Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Tâm Tình
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Đời Sống - Xã Hội :Tâm Tình
Message Icon Chủ đề: Vợ chồng già Gởi trả lời Gởi bài mới
Người gởi Nội dung
lo cong
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 30/Oct/2007
Đến từ: Canada
Thành viên: OffLine
Số bài: 2596
Quote lo cong Replybullet Chủ đề: Vợ chồng già
    Gởi ngày: 04/Sep/2011 lúc 3:03pm
 
 
Vợ chồng già / hi hi hi / ha ha ha !

 
Đi đâu hai cụ chung xe
Cụ ông cầm lái - cụ bà chỉ huy
Vợ chồng nay đã về già !
Lưng còng gối mỏi, làn da đồi mồi
Khó khăn lúc đứng khi ngồi
Mắt mờ, tai điếc, răng thời lung lay .
Về hưu rảnh rỗi cả ngày
Cụ bà đổi tính nên hay nói nhiều
Thôi thì cụ nói đủ điều
Trời mưa trời nắng, từ chiều tới khuya
Trách ông già: vẫn không chừa
Tính tình gàn dở, khó ưa quá trời
Lỗi ông cụ nhớ thật dai
Lâu lâu lại nhắc một vài tật xưa
Đi đâu hai cụ chung xe
Cụ ông cầm lái cụ bà chỉ huy
Hãy nhìn đèn đỏ đằng kia
Ông mà vượt nó hồn lìa thế gian
Lái xe cốt giữ an toàn
Chạy nhanh lái ẩu là tan thân già
Những ngày hai cụ ở nhà
Đứng ngồi quanh quẩn vào ra đụng đầu
Truyện trò chỉ được vài câu
Thế là các cụ bắt đầu sùng lên
Bà rằng: ông dở chứng điên
Ông rằng: bà mới vô duyên trên đời
Hôm nao khó ở trong người
Không gây nhau thấy buồn ơi là buồn
Gây hoài riết trở thành quen
Gây xong lại nắm tay em cười hòa
Cãi nhau cái thú người già
Không gây không cãi, cửa nhà buồn tênh 
 
 


Chỉnh sửa lại bởi lo cong - 04/Sep/2011 lúc 3:05pm
Lộ Công Mười Lăm
IP IP Logged
hoangngochung
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 27/Nov/2010
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 513
Quote hoangngochung Replybullet Gởi ngày: 06/Sep/2011 lúc 9:51pm

Lấy nhau sau 63 năm bị ba mẹ ngăn cấm

 

Ông bà Bill Labram và Peggy Fryer - Ảnh: Daily Mail

Yêu nhau từ thuở thiếu niên nhưng Bill Labram và Peggy Fryer (Southampton, Anh) buộc phải chia lìa vì gia đình ngăn cản. Mãi 63 năm sau, định mệnh một lần nữa đưa họ đến với nhau. Họ cùng nhau lớn lên trong một khu phố. Tình yêu đến với họ vào những năm 1947 khi Bill và Peggy chỉ mới 16-17 tuổi. Tuy nhiên mối tình này đã gặp phải sự ngăn cấm của gia đình Peggy.

Cha của Peggy cho rằng con gái mình yêu đương quá sớm và buộc cả hai không được gặp gỡ nhau nữa. Thậm chí, ông còn nhốt Peggy trong nhà. Thế là Bill và Peggy đành phải chia tay trong đau khổ.

Năm 1952, Peggy kết hôn với một người đàn ông khác và có hai con trai, bốn cháu và một chắt. Cũng năm đó, Bill lấy vợ và cũng có hai con và bốn cháu. Mỗi người đi một con đường riêng, lập gia đình với người khác và có con cái nhưng họ vẫn luôn nghĩ về nhau… Mãi đến năm 2007 sau khi vợ Bill qua đời, bạn của Peggy đã gửi cho bà một mẩu tin thông báo về đám tang trên tờ báo địa phương kèm một tấm ảnh cũ khi họ còn yêu nhau.

Ký ức về mối tình đầu lại ùa về. Peggy - lúc này đã li dị chồng - quyết định liên lạc với Bill. Bà sử dụng danh bạ điện thoại để tìm kiếm số của ông và cuối cùng họ đã nhanh chóng tái hợp. Dù cùng sống trong một thành phố suốt 60 năm qua nhưng cả Bill và Peggy đều không dám tìm gặp nhau bởi đều nghĩ người kia chắc hẳn không còn nhớ đến mình.

