Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Tâm Tình
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Đời Sống - Xã Hội :Tâm Tình  
Message Icon Chủ đề: NIỀM TIN & HY VỌNG&GƯƠNG TỐT&CHIA SẼ Gởi trả lời Gởi bài mới
<< phần trước Trang  of 141 phần sau >>
Người gởi Nội dung
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 12/Sep/2011 lúc 10:45am

Nhật: Gần trăm triệu đô-la mất trong động đất trả lại chủ

 
Người Nhật đã nhận lại gần cả trăm triệu Mỹ kim tiền mặt tìm được trong đống đổ nát sót lại sau trận động đất và sóng thần tấn công nước này hồi đầu năm nay.
Năm tháng kể từ khi thảm họa kép tấn công Nhật, dân Nhật đã giao cho nhà chức trách hàng ngàn chiếc ví tìm thấy trong đống đổ nát, chứa gần 50 triệu Mỹ kim tiền mặt.
Hơn 5.700 két sắt dạt vào bờ, dọc bờ biển đã được những người tình nguyện và nhân viên cấp cứu giao cho đồn cảnh sát. Trong những két sắt, nhà chức trách cũng tìm thấy khoảng 50 triệu Mỹ kim tiền mặt. Chỉ riêng trong một két sắt, có một số tài sản tương đương 1 triệu Mỹ kim. Một số két sắt khác chứa vàng, đồ cổ và các vật quý báu khác.
Cảnh sát Nhật cho hay, phần lớn số tiền tìm được ở khu vực bị sóng thần tàn phá ghê gớm nhất đã được trao lại cho chủ nhân. Nhiều người cất giữ sổ tiết kiệm hoặc giấy tờ sở hữu đất đai có ghi rõ tên và địa chỉ trong két sắt.
Có thời điểm, có quá nhiều két sắt được nộp cho cảnh sát nên họ không đủ phòng để cất giữ. Thậm chí là ngay cả bây giờ, mỗi tuần đều có người tới nộp đồ thất lạc, Koetsu Saiki, cảnh sát Miyagi cho biết.
Từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 7, đồn cảnh sát Ofunato đã thuê 3 chuyên gia két sắt tới giúp mở két.
Ryuji Ito, giáo sư trường đại học thành phố Yokohama nói: “Chắc chắn còn nhiều két sắt đã mất sau động đất. Tuy nhiên, 2,3 tỷ yen tiền mặt đã được hoàn trả cho chủ nhân của nó cho thấy đạo đức của người Nhật rất cao”.
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 14/Sep/2011 lúc 7:23am
BÁN CHỒNG CHO BẠN


Nàng không ngủ được, câu chuyện nàng nghe hồi sáng cứ vang vọng mãi
trong đầu, hành hạ nàng. Quay sang thấy anh vẫn thở đều, giấc ngủ ngon
với gương mặt đầy toại nguyện. Nàng cố dằn để không đánh thức anh dậy
nửa đêm hỏi cho ra lẽ. Kinh nghiệm của người phụ nữ nhạy cảm và từng
trải dạy cho nàng biết sự điềm tĩnh và thận trọng không bao giờ thừa.
Dạo này công việc làm ăn gặp nhiều trục trặc đã khiến nàng trở nên lơ
là gia đình, có lẽ đây là cái giá nàng phải trả cho sự tham vọng của
phụ nữ, nàng đã quá chủ quan và đặt niềm tin không đúng chỗ.


Nàng đã từng rất tự hào vì có một người chồng luôn ủng hộ sự nghiệp
của mình,không đòi hỏi ở nàng trách nhiệm quá cao trong việc làm vợ.
Nàng không thể thường xuyên nấu cho chồng những bữa cơm ngon, không
thể mỗi tuần cùng chồng về thăm ba mẹ hai bên, không thể có những ngày
lễ lãng mạn để ngủ nướng và cùng nhau ăn sáng trên giường, nhưng nàng
đã cố gắng rất nhiều để gia đình được no đủ, để họ hàng hai bên được
chăm lo chu đáo và hơn hết là để chồng nàng chuyên tâm nghiên cứu.
Nàng không muốn chồng nàng vì mưu sinh mà bỏ phí tài năng và đam mê
trong góc phòng thí nghiệm. Anh đã từng nói rất biết ơn nàng vì điều
đó. Lẽ nào nàng đã sai?


Nàng may mắn có một cô bạn gái thân thiết như chị em ruột từ những
ngày ấu thơ. Bạn nàng khôn ngoan lanh lợi, sớm thành đạt và có một
người chồng giàu có dù đôi khi nàng thấy những tia buồn trong mắt bạn
khi nghe cô tâm sự về cuộc hôn nhân không có tình yêu. Họ hiểu nhau,
tin nhau, trong lúc việc kinh doanh sa sút chính cô bạn thân đã không
ngần ngại cho nàng mượn một số tiền lớn mà không cần thế chấp. Và cũng
chính nàng đã là bờ vai, là chỗ dựa, là nơi trút lòng, sẵn sàng bỏ
buổi họp để bên cạnh bạn khi cuộc hôn nhân thiếu tình yêu kia có dấu
hiệu rạn nứt. Lẽ nào nàng đã sai?


Đôi ba tin đồn ác ý về mối quan hệ mập mờ giữa hai người nàng hết sức
tin tưởng đến tai nàng cũng chẳng mảy may nghi ngờ. Nàng vẫn biết thói
đời thêu dệt nhiều chuyện oái oăm, con người ta luôn thấy chút gì đó
thích thú trước những bất hạnh của đồng loại. Tuy nhiên nàng cũng thừa
nhạy cảm và đủ thông minh để thiết lập một hàng rào bảo vệ hạnh phúc
của chính mình. Những câu chuyện vu vơ về mối quan hệ ngoài luồng của
ai đó. Những tâm sự đàn bà về người chồng đầu ấp tay gối. Những tín
hiệu ngầm như cảnh báo. Những khẳng định chắc nịch của lòng tin về sự
chung thủy và cả những tia quan sát ngấm ngầm sẵn sàng chặn đứng mọi
tội lỗi có thể. Nàng đã chu đáo, đã cẩn thận, đã tự tin như thế. Lẽ
nào nàng đã sai?


Nàng nhìn hai con người trước mặt mình, hai con người nàng đã yêu
thương tin tưởng biết dường nào, nay bắt tay cùng nhau phản bội nàng.
Cuộc gặp gỡ ba người mà nàng cố tình sắp xếp khiến cho đối phương
không dấu kịp sự ngỡ ngàng. Nàng thấy lòng hơi hả hê khi nhận ra vị
trí phán xét của mình trước hai con người tội lỗi không dám nhìn thẳng
vào mắt nàng. Họ không nhìn nàng và cũng không dám nhìn nhau. Nàng đã
hồi hộp chờ đợi giây phút này, để tuôn ra muôn ngàn lời chì chiết chửi
rủa thậm tệ, nàng nghĩ ra tất cả những câu đau đớn nhất có thể, nàng
biết rõ từng điểm yếu của đối phương vì đã có thời nàng coi họ là máu
thịt của chính mình. Nàng có thể giết họ, chỉ bằng một câu nói. Vậy mà
giờ đây, nàng không thể thốt nên lời,
 nàng nhìn họ đăm đăm rồi vội quay đi, cố ngăn không cho những giọt
nước mắt trào ra. Không được khóc, nàng tự nhủ, mình không được khóc.
Chính họ mới là người phải khóc vì đã phản bội mình. Lòng kiêu hãnh
giúp nàng ngẩng mặt lên ngạo nghễ. Họ cất lời xin lỗi càng khiến nàng
thêm tức giận. Đồng thanh đồng khí làm sao!


- Tại sao lại là hai người? – nàng hỏi mà không mong một câu trả lời-
hai người thèm nhau tới thế sao?


- …!


- Dù sao đây cũng chẳng phải chuyện tốt đẹp gì. Tôi cũng không muốn
làm to chuyện để mọi người cười chê, chúng ta nên giải quyết trong nội
bộ ba người thôi.


Nàng nhếch môi cười khi bắt gặp cái thở phào dù rất khẽ. Dám làm mà
còn sợ người ta biết, hèn thế!


- Nếu em mở lòng tha thứ, chúng ta sẽ bắt đầu lại từ đầu như không có
chuyện gì xảy ra, anh hứa sẽ…


Nàng giơ tay ngăn chồng nói tiếp


- Em sẵn sàng để hai người đến với nhau mà tận hưởng hạnh phúc! Cứ yên tâm!


- Không, mình không…!


Nàng lại trừng mắt khi cô bạn vừa mở lời. Trong lúc này, nàng mới là
người được quyền lên tiếng và quyết định chứ không phải họ. Bất kỳ câu
nói nào phát ra từ hai cái miệng đáng ghét kia cũng có nguy cơ làm cơn
giận trong lòng nàng bùng nổ.


- Đổi lại chúng ta có một thỏa thuận – nàng nhìn cô bạn đang ủ dột cúi
đầu – cậu đã cho mình mượn năm trăm triệu cách đây ba tháng. Mình là
người sòng phẳng và không muốn nợ nần ai, nhất là với cậu, cho nên
mình bán anh ta cho cậu để trừ nợ. Cậu lấy anh ta và chúng ta không
còn nợ nần gì nhau.


- Em! Sao em có thể…?


- Tại sao không? Điều kinh tởm nhất là ngoại tình với bạn vợ anh còn
làm được thì anh có quyền gì mà trách móc ai? Đúng, tôi bán anh cho cô
ta đó, năm trăm triệu là quá tốt rồi chứ con người anh thực ra không
đáng một xu. Tuy nhiên cô ta thèm khát anh như vậy thì bỏ năm trăm
triệu ra lấy anh về mua vui chắc cô ta chẳng tiếc đâu, đúng không?


Nàng nhìn hai gương mặt tái xanh vì hổ thẹn và bị xúc phạm, biết mình
đã đánh đúng chỗ yếu nhất. Trái tim nàng có giây lát sung sướng hả hê.
Hai con người trí thức, tự tôn và hiểu biết kia, câu nói của nàng còn
đau đớn, nhục nhã hơn vạn lần xỉa xói chửi rủa mỉa mai. Nàng xách túi
đứng lên, nhìn hai người ngồi đó bằng ánh mắt khinh bỉ nhất mà nàng có
thể.


- Thế nhé, nếu có ai quen hỏi thăm tôi sẽ nói ngắn gọn là bán chồng
cho bạn thân với giá năm trăm triệu, còn những việc khác hai người
muốn giải thích thế nào thì tùy, tôi không quan tâm, từ nay chúng ta
không còn bất cứ quan hệ nào với nhau nữa. Chúc may mắn!


