Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Lịch Sử - Nhân Văn
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Văn Học - Nghệ thuật :Lịch Sử - Nhân Văn
Message Icon Chủ đề: Ngày tận thế Gởi trả lời Gởi bài mới
Người gởi Nội dung
HEICHPE
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 17/Sep/2007
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 474
Quote HEICHPE Replybullet Chủ đề: Ngày tận thế
    Gởi ngày: 14/Jan/2011 lúc 5:55pm
Đôi điều về ngày tận thế của Trái đất. Đôi điều về ngày tận thế của Trái đất.--> PDF Print E-mail
Tác Giả: Quang Lâm   
Thứ Sáu, 14 Tháng 1 Năm 2011 14:01

 Thấm thoắt đã 10 năm kể từ khi thế giới bước vào Thiên niên kỷ mới.

 Hồi đầu năm 2000 người ta đã hoảng hốt chờ đợi sự kiện động trời - ngày Trái Đất bị tuyệt diệt. Nhưng rồi mọi việc cũng qua, dư luận cũng đã nhanh chóng đi vào quên lãng.

 Suốt 10 năm qua Trái Đất đã trải qua nhiều đợt thiên tai khủng khiếp và hầu như các tai họa ngày càng đe dọa trầm trọng và dữ dội hơn, xẩy ra liên tục hơn. Con người lại bị ám ảnh bởi tin đồn về Ngày Tận thế sẽ xảy ra vào ngày 21/12/2012. Sự việc sẽ như thế nào và vì sao lại là ngày này? Chúng ta hãy thử xem các nhà tiên tri và nhà khoa học dự báo ra sao.

 Những bộ lịch của người Maya

 Câu chuyện được bắt đầu từ những bộ lịch của người Maya - một nền văn minh cổ đại phát triển rực rỡ ở miền nam Mexico Trung Mỹ vào khoảng 2600 năm TCN - với sự nổi tiếng vượt bực về nông nghiệp, kiến trúc, đặc biệt về thiên văn học và toán học. Sau đó nền văn minh đã biến mất một cách bí ẩn. Nhưng những công trình xây dựng các đền đài, dinh thự và các kim tự tháp đồ sộ vẫn đang còn lưu lại đến tận ngày hôm nay.

                                 Kim tự tháp của người Maya

 Có ba bộ lịch của người Maya được khảo sát là lịch Tzolkin gồm 260 ngày chia thành 13 tháng, lịch Haab gồm 365 ngày chia cho 18 tháng. Bộ lịch thứ ba không có tên bằng tiếng Maya nhưng các nhà nghiên cứu đặt tên tiếng Anh là Long Count dùng để ghi chép các sự kiện lịch sử và các tiên đoán về tương lai trên một trục thời gian, trong đó chỉ ra ngày “khởi đầu” và ngày “kết thúc”. Theo các khảo cứu thì ngày khởi đầu rơi vào ngày 11 tháng 8 năm 3114 TCN và ngày kết thúc (sau 5125 năm) tương đương ngày 21/12/2012 theo công lịch chúng ta đang dùng.

 Thật khó hiểu: với một trình độ khoa học kỹ thuật không có dấu hiệu gì là vượt trội nền văn minh hiện nay, và chỉ bằng mắt thường để quan sát các hành tinh trong thái dương hệ mà người Maya lại có thể phát minh ra một bộ lịch dài đến như vậy. Phải chăng nền văn minh Maya không phải chỉ mới bắt đầu từ khoảng 2600 TCN, mà đã có từ rất lâu trước đó, hoặc họ đã có một nền khoa học và công nghệ cao hơn và khác hẳn những gì ta có hiện nay? Phải chăng lịch sử của người Maya đang ẩn dấu những bí mật khác mà cho đến nay chúng ta chưa khám phá ra được?

 Có lẽ từ chữ “kết thúc” trong lịch Long Count mà một số nhà nghiên cứu đã suy đoán rằng người Maya muốn gửi thông điệp lại cho người đời sau về cái ngày tận diệt của nền văn minh nhân loại trên hành tinh chúng ta vào ngày 21/12/2012?

