Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Thơ Văn
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Văn Học - Nghệ thuật :Thơ Văn
Message Icon Chủ đề: Truyện ngắn -Tùy bút chọn lọc Gởi trả lời Gởi bài mới
<< phần trước Trang  of 14 phần sau >>
Người gởi Nội dung
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 22/Aug/2010 lúc 3:46am
 
 
Tác giả: Đỗ Duy Ngọc

Hắn tên là V. Huy, thật ra tên đầy đủ của hắn là Nguyễn Phúc Vĩnh Huy, vốn là con cháu giòng họ vua chúa triều Nguyễn. Bố hắn là giáo sư tiến sĩ, từng chữa bệnh cho Cụ Hồ. Ông nội hắn là Thượng thư bộ Lại trong triều vua gì đó của nhà Nguyễn. Mẹ hắn cũng là giáo sư nhưng hình như bên ngành Luật, tốt nghiệp từ bên Tây, nghe lời dụ dỗ của Cụ Hồ về nước tham gia đánh giặc. Lí lịch của hắn quá ư là đẹp, vừa quí tộc vừa cộng sản, không chê vào đâu được. Hắn tốt nghiệp Tiến sĩ ngành ngoại giao ở Liên Xô, cũng nghe nói là bằng đỏ đàng hoàng, và chắc chắn là bằng thật. Thế mà hắn lại xổ toẹt cái lí lịch đó, đái lên cái truyền thống đẹp như mơ đó. Hắn không bao giờ chịu thổ lộ cái tên trong khai sinh cho bất kì ai, và luôn luôn tự xưng tên tôi là V. Huy, cắt đứt mọi liên hệ với cái gia đình danh giá. Cũng chẳng biết tại sao. Và mọi người cũng không rảnh thì giờ để điều tra chuyện đó.

Tôi gặp hắn lần đầu trong quán cà phê. Quen qua quen lại mà thành thân gần tám năm nay. Hắn là một thằng có cá tính. Mà lại là cá tính quái dị. Tôi cũng vốn là một người quái đản – theo mọi người chung quanh bảo thế – nên khi gặp hắn là thành thân ngay, đi đâu cũng có nhau. Ngưu tìm ngưu, mã tìm mã mà.

Hắn có khuôn mặt của John Lennon: ngây thơ mà tinh quái. Cũng nét mặt gầy, mũi thẳng, tóc xoăn để dài đến bờ vai, chỉ khác là tóc màu đen. Hắn cũng đeo kính cận gọng tròn, nặng độ, dày như đít chai. Lúc nào hắn cũng kè kè cái ba lô nặng trĩu chứa tùm lum nào sách, nào khăn, nào đủ thứ như một túi rác. Nhưng hắn bảo hắn chứa cả càn khôn trong đó.

Hắn chỉ có độc một bộ đồ, chiếc áo jean bạc màu, áo jacket màu cứt ngựa có nhiều túi và cũng nhiều fermature. Chiếc quần jean rách ở đầu gối và sờn ở hai mông đít. Đôi giày lính Mỹ cao cổ loang lổ và ám bụi đường. Hắn không bao giờ giặt áo quần, cứ mặc cho đến tả tơi lại đi tìm bộ khác cũng y như thế. Công nhận hắn cũng giỏi săn lùng vì suốt tám năm quen hắn, tôi có cảm tưởng hình như hắn chẳng bao giờ thay kiểu quần áo.

Hắn là một thằng thông minh, rất thông minh. Và cũng uyên bác, rất uyên bác. Tôi là người rất ngạo mạn, ít khen ai và cũng ít nể ai, luôn khinh khi những thằng tiến sĩ dỏm nhiều như quân Nguyên chạy đầy đường. Nhưng gặp hắn, quen hắn, biết hắn thì tôi phải khen ngợi hắn thật lòng. Hắn nói tiếng Anh như dân xuất thân từ Oxford , đúng giọng và ngữ điệu. Hắn vi vu tiếng Pháp giọng Paris và hơn thế nữa là dùng ngôn ngữ từ Sorbonne ra. Hắn nói tiếng Ý như mưa rào và tiếng Nga thì thôi rồi, nghe không khác gì Putin. Hắn cũng giỏi tiếng Hán, viết thư pháp như múa, đặc biệt là chữ thảo, đọc toàn sách cổ văn, đọc tiếng Đức ầm ầm như bão tố. Ngoài ra hắn còn giỏi tiếng Bồ Đào Nha, đọc kinh Phật bằng tiếng Pali và nói thông thuộc tiếng Khmer. Hay nhất là dù hắn có mười mấy năm ở nước ngoài, có bằng Tiến sĩ ở Nga nhưng lại nói tiếng Việt rất chuẩn, tròn vành rõ chữ và dùng từ thì không chê vào đâu được. Nói tóm lại, xét về mặt ngôn ngữ, hắn là thằng trùm thiên hạ.