Nàng kiêu hãnh quay bước đi, biết chắc hai người ngồi lại sẽ vì câu
nói của mình mà không thể yên ổn. Đối với nàng đây mới thực sự là đòn
trừng phạt đáng giá.


Nàng dắt xe, nổ máy, cố giữ cho tay mình bớt run rẩy. Trong sự thích
thú hả hê khi làm cho đối thủ kinh hãi, nàng nhận thấy cả nổi đau ngấm
ngầm mà giờ đây chỉ còn riêng với mình, nàng cảm nhận nó trào sôi dữ
dội. Nàng đeo khẩu trang, đeo kính, mặc áo khoác, che đậy mình thật kỹ
và chạy đi. Dưới lớp bọc kín đáo, nỗi đau vùng lên thổn thức và nước
mắt nàng không ngừng tuôn rơi. Trong dòng người hối hả trên đường,
không ai hay có một người đang dấu gương mặt đầm đìa sau lớp khẩu
trang. Nàng lướt đi như trôi vào cõi mộng du.


Sân bay Tân Sơn Nhất một ngày nhiều gió, người đàn bà trung niên quấn
lại chiếc khăn quàng cổ, dõi mắt nhìn trời xanh như tìm kiếm một hình
ảnh quen thuộc, một mảnh trời quê mà bà nghĩ có lẽ suốt đời mình chẳng
bao giờ gặp lại. Đã hai mươi năm kể từ ngày bà rời bỏ quê hương, mang
theo trong tim nỗi đau như cắt và cả lòng tin đã vụn vỡ, hy vọng xứ
người xa lạ có thể làm hàn gắn một vết thương. Nhưng người đàn bà càng
thành đạt bao nhiêu càng thấy lòng mình nhức nhối bấy nhiêu vì vết
thương tưởng chứng như hóa thạch vẫn thầm âm ỉ trong tim. Sống trong
nỗi giận hờn đau đớn suốt hai mươi năm, một ngày chợt nhận ra tóc đã
bạc màu, môi thôi thắm tươi và mắt đã hằn những vết thời gian, lại
chợt thèm quay quắt trở về, trở về
 để thứ tha, để quá khứ không còn hành hạ đêm đêm, để tìm cho mình
phút bình an cuối cuộc đời. Tha thứ cho người và cho cả chính mình.


Căn nhà nhỏ hơn bà nghĩ, giản dị đến không ngờ. Trước sân trồng bụi
hoa nguyệt quế xum xuê, loài hoa mà bà vẫn yêu thích. Bà hít một hơi
rồi nhấn chuông, lòng không dưng hồi hộp kỳ lạ. một người phụ nữ gầy
gò khắc khổ bước ra mở cửa, họ nhìn nhau, sững sờ, ca nước trên tay
chủ nhà rơi xuống vang một tiếng khô khốc.


Họ ngồi trong phòng khách, đã hai mươi phút trôi qua mà vẫn chưa ai
cất nên lời, ngập ngừng bà hỏi một câu khách sáo


- Hai người vẫn khỏe chứ?


- Tôi vẫn khỏe, nhưng ông ấy thì…


Chủ nhà ngập ngừng đưa mắt nhìn vào nhà trong


- Ông ấy bệnh à?


- Ông ấy đột quỵ, nằm một chỗ đã năm năm nay rồi!


- Vậy ư? Ông ấy vốn rất khỏe mà. Hai người thay đổi nhiều quá, suýt
nữa tôi không nhận ra.


- Còn bà vẫn đẹp như xưa, thậm chí còn đài các hơn rất nhiều, thời
gian có vẻ như không làm ảnh hưởng tới bà mấy. Chắc bà sống rất hạnh
phúc?


- Hạnh phúc? Nếu tôi thật sự hạnh phúc liệu hai người có thấy thanh
thản hơn không? Hai người cũng đang rất hạnh phúc cơ mà.


Bà chủ nhà giật mình trước cái nhìn của vị khách, bà thu người trong
cái ghế, thân hình gầy ốm càng có vẻ teo tóp lại trước vẻ tự tin và
ánh mắt nhiều hàm ý kia. Mất một lúc lâu bà chủ nhà mới lên tiếng


- Chúng tôi không hạnh phúc như bà nghĩ đâu. Ngày đó, sau khi bà bỏ
đi, chúng tôi đã sống những ngày thật kinh khủng dưới sự lên án và dè
bỉu của những người thân quen. Chúng tôi có lỗi và phải chịu hình
phạt. Nhưng hình phạt lớn nhất, kinh khủng nhất không phải là cái nhìn
của dư luận mà chính là câu nói sau cùng của bà : “ bán chồng cho bạn
với giá năm trăm triệu!”. Câu nói đó ám ảnh hai chúng tôi đến tận bây
giờ.


- Tôi không nghĩ sau việc làm của hai người thì còn có điều gì khiến
hai người phải e ngại!


- Thật ra mối quan hệ của chúng tôi chỉ là một phút không kiềm chế
mình. Tôi không phải là thanh minh! Nhưng chúng tôi chưa bao giờ có ý
nghĩ đến với nhau, nhất là ông ấy, ông ấy vẫn rất yêu bà và chưa bao
giờ có ý định bỏ bà cả.


- Nhưng rốt cuộc hai người vẫn đến với nhau!


- Phải, có lẽ vì chúng tôi quá cô đơn và cùng chịu chung một nỗi dày
vò. Điều đó đã đưa chúng tôi đến gần nhau hơn, chứ không phải là tình
yêu. Chúng tôi sống cùng nhau để động viên nhau, an ủi nhau, cùng nhau
chờ đợi…


- Chờ đợi điều gì?


- Sự tha thứ của bà!


- Thật khó tin!


- Phải, có lẽ bà không tin, nhưng hơn hai mươi năm sống chung chúng
tôi trên danh nghĩa luật pháp vẫn không phải là vợ chồng. Chúng tôi
không có giấy hôn thú, ông ấy không muốn đăng ký kết hôn vì đối với
ông ấy bà là người vợ duy nhất! cuộc sống của chúng tôi thật chẳng dễ
dàng. Ông ấy không còn đam mê nghiên cứu, công việc của tôi cũng gặp
khó khăn, có lẽ đó là quả báo. Chúng tôi ở chung một nhà, ăn chung một
mâm cơm, ngủ chung một giường và cùng chung một người để nghĩ đến.
Chúng tôi không dám nhìn vào mắt nhau, không dám ôm nhau ngủ, thậm chí
không dám cả việc có con, tất cả chỉ vì nỗi ân hận và sợ hãi dày vò.
Chúng tôi cô đơn và mệt mỏi, tận cùng, như một cái giá phải trả. Năm
năm trước ông ấy đột quỵ, nằm liệt một chỗ,
 nói năng cũng trở nên khó khăn, vậy mà ông ấy vẫn luôn gọi tên bà.
Chúng tôi luôn cầu mong một ngày nào đó bà quay về và tha thứ cho
chúng tôi.


Người đàn bà ngồi nghe, lặng người, tâm trí hoang mang. Lẽ ra bà phải
thấy thích thú, hả hê lắm khi chứng kiến cộc sống thương tâm của hai
người đã từng hủy hoại lòng tin yêu trong bà. Vậy mà giờ đây, trước
người đàn bà một thời bà căm hận, bà chỉ thấy một nỗi xót xa không nói
nên lời.


- Bà cho tôi vào thăm ông ấy!


Bà không dám tin vào mắt mình nữa, hai mươi năm, hai mươi năm làm
người ta thay đổi đến thế này ư? Nằm bất động trên giường là một người
đàn ông gầy gò, già nua và mỏi mệt. Bà không dám tin đây chính là
người đã từng là chồng mình, đã từng là người đàn ông bà hết mực yêu
thương, đã từng là người đàn ông làm bà đau đớn vì yêu và hận suốt mấy
chục năm trời.


- Ông có nhận ra ai đây không?


Đôi mắt người đàn ông nhìn bà thật lâu, cái nhìn ban đầu vốn lãnh đạm
phút chốc trở nên thảng thốt


- Yến… Yến!...em Yến, …vợ…vợ anh!


Người đàn ông lắp bắp, khuôn miệng méo xệch, những âm từ rời rạc vang
lên, vội vã, vui mừng lẫn tủi hổ. Bà nhìn ông, bật khóc. Bà bước tới,
nắm bàn tay giơ ra chờ đợi, bà căm giận ông, nhưng muôn ngàn lần không
muốn ông phải khổ sở thế này. Đôi mắt người đàn ông ầng ậc nước, cái
nhìn dán vào mặt bà như tìm kiếm, van nài, cái nhìn khẩn khoản đầy hy
vọng.


- Đừng…đừng…bán …anh!


Bà sửng sờ nhìn ông nghe lòng nghẹn đắng. Trời ơi, hóa ra câu nói của
bà đã ám ảnh ông đến tận bây giờ. Thốt nhiên bà thấy ghê sợ chính
mình, bà thấy mình cũng độc ác, cũng hèn hạ, cũng nhẫn tâm, thậm chí
nỗi đau bà gây ra cho đối phương còn kinh khủng gấp mấy lần. Tại sao,
tại sao khi đó bà lại nói ra câu nói độc địa đó? Phải chăng vì lời nói
tàn nhẫn đó mà chính bản thân bà suốt hai mươi năm vẫn không được một
ngày vui vẻ?


- Tha…tha thứ…cho anh!


Ông vẫn lắp bắp nói, ông có lẽ nuốn nói rất nhiều, phải chi ngày đó bà
cho ông một cơ hội lên tiếng, bà đã để cơn giận lôi mình đi quá xa.
Nước mắt ông vẫn ứa ra làm hai người đàn bà nghẹn ngào tức tưởi không
thốt nên lời.


- Ông ấy vẫn còn rất yêu bà! Ông ấy và cả tôi nữa đều mong nhận được
sự tha thứ từ bà, có vậy chúng tôi chết mới nhắm mắt được.


- Khi tôi quay về đây là tôi biết mình cần phải làm gì. Bản thân tôi
mang nỗi căm hận trong lòng cũng chưa từng có một ngày được sống yên
ổn. Tôi tha thứ cho hai người, và tôi cũng muốn tha thứ cho chính
mình. Chúng ta đều đã già, hãy sống những ngày còn lại thật vui vẻ.
Những hỉ nộ ái ố của cuộc đời đã không còn dành cho chúng ta nữa rồi.