Peggy cho biết: “Tôi có cảm giác như chúng tôi được định mệnh ban cho một cơ hội thứ hai để yêu nhau. Tôi nghĩ về ông ấy mỗi ngày suốt từng ấy năm và ông ấy cho biết cũng thường xuyên nhìn tấm ảnh chụp tôi lúc đang học và tự hỏi tôi đang làm gì”.

Bill khẳng định: “Chúng tôi chưa hề quên người xưa. Thật kỳ diệu. Tôi chưa bao giờ nghĩ chúng tôi có thể gặp lại nhau và có một cơ hội thứ hai để yêu nhau. Khi bà ấy gọi cho tôi và tôi đến gặp bà ấy, tôi có cảm giác như thể chúng tôi chưa hề bị chia cắt bao giờ. Khi tôi gõ cửa, bà ấy nói “Ông đến sớm thế”. Nhưng tôi không hề tới sớm. Tôi đã tới trễ 60 năm”.

Chỉ vài tuần sau khi tìm gặp lại nhau, Bill đã cầu hôn Peggy và họ đã chuyển tới thành phố Bridport, Dorset. Sau sáu thập kỷ bị chia cắt bởi sự cấm đoán của gia đình, Bill Labram và Peggy Fryer - lúc này đã 80 tuổi - quyết định làm đám cưới vào cuối tuần trước với sự chứng kiến của người thân trong gia đình.

THIÊN HƯƠNG (Theo Daily Mail)



Chỉnh sửa lại bởi hoangngochung - 06/Sep/2011 lúc 9:53pm
hung0989077120@ahoo.com
IP IP Logged
hoangngochung
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 27/Nov/2010
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 513
Quote hoangngochung Replybullet Gởi ngày: 06/Sep/2011 lúc 9:55pm

GẦN 40 NĂM CHĂM SÓC NGƯỜI VỢ ĐIÊN

Đêm trên miền sơn cước thanh vắng, mưa bắt đầu nặng hạt dần, cả vùng đồi đã chìm sâu trong giấc ngủ. Một tiếng hét từ đâu vọng lại đập vào vách đá phía xa kéo tôi ra khỏi giấc ngủ. Ông Chuân nằm bên khẽ cựa mình thở dài: "Khổ cho ông Hoa, lại đội mưa đi tìm vợ…".

 

Ông Trương Như Hoa hàng ngày chăm sóc vợ  

Và tiếp đó là câu chuyện cảm động chập chờn trong giấc ngủ của tôi. Sáng hôm sau tôi đòi ông Chuân đưa sang căn nhà của người đàn bà điên đã chạy suốt đêm mưa hôm qua.

Có lẽ căn nhà lợp lá kè này là căn nhà lá còn lại cuối cùng ở cái làng phần nhiều là dân lên khai hoang. Mùi khai nồng từ đâu bay tới làm nên cảm giác khó chịu khi bước vào căn nhà. Hiểu cảm giác của tôi, ông Chuân giải thích: "Mùi của bà ấy đấy!". Ngồi trước mặt chúng tôi là người đàn ông mang khuôn mặt khắc khổ với nước da sạm nắng. Ông là Trương Như Hoa ngụ tại thôn Đồng Hải (xã Hải Long, huyện Như Thanh, Thanh Hóa).

Ông kể: Quê ông ở huyện Triệu Hải (tỉnh Bình Trị Thiên, nay là Quảng Trị). Năm 1954, ông tập kết ra Bắc làm công nhân ở Nông trường Trịnh Môn (Nghệ An); 2 năm sau chuyển về Lâm trường Như Xuân (Thanh Hóa) làm lái xe. Năm 1959 ông cưới vợ qua sự mai mối của một đồng nghiệp và chấp nhận cảnh hai vợ chồng ở cách xa nhau vì vợ ông làm ở nhà máy Dệt Nam Định.

Sau này, khi nhà máy bị đánh phá nặng nề ông Hoa xin cho vợ về Lâm trường Như Xuân làm công nhân. Cuộc sống của gia đình công nhân nhỏ bé cứ thế trôi, hai ông bà hạnh phúc bên 6 đứa con. Nhưng đến năm 1973 bà phát bệnh, căn bệnh thần kinh do di chứng của 2 lần chịu sức ép của bom. Điều trị tại bệnh viện tỉnh 2 năm thì bệnh thuyên giảm và bà cũng về mất sức. Hàng ngày thuốc thang, tưởng có thể chiến thắng được bệnh tật, nhưng đến năm 1978 thì bệnh của bà trở nên trầm trọng, các bác sỹ lắc đầu. Và từ đó đến nay, ông Hoa đã viết nên một chuyện tình cảm động.

