Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Tâm Tình
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Đời Sống - Xã Hội :Tâm Tình
Message Icon Chủ đề: MƯỜI ĐIỀU RĂN NGƯỜI GIÀ Gởi trả lời Gởi bài mới
<< phần trước Trang  of 70 phần sau >>
Người gởi Nội dung
huong cerise
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 23/Mar/2010
Thành viên: OffLine
Số bài: 244
Quote huong cerise Replybullet Gởi ngày: 27/Jan/2012 lúc 11:36am

 

Đắng%20chát%20tình%20mẫu%20tử

MẸ GIÀ

Tại trước khu chợ Phúc Lộc Thọ, CA., Phuc Jean cũng đã gặp một bà già Việt Nam lụ khụ ngả nón ăn mày. Không biết bà sang Mỹ đã lâu hay bây giờ mới qua ? Tại sao bà lại phải ăn mày ở cái xứ người già có tiền welfare đàng hoàng ? Ôi, vì sao ? tại sao ? làm sao ? 
Trong giờ lễ Chủ Nhật, tại nhà thờ Saint Columban, linh mục Tiến đã làm nhiều người nghe phải nhỏ lệ khi ông kể một câu chuyện về một người Mẹ đã nuôi cả mười đứa con thành công về tài chánh, đứa Bác Sĩ, đứa Kỹ Sư, Dược Sĩ, nhưng rồi cả mười đứa con ấy, không nuôi nổi một bà Mẹ già. 
Đứa nào cũng có lý do để từ chối không muốn ở với Mẹ. Linh mục T. cũng kể lại lúc ông còn ở Chicago, có một lần trong thời tiết lạnh giá, đến thăm một bà Mẹ, thấy căn nhà rộng mông mênh, không có ai, vì hai vợ chồng đứa con đi làm cả. Điều ông quan tâm là thấy trong nhà rất lạnh, bà Mẹ phải mặc hai áo nhưng vẫn lạnh cóng. Ông có hỏi bà mẹ tại sao không mở máy sưởi, thì bà Mẹ cho biết là không dám mở vì sợ khi con đi làm về, sẽ càm ràm là “tốn tiền điện quá!” Những đứa con sang trọng kia, có thể chờ đến ngày Lễ Mẹ, thì đưa mẹ ra ăn tô phở, hoặc gọi điện thoại về nhà, nói: “I love you, mom!” Thế là đủ bổn phận của một đứa con thành công ở Mỹ đối với người mẹ yêu dấu của mình.
Những Bà Mẹ ở đây là hiện thân của Mẹ Việt Nam đau khổ, đã hy sinh cả cuộc đời cho con cái, nhưng khi con cái phụ rẫy, bỏ bê, cũng im lặng chấp nhận cho đến hết cuộc đời.
Có biết bao nhiêu trường hợp như thế trong cộng đồng Việt Nam hải ngoại? Biết bao nhiêu bà mẹ âm thầm, lặng lẽ chịu đựng tất cả những đau khổ từ khi lấy chồng, sinh con, rồi ráng nuôi dạy con nên người, sau đó lại chấp nhận những đứa con bất hiếu như một định mệnh mà không hề thốt lời than vãn?
Một bà mẹ đã dành dụm bao năm buôn gánh bán bưng để cho con vượt biên một mình, sau đó, khi qua đến Mỹ, thằng con sợ vợ quá, không dám để mẹ ngủ trong phòng, mà bảo mẹ phải ngủ dưới đất trong phòng khách. Một lần, con chó xù của hai vợ chồng đứng đái ngay vào đầu mẹ. Bà mẹ kêu lên, thì đứa con dâu cười, trong khi chồng đứng yên, chẳng dám nói gì.
Bà mẹ khác, không được ở chung với con trai, phải thuê một phòng của người bạn, vì sức khoẻ yếu, lúc nào cũng lo là chết không có ai chôn. Khi nghe nói về bảo hiểm nhân thọ, bà có năn nỉ thằng con trai đứng tên mua giùm, để bà bớt chút tiền già và đóng hàng tháng để mai sau, con có tiền lo hậu sự cho bà, nhưng đứa con dâu nhất định không chịu, cho rằng “tốn tiền vô ích, chết thì thiêu, liệng tro xuống biển là xong, chôn làm gì cho mất thời giờ đi chăm sóc.” Bà cụ uất quá, phát bệnh và qua đời. Không biết rồi bà có được chôn cất đàng hoàng theo ý muốn, hay lại bị cô con dâu vứt tro ra biển.
Không thiếu những bà mẹ khi đến thăm con trai, phải ngồi nhìn vợ chồng ăn uống ríu rít với nhau, vì con dâu không chịu dọn thêm một chén cơm mời mẹ. Một bà mẹ nhớ con nhớ cháu quá, đến thăm con, nhưng sợ con dâu sẽ nhiếc móc thằng chồng, nên vừa vào tới cửa đã vội thanh minh: “Mẹ không ăn cơm đâu! Mẹ vừa ăn phở xong, còn no đầy bụng. Mẹ chỉ đến cho thằng cháu nội món quà thôi!”
Không thiếu những bà mẹ vì lỡ đánh đổ một chút nước trên thảm mà bị con nhiếc móc tơi bời. “Trời đất ơi! Cái thảm của người ta cả vài ngàn bạc mà đánh đổ đánh tháo ra thế thì có chết không?” Có bà mẹ bị bệnh ung thư, biết là sắp chết, mong được con gái đưa về Việt Nam, nhưng con đổ thừa cho chồng không cho phép về, rồi biến mất tăm, sợ trách nhiệm. Mẹ phải nhờ người đưa ra phi trường, nhờ người dưng đi cùng chuyến bay chăm sóc cho đến khi về tới nhà. Từ lúc đó đến lúc mẹ mất, cả con gái lẫn con rể, cháu chắt cũng chẳng hề gọi điện thoại hỏi thăm một lần.
Một bà mẹ già trên 70 tuổi rồi, có thằng con trai thành công lẫy lừng, bốn năm căn nhà cho thuê, nhưng bà mẹ phải lụm cụm đi giữ trẻ, nói đúng ra là đi ở đợ vì phải lau nhà, rửa chén, nấu cơm, để có tiền tiêu vặt và để gộp với tiền già, đưa cả cho… con trai, một thanh niên ham vui, nhẩy nhót tung trời, hai, ba bà vợ. Mỗi khi gặp bà con, chưa cần hỏi, bà đã thanh minh: “Ấy, tôi ngồi không cũng chả biết làm gì, thôi thì đi làm cho nó qua ngày, kẻo ở nhà rộng quá, một mình buồn lắm!”
Trong một cuộc hội thoại, một bà mẹ đã khóc nức nở vì chỉ đứa con gái phụ rẫy, bỏ bà một mình cô đơn. Bà chỉ có một đứa con gái duy nhất, chồng chết trong trại cải tạo. Trong bao nhiêu năm, bà đã gồng gánh nuôi con, rồi cùng vượt biên với con, tưởng mang hạnh phúc cho hai mẹ con, ai ngờ cô con chờ đúng 18 tuổi là lẳng lặng xách vali ra đi. Nước mắt bà đã chảy cho chồng, nay lại chảy hết cho con.
Tại những nhà dưỡng lão gần trung tâm Thủ Đô Tị Nạn, có biết bao nhiêu bà mẹ ngày đêm ngóng con đến thăm nhưng vẫn biệt vô âm tín. Một bà cụ suốt ba năm dài, không bao giờ chịu bước xuống giường, vì biết rằng chẳng bao giờ có đứa con nào đến thăm. Bà đã lẳng lặng nằm suốt ngày trên giường như một sự trừng phạt chính mình vì đã thương yêu con cái quá sức để đến tình trạng bị bỏ bê như hiện tại. Sau ba năm, bà mất vì các vết lở, vì nỗi u uất, mà những người chăm sóc bà vẫn không biết gia cảnh bà như thế nào, vì bà không hề nhắc đến. Có điều chắc chắn là khi bà còn là một thiếu nữ, bà phải là một mẫu người làm cho nhiều người theo đuổi, quyến luyến, tôn sùng. Chắc chắn bà đã trải qua bao năm tháng thật tươi đẹp, vì cho đến khi mất, khuôn mặt bà, những ngón tay bà, và dáng dấp bà vẫn khoan thai, dịu dàng, pha một chút quý phái. Nhưng tất cả những bí ẩn đó đã được bà mang xuống mồ một cách trầm lặng.
Một buổi chiều tháng 5, tại một tiệm phở Việt Nam, một mẹ già đứng tần ngần bên cánh cửa. Khi được mời vào, mẹ cho biết mẹ không đói, nhưng chỉ muốn đứng nhìn những khuôn mặt vui vẻ, để nhớ đến con mình, đứa con đã bỏ bà đi tiểu bang khác, để mẹ ở với đứa cháu là một tên nghiện rượu, đã hăm doạ đánh mẹ hoài. Hắn đã lấy hết tiền trợ cấp của mẹ, lại còn xua đuổi mẹ như cùi hủi. Hôm nay, hắn lái xe chở mẹ đến đầu chợ, đẩy mẹ xuống và bảo mẹ cút đi! Mẹ biết đi đâu bây giờ?
Trong một căn phòng điều trị tại bệnh viện Ung Thư, một bà cụ đã gào lên nức nở khi người bệnh nằm bên được chuyển đi nơi khác. “Bà ơi! Bà bỏ tôi sao? Bà ơi! Đừng đi! Đừng bỏ tôi nằm một mình! Tôi sợ lắm, bà ơi!” Những tiếng kêu, tiếng khóc nấc nghẹn đó lặp đi lặp lại làm người bệnh sắp chuyển đi cũng khóc theo. Người y tá cũng khóc lặng lẽ. Anh con trai của người sắp đi xa, không cầm được giọt lệ, cũng đứng nức nở. Cả căn phòng như ngập nước mắt. Mầu trắng của những tấm trải giường, mầu trắng của tấm áo cánh của bà cụ như những tấm khăn liệm, tự nhiên sáng lên, buồn bã. Bà cụ nằm lại đó đã không có đứa con nào ở gần đây. Chúng đã mỗi đứa mỗi nơi, như những cánh chim không bao giờ trở lại.
Trên đại lộ Bolsa, thỉnh thoảng người ta thấy một bà mẹ già, đẩy chiếc xe chợ trên chứa đầy đồ linh tinh. Mẹ chỉ có một cái nón lá để che nắng che mưa. Khuôn mặt khắc khổ của mẹ như những đường rãnh bùn lầy nước đọng, đâu đó ở chợ Cầu Ông Lãnh, Thủ Thiêm, gần bến Ninh Kiều, Bắc Mỹ Thuận hay ở gần cầu Tràng Tiền, Chợ Đông Ba? Mẹ đi về đâu, hỡi Mẹ? Những đứa con của mẹ giờ chắc đang vui vầy…
 --
Lê Thi Mỹ Linh _ Ty 
 
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 12/Feb/2012 lúc 8:44am
Nước mắt chảy xuôi.