Bà quay sang ông, dùng tay lau đi những giọt nước mắt đang ứa ra trên
gương mặt nhăn nhúm vì xúc động của người bà một thời yêu thương, và
nở một nụ cười nhẹ nhàng.


- Em đã tha thứ cho anh từ rất lâu rồi! tha thứ cho cả hai người! anh và cô ấy!


Người đàn ông gật gật đầu, môi nở một nụ dẫu méo mó nhưng đầy sức
sống, nước mắt vẫn cứ chảy ra, chảy ra không sao ngăn lại.


Người đàn bà rời khỏi căn nhà đơn sơ sau buổi trùng phùng. Bà chủ nhà
bịn rịn tiễn chân, lúc quay vào nhận ra trên bàn một phong bì trắng.
Có một lời nhắn gửi lại: “ đây là năm trăm triệu ngày xưa bà cho tôi
mượn, tôi xin trả lại đồng thời rút lại lời nói khi đó, tôi không bao
giờ bán chồng cho bạn với giá bao nhiêu đi nữa. Mọi chuyện đã xảy ra
xin hai người hãy quên đi để cả ba chúng ta có thể có những ngày cuối
đời thanh thản! thân ái. Bạn gái thân của bà: Phi Yến.”
thuy van
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 19/Sep/2011 lúc 7:46pm

Người Bán Liêm Sỉ


Xin gọi ông ta là ông X. Để tránh phiền phức. Thời buổi bây giờ, con người dễ bị chụp mũ bất cứ lúc nào và bởi bất cứ ai. Ở trên chụp xuống là nhà cầm quyền – hạng này đông lắm và rất... vững tay nghề vì đã từng hành nghề này cả mấy chục năm. Ở dưới chụp lên là kẻ tiểu nhơn – hạng này thường thấy xuất hiện khi có biến cố hay khi thấy chánh quyền đa nghi như Tào Tháo; hạng này hành động theo thời cơ nên tay nghề lắm khi còn vụng; họ không đông nhưng rất nguy hiểm bởi vì họ giống như mọi người nên khó mà nhận diện ! Ở ngang với mình mà chụp mũ mình là mấy đứa mà mình thường gọi là bạn hay chiến hữu hay đồng chí – hạng... mắc dịch này mới bắt tay ôm hôn mình thắm thiết đó, vậy mà hôm sau đã “trở cờ xé lẻ” bởi vì cái đít của họ đòi cái ghế và cái mặt của họ muốn được... bự bằng cái nia ( để được thấy là … đại diện ! ) ; hạng này không cần tay nghề khéo nên cách chụp mũ thiếu... tế nhị ! Nói chung, hạng chụp mũ nào cũng chỉ chụp người có tên tuổi đàng hoàng chớ chẳng ai chụp mũ một kẻ vô danh. Cho nên, gọi nhân vật trong chuyện sau đây là ông X để ổng trở thành kẻ vô danh, khỏi bị chụp mũ ! (Xin lỗi ! Tôi hơi dài dòng ở đây tại vì tôi muốn mọi người đều thấy tôi “rõ như ban ngày”, để đừng ai... chụp mũ tôi “có ý đồ này nọ”. Đa tạ).
Bây giờ thì xin nói đến ông X.
Hồi thời trước – thời mà sau này “được” gọi là ngụy – ông X làm việc cho một hãng tư của ngoại quốc. Ông làm việc lâu năm và rất đắc lực nên ban giám đốc giao cho ông những chức vụ quan trọng với quyền hạn về tài chánh thật rộng rãi. Để thực hiện những chương trình xây dựng đồ sộ của hãng, ông thường xuyên giao dịch với chánh quyền. Nhờ vậy, ông “quen lớn” nhiều trong cả hai giới dân sự và quân sự.
Ở địa vị như của ông, con người dễ bị cám dỗ vì tư lợi. Chẳng có gì khó hết. Chỉ cần “nhắm mắt” một chút là nhà thầu sẽ biết cách đền ơn. Chỉ cần “biết phải quấy” một chút là vô “áp phe” riêng cho mình. Chỉ cần “bóp chẹt bắt bí” một chút là hất chân những đứa không theo bè cánh...
Ông X lại không thuộc hạng “biết làm ăn” như kể trên. Ông lớn lên trong một gia đình theo Khổng giáo, lấy “nhân nghĩa lễ trí tín” làm phương châm, luôn đề cao giá trị đạo đức của con người. Cho nên làm việc cho hãng gần hai mươi năm mà không thấy ông... “xơ múi” chút gì hết ! Bạn bè có đứa chê ông nhát. Ông cười: “Thà tao nhát mà tao giữ tròn liêm sỉ. Cái đó mới là cái khó. Người ta có thể chê tao như mày đã chê tao. Chớ không ai dám khi dể tao hết. Cái phách của tao là ở chỗ đó !”.
... 30 tháng tư 1975. Ông X đã không di tản. Nghĩ rằng mình làm việc cho hãng tư, lại là hãng của ngoại quốc, chắc “họ không làm gì đâu”. Chẳng dè quân mũ tai bèo (Giải phóng miền Nam) và quân nón cối (bộ đội) vào Nam tiếp thu tuốt tuột. Hãng công hãng tư gì, lớn nhỏ gì cũng “đớp” hết ráo (Trước đó, họ có tuyên bố “không đụng tới cây kim sợi chỉ của dân”, và sự thật, họ đã làm đúng như vậy, mới chết ! Bằng cớ là họ đã lấy hết, chỉ chừa có... cây kim sợi chỉ ! Cho nên, có thấy ai thưa gởi rằng bị cách mạng... cướp mất cây kim sợi chỉ đâu ? Vậy mà sao ai cũng nói họ “nói một đàng mà làm một nẻo” hết ! Oan cho họ ! Có điều là với “cây kim sợi chỉ”, người dân không biết... “làm khỉ gì ăn”. Chỉ còn có nước may cái miệng lại để khỏi phải ăn, khỏi phải nói !).
Hãng của ông X bị quân mũ tai bèo mang bí số K7 tiếp thu. May cho ổng: người dẫn đầu toán tiếp thu là người chú bà con đi khu hồi kháng chiến 1945. Nhờ ông này can thiệp nên ông X không bị đi cải tạo, nhưng bị đổi đi “hạ tầng công tác” ở một kho hóa chất (Sự che chở người thân như vậy rất hiếm thấy trong chế độ. Và có lẽ vì vậy mà chưa đầy sáu tháng sau, ông cán bộ đó bị cho “về vườn” mặc dầu chưa tới hạng tuổi !).
Bấy giờ, ông X ăn lương 80 đồng. Trong khi người tài xế cũ của ông lãnh 90 đồng ! Ông được phát lương mỗi tháng hai kỳ. Mỗi kỳ là 40 đồng nhưng bị giữ lại 2 đồng để cho vào sổ tiết kiệm (Nhà Nước lo cho dân chí tình như vậy mà vẫn có người không bằng lòng. Lạ thật !).
Bấy giờ, vì tất cả ngân hàng đều bị tịch thu, nên tiền của mà ông X để trong ngân hàng của ổng kể như đã... cúng cô hồn ! Ông X trắng tay và... trắng mắt.
Bấy giờ, vợ con ông X rã ra đi làm trong mấy tổ hợp. Hai đứa nhỏ nhứt ở nhà dán bao giấy bỏ mối cho bạn hàng ngoài chợ gói đồ. Ông X bán lần xe cộ, bàn ghế tủ...
Nhiều khi ông thầm nghĩ: “Mình đã tự hào giữ tròn liêm sỉ từ mấy mươi năm. Bây giờ... đổi lấy cái ăn cũng không được. Phải chi hồi đó mình nhắm mắt làm bậy, mánh mung chụp giựt đầy túi rồi bay ra ngoại quốc ở, thì bây giờ mình đâu có ngồi đây nhìn cái khổ cực của vợ con ! Riết rồi không biết là mình khôn hay mình dại nữa”.