Ông Hoa chỉ vào chiếc ấm nhôm trên bàn: "Chiếc ấm ni tôi mua theo phân phối từ xưa. Chú xem, tôi phải gò lại hàng trăm lần rồi đấy. Bà ấy lên cơn là đập hết đồ trong nhà". Rồi ông chỉ những song cửa gãy đôi, chiếc mâm méo mó và cả những vết sẹo trên khuôn mặt của mình. Tất cả là tác phẩm của những khi bà lên cơn điên loạn.

Những ngày bà mới phát bệnh các con còn nhỏ, một mình ông phải gồng mình trông vợ, chăm con. Rồi liên tục những đêm hàng xóm phải nghe tiếng la hét: "Cháy, cháy, máy bay kìa" và những lời than khóc: "Con ni cháy đen tề, thằng tê chết rồi!". Bà bị ảnh hưởng quá lớn của trận bom ngày trước. La hét, bà chạy khắp làng, chui vào trốn trong các lùm cây, cống rãnh. Mỗi lần như vậy người ta lại thấy ông cầm đèn chạy theo tìm. Khi bà còn khỏe, còn chạy được thì hầu như hôm nào dân làng cũng chứng kiến cảnh đó, lâu dần thành quen.

Ông còn nhớ, một đêm mùa hè năm 1980, bà bỏ chạy ra ngoài nhưng không la hét. Khi ông phát hiện ra chạy theo thì chẳng thấy đâu. Mấy người con ông nước mắt ngắn nước mắt dài cùng cha thắp đuốc đi tìm mẹ. Gần nửa đêm, đám thanh niên đi chơi nghe tiếng người thở dưới chân cây cầu vào làng nên bỏ chạy tán loạn. Ông tìm được bà về. Cả đêm đó ông thức trắng canh, sợ bà chạy ra ngoài.

Nhiều lần ông tìm thấy bà đang ngồi thu lu ngoài đồng, nơi góc vườn, trong chuồng lợn. Vào những ngày mưa, sấm chớp bệnh của bà càng phát mạnh. Theo ông thì bà nghe tiếng sấm sét tưởng tiếng bom nên tâm thần sinh ra hoảng loạn. Căn nhà tranh của ông bà then cài cửa không đủ chắc chắn để cản lại cơn điên bà gánh chịu.

Một đêm đông giá lạnh, bà lên cơn chạy ra ngoài và rơi xuống chiếc giếng mới đào chưa kịp xây thành. May mắn, vùng đồi núi nên nước trong giếng không sâu, chỉ ngang ngực. Khi ông lao theo thì bà đã vùng vẫy dưới giếng, không kịp suy nghĩ, ông nhảy theo xuống giếng và cho bà ngồi trên cổ. Hồi đó làng xóm còn thưa thớt, nhà nhà cách nhau xa nên tiếng kêu giúp đỡ của ông vọng lên chỉ màn đêm nghe được. Lúc này các con ông đã đi làm ăn xa, chỉ còn đứa con gái út đang tuổi ăn tuổi ngủ nên không nghe được tiếng cha gọi. Vậy là cả một đêm ông đội bà đứng dưới làn nước lạnh cóng. Sáng sớm đứa con gái tỉnh dậy phát hiện, bà mới được đưa lên khỏi giếng.

 

Ngày ông bà còn ăn cơm chung mâm, nhiều khi đang ăn bà cầm bát cơm ném thẳng vào mặt ông rồi hét toáng lên. Chuyện mâm cơm bay từ trong nhà ra ngoài sân dường như đã thành quen thuộc với ông. Có lần bà hắt nước sôi vào người ông đến giờ còn để lại dấu tích. Sau ông phải mua bát nhựa cho bà dùng để khi bà lên cơn mặt ông bớt chịu đựng. Trong nhà ông không dám để những đồ mà bà có thể biến nó thành "vật thể bay" bất cứ lúc nào. Theo lời ông Hoa, khổ nhất là chuyện vệ sinh của bà, rồi mỗi lần tắm rửa, cắt tóc, cắt móng chân móng tay ông phải ngồi "nịnh" hàng giờ đồng hồ bà mới đồng ý.

Ông Hoa ngập ngừng kể tôi nghe chuyện người bố vợ của ông đến thăm con cách đây 18 năm. Ở chơi gần một tháng, chứng kiến cảnh người con rể chịu cực khổ với người vợ điên loạn, đập phá suốt ngày ông không cầm được lòng. Khi bước chân lên xe về quê, ông gọi ông Hoa lại và nhắn nhủ: "Tuy đó là con gái của bố nhưng nó bệnh nặng quá rồi, cứ để thế khổ cho con quá. Không ai trách con đâu!". Người cha gạt nước mắt nhìn anh con rể đang đứng bần thần nơi bến xe. Ông hiểu ý người cha vợ. Ông chạy về nhà mở tủ đem toàn bộ số thuốc ngủ còn lại vứt xuống ao, số thuốc bệnh viện cấp để dùng cho bà mỗi khi bà lên cơn. Hôm đó ông ôm bà khóc cả một ngày.

