em nhà Ngô, gây ra những xáo trộn, khủng hoảng chính trị, quân sự, để cuối cùng dẫn đến sự sụp đổ của cả Miền Nam, mười hai năm sau. Thủ phạm làm sao có thể đồng hóa với nạn nhân? Rồi nữa, làm sao so sánh ba anh em nhà Kennedy với ba anh em họ Ngô Đình về tư cách và đạo đức cá nhân?   

     Những người căm ghét chế độ Ngô Đình Diệm, trái lại, ưa trích câu “ác giả ác báo” để giải thích tai nạn xảy ra theo quan niệm tôn giáo, đúng hơn theo thuyết karma (nhân quả) quen thuộc. Tôi cũng không nghĩ như thế. Lệ Thủy, Lệ Quyên, hoặc xa hơn John Kennedy Jr., đã làm gì nên tội, mà bị Trời “phạt” về những lỗi của người lớn, nếu có? Nếu thuyết nhân quả đúng, tại sao ************, Trường Chinh, Lê Duẩn, hay Staline, Mao Trạch Đông, Pol Pot v.v..., những tên đại gian, đại ác nổi tiếng, đã giết hại biết bao sinh linh lại được chết già an lành, trong khi hàng trăm ngàn nông dân hiền lành, vô tội bị giết oan, chết thảm? Trời quả có mắt thật không? Gần nhất, những Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân đã nhúng tay sát hại hàng ngàn đồng bào ở Huế mà vẫn còn sống nhơn nhơn. Tại sao?
 
      Mới đây, lần đầu được thấy những bức ảnh của Lệ Quyên, với đôi mắt sâu đen thăm thẳm, nét mặt cương nghị, phảng phất một nỗi buồn xa vắng, tôi chợt nhớ đến dáng vẻ kiêu hãnh và sắc đẹp bi thảm (tragique) tương tự của một nữ tài tử Hy Lạp đóng vai nhân vật Antigone trong phim cùng tên. Antigone (442BC), vở bi kịch bất hủ của nhà soạn kịch Hy Lạp lừng danh, Sophocle, kể những thảm họa phủ xuống Œdipe và gia đình bởi mệnh số khắc nghiệt và độc đoán. Nhân vật Antigone, cũng như Electre, Phèdre của kịch tác gia Euripide, và Hermione, Oreste, Pyrrhus... trong các vở kịch khác nữa mà Racine, thế kỷ XVII văn học Pháp, đã mô phỏng, đều là những nạn nhân của định mệnh nghiệt ngã dành cho con người yếu đuối, bất lực trước thần linh, những thế lực siêu hình, hoặc đam mê tàn bạo. Chỉ có cái chết hóa giải mọi oan nghiệt. “Evil strikes at it down the generations wave after wave, like seas that batter a headland...” (Bất hạnh dập xuống qua các thế hệ theo từng đợt sóng tiếp nối, như biển vỗ vào bờ đất cao...” (Sophocle, Antigone). Trong một bối cảnh khác, thi hào Nguyễn Du há đã chẳng viết cho những hồng nhan bạc phận: “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen” và về uy quyền tuyệt đối của Trời, thế lực trên cao:
                             Ngẫm hay muôn sự tại trời,
                       Trời kia đã bắt làm người có thân.
                             Bắt phong trần phải phong trần,
                       Cho thanh cao mới được phần thanh cao.  
Người Công giáo xem những bất hạnh trên đời là do sự Quan Phòng của Thiên Chúa toàn năng, là thử thách dành cho những người công chính, như ông Job trong Kinh Thánh đã phải chịu trăm bề đớn đau, tủi nhục.
 
