Người gởi |
Nội dung |
Hoa Hạ
Senior Member
Tham gia ngày: 19/Jan/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 968
|
![Reply](forum_images/reply.gif) Gởi ngày: 29/Nov/2010 lúc 7:57am |
Nguyễn Tử Quang Điển hay tích lạ
Lá thắm đưa duyên
Triều vua nào cũng vậy, nhiều giai nhân tuyệt sắc trong nước được tuyển vào cung để làm cung nữ. Họ là những giai nhân bạc mạng, đi chẳng có về, suốt đời chịu cảnh lạnh lùng, buồn tủi, sầu đau trong chốn thâm cung. Nhà vua có cả tam cung, lục viện, hàng ngàn cung nữ phi tần toàn bực diễm kiều, tài sắc cả. Mỗi đêm ngủ ở cung nào, nhà vua phải nhờ xe dê đưa đến. Xe dừng trước cung nào thì nhà vua vào cung ấy. Có những nàng hằng năm không được đoái hoài, đành chịu cảnh cô phòng giá lạnh. Đời Đường (618-907), đời vua Hy Tông có nàng cung nữ tuyệt sắc tên Hàn Thúy Tần sống cảnh lẻ loi buồn bực trong thâm cung, nên thường nhặt những chiếc lá đỏ (hồng diệp) rồi đề thơ lên trên lá, thả xuống ngòi nước: Nước chảy sao mà vội? Cung sâu suốt buổi nhàn. Ân cần nhờ lá thắm Trôi tuốt đến nhân gian. Nguyên văn: Lưu thủy hà thái cấp Cung trung tận nhật nhàn. Ân cần tạ hồng diệp. Hảo khứ đáo nhân gian. Chiếc lá chở bài thơ theo dòng nước chảy xuôi ra ngoài vòng cấm lũy. Lúc bấy giờ có người môn khách của quan Tể Tướng Hàn Vinh tên Vưu Hựu vốn kẻ phong lưu tài tử, thơ hay, chữ tốt, chỉ hiềm một nỗi vận chưa đạt nên đành chịu sống nhờ nơi quan Tể Tướng họ Hàn. Đương thơ thẩn ngắm dòng nước chảy, Hàn bỗng nhìn thấy chiếc lá có bài thơ, lấy làm lạ mới vớt lên xem. Cảm tình chan chứa với người gởi thơ lạ mặt, chàng cũng bẻ một chiếc lá, viết một bài thơ vào đấy, đợi dòng nước xuôi mới thả lá xuống cho trôi trở vào cung. Nghe oanh thấy liễu chạnh lòng thương, Thương kẻ trong cung lúc đoạn trường. Chiếc lá đề thơ trôi mặt nước, Gởi cho ai đó nói không tường. (Bản dịch của Phan Như Xuyên) Người cung nữ họ Hàn thường ngồi nhìn dòng nước chảy, bỗng bắt được chiếc lá trở vào của người không quen biết, mới đem cất vào rương son phấn. Ba năm sau, nhà vua sa thải một số cung nữ, trong đó có Thúy Tần. Nàng đến ở tạm dinh quan Tể Tướng họ Hàn để chờ thuyền trở về quê cũ, bỗng gặp Vưu Hựu. Hai người trò chuyện, ý hợp tâm đầu. Tể Tướng họ Hàn thấy cả hai đều xứng đôi vừa lứa nên làm mối thành duyên giai ngẫu. Đêm tân hôn, Hựu chợt mở rương của vợ thấy chiếc lá của mình ngày xưa. Lấy làm lạ lùng, chàng cũng đem chiếc lá của mình vớt được cho vợ xem. Thì ra cả hai lại giữ hai chiếc lá của nhau. Cho là thật duyên trời định. Cổ thi có bài: (*) Một đôi thi cú theo dòng nước Mười mấy năm qua nhớ dẫy đầy. Mừng bấy ngày nay loan sánh phụng Cũng nhờ lá thắm khéo làm mai. Nguyên văn: Nhất liên giai cú tùy lưu thủy, Thập tải ưu tư mãn tố hoài. Kim nhật khước thành loan phượng lữ, Phương tri hồng diệp thị lương môi. Trong "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du, có câu:
Thâm nghiêm kín cổng cao tường, Cạn dòng lá thắm, dứt đường chim xanh.
hay: Dù khi lá thắm chỉ hồng,
và: Nàng rằng hồng diệp xích thằng, Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha. "Lá thắm", "Hồng diệp" đều do điển tích trên.
|
Trời mưa không lớn lắm
Nhưng đủ ướt đôi đầu
Cuộc tình không lớn lắm
Nhưng chiếm hết đời nhau.
Hoa Hạ
|
IP Logged |
|
Hoa Hạ
Senior Member
Tham gia ngày: 19/Jan/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 968
|
![Reply](forum_images/reply.gif) Gởi ngày: 29/Nov/2010 lúc 8:07am |
Nguyễn Tử Quang Điển hay tích lạ
Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan
Bên Trung Hoa, tại vùng Trúc Giang có một chàng lái buôn tên Quan Diệp Nhược yêu một nàng thôn nữ tên Tần Thúy Hải. Cả hai yêu nhau thắm thiết, nguyện cùng kết tóc, se tơ cho đến ngày răng long tóc bạc.
Quan Diệp Nhược thường đi buôn bán nơi xa. Mỗi chuyến đi có cả hàng tháng. Và, mỗi chuyến đi như thế, chàng đều có hẹn ngày về với nàng. Đúng ngày, nàng Tần Thúy Hải đến đón người yêu. Lần nào cũng đúng hẹn cả.
Thời gian xa nhau không lâu nhưng họ đều cảm thấy dài đăng đẳng. Nỗi nhớ thương vẫn canh cánh bên lòng. Nhưng vì sự nghiệp, họ đành phải chịu đựng và cầu mong ngày tái ngộ. Mùa thu năm ấy, ngô đồng vừa rụng lá, Quan Diệp Nhược lại phải từ giã, tạm chia tay cùng người yêu, lên đường sang Hồ Bắc buôn châu báu với mấy người bạn. Cũng như thường lệ, nàng Tần ra tiễn Quan hẹn ngày này tháng sau sẽ trở về. Nhưng chuyến này lại khác.