Đôi mắt bất thần của ông nhìn vào phía sau cánh cửa căn buồng. Nay tôi phải đút cơm cho bà ấy ăn no trước rồi mình mới ăn được, không bà ấy lại đập phá. Sáng nào ông cũng đi chợ mua bún, bánh đúc cho bà, đấy là những món bà thích từ thời con gái. Ông Hoa trầm ngâm: "Hôm nào không có hai món đấy là bà ấy đòi, không chịu ăn cơm và ông lại ngồi tỉ tê hàng giờ đồng hồ bà mới chịu ăn.".

Nay bà ít chạy nhảy la hét lung tung hơn ngày trước, mà có chạy cũng không được lâu, đôi mắt ông Hoa ngân ngấn nước: "Bà ấy yếu rồi, sức khỏe kém lắm rồi!". Không khí căn nhà lắng xuống khi ông Hoa đưa tay thấm giọt nước mắt nơi gò má. Hình như ông đã quá quen với cảnh la hét đập phá của bà, giờ vắng nó ông thấy buồn. Buồn hơn khi ông nhận ra bà không đập phá được như ngày trước là do sức khỏe của bà đã cạn kiệt.

Với hai suất lương hưu ít ỏi cặp vợ chồng già đang sống những ngày cơ cực của mình. Căn nhà gỗ lợp lá kè vẫn ấp ủ trong nó câu chuyện tình có một không hai trong suốt bao năm qua.

_______________________________________________________

Tại thôn Đồng Hải (xã Hải Long huyện Như Thanh, Thanh Hóa).

hung0989077120@ahoo.com
IP IP Logged
hoangngochung
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 27/Nov/2010
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 513
Quote hoangngochung Replybullet Gởi ngày: 06/Sep/2011 lúc 9:58pm

THƯ TÌNH VIẾT MUỘN !

 

Cụ Nguyễn Văn Tuyết
(từ trần ở Paris, thọ 91 tuổi)

 

Paris ngày 14 tháng 10 năm 2010

 

Bà nó à!

À mà thôi, gọi là EM đi cho tình tứ như ngày xưa chúng mình cùng chung giường chung gối, chung cả đường đi lẫn lối về em nhá. Dù rằng nay đôi ta mỗi người một ngả, lại đông con nhiều cháu mà còn xưng hô “anh em” thì e rằng con cháu nó cười. Nhưng đây là tình thư của anh gửi tới em, lá thư đầu tiên và cũng là lá thư cuối cùng. Anh viết thư này từ ngày 14/10/2010, mỗi ngày vài dòng, khổ nỗi mỗi khi viết đến tên em là như có hơi nước che mờ cặp kính nên anh đành phải buông bút, dụi mắt thở dài! Viết lâu rồi đấy mà chưa nói được gì với em! Chuyện tình trong 60 năm dễ gì nói trong vài trang giấy, kể trong vài ngày.

            Thôi thì thế này nhá, nếu không xong để gửi qua đường bưu điện thì anh sẽ mang đến nơi em đang ở để trao tận tay. Anh biết nơi em ở rồi, kể từ khi em dọn về bên ấy, anh đã rất nhiều lần đi vòng quanh bên ngoài để ngắm một căn nhà 2 tầng(*) nhỏ-nhắn, xinh-xắn, mà nghe đâu em khoe với hàng xóm rằng: “Tôi ở tầng dưới, còn tầng trên để dành cho nhà tôi”...

 

Em à!

Nhớ lại ngày nào em là thiếu nữ 16 tuổi xinh tươi làng Vạn, hoa khôi huyện Yên Phong, còn anh là trai làng Đại Lâm, chúng mình cùng tỉnh Bắc Ninh, nhưng anh theo gia đình ra Hà Nội học nên không có dịp “thả thơ”

Em còn nhớ những vụ “thả thơ” này không? Dì Phách, cô em gái của em nói rằng em đẹp lắm lại là con nhà có của nên trai huyện trai làng nhiều người ngấp nghé, mỗi khi em đi chợ thì họ len lén bỏ thư vào cái làn mây em xách tay, khi về nhà mới biết, thế là mấy chị em đọc thư tỏ tình của các chàng nhát gái mà cười bò ra, nghe cũng vui đấy nhỉ. Nhưng anh thì chưa có dịp thả thơ như thế.

Khi bố anh cần người giúp ông trong việc kinh doanh nên đã bắt anh lập gia đình sớm, anh có quen biết nhiều cô gái ở Hà Nội nhưng không thương ai. Thế rồi một hôm bố anh bảo diện vào rồi đi chợ huyện Yên Phong với ông, anh hỏi bố rằng con đi chợ làm gì thì bố nói:

- Trai khôn tìm vợ chợ đông, gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân.

Khi đến chợ rồi mới biết ngày đó em cũng đi chợ, có lẽ người lớn đã sắp xếp cho chúng mình trông thấy nhau. Nghĩ lại cũng buồn cười nhỉ, bây giờ khác xưa rồi, trai gái quen biết và yêu rồi mới dẫn cha mẹ hai bên gặp nhau.

“Anh trông thấy em đi chợ anh thương”. Bố chưa kịp hỏi ý kiến anh có bằng lòng “cô ấy” hay không thì anh vội nói trước:

- Chưa gặp đã bén hơi. Tại duyên số rồi bố ơi!

Thế là bố khuyên anh “cưới vợ thì cưới liền tay, chớ để lâu ngày lắm kẻ dèm pha” nên anh vội nhờ người đem tặng em “một thúng xôi vò, một con lợn béo một vò rượu tăm. Tặng em đôi gối em nằm, cái chăn em đắp..” năm đó chúng mình vừa tròn 17.

Họ hàng nhà trai khen em xinh gái và có duyên, nhưng bố anh thì nói: “vợ chồng cùng tuổi nằm duỗi mà ăn”, và để cho con đừng có ỷ lại nằm duỗi mà ăn nên ông cụ đã giao cho vợ chồng mình xưởng sửa chữa và cho thuê xe xích-lô.

 

Khởi đầu là thế, mình sống đầm ấm bên nhau, không vất vả về kinh tế nên năm 1941 em sinh con gái đầu lòng, anh đặt tên con là Trinh. Rồi lần lượt có thêm con Thục, con Thuý, cả ba xinh gái giống mẹ. Sau 3 cô con gái là em sinh liền cho anh 4 cậu con trai, tên các con là Phong, Tuấn, Quang, Anh. Đời sống gia đình đang thanh bình ấm êm, các con đi học có xích lô đưa đón thì bỗng “trời đất nổi cơn gió bụi”, em má hồng chịu nỗi chuân chuyên, bụng mang dạ chửa mà phải cùng gia đình di cư vào Nam. Vừa đến Hải Phòng thì em sinh con gái thứ tư nên mình đặt tên con là Nguyễn Thị Hải, và Hải là đứa con thứ tám cùng theo bố mẹ di cư 1954 vào vùng đất lạ.

Cưới năm 1939 tới 1954 khi di cư mới được có 8 con nên em nói còn ít. Nhớ hôm dẫn em vào bảo sanh viện, anh nắm tay em an ủi thì em mỉm cười nói: “Anh còn phải đưa em vào bảo sanh viện tám lần nữa, vì thầy tướng số nói em sẽ có 16 người con tất cả”.

Nghe em nói xong anh cười to khiến mấy bà bầu ngồi ở phòng chờ đợi quay sang nhìn vợ chồng mình, chắc họ tưởng mình vui vì mới có con đầu lòng. Nghĩ vậy nên anh ghé vào tai em thì thầm: “Bao nhiêu cũng được, chỉ sợ vất vả cho em thôi, còn anh thì ..lo tất”.

            Vào tới Saigon, gia đình mình ở số nhà 247 đường Thành Thái, Chợ Lớn, gần ngã tư Trần Bình Trọng. Em vẫn tề gia nội trợ, còn anh, xoay đủ nghề. Từ mở trường dạy lái xe hơi lúc mới vào rồi làm tôm đông lạnh ở Rạch Giá, lập trại trồng nấm rơm ở suối Lồ Ồ Dĩ An, thầu xây dựng với anhThúc, làm cho USOM, và như em biết đấy, công việc cuối cùng của anh là làm việc ở tòa Lãnh Sự Pháp Saigon, nhờ đó mà sau 30/4/1975 gia đình ta đi định cư tại Paris.

Tuy nhiên anh đã không giúp em được toại nguyện theo như lời khuyên của thầy tướng số nên trong thời gian ở Saigon, vợ chồng mình chỉ thêm được có 4 “cậu” là Tiến, Thắng, Thụy, Xương và 2 “cô” Loan, Hà, vị chi là 14 mụn con gồm 6 gái, 8 trai, còn thiếu 2 vì thế em mới nuôi thêm 2 cháu ngoại là Yến và Việt, con của Thúy để cho đủ 16 đứa.

