Bài mới Thành viên Lịch Tìm kiếm Hỏi/Đáp | |
Ghi danh Đăng nhập |
Thơ Văn | |
Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Văn Học - Nghệ thuật :Thơ Văn |
Chủ đề: CHO GỬI CÁI ĐẦU | |
Người gởi | Nội dung |
thylanthao
Senior Member Tham gia ngày: 02/Jun/2007 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 1051 |
Chủ đề: CHO GỬI CÁI ĐẦU Gởi ngày: 20/Jan/2008 lúc 6:56pm |
CHO GỬI
CÁI ĐẦU * -
Thân gửi các quan hai thất trận trình diện đi tù tại Gò Công Tôi học việt văn năm đệ lục
với Thầy Nguyễn văn Ba, cũng là người anh thứ ba của tôi, vào đầu niên học
trong môn kim văn, anh thường trích giảng hai bài văn viết về ngày khai trường,
một bài dịch từ bản nguyên tác chữ Pháp của nhà văn Anatole France và một bài
văn của Thanh Tịnh, học sinh tụi nầy phải học thuộc lòng hai bài văn nầy, cũng
nhờ học thuộc lòng nên trong trí vẫn còn ghi nhớ, cũng nhờ vậy mà mỗi khi trời
trở sang thu, trên trời có những đám mây bàng bạc, là lòng tôi lại nhớ tới buổi
khai trường ... ..."Hàng
năm cứ vào cuối thu, lá ngòai đường rụng nhiều và trên không có những đám mây
bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường... ...Buổi
mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và đầy gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay
tôi đi trên con đường làng dài và hẹp.Con đường nầy tôi đã quen đi lại lắm
lần.Nhưng lần nầy tự nhiên tôi thấy lạ.Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi vì
chính lòng tôi đang có sự đổi thay lớn: Hôm nay tôi đi học..." Tôi
lại liên tưởng đến cậu học trò nhỏ của Anatole Có
sống ở Gò Công vào những năm thập niên 50 - 60 mới thấy sự quan trọng của ngày
khai trường đối với dân cư ngụ trong tỉnh lỵ, những khuôn mặt của phụ huynh đăm
chiêu nhưng đầy tin tưởng vào triển vọng của con em mình trong ngày đầu niên
học, những chiếc áo quần còn thơm mùi vải mới, Những chiếc cặp da mới tinh khôi
thắm đậm ân tình của phụ huynh chăm sóc con cái... Tôi
đã từng trải qua trên 15 lần tham dự ngày khai trường từ những năm đầu đời học
sinh, ba tôi chỡ tôi trên chiếc xe đạp sườn ngang đến trường Bà Phước ( thời
tôi đi học chưa có trường mẫu giáo, học sinh chưa tới tuổi đến trường công
thường đều đóng tiền học trường Bà Phước )...và sau nầy thường đi đến trường
với chị ở bậc tiểu học..rồi một mình ở bậc trung học, bước chân đến trường mà
trong lòng có biết bao niềm mơ ước cho niên học mới...Cho đến năm 28 tuổi, tôi
lại có dịp được chị tôi dẫn đến trường . Theo
lệnh của Ủy ban quân quản tỉnh Gò Công, tất cả quân nhân cấp Trung Úy phải
trình diện đi học tập cải tạo từ 7 giờ sáng ngày 25 tháng 6 năm 1975 tại trường
Trung Học Công Lập Gò Công Trước
ngày tôi đi trình diện, ngày 24 tháng 6, người anh thứ ba của tôi, Đại Úy biệt
phái giáo chức( Khóa 16 Thủ Đức), Anh có qua nhà chào từ biệt cha mẹ và có bắt
tay tôi từ giã đi trình diện học tập cải tạo, không khí trong nhà thật yên lặng
vắng vẻ sau khi anh tôi rời khỏi nhà với hành trang là một túi bồng bột đựng
dụng cụ cá nhân, ba tôi vốn ít nói, mắt người chỉ thóang buồn, mẹ tôi thì nét u
sầu thấy rõ hơn, riêng tôi, trong lòng đang có nhiều cảm giác lẫn lộn, nhiều
nỗi lo lắng bồn chồn... Buổi
sáng thức dậy, lòng tôi càng thấy bồn chồn lo lắng, sau khi điểm tâm xong, tôi
sóat lại lần cuối mớ vật dụng mang theo, mấy chai thuốc cảm, sốt rét, kem và
bàn chải đánh răng, khăn mặt, hai bộ quần áo, thuốc hút, diêm quẹt, giấy
bút...Tôi đến thắp nhang bàn thờ ông bà, từ giã ba mẹ, người chị thứ sáu kế
tôi, dẫn tôi đến trường...Trong đầu tôi hiện rõ cảnh khai trường trong bài văn
của Thanh Tịnh, cũng con đường quen thuộc, tôi nhớ từng lá cây ngọn cỏ, từng ổ
gà, từng cây mọc dại trên bờ đê...quen thuộc đến cả những màu sơn cửa của từng
ngôi nhà, hôm nay, theo từng bước đi của tôi, cảnh vật quen thuộc bên đường như
lạnh lùng xa vắng, trời cuối mùa hạ mà sao nhìn có vẻ âm u, trời lất phất mưa,
những hạt mưa rơi nhẹ như sương, những cánh cửa sổ bên đường vẫn mở mà sao lòng
cảm thấy như uất nghẹn im lời, nó không còn vẻ sinh động như những lần tôi từ
Sài Gòn, từ Sóc Trăng, từ Huế, từ Pleiku...về phép, ngọn gió lúc tôi về phép
như mơn man, đùa reo mát mẻ quá, cũng những cánh cửa mở khép hờ mà sao tôi thấy
vồn vã ân cần quá...khác hẳn như buổi sáng hôm nay.Tay tôi xách túi bồng bột,
chị tôi đi bên cạnh dẫn bộ theo chiếc xe đạp mi ni màu đỏ, hai chị em bước đi
từng bước chậm, không một lời trao đổi; tôi vẫn biết, dù chậm bước cở nào, khi
chân còn bước thì đích phải tới, rẽ sang cầu Tây Ban Nha, quán cà phê Xuân nằm
bên đầu cầu, tôi thấy trong quán lưa thưa một vài người khách, một vài khuôn
mặt quen thuộc, thầy Phan Thanh Sắc nguyên là Trung úy, huấn luyện viên vũ khí
trung tâm huấn luyện Vạn Kiếp, đương nhiệm hiệu trưởng trường Trung Học Đệ Nhị
cấp quận Hòa Tân, đang ngồi quấy đều ly
cà phê đen, thấy chị em tôi thầy tươi cười vui vẻ: -Ê
! Vô làm ly cà phê rồi đi, còn sớm mà tụi, tính đi sớm về sớm hả??? Đọan
đường chưa tới 100 thước từ nhà tới trường, chị em tôi còn gặp một vài người
quen khác, khẻ cuối đầu chào nhau mà trong ánh mắt hầu như trao nhau hàng ngàn
câu thăm hỏi. Rồi
cũng tới trường, Cổng trường đối diện với cổng vào nhà xe của dinh tỉnh trưởng,
hai hàng cây dái ngựa trước trường lá vẫn xanh, hạt mưa nhẹ buổi sáng làm màu
xanh của lá có tươi hơn nhưng lá ướt nước ủ rủ trông buồn quá, rải rác bên
đường, từng nhóm năm ba người tụm nhau nói chuyện, cũng vẫn những khuôn mặt
quen thuộc của cựu học sinh trường Gò Công, mà sao tiếng cười đùa vui vẻ của
những lần gặp nhau trong những ngày họp mặt tất niên của hội cựu học sinh
trường đã không còn tìm thấy sự nhộn nhịp vui vẻ như ngày xưa nữa, trong nhiều
ánh mắt thấy rõ nét e dè nghi ngại, như sợ sệt, như lo lắng...hầu hết những người
hiện diện hôm nay đều là bạn chung trường, chung xóm, chung đơn vị ngày xưa.Tôi
dừng lại trước cổng trường, có chú bộ đội con ( có lẽ cách mạng 30) mặc thường
phục tay cầm súng AK đứng gác, trước khi chia tay, chị tôi bùi ngùi khuyên tôi
nên giữ gìn sức khỏe sớm trở về với gia đình, tôi chào chị rồi lầm lũi bước qua
cổng trường...( Phải hơn 8 năm sau tôi mới thấy lại cổng trường nầy ) Một
thời kỷ niệm cũ chợt sống dậy trong tôi, cũng tại ngôi trường nầy, tôi đã có 7
năm miệt mài đèn sách, cũng tại cổng trường nầy, mỗi khi bước vào, học trò
chúng tôi, áo quần phải tươm tất, đủ đầy phù hiệu, hình ảnh những thầy cô giám
thị như hiện ra trước mắt tôi, thầy Võ văn Đài, thầy Châu văn Giao, Cô Sáu
Hồ...với quyển sổ con và cây bút trong tay, nghiêm khắc đứng rải rác từ cổng
vào trường để ghi tên những học sinh lè phè vô kỷ luật...thiếu phù hiệu, áo
quần xốc xếch, không ...hạ mã khi qua cổng . Hôm
nay, tôi cũng bước ngang qua cổng nầy, nhưng không còn nhìn thấy những khuôn
mặt khả kính của những vị thầy cô năm xưa, mà thay vào đó, một khuôn mặt non
chọet, có lẽ phải vài năm nữa mới tròn tuổi hai mươi, áo quần luộm thuộm, tay
cầm khẩu AK,cơn gió buổi sáng, hay hạt mưa trái mùa làm tôi thấy lạnh, có lẽ
hai lý do trên đều đúng, cái lạnh thấm mau vào người tôi có lẽ là do màu đen
của sắt thép tỏa hơi tử khí từ khẩu AK rất vô tình; trong suốt mấy năm chinh
chiến, cây AK là hình ảnh đối kháng với khẩu M16 xinh xắn của quân đội Cộng
Hòa... Cũng
màu tường vôi vàng, cửa sổ màu xanh, phòng giám thị, giám học, hiệu trưởng, hai
dãy phòng nằm cạnh cổng, dãy lớp học im lìm năm xưa còn đó, những cây lim lúc
tôi mới vào trường chỉ cao hơn thước, những cây lim nầy cũng là nguyên do để
bọn học sinh chúng tôi bị thầy giám thị rầy la vì chạy giởn tiện tay bẻ đọt
ngắt lá, nay thân cây lim một người ôm không giáp, ngọn cao khỏi nóc lầu
trường, tàn phủ che mát cả sân... Tôi
thấy trong sân trường đã khá đông người,dưới gốc cây lim sát phòng giám thị,
một nhóm giáo sư của trường đang chuyện gẩu, tôi thấy thầy Hùynh Thạch Sơn là
giáo sư văn chương và là đương nhiệm hiệu trưởng trường, vẻ mặt trầm ngâm đang
lắng nghe chuyện, khỏang 8 giờ sáng, một tên cán bộ Cộng sản ra lệnh tập họp
các quan hai lại ,Tất cả anh em xếp thành hàng tư trên sân xi măn trước dãy
trường lầu hướng tây trường, tôi nhẩm đếm khỏang trên 200 Trung úy,trong đó có
3 nữ sĩ quan là Nguyễn thị Hương Hoa ( Phòng điện cơ kế tóan bộ Tổng Tham Mưu,
cũng là cựu học sinh trường) Nguyễn Thị Anh ( Phòng xã Hội Tiểu Khu Gò Công) Nê
