Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Lịch Sử - Nhân Văn
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Văn Học - Nghệ thuật :Lịch Sử - Nhân Văn
Message Icon Chủ đề: Bài học hòa giải ..... Gởi trả lời Gởi bài mới
Người gởi Nội dung
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Chủ đề: Bài học hòa giải .....
    Gởi ngày: 10/Nov/2011 lúc 6:02pm

Đề tài và câu chuyện không mới nhưng không bao giờ cũ ! , nhiều người đã post lên các Forum . Trên DĐ Gò Công, MK cũng đã một lần gửi lên .
Nay, rất trân trọng, MK mở một mục độc lập cho bài viết cảm động này . Kính mời quý Đồng Hương , quý Thân Hữu cùng đọc lại, cùng ôn cố tri tân .

MK



Bài học hòa giải
của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ

By dinh.thai · November 10, 2011 ·


http://nguoivietblog.com/dinhquanganhthai/wp-content/uploads/2011/11/US-Civil-War-2-460x250.jpg

 

Tuần cuối tháng Mười vừa qua, Thẩm phán Liên bang Phan Quang Tuệ từ San Francisco đến thăm Quận Cam và phát biểu trong buổi tiếp tân khai mạc Đại Hội Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam kỳ thứ mười. Sau buổi lễ là bữa cơm tối với vài người thân.

 Thật vui khi gặp lại và nghe vị thẩm phán liên bang Mỹ gốc Việt đầu tiên nhắc những kỹ niệm, những chuyện người thật việc thật, xưa và nay của những người thân quen chung.

 Tản mạn bên ly rượu vang nơi góc một quán vắng, Thẩm phán Phan Quang Tuệ say sưa nói về kinh nghiệm hòa giải của nước Mỹ sau cuộc chém giết Nam-Bắc thời nội chiến. Và ông nhắc đến bài viết của ông thâu gọn từ hàng núi tài liệu ông đã dầy công sưu tập và gìn giữ bao năm qua.


 Bài viết của

Thẩm phán Phan Quang Tuệ,

nguyên văn như sau :


 Lúc bấy giờ là đêm ngày 8 tháng 4 năm 1865, Đại Tướng Robert Lee, thống lãnh Quân đội Miền Nam cùng Ban Tham Mưu ngừng chân đặt bản doanh Bộ Chỉ Huy trong một cánh rừng gần Toà Thị Xã Appamatox, thuộc tiểu bang Virginia. Sáu ngày liên tiếp trước đó đạo quân miền Nam đã đi không ngừng nghỉ tiến về phía Tây, hướng về dãy núi Blue Ridge, nơi mà Tướng Lee từng tuyên bố ông có thể cầm cự chiến đấu ít nhất là 20 năm. Nhưng đêm nay khi tướng Lee và Bộ Tham Mưu mệt mỏi của ông dừng quân tại Appamatox thì đạo quân miền Nam đang bị quân đội miền Bắc bao vây, lương thực cạn, hy vọng tiếp tế không có, hy vọng tăng viện cũng không. Xa xa tiếng đại bác xé màn đêm dội về… Tất cả hy vọng của tướng Lee lúc này chỉ còn đặt vào một vị tướng trẻ gan dạ, John Gordon. Vị tướng này sáng sớm hôm sau sẽ tiến quân chọc thủng phòng tuyến bao vây của quân đội miền Bắc.

 Cách đó không xa, viên sĩ quan phụ tá của tướng Grant, thống lãnh quân đội miển Bắc, bước vào phòng riêng của tướng Grant để đánh thức ông dậy. Người sĩ quan hầu cận vội mang đến tướng Grant một tách cà phê nóng hổi. Tách cà phê dẫu có giúp nhẹ đi cơn nhức đầu nhưng không làm giảm bớt mối căng thẳng lo âu của tướng Grant. Sau cùng tướng Grant kéo ghế ngồi, và khởi sự thảo bức thư trả lời thư mới nhận được từ tướng Robert Lee. “Tôi rất muốn hòa”, tướng Grant viết, “và mong muốn kết thúc cuộc chiến mà không phải tổn thất thêm một nhân mạng nào nữa. Nhưng cuộc hội kiến do Đại Tướng đề nghị vào 10 giờ sáng hôm nay không có một lợi ích nào cụ thể và tôi không có thẩm quyền quyết định hòa hay chiến.” Nhưng bức thư của tướng Grant chưa kịp đến tay tướng Lee, tiếng súng đã lại bắt đầu nổ.