     Dù được cắt nghĩa thế nào, cái chết đột ngột của Lệ Quyên làm tôi vừa cảm thương vừa kính phục cô, vừa thấy hãnh diện về cô. Cảm thương, như Thúy Kiều ngày nào bên mộ Đạm Tiên không quen, khéo dư nước mắt khóc người đời xưa. Hãnh diện, vì cô được báo chí ngoại quốc nhắc đến trong tư cách người Việt Nam đến Ý quốc tỵ nạn chính trị từ bé, sau đó giữ chức vụ quan trọng trong Hội Caritas Roma, đã yêu thương, giúp đỡ tha nhân, và hết lòng thờ phượng Chúa. Kính phục, vì dù có bằng tiến sĩ Luật, mà bởi nhất quyết không chịu vào quốc tịch Ý, cô không được đi dạy đại học, và cô cũng chẳng cần. Kính phục, vì tuy lấy chồng người Ý cô vẫn đặt tên con là Ngô Đình Sơn. Một phụ nữ Việt Nam muốn mãi mãi giữ căn cước và bản chất Việt Nam –xin hiểu VNCH. Còn gì cao đẹp hơn? Cũng như mẹ và hai anh, cô chưa một lần nào trở về thăm cố hương bây giờ đang nằm trong nanh vuốt của Hận Thù, của Dối Trá, của Bất Công, của Tàn Bạo. Và cũng như mẹ cô, chưa một lần nói một lời, viết một câu hằn học kết án cá nhân những kẻ đã sát hại cha, bác, chú của mình. Cô đã quên và tha thứ tất cả.

    Và như thế, tôi nghĩ rằng, trong bao năm sống kín đáo, khiêm nhường, lặng lẽ như một bóng mờ –không còn ai nhắc đến– giữa chốn bụi hồng lao xao, cô muốn chống lại, hoặc ít ra xoay đổi, định mệnh khắc nghiệt đè nặng lên gia đình, dòng họ, theo cách riêng của cô. Cũng như Antigone, theo cách riêng, khi đúng trước vua Créon, cãi lại lệnh cấm không được ai chôn xác người anh nổi loạn, Polynice, và qua đó, thách đố mệnh trời đeo đẳng trừng phạt gia đình Œdipe, cha nàng. Bị kết án tử hình, nàng ngẩng cao đầu và kiêu hãnh “xem cái chết như một điều tốt khi con người sống giữa bao nhiêu điều bất hạnh, khổ đau...” Những tưởng Ngô Đình Lệ Quyên, từ nay sẽ được giải thoát khỏi lời nguyền của định mệnh.
    Ngờ đâu, định mệnh không buông tha. Và một sáng, đã gục ngã. Đầu hàng. Như một nữ nhân vật đích thực trong những vở bi kịch của một Hy Lạp huyền thoại mà tôi đọc say mê từ ngày còn đi học...
 
     Tôi ca tụng và tiếc thương cô biết bao nhiêu cho vừa. Thôi, cô hãy ngủ giấc bình an ngàn năm, tự do từ đây, hỡi Lệ Quyên, Antigone của lòng tôi.
 
 
Portland, 17/4/2012 
Kim Thanh




mk
IP IP Logged
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 25/Apr/2012 lúc 6:23pm



THÁNH LỄ AN TÁNG

BÀ NGÔ ĐÌNH LỆ QUYÊN

   
 



Đức cha Guerino Di Tora,

Giám mục phụ tá, khu vực Bắc Tổng Giáo phận Rôma
sẽ chủ tọa Thánh Lễ an táng :

Bà Ngô Đình Lệ Quyên

Phụ trách Phần vụ Di cư Caritas Rom
vào
lúc
11 giờ Thứ bảy ngày 21 tháng 4 năm 2012,
tại Nhà thờ Giáo xứ St Gregory Barbarigo
in Via delle Montagne Rocciose n. 14 (metro B – Laurentina).

****

http://www.caritasroma.it/2012/04/i-funerali-di-le-quyen-ngo-dinh/



****



Chuyện chưa biết về

Con Gái Út 

của bà

 Trần Lệ Xuân


(Người nổi tiếng) - Ngày 16/4/2012, Ngô Đình Lệ Quyên, con gái út của ông Ngô Đình Nhu (em trai Tổng thống Ngụy quyền Ngô Đình Diệm) và bà Trần Lệ Xuân đã qua đời ở Rome, bởi một tai nạn giao thông thương tâm ở ven nội thành thành phố Rome. Giống như mẹ - bà Trần Lệ Xuân – Ngô Đình Lệ Quyên sống kín đáo và khép mình với báo chí, nên những thông tin về người con gái út của Ngô Đình Nhu rất ít ỏi đối với độc giả.



Ngô Đình Lệ Quyên sinh năm 1959 tại Sài Gòn, là con gái của Ngô Đình Nhu và đệ nhất phu nhân Trần Lệ Xuân.