 Còn con số “5125 năm” có ý nghĩa gì, ta sẽ khảo sát ở mục Chu kỳ lớn của loài người trong phần cuối bài viết.

 Mặt phẳng hoàng đạo

 Theo tính toán của thiên văn học những vụ nổ lớn trên mặt trời vẫn xảy ra theo chu kỳ 11 năm. Một giả định chưa được kiểm chứng cho rằng ngày 21/12/2012 tất cả các hành tinh trong hệ mặt trời đều nằm trên một mặt phẳng dẹt gọi là hoàng đạo (Ecliptic). Lúc đó mặt trời cùng các hành tinh khác sẽ di chuyển thẳng hàng với nhau đồng thời thẳng hàng với “hố đen” tại trung tâm của giải Ngân hà. Cho nên sẽ có một sức hút cộng hưởng lớn làm cho những sự bùng nổ trên mặt trời trở nên dữ dội hơn so với những lần từ trước tới giờ.

 Thêm vào đó, còn có tin đồn là một hành tinh có kích thước lớn hơn trái đất, được gọi là hành tinh X, vào tháng 12/2012, sẽ đi ngang hoặc đụng thẳng vào địa cầu, gây ra tận thế (?) Điều này rất khó tin vì các nhà thiên văn cho đến nay vẫn chưa phát hiện được gì về hành tinh này cả.

 Về hiện tượng trái đất, mặt trời và “lỗ đen” ở trung tâm giải Ngân hà đứng thẳng hàng, giáo sư địa chất Don Palmer, giảng dạy 35 năm ở Trường ĐH Kent, bình luận: “Hiện tượng đó chẳng có ý nghĩa gì cả” vì tâm giải Ngân hà ở cách xa trái đất đến 2500 triệu tỷ km. Nếu ví trái đất giống như quả bóng đá, thì trái đất ở cách xa 24 m còn tâm giải Ngân hà ở cách xa... 40 triệu km. Quá xa để tạo ảnh hưởng”.

 Bão lửa mặt trời

 Tuy nhiên gần đây các nhà khoa học thuộc Cơ quan quản lý hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã tính toán và đưa ra dự đoán rằng trong vòng 3 năm tới tức thời điểm 2012-2013 cơn bão mặt trời có từ trường cực mạnh sẽ phun trào plasma (CME), mang một tai họa rất lớn với sức ảnh hưởng khủng khiếp trên tất cả các phương diện, lĩnh vực của xã hội hiện đại trên trái đất.

                               Bão mặt trời có từ trường cực mạnh

 Bão mặt trời (bão từ) xuất hiện có thể làm tê liệt hoàn toàn các hệ thống cung cấp, phân phối điện lưới quốc gia. Đặc biệt, các thiết bị viễn thông điện tử hiện đại như vệ tinh, máy tính, hệ thống ngân hàng, hàng không, định vị…cũng là các đối tượng ảnh hưởng lớn nhất khi bão từ tác động đến trái đất.

 Theo dự đoán, năm 2013 sẽ xảy ra đồng thời hai sự kiện đó là nhiệt độ mặt trời đạt mức cao nhất (5500 độ C) theo quy luật 22 năm và xuất hiện bão từ theo quy luật 11 năm.  Như vậy tác động của nó đến vũ trụ, trong đó có trái đất sẽ lớn hơn vì lượng phóng xạ được giải phóng ra nhiều hơn.