 Năm giờ sáng, sương mù còn bao phủ rặng đồi bên kia Appamatox. Loạt đạn đầu tiên xé màn sương, đánh thức sáng chủ nhật 9/ tháng Tư 1865, tiếp theo là tiếng thét tiến quân của quân đội miền Nam. Từng đợt tấn công của tướng Gordon đã đánh bật tuyến phòng thủ đầu của quân miền Bắc, chiếm nhiều cỗ súng đại bác, đánh bạt hai bên mở rộng đường tiến quân, và ào ạt tiến lên đồi. Nhưng từ phiá bên kia đồi, quân miền Nam đã đụng phải một bức tường dày đặc, kéo dài hơn 2 dặm, của hai đơn vị bộ binh quân đội miền Bắc. Và ép từ phiá sau là hai đơn vị bộ binh khác của quân miền Bắc tiến lên. Quân miền Nam bị kẹp vào giữa, tiến không được, lui cũng không xong, và chém vè cũng không được. Chỉ trong vòng 3 tiếng đồng hồ sau, tướng Lee được tin khấp báo của tướng Gordon “Quân sĩ của tôi đã chiến đấu hết mình. Trình Đại Tướng tôi không làm gì hơn được nữa!”

 Lập tức tướng Lee triệu tập Ban Tham Mưu thâu hẹp để quyết định hoà hay chiến.

Tướng Lee nói với các tướng bao quanh: “Giờ đây tôi chẳng còn làm gì hơn là đến trình diện và đầu hàng trước tướng Grant”.

 Nơi được chọn để nghị hòa là một căn nhà nhỏ mái ngói thuộc Appamatox, một thị xã hẻo lánh nằm vào phiá Nam tiểu bang Virginia. Có độ chừng 20 căn phố, lèo tèo vài cửa hàng nhỏ, một lữ quán và toà thị xã. Khi mặt trời leo lên cao là lúc Tướng Lee đã đến điểm hẹn, ông bước theo sự hướng dẫn của vị sĩ quan tuỳ viên và một sĩ quan tham mưu thuộc Bộ Tham Mưu của Tướng Grant. Tướng Lee, uy nghi trong bộ binh phục đại lễ, hông đeo trường kiếm, ngồi xuống cạnh một chiếc bàn gỗ nhỏ. Giờ đây ông đã có mặt ngay trong lòng đất đối phương.

 Vào khoảng nửa tiếng sau, tiếng giày nện trên sàn gỗ và Tướng Grant bước vào. Khác hẳn với Tướng Lee, Tướng Grant không đeo kiếm, không mặc quân phục, quần và đôi ủng lấm đầy bùn.

http://nguoivietblog.com/dinhquanganhthai/wp-content/uploads/2011/11/US-Civil-War-1-300x181.jpg

 Theo lời yêu cầu của Tướng Lee, Tướng Grant đích thân thảo bản văn kiện chính thức đầu hàng của Quân đội Liên hiệp Miền Nam và sau đó tự tay trao cho Tướng Lee xem lại.

 Chậm rãi, từ tốn, Tướng Lee rút cặp kiếng đeo mắt, lấy khăn lau kỹ lưỡng, đeo kính lên và chăm chú đọc.

 “…. Vũ khí, đại bác và các tài sản công phải được liệt kê, sắp xếp và giao nộp cho một viên sĩ quan do tôi chỉ định. Những vũ khí này sẽ không gồm có vũ khí cá nhân của các sĩ quan, cũng như ngựa và tư trang của họ. Sau khi hoàn tất, mọi sĩ quan và binh sĩ sẽ được phép trở về nguyên quán, và sẽ không bị quấy nhiễu bởi các cơ quan cầm quyền chừng nào họ tôn trọng lệnh đầu hàng và tuân theo luật lệ địa phương nơi họ cư ngụ.”