A Sang ( Không rõ đơn vị )...Tôi còn nhớ chị Võ Thị Cảnh là giáo sư Trung Học
Gò Công với gương mặt đầy lo lắng bước vội vô cổng trường, chị trình diện thế
cho người em trai là Hải Quân Trung Úy Võ Văn Tý, Tý đi Mỹ Tho thăm ghệ trên
đường đi bị bắt ở Chợ Gạo.Thế mới biết, chính sách hà khắc dân chúng sợ hơn hùm
beo rắn độc, mọi lệnh giặc cờ đỏ ban ra đều được tuân hành răm rắp, bởi trong
thời điểm giao mùa, ai ai cũng sợ bản án tử hình làm gương ...! Tôi
nhìn tổng quát thành phần sĩ quan tại hàng hôm nay, đa số là cựu học sinh trung
học Gò Công đã phục vụ quân đội trên 4 vùng chiến thuật, một số sĩ quan thuộc
các tỉnh khác phục vụ tại tiểu khu Gò Công.Có anh ăn mặc như đi dự tiệc, áo
quần thẳng nếp, dày da đánh bóng, xe honda dựng bên lề; tôi thầm nghĩ, các anh
nầy tưởng dễ ăn với Việt Cộng, trình diện rồi được cấp giấy ra về như chính
sách ...khoan dùi nhân đạo mà chúng thường rêu rao khi mới cưỡng chiếm miền
Nam. Sau
khi được nghe "giảng" về chính sách khoan dùi của đảng đối với sĩ
quan ngụy quân và ngụy quyền; tất cả tan hàng tự do đi lại trong vòng rào trường
dưới sự canh gác của vệ binh võ trang ở bốn góc trường. Tuy
bầu không khí có vẻ nằng nặng, sự im lặng rồi cũng bị phá tan bởi tiếng chào
mừng của bè bạn lâu ngày mới gặp lại, những nụ cười gượng gạo cố vui trong chốc
lát, vui làm sao được khi trong lòng ngập đầy lo lắng, số phận của mình rồi sẽ
ra sao, bao nỗi nhớ thương , tình chiến hữu năm nào nay tản lạc muôn phương,
rồi cha mẹ, rồi vợ con ...!! Khuôn
viên trường khá rộng rãi mà gần 10 năm tôi mới có dịp gần gủi lâu dài, tôi lặng
lẽ đi chầm chậm tìm những phòng học cũ, trường chỉ còn lại hai dãy ngang từng
trệt là dấu vết của thời tôi đi học, ba dãy lầu nới cất sau khỏang thời gian
tôi rời trường, tôi lặng lẽ đi vào từng phòng học, cố tìm lại chút vết tích của
thời còn mài đủng quần trên ghế...Với một thời gian tương đối khá dài, mười năm
rồi còn gì ...Cũng vẫn những nét vẽ nguệch ngọac, những dòng chữ li ti, những
hình vẽ, nhưng không phải của thời tôi đi học mà là của các lớp đàn em sau
nầy...Mắt tôi như mờ lại hình ảnh thầy cô cũ hiện ra sao rõ nét quá, Cô Giang
Thị Hạnh, cô Trần Thành Mỹ,Cô Lê Kim Xuyến, thầy Đòan Huy Óanh, Thầy Ngô Đình
Thu,Thầy Nguyễn Tiến Đức, thầy Đinh Đức Vượng, rồi những tà áo dài trắng tha
thướt của các bạn đồng song ...Hứa thị Vĩnh Thu, Nguyễn Thị Kim Kiều, Phan thị
Lệ Sương, Lê Kim Hoa, Đồng Thị Ái, Nguyễn thị Bạch Mai...lòng tôi như se thắt
lại...! Tôi
thử điểm danh một số anh em cựu học sinh, Khóa 1 có Tô Vĩnh Thái( Giáo chức
biệt phái= GCBP), Anh Tôn( Pháo Binh Dù GCBP) Anh Chánh ( GCBP)Khóa 2 Có Lê Văn
Bình (CTCT tiểu khu GC, GCBP), Hồ Văn Sơn ( Khóa 3/69 Quân Nhu) Anh Ánh ( Biệt
Phái Tòa hành Chánh), Khóa 3 có Nguyễn Văn Xã( Cựu khóa sinh Rừng Núi Sình Lầy
Mã Lai, GCBP), Võ Hùynh Lonh( GCBP), Lê Ngọc Phước(GCBP),AnhTrang(GCBP), Anh
Chấn(GCBP), Khóa 4 có Phạm Bá Niên ( Phân chi khu trưởng), Khóa 5 có Đặng văn
Vui( Trưởng G Vũng Tàu), Lê Văn Nay( Đại Đội Trưởng ĐPQ), Trần Công Thu( Công
Binh), Khóa 6 có Lê Bích Lâu( An Ninh Quân Đội), Nguyễn Ngọc Bá( Trưởng ban 1
TĐ Pháo Binh )Nguyễn Thành Nghiêm ( Trưởng ban Chính Huấn SĐ 18), Trần Ngọc
Sáng( Phòng 2 Quân Đòan 4 )Khóa 7 có Lê văn Liệt ( Trưởng cuộc Cảnh Sát Long
An) Nguyễn văn Tỷ ( Thiết Giáp ), Khóa 8 có Phạm Đăng Trắc ( Pháo Binh Quân
đòan 2) ….Và còn mấy khóa tiếp nữa, tôi không nhớ hết… Tôi
bước lên dãy lầu ngang, nhìn thẳng ra cột cờ, trên hành lang, tôi đi lần đến
cuối dãy, nhìn qua khỏang trống giữa hai hàng rào kẽm gai, bên kia rào là khám
đường Gò Công, ôi định mệnh sao cai nghiệt quá, trường học nằm cạnh kề khám
đường, thì học sinh xong học đường lại chui vào khám. Trước mắt tôi, một khỏang
trống nhỏ đủ nhìn thấy người, tôi thấy một vài khuôn mặt quen thuộc từ bên khám
đường tò mò nhìn sang trường, kìa là thằng Nguyễn Kim Giai, thiếu úy An Ninh
Quân Đội, tôi vẫy tay chào nó, nó dùng tay chụm miệng hỏi lớn: -Thằng Chí đâu rồi?( Đại úy Nguyễn Duy Chí Đại Đội
Trưởng trinh sát trung đòan 11, bạn chung lớp, cùng khóa 8 với Giai).Tôi vội
đáp lại trong sự vui mừng gặp lại bạn cũ, dù trong hòan cảnh có hơi quá khắc
nghiệt:- Nó chuyển đi hôm qua rồi, không biết đi đâu. Bên cạnh Giai là anh Năm Địa, hạ sĩ quan cảnh sát
đặc biệt, Cò Hên, tiểu đội trưởng quân cảnh tư pháp và nhiều người khác tôi
không nhớ hết tên, tất cả đều vẫy tay chào tôi. Tôi
đi ngược trở lại hành lang thì gặp một nhóm khá đông đang vây quanh một bàn cờ tướng,
hai đấu thủ là anh Trung Úy Sinh Đại đội trưởng ĐPQ và anh Võ Hùynh Long, trung
úy biệt phái giáo chức, cả hai đều là cựu học sinh khóa 3 trung học Gò Công,
tôi khen thầm, Anh Sinh nầy mang theo bàn cờ quá hay, vừa tạm giết thời giờ vừa
quên đi sự thế; khuôn viên trường khá rộng, có nhiều nhóm nhỏ tụ năm, tụ ba, dù
không đến gần nhưng tôi cũng hiểu rõ phần nào nội dung câu chuyện...đại khái là
những lời than thân trách phận, những lời ưu tư lo lắng cho tương lai...bởi vì
ngày mai chỉ là một dấu hỏi lớn... Tôi
và một vài bạn thân thời trung học cũng tụm lại với nhau, kể cho nhau nghe về
những ngày sau cùng của cuộc chiến, những oan khuất nhục nhằn phải chịu đựng
trong buổi tàn cờ, Thằng Quang Đèo( Phân chi khu trưởng xã Vĩnh Bình)Thằng Ba
Lém ( Trung Đội Trưởng Pháo Binh) hai thằng bạn mà khá lâu không gặp mặt...mặt
thằng nào thằng nấy trông buồn so, nhất là thằng đèo vợ vừa mới sinh đứa con
đầu lòng... Không
cơm, không nước, đứng tán gẩu, hút thuốc đắng cả miệng, cũng có người không trò
chuyện với ai mà đứng tựa bao lơn, mắt buồn xa xôi ...nhìn trời hiu quạnh...đã
gần 12 giờ mà mặt trời vẫn chưa xuất hiện, trên trời có nhiều đám mây đen vần
vũ, thỉnh thỏang một vài cơn gió nhẹ thổi qua tạo nên cảm giác lành lạnh...cảnh
trời âm u như báo hiệu sẽ có một cơn mưa lớn... Tôi
thử quan sát tòan thể các anh chị hiện diện hôm nay tại trường, Đa số là cựu
học sinh trường Trung Học Công Lập Gò Công, từ khóa 1 đến khóa 10, các vị sĩ
quan biệt phái giáo chức có phần tươi tỉnh hơn, có lẽ họ tự nghĩ nghề giáo thời
nào cũng là nghề cao quý, không có tội với nhân dân, một số sĩ quan biệt phái
về hành chánh, một số sĩ quan người tỉnh khác làm việc tại tiểu khu.... đặc
biệt có Anh Hùynh Văn Hoa, cựu học sinh khóa 3 Trường Gò Công, cựu sinh viên sĩ
quan khóa 23 Đà Lạt., lúc nào tay cũng cầm 1 cái radio nhỏ kề bên tai nghe,con
đường trước trường hôm nay vắng lặng một cách lạ, thỉnh thỏang mới thấy có
chiếc xe đạp chạy nhanh qua, người đi bộ cúi đầu rảo bước, lén gửi một cái liếc
vội vàng vào sân trường... Trước
khung cảnh âm u của trời đất, trước những khuôn mặt thất thần lơ láo, tôi thấy
trong tôi có một nỗi buồn khó tả , tôi linh cảm có một điều gì không ổn cho
cuốc sống của tôi ngày mai...Ở trong hòan cảnh mà tự mình không chủ động được,
tôi thầm lẩm nhẩm 2 câu kiều "Cũng
liều nhắm mắt đưa chân Thử xem
con tạo xoay vần tới đâu ....." Tới
hơn 2 giờ trưa, có hai ba tên VC ,mặc thường phục, vai mang xắc cốt đến trường
ra lệnh tập họp anh em lại, một khối tù hàng binh đứng xếp hàng ngay ngắn, một
tên cán bộ ra lệnh: -Các
anh chị chuẩn bị di chuyển sang trường trung học bán công. Không
khí trở lại ồn ào sau lệnh của tên cán bộ, những lời bàn tán, những ánh mắt
nhìn nhau ... chẳng có một đáp số nào chính xác cả, tay tôi vẫn xách cái túi
bồng bột, gia tài hiện hữu, lẫn trong đám đông, ai sao mình vậy, mặc cho dòng
đời đưa đẩy, theo sự chỉ dẫn của tên cán
bộ, anh em chúng tôi lần lượt bước ra khỏi cổng trường, cũng có bộ đội cầm súng
AK dẫn đường và mấy tên đọan hậu, thì ra xuống ngựa rồi mà ra đường vẫn còn có
lính cầm súng theo bảo vệ ?!Trường công lập cách trường bán công khỏang non 100
mét, ngang qua cổng sân vận động tỉnh, tôi nhớ tới hai xe nước đá của Anh Chơi
và Anh Nhạn, hai anh vẫn thường xuyên đậu xe trước cổng sân vận động nầy suốt
thời gian tôi học, từ đệ thất tới đệ nhất, tôi nhớ tới thầy năm Răng( thầy đã
qua đời tại Bình Ân, Gò Công), giáo sư thể dục, tôi học thể dục với thầy từ khi
tôi còn học lớp nhì A với thầy Nguyễn Văn Huệ( Thầy Huệ đã qua đời tại
Pháp)thầy Răng cũng là thầy dạy thể dục tôi năm đệ nhất,Thầy hơi thấp người( so
với tôi) nhưng dáng người khỏe mạnh, nhanh nhẹn, thường tới giờ thầy dạy, thầy