 Thảm họa thời tiết

 Tình trạng ấm lên toàn cầu cũng có thể dẫn đến tuyệt diệt. Các chuyên gia thuộc Văn phòng phối hợp viện trợ nhân đạo LHQ từng khuyến cáo: Hiện 70% tất cả các vụ thiên tai xảy ra trên Trái Đất có mối liên quan đến khí hậu, trong khi 20 năm trước chỉ có 50%. Vì lý do các thảm họa thời tiết, đã có 2,4 tỷ người khổ sở trong thập kỷ qua. Khi một thập kỷ trước đó mới chỉ 1,7 tỷ người là nạn nhân. Ngay năm 2035 băng sẽ có thể tan trên đỉnh Himalaya, nơi khởi nguồn của các dòng sông lớn như Ganges, Indus, Brahmaputra, Giang Tử và Mekong. Tại thung lũng của những dòng sông đã kể - địa bàn sinh sống của 2,4 tỷ người (tính đến đầu năm 2009) sẽ đột ngột xuất hiện đại hồng thủy, sau đó là đại hạn hán.

 Tuy nhiên cũng không loại trừ kịch bản khác: Kỷ nguyên băng hà sẽ bao trùm Trái Đất.

 Biến đổi khí hậu hiện nay là do các hoạt động của con người.

 Theo TS Alfonso Botello, nhà nghiên cứu Viện Khoa học Hải dương và Hồ nước: “Biến đổi khí hậu, thiên nhiên không thay đổi từ từ như hàng triệu năm trước. Giờ đây, các hành động của con người đang làm trầm trọng thêm điều đó. Sử dụng nhiên liệu hoá thạch, làm tăng lượng CO2, khí gây hiệu ứng nhà kính... Tất cả những điều này đã khiến hiện tượng từng được gọi là tự nhiên nay diễn ra nhanh chóng hơn”.

 Biến đổi khí hậu không chỉ còn là chuyện ở đâu xa xôi nữa, nó đã tác động đến mọi mặt đời sống của người dân trên khắp thế giới.

 Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) của LHQ thành lập năm 1988 đã tập hợp được các chuyên gia hàng đầu trên thế giới trong tất cả các lĩnh vực có liên quan đến biến đổi khí hậu và đã công bố 4 báo cáo đánh giá tình hình biến đổi khí hậu trên thế giới vào những năm 1990, 1995, 2001 và 2007. Ngay sau khi cho công bố báo cáo lần thứ 4, IPCC được trao giả thưởng Nobel Hòa bình (cùng với cựu phó TT Mỹ Al Gore) về các hoạt động của mình.

 Một trong những kết luận quan trọng của các báo cáo IPCC là các biến đổi khí hậu hiện nay đều có xuất xứ từ các hoạt động của con người.

Các biến đổi khí hậu hiện nay đều có xuất xứ từ các hoạt động của con người.

 Thật vậy, các tác nhân chính gây biến đổi khí hậu là những khí thải nhà kính như dioxit cacbonic (CO2), mêtan (CH4), oxit nitrơ (N2O)…Các chất khí ấy trong khí quyển đã tăng lên đột biến từ khoảng 250 năm trở lại đây tức là từ khi bắt đầu kỷ nguyên công nghiệp hóa khởi điểm từ năm 1750.

 Hiện tại có khoảng 3.000 tỷ tấn CO2 trong khí quyển. Từ năm 2000 - 2005, lượng CO2 trong không trung tăng 26,4 triệu tấn/ năm. Cũng tương tự như thế, nồng độ khí mêtan tương đương với 4.932 triệu tấn trong khí quyển.

 Giới khoa học cũng đã nhiều lần cảnh báo về việc xây dựng các con đập khổng lồ để xây thủy điện có thể tác hại nghiêm trọng đến cấu trúc tự nhiên của các con sông, dẫn đến những thảm họa sinh thái và gây ra lũ lụt.

 Niềm hy vọng chống lại biến đổi khí hậu được đặt vào Hội nghị biến đổi khí hậu của LHQ lần thứ 16 (COP 16) tại Cancun Mexico cuối năm qua. Tuy nhiên, tại hội nghị này, thực tế về những thiệt hại của biến đổi khí hậu dường như vẫn chưa vượt qua được các lợi ích quốc gia. Con người vẫn phải thích nghi với biến đổi khí hậu, nghĩa là phải gánh chịu các thiên tai do chính con người gây ra.