Đến ngày hẹn, nàng Tần trang điểm, hớn hở vui tươi để ra đón người yêu. Nàng mỏi mắt trông chờ suốt ngày đêm mà không thấy bóng chàng trở về. Rồi ngày này sang ngày khác, mấy lần thu qua đông đến nàng mỏi mòn chờ đợi, nhưng người yêu xưa lại chẳng thấy về, tin tức cũng vắng bặt. Hay là chàng đã bỏ mình nơi đất khách quê người? Nàng quằn quại sống trong cảnh sầu thương, mong nhớ. Rồi, một ngày đông lạnh lẽo, tuyết rơi phủ trắng cả vòm trời, nàng Tần trút hơi thở trên giường bịnh.
Theo tục lệ ở địa phương, những gái tiết trinh chết được hỏa táng thi hài. Lửa đã đốt cháy người trinh nữ, xương thịt nàng Tần đã trở thành tro bụi, nhưng khi người ta bới đám tro tàn lạnh lẽo ấy bắt gặp một quả tim đóng thành một khối long lanh như ngọc. Lửa không sao đốt cháy, búa đập cũng không tan. Ai cũng lấy làm lạ, cho đó là khối tình u uất của nàng vì tương tư thương nhớ người yêu, vì quá đau khổ nỗi duyên phận bẽ bàng... Tuy thân xác đã tiêu tan mà khối tình vẫn còn mãi mãi.
Nhưng rồi, một hôm Quan Diệp Nhược lại trở về. Sở dĩ chàng sai lời hẹn ước vì chàng gặp phải tai nạn bất ngờ. Ngày về giữa đường chàng bị giặc cướp cả tiền bạc, thuyền bè, làm chàng phải lênh đênh phiêu bạt, lại lâm trọng bịnh, tưởng là bỏ xương nơi đất khách. Cảm thương người yêu vì quá thương nhớ mình mà chết, Quan Diệp Nhược lấy làm đau đớn vô cùng. Chàng cầm lấy quả tim thành ngọc của người yêu mà khóc nức nở. Lạ thay, nước mắt của chàng rỏ xuống thì viên ngọc ấy lại tan ra hòa theo giọt nước mắt của chàng. Bên Việt Nam ta cũng có một truyện giống như trên. Trương Chi làm nghề lái đò. Một con thuyền bềnh bồng trên mặt nước, hằng ngày đưa khách sang sông. Chàng Trương vốn có tâm hồn nghệ sĩ. Những khi hoàng hôn vừa tắt sau dãy đồi xa, bóng đêm bao phủ khắp không gian, lửa cháy lốm đốm nổi theo dòng nước, thì chàng lại cất tiếng hát vang lên. Giọng chàng trong trẻo, thánh thót như giọng hót của sơn ca vào buổi bình minh.
Tiếng hát của Trương lại đồng vọng rót vào lầu tây của một quan Tể tướng, làm động lòng của nàng trinh nữ Mỵ Nương. Mỗi đêm, nàng đứng tựa bên lầu chờ nghe tiếng hát của chàng Trương. Một mối tình thầm kín, sâu xa giữa nàng tiểu thư, con quan Tể tướng với anh lái đò ngày càng thắm thiết, mặn nồng. Vắng tiếng hát của Trương Chi, Mỵ Nương bàng hoàng, nhớ thương, đau khổ. Nàng mang nặng một mối tình cảm. Rồi từ ấy, nàng mắc phải bịnh tương tư ngày càng trầm trọng, thuốc thang không chữa được. Chỉ mỗi lần có tiếng hát ngoài sông văng vẳng đưa vào thì bịnh của nàng mới đỡ được đôi phần.
Biết con gái say mê tiếng hát anh lái đò, quan Tể tướng cho đòi Trương Chi đến. Nhưng thảm thay, diện mạo của Trương Chi quá xấu xí, Mỵ Nương trông thấy chán nản, bịnh tương tư lại khỏi hẳn. Tưởng rằng đòi đến sẽ được hàn thuyên cùng người ngọc, không ngờ lại chán chường nỗi tủi nhục, Trương Chi lấy làm đau đớn. Về nhà, hình bóng yêu kiều của Mỵ Nương ám ảnh mãi. Trương lâm bịnh tương tư, thuốc thang chạy chữa không khỏi. Cuối cùng Trương chết trong tủi hận sầu đau vì mối tình tuyệt vọng. Ba năm cải táng, xương thịt của Trương đều tan rã, chỉ nguyên có quả tim còn lại đóng thành khối ngọc rất đẹp. Có người đem dâng ngọc quả tim của Trương cho quan Tể tướng. Thấy ngọc lớn và đẹp, Tể tướng cho tiện thành chén uống nước trà. Mỵ Nương lấy chén ngọc rót nước uống. Vừa nâng chén lên thì trong chén lại hiện ra một chàng lái đò vừa chèo đò vừa hát, giọng văng vẳng não nùng như phảng phất đâu đây. Nàng nhìn kỹ là hình bóng của Trương Chi đương hát trên sông vắng. Cảm mối tình tha thiết của Trương Chi, Mỵ Nương đau đớn, ôm chén ngọc, khóc nức nở. Nước mắt của nàng rỏ xuống chén ngọc làm chén ngọc vỡ tan hòa theo nước mắt của nàng.