hướng dẫn lớp ra sân vận động, thầy đi đầu, tay cặp trái banh, Con trai của
thầy, Trò Ngọc Quang vào học đệ tam chung với tôi ...Qua sân vận động, chúng
tôi đi ngang qua tòa án, hình ảnh người đẹp năm xưa chợt hiện đến với tôi, chị
Phan thị Lệ Sương là con gái Ông Thẩm Phán,chị học cùng đợt với tôi( tam B2 rồi
nhị B2),năm thi tú tài phần hai, tôi ngồi chung phòng với chị,Lệ Sương có nét
đẹp ngoan hiền, thóang nhìn rất dễ có cảm tình, khi rời trường lên học trên Sài
Gòn,thỉnh thỏang vào thương xá Crystal Palace, tôi có nhìn thấy chị, chị đứng
bán mỹ phẩm trong một cửa hàng đối diện với tiệm bán băng nhạc Tú Quỳnh; đồng
dãy với tòa án là khuôn viên giáo đường tỉnh, đối diện với tòa án là mặt sau
khám đường Gò Công, một bên khám là một con đường trải đá tiếp giáp với trường
trung học, một bên là một con hẻm nhỏ nối liền ra bờ sông, có khỏang 10 nóc gia
ngụ trên con hẻm nầy,tôi nhớ tới bầu Thọai ( Nguyễn bá Thọai),bạn học từ trung
học, đá banh rất hay, đứng vị trí trung ứng, là cầu thủ xuất sắc của hội tuyển
trường, sau nầy là hội tuyển tỉnh, trong quân đội, Thọai là trung ứng của đội
tuyển quân đòan 4, sực nhớ tới Thọai, tôi đảo mắt tìm Thọai,nó đồng cấp với
mình mà sao không thấy trong đòan tù nầy( Thọai nhập ngủ trể , khóa 5/69 Thủ
Đức)( Một năm sau,Ở trại tù Mỹ Phước Tây, tôi đang trên đường ra hiện trường
đào kinh, đang di chuyển trên tỉnh lộ thì gặp Thọai trong nhóm tù thuộc trại
Vườn Đào, hai cái len đào đất trên tay hai đứa đồng lọat dơ cao lên, một lối
chào cho dễ nhận, thóang vui trên nét mặt khi bất ngờ gặp lại bạn học cũ, dù
trong hòan cảnh có phần khắc nghiệt ...! Đầu
con hẻm nầy là nhà của thiếu tá Nguyễn duy Sự( khóa 16 ĐL, quận trưởng Hòa Tân)anh
của Tuyết Nga bạn học cùng lớp với tôi, mẹ Anh Sự có nghề làm bánh giá nổi
tiếng chợ Gò Công, cũng là truyền nhân của bánh giá Vĩnh Lợi,cạnh bên, nhà ông
Đốc học Võ Văn Giáp, một vị hiệu trưởng rất có uy tính ở tỉnh nhà, Thằng Tý,
con trai út của Ông bị bắt ở Chợ Gạo nên không có trong đòan chiến bại nầy, kế
bên là nhà Thầy Giáo Trần Văn Hai, Thầy dạy ở trường làng Tân Niên Trung, sau
đổi về dạy tại tỉnh, rảnh rổi thầy dạy thêm Pháp văn , lớp tại gia của thầy học
sinh khá đông, chị Trần thị Gương, con gái của Thầy cũng là bạn chung lớp với
tôi, tôi đi lần lần qua nhà Thầy Trung , cựu học sinh khóa 1, là giám thị
trường, anh của Thằng Đạt vẫn ngồi cạnh tôi năm đệ tam, Đạt Trung úy không
quân( khóa 2/69TĐ), nhà chú hai Vũ Đình Lân, quân nhân giải ngủ,Lao công rồi
giám thị trường, có thằng trưởng nam là Vũ Đình Chương cũng là bạn chung lớp(
dãy nhà nầy là phố mới cất trên cuộc đất của thầy giáo Lý)...Tất cả những nhà
quen, cửa đều mở nhưng không thấy bóng dáng người nào cả,có lẽ những đôi mắt
thương cảm của người trong nhà vẫn đang nhìn ra đường trong một vị thế kính
đáo... Tới
lô cốt nằm bên trái ngã tư, đối diện với nhà Thầy Giáo Lý, đòan tàn binh quẹo
trái hướng về phía giáo đường, đối diện nhà thờ là một xóm nhà .... xóm nhà nầy
với tôi có rất nhiều kỷ niệm, ngay đầu góc đường là nhà của trò Ngô Hòan Tòan,
trò nầy vừa là bạn học vừa là họ hàng chung Ông Cố với tôi, Tòan( khóa 4/68
Đồng Đế) tử trận năm 1970 tại vùng 4 trong màu áo Địa Phương Quân, ngôi nhà
ngói cổ xưa, nhà của trò Đặng văn Đỉnh và em gái là Đặng Kim Định, đều là bạn
học cùng cấp với tôi, Đỉnh tử trận năm 71, Cạnh nhà Đỉnh là nhà của chú mười
Trọng , có lúc người con rể chú Mười là anh Quý râu mở quán nhậu tại đây rất
đông khách, con chú Mười có Châu, cô bé nữ sinh duyên dáng của khóa 7 Trường Gò
Công và Chị Liễu, vợ anh Quý, cũng là bạn học với tôi, thời tôi vào lính mỗi
lần về phép tôi thường cùng Nguyễn văn Nha, Anh Ba Thương , Anh Tư Ảnh là cán
bộ Xây dựng nông thôn. Dương Quốc Bình ( Khóa 26 TĐ giải ngũ) nhậu suốt ngày
nhiều hôm tới hơn nửa khuya tại quán nầy; hai tiệm billard, một của Yến Linh,
một của Thiếu Tá Ngọc, tôi đã cùng bạn bè cầm cơ chắc cũng phải non ngàn giờ ở
đây...một thời tuổi trẻ, một thời chiến chinh, một thời sống vội vàng ăn chơi
bạt mạng...từng kỷ niệm hiện đến, chân tôi bước ngang qua xóm nhà nầy mà lòng
tôi không khỏi không ngậm ngùi...,trong đầu tôi hiện ra một câu hát, trong lúc
lòng buồn se lại, tôi cảm khái hát nho nhỏ..."Giữa hàng tù binh, có anh đi
hàng đầu..." Tốp
đi đầu đã bắt đầu rẽ vào trường trung học bán công, ngôi trường nầy dù rất quen
thuộc, nhưng tôi chỉ vào trường chỉ duy nhất một lần, năm tôi làm báo cho
trường Gò Công, Thầy Lê Quang Hậu hướng dẫn nhóm báo chí đến trường bán Công
bán báo, tờ Định Hướng vào mùa xuân năm 1966.Khi người cuối cùng bước qua cổng
trường ...thì chú bộ đội võ trang AK cũng vừa khép cổng, anh em được lệnh tự do
đi lại trong vòng rào trường và ngủ qua đêm tại đây. Trường
Bán Công, khuôn viên nhỏ hẹp, chỉ có 2 dãy lớp khỏang 10 phòng, trường xây trên
một miếng ruộng, nền trường thấp so với mặt đường, để xây trường phải đào một
cái ao khá rộng để lấy đất đấp nền trường, tôi cùng Quang đèo và Ba lém chọn
phòng học đầu tiên làm nơi tạm ngụ -Ở
phòng đầu có gì chạy cho dễ, tầm quan sát rộng hơn;tôi khẻ nói với thằng Đèo,
trong phòng học bàn ghế còn nguyên, cần phải xê dịch bàn ghế mới đủ chỗ trải
tấm nylon nằm ngủ. Tôi nhìn hai thằng Quang và Ba , hành trang cả hai chỉ là
cái...đít không -Ê,
bộ tụi bây được mời đi du ngọan, có chủ lo cơm nước, chỗ ngủ nên xách đít không
đi ???Tôi mĩa hai thằng. Chưa
yên vị thì trời đã đổ cơn mưa lớn, mưa như trút nước, cơn mưa kéo dài cả giờ,
ao nước tràn bờ, sân trường ngập nước lênh láng, tất cả anh em đều ở trong
phòng tránh mưa, dọn dẹp tìm chỗ để tối nằm, tôi nhìn qua dãy ngang hình như
chỉ có 3 phòng sát rào sân vận động, tôi nhìn thấy 3 chiến hữu nữ chọn phòng
cuối cùng của dãy nầy, mưa bắt đầu nhẹ dần, rồi tạnh hẳn, bây giờ cũng khỏang
hơn 5 giờ chiều...tôi nhìn ra cổng trường thấy có nhiều thân nhân xách giỏ xin
bộ đội gác cổng nhờ gửi giỏ thức ăn cho thân nhân. Sau
khi chánh thức có lệnh cho tiếp tế, thân nhân lần lượt đến khá đông, dĩ nhiên
trong số đông nầy phải có mẹ của tôi, người mẹ đã gắn bó suốt cả cuộc đời tôi,
suốt thời gian đi học, tôi sống cạnh mẹ, tôi vào Thủ Đức, mẹ thăm đủ 12 tuần
huấn nhục, những lần tôi về phép, chưa kịp thay quần áo tắm rửa là măm cơm mẹ
đã dọn sẵn, tôi ngồi ăn thì mẹ ngồi kề bên, chén cơm vừa hết là mẹ dành lấy xúc
đầy, mẹ muốn nhìn thấy tôi ăn thật nhiều, mẹ muốn tôi cạnh kề bên mẹ như ngày
xưa còn bé, nhưng mẹ không giữ tôi ở nhà được lâu, mẹ tôi biết vậy nên thường
ép tôi ăn, và mẹ tôi vẫn biết trước sau gì bạn tôi cũng đến nhà rủ tôi đi nhậu. Vừa
nhìn thấy dáng mẹ từ hướng cầu Tây Ban Nha đi tới, tôi đi vội ra cổng đứng chờ
bên hàng rào kẽm gai... Mẹ tôi trong dáng đi vội vã, người khẻ cười khi nhìn
thấy tôi, lần đầu tiên trong đời tôi gặp mẹ trong hòan cảnh khắc nghiệt nầy,
ngăn cách giữa hai mẹ con là hàng rèo kẽm gai...!, tôi thấy lòng tôi nghèn
nghẹn xa xót, mắt mẹ buồn rười rượi nhìn tôi hỏi đủ điều dù tôi chỉ mới rời nhà
từ sáng hôm nay, giọng nói của mẹ nhỏ lại vừa đủ cho tôi nghe, giọng nói vẫn ấp
ủ đầy tính săn sóc thân thương ...Mẹ vừa trao giỏ cho tôi vừa nói: -Mẹ
không dám mang thức ăn nhiều cho con, mẹ sợ người ta "dòm ngó"mẹ đem
cho con nửa con cá chẻm chiên tươi, có hủ chao đựng nước mắm tỏi ớt, có trái
xòai sống con bầm ra ăn kèm với cá, có chai và ly uống nước, nước mẹ nấu chín
rồi, uống nước xong nhớ cất ly vào bao ny lon cho sạch sẽ... Tôi
nghĩ thầm ... Mẹ ơi!Con của mẹ đã ăn cơm lính 7 năm trời, đã từng vào sinh ra
tử, hăm mươi lăm tuổi bước chân thằng út của mẹ đã đi qua khắp 4 vùng chiến
thuật, Tăng phái cho nhiều sư đòan, nhiều tiểu khu, từng có mặt ở Huế trong mùa
hè đỏ lửa, từng trở về từ Kon tum trên con lộ máu 7B, những ngày cuối cuộc
chiến, con của mẹ tăng phái cho sư đòan 22, hậu cứ đang đóng tại trại Lam Sơn
Phước Tuy, Con băng biển Vũng Tàu về với mẹ ngày 28 tháng tư, thay vì những
người lính khác đi thẳng ra tàu Mỹ, Con về với mẹ, con về với vùng 4 chiến thuật, con về với
tướng Nguyễn Khoa Nam, con tin tưởng rằng dù trong bất cứ tình huống xấu nào vị
tướng tài ba nầy cũng sẽ không bao giờ đầu hàng Cộng Sản, Nhưng con của mẹ
không nghĩ đến việc Tướng chết theo thành..., con vẫn còn ra biển kịp thời
nhưng mẹ ơi khi đã về tới nhà, có ba, có mẹ có anh chị.. lòng con mềm lại ...