 Một bộ phim khoa học viễn tưởng

 Những điều dự đoán và tiên tri trên đây đã tạo nguồn cảm hứng cho đạo diễn Roland Emmerich dựng lên bộ phim về Ngày Tận thế do diễn viên John Cusack thủ vai chính. Bộ phim của nhà sản xuất Columbia Pictures xuất xưởng năm 2009, lấy bối cảnh năm 2012, năm loài người sẽ bị diệt vong đúng theo những lời tiên đoán ghi trong lịch của người Maya cổ.

                                     Ngày tận thế?

 «Ngày thảm họa đã đến, tại công viên quốc gia Yellowstone, đại núi lửa Yellostone Supervolcano thức giấc sau hàng nghìn năm yên ngủ, tàn phá miền trung nước Mỹ. Tại Nam Phi, sự sống gần như bị diệt vong hoàn toàn sau những trận động đất kinh hoàng xé toang lục địa. Tòa thánh Vatican, nơi hàng nghìn giáo dân đang cầu nguyện lòng thương của Chúa, đổ sụp thành từng mảnh vụn. Bức tượng Chúa Cứu Thế khổng lồ ở Rio De Janeiro (Brazil) cũng đột ngột bị phá hủy. Tàu hàng không mẫu hạm USS John F. Kenedy, niềm tự hào của Hải quân Mỹ, bị cơn đại hồng thủy cuốn trôi, đổ ập vào tòa Nhà Trắng ở thủ đô Washington.

  Hai cực Nam - Bắc của trái đất đổi vị trí cho nhau do vận động của vỏ kiến tạo, địa cầu bị quay nghiêng 180 độ và đại dương sẽ nhấn chìm toàn bộ bề mặt đất liền.

Thiền sư Tây Tạng bất lực nhìn ngọn sóng thần hung tợn quét qua dãy Himalaya

 Thiền sư Tây Tạng bất lực nhìn ngọn sóng thần hung tợn quét qua dãy Himalaya, nóc nhà của thế giới. Chính khối nước siêu khổng lồ với sức mạnh vô song này sẽ cuốn đi toàn bộ gốc rễ của sự sống trên Trái Đất...»

 Sự báo động của loài vật

 Một số loài vật được Tạo hóa ban cho những khả năng hơn con người là nhạy cảm với khí hậu thời tiết. Hàng vạn con cóc đã tìm đường chạy trốn trước lúc trận động đất xẩy ra ở Tứ Xuyên TQ năm 2008 làm hơn 20 nghìn người thiệt mạng. "Con cóc là cậu ông Trời!"

 Hàng tỷ con ong biến mất không lý do từ một trại nuôi ong thuộc tiểu bang Florida (Hoa kỳ) mùa thu năm qua. Trận dịch lan dần ra khắp nước Mỹ, tràn sang Canada và Châu Âu, rồi “lây” sang tận Đài Loan kể từ 04/2010: hàng triệu chú ong rời tổ rồi không trở về nữa. Có một điều lạ lùng là gần nơi chúng ở, người ta không hề tìm thấy xác ong, cũng như không thấy sự xuất hiện của một loài động vật ăn thịt ong nào.

 Việc hàng đàn ong biến mất khiến cho các nhà khoa học hết sức lo lắng: 80% số loài thực vật như rau trái trên trái đất phải cần tới ong để được thụ phấn sinh sản. Ong xuất hiện trên trái đất trước loài người 60 triệu năm, có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế cũng như sự sống còn của con người. Bởi thế nhà bác học Albert Einstein từng nói rằng: "Nếu loài ong bị tuyệt chủng, con người chỉ sống được 4 năm nữa mà thôi"

  2010 – năm kỷ lục về thiên tai và thảm họa

 Biến đổi khí hậu giờ đây không còn là khái niệm mơ hồ, mà cứ mỗi ngày qua đi, nó đã tác động đến đời sống, thậm chí sinh mạng của con người.

- Haiti: Động đất, 200 nghìn người chết, 300 nghìn người mất nhà cửa. Ít nhất 3 triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp.