 Lần đầu tiên trong buổi hội kiến, gương mặt của Tướng Lee tươi hẳn. Như vậy có nghĩa là sĩ quan và binh sĩ dưới quyền của ông sẽ không bị giam giữ như tù binh chiến tranh. Có nghĩa là họ sẽ không bị đem ra bêu riếu diễn hành hạ nhục trên các đường phố. Có nghĩa là họ sẽ không bị mang ra tòa truy tố về tội phản loạn.

 Tướng Lee nói, “Thưa Đại Tướng, những điều kiện đầu hàng thế này sẽ có ảnh hưởng rất tốt với quân đội của tôi.”

 Và tướng Lee nói tiếp, “Nhưng thưa ngài, trong quân đội miền Nam cuả tôi, ngay cả binh sĩ khi gia nhập cũng mang theo ngựa của họ vào quân đội.”

 Tướng Grant nói ông sẽ không thay đổi gì trong văn kiện đầu hàng, nhưng sẽ ra khẩu lệnh cho phép mọi binh sĩ miền Nam được phép mang ngưạ và lừa về quê quán để xử dụng trong việc trồng trọt ở các nông trại.

 Tướng Lee còn thêm một lời yêu cầu nữa. Ông trình bày cho tướng Grant biết ông còn giam giữ hơn một ngàn tù binh quân đội miền Bắc nhưng không có lương thực cung cấp cho họ và ngay chính quân đội của ông cũng không còn lương thực. Không ngập ngừng, tướng Grant đề nghị sẽ ra lệnh xuất kho cấp ngay khẩu phần cho hơn 25,000 quân sĩ của Quân đội Liên hiệp Miền Nam. Tướng Grant hỏi, “Như vậy, đủ chưa?”

 “Thưa quá đủ, quá đủ, thưa đại tướng.” Tướng Lee trả lời.

 Tướng Lee đứng dậy, lần lượt bắt tay các sĩ quan trong Bộ Tham Mưu của Tướng Grant, bắt tay Tướng Grant, nghiêng mình chào tất cả mọi người có mặt và bước ra khỏi phòng họp.

 Tướng Grant và ban sĩ quan tham mưu đã đứng sẵn ở bao lơn trước căn nhà, nơi đôi bên nghị hòa. Khi ngựa Tướng Lee rảo bước đi qua, cặp mắt của hai vị tướng quân chạm nhau trong giây phút, họ đồng ngã nón chào nhau. Trên bao lơn xung quanh Tướng Grant và suốt trong sân trước căn nhà lịch sử, sĩ quan và binh sĩ miền Bắc đều đưa tay chào kính vị tướng bại trận Quân đội Liên hiệp miền Nam.

 Tin đồn đầu hàng của tướng Lee tràn lan mau chóng như thuốc súng. Khắp nơi binh sĩ miền Bắc reo mừng. Họ liệng lên không trung mũ nón, giày, bao đạn, áo hay bất cứ vật gì có thể ném tung lên được. Họ ôm nhau, hôn nhau. Các súng ống, kể cả đại bác bắt đầu nổ. Thế nhưng tướng Grant nhanh chóng ra lệnh ngưng ngay tức khắc những biểu lộ nổi vui mừng của binh sĩ miền Bắc. “Rồi sẽ có ngày mừng chiến thắng”, Tướng Grant giải thích, “Nhưng không phải là ngày hôm nay. Quân đội miền Nam đã đầu hàng. Chúng ta không được phép reo mừng trên chiến bại của họ”. Điều quan trọng với Tướng Grant là phải làm sao để thắng trận, đồng thời cũng phải gìn giữ cho bằng được sự toàn vẹn tình cảm giữa những người cùng trong cộng đồng dân tộc Hoa Kỳ.

 Bốn giờ 30 chiều ngày 9 tháng 4, 1865, Bộ Trưởng Bộ Chiến Tranh tại Hoa Thịnh Đốn nhận được một điện văn ngắn ngủi của Tướng Grant, “Tướng Lee đã buông súng đầu hàng theo những điều kiện do tôi ấn định.”

 Cách đó không bao xa, Tướng Lee cỡi ngưạ trở về bản doanh của mình. Dọc hai bên đường, binh sĩ miền Nam nghiêm chào vị tướng lãnh mà họ tôn sùng. Nhiều người bật khóc, phủ phục bên đường. Tướng Lee cũng không cầm được nước mắt. Về đến đại bản doanh, trước mặt sĩ quan và binh sĩ đứng chờ, Tướng Lee hướng về họ và nói : “Ta đã cố gắng làm tất cả những gì có thể làm được. Và nay lòng ta nặng chĩu không thể nói gì hơn”.