Không giống như các anh, chị của mình (là Ngô Đình Lệ Thủy, Ngô Đình Trác và Ngô Đình Quỳnh), khi chế độ Ngô Đình Diệm bị sụp đổ, Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu bị ám sát, Ngô Đình Lệ Quyên mới 4 tuổi, nên Lệ Quyên hầu như không có ký ức gì nhiều về quãng thời gian dòng họ Ngô đứng trên đỉnh cao quyền lực.

Ký ức tuổi thơ của Ngô Đình Lệ Quyên là những ngày tháng sống lưu vong hết từ Rome đến Paris.

Năm 1963, khi Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu bị sát hại, đế chế họ Ngô ở miền Nam Việt Nam sụp đổ, bà Trần Lệ Xuân và con gái đầu Ngô Đình Lệ Thủy đang ở Mỹ đã tức tốc rời khỏi Mỹ vì 'không thể chấp nhận lưu trú tại một đất nước mà chính phủ của nó đã đứng sau lưng âm mưu đảo chính'.

Khi đó, người anh của Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu là Giám Mục Ngô Đình Thục đang làm giám mục ở Tòa thánh Vatican. Bà Trần Lệ Xuân trong hoàn cảnh không còn chỗ để nương thân đã đưa 4 người con đến xin tị nạn tại Rome, cậy nhờ giám mục Ngô Đình Thục giúp đỡ.


Ngày%2016/4/2012,%20Ngô%20Đình%20Lệ%20Quyên,%20con%20gái%20út%20của%20ông%20Ngô%20Đình%20Nhu%20%28em%20trai%20Tổng%20thống%20Ngụy%20quyền%20Ngô%20Đình%20Diệm%29%20và%20bà%20Trần%20Lệ%20Xuân%20đã%20qua%20đời%20ở%20Rome,%20bởi%20một%20tai%20nạn%20giao%20thông%20thương%20tâm.%20
Ngày 16/4/2012, Ngô Đình Lệ Quyên,
con gái út của ông Ngô Đình Nhu (em trai Tổng Thống NĐình Diệm) và bà Trần Lệ Xuân
 đã qua đời ở Rome, bởi một tai nạn giao thông thương tâm.


Lúc còn ở Việt Nam hay khi sống lưu vong ở nước ngoài, giám mục Ngô Đình Thục lúc nào cũng yêu thương mẹ con bà Trần Lệ Xuân. Do vậy, ông không chỉ là người thân ruột thịt, mà còn là ân nhân nơi đất khách quê người của Trần Lệ Xuân.

Người ta nói, nhà cửa của mẹ con bà ở La Mã đều do ông mua sắm và còn cung cấp cả tiền bạc cho con cái bà ăn học nữa. Điều này khiến bà Trần Lệ Xuân, một mặt coi Ngô Đình Thục như người trong nhà, nhưng một mặt rất biết ơn Ngô Đình Thục.

Sở dĩ thế là bởi những người còn lại trong gia đình họ Ngô lúc đó đều quay lưng lại với bà Trần Lệ Xuân do một số mâu thuẫn trong nội bộ gia đình mà người ngoài không nắm rõ hoặc không nắm chính xác.

Bằng chứng là năm 1984, khi giám mục Ngô Đình Thục qua đời ở Mỹ sau một thời gian dài bị khủng hoảng tinh thần nghiêm trọng, bà Trần Lệ Xuân dù không thoải mái về tài chính nhưng vẫn quyết tâm đưa các con sang Mỹ chịu tang Ngô Đình Thục, chỉ có điều Ngô Đình Luyện, người em út của gia đình họ Ngô đã ngăn cấm mẹ con bà sang dự tang lễ này. Đó là điều mà bà Trần Lệ Xuân day dứt đến cuối đời.

Bà Trần Lệ Xuân có 4 người con, 2 nam 2 nữ. Nhưng người con gái cả là Ngô Đình Lệ Thủy đã mất năm 1968 vì tai nạn giao thông. Vì vậy trên thực tế, bà chỉ còn người con gái duy nhất là Ngô Đình Lệ Quyên.