- Chile: Động đất - Sóng thần, 1.279 người chết, hơn 10 nghìn ngôi nhà bị hư hại nặng. Chi phí tái thiết: 30 tỉ USD.

- Thanh Hải (TQ): Động đất 7,1 độ richter, 1.339 người chết, 12 nghìn người bị thương.

- Ireland: Núi lửa phun trào. Khói bụi bao phủ Tây Âu, hơn 10 nghìn chuyến bay phải huỷ bỏ.

- Indonesia: Núi lửa - Động đất - Sóng thần. Gần 400 người chết, 75 nghìn người phải đi sơ tán.

- Pakistan: Lũ lụt, hơn 1.600 người chết, khoảng 20 triệu người bị ảnh hưởng.

- Lũ lụt gây lở đất ở Châu Khúc (TQ). Khoảng 1.500 người thiệt mạng.

- Cháy rừng ở Nga: Năm 2010 là năm có nhiệt độ trung bình cao nhất trong 130 năm qua. Từ Á sang Âu, nhiều nước đã trải qua những ngày nắng nóng. Điển hình là Nga - nước đã trải qua đợt nắng nóng và khô hạn tồi tệ nhất kể từ hơn 1 thế kỷ qua.

                  Cháy rừng tại Nga tháng 8/2010. Ảnh: AFP.

 - Việt Nam: Lũ lụt ở miền Trung tháng 10/2010, 86 người chết.

 - Châu Âu trong những ngày cuối năm phải hứng chịu một mùa đông khắc nghiệt nhất trong nhiều năm qua. Tuyết rơi dày đã khiến hàng chục nghìn chuyến bay phải hoãn nhiều giờ hoặc bị hủy bỏ, nhiều tuyến giao thông đường bộ bị tê liệt. Mùa hè nóng bức hơn, mùa đông lạnh buốt hơn, mưa lớn hơn và khô hạn kéo dài hơn đều là hậu quả của biến đổi khí hậu.

 - Úc: Hơn 20 thành phố tại bang Queensland đã bị chia cắt hay ngập trong nước lụt với một diện tích lớn hơn hai nước Pháp và Đức hợp lại, với tổng số hơn 200.000 người bị ảnh hưởng.

 - Tràn dầu ngoài khơi Mexico - một thảm họa khủng khiếp nhất trong lịch sử Hoa kỳ. Có ít nhất 20 triệu gallon dầu thô tràn ra từ giếng dầu Deepwater Horizon do Công ty BP khai thác gây tình trạng nghiêm trọng kéo dài đối với môi trường sinh thái.

 - Hồi tháng 10 vừa qua vụ “sóng thần bùn đỏ” của Hungary cuốn đi hàng trăm ngôi nhà và làm ô nhiễm dòng sông Danube thơ mộng của Châu Âu. Khoảng 1,1 triệu m3 bùn đỏ từ bể chứa chất thải của một nhà máy sản xuất nhôm, cách thủ đô Budapest 160km đã tràn ra trên một khu vực rộng khoảng 40km2, Đây là thảm họa hoá chất thảm khốc nhất trong lịch sử Hungary và chắc chắn sẽ  là một cảnh báo tốt để Việt Nam có những cân nhắc kỹ lưỡng hơn trong việc khai thác bô-xít ở Tây Nguyên. 

 Ăn chay để chống lại biến đổi khí hậu

     Đó là đầu đề bài viết của TS Nguyễn Thọ Nhân, Viện Năng lượng Nguyên tử Quốc gia, (Hội Dinh dưỡng VN), đăng trên Thư viện Hoa Sen ngày 27/8/2010. TS Nhân đã dựa vào số liệu trong các báo cáo của LHQ để phân tích và đưa ra những khuyến cáo sau đây.

Ăn chay để chống lại biến đổi khí hậu

 Vì ngành chăn nuôi gia súc để lấy thịt là một nguồn phát tán khí thải nhà kính quan trọng cho nên có thể nói rằng giảm lượng thịt tiêu thụ trong các bữa ăn trên khắp thế giới là một biện pháp hữu hiệu.