Không biết chính xác hắn ở đâu. Lúc thì bảo ở quận tư, có khi lại ở quận tám. Tóm lại hắn là thằng giang hồ. Một thằng trí thức nhất trong những thằng trí thức đúng nghĩa của Việt Nam đang là kẻ không nhà. Hắn là thằng ma – cà – bông. Cứ khoảng chín giờ sáng là có mặt hắn ở quán cà phê, kêu li đen và ngồi rít thuốc liên tục. Bất cứ vấn đề gì hắn cũng có thể nói được, và nói rất sâu. Gặp những từ ngữ cần chính danh, hắn có thể lấy giải nhĩa từ nguyên chữ Hán và có khi từ chữ gốc của tiếng La tinh. Hắn có thể nói từ chuyện văn chương kim cổ cho đến những phát minh từ xưa đến nay của loài người. Hắn giảng về Socrate, Platon cho đến các triết gia cận đại. Hắn nói về Mác thì ai cũng ngóng cổ lên mà nghe bởi vì toàn những vần đề mà những ngài tuyên huấn cộng sản không bao giờ biết đến và phân tích nổi. Khi hắn phân tích cách mạng Trung Hoa, cách mạng Việt Nam, rồi tương lai của toàn thế giới thì mọi người há mỏ nghe không ngậm lại được, mặt ai cũng nghệch ra như ngỗng ỉa. Trong mọi cuộc bàn luận, hắn trở thành trung tâm. Khi chưa có mặt hắn ở khu vực này, tôi được mọi người phong cho là bách khoa toàn thư, chuyện gì cũng biết. Nhưng từ khi có hắn, tôi như đèn dầu le lói mà hắn thì sáng như đèn pha. Ngay như chuyện chó mèo, chim cò, rắn rít, thú hoang hắn cũng rành như ông giáo sư Võ Qúy. Chuyện gì hắn cũng biết, mà biết rõ ngọn ngành rành mạch mới siêu chứ. Khi hắn đã nói thì chẳng còn ai có thể cãi lại hắn được. Với cái đầu của hắn, nếu được làm lãnh đạo hắn có thể là người lãnh đạo giỏi hay ít nhất đất nước sẽ nở mày nở mặt khi hắn tiếp xúc với năm châu bốn bể. Nhưng hắn lại là thằng lang thang, sống bằng những bài dịch tin nước ngoài cho mấy tờ báo lá cải. Trong khi mấy thằng ngu thì chức cao quyền trọng, ghế cao chót vót. Đời là vậy đấy! C’est la vie!!

Theo những tin tức vỉa hè thì hồi mới về nước thì hắn cũng đi làm ở bộ ngoại giao. Là nhân viên của một cục, một vụ gì đấy. Nhưng vì hắn quá giỏi lại quá ngông, không chịu nghe theo những chỉ thị ngu xuẩn của lãnh đạo nên cuối cùng bị đẩy xuống làm anh chạy văn thư. Vì cảm thấy nhục, hắn cũng kiện tụng tùm lum mà chẳng đi đến đâu nên bỏ sở mà làm kẻ lang thang. Tôi nghĩ tánh khí ngang tàng không khuất phục chính là nguyên nhân bi kịch chối từ gia đình của hắn.

Cách đây mấy năm, tôi có người bạn Pháp, một chuyên gia sưu tầm cổ vật Đông phương sang Việt Nam mua được một chậu sứ Trung Hoa rất cổ, hình như là đời đầu Minh. Chậu sứ vẽ cảnh mục đồng chăn trâu men xanh rất đẹp. Nét vẽ uyển chuyển và tinh tế của một nghệ nhân bậc thầy. Ông bạn tôi mấy lần mang về Pháp đều bị chận lại vì hải quan không cho mang cổ vật ra khỏi nước. Chuyện đến tai hắn, hắn bảo sẽ mang đi được với điều kiện bạn tôi mua vé khứ hồi cho hắn kèm theo 1500 Euro cho hắn tiêu mấy ngày ở bên đó. Bạn tôi ok ngay. Và hắn mang đi được thật mà chẳng cần xin xỏ, khai báo gì cả. Dịp đó hắn đi hết mấy nước châu Âu; gần hai tháng sau hắn mới về. Hỏi hắn làm sao, hắn bảo có khó đéo gì đâu, vào đến phi trường tớ đến ngay quầy bán hoa lan của Đà Lạt, mua một giỏ hoa lan có cả chậu, vào ngay phòng vệ sinh, bỏ chậu ra, lấy chậu sứ thay vào. Thế là ung dung xách giò lan bước lên máy bay chẳng thằng nào, con nào hỏi một tiếng. Ai cũng bảo hắn giỏi. Hỏi hắn ở bên đó hai tháng lấy gì mà ăn, hắn bảo hắn làm hướng dẫn viên du lịch. Đến thành phố nào cứ thấy mấy thằng du khách ngơ ngác thì hắn sấn tới làm quen sau đó hướng dẫn người ta đi tham quan. Hỏi hắn chưa bao giờ đi qua đó, biết đếch gì mà hướng dẫn. Hắn gào lên xin lỗi mọi người à, trước khi đi tôi đã học thuộc mấy cuốn sách hướng dẫn du lịch của hơn mười nước Châu Âu rồi. Nghe sợ chưa?

Có lần tôi với hắn đi nghe một tay giáo sư người Mỹ nói chuyện văn chương, trong giờ giải lao, hắn bước đến nói chuyện với tay giáo sư đó. Chẳng biết nó nói những gì mà khi trở lại sân khấu để tiếp tục câu chuyện, tay giáo sư người Mỹ mời hắn lên ngồi chung và giới thiệu hắn với cử tọa bằng những lời rất trân trọng. Lần đó hắn bị công an văn hóa mời lên mấy lần để nói rõ mối quan hệ giữa hắn và tay người Mỹ. Hắn chỉ bảo là hắn không đồng tình một số ý của diển giả và người giáo sư nể hắn. Thế thôi. Bắt nó làm tường trình, nó bảo chẳng có đéo gì mà phải tường với trình, không tin thì cứ đi hỏi tay giáo sư người Mỹ chứ tại sao lại hỏi hắn. Cuối cùng huề, chẳng có chuyện gì mà ầm ĩ.