Hôm nay là ngày ông đi bán chiếc xe đạp của ông. Ông đã tính kỹ: đạp xe ra chỗ thằng nhỏ sửa xe đạp ở góc đường xin nó cho đứng nhờ để bán; ở đó người qua lại cũng đông và người ghé vào bơm bánh hay sửa xe cũng thường; thế nào cũng có người hỏi mua. Sau khi lau chùi sạch sẽ chiếc xe, ông lấy một miếng bìa cứng viết lên đó “Bán xe đạp” rồi khoét lỗ xỏ sẵn dây để mang ra cột tại chỗ. Vừa làm ông vừa nghĩ đến thân phận của mình, đến cái liêm sỉ mà ông đã đeo đẳng từ bao nhiêu năm. Ông cười chua chát: “Cái liêm sỉ không giá trị bằng chiếc xe đạp !”. Bỗng ông nẩy ra một ý, vừa hài hước vừa táo bạo: “Tại sao mình không treo bảng bán cái liêm sỉ ? Cười chơi, sợ gì ?”. Vậy là ông lấy một miếng cạc-tông, nắn nót viết lên đó hàng chữ “Bán cái liêm sỉ. Bảo đảm 20 năm chưa sứt mẻ”. Khoét lỗ xỏ dây xong, ông cho hết vào túi xách, đạp xe ra ngõ.
Thằng nhỏ sửa xe tuổi độ mười hai mười ba. Ốm nhom, đen thui, cười hở lợi. Sáng nào nó cũng kéo chiếc xe hai bánh chở hai thùng gỗ nhỏ và mớ đồ nghề, ra... hành nghề cạnh trụ đèn ở góc đường. Sợ người ta không biết hay sao mà thấy nó có treo trên trụ đèn tấm bảng trắng sơn chữ đỏ “Tại đây sửa xe đạp đủ loại”.
Khi ông X xin đứng nhờ, nó vui vẻ nhận lời ngay:
- Dạ được ! Dạ được ! Ông Hai cứ dựng xe cạnh cột đèn đó, không sao hết. Chỗ này là chỗ “bá tánh” chớ phải của riêng cháu đâu mà ông Hai xin phép !
Rồi nó lấy cái thùng gỗ úp xuống, mời:
- Ông Hai ngồi. Cháu đang lỡ tay !
Nó làm như nếu nó không lỡ tay thì nó có bổn phận phải ngồi... tiếp chuyện ông X vậy ! Ông thấy có cảm tình ngay với thằng nhỏ. Ông cảm ơn rồi lấy hai miếng cạc-tông ra, treo một tấm lên sườn xe đạp, tấm thứ hai đeo lên cổ của mình một cách thích thú !
Ông ngồi xuống thùng gỗ phía sau lưng thằng nhỏ, đốt thuốc hút, ung dung. Thằng nhỏ đang ráp sợi dây sên vào chiếc xe đạp dựng ngược. Nó vừa làm vừa nói chuyện với ông X, mắt vẫn nhìn châm chú vào công việc.
- Ông Hai bán xe rồi lấy gì mà đi ?
- Thì... tôi đi chung xe với bà nhà tôi.
- Ông đèo bà hay bà đèo ông vậy ?
Ông X bật cười:
- Dĩ nhiên là tôi đèo bả chớ !
- Ý ! Bây giờ đổi đời rồi. Mấy bà chở chồng chạy bon bon thiếu gì, ông Hai.
Nói xong, nó cười hắc hắc. Ngừng một lúc, chừng như đang ngẫm nghĩ gì đó. Rồi nó nói tiếp, giọng ngang ngang:
- Bây giờ sao nhiều người bán đồ bán đạc trong nhà quá. Ở xóm của cháu, thấy có người cạy gạch bông nền nhà lên bán đặng ăn, ông Hai à !
Hình ảnh đó làm ông xúc động. Ông không biết phải nói gì. Sự bần cùng của người dân trong chế độ được gọi là ưu việt này, đã vượt quá xa tầm tưởng tượng của con người... thì còn lời gì để nói ? Im lặng, ông hít nhiều hơi thuốc dài...
Thấy sao “người đối thoại” của nó làm thinh, thằng nhỏ quay đầu nhìn lại. Bây giờ nó mới thấy tấm bảng ông đeo trước ngực. Nó ngạc nhiên:
- Ủa ! Ông còn bán cái giống gì nữa vậy ?
- Thì... cháu đọc coi.
- Cái... “liêm” ... Cái “liêm sỉ” là cái gì vậy, ông Hai ?
- Ờ... Cái liêm sỉ là... (Ông ngập ngừng tìm lời để giải nghĩa) Là ... Là cái mà thiên hạ ai cũng quí trọng hết. Người ta coi nó có giá trị như... có giá trị như...
- Như hột xoàn hả ông Hai ?
- Ờ ! Đại loại như vậy. Thiên hạ cho rằng người nào có cái liêm sỉ cũng thấy sáng ngời không kém.
Nổi tánh tò mò, thằng nhỏ chùi vội hai tay vào một miếng giẻ cũng dơ như tay của nó, rồi xoay hẳn người lại, hâm hở:
- Ông Hai cho cháu coi một chút được không ? Từ cha sanh mẹ đẻ cháu chưa nghe nói tới cái liêm sỉ bao giờ, chớ đừng nói thấy.
- À cái này không có coi được. Lớn lên rồi cháu sẽ biết.
Thằng nhỏ tiu nghỉu, quay trở về công việc mà nghĩ: “Chắc là đồ xịn lắm nên ổng sợ !”
Có hai thanh niên dừng lại bơm bánh xe. Cả hai đều đọc bảng treo trước ngực ông X. M ột anh hỏi anh kia:
- Cái liêm sỉ là cái gì vậy mậy ?
Thằng nhỏ nói hớt, vẻ sành sỏi:
- Là đồ nữ trang loại xịn. Mắc lắm đó !
Ông X mỉm cười, chua chát nghĩ: “Chế độ đâu có dạy con người phải có liêm sỉ. Bây giờ, chỉ thấy học đấu tranh, học hận thù, học giết chóc... chớ đâu thấy học làm người có đạo đức, trọng lễ nghĩa để mà biết liêm sỉ là gì ? ‘’
Một anh bộ đội, nón cối nghiêng nghiêng, tấp Honda vào hỏi mua “săm” xe đạp. Thằng nhỏ nói: “Sửa xe chớ không có bán đồ phụ tùng”. Chờ cho anh bộ đội đi khuất, nó quay lại cười cười nói với ông X:
- Ruột xe thì nói ruột xe. Mấy chả nói “săm”. Hồi đầu cháu đâu có biết. Cháu chỉ qua bà xẩm bán nước sâm ở bên kia đường. Thấy cười quá ! Họ nói tiếng gì đâu không hà !
Một thanh niên chở một ông già, ngừng lại nhờ thằng nhỏ siết lại cái đầu bàn đạp. Sau khi nhìn ông X, anh thanh niên hỏi nhỏ ông già:
- Liêm sỉ là cái gì hả ông nội ?
Ông già tằng hắng rồi nói, giọng nghiêm trang:
- Là cái mà nó bắt con người ta phải cẩn thận trong suy tư trong hành động. Nó không cho con người ta làm bậy làm quấy, làm sai đạo lý. Nó bắt con người ta phải biết xấu hổ khi có ý xâm phạm thuần phong mỹ tục. Quí lắm, con thấy không ? Vậy mà thời buổi bây giờ có mấy ai biết nó là gì...
Trả tiền xong, người cháu đợi người ông ngồi đàng hoàng vững chãi trên pọt-ba-ga rồi mới đạp đi. Ông già quay đầu nhìn lại ông X, giống như nhìn một món đồ cổ !

Mặt trời đã lên cao. Cây me già cạnh đó đổ bóng mát rượi xuống chỗ “hành nghề” của thằng nhỏ. Gió thổi hiu hiu. Lá me lăng tăng rụng...
Một ông già râu tóc bạc phơ đạp xe lọc cọc ghé vô nhờ sửa cái thắng. Sau khi... “kiểm tra” lại bộ phận, thằng nhỏ gãi gãi đầu mặc dù tay nó dơ hầy:
- Cha... Vụ này hơi lâu à ông Hai. Cũng năm mười phút à !
- Không sao. Tao đợi. Tao thiếu gì thì giờ.
Nó vội vàng lật úp cái thùng gỗ còn lại, đặt gần chỗ ông X:
- Ông ngồi đây. Có ông Hai này ngồi bán xe, từ sáng giờ không thấy ai hỏi hết. Chắc cũng buồn !
Đó là cách nó giới thiệu để hai người dễ dàng bắt chuyện với nhau, nếu muốn.
Ông già ngồi xuống, gật đầu chào ông X, rồi móc bọc thuốc rê, mời:
- Ông vấn một điếu chơi.
- Cám ơn. Tôi có đem theo thuốc vấn sẵn ở nhà.
Ông X lấy trong túi ra hộp thiếc giẹp màu vàng (loại đựng thuốc điếu 555 ngày xưa) móp méo trầy trụa, mở ra mời lại:
- Ông hút thử thứ này coi.
Ông già cất bọc thuốc vào túi lấy một điếu của ông X để lên môi, đốt. Ổng hít mấy hơi thật dài rồi gật gù:
- Ùm... Một phần Lạng Sơn hai phần Gò Vấp.
- Đúng ! Ông rành quá !
- Một đời hút thuốc mà không rành sao được, ông bạn.
Hai người im lặng thở những hơi khói dài. Giờ đó, đường cũng vắng, chỉ nghe tiếng lách cách sửa xe của thằng nhỏ. Một lúc lâu sau, bỗng ông già tằng hắng rồi nheo mắt nhìn thẳng ông X, giọng ôn tồn:
- Ông bạn à. Tôi nghĩ nếu ông bạn còn chút liêm sỉ thì nên dẹp tấm bảng bán liêm sỉ của ông đi. Chỉ có phường vô liêm sỉ mới khoe khoang khoác lác rằng ta là thế này, ta là thế nọ, ta hơn thiên hạ về đủ mọi mặt vv…. Sự thật, họ không có gì hết. Bọn vô liêm sỉ đó đã chà đạp mọi giá trị tinh thần của con người, đã chối bỏ truyền thống đạo đức của ông cha để lại từ không biết mấy ngàn năm.
Ông X im lặng gật gù nghe. Ông già ngừng một chút để hít mấy hơi thuốc. Rồi tiếp:
- Ông bạn à. Tôi tin rằng ông bạn là người có liêm sỉ. Trực giác cho tôi thấy như vậy. Bây giờ, đem rao bán cái liêm sỉ, ông bạn có thấy đó là hành động thiếu suy nghĩ không ? Nói khùng mà nghe, giả dụ ông bạn có bán được cái liêm sỉ, ông bạn sẽ “trắng tay”. Không còn liêm sỉ nữa thì ông bạn sẽ thành cái gì ?
Ông già ngừng ở đó, nhìn ông X một chút rồi nói gằn từng tiếng:
- Ông bạn sẽ là thằng-vô-liêm-sỉ !
Đến đây, thằng nhỏ đã sửa xong cái thắng. Ông già đứng lên chào ông X, trả tiền rồi đạp xe đi thẳng.
Hút tàn điếu thuốc, ông X thở dài, đứng lên tháo hai miếng cạc-tông cho vào túi xách. Thằng nhỏ ngạc nhiên:
- Ủa ! Bộ ông Hai về hả ?
- Ừ !
- Sao về sớm vậy ?
- Ừ ! Về sớm.
Ông X nói bằng một giọng trống rỗng. Thằng nhỏ ân cần dặn:
- Ông Hai cẩn thận nghe ! Coi chừng tụi nó giựt cái liêm sỉ à. Mấy thằng lưu manh nó giựt bóp của người ta hoài, hà !
Ông X làm thinh đạp xe đi, bỗng nghe như cái liêm sỉ của ông nó nặng như chì. Vậy mà bao nhiêu lâu nay, ngày ngày ông vẫn còng lưng cõng nó để đi tìm một chân trời, một lối thoát, một chút ánh sáng ở cuối con đường hầm … !


Tiểu Tử
 


Chỉnh sửa lại bởi Nhom12yeuthuong - 19/Sep/2011 lúc 7:52pm
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 23/Sep/2011 lúc 1:04pm
GIÁ TRỊ ĐỒNG TIỀN
Trà Lũ
 
.....
 
Tiền có thể mua được căn nhà nhưng không mua được một tổ ấm
 Tiền có thể mua được đồng hồ nhưng không mua được thời gian
 Tiền có thể mua được giường quý nhưng không mua được giấc ngủ
 Tiền có thể mua được sách nhưng không mua được kiến thức
 Tiền có thể mua được bác sĩ nhưng không mua được sức khoẻ
 Tiền có thể mua được chức quyền nhưng không mua được sự kính trọng
 Tiền có thể mua được máu nhưng không mua được sự sống
 Tiền có thể mua được tình dục nhưng không mua được tình yêu.
.......
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 28/Sep/2011 lúc 10:46am

ĐÂU LÀ THIÊN ĐƯỞNG NƠI TRẦN THẾ ?