Sử ta cũng có chép: Nhà Hậu Lê (1533-1788), vua Tây Sơn là Nguyễn Huệ đem quân sang đánh Bắc Hà, vua cuối cùng nhà Hậu Lê là Lê Chiêu Thống bỏ chạy sang Tàu cùng một số quan tòng vong. Chiêu Thống mong cầu viện vua nhà Thanh đem binh sang giúp mình mong dựng lại cơ đồ. Nhưng quân nhà Thanh vừa bị vua Quang Trung Nguyễn Huệ đánh bại tại trận Đống Đa, vua Càng Long nhà Thanh vỡ tan mộng xâm lược nên bằng lòng chịu hòa với Tây Sơn, do đó sự cầu viện của vua Lê bất thành. Vua nhà Thanh lại còn bạc đãi, sỉ nhục vua Lê đến điều, bắt các quan lại tòng vong như Lê Quỳnh, Trịnh Hiến cả thảy 10 người phải đổi áo gióc bím như dân nhà Thanh và còn đày họ mỗi người ở mỗi nơi. Vua Chiêu Thống lấy làm tủi nhục. Hoàng tử lên đậu chết, nhà vua càng buồn bã rầu rĩ hơn nữa nên lâm phải bịnh ngày thêm trầm trọng, rồi mất (1793). Khi vua Gia Long lên ngôi, năm 1802, sai sứ sang Tàu cầu phong, các quan nhà Lê nhân dịp dâng biểu xin đem hài cốt vua và hoàng hậu về nước. Vua Gia Khánh nhà Thanh bằng lòng. Trong lúc đào đất lên để cải táng mả vua Lê thì thấy da thịt đã tiêu cả, chỉ còn có quả tim không nát, vẫn đỏ như thường. Ai trông thấy cũng động lòng thương xót. Ông Trần Trọng Kim, soạn giả quyển "Việt Nam sử lược" chép đến đoạn này có lời phê: "Dẫu chuyện đó thực hư thế nào mặc lòng, nhưng tưởng đến tình cảnh vua Chiêu Thống lúc bấy giờ, thì ai cũng ái ngại thay cho ông vua một nước phải đày đọa đến nỗi như thế, có thể làm một bài bi kịch thảm xót muôn đời. Tuy rằng tại vua tôi nhà Lê vụng tính cho nên bị người ta đánh lừa, nhưng cũng nên trách vua quan nhà Thanh xử tệ bạc đãi một ông vua vong quốc, đem thân đến nương nhờ nước mình. Ấy cũng là một thời dã man về đời áp chế, khiến cho cái oan khổ của người ta muôn đời về sau không tiêu thoát đi được." Trong tác phẩm "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du, đoạn Kiều bán mình cho Mã Giám Sinh trước khi theo về Lâm Truy, nàng ngồi đối bóng với ngọn đèn khuya, nhớ đến mối tình đầu giữa nàng và Kim Trọng vì gia biến mà phải dang dở, bẽ bàng nên than thở: Biết bao duyên nợ thề bồi, Kiếp này thôi thế thì thôi còn gì. Tái sinh chưa dứt hương thề, Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai. Nợ tình chưa trả cho ai, Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan.
|
Trời mưa không lớn lắm
Nhưng đủ ướt đôi đầu
Cuộc tình không lớn lắm
Nhưng chiếm hết đời nhau.
Hoa Hạ
|
IP Logged |
|
Hoa Hạ
Senior Member
Tham gia ngày: 19/Jan/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 968
|
![Reply](forum_images/reply.gif) Gởi ngày: 29/Nov/2010 lúc 8:12am |
Nguyễn Tử Quang Điển hay tích lạ
Trường Hận Ca
Hoàng đế Đường Huyền Tông, họ tên thật là Lý Long Cơ, sau này hay gọi là Đường Minh Hoàng, nhà vua thứ chín đời nhà Đường (618-907). Lúc thiếu thời là một người anh vũ, có tài thao lược. Dưới triều đại của ông, đất nước được thanh bình. Nhưng mấy năm sau cùng, nhà vua đã 50 tuổi, đâm ra si mê Dương Quí Phi tức Dương Ngọc Hoàn, lại tin dùng bọn Dương Quốc Trung (anh họ của Dương Quí Phi), Lý Lâm Phủ, ... nên quốc chính ngày càng suy tệ. Lúc bấy giờ có tướng An Lộc Sơn, người Hồ, quê ở vùng Nhiệt Hà là người rất thông minh, được nhà vua tin mến. Nhứt là đối với Quí Phi, họ An rất được yêu thương. An xin làm con nuôi của Quí Phi để được phép ra vào cấm uyển mà khỏi ai dị nghị. Nhà vua mù quáng lại vui lòng ưng thuận. Vì có sự hiềm khích với Tể tướng Dương Quốc Trung, An Lộc Sơn sợ bị ám hại nên bỏ trốn, rồi cử binh từ quân Ngự Dương, tự xưng hoàng đế, đánh thẳng vào kinh đô Trường An. Binh triều đại bại, vua cùng một số quần thần phải bỏ kinh thành chạy vào đất Thục. Đến Mã Ngôi, tướng sĩ không chịu đi nữa, lại đồng nhau phải giết chết quyền thần Dương Quốc Trung; và bức vua phải đem thắt cổ con người ngọc thì họ mới chịu phò vua. Vì họ cho rằng Quí Phi là mầm sinh đại loạn. Lương thực hết, quân sĩ khổ mệt, căm tức. Gặp bước đường cùng, nhà vua đành giấu mặt, cắt lòng mà "hy sinh người yêu khuynh quốc". Sau, loạn dẹp xong, Đường Minh Hoàng trở về Trường An. Đế đô còn đó, mà con người ngọc yêu dấu ngày xưa nay đâu còn nữa. Nỗi nhớ thương dào dạt, dằng dặc đầy lòng. Mối tình vương giả này, rồi sẽ bị chìm trong lãng quên của thời gian, nếu không có ngòi bút tài hoa tuyệt