Hắn chưa bao giờ kể cho tôi nghe về mối quan hệ của hắn với phụ nữ. Thế mà có một lần, có một người đàn bà đẹp đến tìm hắn ở quán cà phê. Tôi ngỡ ngàng khi gặp người phụ nữ này, bởi vì cô ấy quá đẹp. Một sắc đẹp đài các, duyên dáng và rất trí thức. Một khuôn mặt mà thi ca và hội họa suốt đời ca tụng. Bữa đó không có mặt hắn ở quán và tôi tiếp chuyện với người đàn bà đẹp đó. Nàng tên là Bạch Huệ – hoa huệ trắng- cái tên nghe có vẻ hơi cải lương, nhưng cô gái đó nói chuyện rất thông minh và rất có trình độ. Nàng đi tìm hắn đã lâu rồi, và rồi không biết ai đó đã hướng dẫn nàng đến đây. Cô gái kể sơ cho tôi nghe về mối quan hệ giữa hắn và nàng. Yêu nhau từ ngày còn ở bên Nga, nàng là con gái rượu của đại sứ Vệt Nam ở đó. Một mối tình đẹp và môn đăng hộ đối. Hai người về Việt Nam và dự định khi ổn định cuộc sống sẽ làm lễ cưới. Nhưng rồi hắn chửi lãnh đạo, mất việc, bị bố nàng nói nặng nhẹ đụng chạm tự ái sao đó, hắn chửi ông bố vợ tương lai một trận ra trò và bảo các ngài chỉ là một lũ ngu rồi bỏ đi không dấu vết. Nàng đau khổ đi tìm. Vô vọng. Mò kim đáy bể. Cuối cùng nghe theo lời bố lấy chồng. Chồng nàng bây giờ là thứ trưởng một bộ rất quan trọng. Tôi bảo thế thì bây giờ cô còn tìm hắn làm gì, khi đã trở thành hai tầng lớp khác nhau, vị trí xã hội cũng đã không còn như xưa nữa. Cô ấy bảo là tìm để xem hắn sống ra sao, tìm lại hình ảnh mối tình xưa đã không còn nữa và quan trọng nhất là cô ấy vẫn còn yêu hắn.

Khi tôi kể lại cho hắn nghe cuộc gặp gỡ, hắn không nói gì chỉ lẩm bẩm chửi thề, chửi thề là thói quen của hắn, nên tôi không biết hắn đang chửi cái gì. Chửi số phận hay chửi mối tình của hắn. Sau đó hắn lầm lì mấy ngày rồi vắng mặt gần mười mấy hôm, cũng chẳng biết hắn đi đâu…..

Hắn xuất hiện trở lại chốn giang hồ với một cọc tiền khá lớn, hắn bảo hắn vừa lãnh tiền công viết luận án tiến sĩ cho một đồng chí lãnh đạo thành phố. Hắn nói đây là đồng tiền tanh hôi, đồng tiền đã làm lụn bại đất nước, nhưng nếu hắn không nhận làm thì thằng khác cũng làm, xã hội bây giờ thiếu gì thằng trí thức sẵn sàng làm thuê. Hắn gom mấy đứa trẻ bán báo, đánh giày, bán vé số lại. Thuê một chiếc xe mười lăm chỗ ngồi, chở hết mấy đứa trẻ vào thành phố, mua sắm áo quần, đồ chơi, sách vở. Lại còn cho mỗi đứa mấy trăm ngàn. Cả đám trẻ sung sướng. Còn hắn thì hả hê. Chưa bao giờ thấy khuôn mặt của hắn sướng đến như vậy. Mấy bà bán dạo quanh quán cà phê bảo hắn điên, hắn cười sảng khoái, gật gù: điên, điên, đúng là điên.

Tối hôm đó hắn đi vào bar Mưa Rừng, vừa bước vào cửa, mấy gã bảo vệ nhìn bộ dạng của hắn, định ngăn không cho vào. Hắn rút ra mấy tờ bạc giúi vào tay chúng. Hai gã bảo vệ nghiêng mình, mở cửa. Hắn vào bàn, ngoắc một em phục vụ ăn mặc nóng bỏng lại, kêu cho ly sữa tươi. Em cave nhìn hắn định cười khi dễ thì hắn đã rút hai tờ năm trăm nhét vào tay cô gái và bảo, em mua giúp anh ly sữa tươi. Dĩ nhiên là cô gái thực hiện ngay. Ai dại gì từ chối bán ly sữa tươi giá một triệu bạc bao giờ. Hắn uống một hơi hết ly sữa. Lại ngoắc em gái lần nữa và rút thêm một xấp tiền, bảo: vú em nhỏ quá, anh cho em chục triệu đi bơm vú to lên mà làm cho đời thêm tươi. Cô gái há hốc mồm không kịp nói gì thì hắn đã lẳng lặng rời ghế, đi về. Chuyện này được kể lại với nhiều tình tiết ly kỳ hơn, kéo dài mấy tháng trong giới cave, sau này trở thành giai thoại, báo chí cũng có đăng. Mọi người kháo nhau hắn là tỷ phú đóng vai kẻ nghèo vì chán cảnh giàu sang nhung lụa. Bữa đó hắn đi bộ về, vừa đi vừa khóc, chẳng ai hiểu tại sao?

Hắn lại mất hút. Cả tháng rồi tôi không gặp hắn. Cho đến hôm qua, lúc trưa, tôi nhận được điện thoại của công an hỏi tôi có phải là người thân của hắn không? Tôi ừ. Đồng chí công an bảo phát hiện hắn đã chết đêm hôm qua, trong tay có mảnh giấy ghi tên và số điện thoại của tôi. Tôi chạy ngay đến đồn, họ chở tôi đến một căn nhà nhiều phòng ở một chung cư tại quận tư. Hắn nằm đó, khuôn mặt thanh thản và bình yên, trên môi phảng phất nụ cười. Chung quanh giường và tràn ngập căn phòng là những cành huệ trắng. Màu trắng của huệ, màu trắng của chiếc drap giường và bộ đồ trắng lần đầu tiên tôi thấy hắn mặc làm cho căn phòng tinh khiết lạ lùng và cũng tang tóc vô cùng. Trên đầu giường có một bức tranh sơn dầu nhỏ vẽ chân dung một cô gái cũng mặt chiếc váy trắng. Khuôn mặt trong hình rất quen. Đó là chân dung của Bạch Huệ. Thì ra hắn tự tử bằng hoa huệ. Hắn đã chất đầy căn phòng hoa huệ trắng, đóng kín cửa và hắn từ từ chết trong hương thơm ngào ngạt của loài hoa huệ trắng. Trong tờ giấy hắm nắm trong tay lúc ra đi, ngoài tên và số điện thoại của tôi, hắn còn ghi thêm hai dòng nữa. Dòng đầu hắn cho biết là hắn tự kết liễu đời mình, không liên lụy đến ai. Dòng sau hắn ghi là hắn không còn cha mẹ, anh em, bà con ruột thịt nên nhờ tôi hỏa tang thân xác hắn và rải tro xuống sông để cho hắn được trôi ra biển lớn. Tôi đưa tay chào như chiến sĩ, như một lời chia tay.