Tác giả Dương Quỳnh Khanh vừa từ Việt Nam sang du lịch Mỹ thăm con gái. Sau ba tháng thăm đất nước hợp chủng, bài viết ngắn sau đây cho thấy cách nhìn trân trọng bà dành cho nước Mỹ và người Việt ở Mỹ.

Sau bao năm cầu xin, tôi đã được hưởng một phép lạ do Chúa ban tặng.  Đó là lần phỏng vấn thứ ba, tòa Tổng Lạnh Sự Mỹ ở Saigon đã chấp thuận cấp visa cho tôi đi Mỹ thăm con gái và con rể. Lần thứ ba này, con rể người Mỹ đứng ra bảo lãnh và kèm theo một thư cam kết.
Hai lần bị từ chối trước làm cho tôi nản lòng, vì lý do không có tài sản, không có gì ràng buộc với Việt Nam . Nay, nhờ con rể người Mỹ bảo lãnh, việc cam kết tôi không có lý do gì lưu trú tại Mỹ có vẻ đáng tin hơn.
Nhận được visa, tôi quýnh quáng không biết sẽ đem gì, mua gì làm quà cho con, rồi ngày đi đến nhanh.
Đặt chân trên đất Mỹ vừa đúng 12 giờ đêm ngày Chúa Nhật, làm thủ tục khám xét xong xuôi, hải quan phi trường cho phép tôi ở Mỹ sáu tháng.
Đẩy hành lý ra, gặp hai vợ chồng con gái đang đứng đón, lòng bồi hồi cảm động nhớ thương đã làm tôi bật khóc như một đứa trẻ.
Từ phi trường Los Angeles chạy về Oceanside nơi con tôi ở đúng 2 tiếng lái xe. Trên đường về ban đêm, xe nối đuôi xuôi ngược, đèn sáng đỏ chạy dài trên con đường có dạ quang như dải lụa đen đính kim tuyến.  Nhờ đèn nên quang cảnh ban đêm thật đẹp, bên ngoài trời về đêm không khí dễ chịu.
Hai tiếng giản dị
Nước Mỹ, nơi mà người ta thường gọi là Thiên Đường, là một đất nước tự do đã cưu mang gần hai triệu người Việt, trong đó có con gái, em gái tôi.
Thiên Đường, hai tiếng giản dị vậy mà có một sức hút lạ kỳ. Với những người phải sống trong cảnh bất công, tù ngục thì nước Mỹ đúng là một thiên đường ở ngay trên mặt đất. Nhưng không phải ai cũng dễ dàng đặt chân đến vì đó là một nơi xa vời vợi, người dân bình thường, không họ hàng, không thân thích, không ai bảo lãnh có tiền cũng khó mà tới được.
Nhớ lại 32 năm về trước, bao triệu người ra đi bỏ lại đằng sau tất cả những gì đã có, bỏ lại họ hàng, anh em, cha mẹ, bạn bè, họ đã tìm đủ mọi cách ra đi, tìm cái sống trong cái chết. Để có thể lên đường tìm tự do, tìm thiên đường, họ đã phải đánh đổi nhiều thứ, từ làm mồi cho cá biển tới thân bị tù tội, nhà cửa bị tịch thu.
Hành trình của người Việt tìm tự do còn tiếp diễn nhiều năm sau này.  Biết bao xương cốt thuyền nhân Việt vẫn nằm sâu dưới đáy biển, dưới lòng sông.
Những đồng đô la quí giá
Gần hai triệu người dân Việt giờ đây đã an cư lạc nghiệp tại xứ Mỹ.  Ngay từ buổi đầu, khi tới được nước Mỹ, hầu hết họ đều nghĩ tới những thân nhân còn lầm than ở quê nhà, ai nấy phải làm lụng vất vả dè sẻn để gửi tiền về quê hương giúp cha mẹ, anh chị em. Khi ổn định họ lại tìm cách bảo lãnh cha mẹ, anh em, vợ con đến xứ sở an toàn đầy đủ nhưng không kém phần vất vả.
Còn nhớ, những ngày khốn khó ở quê nhà, khi nhận được những đồng đô la quý giá từ tay con gái tôi gởi về tôi cảm động lắm. Con gái tôi gởi tiền về cho gia đình không bao giờ than vất vả khó nhọc, nhưng tôi được nghe nhiều người kể về xứ sở xa xôi đó. Sáng sớm tinh mơ, cơm đùm cơm nắm mang theo để ăn trưa, chiều tối về ăn cơm nhà, ai cũng như ai tằn tiện chính bản thân, để rồi mỗi lúc thân nhân quê nhà cần tiền thì sẵn sàng gởi về giúp đỡ, không đắn đo, không than thở.
Đồng đô la từ Mỹ gửi về quê nhà quý giá vô cùng, vì đó là quá trình lao động mồ hôi nước mắt của thân nhân mình, nó nâng đỡ nhiều gia đình khó khăn hoặc nâng đỡ hỗ trợ nhiều cơ quan từ thiện, từ chùa chiền cho đến nhà thờ.
Nhưng cũng do đồng đô la này, lòng tham đã làm cho nhiều gia đình bất hòa. Tại Việt Nam , người nhận từng giành giựt hơn thua, kẻ ít người nhiều, đâm ra giận hờn từ bỏ nhau. Tại Mỹ cũng có nhiều cảnh ngộ, vợ chồng chia tay cũng vì gởi không đồng đều giữa hai gia đình nội ngoại.
Đồng đô la quý giá nhưng cũng gây ra lắm cảnh đau lòng, nguyên nhân chỉ là do con người ích kỷ mà ra. Người nhận được dola vui vẻ bao nhiêu thì thân nhân ở Mỹ phải nỗ lực vất vả bấy nhiêu.
Hôm nay tôi có mặt ở đất nước này thuộc diện du lịch thăm con, được con chở đi chơi nhiều nơi, nhận thấy đúng là xứ sở văn minh tiến bộ mà làm biết bao người thèm muốn, nó sạch đẹp làm sao! Ngoài đường phố không có trẻ em, thanh niên, thiếu nữ đi nghểu nghến, chỉ có nhà hàng ăn, quán bar, shop, mới thấy họ ăn uống, mua sắm ở nơi đó mới thấy mặt trẻ em, ngày thường cha mẹ tất bật, các trẻ nhỏ đều vào trường vào lớp, chúng không quấy rầy cha mẹ.
Xã hội Mỹ luôn tạo điều kiện cho con người biết tự lập, tự vươn lên không ỷ lại, không dựa dẫm. Dù cha mẹ giàu có, mười tám tuổi trở lên tự lập thân, tự tìm việc chúng có thể trở thành cô bán hàng, hay cậu thanh niên bưng bê phục vụ cho khách, làm đủ mọi nghề. Ở đây người Phi, người Mễ, người Việt rất chịu khó, không việc gì họ từ, miễn là kiếm được việc, kiếm được tiền, họ gởi về giúp thân nhân, giúp đất nước mỗi năm hàng trăm triệu dola. Đồng dola đã quý, lòng người nhân ái càng quý hơn. Nước Mỹ là đất hợp chủng, gồm đủ mọi sắc dân. Đất nước nào bị thiên tai, chính phủ Mỹ, dân Mỹ đều sẵn sàng giúp đỡ từ tiền bạc, áo quần, thực phẩm cho đến thuốc men.
Ba tháng ở thiên đường
Vùng con tôi ở là một thành phố trên đồi cao và gần biển, những con đường rộng thênh thang chia nhiều làn xe thẳng tắp chạy dài hoặc quanh co uốn lượn chẳng khác nào màng nhện nhưng có lớp lang thứ tự. Hè ở đây khí hậu nóng như Việtnam.
Hai hôm sau con tôi nghỉ phép, chở tôi đi chợ. Đến các gian hàng, các cửa hiệu, tôi như choáng ngợp, nó rộng rãi to lớn, hàng hóa nhiều vô kể, trang trí bày biện ngăn nắp hấp dẫn, mải mê ngắm nhìn chọn lựa, tôi như người dân quê ra tỉnh, sự quê mùa bộc lộ rõ nét của người mới tạm nhập cư.
Đến hôm nay tôi ở đúng 3 tháng, các con chở đi chơi nhiều nơi.
Đứng trên cao nhìn bao quát biết bao danh lam thắng cảnh, nơi nào cũng bao phủ bởi màu xanh cây cỏ, hoa lá tươi mát. Nhà cửa khắp nơi xây cất gần giống nhau màu sắc trang nhã, bên trong thiết kế tiện nghi, thuận lợi.
Hiện nay người Việt tại Mỹ cần cù chăm chỉ, ăn nên làm ra thành đạt được sống trong tự do nhân quyền, họ đã khẳng định nước Mỹ là quê hương thứ hai, không thấp thỏm lo âu bị ai tước đoạt tài sản, không lo sợ khống chế tự do nhân quyền do đó họ sống thật bình yên.
Tôi chưa thấy bóng dáng thiên đường trên cao nhưng đất nước nào giàu có, dân sống sung sướng lạc quan, không sợ hãi, không lo âu thì đó là thiên đường.
Nhìn người mà ngẫm đến ta, lòng cứ quặn đau, đi chơi mà niềm vui không trọn vẹn. Biết đến bao giờ những nước lạc hậu bảo thủ, trong đó có nước tôi, thoát khỏi cảnh bất công, đói nghèo để được hưởng một chút thiên đường nơi trần thế.


Dương Quỳnh Khanh

http://caonienbachhac2011.blogspot.com/2011/09/tim-au-thien-uong-duoi-tran-ai.html#more
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 07/Oct/2011 lúc 8:22am
TIẾNG VIỆT TIẾNG ANH
Nguyễn Thị Thanh Dương
gơod%20morning%20canh%20hoa  
 
- Where are you, Andy, Jimmy? Come back here. Hurry up!
Tôi ngẩn người khi vừa nghe ai đó gào to giữa chợ một tràng tiếng Anh với âm hưởng đầy chất Việt Nam. Nhưng tôi không ngạc nhiên vì tiếng gọi con khơi khơi giữa chợ như ở giữa sân nhà chị ta, mà vì tôi thấy cái giọng nói này quen quen, lâu lắm rồi tôi mới được nghe lại.
Tôi hướng theo tiếng nói đó và trông thấy đúng là một người đã quen, liền bước vội lại, nhìn kỹ hơn và không khỏi reo mừng:
- Ủa! Bông đó hả Bông?
Bông nhìn tôi, cũng mừng rỡ không kém. nhưng nó hạ thấp giọng chứ không gào rổn rảng như hồi nãy:
- Bông hoa gì! Bây giờ tao tên là Barbara rồi. Nhớ nghe, đừng gọi là Bông nữa, quê lắm.