 

Nay tuy không được vuông tròn trọn vẹn nhưng tất cả đã ổn định cả rồi. Hiện tại ở Mỹ có 3 cô 2 cậu, ở Pháp có 4 cậu, 3 cô. Con nào cũng có gia đình hạnh phúc một vợ một chồng và đã tặng cho em rất đông cháu nội ngoại và đã hơn 10 chắt rồi đó. Duy chỉ còn cô út Thu Hà, đẹp, thông minh hoạt bát, nhiều chàng ngấp nghé lắm nhưng con gái út của chúng mình lơ là chuyện này mà lại siêng năng nghiên cứu kinh sách nhà Phật. Tại duyên số thôi.

 

Anh rất hài lòng vì các con, trai gái thì hiếu thảo con dâu nào cũng coi như con đẻ, nhất là Yến, vợ Quang, hiện là chị dâu trưởng, là gương mẫu cho các em. Còn con rể ư? Các cụ xưa gọi con rể là tế-tử nên anh thấy tế-tử nào cũng tử tế cả, các anh ấy là người biết điều, lo toan mọi bề cho vợ con, lại hiền lành. Duy chỉ có chồng của Thúy, tức bố của Yến-Việt là quân nhân nên vất vả và luôn phải xa gia đình, nghèo và hơi ngang. Em nhớ không, lần đầu tiên hắn đến nhà mình thăm con Thúy mà lại ngồi gác chân mang giầy nhà binh lên bàn! Anh giận quá! Nhưng bù lại, nay mỗi lần anh sang Mỹ thăm con cháu, thì bố Việt chở anh ra khu chợ ABC mua bánh ngọt, đi ăn hủ tíu Mỹ Tho, lại còn bảo vợ chồng Việt “niềng” răng cho ông ngoại, anh thấy vui vui nên nói: “Khỏi niềng, răng của ông còn rất tốt và đẹp nữa, con chỉ cần bỏ vào ly nước ngâm với thuốc sát trùng cho ông là được rồi.”

Anh nói tới đâu rồi nhỉ? Thế đấy, còn minh mẫn nhưng hơi lộn xộn nên thư viết cho em cứ chuyện nọ xọ sang chuyện kia. À nhớ ra rồi, tới chỗ vuông tròn.

Anh nói không được vuông tròn trọn vẹn là vì con gái đầu lòng đã ra đi khi vừa tới Mỹ, và hai con trai hy sinh cho Tổ Quốc, cậu cả Phong bị thương ở Ban-Mê-Thuột rồi hy sinh, cậu Tuấn thì tử trận trên biển, chìm theo hộ tống hạm HQ10 trong trận hải chiến để bảo vệ Hoàng Sa chống lại quân xâm lược Trung Cộng vào ngày 19 tháng 1 năm 1974.

Em à, anh không muốn nhắc chuyện xưa làm đau lòng em khi mất đi 2 đứa con trai tuổi còn quá trẻ, nhưng cũng là một đóng góp cho đất nước như biết bao các gia đình khác. Mới đây ông HQ Đặng Thanh Long đã thay mặt Phó Đề Đốc Đặng Cao Thăng, Tổng Hội Hải Quân Hải Ngoại đem cuốn Hải Sử Tuyển Tập và Hải Sử HQVNCH đến tặng gia đình ta với bút tích ghi ở trang đầu như sau: “Kính biếu gia đình liệt sĩ Hoàng Sa HQ Nguyễn Văn Tuấn”.

Thấm thoát thời gian mau thế đấy em nhỉ, chả cần nói nhiều thì các con cũng biết từ lúc có đứa con đầu lòng ở Hà Nội rồi có thêm cô Út Hà ở Saigon rồi gia đình ta di tản, bảo lãnh, vượt biển vượt biên mà được thế này cũng là tạ ơn trời đất lắm rồi. Nhưng bất hạnh thay, em lại bỏ anh mà đi! Dễ chừng gần chục năm rồi chứ ít sao? Lúc trước anh nhớ chính xác ngày giờ năm tháng em ra đi, nhưng sau lần anh bị té dập đầu thì trí nhớ không còn tốt.  Thôi để anh mở sổ ra xem ngày nào em bỏ anh ra đi. Đây rồi, ngày 14 tháng 10 năm 2002, và anh viết lá thư này cho em cũng vào ngày 14 tháng 10, em đi đã được 8 năm rồi đó.