Ba hôm sau, tôi nhận được mail của hắn. Nhìn thấy tên hắn là tên người gởi, tôi lạnh dọc sống lưng. Sao hắn chết ba hôm rồi, than xác hắn đã thành tro bụi rải xuống sông rồi. Sao lại còn có thư của hắn gởi.

Hắn viết:

“ Gởi anh.

Đã đến lúc tôi cảm thấy mình thừa thãi trong cuộc đời này. Tôi không còn lí do để tồn tại nữa. Phải biết đúng lúc để rút lui là người khôn ngoan. Tôi đã làm tròn phận sự và tôi phải ra đi. Biết đâu ở thế giới khác sẽ vui hơn trần gian điên dại này? Xem như không có V.Huy ở cuộc đời này, quá khứ cũng như tương lai.

Anh ở lại hãy sống vui.
V.Huy

Tái bút: Tôi nhờ anh đến địa chỉ…lấy một số vật dụng của tôi và đốt tất cả giúp tôi. Đốt hết và đừng giữ lại gì. Cám ơn anh.

Anh đừng sợ hãi khi nhận được thư này. Tôi gởi thư theo chế độ hẹn. Tôi hẹn ba ngày sau khi tôi ra đi, máy mới gởi thư đi”

Tôi đến địa chỉ hắn đã ghi, người ta giao cho tôi một thùng to, vất vả lắm tôi mới chở được về nhà. Những gì trong đó làm tôi kinh ngạc đến sững sờ.

18 cuốn nhật ký hắn ghi từ lúc bảy tuổi cho đến trước ngày hắn chết một tuần lễ với nhiều suy nghĩ gây sửng sốt.

72 bản dịch những cuốn tiểu thuyết của nhiều nhà văn nổi tiếng trên thế giới.

4 bản dịch sang tiếng Đức cuốn Truyện Kiều, Chinh Phụ Ngâm, Thơ các thiền sư đời Lý và cuốn Đoạn trường vô thanh.

3 tập phê bình và nhận định những sai lầm của chủ nghĩa Mác viết bằng tiếng Anh.

2 cuốn nói về sự khủng hoảng kinh tế toàn cầu trong thế kỉ 21 viết bằng tiếng Pháp.

43 cuốn phân tích và phê bình về các tác giả Việt Nam từ thơ ca đến tiểu thuyết.

12 cuốn viết về các danh nhân văn hóa Trung Quốc và sự ảnh hưởng của họ.

5 cuốn dịch thơ Đường sang tiếng Việt.

3 cuốn chép tay kinh Phật bằng tiếng Pali.

1 cuốn dịch nhạc Trịnh Công Sơn sang tiếng Tây Ban Nha.

8 tập thơ hắn viết từ hồi 15 tuổi cho đến năm ngoái, tức là cả năm nay hắn không còn làm thơ.

1 cuốn luận án tiến sĩ của hắn với tiêu đề: “Tìm hiểu chính sách ngoai giao của nhà nước Việt Nam từ đời Lý đến 1945”..với nhiều lời phê khen ngợi.

Và nhiều bằng cấp giấy khen của nhiều trường học, tổ chức trong và ngoài nước. Nhiều bài báo của hắn viết trên nhiều tạp chí chuyên ngành của nhiều tổ chức khoa học tiếng tăm trên thế giới.

Một gia tài đồ sộ chứng tỏ sự uyên thâm cùng sức làm việc khủng khiếp của hắn.

Tôi mất gần cả năm nay mà vẫn chưa đọc hết những gì hắn đã viết, và tôi sẽ tiếp tục đọc để hiểu hắn hơn, để càng thêm cảm phục hắn. Một thiên tài đã sinh nhầm nơi chốn. Lũ chúng ta đầu thai nhầm thế kỷ.

Tôi không đốt như ý nguyện của hắn. Tôi đóng một tủ sách khá đẹp, đem tất cả tác phẩm hắn đã viết sắp xếp thứ tự. Ngoài mặt tủ, tôi đi thuê khắc dòng chữ: “CÓ MỘT NGƯỜI TÊN V.HUY “

 
Saigon 12g45 AM ngày 11.8.2010

DODUYNGOC

mk
IP IP Logged
lo cong
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 30/Oct/2007
Đến từ: Canada
Thành viên: OffLine
Số bài: 2596
Quote lo cong Replybullet Gởi ngày: 22/Aug/2010 lúc 9:18pm


http://www.vietwn.com/forum/showthread.php?t=184672   

Buổi trưa, tại sân ga của một thành phố lớn, một người phụ nữ tầm ngoài 30 tuổi đang mướt mồ hôi để vác lên vai túi hành lý lỉnh kỉnh của mình. Trên khuôn mặt của người phụ nữ ấy hằn lên sự vất vả, cực nhọc của một người lao động ngoại tỉnh. Chị đang đưa ánh mắt dường như vô vọng của mình khắp sân ga như để tìm kiếm một thứ gì đấy nhưng sau đấy lại tỏ vẻ thất vọng. Trông chị rất đáng thương.



Click%20the%20image%20to%20open%20in%20full%20size.


Trên sân ga, người qua lại tấp nập. Ai đi qua người phụ nữ ấy đều ném về phía chị những cái nhìn ái ngại và thương cảm. Không ai có ý định dừng lại để giúp đỡ chị. Đặc biệt là những người ăn mặc sang trọng, họ đều đi qua chị với tốc độ rất nhanh, dường như là họ nghĩ nếu đi chậm lại thì chắc chắn người đàn bà đó cũng kéo họ lại để lạy lục, nhờ vả việc gì đó.