Cứ mỗi lần có dịp phải vào nhà dưỡng lão để thăm người quen hay bạn bè, tôi thường có những suy nghĩ và ám ảnh, liệu rồi sau này lúc già yếu, bệnh hoạn, tôi có phải vào nằm ở đây không, mà ví như cha mẹ tôi còn sống, tôi có khả năng nuôi nấng săn sóc cha mẹ tôi ở nhà không hay lại phải đưa quý cụ vào đây? “Nước mắt chảy xuôi” là thành ngữ Việt Nam nói đến tình thương chỉ có thể từ cha mẹ dành cho con cái, theo dòng thuận của đời người, từ cao xuống thấp, để khuyên chúng ta đừng đòi hỏi một sự báo đáp từ con cái. Nhưng sự thật, các bậc cha mẹ cũng buồn lòng khi thấy con cái đối xử với mình tệ bạc, nhất là đến tuổi già, bệnh tật, có khi bị bỏ quên, cha mẹ cảm thấy cô đơn, cần sự an ủi, săn sóc. Trong một bài viết về nỗi niềm của cha mẹ già bị bỏ quên trong xã hội hôm nay, tôi nhận được lá thư của một vị cao niên ở tận miền Ðông, bày tỏ ý kiến của cụ: “Tôi đã khóc, khóc cho chính mình và cho ai trong tuổi già ở xứ này. Ông kể lại có cụ già đã chết cả một hai tuần, không ai biết. Con cái ở đâu? Ðó là những người có con mà còn vậy, còn những người không con thì chắc phải vô trường hợp này quá. Vì tôi không con gái, chỉ hai ‘đực rựa’, một ở Cali, một ở gần đây, nhưng ít khi kêu, và có khi không kêu hỏi thăm được một tiếng, lúc cần tiền hay cần gì đó mới kêu. Có lúc tôi nghĩ: hay mình bất hiếu với cha mẹ nên con cái nó bạc với mình chăng? Ở Florida này cũng có một bà Việt Nam ở riêng, mỗi tuần có cậu con trai mang đồ ăn tới. Hôm đó cậu ta kêu cửa, nhưng không ai ra mở. Cậu ta tưởng bà cụ đi vắng bèn treo gói đồ ăn vào hàng rào cổng. Mấy ngày sau trở lại, thấy gói đồ ăn vẫn còn, mới khám phá ra bà mẹ đã chết. Thật là thảm!”
Ðây chắc chắn là chuyện này có thể tránh được. Nếu mẹ ở nhà riêng, con nên có một cái chìa khóa nhà để dùng lúc cần thiết. Ðem thức ăn đến cho mẹ, khi mẹ đi vắng, dù bận thế nào đi nữa, thì cũng vào nhà, để thức ăn vào tủ lạnh cho mẹ. Nếu mẹ ngủ thì cũng vào nhà xem mẹ có khỏe không? Ðiện thoại cho mẹ nhiều lần mà không nghe trả lời thì phải nhờ người ở gần, đến gõ cửa nhà mẹ xem sao, hay vội vàng chạy lại xem sự thể thế nào? Câu chuyện như trên có thể xẩy ra bất cứ ở đâu. Trái tim của người mẹ có nhiều chỗ dành cho đứa con, như đôi cánh của một con gà mẹ có thể dang ra che kín mười đứa con bé dại, nhưng người mẹ có chỗ nào trong trái tim của con. Ngày xưa, mẹ chưa bao giờ biết nói tiếng “bận” với con. Khi đang ăn mà con “làm bậy” cũng phải buông đũa đứng dậy. Nửa đêm dù đau yếu, mỏi mệt nghe tiếng con khóc cũng phải mở mắt, vỗ về và ôm con vào lòng. Sao các con bây giờ vẫn thường nói tiếng “bận” với cha mẹ. Vì bận nên các con đưa cha mẹ già lú lẫn vào nursing home, vì bận, nên theo lời một cô y tá cho biết, nhiều gia đình bỏ cha mẹ vào đây rồi không bao giờ lui tới thăm viếng. Cô cho biết nhiều người đã ở đây năm sáu năm rồi, không hề có ai lai vãng. Có bao nhiêu lý do để những đứa con có thể nêu ra để không còn chỗ nào trong lòng, nhớ đến cha mẹ. Nếu là đàn ông chúng ta nên vui, vì hiện nay trong các nhà dưỡng lão 70% là quý bà, vì các ông đã quy tiên sớm hơn vợ mình, thông thường ít nhất là 6 năm, để ngày nay khỏi phải chịu cảnh cô đơn, buồn tẻ. Trước ngày Giáng Sinh tôi có dịp vào viếng thăm một người bạn sắp qua đời trong một nursing home. Trên hành lang dẫn vào phòng người bạn, và ngay trước chỗ làm việc của nhân viên ở đây, tôi thấy nhiều ông bà cụ ngồi trên những chiếc xe lăn, nhìn những người qua lại. Các cô y tá đã sắp xếp cho các cụ ra ngồi trên hành lang đối điện với văn phòng làm việc, một phần để trông chừng các cụ, một phần cho các cụ đỡ buồn. Nhưng các cụ nhìn sự vật một cách dửng dưng, đôi mắt đờ đẫn, có người đã gục đầu xuống ngủ. Giá mà có người đẩy xe lăn đưa các cụ đi dạo một vòng ngoài trời nắng ấm kia, chắc hẳn các cụ vui hơn và biết đâu cuộc sống sẽ kéo dài thêm một thời gian nữa. Giờ này trong công viên hay trên những con đường trong thành phố nhiều người mẹ đang đẩy chiếc xe đưa con đi dạo, nhưng vài mươi năm nữa ai sẽ đẩy chiếc lăn cho bà. Phải chăng định luật của cuộc sống và tình thương là “nước mắt chảy xuôi”, sẽ không bao giờ có một dòng nước chảy ngược về nguồn. Người Âu Mỹ thường thèm địa vị của các bậc cha mẹ người Á Ðông lúc về già vẫn còn được con cái lui tới săn sóc, nhưng họ cũng nên nhớ lại, họ chỉ nuôi con cho đến năm 18 tuổi là hết bổn phận, trên pháp lý, không ai trừng phạt gì họ được, mà trên mặt tình cảm cũng không có gì phải cắn rứt lương tâm.
Trong xã hội văn minh này, một đứa trẻ bỏ học, đi lang thang ngoài đường hay bị đối xử tàn tệ, cha mẹ có thể ra tòa và mất quyền nuôi dưỡng, còn những cụ già vô gia cư, đói khát bị bỏ bên lề đường, không ai có trách nhiệm và chẳng có ai phải ra tòa. Ðiều đáng nói là các cụ già cũng như những đứa trẻ, đều yếu đuối, không có khả năng tự bảo vệ và rất dễ xúc động, buồn vui. Trong một xã hội đáng gọi là văn minh, các trẻ em và người cao niên đều được che chở, bảo vệ và săn sóc chu đáo. Các cụ có các cơ quan xã hội lo thuốc men, thực phẩm nhưng với nỗi cô đơn, phiền muộn ai là người lo cho các cụ, trong khi những đứa trẻ có người an ủi, vỗ về và nói với nó những lời dịu ngọt. Ngân khoản của liên bang cấp để ngăn ngừa tình trạng lạm dụng có đến 90% dành cho việc ngăn ngừa lạm dụng trẻ con, 7% để ngăn ngừa bạo hành trong gia đình nhưng chỉ có 2% sử dụng trong việc ngăn ngừa ngược đãi người già. Không biết có bao nhiêu đạo luật và ngân khoản dành cho việc chống lại việc ngược đãi súc vật? Cứ vào “Pet-Abuse.comhttp://www.pet-abuse.com/ chúng ta sẽ tìm thấy hàng nghìn trường hợp công dân Mỹ, già và trẻ, đàn ông lẫn đàn bà bị tù tội, phạt tiền vì bạc đãi, bỏ đói, đánh đập hoặc giết những con vật thân yêu trong nhà. Bỏ quên một bà mẹ già trong nhà dưỡng lão nhiều năm có phải là một trường hợp ngược đãi không? Tôi nghĩ là không. Nếu có, luật pháp đã bắt đứa con phải phạt vạ hay vào nhà tù. Theo người xưa, tuổi thọ là một ơn Trời và là một phúc đức lớn cho gia đình nào có cha mẹ tuổi thọ cao, trước nhất là của chính người cao tuổi nhưng đồng thời cũng là cho con cháu, bởi vì cha mẹ có sống lâu, con cháu mới có cơ hội được thể hiện lòng hiếu thảo. Có ba điều người ta thường mong ước ở đời là Phước, Lộc và Thọ. Phước có chỗ đứng cao hơn hết, Lộc thì phù du mà Thọ chưa hẳn đã là may mắn.
  
Xin mời thưởng thức nhạc phẩm "Papa" thật cảm động qua tiếng hát của danh ca Paul Anka .
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 08/Mar/2012 lúc 10:43am
Cái Sướng Của Người Lớn Tuổi
Tác Giả: BS Đỗ Hồng Ngọc   
 

Già thì khổ , ai cũng biết . Sinh , lão , bệnh , tử ! Nhưng già vẫn có thể sướng . Muốn sống lâu thì phải già chớ sao !

 
Già có cái đẹp của già . Trái chín cây bao giờ cũng ngon hơn trái giú ép . Cái sướng đầu tiên của già là biết mình ... già , thấy mình già , như trái chín cây thấy mình đang chín trên cây . Nhiều người chối từ già , chối từ cái sự thật đó và tìm cách giấu cái già đi , như trái chín cây ửng đỏ , mềm mại , thơm tho mà ráng căng cứng , xanh lè thì coi hổng được . Mỗi ngày nhìn vào gương , người già có thể phát hiện những vẻ đẹp bất ngờ như những nếp nhăn mới xoè trên khóe mắt , bên vành môi , những mớ tóc lén lút bạc chỗ này chỗ nọ , cứng đơ , xơ xác ... mà không khỏi tức cười ! Quan sát nhìn ngắm mình như vậy , ta mới hiểu hai chữ "sồng sộc" của Hồ Xuân Hương :
 
« Chơi Xuân kẻo hết Xuân đi
Cái già sồng sộc nó thì theo sau ! » .
 