 

Em à! Anh nhớ rõ là em bị bệnh thận, đang lọc máu thì bị té dập xương chậu và sau một thời gian ngắn thì em ra đi! Ngày đó mắt anh đã khô, khi thấy con cháu vây quanh mẹ, quanh bà nức nở khóc làm anh nghẹn cổ họng.

Thôi thế cũng xong, vì hiện nay em luôn được mạnh khỏe, không còn lo lắng về bệnh tật, cuộc sống mới lại bình an, thảnh thơi mãi mãi. Nhưng cẩn thận nhá, mỗi lần “vân du” em nhớ mang theo áo ấm và gài dây an toàn kẻo gió mạnh lại thổi bay mất thôi.

Em nhớ không? Lúc sinh thời mỗi lần mang thuốc và nước đến cho em thì anh chỉ nói vắn tắt: “thuốc đây, bà uống đi”! Nay anh muốn gọi tiếng EM, nói thật nhiều lời thương yêu thì giọng anh đã khò khè, thở không ra hơi! Hối hận quá!

Khi em đi rồi mà đàn chim bồ câu cứ đúng giờ nó lại bay về đậu trên thành cửa sổ, cái của sổ của căn phòng trên tầng thứ 15 của tòa biu-đinh thuộc thị xã Alfort Ville, ngó ngay ra bờ sông Seine, từng đôi chim gù-gù sát cánh bên nhau chờ những miếng bánh mì mà em bẻ vụn ra rồi rắc cho chúng ăn.

 

Ngày đó anh cằn nhằn em hoài vì cái việc cho chim ăn, nó ăn rồi ị, sương mù và mưa phùn làm bánh mì thừa ướt nhão nhẹt ra rồi mốc xanh lên khiến anh lại phải dọn. Bực mình anh la thì em nhỏ nhẹ nói: “tội nghiệp chúng nó”. Thôi đành cứ để em cho chim ăn rồi anh dọn phân và thức ăn thừa kẻo gió lùa vào phòng mình hôi cứt chim. Khi em về trên đó rồi, mình anh ở lại mỗi ngày phải nhìn từng đôi chim gù gù tỉa cánh cho nhau mà nhớ em vô vàn. Đó là lý do thầm kín anh không muốn rời căn phòng này để về ở với con cháu.

 

Có những chiều Hè hoàng hôn nắng úa, đứng ngắm hình em treo trên tường, anh thì thầm: “sao em không nói với anh” rồi ngó qua cửa sổ anh bỗng thấy như có mưa phùn chiều Đông, thì ra mắt anh mờ và anh cảm thấy lạnh lẽo!

Tất cả đồ dùng của em còn để nguyên chỗ cũ, nhìn đâu cũng thấy em vì thế các con xin dọn cho gọn gàng thì anh không cho. Bẩy cô cậu thay nhau thuyết phục bố về ở với các con nhưng anh nhất định không muốn rời xa nơi này, tuy không còn là tổ ấm nhưng còn cái ghế em ngồi, còn cửa sổ mà em đứng rắc bánh mì cho chim ăn. Anh không thổ lộ những điều thầm kín đó mà chỉ nói: “Bố còn khỏe, tự lo cho mình được mà, các con cứ yên tâm”.

Mà anh còn khỏe thực, mỗi sáng không còn lái xe ra Paris 13 để ăn hủ tíu và mua báo Văn Nghệ Tiền Phong nữa thì anh đi bộ quanh phòng, đi dăm ba bước anh dừng lại nghỉ dăm phút, cứ như thế mỗi giờ cũng đi được hơn một vòng. Anh cũng vẫn ăn được, mỗi ngày cô Hải mang cơm nóng canh sốt sang cho bố rồi dọn dẹp nhà cửa, Hải về thì cô út Hà sang lo mọi việc giấy tờ về sức khỏe của bố. Cậu cả Quang tuy ít nói nhưng phân công đâu ra đó cho các em trai Thắng Thụy Xương luân phiên trực đêm bên bố và chở bố đi Paris 13, khu phố Việt, phố Tàu.

 

Tuy sống độc thân nhưng anh không cô độc, mỗi thứ Bẩy và Chúa Nhật là con trai gái dâu rể, cháu nội ngoại kéo nhau về tụ họp trong căn phòng nhỏ này. Khi trước còn khỏe thì anh nấu một nồi phở thật to, nay thì mỗi con mang theo một thứ, căn phòng không chỉ ấm cúng mà còn nóng lên nữa ấy chứ. Những lúc đó thì anh lại nghĩ đến em, để cho con cháu vui chơi, anh lẳng lặng đi nằm, ứa nước mắt vì sung sướng nghe tiếng cười của con cháu nhưng cũng ứa nước mắt khi thiếu tiếng em! Thì ra “con nuôi cha không bằng bà nuôi ông”, ông nuôi bà. Cách nay khá lâu, anh đang vịn tường để đi vào phòng tắm thì bị té, các con vội đưa đi cấp cứu, bệnh viện khám phá ra một mạch máu trong đầu bị nghẽn khiến anh té chứ không phải tại anh vô ý.