- “ Anh để ý đấy nhé, không biết chừng chị ta sẽ nài nỉ xin tiền hoặc sẽ hồ hởi kết bạn với mình để bị chị ta tra tấn trên suốt chuyến đi bằng những câu chuyện vừa dài vừa vô duyên, hoặc như chị ta sẽ mượn mình chiếc khăn mùi xoa để lau mồ hôi mà lau xong thì mình không dám xin lại hay như mượn bình nước uống rồi tu ừng ực thì vài ngụm đã hết veo. Đúng là người nhà quê”- Một người phụ nữ ăn mặc trông có vẻ sang trọng bĩm môm đánh thượt một cái và nói với người đàn ông cũng có vẻ sang trọng bên cạnh mình.


- Xin chào.. xin….


Quả nhiên người phụ nữ tiến lại gần đám đông đang đứng đợi tàu. Nhưng dường như không đợi chị nói hết câu, mọi người đều xua tay và lắc đầu và nhanh chóng lảng ra chỗ khác. Không nản chí, người phụ nữ này lại men theo các cánh cửa sổ của các toa tàu rồi nhảy hẳn lên các toa chưa đến giờ xuất phát. Đi đến toa nào chị cũng mang một khuôn mặt như muốn cầu cứu, trông thật đáng thương và câu duy nhất thốt ra từ miệng người phụ nữ đáng thương này là: “Xin mọi người giúp đỡ cho tôi”


Những người ngồi trên tàu tỏ ra rất khó chịu với người phụ nữ này. Có người thì xua tay ra hiệu xua đuổi, có người vừa thấy bóng dáng chị ở đầu toa vội lấy tờ báo che mặt giả vở ngủ. Trên khuôn mặt của người đàn bà ấy lộ rõ vẻ thất vọng, chán nản. “Mình đâu phải là thằng ăn trộm mà sao mọi người lại xử sự như thế nhỉ?” - Người phụ nữ xót xa nghĩ.


Chị ta lại đi qua các toa tàu nhưng không ai muốn nghe chị trình bày hoàn cảnh của mình. Đúng lúc đó, chị nhìn thấy một chàng trai có dáng vẻ rất thư sinh đang ngồi đọc báo. Chàng trai đang đọc báo rất chăm chú và dường như cậu ta không để ý đến mọi thứ xung quanh. Nhẹ nhàng đi về phía chàng thanh niên, người phụ nữ cất tiếng nói.


- Xin lỗi cậu, cậu có thể giúp đỡ tôi được không?

Chàng trai bỏ tờ báo xuống, nhìn quanh một lúc rồi nhìn người phụ nữ nông thôn nọ:

- Xin lỗi, chị đang hỏi tôi ạ?


Người phụ nữ gật đầu.


- Xin anh giúp đỡ tôi với, tôi lên thành phố để tìm người bà con, nhưng tìm không ra, tiền bạc lại bị kẻ gian móc hết rồi. Muốn về quê nhưng không biết làm thế nào, cậu có thể mua giúp một tấm vé để tôi về quê không?


Sau khi nghe xong người phụ nữ đáng thương nói xong, nét mặt chàng thanh niên trông rất lưỡng lự. Dường như anh ta vừa muốn giúp vừa lại không muốn giúp người đàn bà đáng thương đó. Sau một thời gian im lặng, chàng trai bèn đưa tay vào túi quần của mình, khó khăn lắm mới móc ra được một đống tiền lẻ, ngại ngùng đưa cho người phụ nữ.


- Chị cầm lấy đi. Tôi… tôi chỉ còn có chừng này, không biết đủ hay không. Tôi cũng vừa mua vé để về quê nên không còn nhiều. Tôi lên thành phố này để kiếm việc, hy vọng tìm được một công việc kiếm được kha khá, nhưng khi lên thành phố, với tấm bằng trung cấp trong tay thì tôi không thể tìm ra được một việc gì để làm. Chị cầm tạm vậy.


Người phụ nữ rưng rưng cầm lấy những đồng tiền lẻ của chàng trai, khó khăn lắm chị mới thốt lên được hai tiếng “Cám ơn”.

Vừa quay gót đi về phía cuối toa thì chị nghe tiếng gọi với theo của chàng thanh niên nọ. Cậu ta hớt hải đi về phía chị và nói:

- Như thế này vậy, chị cùng quê với em, hay chị lấy tấm vé của em đi vậy.


- Thế còn cậu thì sao? Người phụ nữ ngạc nhiên hỏi.


- Số tiền em vừa đưa cho chị có thể mua đủ tấm vé xuống ga thứ ba xuất phát từ ga này, như vậy cách nhà em cũng không xa lắm, em có thể đi bộ mà. Chị cứ cầm lấy vé đi, em là con trai, thế nào mà chẳng được. Còn phụ nữ như chị thì không thể đi bộ về nhà trong đêm tối được. Thôi, chúc chị thuận buồm xuôi gió. Nào, đưa cho em đống tiền lẻ nào!


Nói xong, không kịp để người phụ nữ phản ứng gì, chàng trai vội cầm lại số tiền lẻ trong tay người phụ nữ và đưa lại cho chị tấm vé của mình. Sau đấy anh vội vàng đi ra khỏi tàu và đến quầy bán vé.


Rất nhanh sau đó, chàng thanh niên lại lên tàu. Người phụ nữ tiến lại gần phía chàng trai và cất tiếng hỏi:


- Sao cậu lại làm như thế, cậu không hối hận à?


Chàng trai lắc đầu


- Không, chị ạ.


Trong ánh mắt của người phụ nữ đáng thương nọ ánh lên một niềm vui khôn xiết. Chị cầm tay chàng trai và nói:


- Anh bạn trẻ, xuống đây với tôi một lát.