Có lẽ nữ sĩ lúc đó mới vào lứa tuổi 40 ! Thời ta bây giờ , 40 tuổi lại là tuổi đẹp nhất . Phải đợi đến 70 , thất thập cổ lai hy , thì mới gọi là bắt đầu già ( ? ) . Nếu trong tương lai , khi con người sống đến 160 tuổi thì 80 lại là tuổi đẹp nhất !
Tuy nói vậy , thực tế , già thì khó mà sướng . Con người ta có cái khuynh hướng dễ thấy khổ hơn . Khổ dễ nhận ra , còn sướng thì khó biết ! Một người luôn thấy mình ... sướng thì không khéo người ta nghi ngờ hắn có vấn đề ... tâm thần ! Nói chung , người già có 3 nỗi khổ thường gặp nhất , nếu giải quyết được sẽ giúp họ sống « trăm năm hạnh phúc » :
 
1 - Một là thiếu bạn !
Nhìn qua nhìn lại , bạn cũ rơi rụng dần ... Thiếu bạn , dễ hụt hẫng , cô đơn và dĩ nhiên ... cô độc . Từ đó dễ thấy mình bị bỏ rơi , thấy không ai hiểu mình ! Quay quắt , căng thẳng , tủi thân . Lúc nào cũng đang như « Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt / Ta nằm dài nghe ngày tháng dần qua ... ! » .
 
Người già chỉ sảng khoái khi được rôm rả với ai đó , nhất là những ai « cùng một lứa bên trời lận đận » ... Gặp được bạn tâm giao thì quả là một liều thuốc bổ mà không bác sĩ nào có thể biên toa cho họ mua được !
Để giải quyết chuyện này , ở một số nước tiên tiến , người ta mở các phòng tư vấn , giới thiệu cho những người già cùng sở thích , cùng tánh khí , có dịp làm quen với nhau . Người già tự giới thiệu mình và nêu « tiêu chuẩn » người bạn mình muốn làm quen . Nhà tư vấn sẽ « matching » để tìm ra kết quả và làm ... môi giới ... Dĩ nhiên môi giới cho họ kết bạn . Còn sau này họ thấy tâm đầu ý hợp tiến tới hôn nhân ( nếu còn độc thân ) thì họ ráng chịu ! Đó là chuyện riêng của họ . Ngày trước , Uy Viễn tướng công mà còn phải than :

Tao ở nhà tao tao nhớ mi
Nhớ mi nên phải bước chân đi
Không đi mi bảo rằng không đến
Đến thì mi hỏi đến làm chi
Làm chi tao có làm chi được
Làm được tao làm đã lắm khi ...
~ Nguyễn Công Trứ

Rồi họ dạy người già học vi tính để có thể « chat » , « meo » với nhau chia sẻ tâm tình , giải toả stress ... Thỉnh thoảng tổ chức cho các cụ họp mặt đâu đó để được trực tiếp gặp gỡ , trao đổi , dòm ngó , khen ngợi hoặc ... chê bai lẫn nhau . Khen ngợi chê bai gì đều có lợi cho sức khoẻ ! Có dịp tương tác , có dịp cãi nhau là sướng rồi . Các tế bào não sẽ được kích thích , được hoạt hoá , sẽ tiết ra nhiều kích thích tố . Tuyến thượng thận sẽ hăng lên , làm việc năng nổ , tạo ra cortisol và epinephrine làm cho máu huyết lưu thông , hơi thở trở nên sảng khoái , rồi tuyến sinh dục tạo ra DHEA ( dehydroepiandoster one ) , một kích thích tố làm cho người ta trẻ lại , trẻ không ngờ ! ... Dĩ nhiên phải chọn một nơi có không khí trong lành . Hoa cỏ thiên nhiên . Thức ăn theo yêu cầu . Gợi nhớ những kỷ niệm xưa ... Rồi dạy các cụ vẽ tranh , làm thơ , nắn tượng ... Tổ chức triển lãm cho các Cụ . Rồi trình diễn văn nghệ cây nhà lá vườn . Các cụ dư sức viết kịch bản và đạo diễn . Coi văn nghệ không sướng bằng làm ... văn nghệ !
 
2 - Cái thiếu thứ hai là thiếu ... ăn !
Thực vậy . Ăn không phải là tọng , là nuốt , là xực , là ngấu nghiến ... cho nhiều thức ăn ! Ăn không phải là nhồi nhét cho đầy bao tử ! Trong cuộc sống hằng ngày có nhiều thứ nuốt không trôi lắm ! Chẳng hạn ăn trong nỗi sợ hãi , lo âu , bực tức ; ăn trong nỗi chờ đợi , giận hờn thì nuốt sao trôi ? Nuốt là một phản xạ đặc biệt của thực quản dưới sự điều khiển của hệ thần kinh . Một người trồng chuối ngược vẫn có thể nuốt được dễ dàng ! Nhưng khi buồn lo thì phản xạ nuốt bị cắt đứt !

Nhưng các cụ thiếu ăn , thiếu năng lượng , phần lớn là do sợ bệnh , kiêng khem quá đáng . Bác sĩ lại hay hù , làm cho họ sợ thêm ! Nói chung , chuyện ăn uống nên nghe theo mệnh lệnh của ... bao tử :

« Cư trần lạc đạo thả tuỳ duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên ... » .
( Ở đời vui đạo hãy tuỳ duyên
Đói đến thì ăn mệt ngủ liền ...
~ Trần Nhân Tông

« Listen to your body » . Hãy lắng nghe sự mách bảo của cơ thể mình ! Cơ thể nói ... thèm ăn cái gì thì nó đang cần cái đó , thiếu cái đó ! Nhưng nhớ ăn là chuyện của văn hoá ( ! ) , chuyện của ngàn năm , đâu phải một ngày một buổi . Món ăn gắn với kỷ niệm , gắn với thói quen , gắn với mùi vị từ thuở còn thơ ! Người già có thể thích những món ăn ... kỳ cục - không sao ! Đừng ép ! Miễn đủ bốn nhóm : bột , đạm , dầu , rau ... Mắm nêm , mắm ruốc , mắm sặt , mắm bồ hóc , tương chao ... đều tốt cả . Miễn đừng quá mặn , quá ngọt ... là được . Cách ăn cũng vậy . Hãy để các cụ tự do tự tại đến mức có thể được . Đừng ép ăn , đừng đút ăn , đừng làm « hư » các Cụ !
Cũng cần có sự hào hứng , sảng khoái , vui vẻ trong bữa ăn . Con cháu hiếu thảo phải biết ... giành ăn với các cụ . Men tiêu hoá được tiết ra từ tâm hồn chớ không chỉ từ bao tử .
 
3 - Cái thiếu thứ ba là thiếu vận động !
Già thì hai chân trở nên nặng nề như mọc dài ra , biểu không chịu nghe lời ta nữa ! Các khớp cứng lại , sưng lên , xương thì mỏng ra , dòn tan , dễ vỡ , dễ gãy ! Ấy cũng bởi cả một thời trai trẻ đã « Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt ... » ( TCS ) !
Bác sĩ thường khuyên vận động mà không hướng dẫn kỹ thì dễ làm các cụ ráng quá sức chịu đựng , sẽ lâm bệnh thêm . Phải làm sao cho nhẹ nhàng mà hiệu quả , phù hợp với tuổi tác , với sức khoẻ . Phải từ từ và đều đều . Ngày xưa người ta săn bắn , hái lượm , đánh cá , làm ruộng , làm rẫy ... lao động suốt ngày . Bây giờ chỉ ngồi quanh quẩn trước TV , computer ! Có một nguyên tắc « Use it or lose it ! » . Cái gì không xài thì teo ! Thời đại bây giờ người ta xài cái đầu nhiều quá , nên « đầu thì to mà đít thì teo » . Thật đáng tiếc !
 
Không cần đi đâu xa . Có thể tập trong nhà . Nếu nhà có cầu thang thì đi cầu thang ngày mươi bận rất tốt . Đi vòng vòng trong phòng cũng được . Đừng có ráng lập « thành tích » làm gì ! Tập cho mình thôi . Từ từ và đều đều ... Đến lúc nào thấy ghiền , bỏ tập một buổi ... chịu hổng nổi là được !
 
Nguyên tắc chung là kết hợp hơi thở với vận động . Chậm rãi , nhịp nhàng . Lạy Phật cũng phải đúng ... kỹ thuật để khỏi đau lưng , vẹo cột sống . Đúng kỹ thuật là giữ tư thế và kết hợp với hơi thở . Đó cũng chính là thiền , là yoga , dưỡng sinh ... ! Vận động thể lực đúng cách thì già sẽ chậm lại . Giảm trầm cảm , buồn lo . Phấn chấn , tự tin . Dễ ăn , dễ ngủ ...
Tóm lại , giải quyết được « ba cái lăng nhăng » đó thì có thể già mà ... sướng vậy !

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
huong cerise
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 23/Mar/2010
Thành viên: OffLine
Số bài: 244
Quote huong cerise Replybullet Gởi ngày: 13/Mar/2012 lúc 9:15am