 Bước đi vài bước, ông dừng lại và thêm: “Các anh em hãy trở về quê quán. Và nếu các anh em sống được như những công dân tốt như các anh em đã từng chiến đầu như các chiến sĩ thì các anh em sẽ thành công. Và tôi sẽ luôn luôn hãnh diện vì các anh em.” Và Tướng Lee biến mình vào trong lều vải của mình.

 Điều kiện đầu hàng được hai tướng Lee và Grant ký kết tại Appamatox ngày 9 tháng 4, 1865 thì 3 ngày sau, ngày 12 tháng 4 mới là ngày Quân Liên hiệp Miền Nam chính thức buông súng đầu hàng.

 Hai đạo quân dàn đôi bên con đường chạy theo phiá đông rừng Appamatox. Chỉ huy cánh quân miền Bắc và điều khiển buổi lễ là Tướng Chamberlain, nguyên là một giáo sư đại học, Huy Chương Danh Dự, hai lần bị thương trên chiến trường. Chỉ huy 28,000 sĩ quan và binh sĩ Liên hiệp Miền Nam là Tướng Gordon, một trong những cận tướng can trường của Đại tướng Lee, 4 lần bị thương tại mặt trận, một lần bị trúng đạn xuyên qua mặt.

 Tướng Chamberlain ghi lại trong hồi ký của mình: “Từng đoàn, từng đoàn, họ tiến bước theo nhịp quân hành, ép chặt vào nhau giống như một giòng người đội vương miện màu đỏ ối, giương cao quân kỳ và hiệu kỳ. Đây là những người mà gian lao, đau khổ, nhọc nhằn, kể cả tử thần không bẻ cong được quyết tâm của họ. Họ đứng thẳng hàng trước mặt đoàn quân chúng tôi, một đoàn quân tơi tả, xương xẩu, nhưng hiên ngang, mắt sáng ngời chiến thắng, họ là những hình ảnh sống phản ảnh mối liên hệ thắm thiết chỉ có thể có giữa những đồng đội trên chiến trường”.

 Không hề dự định trước, cũng như không hề được chuẩn y trước, Tướng Chamberlain bất thần hô lớn ra lệnh cho quân đội miền Bắc, “Bồng súng chào!”. Một tiếng kèn lệnh vang lên, và lập tức toàn thể đoàn quân miền Bắc bồng súng lên vai, tiếng báng súng rập khuôn vang lên.

 Phiá đối diện, Tướng Gordon thúc nhẹ con tuấn mã khụy hai chân trước xuống, người và ngựa cùng cúi đầu, gươm tuốt trần chúc mũi trong một giáng đìệu hùng vĩ tuyệt vời. Cùng lúc, đoàn quân miền Bắc chuyển qua bồng súng nghiêm chào. Họ chào những “anh hùng bại trận”, họ bày tỏ sự kính trọng của những người Hoa Kỳ đối với những người Hoa Kỳ.

 Và phiá hàng quân miền Bắc tiếp tục giữ đúng thế nghiêm. Không có thêm một tiếng kèn. Không có một tiếng trống. Không có một tiếng hô chiến thắng. Không có một tiếng nói. Không cả một tiếng thầm thì. Mà chỉ còn là một hàng quân im phăng phắc. Mọi nhịp thở như ngừng lại.

 Buổi lễ đầu hàng kéo dài 7 tiếng đồng hồ. Gần 28,000 người, trên 100,000 tấn vũ khí, đạn dược, quân kỳ, hiệu kỳ lần lượt bỏ xuống. Từng đơn vị tiến lên, gác súng, tháo bao đạn, và xếp súng xuống. Kế đến họ trìu mến cuốn hay xếp quân kỳ, hiệu kỳ, lắm cái tơi tả và lắm cái nhuộm máu đã khô, sau cùng họ khẽ đặt những lá cờ kia xuống mặt đất…

 

http://nguoivietblog.com/dinhquanganhthai/?p=34








Chỉnh sửa lại bởi mykieu - 10/Nov/2011 lúc 6:05pm
mk
IP IP Logged
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.117 seconds.