Người phụ nữ kéo chàng trai ra khỏi nhà ga, vẫy một chiếc taxi, tự động mở cửa xe và quay lại nhìn chàng trai:


- Cậu lên xe đi. Hôm nay cậu chính thức là nhân viên của tôi.


Hoá ra, người phụ nữ này là con gái của một ông chủ tập đoàn sản xuất đồ chơi nôỉ tiếng. Để đi tìm một người trợ lý đáng để tin cậy, chị đã phải hoá trang và đứng ở sân ga suốt 3 ngày qua.


Chị nói rằng: “Các bạn cho rằng tôi thật ngốc nghếch khi phải làm khổ mình như thế, nhưng thật ra nó thật sự xứng đáng. Khi đứng ở sân ga trong 3 ngày đó, tôi mới nhận ra rằng: Tìm được một người thực sự tốt trong cuộc sống xô bồ này quả là khó. Có thể, chàng thanh niên đó không có trình độ, hiểu biết nhiều như những người tốt nghiệp đại học hoặc cao hơn nữa. Nhưng điều đáng quý nhất và đáng trân trọng nhất là cậu ấy có cái ‘tâm’. Có cái ‘tâm’ trong cuộc sống thì mới có cái ‘tâm’ trong công việc được. Đấy là thứ mà công ty tôi cần”.


Các bạn thấy đấy, một tấm vé để đổi lấy cả một sự nghiệp sáng lạn. Có thể nhiều người nghĩ đây chỉ là việc ngẫu nhiên, nhưng thực ra trong sự ngẫu nhiên đó lại có tính tất yếu của nó. Rất nhiều người đã có mặt ở trên sân ga, nhưng chỉ có chàng trai đó mới nhận được niềm hạnh phúc bất ngờ như vậy. Không phải ngẫu nhiên mà anh ta có được một cơ hội tốt đẹp đến như thế mà điều quan trọng là anh đã biết chia sẻ chữ ‘tâm’ của mình cho mọi người xung quanh.


Đây là một câu chuyện hoàn toàn có thật mà tôi đã nghe được từ giám đốc của tôi.



Lộ Công Mười Lăm
IP IP Logged
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 09/Sep/2010 lúc 5:39pm
 
'Cúi xuống vùng non xanh mát ...’
 
* Nguyễn Ngọc Tư


Cạnh quán cà phê Văn Nghệ có ông trải chiếu ở vỉa hè bán đồ cổ, hay mở cái băng nhạc Trịnh Công Sơn Hát cho quê hương Việt Nam 1 thu âm năm 1969. Nghe lần đầu, thề có mấy lá bàng rơi bữa đó, tôi muốn chạy qua ôm ông đồ cổ một cái, vì ông đem những bài hát này ra con đường vốn chỉ rùng rùng nhạc vũ trường, nhạc trẻ kiểu “yêu thì nói hông yêu cũng nói”…

Giữa bụi đời mù mịt, giữa xe cộ ngược xuôi, cô Ly của bốn mươi năm trước cất tiếng hát trong veo, “Cúi xuống. Cho bóng đổ dài. Cho xót xa mặt trời. Cho da thơm trên người nay cũng phôi pha…”, nghe mát rượi lòng, nghe khoẻ dễ sợ.Nhạc “nghe khoẻ”, là chữ của thằng nhỏ ở tiệm bán băng đĩa quen. Một lần tôi ghé qua, nó khoe “em có nhạc này nghe khoẻ lắm, bảo đảm chị thích”, rồi nó đem ra mấy cái đĩa nhạc thu âm hồi năm một ngàn chín trăm mấy mươi gì đó. Gương mặt của Thái Thanh, Hà Thanh… trên bìa đĩa coi trẻ măng, trong sáng, hơi quê quê, dễ thương kinh khủng. Nghe chúng lần đầu, tôi đã nghĩ, tình cờ thằng nhỏ tặng mình quà quý.

Nhưng thằng nhỏ không tình cờ chút nào khi miêu tả cảm giác về một bài hát bằng chữ “khoẻ”, mà không phải là “hay”, là “xúc động”, là “sởn tóc gáy”. Khoẻ, vì dễ chịu, khoan khoái, thoải mái. Vút khỏi tiếng đệm guitar bập bùng, là chơi vơi tiếng hát non trong, mộc mạc, chân phương, đôi lúc vụng về, run rẩy. Ca sĩ không dùng bất cứ phương tiện nào kỹ thuật nào để nương dựa, lấp liếm hay che đậy, cứ hồn nhiên như vậy cất cao tiếng hát từ đáy lòng, thanh thoát.

Những ca sĩ ấy sau này khi đạt đến đỉnh cao của tài năng, họ rực rỡ, họ nổi tiếng, họ thu nhiều bản nhạc gần như hoàn hảo, nhưng sự giản dị năm xưa mãi mãi ở lại với… năm xưa. Tôi ngã lòng vì sự giản dị đó. Kiểu giản dị mà mười năm trước chưa chắc tôi đã thích, bỗng dưng bước chân qua tuổi ba mươi, bỗng dưng thấy… khoẻ khi đứng trước những tấm ảnh trắng đen, những bức tranh lụa, những trang viết của Thạch Lam, những minh hoạ nguệch ngoạc mấy nét chì, những bản nhạc thu âm năm xửa năm xưa, hay những bản demo trên mạng…

Ông già bạn tôi có lần nói,viết sao cho càng giảndị thì vănchương càng đẹp.Tôi cười nói,“câu này của chú mười một chữ, mà hai mươi hai năm nữa chưa chắc cháu làm được”.Ông cười cười,“sai bét, cháu đã làm được rồi,mấy cái truyện đầu tay đó”.Nhưng những trang viết giảndị, ngâyngô có phần khờ khạo đó tôi càng sống càng trải đời càng rời xa chúng.Giờ màviết được vậy,coibộkhó hơn lên trời.