*

HU ,Hiu ,Hiêu hay HƯU
 
Ai Bảo Về Hưu Là Khổ
 
 
*
Tôi đã đọc đâu đó một tiểu luận nói về hưu, ở đó có nói dân Nam Kỳ như tôi cứ quen miệng phát âm là về “hu”, khiến những người bạn Bắc Kỳ khó tính thường nhăn mặt. Nói “hu” nghe như huýt gió, vui tai; nói “hưu” phải méo miệng, méo môi không dễ, nhưng đàng nào thì cũng có một nghĩa là thôi, là nghỉ, là không còn vật lộn với đời … Tôi có ông anh hay chữ Nho còn ở Việt Nam, nghe tôi quyết định hưu trí … đã dạy tôi rằng: Hưu của chữ Nho bao gồm hai bộ chữ, Nhân Và Mộc … có nghĩa là một người về hưu là có thể ngồi an nhàn dưới gốc cây.
Năm nay tôi tròn 61 tuổi. Cách đây 2 năm tôi đã định kế hoạch về hưu ở tuổi 60. Thế nhưng, một hôm tôi đưa vợ đến vấn an một ông quan to, tuổi lớn hơn tôi, tận mắt chứng kiến cảnh huynh trưởng nhà mình không lợi tức, bị vợ con đối xử không được mặn mà, ưu ái cho lắm, tôi đâm phân vân suy ngẫm câu:
Chưa hưu đời đã buồn thiu
Hưu rồi đời sẽ hắt hiu thế nào?!
Sau đó huynh trưởng đã có công ăn việc làm, và phong độ cũng đã gia tăng theo túi tiền mà phục hồi hiên ngang dần, vợ con nể trọng vô cùng!
Do vậy năm rồi, đúng 60 tuổi, sợ quá, tôi không dám về hưu và cứ chần chờ, do dự. Mãi đến khi con gái đầu lòng của tôi cùng với mẹ nó nài nỉ đủ điều, tôi mới đủ can đảm quyết định chính thức về hưu … trễ hết một năm theo dự trù.
Hưu rồi, dứt bỏ gánh nặng của đời, tôi mới thực sự hối hận là mình đã về hưu muộn mất một năm. Đời sống hưu sao mà nhẹ nhàng, thanh tao quá! Chỉ có một chuyện chưa quen là mới 7 giờ sáng, chim ngoài vườn đã ca hót líu lo, không làm sao tiếp tục nằm vùi thêm được. Về hưu rồi mới thấy đời sống hết sức tự do, muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm, không ràng buộc, không cần tuân theo giờ giấc.
Ban mai, lúc nào thích, bang ra bờ sông cạnh nhà, thiền hành dọc theo dòng nước chảy lững lờ, hoặc ngả lưng nằm dài trên bãi cỏ công viên mà ngắm mây trời vô tư trôi dạt về một phía chân trời xa xăm. Trưa thả bộ đến hồ tắm, tha hồ vùng vẫy, lặn hụp, vừa bàn chuyện khào với những người bạn già mới quen, hoặc chưa từng gặp bao giờ. Chiều xuống nhà có sẵn vườn trước, vườn sau, tưới kiểng, ngắm hoa chờ bụng đói.
Muốn đi Footscray ăn phở, hay xuống China Town dạo phố phường; chỉ cần thả bộ mấy mươi bước, đón xe tram, xe bus; mua vé giảm giá ngược xuôi suốt ngày, muốn về lúc nào cũng êm, chẳng ai buồn nhắc nhỡ, chẳng ai thắc mắc mong chờ … Tiếc một chuyện là tôi chưa mời được ông anh kính mến thông thạo Nho ngữ của tôi sang Úc đây chơi một chuyến, để cho ông tận mắt chứng kiến: Ngoài khu vườn sau không kể, cạnh nhà còn có một công viên mênh mông, đầy cây xanh, rợp bóng mát, mặc sức nằm ngồi dưới gốc cây .. sẽ thấy ý nghĩa chữ hưu y như tiếng Nho tượng hình mô tả.
Tôi nói điều này, không ngoa một chút nào cả: Cuộc sống vui thú điền viên của tôi sướng hơn Nữ Hoàng, nhẹ nhõm hơn quý thầy ở các Chùa Bát Nhã. Có đúng không quý vị?! – Nữ Hòang lúc nào cũng nơm nớp lo sợ đủ điều, sợ cả báo chí thường xuyên rình mò … còn các Chư Tôn thì cũng phải chờ Phật tử bẩm thầy, bạch sư phụ kính mời thọ trai.
Tôi thì chẳng sợ, chẳng phiền, chẳng chờ, chẳng cần gì cả; đói thì ăn, mệt thì ngủ. Lười thì có sẵn cơm trong nồi tự động giữ ấm 24/24, mì ăn liền dự trữ trong kho có thừa; siêng năng hăng hái hơn thì thì ra xe công cộng, đi xa một chút thì là cơm Việt, cơm Tàu, Sushi Nhựt Bổn; gần kề một bên thì Khu Shopping High Point, món ăn xứ nào mà thiếu, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Trung Đông cũng có luôn.
 
Những buổi trưa nắng ấm chan hòa, tôi nằm đong đưa, kẽo kẹt chiếc võng quê hương tha hồ mà nhớ thương về con nhạn trắng Gò Công; dưới mái hiên nhà thủy tạ, gió hiu hiu mát rượi, tôi vưà đọc sách kim cổ, vừa nhắp chung trà Ô Long thượng hảo hạng, vừa nghe tiếng chim nhặt khoan, du dương bất tận, hòa lẫn với tiếng róc rách từ hòn non bộ …
Đôi lúc giật mình, tôi tự cảm thấy cuộc sống của mình dạo sau này sao mà thiền tông và vô vi quá xá … giống như bốn câu thơ của Thiền Sư Trần Nhân Tông:
Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền
Trong nhà có bậu, thôi tìm kiếm
Đói cảnh vô tâm khỏi phải thiền
Nói rằng cuộc sống của tôi bây giờ thiền quá, có lẽ là tôi đang múa rìu qua mắt các vị thiền sư chuyên nghiệp, quý vị Thượng Tọa, Đại Đức khả kính; nhưng chắc chắn là tôi đang tập sống trọn vẹn theo bốn câu thơ con cóc mà tôi tự đặt ra làm mẫu mực cho tôi sau đây:
Từ độ về hưu sống rất nhàn
Không danh, không lợi, chẳng lo toan
Đươc thua, hơn thiệt, không màng tới
Chỉ giữ cho lòng một thảnh thơi
 
 VÕ ĐẠI SINH, AUSTRALIA
*       


Chỉnh sửa lại bởi huong cerise - 15/Mar/2012 lúc 9:52am
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 14/Mar/2012 lúc 10:27am
Giấc Mộng Về Hưu
Tác Giả: Nguyễn Thị Thanh Dương   

 Đúng là trâu « gia huyền » mê gặm cỏ non để bây giờ lãnh hậu quả ai ăn sò để tui hốt vỏ. Chuyện này chắc có thật ở bên xứ Cờ Hoa này.


Anh già mà vẫn ngu ngơ
Tưởng em thương thiệt bưng qua bên này
Giờ em đường nước tỏ tường
Ra đi em để nợ đời cho anh .

Bà lìa đời đúng vào ngày ông chính thức nghỉ việc để về hưu , chắc bà muốn hưởng nhàn một mình một cõi nơi bên kia thế giới , để lại giấc mộng nghỉ hưu mà ông đã lên kế hoạch từ lâu , nay chỉ còn một mình ông với nỗi buồn ngơ ngẩn .
 
Đứa con trai duy nhất của hai ông bà từ tiểu bang khác dẫn vợ con về lo tang lễ của mẹ xong , đã đề nghị ông về ở với chúng , để cha con , ông cháu đoàn tụ , để ông nương tựa lúc tuổi già . Lời đề nghị rất hợp lý hợp tình , nhưng điều này ông chưa hề nghĩ tới , cả một đời vất vả làm việc , ông chờ đợi cái ngày được nghỉ hưu này để rong ruỗi đó đây , hay để nằm nhà hưởng nhàn , đọc sách báo , coi ti vi , và lên internet là cả một cái thư viện khổng lồ để mở mang kiến thức .
 
Ông từng mơ hai vợ chồng sẽ đến New York vào mùa Đông , sau những bữa dinner với rượu vang chếnh choáng , ông bà trở về phòng trọ ấm cúng , ngoài kia tuyết rơi , gió lạnh , điều ấy không ảnh hưởng gì đến ông cả , vì ông có phải thức dạy đi làm nữa đâu , ông cứ việc ngủ chán chê , muốn dậy lúc nào thì dậy , rồi ông sẽ vén màn cửa sổ nhìn xuống đường , trong mùa Đông rét mướt kia có bao nhiêu kiếp người đang lao vào cuộc sống , đang tính toán từng giờ từng phút để nghỉ ngơi , để làm việc .

Ông buồn thật , nhớ bà , nhớ những bữa cơm , giấc ngủ , những lúc bà hiền dịu , và cả những lúc bà đanh đá mắng mỏ ông . Sự mất mát , đau thương còn mới quá , ông chả biết làm gì cho hết một ngày , thì về với gia đình thằng con trai vậy ...
Nhà có hai vợ chồng với 2 đứa con , thêm ông nữa là 5 người , ra vào gặp nhau cũng thấy vui . Nhưng chỉ mấy ngày đầu thôi , dần dần ông biến thành baby sit cho nhà nó , trông hai đứa cháu Nội , đưa đón chúng đi học , chúng muốn ăn cơm , uống sữa cũng gọi ông , chúng vô bathroom cũng gọi ông ... Ăn uống thì con dâu ông quyết định , ông thèm ăn cơm với thịt kho mắm , thì nó bảo món ấy hôi nhà , mời bố ăn món khác . Con dâu còn gợi ý khi thấy ông tha thẩn một mình : nếu bố rảnh rang , buồn chân buồn tay không biết làm gì , thì bố cứ việc hút bụi nhà hay ra vườn cắt cỏ , vừa giết thời gian vừa được việc bố ạ .

Trời ơi , con trai và con dâu coi như đời ông đang tàn , ở đây làm việc vặt cho nó rồi chờ chết hay sao ? Thời gian nghỉ hưu của ông là vô giá , không tiền bạc nào mua nổi , ông cần dùng nó để vui hưởng , đâu có dư thừa mà phải tìm cách giết nó như con dâu ông đã tuyên bố .

Một tuần sau ông giã từ gia đình thằng con để trở về ngôi nhà của chính ông .

Ông bắt đầu lại cuộc sống độc thân khi tuổi đời đã 66 , là một người khoẻ mạnh và nhiều tình cảm , ông muốn về thăm lại Việt Nam sau 25 năm xa cách , 25 năm qua hai vợ chồng ông cùng làm việc chăm chỉ , chẳng những đã giúp cho con trai một món tiền mua nhà khi nó cưới vợ , ông bà cũng có một căn nhà , một ít vốn , và lương hưu này nọ của ông , cộng với 401 K ... mỗi tháng gần 2000 , tha hồ cho ông hưởng một cuộc đời phong lưu .

Về Việt Nam , ông ở chơi dưới quê với bà con họ hàng vài tuần rồi lên thành phố Sài Gòn thuê khách sạn , nơi đây là chốn cũ , những con đường , những khu phố , đầy ắp kỷ niệm . Ông như thấy mình trở lại thời trai trẻ , quán cà phê nào ông đã từng hẹn hò , cơn mưa nào còn đọng lại trong hồn ông những vũng nước , những vết bùn của bước chân vội vàng chiều cuối phố ?

Những ngày xưa đâu ? Những mối tình ngắn dài đâu ? Ông bâng khuâng bước vào một quán nước mong tìm lại chút hương vị ngày xưa . Nhưng nay đổi khác quá , các cô gái phục vụ trong quán vây quanh ông , chẳng hiểu sao họ biết ông là Việt Kiều nên rối rít hỏi thăm đủ chuyện , lòng ông tràn trề niềm vui và hãnh diện , ông đâu có ngờ ở tuổi này còn được các cô săn đón chiều chuộng như thế ! Họ gọi ông bằng anh và xưng em ngọt xớt . Có một cô xinh nhất đám tiếp chuyện ông lâu nhất , đôi mắt cô liếc , đôi môi cô cười , dù ông luôn khẳng định cô chỉ ở hàng con cháu , mà sao cô vẫn là những ngọn sóng làm ông phải chòng chành chao nghiêng .
 
Ngày nào ông cũng đến quán để gặp cô gái xinh đẹp đó , cô thì thầm tâm sự với ông , cô tên Bưởi , một cô gái quê con nhà nghèo , phải tha hương lên Sài Gòn bán quán để kiếm tiền nuôi cha mẹ già , em nhỏ . Cô tha thiết mong được làm vợ ông , sang Mỹ sinh sống để hầu hạ ông .

Vốn hiền lành , thật thà , tin người như tin mình , ông nghe cảm động quá , lấy cô , vừa cứu được một kiếp người vừa có một cô vợ trẻ đẹp . Từ ngày vợ mất đôi khi ông cũng thấy lòng trống vắng , cô đơn , cũng mong muốn có bàn tay người đàn bà ấp ủ .