- Ủa Bông…À quên Barbara, mày không còn tên là Lê thị Bông nữa hả?
- Đã bảo tao đổi tên là Barbara rồi mà, Barbara Le, hiểu chưa? Họ Lê, không có dấu thành Le, mày muốn hiểu là..Le te hay Le lói gì cũng được. Hồi năm ngoái, thi đậu quốc tịch, đổi tên luôn, dù gì cũng…lên chức công dân Mỹ rồi.
Lúc đó, hai thằng con chạy lại, chắc vừa chạy đuổi nhau trong chợ nên cả hai đứng thở không ra hơi. Bông tiếp tục cho hai thằng con một bài học ngay giữa chợ bằng tiếng Anh của mình:
-         What were you doing over there? I told you  not to…
Bông khựng lại, quay ra hỏi nhỏ tôi:
-         Chữ “quậy phá tùm lum” tiếng Anh là gì hả? Tao muốn nói với tụi nó là không được quậy phá tùm lum trong chợ người ta.
-         Tao…không biết, để chốc về nhà tao dò tự điển..
-         Trời ơi, tao cần ngay bây giờ. Hồi xưa học chung ESL với mày, tao thấy mày biết nhiều từ ngữ lắm mà.
-         Nhưng ai mà học cái từ “quậy phá tùm lum”này. Đùng một cái, mày hỏi, chữ ở đâu mà ra lẹ vậy?
-         Thôi được…
Bông quay ra hai thằng con, cao giọng:
- Do not do that any more. OK ?
Hai thằng con hiểu ý mẹ, đứng yên.Tôi phục Bông sát đất, không cần biết nhiều từ, vẫn giải quyết được vấn đề, vẫn nói tiếng Anh cho người khác hiểu như thường.
Giống như trường hợp một người bạn của tôi, bảo lãnh thằng em sang Mỹ, tiếng Anh nó biết lõm bõm và chủ yếu chỉ cần hai từ “This,That” mà được việc. Ông anh giao cho thằng em trông coi một cửa hàng bán cá kiểng. Khách hàng muốn mua gì, thì anh ta chỉ vào từng món và hỏi:
-         This one?.
Nếu không phải, liền chỉ sang cái khác:
-         That one?.
Cuối cùng cũng bán đúng món hàng mà khách muốn mua, mà không cần biết loại cá ấy, loại thức ăn cho cá ấy tên gì.
  Tôi hỏi Bông:
- Nếu không thể nói bằng tiếng Anh, sao mày không nói tiếng Việt Nam cho tiện?
- Trời ơi, tao kỵ nói tiếng Việt Nam với con tao, phải để tụi nó giỏi tiếng Anh chứ, chêm ba tiếng Việt vô làm gì, cho tụi nó nhức đầu! Hồi xưa, tao với mày học ESL khổ cực thế nào!
Tôi nhớ hồi mới sang Mỹ, gặp người Mỹ nói chỉ …mỉm cười, đó là kế “ hoãn binh” để đoán mò xem họ nói gì và suy nghĩ câu trả lời. Hên thì trúng.
Có khi bế tắc, họ đi rồi mới chợt hiểu ra hay đoán mò ra, chẳng lẽ lại gọi “Ông ơi, bà ơi  tôi hiểu rồi. Lại đây tôi trả lời cho mà nghe nè…”
Và một chuyện tôi còn nhớ đời, tôi làm tại một hãng ráp đồ điện tử, rất chăm chỉ, kỹ lưỡng. Một hôm tôi vừa bóc miếng gum cho vào miệng nhai thì ông cai trông thấy, nhưng không nói gì, cũng đã làm tôi lo ngay ngáy, vì luật hãng cấm ăn uống trong giờ làm việc.
Hôm sau, tôi bị gọi lên văn phòng ông manager, cõi lòng tôi tan nát, phen này coi như tôi bị đuổi việc. Nhưng ông Manager mời tôi ngồi, nói chuyện rất thân thiện, ông nói gì, trình độ tiếng Anh ESL của tôi làm sao mà hiểu nổi. Nhưng để đáp lại tấm lòng tử tế của ông, mỗi câu nói ông đợi tôi trả lời, tôi đều nói OK với tất cả lòng…biết ơn, không ngờ người Mỹ tử tế thế, công nhân có lỗi mà họ khiển trách rất lịch sự, dịu dàng.
Một tuần lễ sau, ông cai đưa tôi một tờ giấy, ghi rõ tôi sẽ đổi sang làm ca tối bắt đầu từ tuần tới, tiếng Mỹ tôi nghe không rành, nhưng đọc là tôi hiểu liền. Tôi thắc mắc quá, khi không họ đổi tôi xuống ca tối mà không hỏi ý kiến tôi gì cả? mà chỉ một mình tôi bị đổi, hay họ trừng phạt tôi về tội vi phạm kỷ luật đã ăn trong giờ làm việc hôm nọ?
Mấy người bạn Việt Nam làm cùng ca cũng xúm vào bàn luận, cho là tôi bị  “trả thù”, bị “xâm phạm quyền tự do dân chủ”, bị “kỳ thị”v..v..
Tôi bèn nhờ một anh giỏi tiếng Anh dẫn lên gặp ông Manager để khiếu nại, với bộ mặt đưa đám và xưng xỉa.
Thì ra, hôm ông Manager nói chuyện với tôi, là ông đã khen tôi làm việc giỏi, ông hỏi ý tôi có thể chuyển xuống ca tối không vì họ đang cần một người thợ giỏi như tôi, và ông sẽ lên lương cho tôi 50 cent một giờ. Tất cả, tôi đều OK vui vẻ. Ông đã cảm ơn sự hợp tác “mau lẹ” của tôi.
Tôi trở về thực tế nói với Bông:
- Mình khác, tụi nhỏ khác. Mình qua đây lớn tuổi rồi, tiếng Việt Nam đầy đầu, chỗ đâu mà vô tiếng Anh? Còn tụi nó sinh đẻ ra ở đây, lớn lên ở đây. Lo gì?
- Sống ở Mỹ phải Mỹ hoá mày ơi, vợ chồng tao đều vô quốc tịch Mỹ, hai con sanh ra tại Mỹ. Cả nhà Mỹ hết trơn rồi. Thôi mày cho tao địa chỉ, bữa nào đến nhà chơi, mấy năm nay mới gặp lại mà, bây giờ tao đi kiếm lọ mắm tép chua đây.
- Ăn món gì vậy?
-  Bánh tráng cuốn thịt heo luộc với mắm tép chua, rau thơm, ngon hết biết!
Nói xong Bông dắt hai con ra thẳng quầy nước mắm, nước tương. Chiều nay về nhà, cái gia đình Mỹ hoá ấy, nói toàn tiếng Anh ấy, gia đình bà Barbara Le, sẽ tha hồ thưởng thức món mắm tép chua, đặc sản của Việt Nam, chẳng liên quan đến Mỹ một tí nào.
              