vời của Bạch Cư Dị tô điểm cho thêm phần lâm ly, chua xót. Bạch Cư Dị tự Lạc Thiên, người đời nhà Đường, quê ở Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, đậu Tiến sĩ năm 27 tuổi, nhận chúc Hàn lâm học sĩ. Có lúc ông bị biếm làm Tư mã đất Giang Châu. Sau, ông giữ chức Thứ sử ở Tô Châu, Hàng Châu. Về già, được thăng Hình bộ thượng thư. Chứng kiến được cảnh thảm khốc của một bi tình si lụy của Đường Minh Hoàng, họ Bạch để lòng cảm xúc bằng bài "Trường hận ca" (Hận tình muôn thuở). Hán hoàng trọng sắc tư khuynh quốc, Ngữ vũ đa niên cầu bất đắc. Dương gia hữu nữ sơ trưởng thành, Dưỡng tại thâm khuê nhân vị thức. Thiên sinh lệ chất nan tự khí: Nhất triêu tuyển tại quân vương trắc. Hồi mâu nhất tiếu, bách mị sinh, Lục cung phấn đại vô nhan sắc. Xuân hàn tứ dục Hoa thanh trì, Ôn tuyền thủy hoạt tẩy ngưng chi. Thị nhi phù khởi kiều vô lực, Thỉ thị tân thừa ân trạch thì, Vân bấn hoa nhan kim bộ diêu. Phù dung trướng noãn độ xuân tiêu. Xuân tiêu khổ đoản, nhật cao khởi. Tùng thử quân vương bất tảo triều. Thừa hoan thị yến vô nhàn hạ, Xuân tùng xuân du, dạ chuyên dạ. Hậu cung giai lệ tam thiên nhân, Tam thiên sủng ái tại nhất thân. Kim ốc trang thành kiều thị dạ, Ngọc lâu yến bãi túy hòa xuân. Tỉ muội đệ huynh giai liệt thổ, Khả liên quang thái sinh môn hộ Toại linh thiên hạ phụ mẫu tâm Bất trọng sinh nam trọng sinh nữ. Ly cung cao xứ nhập thanh vân, Tiên nhạc phong phiêu xứ xứ văn, Hoãn ca mạn vũ ngưng ti trúc, Tận nhật quân vương khan bất túc... Ngư Dương bề cổ động địa lai, Kinh phá Nghê Thường vũ y khúc. Cửu trùng thành khuyết yên trần sinh Thiên thặng vạn kỵ Tây Nam hành. Thúy hoa diêu diêu hành phục chỉ, Tây xuất đô môn bách dư lý. Lục quân bất phát, vô nại hà, Uyển chuyển nga my mã tiền tử, Hoa điền ủy địa vô nhân thâu, Thúy kiều kim tước ngọc tao đầu. Quân vương yểm diện cứu bất đắc, Hồi khan huyết lụy tương hòa lưu. Hoàng ai tán mạn phong tiêu tác, Vân san oanh vu đăng Kiếm các. Nga mi sơn hạ thiểu nhân hành, Tinh kỳ vô quan nhật sắc bạc. Thục giang thủy bích, Thục sơn thanh, Thánh chúa triêu triêu mộ mộ tình. Hành cung kiến nguyệt thương tâm sắc, Dạ vũ văn linh trường đoạn thanh. Thiên tuyền địa chuyển hồi long ngự, Đáo thử trù trừ bất năng khứ. Mã ngôi pha hạ nê thổ trung, Bất kiến ngọc nhan không tử xứ, Quân thần tương cố tận triêm y, Đồng vọng đô môn tín mã quy. Quy lai trì uyển giai y cựu: Thái dịch phù dung Vị ương liễu. Phù dung như diện liễu như my. Đối thử như hà bất lụy thùy! Xuân phong đào lý hoa khai nhật, Thu vũ ngô đồng diệp lạc thì. Tây cung nam nội đa thu thảo, Lạc diệp mãn giai hồng bất tảo. Lê viên đệ tử bạch phát tân, Tiêu phòng a giám thanh nga lão. Tịch diện huỳnh phi tứ thiểu nhiên Cô đăng khiêu tận, vị thành miên. Trì trì chung cổ sơ trường dạ Cảnh cảnh tinh hà dục dục thự thiên. Uyên ương ngõa lãnh sương hoa trọng, Phỉ thúy khâm hàn thùy dữ cộng Du du sinh tử biệt kinh niên Hồn phách bất tằng lai nhập mộng. Lâm cùng đạo sĩ Hồng đô khách, Năng dĩ tinh thành trí hồn phách. Vị cảm quân vương tuyển chuyển tư, Toại giao phương sĩ ân cần mịch Bài vân ngự khí bôn như điện, Thăng thiên nhập địa cầu chi biến. Thượng cùng bích lạc hạ hoàng tuyền, Lưỡng xứ mang mang giai bất kiến. Hốt đăng hải thượng hữu tiên san, San tại hư vô phiếu diễu gian. Lâu các linh lung ngũ vân khởi, Kỳ trung sước ước đa tiên tử. Trung hữu nhất nhân tự Thái Chân, Tuyết phu hoa mạo sâm si thị. Kim khuyết tây tương khấu ngọc quynh, Chuyển giao Tiểu Ngọc báo Song Thành. Văn đạo Hán gia thiên tử sứ. Cửu hoa trướng lý mộng hồn kinh. Lãm y thôi chẩm khởi bồi hồi, Châu bạc ngân bình dĩ lỹ khai. Vân kế bán thiên tân thụy giác, Hoa quan bất chính hạ đường lai. Phong xuy tiên duệ phiêu phiêu cử Do tự Nghê Thường vũ y vũ, Ngọc dung tịch mạc lệ lan can. Lê hoa nhất chi xuân đái vũ. Hàm tình ngưng thế tạ quân vương Nhất biệt âm dung lưỡng diễu mang. Chiêu dương điện lý ân ái tuyệt Bồng lai cung trung nhật nguyệt trường. Hồi đầu hạ vọng nhân hoàn xứ, Bất kiến Trường An kiến trần vụ Duy tương cựu vật biểu thâm tình Điền hợp kim thoa ký tương khứ. Điền lưu nhất cổ hợp nhất phiến Thoa bích hoàng kim hợp phân điện. Đãn giao tâm tự kim điền kiên, Thiên thượng nhân gian hội tương kiến. Lâm biệt ân cần trọng ký từ, Từ trung hữu thệ lưỡng tâm tri, Thất nguyệt thất nhật Trường sinh điện, Dạ bán vô nhân tư ngữ thì, Tại thiên nguyện tác tị dực điểu, Tại địa nguyện vi tiên lý chi. Thiên trường địa cửu hữu thời tận, Thử hận miên miên vô tuyệt kỳ. Tác phẩm này đã có nhiều người dịch ra quốc văn, có bản bằng Pháp văn của Georges Soulié de Morant. Dưới đây là bản dịch của Yã Hạc và Trịnh Nguyên: Vua Hán ước mơ người quốc sắc, Bao năm tìm kiếm luống công toi. Họ Dương có gái hoa đương nở, Khóa kín buồng xuân, hận lẻ loi. Sắc đẹp trời sinh khôn bỏ phí, Ngai vàng một sớm được ngồi chung. Một cười khêu gợi trăm mê luyến, Xóa mất hồng nhan ở sáu cung. Xuân lạnh, Hoa thanh hồ sẵn đó, Suối tuôn dòng ấm tắm hoa khôi, Vua ban ân trạch, con hầu nịnh Sáng dậy phò nâng ẻo lả ngồi. Ngày dạo sen vàng bay tóc mượt, Đêm xuân trướng ấm ủ hoa đào. Mặt trời lên vội, đêm xuân ngắn, Từ đấy nhà vua nhãng thị trào. Yến ẩm vui vầy thôi chẳng ngớt; Đêm đêm xuân tứ lại xuân tình. Ba ngàn cung nữ, ba ngàn mối, Sủng ái từ đây thanh hầu thánh chúa, Anh em nhuần gội ơn mưa móc, Nhà cửa hàn vi rạng rỡ lây. Thiên hạ đem lòng mơ phú quý, Khinh trai trọng gái kể từ đây. Ly Cung cao tít lồng mây biếc, Tiên nhạc mê hồn vẳng bốn phương. Sớm tối ca êm hòa múa dịu Não nùng tơ trúc đắm quân vương. Ầm ầm chiêng trống Ngư Dương dấy, Khúc hát Nghê Thường hoảng vỡ tan. Thành khuyết xôn xao mù khói bụi, Xe rồng rong ruổi hướng tây nam. Khi đi khi nghỉ, cờ phơ phất. Trăm dặm đường Tây bước gập ghềnh. Quân sĩ căm hờn, không chịu tiến: Mày ngài trước ngựa phải hy sinh! Hoa tai bỏ đất, không người nhặt, Trăm ngọc thoa vàng lả tả rơi. Đứt ruột quân vương đành giấu mặt. Ngoảnh nhìn máu chảy lệ ràn trôi. Bụi vàng tản mác đìu hiu gió, Kiếm Các cheo leo sạn đạo dài. Chân núi Nga Mi buồn bã vắng; tinh kỳ nhợt thếch, mặt trời phai. Nước non Ba Thục xanh xanh biếc, Sớm tối nhà vua trĩu nhớ nhung. Quạnh quẽ hành cung, trăng gợi thảm, Đêm mưa chuông vắng tiếng đau lòng. Trời xoay đất chuyển quày long ngự, Chốn cũ ngừng thăm dạ ngẩn ngơ. Mặt ngọc giờ đâu? Trơ tử địa, Mã ngôi ảm đảm đất bùn nhơ, Vua tôi nhỏ lệ đầm bâu áo, Kinh khuyết vời trông tế ngựa về, Về tới, vườn ao như thuở trước. Vị ương lá liễu giống mày ai, Phù dung Thái dịch trông như mặt. Cảnh cũ tình xưa giọt lệ rơi! Đào lý nở hoa xuân gió thoảng, Mưa thu đổ rụng lá ngô đồng. Tây cung Nam nội đầy thu thảo, Phủ kín thềm hoang lá úa hồng. Con hát Lê viên sầu tóc bạc, Tiêu phòng thái giam hận răng long. Tối nhìn đom đóm bay le lói. Khêu cạn đèn khuya giấc chửa an. Dằng dặc năm canh rền trống điểm, Sông Ngân lấp lánh báo đêm tàn. Mái lầu thánh thót rơi sương lạnh, Đắp chiếc mền đơn, nhớ độ nào... Sống thác bao năm đằng đẵng biệt, Hương hồn sao chẳng hiển chiêm bao! Lâm Cùng may có tay phương sĩ, Một phép chiêu hồn dậy tiếng tăm, Thương cảm quân vương trằn trọc nhớ, Mới sai đạo sĩ cố truy tầm. Cỡi mây lướt gió nhanh như chớp, Lên tận trời cao xuống đất sâu. Bích Lạ, Hoàng Thuyền đi khắp chỗ, Mênh mông nào thấy bóng ai đâu! Chợt nghe ngoài biển nơi không ảo, Lơ lửng mơ hồ có núi tiên. Cung điện chập chờn mây ngũ sắc. Tiên nga tha thướt dạo trong đền, Mặt hoa da tuyết riêng nàng nọ, Phảng phất hình dung, tợ Thái Chân. Gõ cửa hiên tây vàng rực rỡ, Báo tin Tiểu Ngọc, nhắn Song Thành. Nghe tin sứ giả đời vua Hán Trướng gấm hồn mơ bỗng giựt mình. Dã dượi ngồi lên, thu vạt áo, Rèm châu bình lạc, mở lần ra. Tóc mây lệch nửa, nghiêng nghiêng mũ Bước xuống thềm loan, dáng thẫn thờ. Tay áo gió lay bay phất phới, Tưởng như đang múa Nghê Thường xưa. Âm thầm mặt ngọc lưa thưa lệ, In một cành lê điểm điểm mưa. Ngầm sầu ngưng lệ, tạ quân vương, Từ thuở âm dương biệt mỗi phương. Trong điện Chiêu Dương, ân ái tuyệt, Bồng lai tiên cảnh, tháng năm trường. Ngoảnh đầu trông xuống nơi trần thế, Chẳng thấy Trường An, thấy bụi mù. Gởi tỏ tình tâm trong vật cũ, Thoa vàng hộp đá kính dâng vua. Hộp đá thoa vàng đem bẻ nửa, Nửa thì giữ lại, nửa đưa trao, Lòng sao chỉ nguyện như vàng đá, Hạ giới thiên đình sẽ gặp nhau. Lúc sắp lui về còn nhắn nhủ, Nhắc lời thệ ước giữa đôi bên. Năm xưa, trùng thất, Trường Sinh điện. Vắng vẻ đêm khuya thủ thỉ truyền: "Trên trời nguyện hóa chim liền cánh, Dưới đất làm cây nhánh dính liền". Trời đất lâu bền rồi sẽ tận, Hận này muôn thuở vẫn miên miên.