Thế là ông theo cô Bưởi về quê ra mắt cha mẹ vợ tương lai và làm đám cưới .

Mối tình không biên giới kể cả về tuổi tác và khoảng cách địa lý , chỉ sau 9 tháng đã thành sự thật , cô Bưởi được sang Mỹ đoàn tụ với chồng .

Được vui duyên mới ông đã chịu nhục nghe thằng con trai gọi phone sang đay nghiến , ông già rồi mà còn mê gái , vợ con gì cái thứ gái bia ôm đó ! và câu kết luận của con trai là từ Bố luôn .

Thôi đành , ông thương con thương cháu , nhưng ông cũng phải thương chính cái thân ông chứ .

Từ nay ngôi nhà ông lại ấm cúng vì đũa đã có đôi , dù là đôi đũa lệch , ông phải tân trang lại ngoại hình , nhuộm tóc đen , làm răng giả , mặc quần jean áo thun và cả cách ăn nói cho trẻ trung để thích hợp với cô Bưởi . Ông chợt khám phá ra một báu vật vô giá ông đánh mất từ lâu mà không biết , đó là hai chữ « tự do » , vợ ông từ giã cõi đời cũng đồng nghĩa là mang trả lại cho ông sự tự do mà bà đã nắm trong tay suốt bao nhiêu năm qua .

Ông tung tăng dẫn cô Bưởi đi phố , đi chợ , đi chợ Mỹ thì không sao , vì chẳng ai để ý đến vợ chồng ông cả , nhưng vào chợ Việt Nam , sao người Việt Nam mình tinh đời thế , ông bắt gặp những cái nhìn tò mò , châm biếm như muốn nói ông già mà còn ham lấy vợ trẻ . Ông đưa cô đi shopping ở Walmart mà cô đã hoa mắt lên , khen quần áo tiệm này sang trọng quá , cô Bưởi vui sướng bao nhiêu lòng ông hạnh phúc bấy nhiêu .

Một năm trôi qua , ông vẫn thấy hạnh phúc còn mới mẻ , nhưng cô Bưởi thì không , cô đã biết chê đồ Walmart rổm , chê nhà hàng nọ không ngon , cô đã biết đánh giá cũng là cái xe hơi 4 bánh nhưng loại nào sang hơn , đẹp hơn . Ông chiều cô vợ trẻ , sắm cho cô một xe hơi đời mới đắt tiền , rồi cô đòi đi làm , ở nhà hoài chán quá , cô cần có tiền để mua sắm thêm và giúp đỡ cha mẹ ở Việt Nam . Ông yêu cô , không muốn dời cô chút nào , lương hưu ông dư sức nuôi cô ở nhà với ông suốt đời . Nếu để cô đi làm hãng xưởng ông sợ có ngày mất vợ vì mấy thằng Mễ khoẻ mạnh đẹp trai , may quá cô đòi học làm nail , nghề nail có mấy thợ là đàn ông ! Còn khách hàng thì toàn là phụ nữ .

Mộng cô đã thành , cô Bưởi đi làm nail , bản tính dạn dĩ xông xáo , chỉ trong vòng một năm mà cô bay nhảy hết tiệm này sang tiệm khác đến mấy lần , cô đi làm từ sáng đến tối , để ông ở nhà thui thủi và mong ngóng cô như trẻ mong mẹ đi xa về , ông chẳng thể nào kiểm soát được giờ giấc của cô , hôm thì cô nói khách đông , hôm thì cô bận đi shopping với bạn bè ... đó là những lý do cô thường xuyên về trễ .

Để níu chân cô vợ trẻ , ông muốn có 1 đứa con cho vui nhà vui cửa , đàn bà khi có con thì sẽ chín chắn hơn . Cô Bưởi ngày càng ăn diện , quần áo đồ hiệu lộng lẫy , còn những quần áo cô sắm ở Walmart trước kia bây giờ thành rẻ lau hay đem cho Goodwill rồi , cô bĩu môi chê ông nhà quê không hợp thời , cô ít sánh đôi với ông , ông chỉ còn mỗi một ưu điểm mang ra khoe là anh yêu em vô bờ bến , cả đời anh dành cho em đây .

Khi cô Bưởi báo tin đã có thai , ông mừng quýnh quáng hơn cả ngày xưa vợ ông đã mang thai thằng con trai cưng duy nhất của ông , rồi cô sinh một thằng cu tí mà cô nói rằng nó giống ông như đúc .

Từ ngày có baby nhà cửa vui thật , ông bận rộn tưng bừng , hết pha sữa lại thay tã , bế con , ông đứng ngồi không yên mỗi khi nó gào khóc , còn mẹ nó lại đi làm nail đến tối mịt mùng mới về nhà như cũ .

Nhưng một ngày cô Bưởi không về nữa , ông đợi cô trắng đêm , sáng hôm sau ông lục lọi mọi ký ức để đoán xem cô đang làm nail ở tiệm nào , vì những chủ tiệm nail đều là người Việt Nam nên ông ngại chẳng ra mặt bao giờ và vì cô Bưởi không cho phép . May quá , ông đã đến đúng chỗ , một cô thợ nail nói Betty chơi thân với cháu , Betty tâm sự vì cha mẹ ngăn cản nên Betty phải trốn đi cùng người yêu để xây tổ ấm rồi . Thế hai bác không biết Betty đang yêu Tư Chuột à ?
Ông ngẩn người , chết đứng ra , vợ ông Nguyễn thị Bưởi đi làm nail với tên Mỹ là Betty đã đi theo thằng Tư Chuột , ông đau đớn vì mất vợ mà cô này tưởng ông đau đớn vì mất con càng làm ông bối rối , ông hỏi một câu vụng về :

- Tư Chuột là thằng phải gió nào thế ? cái tên Tư Chuột thấy mà ghê thì bà nào dám đến làm nail ?

Cô gái cười giải thích tên Mỹ nó là Peter , tên Việt Nam là Tư , mặt nhọn hoắc như mặt chuột nên tụi cháu gọi thế .

Ông về nhà đành làm thân gà trống nuôi con , giận vợ nhưng con ông có tội tình gì , ông càng thương con hơn ... Thằng bé 8 tháng tuổi , mập mạp khoẻ mạnh , bú vèo một cái hết bình sữa , chắc nó biết thân phận không có mẹ chăm sóc nên chẳng nỡ làm khó dễ cha già , nhưng mỗi lần ông thay diaper cho nó thì nó chẳng biết điều tí nào , hai chân nó vung vẫy lung tung làm ông lọng cọng dán mãi mới xong miếng băng keo ...

Ông lo lắm , nếu cô Bưởi đi luôn không bao giờ trở lại thì sao ? Ông tưởng tượng một ngày nào ông ngã bệnh , yếu đuối , phải vào Nursing home , thằng cu tí phải vào một nhà trẻ từ thiện nào đó , hai cha con sẽ là hai phương trời cách biệt . Ông thương cu tí quá , đành phải nhịn nhục mà kêu gọi cô Bưởi về thôi , ông liền đăng lên báo mục nhắn tin tìm vợ « Bưởi em , ở đâu về gấp , anh sẽ bỏ qua mọi chuyện để chúng mình cùng lo cho con » .

Ông hy vọng và chờ đợi cô Bưởi hồi tâm trở về , có một cú phone gọi cho ông , nhưng không phải cô Bưởi mà là bạn cô Bưởi , cái người ông đã gặp ở tiệm nail trước kia , cô hỏi địa chỉ đến nhà thăm ông , lần này cô tỏ ra hiểu chuyện :
 - Cháu xin lỗi bác , lần trước cháu tưởng bác là bố của Betty , nay có người nói với cháu bác là chồng nó , đọc lời nhắn tin tìm vợ của bác trên báo thấy tội cho bác quá , nên cháu đến đây để cho bác biết cái thằng con mà bác đang nuôi đó không phải là con của bác đâu .

Ông lắp bắp :
- Tại sao cô biết nó không phải là con tôi ?

Cô ta khẳng định :
- Betty nói với cháu mà , bác xem , mặt thằng nhỏ giống Tư Chuột y khuôn , hai mắt lồi đen , cái mặt nhọn hoắc .

Ông mở to mắt nhìn thằng bé , nó đang nằm cười toe toét , đâu biết mình đang là cục nợ trong ngôi nhà này . Trời ơi ! Đúng quá , cô Bưởi cứ nói nó giống ông , nhưng mắt ông đâu có lồi , mặt ông đâu có nhọn thế kia , ông mê mẩn , mù quáng quá , ngày nào cũng ở bên nó mà không nhận thấy sự khác biệt này .

Khi cô làm nail về , ông gục đầu xuống bàn , tức giận và đớn đau !

Hôm sau tỉnh trí , ông lại bỏ vài chục đồng để đăng lời nhắn tin khác trên báo :
 
« Hai cháu Bưởi và Tư Chuột ( tức Betty và Peter ) ở đâu về gấp để đoàn tụ với con của hai cháu là thằng Cu Tí . Chúc hai cháu trăm năm hạnh phúc » .

Lần này thì cô Bưởi lên tiếng , ông nhận được lá thư của cô vài dòng ngắn gọn :
« Đúng thằng cu Tí là con của cháu và anh Tư Chuột , nhưng Tư Chuột đã bỏ cháu , cháu cần rảnh tay để làm lại cuộc đời đầy hoa mộng phía trước , bác đã mang cháu qua Mỹ , mong bác hãy làm ơn cho trót , nuôi thằng cu Tí , để hủ hỉ cùng bác lúc tuổi già xế bóng . Cám ơn bác » .



Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 14/Mar/2012 lúc 10:39am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
huong cerise
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 23/Mar/2010
Thành viên: OffLine
Số bài: 244
Quote huong cerise Replybullet Gởi ngày: 15/Mar/2012 lúc 10:53am

*

 Ông Nầy chắc Chắn Là Không Muốn Về Hưu ??? 

Đại gia Vũng Tàu ngoại thất thập và cô vợ 20 tuổi

*
Năm ngoái tôi có viết về đại gia Lê Ân 73 tuổi ở Vũng Tàu sở hữu một Quỹ từ thiện trên ngàn tỷ cùng con xe khủng, chiếc Rolls Royce Phantom trị giá trên 25 tỷ cùng cô vợ 25 tuổi.
Vừa rồi cũng ở Vũng Tàu, tôi gặp lại ông ở tuổi 74 vẫn sở hữu ngần ấy tài sản và hình như có nhỉnh hơn? Cô vợ 25 tuổi không thấy mà bên cạnh ông là một mỹ nhân tròn 20 tuổi!
 
Một cảnh trong đám cưới của Lê Ân với người vợ thứ 5

 

Từ chí làm giàu đến Chí Linh

 

Biết bao nhiêu là bầm dập cuộc đời giáng xuống đứa con thứ 5 của một gia đình nghèo có 10 người con ở xứ Quảng. Từng trốn quân dịch. Tưởng hanh thông phát đạt với nghề buôn trái phiếu đùng cái sạch bách sau 1975.