Nhớ mãi hôm ấy thấy em đến thăm anh trong bệnh viện, anh vội vàng ngồi dậy, ba chân bốn cẳng chạy ra đón em và anh bị vấp té, choàng mở mắt thì biết anh vừa nằm mơ và giận quá tại sao mình không cẩn thận để bị té rồi tỉnh lại mà không được nắm tay em. Vừa lúc đó anh nghe cô ý tá nói: “Từ nay cụ phải dùng cái này “.

Ngó xem thì ra là cái gậy chống, ở cuối có 4 chân bịt cao su. Nếu anh chống gậy này mà đi thăm em thì đúng là “ba chân bốn cẳng rồi”.! Anh không thích chống gậy, trông giống ông cụ quá! Đối với anh, em vẫn còn khỏe và còn trẻ, người cõi tiên thì “trẻ mãi không già” mà. Nằm bệnh viện được mấy ngày thì anh đòi về nhà, nhớ căn phòng quá, nhưng các con không cho, lựa khi các con không có mặt, anh “ba chân bốn cẳng” vào phòng bác sĩ trực năn nỉ xin xuất viện và họ “đắc-co”

Về nhà được mấy ngày thì anh lại “ba chân bốn cẳng” mang hoa đến tặng em, nhưng gõ cửa hoài mà không nghe tiếng ai trả lời, hình như mấy cô tiên đưa em vân du trên cầu Vồng hay du Nguyệt Điện thì phải. Rõ chán! Cả đời ở bên nhau, anh chưa bao giờ tặng em một cánh hoa, tại anh thấy em là hoa đẹp rồi. Anh mong sớm có ngày được đoàn tụ cùng em nắm tay nhau tung mây lướt gió.

 

Sống với nhau hơn 60 năm, “sáu mươi năm cuộc đời” được 14 mặt con mà mình chưa bao giờ “to tiếng” với nhau, cằn nhằn thì có, nhưng chưa một lần em phải buồn phiền vì anh uống rượu, hút thuốc, đánh bạc và lăng nhăng, vì anh không thích những thứ đó, vì anh đã có em. Tính đến nay xa em đã 8 năm, thời gian cũng quá đủ suy ngẫm về thói đời hay coi thường hạnh phúc đang có sẵn trong tay mà không biết vun quén. Anh đang mong ngày tái ngộ.

Cầu được ước thấy, mới tuần trước đây anh đang đứng vịn tường tập thể dục thì tự động ngã, bệnh viện cho biết những mạch máu li ti trên đầu bị vỡ, các con bao quanh lo lắng và bác sĩ họ đang cố gắng nối lại, nhưng anh nói: “Thôi”.

Sống với con cháu như vậy là quá đủ rồi, lo cho các con như vậy cũng tạm ổn, nhìn lên không bằng ai nhưng nhìn xuống thì không ai bằng. Tuy các con không giầu có gì, nhưng đủ ăn và hạnh phúc, nhất là các con một vợ một chồng, như đũa có đôi và anh chị em thương yêu nhau. Anh nói với các con: “Các con như đũa có đôi, để ba về với mợ chứ, căn phòng trên lầu nơi mợ ở dành cho ba đã có sẵn tiện nghi rồi, các con đừng lo lắng và bịn rịn nữa. Chúc các con ở lại bình an, đùm bọc và thương yêu nhau như từ trước tới nay”.

 

Em à! Hôm nay là ngày 14 tháng 9 năm 2010, chỉ còn đúng một tháng nữa là trùng vào ngày em đi, 14/10, bác sĩ cũng vừa báo cho biết họ sẽ “búc” vé cho anh. Như vậy là mọi việc đã sẵn sàng tốt đẹp, anh không mang theo gì cả. Khi nào có vé thì anh sẽ gọi phôn cho em biết để mở cửa cho anh vào. Nếu em nghe không rõ tiếng người mà chỉ thoáng phì phò tiếng gió thì biết đó là lúc anh đã cất cánh.

 

Hẹn gặp em một ngày rất gần.

Vĩnh biệt các con và các cháu cùng các chắt.

 

Nguyễn văn Tuyết

 

~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

(*) Mộ 2 tầng

hung0989077120@ahoo.com
IP IP Logged
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.125 seconds.