 Từ năm 1950 đến năm 2000, lượng thịt sản xuất trên thế giới đã tăng từ 45 triệu tấn lên 233 triệu tấn tức là khoảng 5 lần, trong khi dân số trên thế giới chỉ tăng gấp đôi, từ 2,7 tỷ lên 6,7 tỷ người.

 Chăn nuôi cũng là một ngành gây ô nhiễm môi trường rất lớn vào không khí và nguồn nước: Những chất khí như mêtan, amoniac, photpho, nitơ phân tử, các nitrát… bay ra từ các chất thải và phân súc vật. Amoniac trong không khí sẽ gây ra những trận mưa axit rất tai hại.

 Trong một tài liệu của Tổ chức Lương Nông quốc tế (FAO) năm 2004, người ta đã xác định lượng nitơ và photpho chảy vào biển Đông từ Việt Nam, Thái Lan và tỉnh Quảng Đông (TQ) có nguồn gốc từ việc chăn nuôi heo. Riêng đối với VN, các ô nhiễm nitơ và photpho từ việc nuôi heo chiếm 38 và 92% của tổng lượng vào các nguồn nước, trong khi tỷ lệ đóng góp của các loại nước thải gia đình chỉ là 12 và 5%.

 Nếu để sản xuất 1kg bắp người ta chỉ cần 900 lít nước thì muốn có 1kg thịt bò, lượng nước cần dùng lên đến 15.500 lít.

 Đất làm đồng cỏ chiếm đến 26% diện tích đất trên thế giới không bị băng tuyết bao phủ, đất trồng thức ăn chăn nuôi chiếm 33% đất trồng trọt được trên thế giới. Khoảng 70% rừng vùng Amazon – lá phổi của thế giới - đã bị phá để dùng cho chăn nuôi.

 Trên thế giới, 90% đậu nành được dùng làm thức ăn gia súc. Phải sử dụng từ 7 đến 16 kg đậu nành để tạo ra 1 kg thịt do đó người ta đã lãng phí 90% prôtêin, 99% hydratcacbon và 100% chất xơ là những chất cần cho sức khỏe con người.

 Hiện nay, ngành nông nghiệp tạo ra 22% khí thải nhà kính trong tổng lượng phát tán ra không trung. Trong số đó, chăn nuôi đóng góp đến 80%, nghĩa là ngành chăn nuôi tạo ra 18% tổng lượng khí thải nhà kính, trong đó có 9% là CO2, 37% là CH4 và 65% là N2O.

 Phân súc vật khi phân hủy trong môi trường yếm khí cũng phát ra khí CH4 (18 triệu tấn/năm) và N2O (khoảng 3,6 triệu tấn/năm). CO2 phát sinh trong việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sản xuất thức ăn gia súc, phân bón, thuốc trừ sâu… trong máy móc nông nghiệp, trong vận chuyển, cày cấy, gặt hái, trong tưới tiêu… Tổng lượng CO2 phát ra khoảng 90 triệu tấn/năm.

 Ngoài ra, vì mục đích lợi nhuận mà người ta dùng các chất hóa học và chất tăng trọng trong chăn nuôi nên các đàn gia súc mới bị bệnh như bò điên, dịch lợn, cúm gà. Thức ăn thịt quả thật đã gây nhiều bệnh tật cho con người như tiểu đường, mỡ trong máu cholesterol, tim mạch, ung thư... chưa kể đến tác hại của các chất bảo quản thực phẩm đang được dùng không kiểm soát được. Sữa nhiễm melamin và trứng gà giả của TQ đã lan qua VN. Vừa rồi ở Đức gia súc và trứng lại bị nhiễm dioxin. Một trận dịch lớn đủ để làm cho con người khốn đốn.