bước nào con nở ra đi... Trước
mặt mẹ, tôi chỉ là thằng con trai út, vẫn còn được hưởng những sự săn sóc trìu
mến ân cần của mẹ, mẹ cũng nhắc có mua cho tôi một gói thuốc hút, rồi cũng
không quên dặn dò đừng hút nhiều mà có hại cho sức khỏe. Tôi rất dễ xúc động
nên chỉ nói với mẹ bằng những lời ngắn gọn -Mẹ
yên tâm, con lớn rồi mà mẹ Bầu trời, mây đen vần vũ,
mưa rắc hột nhẹ, mẹ tôi trìu mến vịn lấy tay tôi, người từ giã ra về, tôi nhìn
theo bước chân mẹ, tôi thấy bước đi của mẹ nặng và chậm trên đường... Tôi
ngồi trên bàn học mang cơm ra ăn, dù từ sáng tới giờ không có ăn trưa mà tôi
vẫn không thấy đói lắm, cá chiên tươi, nước mắm ớt ăn với xòai sống là món ruột
của tôi, vậy mà buổi cơm hôm nay tôi nuốt sao trậm trầy...Trời vẫn tiếp tục
mưa, tôi đứng trên thềm hứng nước rửa chén đủa, lòng buồn rười rượi, cho vô bao
tất cả vật dụng ,tôi ngồi trên một bàn học hút thuốc nhìn trời mưa, con đường
nhựa trước trường đã vắng người qua lại; hơn 8 giờ mưa mới bắt đầu ngớt hột,
tôi dọn bải để chuẩn bị ngủ, tôi trải tấm nylon trước hành lang phòng học đầu,
tôi căng chiếc mùng nhà binh lên, thằng Đèo xin ngủ chung vì nó không có mang
theo dụng cụ cá nhân, thằng ba Lém nằm cạnh sát mùng.Tuy gió đêm lồng lộng mà
muổi vẫn bay như trấu, vo ve từng bầy, ... Không khí trong các phòng đã bắt đầu
yên ắng, tôi nằm bên thằng Đèo mà tâm trí trôi về Sài Gòn, nơi cầu chữ Y, gần
lò heo Chánh Hưng, có con bé mắt màu nâu, gốc người Tiều Sóc Trăng, bạn học
chung lớp suốt 3 năm liền ở Văn Khoa,
cũng là bạn hồng nhan tri kỷ mà cả đôi bên gia đình đều rõ biết..., Tôi
nhớ tới cảnh hãi hùng trên gần hai mươi ngày băng rừng về Nam theo tỉnh lộ 7B
từ KonTum, tôi nhớ tới chiếc tàu khách tôi quá giang từ Bến Đình Vũng Tàu về
Vàm Láng,tàu chỡ quá tải lại gặp sóng lớn súyt chìm mấy lần... -Ê,
cho tao gửi cái đầu vô mùng.Muổi cắn quá...! Tiếng
thằng ba Lém, nó cũng không chờ tôi trả lời mà tự động vạch mùng đút đầu vô,
thôi thì huynh đệ chi bình, chia ngọt xẽ bùi là lúc nầy đây. Tôi
đâu có ngờ đêm đầu trong tù tôi đã ngủ chung với con rắn độc, thằng Quang đèo
là bạn chung lớp khóa 5 trường Gò Công lại là thằng bạn thân từ nhỏ, thời đệ
nhất cấp nó trọ học nhà ông Huyện Đạt, cách nhà ông Thân Bính là tới nhà tôi,nó
cùng ngồi chung bàn nhất với tôi, thằng Chung, Thằng Ẩn, Thằng Xuân, thời đệ
nhị cấp tôi với nó làm thơ chung nhóm thơ 20 Gò Công ...Thời đi lính, tôi và nó
học chung khóa 13 Đại Đội phó, tại trường Cán Bộ Chiến Tranh Chính Trị... vào
đây gặp lại nó tôi rất mừng, nhưng mà trong cảnh khó mới thấy rõ lòng người,
khi chuyển lên trại tù Huyện Tây, Quang đèo làm tóan trưởng coi 3 tổ, cùng với
Đại úy Hỉ , cùng tóan trưởng, phản lại chiến hữu năm xưa, hợp tác với cán bộ
trại hạch tội, phê bình báo cáo ngầm anh
em trong trai, Quang và Hỉ là cặp Hắc Phong Song Sát Của Trại tù ' Trại cải tạo
Sĩ Quan Ngụy Quân và Ngụy Quyền Gò Công "Chiến hữu từng ở trại nầy chắc có
lẽ không bao giờ quên hai tên nầy. Tiếng
ngái to dần của thằng Lém làm tôi khó chịu, mùng nhà binh ngủ hai thằng đã chật
chội, nếu là người khác phái tuy có chật mà dễ chịu lắm , nằm gần thằng đực rựa
khó chịu vô cùng, bây giờ thêm một cái đầu, lại cái đầu biết ngái mới chết.,
nằm đã không xoay trở được, nó lại ngái như Trương Phi, giọng ngái lại không
được đều đặn, thường xài tông cao, ai có mất ngủ bên người ngủ ngái mới hiểu
tình cảnh của tôi. Tôi rủa thầm: -Đụng
nhằm máy cưa thứ tốt rồi, thằng chủ trại cưa mua trúng cây ở Bình Giã, Bình
Long, Đắc Tô...Thân cây đầy đạn , lưởi cưa chạm phải tạo âm thanh khó chịu quá,
tôi không chịu thấu, thỉnh thỏang lay thằng Lém, nó hử hả vài tiếng rồi lại
tiếp tục cưa. Mắt
tôi ráo quảnh, Thằng Đèo nhỏ con, ngủ nằm khoanh như con mèo,không ảnh hưởng
lắm, chỉ có cái đầu, cái đầu thằng pháo binh nầy được gắn pin tốt quá, âm thanh
rờn rợn, ken két như cưa chạm sắt, một vài anh em thức giấc đi tiểu đêm, ngang
qua mùng tôi trầm trồ: -Cha
nào ngủ ngáy quá đã Quả
đúng vậy, thằng ngáy dữ thiệt, đôi mắt màu nâu của những ngày Sài Gòn tha
thiết, những buổi nhậu quên đời tại câu lạc bộ Gió Ngàn Khơi bên dòng sông Thị
Nghẻ trong doanh trại Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hình ảnh những xác chết đầy bi thãm,
của người chiến sĩ Cộng Hòa trên con lộ máu 7B, hình ảnh thân thương của mẹ mới
chiều nay....tất cả đều tan lõang trước tiếng ngáy quá dữ của thằng Lém...Tôi
lay nó dậy khỏang 5 lần trong đêm thì trời cũng bắt đầu rựng sáng... Thức
trắng một đêm , tai bị tra tấn trước âm thanh khuyếch đại của máy cưa thằng Ba
Lém, tôi uể ỏai ngồi dậy tốc mùng, tay rút điếu thuốc châm lửa hút một hơi
dài.... Trời
còn mờ tối, buổi sáng hơi lành lạnh, sau
một cơn mưa lớn, mặt nước ao cao tận bờ phẳng lặng, con lộ trước trường còn
vắng hoe, chú bộ đội ngồi co ro ôm súng AK trước cổng trường.Sau cơn mưa, trời
lại sáng, còn tôi và các chiến hữu không biết ngày mai sẽ ra sao ...! THỦY LAN VY Viết tại Kỳ Đà Động 1994) |
|
Nếu rêu phong vết hằn theo năm tháng - Thì đời ta chắc cũng lắm rêu phong.