 

Tay trắng bập vô nghề may cũng chẳng đủ kiếm sống. Chuyển qua chữa xe đạp cũng không xong.

 

Chuyển sang nghề nấu xà bông. Những sải chân kiếm sống đưa Lê Ân về vùng kinh tế mới rồi tham gia vào vụ vượt biên. Kết cục là ngồi tù.

 

Ra tù, Lê Ân giữ được chân bỏ mối buôn thuốc tây - khi đó là hàng cấm nhưng lời. Lời nên ham.

 

Gần 2 năm trời, Lê Ân đã có sức đứng riêng một quầy nho nhỏ. Nhỏ rồi lớn. Lê Ân dần dà đã tích tụ được số vốn khá khẩm. Đủ máu mặt để chen chân vào lãnh địa buôn bán vàng và ngoại tệ. Ngoại tệ là đồng rúp của Liên Xô khi ấy.  

 

Với số vốn khá bộn do kinh doanh ngoại tệ và vàng cùng thuốc tây, Lê Ân dấn tiếp việc xin thành lập Quỹ tín dụng Hòa Hưng.

 

Qua tín dụng, Lê Ân huy động được lượng vốn khá lớn cộng việc sáp nhập với một trung tâm tín dụng khác, cái đích là thành lập một ngân hàng cỡ bự có tên là Đại Nam!

 

Nhưng đùng cái, việc không thành. Người ta cho Lê Ân bật bãi bởi cái tội từng bị bắt bị tù vì vượt biên! Lê Ân ra Vũng Tàu.

 

Ông mua lại một trung tâm tín dụng bị vỡ nợ với giá 10 tỷ đồng tự nguyện xin trả hết nợ để được nâng cấp lên thành ngân hàng TMCP Vũng Tàu (VCSB).

 

Vào tay Lê Ân, VCSB vượng dần lên... Chính thời điểm này, Lê Ân đùng cái gặp bão: bão người- cơ chế và bão trời, như lời ông.

 

Với tội danh lừa đảo, lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng, cái án hơn 5 năm tù với Lê Ân như sập xuống trước mặt bít mọi lối ra với cuộc đời. Phải kiên nhẫn! Phải bằng rất nhiều sự kiên nhẫn. Lê Ân thay đổi nhiều thứ để điều chỉnh cuộc đời mình.

 

Cơn bão số 9 (tháng 12-2006) ập vào Vũng Tàu. Làng du lịch Chí Linh tan hoang trong phút chốc. 50 tỷ đồng bỏ ra trước đây coi như mất trắng. Tất cả phải làm lại từ đầu.

 

Cơ ngơi khu du lịch Chí Linh cũng như Cty Lê Hoàng hiện có bây giờ do Lê Ân làm chủ tịch là cả một cố gắng đến ghê người.

 

Bây giờ đến Vũng Tàu người ta vẫn nắc nỏm Vũng Tàu có tới 130 khách sạn, resort này khác nhưng cơ ngơi làng du lịch Chí Linh của Lê Ân cách trung tâm Vũng Tàu chỉ 3km với 13 loại hình du lịch ngoài những biệt thự nghỉ dưỡng bên bờ biển xanh lại có thêm nhiều thứ độc đáo như đốt lửa trại đấu bóng thì ở Vũng Tàu với mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng khó nơi nào có được!

 

... Vẫn bộ đồ vét màu trắng cắt khá khéo khít lấy khuôn người mảnh dẻ, động tác khéo và duyên, ông giơ tay đỡ người đẹp thân hình mảnh dẻ non tơ tuổi 20 từ bờ kè xuống doi cát.

 

Có thể gọi khác đi được không mối tình của Lê Ân với người đẹp kia? Người đẹp, thời buổi này với các đại gia đâu có thiếu các cấp độ nhan sắc lẫn tuổi tác? Nhưng người đẹp kia là người vợ thứ 5 của Lê Ân.

 

Lời đề nghị khiếm nhã

 

Chia tay người vợ thứ 4 tuổi mới 25, Lê Ân có bao mối bận tâm kinh doanh. Lần ấy Công ty tổ chức tuyển người. Việc nhân sự do bộ phận chuyên trách trong đó có những người tâm phúc của Lê Ân hằng bao năm nay làm việc rất hiệu quả với phương châm không có tài năng nào bị bỏ quên!

 

Tình cờ Lê Ân đáo qua phòng nhân sự. Nhiều nam thanh nữ tú đang xếp hàng chờ cơ may có một chỗ làm trong làng du lịch Chí Linh. Ánh mắt Lê Ân dừng lại ở một cô gái mảnh dẻ. Cái chuyên môn quản trị kinh doanh dường như chả nói lên điều gì.

 

Nhưng những câu hỏi ma giáo của đám nhân viên nhân sự lão luyện đã níu chân Lê Ân lại. Cái gì nhỉ, nhà có tới 10 anh chị em, bươn bả cũng chỉ đủ ăn chớ không phải dư dật gì. Ý nghĩ Lê Ân thoắt ngược về với ngôi nhà lá đơn sơ thuở ấu thơ xứ Quảng.

 

Cũng 10 anh chị em lít nhít chen chúc... Chèo chống lèo lái con thuyền ọp ẹp qua những sóng gió cuộc đời dứt khoát phải là người mẹ hoặc người cha thiếu tiền nhưng luôn có dư những phẩm chất này khác?

 

Nghe cô gái kể về má mình, Lê Ân như có chi na ná người mẹ lam lũ vùng quê nghèo xứ Quảng? Thì địa chỉ đây. Dò kỹ đi... Tay nhân viên nhân sự ngạc nhiên ngó Lê Ân bởi không biết cơn cớ gì mà sếp mình quan tâm cô dự tuyển viên này kỹ thế...

 

Nửa tháng sau, cô dự tuyển viên rụt rè bước vào căn phòng làm việc của ông chủ Chí Linh. Lặng đi một hồi lâu. Lê Ân không cười hướng ánh mắt về phía cô gái với lời thẳng thắn em lấy tôi làm chồng không?

 

Cô dự tuyển viên giật mình thảng thốt đánh rơi cái sắc nhỏ. Nhưng cô không hoảng hốt vùng chạy mà sau một hồi lúng túng đã nhỏ nhẹ ông để em nghĩ ít lâu...

 

Một tuần, Lê Ân đã có hồi âm. Đám cưới hình như có lắm thứ hot lẫn hút khách và cả những tò mò đàm tiếu... Có thể là chiếc Rolls Royce Phantom (vào đầu năm 2008, ông Lê Ân cũng đã “rinh” về 1 chiếc Mercedes AMG S63 6 tỷ) trị giá 25 tỷ của Lê Ân.

 

Nhưng xưa rồi. Hai chiếc ấy chỉ đi sau. Mà dẫn đầu đoàn xe đám cưới là chiếc xe mui trần màu trắng nuột tinh khôi, chú rể mua tặng cô dâu.

 

Bữa nay cô dâu chú rể cặp mắt ngời ngời hạnh phúc chĩnh chiện lúc ngồi lúc đứng trên chiếc xe mui trần màu trắng ấy chầm chậm lướt qua những con phố sạch bong rời rợi gió biển Vũng Tàu.

 

Vị thế chú rể có sức mời gọi những con xe khủng khác nối đuôi cũng như vô số các quan khách cùng những người có máu mặt! Còn tò mò đàm tiếu? Chả thiếu. Chỉ có cỡ đại gia hoặc gì gì thì mới làm được cái việc chia tay cô vợ 25 tuổi lấy cô 20?

 

Hình như là tình yêu

 

... Hơi bị khó dứt mắt khỏi vóc dáng đương độ sung mãn nhất của người đàn bà vợ ông Lê Ân. Chao ôi lão đại gia này có thuật gì vậy?

 

Chưa hết, từ bàn tay búp măng kia của cô thơ ký kiêm quản gia lật giở cái cặp màu be anh à chuyện ra hỗ trợ bà con tiểu thương bị hỏa hoạn cháy chợ ở Xuyên Mộc hơn trăm triệu đồng thì vợ chồng mình cũng trực tiếp phải đi như lần ra Quảng Ngãi thăm và tặng quà cho cháu bé bị mẹ nuôi hành hạ chứ không thể gửi tiền qua bưu điện được...

 

Chất giọng dịu dàng đượm vẻ kiên quyết dứt khoát kia hình như đang phát lộ một tố chất bà chủ được việc có khả năng trông coi giữ gìn thứ lửa ấm trong nhà?

                                           Báo Tiền Phong , thảng 3/2012
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 02/Apr/2012 lúc 7:53am
CHẲNG AI MUỐN SỐNG TRONG NHÀ DƯỠNG LÃO, NHƯNG…
image 
 
1. Thương Những Bà Mẹ ở Nursing Home              Thích Tâm Không
"Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể
Con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày..."
                   *****


Thương con từ thuở mang thai
Chín tháng mười ngày mang nặng đẽ đau
Ra đời bú mớm nâng niu
Cho con tất cả máu hồng sữa tươi
Con vui cha mẹ tươi cười
Con đau cha mẹ rã rời ruột gan.
Trải bao đau khổ gian nan
Khó nghèo chịu đựng chẳng phàn nàn chi.
Mẹ cha rất mực từ bi
Hy sinh tất cả chỉ vì đời con.
Mong cho con được lớn khôn
Gia đình sự nghiệp thành hôn vẹn toàn.
Tuổi già sức yếu hơi tàn
Ốm đau bịnh tật mẹ càng cô đơn.
Âm thầm trong nursing home
Tháng ngày lặng lẽ tình thương hao mòn,
Cho dù gác tía lầu son
Bác sĩ, y tá, thuốc men đủ đầy ...
Nhưng thân xác mẹ hao gầy
Nhưng tâm hồn mẹ đọa đày xót xa,
Nơi đây chẳng phải là nhà
Là nơi êm ấm vào ra thân tình,
Nơi đây thui thủi một mình
Tủi thân xót dạ một mình mình hay
Văn minh hay xứ đọa đày ?
Mẹ cha già yếu lạc loài vào đây
Trông đêm rồi lại mong ngày
Sức tàn hơi mãn xuôi tay ngậm hờn
Cảnh xưa nghèo khó còn hơn
Tuổi già còn có cháu con bên mình
Ra đi an phận tử sinh ...
                      *****

2. LỜI CHA GIÀ NÓI VỚI CON GÁI


DẠO: Lòng không muốn sống xa nhà
         Nhưng trời bắt tội tuổi già biết sao!

(Kính mến gửi về Chú, ngậm-ngùi đánh dấu ngày mà Chú, vừa tới tuổi 90, phải vào nhà dưỡng-lão, mặc dù con gái Chú rất thiết-tha muốn được đưa Chú về nhà.)