                                *** ****
Nghe tiếng chuông reo, thằng Cu Tí của tôi chạy ra mở cửa, Cu Tí nói:
- Mẹ cháu đang ở trong bếp, mời hai bác vào nhà.
Tôi vội vàng lau tay, bước ra phòng khách, đó là gia đình chị Bông:
- Mời cả nhà ngồi chơi. Cu Tí, con lên lầu nói ba xuống có khách nhé!
- Dạ, để con lên gọi Ba.
Cu Tí nhanh nhẩu chạy đi, Bông ngạc nhiên:
- Mày dạy nó nói tiếng Việt rành quá vậy?
Bông ái ngại tiếp:
-  Nói giỏi tiếng Việt là ảnh hưởng đến tiếng Anh đó. Mai mốt lên Đại học, nó sẽ lúng túng cho mà xem.
Chồng của Bông ngắt lời vợ:
-  Em chỉ lo xa - Anh ta phân bày với tôi - bà ấy sợ con dở tiếng Anh, nên không cho tụi nhỏ học tiếng Việt đã đành, mà còn ra luật lệ là ở nhà vợ chồng phải nói tiếng Anh khi có mặt hai con. Thiệt tình bực mình hết sức, nhưng bả thích thì chiều, không lẽ cãi lộn tối ngày vì vụ này?. Thà mình nói giỏi tiếng Anh, mình dạy nó, không sao. Đằng này mình nói thì chậm, âm hưởng thì sặc mùi Việt Nam, người Mỹ nghe có khi còn hoang mang không hiểu gì cả, thì dạy cái nỗi gì?
- Coi như mình…dợt tiếng Anh cho chính mình đi. Bông bướng bỉnh giữ vững lập trường của mình.
Chồng Bông phân bày:
- Thằng Andy đó, mới 9 tuổi đầu mà đã nói với mẹ nó khi nào con 18 tuổi sẽ ra khỏi nhà sống tự lập một mình, thấy mẹ buồn, nó…gia hạn thêm một năm nữa là 19 tuổi. Em vẫn muốn các con sống với em theo phong tục, tập quán người Việt Nam, con cái gần gũi, gắn bó với gia đình với cha mẹ, anh em, nhưng tiếng Anh đâu mà giảng giải cho tụi nó hiểu? còn tiếng Việt thì chúng nó lại không biết gì. Hiểu ngôn ngữ mẹ đẻ cũng sẽ hiểu được tập quán quê hương đó.
Chồng tôi ra tới phòng khách, hai ông bạn cũ gặp nhau, mừng rỡ. Trước đây hai gia đình ở cùng một apartment, cùng một hoàn cảnh mới qua Mỹ, nên chúng tôi chơi với nhau khá thân. Sau này vợ chồng Bông dọn đi thành phố khác và mất liên lạc, nay mới gặp lại.
Thằng Andy, Jimmy thì nhanh chóng làm bạn với Cu Tí, Cu Tèo nhà tôi, cùng lứa tuổi, nên chúng nói chuyện, đùa vui thoải mái.
Bông kín đáo, để ý đến bọn trẻ, và thốt lên:
-         Bốn đứa nói tiếng Anh, nghe mà sướng cả tai.Tao cứ tưởng là…
-         Tưởng Cu Tí, Cu Tèo biết nói tiếng Việt thì dở tiếng Anh chứ gì? Đấy mày xem, có dở đi tí nào không?
Chồng Bông lại được dịp phân bày:
-         Tôi nói hoài mà bà ấy không nghe.Tháng rồi cả nhà mới về Việt Nam, hai thằng con thật khổ vì không hiểu và nói đựoc tiếng Việt, được ông bà, chú dì xúm vào hỏi chuyện, nhưng tụi nó cứ ngố mặt ra, thiếu điều muốn khóc, mẹ nó phải đứng ra thông dịch cho đôi bên, rồi chúng e ngại khi đối diện với họ, vô tình mà chuyến đi chơi xa, về quê hương của chúng mất hết ý nghĩa và hứng thú. Hai đứa đều nói lần sau không về Việt Nam nữa…
Bông khoe:
-         Vậy mới vui chớ, bà con thấy hai thằng nhỏ nói ngọng ngiụ vài chữ tiếng Việt cũng không xong, họ cười rần rần, cứ hỏi cho nó nói…lung tung chơi. Ai cũng nói tụi nó thành Mỹ con rồi  Hai đứa nó thèm ăn hamburger, sáng sớm mấy bà dì phải xách xe chạy ra phố mua hamburger và sữa tươi cho chúng.
-         Tại em bày đặt, muốn mọi người đối xứ với chúng như đối xử với người Mỹ, chứ chúng nó không có hamburger cũng không chết đói. Có bữa bà Ngoại cho tụi nó ăn bánh cuốn, mỗi đứa xơi hết một dĩa đó.
-         Theo tôi cứ tập cho các cháu nói tiếng Việt, ăn đồ Việt, càng hay chứ sao. Chồng tôi góp ý.
Chồng Bông tuôn ra những ấm ức mà anh tin rằng có người nghe và đồng tình:
-         Biết thêm một ngôn ngữ là phong phú thêm cho đời sống, huống chi đó là ngôn ngữ của quê hương, dân tộc mình. Không thấy người Hoa đó sao? hồi ở Việt Nam, tôi thấy có những trường dạy tiếng Hoa cho người Hoa. Họ làm ăn, sinh sống trên đất Việt, thậm chí lấy vợ, lấy chồng Việt Nam, nhưng vẫn không để con cháu quên ngôn ngữ dân tộc của họ, nguồn gốc của họ.
Tôi tán thành:
-         Điều này rất đúng, hồi tôi qua Canada chơi, dạo phố Tàu ở Toronto, thấy những thanh niên người Hoa đứng rao hàng ơi ới bằng tiếng Việt Nam, nhưng khi gặp khách hàng người Canada, họ đổi sang nói tiếng Anh lưu loát. Vậy mà lát sau lại thấy họ nói chuyện với đồng hương bằng tiếng Hoa ngon lành. Họ biết ba ngôn ngữ, thật là tiện dụng và hữu ích.
Chồng tôi tiếp lời:
-         Chưa biết chừng gặp khách hàng dân QueBec, họ lại nói tiếng Pháp nữa đấy.
-         Trong các nhà hàng, chợ búa người Việt Nam, ngoài tiếng Việt, các cô thu ngân, bồi bàn nếu cần lại nói tiếng Anh với khách hàng đó thôi. Biết hai, ba ngôn ngữ càng dễ giao thiệp, dễ xin việc làm. Chồng Bông bổ sung thêm.
Chồng tôi dung hoà:
-         Thật ra, chúng ta đang sống ở Mỹ, nói tiếng Mỹ, sống theo phong tục Mỹ là điều rất đúng. Nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng nên duy trì những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc mình, ngôn ngữ là cây cầu nối tuyệt vời nhất. Chúng không thể yêu quê hương nếu không nói và hiểu được tiếng Việt.
Thử tưởng tượng anh David Nguyễn hay cô Tammie Trần nào đó, dù họ sinh ra và lớn lên ở Mỹ, thành công ở Mỹ. Nhưng nhìn họ, người ta biết ngay là người Mỹ gốc Châu Á, gốc Việt Nam, thì không thể nào họ phủ nhận được nguồn gốc của mình.
Tôi nói với Bông:
-         Tao mong cho Cu Tí, Cu Tèo của tao giỏi tiếng Việt càng tốt, chúng nó mới chính là người dạy tiếng Anh cho vợ chồng tao. Sau này trong cuộc sống, sẽ có nhiều dịp cần nó thông dịch, giảng nghĩa cho mình đấy.
Bông ậm ừ:
-         Mày nói cũng có lí, để từ từ tao tính…
Khi hai vợ chồng Bông chuẩn bị ra về, Bông gọi hai con:
-         Andy, Jimmy. Come here! Go home!
Bông chợt ngại ngùng sửa lại:
-         Andy, Jimmy! Lại đây con! Con chào hai bác đi!
Hai đứa nhìn mẹ, ngẩn tò te. Chắc chúng ngạc nhiên vì lần đầu tiên nghe mẹ nói tiếng Việt Nam với chúng trước mặt người khác? Thằng Cu Tí thấy chúng ngẩn ngơ, chịu không nổi, lanh chanh xen vào:
-         Say good bye to my mom, my dad.
Andy, Jimmy hiểu ra, chúng chào chúng tôi:
-         Good bye!
Gia đình người Mỹ gốc Việt Lê thị Bông, tức Barbara Le ra khỏi nhà tôi.Tôi hi vọng rằng một ngày nào đó hai thằng “ Mỹ con” kia sẽ không còn nghệt mặt ra với đồng hương của mình nữa. Chúng sẽ nói và hiểu được tiếng Việt Nam. 
                                     
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 11/Oct/2011 lúc 8:09am

Bữa trưa trên thiên đường


Liu Xiaoyu, một sinh viên thuộc học viện nhiếp ảnh Hebei, đã trực tiếp sản xuất bộ phim này với đủ các vai trò như nhà viết kịch bản, đạo diễn, quay phim và xử lý hình ảnh. Tất cả chi phí của bộ phim chỉ là 30$ (600.000 VND) và được sử dụng chủ yếu trong phần trang phục Sau khi bộ phim được hoàn thành, Liu đã hỏi ý kiến của cha mẹ cậu như là những người khán giả đầu tiên và: "Khi tôi thấy mẹ tôi không thể ngăn những giọt nước mắt lăn dài, trái tim tôi như đang bay trên không trung bởi tôi biết tôi đã thực sự hoàn thành nó", Liu tâm sự. Bộ phim ngắn có độ dài chỉ hơn 6 phút này kể về một chàng trai vốn luôn xấc xược và hỗn hào với người mẹ già cả, ốm yếu nhưng cần cù làm lụng và rất yêu thuơng cậu. Rồi một ngày, cậu chuẩn bị một bữa ăn thật thịnh soạn và phong phú để cùng ăn với mẹ mình....
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 14/Oct/2011 lúc 8:19am

Bác Gái, Vợ Một Nhà Văn Yêu Nước (1)  
Phan Ni Tấn


Cuối năm 1978 từ trong một trại tù cải tạo trên cao nguyên tôi may mắn vượt ngục về tới Sài Gòn sống đúng nghĩa của một phường trôi sông lạc chợ. Hằng ngày vào những buổi trưa tôi uống nước phông-tên ngoài công viên lấy no và ăn mì quốc doanh vào những buổi chiều tối tại nhà một người bạn để cầm cự qua ngày. Ban đêm tôi đi lang thang ngủ bờ ngủ bụi ở bất cứ chỗ nào tôi cảm thấy an toàn.
Một buổi tối, chị em cô K.O, chủ quán café Banmê bên Thị Nghè có tổ chức một buổi hát chui với một số anh em văn nghệ sĩ quen biết còn sót lại ở Sài Gòn. Khoảng 9 giờ tối quán đóng cửa không tiếp khách. Sau lưng cánh cửa khóa, chúng tôi bắt đầu hát những bài tình ca đôi lứa, tình ca quê hương và những ca khúc đấu tranh, rồi vừa thưởng thức café, uống trà nóng vừa tán dốc đủ thứ chuyện trên trời dưới đất từ chuyện tiếu lâm đến chuyện vượt biên. Chúng tôi có nhắc đến nhà văn Mai Thảo, vợ chồng Nhã Ca-Trần Dạ Từ, nhà văn Nguyễn Đình Toàn, nhà thơ Thanh Tâm Tuyền... Quanh bàn tròn có mặt nhà văn Nguyễn Mộng Giác, nhạc sĩ Lê Uyên Phương, anh Thanh Tuệ (nhà xuất bản An Tiêm), nhà biên khảo Lê Huy Oanh, ba họa sĩ kiêm điêu khắc gia Phạm Văn Hạng, Trương Đình Quế, Nghiêu Đề và một số anh chị khác mà tôi không còn nhớ tên.
                  ***
Nửa khuya tan tuồng, lúc chia tay ra về cô Liên, con của nhà văn Doãn Quốc Sỹ vui vẻ hỏi tôi tối nay ngủ đâu, tôi cười cười nói có thể ngủ dưới chân cầu Bông (như tôi từng ngủ ngồi ở dưới đó và nhiều nơi khác; ngủ ngồi là ngủ gà ngủ gật có cái lợi là không bị chìm sâu trong giấc ngủ, lỡ có động tịnh gì cũng dễ bề thoát thân). Vợ chồng cô Liên thấy tôi tội nghiệp bèn đưa về nhà bố mẹ cô, tức ông bà Doãn Quốc Sỹ ngủ tạm qua đêm. (Mẹ của cô Liên là ái nữ của nhà thơ Tú Mỡ Hoàng Trọng Hiếu). Lúc đó nhà văn Doãn Quốc Sỹ đang bị giam ở trại giam Phan Đăng Lưu vì tội yêu nước và bị ghép vào thành phần "những tên biệt kích văn hóa" phản động.
Đã 33 năm qua rồi tôi vẫn còn nhớ như in đêm tôi nằm co trên bộ salon màu huyết dụ trong phòng khách của Doãn gia. Trong khoảng không gian mờ tối tôi nhận ra bức tranh mộc bản  Cây Tổ của họa sĩ Võ Đình khắc tặng nhà văn Doãn Quốc Sỹ treo trên vách đối diện. Bức tranh khắc cảnh con trâu bị chém treo ngành treo trên cây Tổ, bên cạnh một người đàn ông cụt chân chống nạng, con mắt long lên một ánh nhìn dữ dội. (Họa sĩ Võ Đình mất ngày 31-05-2009 tại Florida, Hoa Kỳ).
Từ ngày du thủ du thực chưa có đêm nào tôi được ngủ yên và ngon giấc như đêm dưới mái ấm Doãn gia. Chỉ một đêm thôi và suốt đời tôi sẽ chẳng bao giờ còn có thể tìm lại một đêm ấm áp tình người nào khác. Thật ra nhiều tháng trước đó, một buổi tối tôi có ghé qua Doãn gia cùng các em trong gia đình đàn hát những sáng tác vừa cũ vừa mới của tôi đến khuya mới ra về (chẳng biết về đâu). Chắc ảnh hưởng đến tiếng tăm và sĩ khí của bố Sỹ nên cả nhà từ lớn chí bé đều một lòng hào sãng, cương trực và rất có tinh thần văn nghệ.
Buổi sáng thức dậy tôi cúi đầu chào bác gái đang cùng Th. (thường gọi là chị hai) từ trên gác bước xuống. Vẻ mặt tươi tắn và ánh nhìn hiền từ của bác gái, bên cạnh dáng dấp thanh nhã, dịu dàng của Th. làm lòng tôi óng lên một niềm vui. Đúng lúc đó cái cô út ít nhỏ xíu trong nhà tự nhiên xẹt tới đứng trước mặt tôi đưa mắt nhìn một cái rồi te rẹt bước ra sau bếp, mất dạng. Cái nhìn dò hỏi đầy thơ ngây của cô út H. cho đến tận ngày nay tôi có cảm tưởng như ánh nhìn đó vẫn không chịu tắt trong tôi. Cô út dễ thương này coi bộ cũng đang cùng chàng trai tuấn tú nào đó ở đâu tuốt bên Hòa Lan nôn nả nắm tay nhau đi trên con đường tươi thắm. Sau đó chú em D.Q.Th. hoan hỉ kéo tôi ra quán cốc café ở đầu hẻm Thành Thái đãi một ly café đen đá ngon hết biết, ngon nhớ đời.
Cho tới bây giờ đã 33 năm ròng rã trôi qua lòng tôi vẫn chật ních một mái ấm của Doãn gia, của bộ salon màu huyết dụ, của những ánh nhìn trìu mến, của ly café đậm đà tình người. Và từ lâu lắm, hình như từ cái thuở tôi chào từ giã Doãn gia ra đi mà suốt đời cũng không có dịp quay lại, tôi vẫn âm thầm chịu ơn những tấm lòng nhân ái này. Chịu ơn nhưng không biết làm sao mà trả ơn, hôm nay tôi viết xuống những lời lẽ này như một cách để ghi khắc trong lòng một người vừa mới qua đời, một người đàn bà già Việt Nam đúng nghĩa mẫu mực, đôn hậu, một người mà tôi vẫn âm thầm coi bà như là Mẹ của tôi. Ngày bà mất tôi cũng khóc lên một tiếng.