Ngó qua ngó lại, tôi thấy cải lương cũng vậy. Hồi trước, tôi mê cải lương, mê ngẩn ngơ những bản vọng cổ xa xưa thu trên đĩa nhựa. Nghệ sĩ giọng nào ra giọng nấy, chữ nào tròn chữ nấy, ngón đờn dù tài hoa lả lướt đến đâu vẫn giữ sự trong trẻo, hồn hậu, vẫn tôn giọng ca lên hàng đầu. Thứ vọng cổ này nếu ngồi kế c***ette thưởng thức chưa đã, phải dỏng tai nghe ké bên hàng xóm, hay ngồi ngoài vườn nghe trong nhà vẳng ra, chỉ tiếng ca và tiếng ca, gió đàn qua đánh lại, mùi ác liệt. Cải lương giờ đã qua thời hoàng kim, người ta biện ra nhiều lý do, nhưng nó làm rơi mất một đứa hâm mộ như tôi chỉ vì một bữa kia Vũ Linh nắm tay Tài Linh chạy lên đồi cỏ non. Xét theo tính hợp lý, tôi chấp nhận được chuyện ca vọng cổ lúc yêu nhau, đánh nhau, bắn giết nhau, miễn là xảy ra trên sân khấu, trên sàn diễn, nhưng giữa đường tự nhiên có hai người vừa ôm khít rịt mắt nhìn đắm đuối vừa ca khơi khơi chắc tôi phải nghĩ tới bệnh tâm thần. Tô Ánh Nguyệt năm xưa đau nỗi đau xa con chỉ cần nghẹn ngào bước từng bước run lẩy bẩy, nắm tiền trong tay bay bời bời; Tô Ánh Nguyệt bây giờ vừa gào thét vừa bứt xé hàng khuy áo khoe da thịt, mệt gì đâu.

Chia sẻ ý nghĩa này với ba đứa bạn, một đứa cười “vậy mới là tìm tòi, sáng tạo”, đứa kia hỏi vặn “bộ khùng sao mà đi coi cải lương”, đứa còn lại nói “thấy ghê thiệt nhưng thời này nó… phức tạp vậy”. Ừa, đúng là thời này phức tạp thiệt, bữa trước muốn mua cái áo “nhìn thấy khoẻ”, màu sắc nhã nhặn, hoa văn đơn giản, kín đáo mà phải lục tung cả cửa hàng trong con mắt căm hờn của chị chủ. Sách, băng đĩa thì nhất thiết phải siêng năng lục lọi, lâu lâu mới rinh được một cuốn văn đẹp kiểu Thạch Lam, lâu lâu mới chộp được một vài đĩa “nhạc nghe khoẻ”, sao chép lại từ những nguyên bản của mấy chục năm trước nên chất lượng cũng được chăng hay chớ.

Có lần hỏi thằng nhỏ mấy cái đĩa nhạc cổ lỗ sĩ này bán chạy không, nó nói “người ta mua nhiều lắm, nhưng chị là trẻ nhất”. Lại hỏi tiếp, “bộ thấy tôi mệt mỏi già nua lắm sao mà nghĩ nhạc này hợp với tôi”. Thằng nhỏ cười, “tại em thấy chị không đeo vòng vàng gì hết”. Câu trả lời này làm tôi nhớ mấy giai thoại thiền, kiểu như hai ông đi bên bờ sông, một ông hỏi đại niết bàn là gì, sư trả lời, “mau”. Hỏi “mau gì”, ông sư trả lời, “xem nước”. Hiểu chết liền.

Bữa qua ngồi quán chiều vắng ngắt, ông đồ cổ lại mở cái đĩa hát cổ, cô Ly đổ giọng ca mát rượi ra hè phố, “Cúi xuống. Vùng non xanh mát. Và cao tiếng hát cho cơn ưu phiền tan…” bỗng thấy tâm hồn mỏi mệt của mình đang được sự giản dị nào đó cứu chuộc. Cảm giác gan bàn chân tôi vừa chạm vào mặt đất, hình như tôi vừa tháo giày ra bỏ bên đường.

Nhưng tuổi hai mươi gặp gì cũng hăng hái đeo mang, thấy gì cũng hớn hở vơ lấy vào mình, lỉnh kỉnh những phấn son, tô vẽ và xiêm áo, tuổi hai mươi ấy giờ nằm lại ở đâu?

'...Ví dầu Tình cũng như sương
Xin cho hoa nở lừng hương buổi đầu
Mai kia theo gió về đâu
Vẫn mong thoang thoảng chút sầu quạnh hiu.

Ví dầu thuyền vẫn còn neo
Con sông nước lớn xin liều một phen
Mai kia cuối bãi đầu ghềnh
Lời ươm giấc cũ lênh đênh cũng đành..'.
Tình ơi...

* Nguyễn Ngọc Tư
( Nguồn:
DienDanAmNhac@yahoogroups.com)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=117849&z=54



Chỉnh sửa lại bởi mykieu - 09/Sep/2010 lúc 5:57pm
mk
IP IP Logged
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 09/Sep/2010 lúc 5:56pm
 
 
 
Một chuyến xe
 
Tôi là một tài xế taxi. Không nhiều tài xế nhận làm việc ca đêm. Riêng tôi, vì cuộc hôn nhân mới tan vỡ với Rachael nên tôi đồng ý. Và vị khách của đêm cuối năm ấy để lại trong tôi một ấn tượng đặc biệt.

Tôi nhận được lời nhắn vào lúc 2:30 sáng. Tôi dừng xe, xung quanh vẫn tối đen, chỉ trừ ánh đèn hắt ra từ một cửa sổ nhỏ ở tầng trệt. Bình thường, cũng như mọi tài xế taxi khác, tôi chỉ bấm còi một hai lần, đợi một chút, nếu vẫn chưa thấy khách ra thì lái xe đi.