Đêm bệnh-viện, sầu tơi trên tóc trắng,
Người già nằm, bóng hạc lắng chiều sương,
Mắt ngu ngơ như nắng lỡ độ đường,
Nhìn con gái dựa bên giường gà gật.

Đầu ngật ngầy váng vất,
Thương con mình tất bật ngược xuôi,
Mấy ngày qua luôn túc-trực không rời,
Đến tối mịt mới về nơi tổ ấm.

Bàn tay già chầm chậm,
Thờ thẩn nắm tay con.
Từ rãnh mắt xoáy mòn,
Giọt thương cảm lăn tròn theo vết cũ.

              ***
Khuya rồi đó, sao con chưa về ngủ,
Chuyện tuổi già, con ủ-rũ làm chi.
Chín mươi rồi, Bố chưa bị cất đi,
Mình may mắn, có gì mà áo-não.

  Hãy để Bố vào ở nhà dưỡng lão,
Như mọi người vừa khuyên bảo sáng nay,
Vì một mai khi rời khỏi nơi đây,
Khó khăn sẽ theo tháng ngày dai dẳng.

Bố không muốn mình trở thành gánh nặng,
Để cho con phải lo lắng miệt mài
Đời con còn nhiều trách-nhiệm trên vai,
Đâu có thể chực-chầu hoài sớm tối.

Thân gầy còm yếu đuối,
Sao kham nổi đường xa.
Thêm việc sở, việc nhà,
Chuyện con cái, dễ gì mà vất bỏ.

Người già thường cau-có
Nằm liệt giường, càng khó tính gấp trăm.
Dù cho con chẳng quản ngại nhọc nhằn,
Nhưng chịu đựng tháng năm dài sao thấu.

Bố vẫn muốn sống đời bên con cháu,
Dẫu cơ-hàn, mà rau cháo có nhau.
  Bao năm qua mất Mẹ , bấy năm sầu,
Bố gượng sống với niềm đau-lẻ-bạn.

Buồn nhớ lại ngày vượt biên hoạn-nạn,
Bỏ quê nhà, chấp-nhận vạn gian-truân,
Chết trong tay đã nắm chặt chin phần.
Mạng sống chỉ ngàn cân treo sợi nhỏ.

Con thuyền khốn khổ,
Sóng gió tả-tơi,
Phút chót đã kề nơi,
Lối định-mệnh, ai người sống sót.

Tưởng chỉ được nhìn Mẹ, con lần chót,
Nhưng Trời thương cho trót-lọt qua đây,
Trong khi bao người biển cả vùi thây,
Giờ sao nữa, chẳng mảy-may tiếc rẻ.

Bố chỉ hận mình không còn sức khỏe,
Đở đần con việc lẻ-tẻ hôm mai,
Để chiều về, con bớt phải loay-hoay,
Được yên nghỉ sau ngày dài kiệt sức.

Khi bị đẩy vào trong phòng hồi-lực,
Bố biết mình gần tới lúc xuôi tay.
Dù thoát nạn hôm nay,
Đời cũng phải rẽ ngay vào lối ngoặc.

Bố tự biết như ngọn đèn sắp tắt,
Nên cố tình bẳn gắt mấy ngày qua.
Nếu chẳng may phải theo gót ông bà,
Con cũng đở xót xa giờ đưa tiễn.

Mai kia rời bệnh-viện,
Con đừng bịn-rịn xót xa,
Hãy nghe lời y-tá dặn ngày qua,
Mà đưa Bố thẳng ra nhà dưỡng lão.

Cuộc sống mới dù là mưa hay bão,
Bố không buồn,tự bảo vẫn còn may,
Vì biết rằng, chỉ quanh-quẩn đâu đây,
Con cháu Bố đang vui vầy hạnh-phúc.

Rồi sẽ có những buổi chiều hun-hút,
Bố nặn dần từng phút ngóng người thân.
Nhưng rủi con chẳng tới được một lần,
Bố cũng hiểu, đừng bận tâm ray-rứt.

Bố không ngại chặng cuối đời khổ cực,
Nhìn thấy con hạnh-phúc, Bố vui lòng.
Tuổi đã nhiều, phận Bố thế là xong,
Con phải sống cho chồng, cho con cái.

Hứa với Bố, con sẽ không buồn mãi,
Nếu mai này, khi Bố phải ra đi,
Mà con không kịp đến lúc phân-kỳ,
Nói cùng Bố lời chia-ly vĩnh-viễn.

                  ***
Đêm trơn giấc, người con rời bệnh-viện,
Đôi mắt già quyến-luyến vọng đưa chân.
Trong ký-ức phai dần,
Khuôn  mặt những người thân vùng hiển-hiện.

Lòng chợt thoáng bùi-ngùi khi nghĩ đến
Phút lên đường, theo ước-nguyện ba-sinh,
Chân bơ-vơ trong tăm tối một mình,
Mò mẫm lối hành-trình về thiên-cổ.

TRẦN VĂN LƯƠNG


Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 02/Apr/2012 lúc 7:56am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
huong cerise
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 23/Mar/2010
Thành viên: OffLine
Số bài: 244
Quote huong cerise Replybullet Gởi ngày: 05/Apr/2012 lúc 8:34am

*

     Hai%20cu%2091%20tuoi%20muon%20dang%20ky%20ket%20hon
 
Bà Bùi Thị Vinh 91 tuổi còn khỏe mạnh , thông thái.....
 

Mối tình già của hai cụ 91 tuổi , bị con cháu ngăn cản

 

Chồng mất trên 40 năm, nay cụ bà 91 tuổi muốn kết hôn với người đàn ông bằng tuổi đã chết vợ nhưng bị con cháu ngăn cản.

Hai tuần nay người dân xứ dừa Bến Tre xôn xao chuyện bà Mụ Bảy, tên thật là Bùi Thị Vinh (91 tuổi) ở ấp Chợ, xã Phú Phụng (Chợ Lách, Bến Tre) đến nhà thờ để nhờ cha xứ làm phép kết hôn với cụ Hà Văn Tới (Mười Út, 91 tuổi) ở cùng xã nhưng khác ấp. Thế nhưng, buổi lễ hôm ấy bất thành vì con cháu của hai cụ ngăn cản nhà thờ làm phép, “chú rể” bị người thân “vợ sắp cưới” lớn tiếng chửi bới.

Theo con gái cụ Vinh thì mẹ chị lú lẫn, đã gần đất xa trời nên không thể “đi bước nữa”. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với mọi người bà cụ vẫn tỏ ra thông thái, giọng hào sảng, đặc biệt là nét mặt cụ Vinh trông trẻ hơn tuổi rất nhiều.

Kể chuyện quyết định kết hôn với cụ Tới, cụ bà nói rằng chồng mất hơn 40 năm, con gái ruột đã yên bề gia thất bên tỉnh Trà Vinh nên nhiều năm qua bà ở một mình. Còn hai đứa con nuôi thỉnh thoảng mới đến thăm nên bà rất muốn có người bạn già bên cạnh để sớm hôm tâm sự, giúp đỡ lẫn nhau mỗi khi "trái gió trở trời".

“Hai hôm trước giật mình thức dậy tôi khóc một mình vì thấy quá buồn, xung quanh không có ai. Ông Tới thương tôi, muốn được tối lửa tắt đèn có nhau nhưng không hiểu sao con tôi không chịu hiểu cho người mẹ này”, cụ Vinh chia sẻ.

Còn cụ Tới, từ ngày bị ngăn cản kết hôn với cụ Vinh đến nay cũng không được con cháu cho gặp người lạ. Tiếp xúc phóng viên, con trai ngoài 30 tuổi con cụ Tới nói rằng nếu kết hôn chắc cha anh phải “vô hòm” vì đã quá già.

Theo con trai cụ Tới, chuyện quen biết giữa hai gia đình là do trước đây cụ Vinh làm ở nhà bảo sanh (nhà hộ sinh) nên có nhận đỡ đầu cho người thân trong gia đình anh. Vì vậy, hai cụ già trở nên thân thiết với nhau nhưng tình cảm ấy nếu vượt quá giới hạn, khiến bà con đàm tiếu, soi mói thì anh không chấp nhận, nhất quyết ngăn cản.

Ông Nguyễn Văn Giang - Chủ tịch UBND xã Phú Phụng - cho biết có nghe thông tin hai cụ già 91 tuổi đến nhà thờ tổ chức Thánh lễ vì cả hai đều theo đạo Thiên Chúa nhưng bị người thân ngăn cản. Theo ông Giang, các con của hai cụ không có quyền ngăn cản cha mẹ kết hôn vì chồng bà Vinh và vợ ông Tới đều đã mất. Vì vậy cuộc hôn nhân này không trái pháp luật.

“Đúng ra con cháu phải ủng hộ tâm nguyện của hai cụ. Vài hôm nữa chúng tôi sẽ họp để giao việc cho hội phụ nữ, ban tư pháp và hội người cao tuổi đến tìm hiểu, vận động con cháu hai cụ xem có đạt kết quả tốt hay không. Nếu được thì xã vẫn cấp giấy đăng ký kết hôn khi hai cụ hoàn chỉnh các giấy tờ tư pháp có liên quan”, ông Giang khẳng định.

Cùng quan điểm này, luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ) cho biết nếu hai cụ có đủ năng lực hành vi dân sự, vợ chồng hai bên đã mất thì UBND xã Phú Phụng có quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn cho hai người vì Luật Hôn nhân gia không quy định mức tối đa bao nhiêu tuổi thì không được kết hôn.

“Luật cấm kết hôn với người mất hành vi dân sự nhưng con của hai cụ không thể nói cha mẹ lú lẫn để lấy đó làm lý do cản trở mà phải có giấy tờ giám định của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, tốt nhất thì UBND xã Phú Phụng nên khuyến khích hai cụ đi khám sức khỏe dù không có quy định buộc người đăng ký kết hôn phải làm việc này”, luật sư Đức bày tỏ quan điểm.

Bảo Anh

...Hoan hô hai cụ , cứ quyết định kết hôn đi .Thời gian sống không còn  lâu nửa , sao phải chịu cô đơn buồn khóc... không phải ai cũng có may mắn vậy đâu... 
 


Chỉnh sửa lại bởi huong cerise - 05/Apr/2012 lúc 9:02am
IP IP Logged
huong cerise
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 23/Mar/2010
Thành viên: OffLine
Số bài: 244
Quote huong cerise Replybullet Gởi ngày: 15/Apr/2012 lúc 11:26am
   MỘT BÀI HỌC VỀ TUỔI GIÀ . Học thuộc lòng dể áp dụng
 
Tôi là một người sống độc thân (và không có con), năm nay tôi 50 tuổi. Tôi sinh sống ở Virginia thuộc Hoa Thịnh Ðốn, sức khỏe đầy đủ và tôi có một việc làm vững chắc. Tôi có một người cha 85 tuổi, sống tại Houston , Texas .