|
|
IP Logged | |
thylanthao
Senior Member Tham gia ngày: 02/Jun/2007 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 1051 |
Gởi ngày: 29/Mar/2008 lúc 7:29am |
QUÊ HƯƠNG
NỖI NHỚ * Hai con sam lật ngửa trên vĩ sắt, bắc trên bếp cà ràng đang cháy đỏ than hồng, mấy chân sam còn ngo ngoe, tôi dùng một que tre dài khơi mấy hòn than cho lửa bốc lên đều, miệng phì phèo điếu thuốc, nhìn màu da sam, từ màu đen đồng trở sang màu gạch nung… Mới trưa hôm qua tôi còn ở dưới làng Vàm Láng, nhậu với thằng cả Quan, thiếu úy Địa Phương Quân thuộc tiểu khu Gò Công mới nhận giấy giải ngũ mấy tháng qua vì đạn trúng cánh tay, bất khả dụng ba ngón tay của bàn tay trái. Đổ Thái Quan là bạn học chung 7 năm liền trung học với tôi, bạn bè cũ lâu ngày gặp lại, nó luộc một rổ tôm tích, với dĩa muối tiêu chanh, hai đứa lai rai nhắc chuyện đời,cũng hết một kết bia trâu lọai có trái thơm in trong nhản hiệu. Dân nhậu vẫn thường kháo nhau, mỗi kết bia trâu chỉ có một chai nhản có in thêm hình trái thơm, nước trong chai đặc biệt ngon hơn các chai khác, với nước cốt bia đậm đà hơn, tôm tích, một lọai tôm đặc sản của biển Vàm Láng, ngư dân đi ghe đáy về, mỗi ghe được chừng vài ký, thường dùng để biếu xén, hay giữ lại để người nhà nhậu chơi, con tôm nầy có hình dáng khác hẳn tôm càng, có hai càng to, không giống càng cua, cũng không giống càng tôm, trông ngọai hình không hấp dẩn, tôm lứa cũng cở tôm càng lớn, luộc chin, bốc vỏ bên ngoài, thịt bên trong dai và ngọt hơn tôm càng, nếu có thời giờ nướng lên, bảo đãm ngon hơn thịt rít nướng nhiều… Trước khi từ giã ra về, cả Quan không quên gửi cho tôi mang về vài ký, gồm khô Hắc Cấy ( cá đuối đen), Lịch Của, tôm thẻ ép xỏ lụi…và hai con sam cái khá to… Sau chuyến đi công tác tại Huế đúng một tháng khi Cổ Thành còn trong tay VC, tôi trở về hậu cứ lãnh tờ giấy phép 4 ngày, Tôi phóng Honda về Gò Công, ghé thăm nhà qua loa rồi thì nhậu liên tục, bạn bè thời trung học làm việc tại tiểu khu đông quá, đứa nào cũng kêu cũng gọi, gặp bầu Thọai, sĩ quan phát hướng viên tiểu khu, sau một bạt ty Billard là một màn nhậu tại quán Quý Râu.Thế là hết một ngày, ngày hôm sau mới ra ngồi tiệm Lưu Sum, uống chưa hết ly soda chanh đường giải nghể là đã gặp Anh Ba Thương và Anh Tư Ảnh, cán bộ xây Dựng Nông Thôn, kéo ra quán Lạc Cảnh của Trung Úy Triêm, lại gặp Thiếu Úy Hồng, Nha ...và một số bạn cũ trong tỉnh đoàn, cũng hết mấy thùng bia black label, một ngày xuống Vàm Láng, trên đường ghé ngang qua Kiểng Phước, gặp Dương Quốc Bình, cũng bị thương tật mới giải ngũ từ Sư Đoàn 21 về, làm cũng hết mấy chai trước khi gặp Cả Quan… Sáng sớm hôm sau tôi rời Gò Công, trên chiếc Honda , bạn đồng hành có thêm hai con Sam, tới Sài Gòn chưa quá 8 giờ, ghé qua đơn vị xem có thư từ hay tin tức gì mới, rồi cùng với anh em trong toán xách chiếc Dodge hai cửa nhắm hướng Hốc Môn trực chỉ . Bác Năm, ngôi nhà gần quận tôi vẫn thường cho toán về đây nghỉ trưa, Bác hay tin tôi công tác từ Huế về nhắn tôi lên nhậu chơi. -Anh Thủy có cần em phụ giúp gì không? Ba bảo em ra bếp phụ với anh nè… Hương kéo dài tiếng nè thật dễ thương rồi nhìn tôi cười -Trung úy ngồi nướng sam trông điệu nghệ quá ! Hương là con thứ của bác Năm, đang học đệ nhị trường Trung Học Võ Tánh Hốc Môn, tôi biệt phái công tác tại quận nầy hơn một năm trời, vẫn thường xuyên tới nhà Bác Năm nghỉ trưa, thỉnh thoảng bày tiệc nhậu, nên Hương cũng dễ thân quen với toán công tác của tôi, tôi vẫn xem Hương như người em gái, thường trong những lần nhậu trước đây, trong khi chờ làm mồi nhậu, Hương vẫn thường nhờ tôi chỉ dẫn về bài học trong lớp, nhất là môn việt văn.Tôi có khiếu về văn chương, lại có vốn liếng thọ giáo với Thầy Diêu, thêm tính siêng đọc sách nên mỗi lần giảng Kiều cho Hương nghe cô bé tỏ ra rất thích thú,vì thường tôi không đi thẳng vào chương trình học là phân tích về nội dung và hình thức, tôi thường phân tích tâm lý nhân vật và kể nhiều giai thọai về Kiều mà tôi biết được, cũng như đọc một vài bài thơ vịnh Kiều của một vài tác giả lỗi lạc trong văn học sử. -Có được em phụ giúp thì hay quá, tôi tiếp liền một hơi -Có mấy trái bưởi đỏ trên bàn, em gọt bỏ vỏ, rồi tách rời từng múi, bỏ hết vỏ lụa để trong tô cho anh, ra vườn cắt cho anh một ít rau thơm, lặt rửa sạch, nhớ cắt đọt lá quế, rau răm, húng cây, lột vỏ sẵn cho anh một củ tỏi, với vài trái ớt hườm chín, lọai ớt sừng trâu, hai trái chanh… -Anh Thủy…. Vẫn giọng nũng nịu kéo dài, từ từ chớ anh, anh dặn nhiều quá làm sao em nhớ cho hết … -Ờ thì em cứ làm đi, thiếu cái gì anh sẽ nhắc tiếp… Hai con Sam được trở qua trở lại mấy lần đã bắt đầu chín tới, mùi thơm dậy ngập mũi, tôi lấy một tô tai bèo bằng pha lê lọai lớn, một cái muỗng bằng inox đặt lên bàn, tôi tách vỏ lần lượt hai con sam, trứng sam tròn như trứng cá gún đặc cả bụng sam, Tôi dùng muỗng múc cẩn thận hết trứng sam ra tô, lọai bỏ tất cả những thứ không phải là trứng, vì tôi vẫn thường nghe nói, ăn đồ biển dễ bị ngộ độc nếu không biết rành rẽ vể những độc tố trong từng loại, tượng tai bèo đường kính khoảng 3 tấc, dung tích khoảng trên 2 lít, đựng được hai phần ba trứng sam. Hương ngồi trên bộ ván cạnh bên chiếc bàn trong bếp, tay khéo léo lột bưởi, bàn tay ngón thon dài, trắng muốt, con dao bén, Hương gọt vỏ bưởi thành một sợi dây dài, bưởi được tách ra từng múi, mỗi múi được cô tách bỏ vỏ lụa, chỉ lấy từng tép bưởi đựng vào một cái tô -Em có nếm thử xem bưởi chua hay ngọt chưa? Hương không trả lời tôi hỏi mà cầm lấy một tép bưởi, khẻ chồm người lên đút vào miệng tôi -Anh ăn thử thì biết chứ gì… Bàn tay cô bé ngón thon mà dài, móng tay ửng hồng tự nhiên…hàng ngày đi học về, cô bé vẫn phụ với gia đình trong việc làm bún thế mà cô lại có bàn tay mướt quá, giống như những bàn tay của các vị tiểu thư khuê các trong các truyện diễm tình, với bàn tay nầy, theo như sách tướng vẫn ghi, tương lai người có bàn tay không phải vất vả chưa muốn nói là trở thành mệnh phụ.Tôi ngậm miệng vội, vị chua ngọt của bưởi tan nhẹ trong lưỡi lẫn với hương tay da thịt cô bé, trước cử chỉ thân mật của Hương, tôi cảm thấy dễ chịu vô cùng -Bưởi hơi chua như vầy trộn gỏi sam mới ngon, tôi vừa nói vừa nhìn thẳng vào đôi mắt ướt đen của Hương, mà từ đó một chút dịu dàng trìu mến tỏa ra… Tôi với tay lên vách lấy một cái chảo nhôm, tráng sơ miếng nước, bắt chảo lên bếp than hồng, chờ cho chảo vừa đủ độ nóng, tôi múc mở đổ vào vừa đủ ướt lòng chảo, lựa ba tép tỏi lớn, đặt lên thớt dùng lưỡi dao phai ép mạnh cho tỏi bể dẹp ra, mở vừa sôi, tôi bỏ tỏi vào phi, nhìn tỏi vừa trở màu vàng, hương thơm bay nứt mũi, tôi đổ tô trứng sam vào, dùng sạn đảo thật đều tay, độ mỡ vừa áo trứng sam, dùng giấy cầm hai quai chảo tôi trút vội tất cả trứng trong chảo ra tô, trút tô bưởi lên mặt trứng sam, chút muối, chút đường được rắc đều lên, tôi dùng hai đôi đũa trộn đều. -Bây giờ Hương giúp anh việc nầy, rau thơm xắt mỏng, ớt xắt sợi theo chiều dài rồi ngâm dấm, chanh lột vỏ tách múi, dùng muỗng tán nhuyển chanh, đâm tỏi ớt cho cay pha cho anh một cối nước mắm chanh ớt. Nước mắm nêm vừa ăn rồi vào xin má một muỗng nước cốt cơm rượu pha vào -Má, mà má ai vậy anh …Hương chu cái môi dài nhìn tôi. Thôi mà má ai cũng được. Nước mắm chanh ớt mà có pha thêm nước cơm rượu em sẽ thấy ngon tuyệt vời… Có ốc gạo luộc là hết sẩy nha em…cái nầy là bí truyền trong nghệ thuật pha nước mắm do cô thứ tư của anh truyền lại. Em nhớ để sau nầy có khách nhậu của chồng đến nhà.. pha cho người ta ăn, khoe tài nội trợ giỏi.. Miệng nói, tay tôi vẫn trộn đều tô gỏi, những tép bưởi