|
Trời mưa không lớn lắm
Nhưng đủ ướt đôi đầu
Cuộc tình không lớn lắm
Nhưng chiếm hết đời nhau.
Hoa Hạ
|
IP Logged |
|
Hoa Hạ
Senior Member
Tham gia ngày: 19/Jan/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 968
|
![Reply](forum_images/reply.gif) Gởi ngày: 29/Nov/2010 lúc 8:19am |
Nguyễn Tử Quang Điển hay tích lạ
Bức họa Dương Quí Phi tắm suối
Đọc sử Tàu, ai cũng biết qua vua Đường Minh Hoàng và Dương Quí Phi nhà vua tuy già nhưng vẫn đa tình và rất mực phong lưu. Còn Dương Quí Phi tức Dương Ngọc Hoàn là một giai nhân có một sắc đẹp nứt vàng tan đá. Tập "Tây bắc thảm kỳ" của Đào Ngọc Sơn đời nhà Minh (1368-1628) có chép truyện "Quái Nham Quí phi toàn dục bích họa", nghĩa là bức họa trên vách tả cảnh Dương Quí Phi tắm suối ở Quái Nham. Ai cũng cho là một sự quái lạ. Vì Quái Nham là một hòn núi kỳ quái, hiểm hóc ở về phía nam tỉnh Thiểm Tây. Nơi này ít có dấu chân người đặt đến. Thân núi cao vót, vách đá cheo leo. Người nào hiếu kỳ muốn lên được trên núi phải bám mỏm đá, bíu dây song chuyền thân cây, phải giữ từng ly từng tí, chật vật khó khăn, mệt đứt hơi, sợ bể tim mới lên đến được. Sơ sẩy một chút rơi xuống thì bỏ mạng đời. Đứng dưới chân núi nhìn lên, nếu người có tính nhút nhát, tưởng không ai dám đến gần. Vì ở giữa thân núi, bốn bề đều có những phiến đá. Có phiến to bằng cả mái nhà. Có phiến nhỏ cũng bằng tấm ghế. Tất cả đều từ trên dốc xuống, xem có vẻ như không bám chặt vào đâu, sắp cùng một loạt lao mình xuống đất. Chỉ có về mặt nam thì núi hơi thu gọn lại. Cố lách mình leo những khe đá, dù chật vật cũng còn có lối lên. Đến lưng chừng, có một cái hang, cửa vào khá rộng và không tối lắm. Cửa hang càng vào trong càng rộng. Tới mãi trong cùng thì có một bãi đất lộ thiên độ vài chục mẫu, cỏ mọc xanh rờn như một nệm gấm trải phẳng phiu. Ở đây có nhiều thứ cây lạ. Mỗi cây có một thứ hoa đủ các hình sắc. Chung quanh bãi ấy, thân núi dựng đứng như bức tường dài. Vách núi nhiều chỗ lại phẳng trơn như mài, mỗi chỗ mỗi sắc, bóng nhoáng rất đẹp. Dưới những vách đá là một suối nước dài lượn theo. Dòng suối ấy cứ cách một quãng có những giọt nước từ trên khe đá tí tách rỏ xuống; hay những tia nước từ trong các mạch đất cuồn cuộn tuôn ra, hợp với dòng suối chảy tạo nên những tiếng êm tai như âm nhạc. Dòng suối có chỗ sâu hàng trượng, nước trong vắt, trông suốt cả những hòn đá nhỏ trắng phau dưới đây. Thật là một cảnh thần tiên. Trông về vách phía đông, thấy có một hàng chữ to có vẻ cổ kính "Dương Quí Phi toàn dục diễm tích" nghĩa là "Dấu vết xinh đẹp khi Dương Quí Phi tắm suối". Đây là một khoảng vách đá dài độ mươi trượng, rộng độ hai trượng có nhiều bức vẽ đều từng lúc Dương Quí Phi tắm suối thế nào. Các nét vẽ đều chạm khắc sâu vào thân vách nên dù màu có hơi nhạt nhưng nét vẫn còn rõ ràng như mới. Tất cả chừng 10 bức vẽ. Đây là lúc Dương Quí Phi cởi áo. Đây là lúc nàng còn ngồi trên phiến đá thò chân khoắng nước. Đây là lúc nàng đùa nghịch lấy tay đập nước, giọt nước bắn tung lên. Và, đây là lúc nàng lội suối theo những chỗ nông sâu; ngấn nước trong veo dần dần mờ in trên cái thân mình tha thướt uyển chuyển, da trắng như tuyết... Và, mỗi bức vẽ đều vẽ quí phi từ dưới suối nhìn lên cái ông chồng già Đường Minh Hoàng đương ngồi tựa mình trên vách đá, đôi mắt đắm say nhìn giai nhân mà tủm tỉm cười tình. Thật là những bức hoạt tượng. Dù đã cách có hàng năm sáu trăm năm mà xem đôi bạn tình vương giả ấy như đã học được thuật trường sinh, đem nhau đến chốn này, riêng hưởng cái diễm phúc mà người đời khó ai tìm được. Dưới những bức họa ấy có đề ngày tháng năm đã vẽ ghi cái diễm tích ấy. Tức là ngày 25 tháng 5 năm Thiên Bảo thứ mười (theo