(1) Bà Doãn Quốc Sỹ, nhủ danh Hoàng Thị Thảo, pháp danh Diệu Thảo sinh ngày 05 tháng 05 năm 1925 tại Hà Nội. Thất lộc ngày 08 tháng 09 năm 2011 tại Houston, Texas, Hoa Kỳ. Hưởng thọ 86 tuổi.
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 17/Oct/2011 lúc 8:24am

http://images.yume.vn/buzz/20110715/l%C3%B2ng%20ng.jpg
 

Lòng người là giấy, chứ không phải vàng đá

Là giấy nhưng sao người ta cứ nghĩ là vàng để đem đi thử lửa? Đến lúc cháy mất rồi lại thất vọng lòng dạ bạc đen?

Sao ta không hiểu rằng, bởi là giấy, nên cái cần và nên làm là chúng ta phải nâng niu, giữ gìn cho nhau để tránh khỏi nắng mưa của cuộc đời?
 
Tôi muốn được kể một câu chuyện:

Chuyện xưa kể rằng, có một đạo sĩ nổi tiếng thần thông, trong một lần ngao du sơn thuỷ, thấy một phụ nữ đang quỳ bên một ngôi mộ mới, vừa khóc vừa quạt. 
Lấy làm lạ, đạo sĩ đến hỏi sự tình. Mới hay rằng, người dưới mộ là người chồng vừa khuất của thiếu phụ.
Ngán thay, trước khi chết có trăn trối lại rằng đến khi mộ khô thì người vợ trẻ hãy tái giá. 
Người thiếu phụ vì thế mới ở đây, quạt cho mộ nhanh khô. Người đạo sĩ động lòng, mới hoá phép giúp cho thiếu phụ, ngôi mộ thoắt cái đã khô như những ngôi mộ cũ. 
Người thiếu phụ vui vẻ cảm ơn đạo sĩ để về nhà, nơi người tình mới của mình mong đợi.

Người đạo sĩ về nhà, đem chuyện kể với vợ của mình. 
Vợ của đạo sĩ chê cười người đàn bà kia thật bạc tình. 
Được một thời gian, bỗng dưng người đạo sĩ mắc phải bạo bệnh, liệt giường và tạ thế. 
Trước khi nhắm mắt mới trăn trối lại rằng hãy giữ quan tài đủ bảy bảy bốn chín ngày rồi hãy an táng. Người vợ khóc vâng lời.

Một ngày kia, có một người xưng là học trò đến xin ở lại chịu tang người đạo sĩ. Dung mạo người học trò thật khôi ngô tuấn tú. Thế rồi, chỉ ba ngày sau, người vợ đạo sĩ đã ăn nằm với người học trò.
Được bảy ngày sau, người học trò lăn ra ốm. 
Bệnh ngày một nặng. 
Người học trò mới nói với người vợ đạo sĩ rằng, ta mắc phải bạo bệnh, chỉ có ăn óc người mới khỏi được. Người vợ liền lấy vồ, bật nắp quan tài định đập vỡ đầu xác chết để lấy óc cho nhân tình ăn.
Nào ngờ, vừa bật nắp quan tài thì vị đạo sĩ tỉnh lại. 
Người thiếu phụ quay lại thì chàng trai trẻ đã biến mất tự khi nào. 
Mới hay, đó là do phép thuật phân thân của người đạo sĩ cao tay. Người vợ xấu hổ quá, mới tự tử mà chết.

Người đạo sĩ đó là Trang Chu (còn gọi là Trang Tử), cũng là một hiền triết của phương Đông chúng ta. 
Câu chuyện đó, câu chuyện “vợ thầy Trang Chu” lưu truyền gần hai nghìn năm để chê cười cái gọi là “lòng dạ đàn bà”.

Ngày nay, lại có chuyện anh đảng viên nọ sau khi “hoàn thành kế hoạch” (hai con), mới giấu vợ đi đình sản. 
Người vợ thì lại muốn sinh thêm con cho vui cửa vui nhà nên “tích cực cố gắng” mà mãi không thấy “kết quả”. Người chồng vẫn giấu vợ, thậm chí bởi vì cái khoản đình sản kia không ảnh hưởng đến khả năng đàn ông của anh, nên anh lại còn làm ra vẻ hăng hái “phụ giúp” vợ mình.
Thế rồi, một hôm người vợ vui vẻ thông báo những “nỗ lực cố gắng” của hai vợ chồng đã có “kết quả tốt đẹp”, cô đã có thai ba tháng. 
Choáng váng, nhưng người chồng giấu đi để đi “kiểm định lại”. Kết quả biểu đồ của anh là 0%. Cuộc tiểu phẫu đình sản đã thành công tốt đẹp.
Ấy, cái câu chuyện thời nay cũng đang nói đến cái lòng dạ con người…

Lại có người lấy email giả, để chính mình chat và “thử lòng” người chồng mà mình hết mực thương yêu. 
Để đến khi anh ta trở nên lạnh nhạt tình cảm vì cho rằng người vợ thiếu tin tưởng tình yêu của mình. 

Rồi lấy bạn gái của mình để thử chồng, và rước đau khổ vào mình khi người chồng chẳng “trước sau như một”.

Còn bao nhiêu câu chuyện trớ trêu nữa mới đủ để chúng ta hiểu rằng, lòng người ta là giấy, chứ nào đâu phải vàng đá…

Vì là giấy, nên sao ta cứ nghĩ là vàng để đem đi thử lửa? Đến lúc cháy mất rồi lại thất vọng lòng dạ bạc đen? 

Sao ta không hiểu rằng, bởi là giấy, nên cái cần và nên làm là chúng ta phải nâng niu, giữ gìn cho nhau để tránh khỏi nắng mưa của cuộc đời?

Sao ta không hiểu rằng, bởi là giấy nên đẹp xấu là do ta vẽ nên, tốt lành là do ta viết nên mà thù hận cũng là ta đặt bút. Sao ta không viết lời hay, vẽ lấy bức tranh yên bình để xây dựng, gìn giữ cái hạnh phúc mong manh của gia đình?

Tôi chẳng cho cách làm của thầy Trang Chu là hay, tôi chẳng cho người đảng viên kia là không có lỗi. 

Tôi cũng chẳng ủng hộ việc thử lòng của các chị thời nay với email và các phương tiện khác.

Thời gian thì trôi đi, nhưng lòng người thì vẫn vậy thôi, vẫn là giấy. 
Mà đá cũng mòn, vàng cũng phai, huống hồ là giấy…
Người ta, cùng là một người, sao có lúc nhân từ đáng yêu, lại có lúc cay nghiệt thế?

Ấy bởi ai cũng có hai mặt tốt xấu trắng đen lẫn lộn.

Là những người thề non hẹn biển với nhau, cam kết gắn bó với nhau để xây dựng tổ ấm của mình, tôi thiết nghĩ việc nên làm là mang cái mặt tốt ra để đối đãi với nhau. 
Lấy mặt trắng mà đối đãi với nhau (phu phụ tương kính như tân – vợ chồng kính nhau như khi còn mới). 
Đó mới là cái kế vạn toàn. 
Chứ nếu cứ mang cái mặt trái để đối đãi với nhau, mang cái xấu để dành cho nhau, như thế thì đồng sàng mà dị mộng, người hiền lành mà đối xử với nhau như trộm cướp. 
Cái đó gần với sự tan vỡ lắm.

Ai ơi, nếu còn thương nhau, chớ có thử lòng nhau. Và hãy hiểu, lòng con người là giấy. 

Ai không động lòng trước một cử chỉ ân cần? 
Ai vô cảm bởi một lời khen? 
Ai vắng nhau lâu ngày mà không hề ham muốn? 
Chẳng phải lòng mình cũng vậy ư?
Vậy nên, nâng niu bao nhiêu vẫn chưa đủ. 
Một chút nghi kỵ đã là thừa.









Chỉnh sửa lại bởi Nhom12yeuthuong - 17/Oct/2011 lúc 8:25am
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
hoangngochung
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 27/Nov/2010
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 513
Quote hoangngochung Replybullet Gởi ngày: 17/Oct/2011 lúc 10:00am

Cảm ơn đã chia sẻ những chuyện hay, thật ra là những câu chuyện quá hay về niềm tin, hy vọng và gương tốt trên đời.
hung0989077120@ahoo.com
IP IP Logged
<< phần trước Trang  of 141 phần sau >>
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.570 seconds.