bị vỡ nước hòa lẫn với muối đường tạo một vị chua ngọt dễ chịu, mùi tỏi phi, mùi thơm của trứng sam nướng làm cho tôi bắt khịt mũi hòai, với ba cái dĩa bàn hình hột xoài, tôi sớt tô gỏi sang dĩa, dùng đũa muổng sửa lại cho khéo léo dễ coi, xong rắc rau thơm, phủ lên rau những sợi ớt đỏ au ngâm dấm cong queo lại được trang điểm sau cùng Hương đứng nhìn mấy dĩa gỏi không chớp mắt _ Anh hay quá, anh làm món gỏi sam thật tuyệt vời, trình bày trông đẹp mắt lắm, anh nhà binh mà còn biết chuyện nhà bếp nữa. Tôi trả lời ỡm ờ: - Mình là dân nhậu thì phải biết làm đồ nhậu, mai sau có gia đình, có vợ, có con, vợ con mình mình thương, mình quý, nhỡ có bạn bè tới chơi, gặp bạn nhậu mình phải lo tiếp đãi, mình ăn nhậu thì không thể bắt vợ con mình làm .. Với lại, làm trai là phải… xông pha khói lửa mà Hương. Nghe tôi nói, Hương khẻ chớp mắt, hình như cô bé đang suy nghĩ một điều gì… nhà bếp nóng, má cô bé thật hồng…Tôi không dám nhìn lâu… Tôi bước lên nhà trên, ngồi quay quần bên chiếc bàn tròn quen thuộc, ngoài Bác Năm chủ nhà, còn có chú Ba quay heo, anh Tám Nương, cán bộ thông tin xã Đông Thạnh, cánh nhà binh có Minh Đường, trước đây là toán phó của tôi, nay thụ huấn khóa sĩ quan đặc biệt, ra trường đổi về tiểu khu Kiến Hòa, hạ sĩ nhứt Thông tài xế và cai Ngà từ đại đội 403 CTCT Mỹ Tho lên chơi, Ngà trước cũng cùng đơn vị với tôi, sau chuyển về Mỹ Tho cho gần quê nhà…vợ, vợ Ngà là chị Nở, con thứ của ông chủ quán Hồng ở Bến Tre, đặc biệt Ngà rất mến tôi và tửu lượng cũng ngang ngửa với tôi Lúc tôi mới về trình diện tiểu đoàn, mặt còn búng ra…đủ thứ, mấy tay nhậu muốn dùng rược để khắc chế tôi, nhưng sau mấy lần đọ sức, tất cả đều mến tôi vì khó có tay nào thấy được tôi say trừ phi bị chồng độ -Cũng trưa trờ rồi, thôi mời tất cả vô bàn đi quý anh em,Tiếng của Bác Năm chủ nhà, tôi ngồi cạnh Ngà, Thông ngồi bên Bác năm, Minh Đường, Chú Ba quay heo và anh Tám Nương. Trên bàn, ngoài hai dĩa gỏi sam của tôi trộn, còn có một dĩa ếch xào đọt chùm ruột, mấy con khô Hắc Cấy, mấy con Lịch Của nướng vừa chin tới để trên dĩa kèm bên chén nước mắm me tỏi ớt để chấm khô -Lần nầy mình uống rượu mít, cây mít bên hông nhà tôi trồng bốn năm nay đã có trái chiến,giống mít dừa, dày cơm lại rất ngọt, tôi phơi khô một ít, ngâm rượu mấy tháng nay.Giọng nói của Bác Năm luôn luôn nhiệt tình và thân thiện. Nói xong, Bác Năm bước lại tủ thờ, bê ra một keo tròn khoảng 5 lít, đầy rượu, sóng sánh vàng màu hổ phách, dưới đáy keo là xác mấy múi mít nướng cháy.Với đôi tay khéo léo, Bác chuyên rượu ra chai ba xị mang lại bàn kèm với cái nhạo sứ và một ly nhỏ.Bác trịnh trọng nghiêng nhạo rót đầy ly -Sẵn hôm nay có Trung úy vừa công tác ở Huế về, nghe nói Cổ Thành Quảng Trị bị quân Cộng Sản chiếm đóng, quốc lộ Quảng trị Huế trở thành đại lộ kinh hoàng mà Trung úy trở về bình yên, thiệt tôi mừng hết sức, với lại có thằng cháu rể là Minh Đường mới từ Trúc Giang về phép nên mình nhậu một bữa mừng sức khỏe bình yên. Vẫn như thường lệ trong mỗi lần nhậu ở đây, Bác Năm uống xong ly rượu đầu tiên là rót cho tôi ly thứ nhì, và sau khi tôi uống xong là vòng tua bắt đầu Cũng giọng nói rất hiền của Bác Năm: -Gắp đi mấy anh em,dĩa gỏi sam trông hấp dẫn quá, sam nầy từ miệt biển của Trung úy mang lên, chứ Hốc Môn muốn ăn dễ gì có, ổng trộn sam với bười, lạ mà ngon quá, ăn thử đi mấy anh em… Ngoài cổng có người dắt vội chiếc xe đạp bước vào, Bác Năm che tay lên mắt ngó ra cổng: -Thằng Tư Rổ, hôm nay chắc là đắc khách nên tới trể. -Xin lỗi, chào tất cả,Anh Tư vừa bước vào vừa chấp tay vừa nói -Định đến sớm mà khách mang xe lại sửa hoài, lại toàn là khách nữ, nên cũng khó từ chối nên tui mới tới trể… Anh Tư tự biết lỗi đến trể, với tay cầm nhạo, vừa rót vừa uống liền ba ly, theo đúng thủ tục bất thành văn chào sân nhập bàn( vào trể 3 ly, ra về sớm 7 ly) Uống xong, anh Tư cười tươi, với tay kéo cái ghế trống bên ngòai, đảo mắt nhìn một vòng quanh bàn,nhìn thấy tôi, anh kéo ghế đến ngồi bên cạnh. -Cũng gần hai năm mới gặp lại Trung úy, trông ông lúc nầy có nét phong trần hơn trước nhiều. Sau nhiều câu chuyện xã giao. Bàn rượu lại đầy tiếng cười nói vui vẻ, tửu nhập thì ngôn xuất, ở đâu cũng vậy…mấy thằng uống rượu là con Ngọc Hoàng. Đa số trong bàn mới ăn món gỏi sam nầy lần đầu tiên, nên cầm đũa gắp trợt lên trợt xuống, tôi nhìn mà cười khoái chí, tôi dùng muỗng múc gỏi vào chén rồi chan lên chút nước mắm ớt -Phải dùng muỗng mới múc được, trứng sam tròn vo làm sao mà gắp được mấy anh mấy chú.Tôi chỉ cách. Qua năm sáu vòng tua, rượu trắng Hốc Môn ngâm mít vừa thơm vừa có hậu, uống xong ly thấy ngọt cổ, nhưng độ bốc của rượu cũng rất nhanh…Thôi thì đủ thứ chuyện được bàn đến, từ chuyện Dù bàn giao cho Thủy Quân Lục Chiến để tái chiếm Cổ thành Quảng Trị, từ chuyện dân chúng Quảng Trị bỏ của chạy lấy người để tránh Cộng Sản, đến chuyện hòa đàm Paris, chuyện sam đeo cặp ở biển, con đực con cái đeo dính với nhau, bởi vậy dân gian thường dùng hình tượng nầyđể chỉ các cặp tình nhân quá khắn khít “ đeo dính như sam” Người ta chỉ ăn con sam cái, vì con cái có trứng ăn mới ngon, con sam đực nhỏ hơn chỉ có chút thịt như thịt cua, sam để nằm thường cong đuôi lên đập xuống bất thường, rất dễ gây thương tích cho ai sơ ý bước chân ngang qua, con đực bắt được, ít ai mang về, vì tốn công mà thịt chẳng có bao nhiêu. Sau khi uống xong ly rượu vòng( uống rồi nói mới tin- ngôn ngữ trong bàn nhậu) Tôi khề khà: -Sẵn hôm nay nhậu gỏi sam, tôi có nhớ một câu đố về sam để tôi đọc cho quý vị nghe chơi Cả bàn im lặng nghe tôi nói -Mình đồng da sắt, cặp mắt trên lưng, song đánh tưng bừng, vẫn ôm đít vợ.Đố là con gì? Tư Rổ ngồi cạnh có vẽ khoái chí sau khi nghe xong, đứng dậy tay với lấy nhạo rượu rót ra ly đặt bên cạnh tôi, rượu rót khéo tay, đầy vun mặt, mời tôi -Trung úy uống rượu nói chuyện vui quá, tôi xin mời Trung úy một ly. Có tiếng ai đó. – Đá bổng đá bỏ nha… Thông tài xế nhìn ly rượu rót vun mặt mà cười ngất, bởi vì dân nhậu đều biết câu” cắt cổ hơn đổ rượu”ly rượu nầy cầm lên thế nào cũng phải đổ dù cho khéo tay cở nào.Ngà thì nhìn tôi với cặp mắt tin tưởng, vì Ngà thường xuyên nhậu với tôi, Ngà biết kinh nghiệm trong bàn nhậu của tôi có thừa, nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ nầy… Tôi nhìn Tư rổ cười rồi xin phép trong bàn: -Tôi xin phép trong bàn được uống ly rượu mời của Anh Tư, nhưng mà Anh Tư chơi ngặt tôi quá, rót ly rượu đầy vun tránh sao khỏi đổ đây. Nói xong tôi khẻ cúi đầu xuống, dùng đôi môi cặp nhẹ miệng ly, đầu ngước dần lên, rượu chảy vào miệng không sót một giọt, tôi thong thả dùng tay trả ly lại bàn. Uống kiểu nầy rất dễ bị sặc rượu, mà sặc rượu thì khỏi phải nói, nhưng tôi cũng nhờ thường xuyên đi đây đi đó, tham dự nhiều buổi nhậu, nên các mánh trong bàn nhậu tôi rành sáu câu. Trung úy uống khéo quá, mầy ngán ổng chưa Tư? Tiếng chú Ba quay heo, Thực tâm tôi không thích Tư Rổ, nhưng anh Tư thì rất mến tôi, hết hỏi chuyện nầy đến chuyện khác, nhiều lúc tôi muốn ngọng với anh luôn. Tư Rổ bỗng nhớ ra điều gì, chợt cười khan rồi khều nhẹ tôi -À nầy Trung úy, câu đồi mà ông đọc cho tôi nghe mấy năm trước tôi đã nghe được vế đáp rồi. Bắt đầu Anh Tư thuật lại cho tôi và cả bàn nghe chuyện một lần về Gò công ăn cưới của anh. Tư Rổ là bạn thân của thằng Danh, thuở học chung khóa CB/XDNT ở rừng Chí Linh, thằng Danh vốn không xa lạ gì với tôi, nó học sau tôi mấy lớp chung trường trung học, nó là con Thầy Năm Ấn bên xóm Đạo Gò Công, anh nó là Trung úy Bời, tài xế Trực Thăng ở phi trường Cù Hanh, Bời là bạn học