Ôi bao dặm đường xa cách. Từ ngày mẹ tôi mất , cha tôi sống một mình, ông không chịu rời căn nhà với những năm tháng của quá khứ và tôi không thể bỏ việc để dọn về nhà cha. Mùa Xuân năm ngoái cha tôi bị ngã bể xương hông và dập một bên sườn. Bây giờ cha tôi phải vào viện dưỡng lão dành cho người già ốm yếu và cha tôi được xếp vào danh sách phải săn sóc đủ một vòng tròn của chiếc đồng hồ treo trong phòng ông. Từ ăn uống, nằm ngồi, đi đứng, làm vệ sinh, nhất nhất điều có y tá. Cái điều đáng buồn là trong khi nhận tất cả phục dịch cho thân thể thì đầu óc của cha tôi vẫn còn cái minh mẫn của một ông giáo sư dạy toán cách đây mấy chục năm.
Tôi không thể thường xuyên bỏ công việc để đi xuống thăm cha, nhưng mỗi ngày tôi phải điện thoại, điện thư liên lạc với bác sĩ, dược sĩ, y tá và những người săn sóc cho cha tôi tại viện dưỡng lão. Tôi cố gắng thu xếp để mỗi hai tháng đến với cha tôi một cái cuối tuần, và mỗi năm về một tuần vacation vào dịp lễ Tạ Ơn hay Giáng Sinh. Tôi biết là cha tôi rất mừng mỗi lần thấy con đến thăm. Cái ánh mắt của cha tôi khi nhìn tôi chào ra về bao giờ cũng theo tôi suốt chuyến bay. Hôm nay cũng thế, khi ngửa cổ ra sau ghế để tìm một giấc ngủ ngắn trên phi cơ, tôi nhìn rất rõ lại hai con mắt của cha tôi. Bất giác tôi tự hỏi “Khi tôi vào tuổi già yếu. Ai sẽ là ‘TÔI’ để tới lui săn sóc hỏi han tôi thường xuyên?”.

Một người độc thân không có anh chị em và những người già không có con, những người có con sống không cùng một tiểu bang, hay xa hơn nữa ở tận một quốc gia khác thì sẽ rơi vào hoàn cảnh nào khi tuổi già lặn xuống như mặt trời lặn trên biển (bạn đã ngắm mặt trời lặn trên biển bao giờ chưa? Nó mất vào nước nhanh vô cùng).
Cái thùng thư , ba bốn ngày không có người lấy, hay đống báo thành chồng trước hiên nhà, cỏ không cắt, lá không cào, các cửa sổ không mở là dấu hiệu cho hàng xóm biết nên báo cho cảnh sát vì chủ nhân trong căn nhà đó ở một mình và là một người già.

Nỗi lo âu của một người không có thân bằng quyến thuộc ở gần lúc tuổi già , không phải là nỗi lo âu “quá đáng”. Ðó là một điều chúng ta nên nghĩ đến , khi còn có thể tìm hiểu và thu xếp cho chính mình.

Bà Barbara Gordon có mẹ già 92 tuổi sống ở Florida, trong khi bà làm việc ở New York bà đã đặt ra câu hỏi “Who will be ME for me.” Bà đem câu hỏi đó hỏi những người bạn độc thân như bà, không con hay có con tản mác mười phương, họ cùng nhau bàn bạc, đặt ra những câu hỏi cho tuổi già:
- Tôi sẽ sống ở đâu?
- Tôi sẽ sống như thế nào?
- Tôi có đủ tiền không?
- Ai sẽ săn sóc tôi nếu tôi mất khả năng hoạt động?
- Nếu tôi ngã (lúc già yếu) nằm dưới đất hai, ba ngày thì sao?
- Một ngày nào đó liệu tôi có phải rời căn nhà tôi đang ở ?

Những câu hỏi trên đưa đến những câu trả lời khác nhau , mà câu nào cũng rất mơ hồ. Cuối cùng họ đi đến kết luận: Cái cách mình đang sống bây giờ sẽ ảnh hưởng rất nhiều vào đời sống của mình lúc về già.

Họ làm cái danh sách sau đây như một kim chỉ nam :
 
1.”Có bạn bè ở mọi lứa tuổi.”
Ðừng bao giờ nghĩ mình chỉ có thể thân với những người cùng lứa tuổi hay cùng hoàn cảnh như mình. Ðồng ý là họ hiểu mình hơn nhưng đồng thời cũng chỉ nghe những than thở của nhau, không có gì mới lạ. Giao thiệp với những người trẻ hơn mình cũng trẻ lại với cách suy nghĩ và ứng xử với đời sống “Mới” này. Giao thiệp với người già hơn mình để được hưởng sự khôn ngoan của họ.
 

 2. ”Kết thân với hàng xóm.”
Chắc bạn không muốn ngã xuống sàn nhà, nằm dưới đất hai ngày rồi mà không có ai đến vực lên. Một tiếng gọi cửa của hàng xóm có khi cứu được sinh mệnh của bạn đấy. Chạy qua chạy lại nhà hàng xóm lúc còn khỏe là một điều rất nên làm. Có hàng xóm tin và thân nhau còn giao cho cả chìa khóa nhà nữa. Người lớn tuổi đâu còn sợ mất mát gì về vật chất, cái quý nhất chính là bản thân mình thôi. Nếu hai gia đình cùng trẻ cùng có con nhỏ ở cạnh nhau mà thân thiện được là một điều rất quý. Tránh được rất nhiều va chạm về con cái và hữu ích cho nhau khi về già.

3. ”Một bác sĩ thân thiện và có lương tâm” rất cần.
Ông bác sĩ này phải là một người sẵn sàng cho bạn khi bạn cần tới. Một người không bao giờ từ chối cắt nghĩa một câu hỏi xem ra không được chính xác mấy của bạn. (Những câu hỏi không có kinh nghiệm gì của người trẻ tuổi và quá lẩm cẩm của người già.)

4. “Dược sĩ trẻ hơn mình nhiều tuổi.”
Mua thuốc với những người này, bạn được họ cắt nghĩa rõ ràng và thân thiện hơn. Người bệnh ở lứa tuổi nào cũng cần những dược sĩ trẻ trung.

5. “Tiêu ít, để dành nhiều.”
Người trẻ để dành cho ngày mai. Người già để dành cho hậu sự.
Cần kiệm luôn luôn là một đức tính.

6. “Ăn uống cẩn thận hơn.”
Thức ăn luôn luôn là một nguyên nhân chính cho sức khỏe. Người dân nước nào cũng tự hào về văn hóa ẩm thực của nước họ. Nhưng cái bao tử của cả bàn dân thiên hạ chỉ muốn tiêu thụ những thức ăn nhẹ nhàng, ít dầu mỡ và bổ dưỡng. Bạn cứ lắng nghe xem cơ thể bạn phản ứng thế nào sau mỗi bữa ăn khác nhau, thì bạn sẽ hiểu ngay nó muốn nói điều gì.

7. “Thể thao nhiều hơn”
Ai cũng biết cơ thể cần vận động thì mới khỏe mạnh và đầu óc mới minh mẫn. Cứ cả ngày ngồi gõ cọc cọc (như chính tôi đây) ở máy vi tính, hay xem phim bộ như phần đông người Việt lớn tuổi, chắc chắn là không đúng rồi. Hãy đứng lên. Người trẻ có thể thao của người trẻ, người lớn tuổi có những sinh hoạt thể thao cho tuổi của mình. Nếu không đi xa được thì loanh quanh trong khu xóm, hoặc vung tay, khua chân ngay trong nhà mình. Ðừng ngồi yên một chỗ. Chim chóc ngoài vườn đang gọi bạn.
 
8.  Ngay bây giờ phải là “MÌNH”.

Có người đặt câu hỏi: “Ai thương tôi nhất”

Câu trả lời: “Mình thương chính mình nhất” Vì chồng, (vợ) hay con mình cũng không thương mình bằng chính mình thương mình. Chồng, (vợ) hay con không thể chịu trách nhiệm về thân thể bạn được. Họ chỉ chia sẻ một phần nào.

Nếu bây giờ bạn thực hiện được những điều trên thì khi về già chính bạn đã lo được cho bạn khá nhiều. Vì có ai đó, không phải bà con mình (người bạn hàng xóm) sẽ nhắc cho bạn “Tối nay lúc 9:00 giờ có mục đọc truyện của đài phát thanh (tiếng Việt) hay lắm”. Hoặc: “Ngày mai Chủ Nhật bà có đi chùa không ? Sẽ có xe đón đấy .
 
                                                     N H


Chỉnh sửa lại bởi huong cerise - 15/Apr/2012 lúc 11:32am
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 12/May/2012 lúc 4:54pm

Thơ viết trên tường nhà dưỡng lão

Bài thơ được lưu truyền trên mạng từ năm 2004 do Thuỷ Khởi – một bút danh không xác định được tác giả thật đăng tải. Được biết, “Thơ viết trên tường nhà dưỡng lão” được chép lại từ một bài thơ viết trên tường một viện dưỡng lão ở khu phố phía Tây đường Dân Quyền (Thành phố Đài Bắc – Đài Loan)


Con ơi! Khi con còn thơ dại,
Mẹ đã mất rất nhiều thời gian,
Mẹ dạy con cầm thìa, dùng đũa ăn cơm
Mẹ dạy con buộc dây giày, chải tóc, lau nước mũi
Những kỷ niệm về những năm tháng mẹ con mình sống bên nhau
Làm mẹ nhớ thương da diết
Vì thế, khi mẹ chóng quên, mẹ chậm lời
Con hãy cho mẹ chút thời gian, xin con chờ mẹ chút
Cho mẹ suy nghĩ thêm
Cho dù cuối cùng ngay cả định nói gì
Mẹ cũng quên…

Con ơi! Con quên là mẹ con ta đã tập luyện hàng trăm lần
Con mới thuộc khúc đồng dao đầu đời?
Con nhớ không mỗi ngày mẹ đáp
Những câu ngây ngô, hàng trăm câu con hỏi từ đâu
Nên nếu mẹ lỡ kể lể nhiều lần những câu chuyện móm răng
Ngâm nga những khúc ru con thời con bé
Xin con tha thứ cho mẹ
Xin con cho mẹ chìm trong những hồi ức ấy nhé!
Xin con đáp lời mẹ kể những chuyện vụn vặt trong nhà!
Con ơi! Giờ mẹ thường quên cài nút áo, xỏ dây giày,
Ăn cơm vãi đầy vạt áo
Chải đầu tay bần bật run
Đừng giục giã mẹ
Xin con nhẫn nại chút và dịu dàng thêm
Mẹ chỉ cần có con ở bên
Mẹ đủ ấm.

Con ơi! Bây giờ mẹ đi chân không vững, nhấc không nổi bước
Mẹ xin con nắm tay mẹ
Dìu mẹ, chậm thôi
Như năm đó
Mẹ dìu con đi những bước đầu đời .

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
<< phần trước Trang  of 70 phần sau >>
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.379 seconds.