 Tháng 8/2008, TS Rajendra Pachauri, chủ tịch Ủy ban IPCC, người đã thay mặt Ủy ban nhận giải thưởng Nobel đã lên tiếng khuyên người ta nên ăn ít thịt để góp phần vào việc bảo vệ môi trường và chống lại biến đổi khí hậu. Ông đưa ra những con số rất hùng hồn là một người ăn chay trong 70 năm đã giảm được 100 tấn khí CO2, và chỉ cần ăn chay mỗi tuần một ngày thì một người dân châu Âu có thể làm giảm đi 170 kg CO2 trong một năm. Chính tiến sĩ Pachauri đã ăn chay từ 10 năm nay và cho là đã giảm được 12 tấn CO2.

 Cựu phó TT Al Gore có thể là người tiên phong về vấn đề môi trường trong triều đại Clinton song chính Bill Clinton mới là người vì động vật nhất trong năm vừa qua. Cựu TT Mỹ Bill Clinton đã được tổ chức PETA chọn là Nhân vật của năm 2010. PETA hoan nghênh Bill Clinton đã ăn chay trong thời gian qua. Bill Clinton đã giữ mạng sống cho gần 200 con vật một năm, giảm nguy cơ ung thư, đột quỵ và một số bệnh khác.

 5000 năm - chu kỳ lớn của loài người

 Trong lịch Long Count của người Maya có ghi 5125 năm là một chu kỳ lớn nằm giữa ngày “khởi đầu” và ngày “kết thúc”.

 Theo một số tài liệu khảo cổ thì trên Trái Đất đã từng xuất hiện một số nền văn minh. Đó là Văn minh Lưỡng Hà (Iran) từ khoảng năm 3200 TCN, Văn minh Ai Cập, bắt nguồn tại lưu vực sông Nil từ khoảng năm 3100 TCN, Văn minh sông Hằng (Ấn Độ), khoảng năm 3000 TCN, Văn minh Trung Hoa khởi điểm từ thời Tam Hoàng Ngũ Đế, khoảng năm 2800 TCN và cuối cùng là Văn minh Maya từ khoảng năm 2600 TCN.

 Như vậy kể từ thời điểm hiện tại (2000 năm SCN) ngược theo dòng lịch sử của loài người thì cách nay khoảng 5000 năm, xấp xỉ bằng một chu lỳ lớn (5125 năm) đúng như người Maya đã tính toán và ghi lại trong lịch của mình, nền văn minh của loài người hiện đại đã hình thành.  

 Theo các nghiên cứu những di vật hóa thạch thì con người đã có mặt trên hành tinh từ hàng triệu năm, nhưng thực tế con người hiện đại chỉ mới được ghi nhận từ khoàng 5000 năm trước bằng các nền văn minh trên đây mà thôi.

 Vậy ta thử đặt vấn đề là liệu trước 5000 năm đã có một nền văn minh tiền hiện đại từng tồn tại và đã kết thúc để tiến hóa sang một thời đại mới, một sự nâng cấp toàn diện về mặt trí tuệ, tinh thần để loại bỏ hoàn toàn những ý niệm thuộc về quá khứ?

 Theo triết gia Platon cũng như truyền thuyết kể lại thì Atlantis là tên của một lục địa đã đạt đỉnh cao với những kỳ quan kiến trúc và những công trình được xây dựng hết sức kỳ vĩ - một nền văn minh phát triển rực rỡ tồn tại trên trái đất khoảng 10.000-11.000 năm trước. Tuy nhiên sau đó vùng đất Atlantis đã bị động đất, núi lửa tàn phá và chìm sâu dưới đáy biển.

 Như vậy, phải chăng là cứ mỗi chu kỳ lớn 5000 năm lại có một sự biến đổi để hình thành một nền văn minh mới - “một sự phá hủy sáng tạo”? Và biết đâu người Maya đã để lại cho chúng ta một thông điệp về sự thịnh suy của từng thời đại mà chu kỳ sau không thể kế thừa được những tinh hoa của chu kỳ trước đó, để cho lịch sử mãi nối tiếp nhau bằng những chuỗi dài bí ẩn?