Bà Trần Lệ Xuân rất yêu thương người con gái này. Khi gia đình bà sống ở Paris và cha bà là ông Trần Văn Chương sống ở Mỹ, Ngô Đình Lệ Quyên đã ao ước được đi sang Mỹ thăm ông bà ngoại. Nhưng lúc đó, Trần Lệ Xuân không có nhiều tiền.

Bà đã phá lệ, nhận lời Đài truyền thanh Mỹ NBC thực hiện một cuộc phỏng vấn 30 phút. Điều kiện của bà là thù lao 10.000 USD và 2 vé máy bay khứ hồi hạng nhất Paris – Washington, để dẫn Ngô Đình Lệ Quyên đi thăm ông bà ngoại Trần Văn Chương.

Đó là lần duy nhất bà Trần Lệ Xuân đi Mỹ và cũng là lần duy nhất bà xuất hiện trên truyền thông quốc tế sau năm 1963. Ngoài ra, bà chưa từng gặp gỡ hoặc tiếp xúc với bất kỳ báo chí dưới bất cứ hình thức nào.

Đó cũng là lần duy nhất Ngô Đình Lệ Quyên được sang Mỹ gặp gỡ ông bà ngoại, trước khi họ lần lượt qua đời. Người ta nói, đây là sự hi sinh vĩ đại của bà Trần Lệ Xuân với con gái Ngô Đình Lệ Quyên, bởi một người kiêu kỳ như bà, không bao giờ còn muốn quay lại nước Mỹ đã đứng sau âm mưu giết chết những người thân của bà.

Thương cô con út thiệt thòi, sinh ra đúng lúc gia đình có biến, không được hưởng nhiều tình yêu của cha và ông bà ngoại, lại sớm phải sống cảnh lưu vong ở xứ người, nên bà Trần Lệ Xuân đã thông qua việc này để bù đắp cho con gái.

Ngô Đình Lệ Quyên theo học trường Đại học Rome và lấy bằng Tiến sĩ Luật tại đây rồi trở thành một luật sư ngành công pháp quốc tế rất nổi tiếng, nhưng bà chỉ được mời thỉnh giảng tại Đại học Rome.

Lý do là bởi một trong những điều kiện bắt buộc ở Đại học Rome là giáo sư giảng dạy trong trường phải có quốc tịch Italia. Trong khi Ngô Đình Lệ Quyên lại kiên quyết không gia nhập quốc tịch Italia nên không thể làm giáo sư chính thức.

Từ những năm 1990, Ngô Đình Lệ Quyên đã về sống và làm việc ở Rome. Người anh trai của Lệ Quyên là Ngô Đình Trác cũng sống ở Rome. Người anh trai Ngô Đình Quỳnh thì làm việc cho một công ty Mỹ có trụ sở ở Bỉ.

Bà Trần Lệ Xuân sống những năm gần cuối đời trong một căn hộ ở Paris. 3 năm cuối, khi sức khỏe suy yếu, bà Trần Lệ Xuân chuyển sang Italia sống cùng con trai và con gái trong một ngôi nhà ở Rome. Nên khi bà Trần Lệ Xuân qua đời, con trai con gái cùng các cháu nội ngoại của bà đều có mặt.

Những năm gần đây, Ngô Đình Lệ Quyên làm Giám đốc phụ trách vấn đề di dân của tổ chức Caritas of Rome, một tổ chức thiện nguyện thuộc Tòa thánh Vatican. Theo những người quen biết với Ngô Đình Lệ Quyên thì người đàn bà này có một gương mặt đặc biệt giống người cha Ngô Đình Nhu.

Có thể nói, Lệ Quyên là người giống cha nhất trong 4 anh chị em. Lúc 20 tuổi, Ngô Đình Lệ Quyên giống cha như hai giọt nước. Ngô Đình Lệ Quyên rất cương quyết, có cá tính rất đặc biệt và cũng nổi tiếng là người cứng đầu.

Có lẽ bởi vậy, nên hai mẹ con bà Trần Lệ Xuân và Ngô Đình Lệ Quyên không hòa hợp lắm trong quan điểm sống, dù họ vẫn yêu thương nhau. Điều mà bà Trần Lệ Xuân tự hào nhất về con gái là Ngô Đình Lệ Quyên đã lấy họ Ngô để làm họ cho con trai mình.