cùng đợt với tôi. -Tôi thấy tửu lượng Ông Thủy là tôi đã ớn rồi, ổng lại hù tôi là tửu lượng cở đó về Gò Công chỉ đứng rót rượu cho người ta uống chứ chưa được phép ngồi bàn nhậu, vậy mà trong tiệc cưới, tôi thấy chỉ có một vài tay uống mạnh, chứ đâu phải ai cũng mạnh hết. Anh Tư cười rồi kể tiếp -Tôi nhớ tôi ngồi cạnh anh em Cò Tường, trong bàn có Anh Ba Thà ở Bình Luông Đông ra, Ông Hiệu Trưởng Hai …Vét với mấy người nữa, tôi thấy chỉ có Ông Hiệu Trưởng Hai là uống khá thôi, mấy người nầy chắc Ông Thủy biết,Tư khều tôi hỏi -Anh em Tường Khánh là bạn học với tôi, Giáo Hai học trước tôi ba năm chung trường trung học, Ba Thà là đàn anh xa, lúc ảnh mang Ách, tôi mới học lớp ba.Tôi trả lời Anh Tư Rồi Tư tiếp tục kể nhiều chuyện trong tiệc cưới, Tư có nhắc đến câu đối mà tôi đã đọc cho anh nghe trong lần nhậu trước thì được Cò Tường hưởng ứng ngay… -Gặp ai thì không đối được chứ tôi thì đã nghe qua vế đồi nầy rồi, Cò ngâm nga: Trai Củ Chi chỉ cu hỏi củ chi Câu đối lại là: Gái Cù Mông, còng mu phải cù mông. Anh Tư dứt lời cả bàn cười rộ -Hay lắm, dù hơi tối nghĩa nhưng cũng tạm chấp nhận được.Tiếng của Minh Đường. Rượu qua thêm vài vòng tua, dĩa lươn xào đã cạn, dĩa gỏi cũng vơi, một vài giọng nói đã bắt đầu lên tong… Tư Rổ chợt đứng dậy, Anh rót một ly rượu đầy hướng về tôi mời. -Mời trung úy một ly, uống xong tôi có điều thắc mắc xin được hỏi Tôi cầm ly, cám ơn anh Tư rồi uống cạn -Được, anh cứ tự nhiên hỏi, cái gì tôi biết tôi sẽ trả lời anh… -Chẳng qua là trong tiệc cưới, có người nhắc đến Sơn Vương, một tướng cướp lừng danh của thập niên 40-50, mà trong bàn chỉ nói phớt qua, Trung úy có thể kể cho tôi nghe rõ hơn chút nữa được không? Nghe Tư Rổ hỏi xong, tôi chợt tỉnh hẳn người, Người Gò Công rất ít người biết về thân thế của Sơn Vương, mặc dù Sơn Vương sinh quán tại làng Hòa Nghị tỉnh Gò Công, nhất là ở lứa tuổi sinh trong thập niên 40 như tôi thì dễ có mấy người biết; cũng may là tôi biết chuyện Sơn Vương là nhờ nghe ba tôi kể cho cả nhà nghe nhiều lần, lúc tôi còn học tiểu học, tôi có dịp đọc một truyện ký đăng nhiều kỳ trên nguyệt san hình như là nguyệt san Đời Sống xuất bản đầu thập niên 50 với tựa đề là “ Côn Sơn Khói Lửa”…Cũng nhờ cò bộ nhớ tương đồi tốt, nên tôi còn nhớ lỏm bỏm, nếu gặp ai khác ở Gò Công mà bị Tư Rổ hỏi câu nầy chắc là khó trả lời trôi… -A, Tôi cũng có biết sơ về Ông Sơn Vương, hôm nay nhậu với gỏi sam ngon quá, mình nhậu thẳng chỉ một bữa, uống thêm vài ly nữa rồi tôi sẽ nói sơ qua về Sơn Vương, có dịp nào khác, rảnh rỗi hơn tôi kể rõ hơn được không anh Tư. Tư Rổ xem ra đã ngấm rượu, Minh Đường cũng chẳng khá hơn, ngồi yên không nói, vuốt tóc liền tay…có lẽ sắp lên dầu sống( sắp cho chó ăn chè)Thông thì chỉ cười, Bác Tư và tôi cũng đã gần tới mức, uống thêm hai vòng nữa tôi bắt đầu kể. - Sơn Vương chính tên là Trương văn Thọai, quê quán làng Hòa Nghị tỉnh Gò Công ( Nhìn hai chữ Sơn Vương một nhà văn thường viết về Nam Kỳ Lục Tỉnh cho ông nhập quốc tịch Miên) Ông tổ của Sơn Vương là thuộc tướng của Chúa Nguyễn Phúc Ánh, lúc Nguyễn Ánh đại bại về trú đóng ở Côn Sơn, bị quân Nguyễn Lữ truy kích vây đảo, Nguyễn và một số tùy tùng lén thoát được vòng vây, ghe nhỏ trôi giạt trên biển, lại bị bão nhận ghe sắp chìm, may nhờ có cặp cá Ong, kê lưng kè ghe vào bờ, Chúa vào được đất liền , hỏi dân mới biết đây là Vàm Láng thuộc Gò Công, nhớ ơn cá Ong cứu tử nên khi chúa thống nhất sơn hà lên ngôi hoàng đế, ngài sắc phong cho cá Ong chức Nam Hải Đại Tướng Quân, cho dân làng lập đền thờ tại Vàm Láng, từ đây dân đánh cá gặp cá Ong lụy đều phải mang xác về chôn cất, tang chế 3 năm…Cho tới bây giờ mỗi năm vào ngày rằm tháng 6 dân làng đều có tổ chức cúng Cá Ong thật linh đình…Khi về tới Gò Công, Nguyễn Vương họp với quân Võ Tánh trú đóng một thời gian ở làng Hòa Nghị, lại bị Tây Sơn tiếp tục try kích, Nguyễn Vương bỏ chạy về Mỹ Tho, Võ Tánh ở lại cố thủ ở đầm Vạn Thắng, cạnh ao Đồn Binh. Tron Trong lúc gấp rút phải rời Côn Sơn Nguyễn Vương bí mật cho chôn dấu tất cả ngọc ngà châu báu, vẽ họa đồ cất giữ, hầu sau nầy có dịp sẽ tìm lại.Ông tổ của Sơn Vương có một bản sao của bản đồ nầy, khi Nguyễn Vương chạy về Mỹ Tho, ông không chạy theo mà ở lại cùng Võ Tánh, sau lập nghiệp ở Hòa nghị nuôi niềm mơ ước chiếm được kho tàng…Nhưng đời ông tàn mà vẫn không thỏa ước, mấy đời sau cũng không có người lên đường tìm kho tàng vì Côn Sơn không phải là nơi dễ đi lại, mà kho tàng lại được bí mật chôn dấu trong ngọn núi Ma Thiêng Lãnh, ngọn núi có tiếng là hiểm độc, bản đồ nầy truyền tới tay anh ruột của Sơn Vương, ông nầy quyết định lên đường đi tìm kho tàng, nhưng ngày ra đi của người thì có mà ngày trở về thì không, tấm bản đồ cũng mất tích luôn. Nhờ có xem qua bản đồ nên Sơn Vương còn ghi nhớ trong trí, nên ông quyết định lên đường tiếp bước của Anh mình, Sơn Vương vốn học năm thứ hai chương trình Pháp, nên nói tiếng Pháp trôi chảy, võ nghệ thụ huấn gia truyền cũng đã đạt được trình độ tuyệt kỷ, để tìm đường ra Côn Sơn ông bước vào giang hồ băng nghề viết tiểu thuyết và bán sách, nghề nầy chỉ để che mắt lính kín, nghề ăn cướp của ông mới là nghề chính, ông chuyên ăn cướp của nhà giàu Pháp chia cho dân nghèo, Ông cũng có nhiều bộ hạ, cũng nhiều lần bị bắt, cũng nhiều lần vượt ngục…án chồng chất ông bị lưu đày Côn Đảo, thế là bước đầu ông đã tọai ước mơ. Tại Côn Sơn, với khả năng cá nhân, ông lần lượt chinh phục và lấy cảm tình của giới chức cai ngục ở đây, nhờ nói và viết trôi chảy tiếng Pháp, Sơn Vương được thực dân Pháp tin dùng, sữ dụng làm việc văn phòng, nhiều lần trong đêm ông đã lén đi lên núi Chúa trong rặng Ma Thiêng Lãnh để tìm kiếm kho tàng.Trong lúc làm việc văn phòng tại đây, ông có tình yêu với cô giáo Hoa là con gái của Vệ Liển.Cô Hoa có lẽ không sắc nước hương trời, nhưng là hoa hiếm nơi hoang dã, nên đã làm rung động con tim của một tướng cướp lừng danh. Khi Nhật đảo chánh Tây, Sơn Vương đứng ra lãnh đạo Côn Sơn, đầu hàng Nhật, tạm thời được xem như chúa đảo.Tây trở lại nắm quyền, Côn Sơn bị Pháp tái chiếm, Sơn Vương bị bắt, còng tay giải về Chí Hòa, Cô giáo Hoa tiễn chồng ra tận cầu tàu, nghẹn ngào đau xót nhìn tàu từ từ ra khơi… Về khám Chí Hòa ông lại lên ngôi vương ở đây, cho tới cuối thập niên 50 Ông lại bị đày ra Côn Đảovới bản án tất cả là 65 năm, thời đệ nhị Cộng Hòa, Tổng Thống Thiệu đặc xá cho Sơn Vương vào khoảng năm 1972, ông có về Gò Công thăm lại quê hương sau đó trở lại Sài Gòn.Trong việc tìm kho tàng, ông gặp một đối thủ kỳ phùng đó là lão già Pha, võ nghệ trội hơn ông nhưng tuổi tác cao hơn, nên đã xảy ra nhiều trận quyết đấu bất phân thắng bại trên núi Chúa.Lão Pha từ Huế vào, có trong tay bản đồ kho tàng, nhưng chưa tiện khai quật mang đi, nên hàng đêm lão Pha vẫn rình rập trong núi để canh giữ và đã chạm trán với Sơn Vương nhiều lần, Đại khái chuện Sơn Vương là vậy, hôm nào rỗi rảnh tôi sẽ kể đầy đủ chi tiết hơn về việc tìm kho tàng trong núi Ma Thiêng Lãnh. Tôi ngừng kể, nhìn qua một lượt, Minh Đường đã gục xuống bàn ngáy từ hồi nào, Bác Năm ngáp lên ngáp xuống, mặt mọi người đều đã lạc thần vì lậm ma men, Tư Rổ khoái chí đứng dậy rót một ly rượu đầy tràn ướt cả bàn với giọng nhừa nhựa: -Tôi khoái Trung úy quá, hỏi cái gì ông cũng biết, Tư nói chưa dứt câu đã ngã nghiêng dựa lên mình Thông tài xế, mắt lờ đờ, miệng vẫn còn lãm nhãm -Tôi khoái Trung.. tôi khoái Sơn Vương… THỦY LAN VY (Viết tại Kỳ Đà Động, để nhớ những ngày công tác CTCT tại
Hốc Môn) |
|
Nếu rêu phong vết hằn theo năm tháng - Thì đời ta chắc cũng lắm rêu phong.