 Trong thập niên vừa qua loài người đã đạt được những thành tựu to lớn trong công nghệ sinh học, công nghệ máy tính và công nghệ nano. Nhà tương lai học và cũng là nhà sáng chế trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo hàng đầu của Mỹ - ông Raymond Kurzweyl đã đưa ra lời tiên tri động trời như sau: “Sau 20 năm nữa con người sẽ bất tử”. Con người có thể cấy vào cơ thể những computer nano-robot trên quy mô nanô mét (nm, 1 nm = 10-9 m) được lập trình sẵn để thay thế tế bào máu, biến đổi đồng hồ sinh học và làm đảo ngược lại quá trình lão hóa cũng như giúp cho con người tư duy nhạy bén hơn (xem thêm CAND 10/11/2010). Phải chăng khoa học đang tiến dần tới “sức mạnh tâm thức” (hay ý thức) mà triết học Đông phương thường nhắc tới? Và lời tiên tri của Kurzweyl sẽ là báo hiệu về một chu kỳ lớn mới của sự tiến hóa văn minh nhân loại?

                                                              * * *

 Cho dù những điều tiên đoán và dự báo trên đây là đứng hay sai, ngày tận thế có xẩy ra hay không, điều đó không quan trọng. Song tất cả những lời tiên tri đó và ngay cả bộ phim về ngày tận diệt kia sẽ là một dấu hiệu tích cực để cảnh báo cho loài người về một nguy cơ: con người đang xô đẩy nhau vào một đại họa với bao giá trị ảo do những hoạt động và lòng tham lam nhất thời của chính mình. Chúng ta sẽ giàu lên nhưng thiên nhiên sẽ nghèo đi. Tài nguyên nước, năng lượng, đất và khoáng sản đang dần thiếu và khan hiếm.

 Tương lai không xa than đá và dầu mỏ sẽ không còn nữa

  “Với trữ lượng dầu mỏ toàn cầu là 1.332 tỷ thùng theo ước tính vào năm 2008, mức tiêu thụ 85,22 triệu thùng/ngày và tăng 1,3 % mỗi năm, dầu mỏ sẽ cạn kiệt vào năm 2041 hoặc lạc quan hơn là năm 2054” (Trí tuệ dầu khí 18/11/2010).

 Đói nhiên liệu sẽ kéo theo thiếu năng lượng. Chúng ta thử hình dung khi đó các nhà máy nhiệt điện sẽ phải đóng cửa, ôtô và xe máy sẽ đi ra bãi rác v.v và v.v. Cuộc sống của loài người sẽ bị đe dọa. Với tốc độ thiên tai như hiện nay, sự sống sẽ bị phá hủy từ từ và chúng ta sẽ rơi vào hiểm họa.

 Sự sống con người chỉ còn hy vọng vào ánh sáng, không khí và nguồn nước. Nhưng ngay cả không khí và nguồn nước cũng bị ô nhiễm!

 Vì thế, năng lượng sạch, sống xanh, ăn chay và thân thiện với môi trường là những giải pháp hữu hiệu nhất để cứu Địa cầu.

 Tất cả những gì Tạo hóa đã ban tặng cho chúng ta trên Trái Đất này: như cây cỏ, thiên nhiên, sông núi biển cả, đồng ruộng và cả những loài vật, chim muông đều là những thứ rất đáng được chúng ta trân quý và giữ gìn bảo vệ. Vì chính tất cả những thứ đó luôn giúp cân bằng môi trường sống và bảo đảm cho cuộc sống của chúng ta được trường tồn mãi mãi.

 Trước cái ngày định mệnh 21/12/2012 (có hay không xẩy ra) vẫn còn hơn 700 ngày nữa để chúng ta có thể xem xét lại những điều mình làm và điều chỉnh những kế hoạch cho một tương lai tươi đẹp của loài người dưới mái nhà chung - hành tinh xanh của chúng ta. Cầu mong cho loài người hãy bừng tỉnh để sẽ không bao giờ có Ngày Tận thế.

Quang Lâm

IP IP Logged
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.109 seconds.