Dương lịch là năm 752). Quái Nham là một hòn núi hiểm hóc. Ít có dấu chân người đặt đến. Vậy mà nhà vua cùng quí phi dẫn nhau đến đấy. Người thì tắm, kẻ thì ngồi xem. Cả hai đều có sở thích. Người thì được cái thú tắm suối khoái hoạt. Một thân hình kiều diễm "làu làu sẵn đúc một tòa thiên nhiên" kia được ngâm trong làn nước tinh sạch thiên nhiên. Người thì lại có lẽ tự hào là được cùng một giai nhân tuyệt thế đến thưởng ngoạn một thắng cảnh thiên nhiên, xưa nay ít ai biết đến, rồi ghi lại dấu vết diễm tuyệt trên vách núi để góp một phần tình tứ, một phần mỹ lệ vào cảnh kỳ quan của hóa công? Quí phi thích đi tắm suối. Mỗi lần đi phải phí tổn cả hàng vạn bạc. Nghe nói trên Quái Nham có cảnh đẹp, có suối trong khác thường, ai tắm sẽ được trường thọ. Vừa tham sống, vừa có tính tò mò nên quí phi đòi Minh Hoàng cho đi kỳ được. Muốn cho mỹ nhân vui lòng, Minh Hoàng không quản khó nhọc, hạ chỉ cho quan lại địa phương phải moi óc nghĩ cách làm cho được con đường lên núi. Hạn trong nửa tháng, làm xong sẽ hậu thưởng; bằng không sẽ cho tuột chức nghỉ vô thời hạn. Tiếp chỉ, quan địa phương xiết bao lo sợ. Sau có người bày cách kết mây làm cầu, chôn hai cây to dưới đất, rồi từ đó các đợt cầu mây cứ kế tiếp nối nhau đến tận cửa hang. Vì phải làm gấp và leo trèo khó khăn nên tốn kém có hơn 10 vạn bạc và số nhân công sơ sẩy bị té chết có hàng trăm. Cầu làm chắc chắn và đi rất êm. Minh Hoàng và quí phi lên được đến nơi cho là một cuộc viễn du khó có. Muốn làm kỷ niệm, Minh Hoàng mới tìm một thợ vẽ khéo, vẽ lại diễm tích trên núi. Một cuộc tắm mát đã làm cho người yêu như ý, Minh Hoàng vui mừng khôn xiết, hậu thưởng quan quân và dân chúng miền đó. Nhưng thấy làm hao hụt hàng vạn của kho và làm chết hàng trăm mạng người, Minh Hoàng cấm sử quan ghi chép và không ai được nói chuyện ấy. Tưởng cái diễm tích ấy bị vùi dập trong cái hang bí mật đã trên ngàn năm nay, và câu chuyện vì cái thú phong lưu "tai ác" giết hại mạng người ấy chìm trong dĩ vãng đen tối, không ngờ bị quyển "Tây bắc thảm kỳ" chép lại cuộc du hí của hàng vương giả, vô tình tố cáo với thế nhân.
|
Trời mưa không lớn lắm
Nhưng đủ ướt đôi đầu
Cuộc tình không lớn lắm
Nhưng chiếm hết đời nhau.
Hoa Hạ
|
IP Logged |
|
mykieu
Senior Member
Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
|
![Reply](forum_images/reply.gif) Gởi ngày: 29/Nov/2010 lúc 5:34pm |
Dear Hoa Hạ,
Bấy lâu ghé "Vườn Hoa" của Hoa Hạ , đọc nhiều Điển Hay Tích Lạ . Cám ơn Hoa Hạ nhe.
Xin gửi vào đây "một đóa hoa" mk vừa nhận được . Mong làm sân vườn nhà Hoa Hạ thêm tươi thắm.
Trong PPS , nhiều Mỹ Nhân Trung Hoa đã gắn liền nhỮng điển tích : Lạc nhạn , Trầm ngư , Hoa nhượng , Bế nguyệt ,....
Bài viết của Miên Du DaLat còn đính chính & bổ sung tài liệu về Trác Văn Quân.
MỜI CẢ NHÀ CHIÊM NGƯỠNG NGƯỜI ĐẸP. ![Smile](http://www.gocong.com/forums/smileys/smiley1.gif)
mk
“Giai nhân tự cổ như danh tướng,
Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu”
(Miên Du Đà Lạt)
Xin gởi đến các bạn PPS của các Giai nhân nổi tiếng thời cổ của Trung Hoa, Trong PPS này có hình ảnh nàng Trác Văn Quân, người làm PPS đã không có đủ sử liệu về nàng Trác văn Quân nên đã viết chỉ có một câu, nhưng câu này hoàn toàn sai, Ghi rằng: " Trác văn Quân là con gái của Tư mã Tương Như"
Sau đây MD xin mạn phép ghi lại theo sử liệu tìm thấy trong các sách sử, có thể là huyền sử hay chính sử, chúng ta không thể biết chính xác, "tam sao thất bản", hay các nhà viết sử hư cấu thêm gia vị cho câu chuyện được hấp dẫn hơn: - Trác văn Quân là con gái của Trác Vương Tôn, vốn là một cô gái rất xinh đẹp, còn nhỏ tuổi mà nàng đã sớm góa chồng, lại rất mê Thi Ca đàn hát.