Ngô Đình Lệ Quyên lấy chồng người Ý nhưng vẫn giữ họ mình chứ không mang họ chồng. Lệ Quyên từ chối nhập quốc tịch Ý và đặt tên cho con trai duy nhất là Ngô Đình Sơn, cho con lấy họ bên ngoại. Người chồng Ý của Lệ Quyên cũng phải chấp nhận mong muốn này.

Ở Caritas of Rome, nơi Ngô Đình Lệ Quyên làm Giám đốc phụ trách vấn đề di dân, Lệ Quyên được biết đến như một người lãnh đạo cương quyết, nhưng ăn nói nhỏ nhẹ, khiêm nhường và lối sống rất chuẩn mực. Nữ Giám đốc này đóng góp vai trò to lớn trong chính sách của Caritas ở nhiều mức độ, nên được nhiều nhân viên của Caritas kính trọng.

Ngô Đình Lệ Quyên dấn thân vào những công việc giúp đỡ người nghèo và người khốn cùng, làm việc với lòng hăng say và tin tưởng và luôn bênh vực những người di dân nghèo khó. Từ năm 2002 đến 2007, Lệ Quyên từng là thành viên ủy ban di dân thuộc Caritas châu Âu và sau đó là Chủ tịch ủy ban này.

Ngô Đình Lệ Quyên nổi tiếng ở Rome và nổi tiếng ở Caritas vì rất “cứng đầu” trong việc không xin quốc tịch Italia, dù nếu có quốc tịch Italia, con đường sự nghiệp của bà sẽ tươi sáng hơn rất nhiều. Nhưng Lệ Quyên đã chối bỏ con đường đó để làm công tác thiện nguyện, sống một cuộc đời có thể nói là khá ẩn dật.

Dẫu vậy thì vì những đóng góp nổi bật của bà cho đất nước Italia, nên năm 2008, theo đề nghị của Bộ Nội vụ, Tổng thống nước Italia đã trực tiếp ban hành sắc lệnh cấp quốc tịch Italia cho bà. Đây là một vinh dự mà ít người ngoại quốc nào có được ở Italia.

Ngô Đình Lệ Quyên sống rất giản dị và thân thiện với người xung quanh. Ở Italia, Lệ Quyên thường đi bằng mô tô khi đến nơi làm việc. Vì lý do đó mà ngày 16/4 vừa qua, Ngô Đình Lệ Quyên đã tử nạn trong một tai nạn giao thông.

Chiếc xe máy do bà điều khiển đã bị ngã ở vùng ven nội thành Rome. Bà bị một chiếc xe buýt chở học sinh cán phải và tử vong tại chỗ. Thị trưởng thành phố Rome đã gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình bà.

Trang web của tổ chức Caritas cũng dành những dòng chữ thương tiếc trang trọng để nói về Ngô Đình Lệ Quyên. Nhiều người nói gia đình họ Ngô có một 'lời nguyền tháng 4' vì nhiều người trong gia đình họ Ngô đều chết vào tháng 4, trong đó có cả bà Trần Lệ Xuân và con gái Ngô Đình Lệ Thủy và nay là Ngô Đình Lệ Quyên.

Đó có thể chỉ là lời đồn đoán, nhưng cái chết của Ngô Đình Lệ Quyên khiến những bi kịch trong gia đình họ Ngô đã nối dài những thảm kịch đã xảy ra với gia đình này.


Phúc Hải


http://phunutoday.vn/blog-nguoi-noi-tieng/nguoi-noi-tieng/201204/Chuyen-chua-biet-ve-con-gai-ut-cua-Tran-Le-Xuan-2149999/





Chỉnh sửa lại bởi mykieu - 25/Apr/2012 lúc 6:42pm
mk
IP IP Logged
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 25/Apr/2012 lúc 6:38pm



 

Bà Lệ Quyên hồi còn nhỏ (hàng trước, thứ 2 từ phải sang)





Bà Lệ Quyên (bên phải)



Bà Ngô Ðình Lệ Quyên. (Hình: blogcaritas.org)


http://cuucshuehn.net/?language=vi&nv=news&op=Van-hoa-Xa-hoi/Ba-Ngo-Dinh-Le-Quyen-tu-nan-luu-thong-tai-Roma-2285


mk
IP IP Logged
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.141 seconds.