|
|
IP Logged | |
HongLan
Senior Member Tham gia ngày: 12/Jan/2014 Đến từ: Switzerland Thành viên: OffLine Số bài: 170 |
Gởi ngày: 08/Apr/2014 lúc 3:02am |
ĐÂU DỄ PHAI MỜ * Đang phi hành tỏi, chờ vàng, thả cá vào chiên sơ, rồi cho mật ong, nước mắm vào kho... Thì có tiếng phone reo... Nhà thơ Võ Ý từ Cali gọi sang... Anh bảo tôi là nhân chứng sống, trong cuộc di tản đầy máu và nước mắt, về trên tỉnh lộ 7B. Anh cho biết là đại hội Phố Núi sắp khai mạc tại Cali, anh cần có một bài viết về cuộc di tản nầy, và anh bảo tôi phải viết, bài viết không dài quá 2 trang, và phải hoàn tất nội trong ngày nay. Viết xong email sang cho anh, để anh sắp xếp đọc trong ngày hội. Nói xong anh cúp phone... Kêu trời không thấu, Cuộc di tản 2 tháng trời mà bảo tôi viết 2 trang... Trong khi tôi đã có 2 bài viết về cuộc di tản nầy, 2 bài với tổng cộng hơn 12 trang. Bây giờ tôi phải rút từ 12 trang xuống còn 2 trang. Vì tôi chưa nhận giấy giải ngũ, nên cấp trên ra lệnh là tôi phải thi hành, có gì khiếu nại sau. Một lần tuân lệnh cấp trên, buông súng, bị lưu đày biệt xứ hơn 8 năm mà cũng chưa tởn. Thực ra anh Ý chỉ hơn tôi có cái đế (ảnh Trung Tá, tui Trung Úy) mà ép tôi quá... Nhưng dù gì thì lúc lưu đày ra Bắc, tôi và anh âý cùng chung đội rau tại trại tù Hà Tây, mấy năm trời vui buồn có nhau... Vậy là tắt lửa, vô khỏ computer liền may ra mới kịp. * * * Xe chầm chậm ngang qua cổng Quân Đoàn, mới hơn 6 giờ sáng, trời lành lạnh sương mờ...Hình ảnh người lính gác cổng trong tư thế tác chiến, không bao giờ phai mờ trong trí tôi, mỗi khi có dịp hồi ức lại, ngày giờ năm tháng mà tôi củng đồng đội chung đơn vị, phải rời bỏ quân đoàn, ra đi mà lộ trình không biết phải đi về đâu? Không nhận bất cứ mệnh lệnh nào củă một cấp trưởng, ra đi chỉ là việc tự phát, thấy đơn vị bạn bỏ đi .. cũng đi theo, chỉ vậy thôi.Là một đơn vị trừ bị cho vùng hai chiến thuật, các toán Chiến tranh chính trị hành quân, thường xuyên tăng phái cho đơn vị bạn. Đơn vị 201CTCT của tôi vừa từ Kon Tum về hậu cứ quân đoàn, khoảng 10 ngày trước khi di tản, đang công tác tăng phái cho Biệt Động Quân tại B15, khi Biệt Động Quân rút đi, đơn vị tôi tự động rút về Pleiku, trong thành phố KonTum lúc bấy giờ, loa phóng thanh ra rả... Lệnh Đại Tá Tỉnh Trưởng, cấm quân nhân ra khỏi tỉnh với bất cứ lý do gì... Là đơn vị tăng phài, nên đoàn xe của Đại Đội 201 qua cầu Dakpla dễ dàng... Về quân đoàn, doanh trại tiểu đoàn đóng cạnh truyền tìn, có một đêm giặc pháo ngay vào quân đoàn... Tin tức xấu lan truyền cùng khắp, kể từ khi Ban Mê Thuộc tạm coi như thất thủ... Buổi sáng trước ngày di tản, Trung Úy Quế, ban 3 Tiểu Đoàn, dừng xe gắn máy trước sân tiểu đoàn, anh cho biết là hầu hết các đơn vị trong quân đoàn đã di tản, chỉ còn thiết giáp, truyền tin và mình ... Anh em xôn xao bàn tán, tiểu đoàn như rắn mất đầu, vị tiểu đoàn trưởng bay đi đâu mất... Trước khi đi, người còn dặn lại tiểu đoàn phó trông coi tiểu đoàn, ông bận đi họp ở quân đoàn... Tiểu đoàn phó mới từ Sài Gòn đổi ra chưa tới 3 tháng ... Tôi thì cũng từ Sài Gòn ra được gần 5 tháng... Cũng đều từ Tiểu Đoàn 50 CTC T thuyên chuyển về đây. Đêm đó, tất cả quân nhân trong đơn vị không ai ra lệnh, tự động quay quần bên nhau, ngủ ngoài sân... Hình như ai cũng sợ đơn vị ra đi bất thình lình, mình bị bỏ lại.. Sáng sớm, tiểu đoàn phó cho lệnh phá kho, anh em được thêm khá nhiều lương khô, cũng như đạn dược.. Tôi thấy thương cho người lính gác cổng quân đoàn vô cùng... Thượng phiên không biết có người thay không? Điếm trưởng không biết có còn không? Quân phong, quân kỷ, trong những ngày sau cùng, giết rất nhiều quân nhân không dám tự ý rời đơn vị... Mấy chiếc M48, còn thật mới đậu rải rác gần cổng .. Nòng súng buồn bả chỉa xuống đồi ... Xe qua khỏi cổng, trên ghế trưởng xa, tôi còn ngoái đầu nhìn lại cổng quân đoàn, hình như tôi linh cảm .. đây là hình ảnh cổng quân đoàn mà tôi được nhìn lần cuối..! Con đường Hoàng Diệu, và nhiều con đường khác trong thành phố, dù còn sương mờ, dù còn quá sớm để bắt đầu một ngày mới ... vậy mà đường nào cũng rộn rịp, xe cộ đủ loại, xe nhà binh nhiều nhất.. Gương mặt mọi người đều mang nét "giới nghiêm", hình như trong đầu mọi người đều mang nhiều thắc mắc mà chẳng ai giải đáp giùm cho... Đoàn xe của Tiểu Đoàn 20, sau khoảng nửa giờ ngừng trên đường Hoàng Diệu, để nghe ngóng tình hình.. Vị tiểu đoàn phó ra lệnh lên đường theo sau đoàn xe quân cảnh vừa chạy ngang.. Xe chầm chậm theo về hướng Hàm Rồng.. Tôi nhìn rạp Diệp Kính một lần cuối.. Cũng như tôi đã nhìn trường trung học Pleime khi xe từ quân đoàn ra tỉnh.. Pleiku không phải là quê hương... Nhưng là đất của quốc gia, bỏ đi thì lòng nào lại không luyến tiếc...! Tôi nhìn phía trước, tôi nhìn phiá sau ... xe đâu mà nhiều quá, xe lô bồi xe nhà, xe đò, các loại xe quân đội... rồng rắn chầm chậm bò đi. Gần tới Hàm Rồng, xe trước rẽ phải băng lề chạy cày trên đất cỏ... một khoảng khá xa mới thấy lờ mờ dạng một con lộ... mà có lẽ từ lâu không người qua lại. Lính trên xe nhiều người biết... Con đường nầy dẫn đến Phú Bổn... Đoàn xe vẫn êm ả chạy, chưa thấy gì là nguy hiễm, chưa nghe tiếng súng .. Xe qua Thung Lủng Hồng... Rải rác một vài chiếc GMC bị lật.. vài xác quân nhân nằm sãi tay bên ba lô súng đạn.. Có lẽ tại nạn... Rồi đoàn xe rồng rắn cũng tới được Phú Bổn... Lính gốc miền Nam có vẽ vui vì được về Nam, dù trên mặt vẫn đầy nét lo âu ... Lính người địa phương, mặt mũi đâm chiêu vì chuyền đi bất ngờ... xa người thân, xa vợ, xa con... Đêm Phú Bổn tương đối an toàn, Trung Tá Lò văn Bảo củng vài cận vệ.. đi bộ qua từng xe di tản, an ủi đoàn quân.. Rồi lần lượt tới Phú Túc, tới Củng Sơn, tới bờ sông Ba... Có những khúc xuyên rừng, công bình ủi dường, đốt lửa cháy rực, Biệt động quân, súng cầm tay dàn an ninh hai bên đường rừng, nhiều em lính quá trẻ, tuổi chưa tới 20.. Họ lặng lẽ cầm súng trong thế sẵn sàng chiến đấu... Không biết họ có nghĩ gì về đoàn quân đang xuối Nam, và thân phận của người lính an ninh đoạn hậu rồi sẽ ra sao?? Một sự bỏ rơi tàn nhẫn quá...!! Tôi thấy xa xót trong lòng khi nhớ tới những người lính trẻ nầy... Hình ảnh hào hùng đó khó phai mờ trong tôi . Từ bờ bên kia Sông Ba theo đập Đồng Cam về Hiếu Xương mới là đoạn đường đầy máu.... Biết bao nhiêu xác quân nhân chết trong tư thế dơ tay đầu hàng, bọn quỷ người từ phiá sau bắn tới đoàn lính thất thế đã đầu hàng... trong đám thi thể nầy có Đại Úy Klang thuộc tiểu đoàn 20CTCT. Đập Đồng Cam ngâp tràn xác chết, xác dân lẫn lính, khi trời kêu ai người đó phải dạ.. Chứ làm sao cải được.Đoàn xe chạy sát bên nhau, người đi bộ khít bên nhau .. Phiá trên núi, nơi mà ngày trước quân đội Đồng Minh Đại Hàn đã xây nhiều công sự phòng thủ, giữ an ninh con đường 7B nầy, bây giờ bỏ hoang, cộng quân chiếm đóng, từ trên đó, cứ tà tà bắn xuống đoàn người ... bia di động!! Khi sắp tới quận Hiếu Xương, tin Thiếu Tá Hải tử thương, người của sở 2 liên lạc (Nha Kỷ Thuật) vị sĩ quan trẻ tuổi, kinh nghiệm trận mạt đầy người, đang trực tiếp chỉ huy thuộc cấp mở đường máu, xe của ông bị 1 trái B40... Tin nầy đã gây bàng hoàng xúc động cho hầu hết quân dân trên đường di tản. Buổi chiều, trời đã nhạt nắng, tiếng súng đã dịu đi nhiều ... Lá cờ vàng thân thương được một anh lính địa phương của quận Hiếu Xương phầt bay chào đón đoàn quân di tản. Dân quận Hiếu Xương đứng đầy hai bên đường, hôm đó là ngày rằm, chén cơm, cái bánh, trái chuối, điếu thuốc, được người dân ần cần trao tận tay người lính... Tôi nhận một chén cơm, với đôi đũa, có tàu hủ kho tương ... từ tay một cố gái trong tuổi đôi mươi, ăn vội thật ngon, nghe cay cay khoé mắt, lần đầu tiên trong đời lính, tôi cảm nhận được tình quân dân thắm thiết, tình dân đối với lính Cộng Hòa. Lịch sử dù đã sang trang .. Nhưng sự thật bao giờ cũng phải trả lại sự trung thực cho lịch sử, ai trách nhiệm về việc ra lệnh cuộc rút quân nầy... Sinh mạng người lính, nói đúng ra , là sinh mang của thuộc cấp ... sao ai đó nỡ lòng nào, bỏ con mình trong biển lửa... bao nhiêu oan hồn trên tử lộ 7B... Vẫn còn oán hờn vất vưởng... Bao giờ cờ xưa dựng lại .. Có ai nhớ lập đàn tràng cầu cho sinh linh siêu thoát. Những cái chết lẽ ra phải hào hùng, trả đền ơn sông núi .. Thì họ hình như bị bức tử, chết mà không biết mình chết cho ai, cho mục đích gì? Cầu mong vong linh quân dân cán chính tan thây, nát thịt trên con đường lộ máu, vì sự tính toán sai lầm của cấp lảnh đạo, sớm siêu thoát.. Thượng Đế, Chúa, Phật ở xa người quá... không biết có thấu hiểu nỗi lòng của người lính Việt Nam Cộng Hòa, cuộc chiến tàn đã bao năm rồi mà vết thương đau vẫn còn như mới ngày hôm qua. Thy Lan Thảo (Viết tại Kỳ Đà Động ... ngày 9/9/2012) Chỉnh sửa lại bởi HongLan - 08/Apr/2014 lúc 6:05am |
|
IP Logged | |
Chuyển nhanh đến |
Bạn không được quyền gởi bài mới Bạn không được quyền gởi bài trả lời Bạn không được quyền xoá bài gởi Bạn không được quyền sửa lại bài Bạn không được quyền tạo điểm đề tài Bạn không được quyền cho điểm đề tài |