- Tư Mã Tương Như tự Tràng Khanh, người ở Thành Đô đời nhà Hán. Tư Mã Tương Như rất đa tài, văn hay, đàn giỏi. Khi bỏ quê lên Trường An để lập công danh, đến con sông đầu làng, Tương Như viết trên cầu một câu: "Bất thừa cao xa tứ mã, bất phục quá thử kiều" (Không ngồi xe cao bốn ngựa, không qua lại cầu này nữa). Vốn con người phóng khoáng, hào hoa rất mực, ông mua được một chức quan nhỏ, làm quan trong ít lâu, chán, cáo bịnh, qua chơi nước Lương, rồi trở về nước Thục. Đến đâu, Tương Như cũng dùng bút mực và cây đàn để giao thiệp bằng hữu. Trong khi đến đất Lâm Cùng, Tương Như vốn sẵn quen với Vương Cát là quan lệnh ở huyện, nên đến chơi. Cát lại mời Tương Như cùng đi dự tiệc ở nhà Trác Vương Tôn, vốn viên ngoại trong huyện. Nghe tiếng Tương Như đàn hay nên quan huyện cùng Trác Vương Tôn yêu cầu đánh cho một bài. Tương Như biết được Trác văn Quân, định ghẹo nàng, nên vừa gảy đàn vừa hát khúc "Phượng cầu hoàng" (Chim phượng trống tìm chim phượng mái).
Chim phượng, chim phượng về cố hương, Ngao du bốn bể tìm chim hoàng Thời chưa gặp chừ, luống lỡ làng. Hôm nay bước đến chốn thênh thang. Có cô gái đẹp ở đài trang, Nhà gần người xa não tâm tràng. Ước gì giao kết đôi uyên ương, Bay liệng cùng nhau thỏa mọi đường.
Nguyên văn:
Phượng hề, phượng hề quy cố hương, Ngao du tứ hải cầu kỳ hoàng, Thời vị ngộ hề vô sở tương, Hà ngộ kim tịch đăng tư đường. Hữu diệm thục nữ tại khuê phường, Thất nhĩ nhân hà sầu ngã trường. Hà duyên giao cảnh vi uyên ương Tương hiệt cương hề cộng cao tường.
Trác Văn Quân nghe được tiếng đàn, lấy làm say mê, đương đêm bỏ nhà đi theo chàng Tương Như. Trác ông tức giận, quyết định từ con. Đôi trai gái đó mở một quán nấu rượu. Vợ chồng cùng cặm cụi làm ăn. Sau Hán Vũ Đế đọc bài "Tử hư phú" của Tương Như, khen tài mới vời vào triều, ban chức tước. Lại sai chàng cầm cờ tiết, thay nhà vua về Ba Thục chiêu an bọn phụ lão tùng phục nhà Hán. Lần này thỏa chí bình sinh, Tương Như áo gấm vinh quy được người đón rước long trọng. Nhưng làm quan ít lâu, lại chán, cáo bịnh lui về quê.
Trong Bích Câu kỳ ngộ có câu:
Cầu hoàng tay lựa nên vần, Tương Như lòng ấy, Văn Quân lòng nào.
Trong Đoạn Trường Tân Thanh hay Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng có câu:
Khúc đâu Tư Mã phượng cầu, Nghe ra như oán, như sầu phải chăng!
Và Nguyễn Bính trong bài "Hoa với Rượu" cũng có câu:
Như truyện Tương Như và Trác Thị Đưa nhau về ở đất Lâm Cùng Vườn cam trắng xóa hoa cam rụng Tôi với em Nhi kết vợ chồng!
![China_Trac_Van_Quan](http://album.vuilen.com/data/500/China_Trac_Van_Quan.jpg)
xin qui vi vui lòng download attachment PPS file để chiêm ngưỡng các Giai Nhân Trung Hoa đã từng làm "chim sa, cá lặn, hoa nhường, nguyệt thẹn", và nghiêng thành mất nước cũng vì ánh mắt nụ cười của giai nhân!
cuối tuần chúc cả làng vui khỏe và XIN HÃY CHO NHAU NỤ CƯỜI Miên Du Đà Lạt
|
Chỉnh sửa lại bởi mykieu - 29/Nov/2010 lúc 5:38pm
|
mk
|
IP Logged |
|
lo cong
Senior Member
Tham gia ngày: 30/Oct/2007
Đến từ: Canada
Thành viên: OffLine
Số bài: 2596
|
![Reply](forum_images/reply.gif) Gởi ngày: 08/Mar/2011 lúc 12:13am |
Hương vị của khói Để đả phá tính ích kỷ, người Ả Rập thường kể câu chuyện như sau:
Tại một khu phố nọ, có nhiều cửa hàng ăn uống. Hương vị bốc lên từ các cửa hàng này thu hút người giàu lẫn kẻ nghèo. Những người giàu đến đây để thưởng thức những món ăn, còn người nghèo thì chỉ mong có được phần thừa của thực khách, hoặc là hít các mùi thơm của món ăn trong nhà bếp tỏa ra…
Có một người nghèo đến. Trên tay cầm ổ bánh mì. Anh nghĩ, thay vì chờ phần ăn thừa của khách, thì leo lên mái nhà, ngồi cạnh ống khói. Rồi vừa nhai bánh mì vừa hít thở làm khói bốc ra từ nhà bếp. Vừa ăn vừa tưởng tượng như mình đang thưởng thức như thực khách vậy.
Nhưng hôm ấy, chủ gặp rắc rối, bực tức, nên sai người lôi anh xuống và bắt trả tiền. Ông lý luận: "Khói bốc ra từ nhà bếp của ta không phải là khói chùa, nhà ngươi đã thưởng thức làn khói đầy hương vị đó, nên cũng phải trả tiền".
Người ăn xin không chịu và đưa ra tòa. Tại quan tòa có 2 ý kiến hợp lý: một bên nói rằng khói bốc ra từ cửa hàng, do đó nó là sở hữu của ông chủ cửa hàng. Bên kia nói là khói cũng như không khí là của mọi người. Vì vậy anh ăn xin có quyền hưởng miễn phí.
Quan toà phán quyết như sau: "Người nghèo đã hưởng khói mà không đụng đến thức ăn, cho nên anh ta hãy lấy một đồng bạc, ra giữa công viên, gõ đồng bạc vào ghế đá âm thanh của đồng bạc sẽ lan ra. Người chủ cửa hàng muốn đòi tiền của khói, ông hãy lắng nghe âm thanh ấy". |
Chỉnh sửa lại bởi lo cong - 08/Mar/2011 lúc 12:14am
|
Lộ Công Mười Lăm
|
IP Logged |
|