Nhưng không hiểu tại sao lần này, tôi lại ra khỏi xe, bước lên bậc tam cấp. Không khéo người ta cần mình giúp, tôi nghĩ vậy và gõ cửa.
- ' Xin chờ một phút' – một giọng nói run rẩy cất lên. Sau một lát yên lặng, cửa mở. Một bà cụ nhỏ bé đứng trước mặt tôi, mặc một chiếc váy hoa, đội mũ nhỏ có mạng che mặt. Chiếc valy nhỏ đặt dưới chân.

Căn phòng phía sau lưng cụ trông như không có ai ở đã nhiều năm.Tất cả đồ đạc đều được phủ ga trắng.
- 'Cậu mang đồ ra xe giúp tôi được không?' - bà cụ hỏi. Một tay tôi nhấc chiếc valy lên, nó còn nhẹ bẫng, còn tay kia thì khuỳnh ra cho bà cụ vịn. Chúng tôi đi rất chậm ra xe.
- 'Cậu tốt quá!', bà cụ nói nhẹ nhàng mắt không nhìn vào tôi, tựa như đang nói với một ai khác.
Khi chúng tôi vào xe, bà đưa cho tôi địa chỉ cần tới và nói:
- 'Cậu có thể đi xuyên qua khu chợ cũ được không?'
- 'Nhưng đó không phải là đường ngắn nhất, cụ ạ!'
- 'Tôi không vội mà!'. Ngừng lại một lát, bà nói tiếp:' Tôi đang đến viện dưỡng lão!'
Mắt bà long lanh: 'Thế cũng tốt! Ðằng nào thì bác sĩ cũng nói rằng tôi không còn sống được bao lâu nữa.'
Tôi tắt đồng hồ đo cây số và hỏi: 'Ðầu tiên cụ muốn cháu đưa đi đâu?'

Hai tiếng đồng hồ, chúng tôi đi lòng vòng quanh thành phố. Bà cụ chỉ cho tôi tòa nhà bà từng làm việc, khu chung cư vợ chồng bà đã thuê khi họ mới cưới.

Bà bảo tôi dừng lại trước một cửa hàng nội thất nơi trước đây là sàn nhảy, bà vẫn đến khiêu vũ khi còn thiếu nữ. Thỉnh thoảng bà bảo tôi đi chậm qua một tòa nhà hay một góc phố đặc-biệt-nào-đó dừng lại trong bóng tối và im lặng.

Khi những ánh mặt trời đầu tiên xuất hiện phía chân trời, bà cụ đột nhiên nói 'Tôi mệt rồi, chúng ta đi thôi.'

Chúng tôi tới địa chỉ mà bà cụ đưa cho tôi mà không nói thêm câu nào. Ðó là một viện điều dưỡng dành cho những người già không nơi nương tựa. Hai người hộ lý và một chiếc xe lăn đã chờ sẵn ngoài cổng. Bà cụ dừng bước, vừa rút ví ra, vừa hỏi tôi, dịu dàng: - 'Tôi phải trả cậu bao nhiêu?'

- 'Không gì cả, cụ ạ!' - Tôi nói
- 'Cậu cũng phải kiếm sống mà' - Bà cụ hỏi, giọng vẫn dịu dàng, tuyệt nhiên không có chút ngạc nhiên nào.
- 'Sẽ còn những hành khách khác mà cụ' - Tôi trả lời.

Bất giác, tôi cúi xuống ôm lấy bà cụ. Bà cũng ôm chặt tôi.
- 'Cậu đã cho tôi rất nhiều' - Bà cụ nói - ' Cám ơn cậu'.
Tôi siết nhẹ tay bà cụ rồi quay ra. Trời vẫn còn mờ tối. Sau lưng tôi, cánh cửa viện điều dưỡng đã đóng lại. Ðó cũng là âm thanh khép lại một cuộc đời.

Cả ngày hôm đó tôi không đón thêm một hành khách nào nữa, tôi lái xe đi lang thang, đắm chìm trong suy nghĩ, rồi băn khoăn tự hỏi: Ðiều gì sẽ xảy ra nếu bà cụ gặp một tài xế dữ dằn, hoặc đang nóng vội trên chuyến xe cuối cùng?

Ðiều gì sẽ xảy ra nếu tôi bóp còi rồi bỏ đi hoặc từ chối tuyến đường đặc biệt của bà cụ?

Và bất giác tôi cảm thấy mình hạnh phúc xiết bao... Ít ra tôi hiểu rằng sự cô đơn trong trái tim của một người từng bất hạnh như tôi vẫn còn rất nhiều yêu thong. Và vì thế mọi cánh cửa vẫn chưa hề khép lại


* Theo Nhân Thân.
(Nguồn hình: Nursing Homes, Google)
 
 
 
 
mk
IP IP Logged
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 14/Sep/2010 lúc 3:39am
 
Chú tiểu đi rồi      
Viết bởi Diệu Kim   
 
 

Chùa mở lớp giáo lý. Trong mấy chục em thiếu nhi tung tăng đến lớp, có một chú tiểu rụt rè đứng nơi cửa, tôi nói mãi chú mới chịu vô ngồi, mà lại chọn cái bàn cuối cùng. Tôi nhấn mạnh : “Người ta cư sĩ mà còn học pháp, chú là người xuất gia càng phải học nhiều hơn, giỏi hơn”. Chú im lặng, đầu cúi gằm.

Hình như suốt mấy buổi học chưa khi nào tôi thấy chú nhìn thẳng lên một cách đường hoàng, cứ trông thấy ai nhìn là chú lảng mắt đi, hoặc cúi xuống trang vở. Đặc biệt không thấy chú cười. Gương mặt rất trắng trẻo, thông minh, hơi đẹp trai nữa là, nhưng không hiểu sao lại phảng phất nét buồn, không hợp chút nào so với cái tuổi lên mười hai của chú. Khi tôi giảng, cả lớp reo hò tranh nhau trả lời, hoặc cười vang vì những câu hài hước của tôi, thì chú vẫn buồn hiu, thi thoảng có mím miệng một chút là tôi biết có “ấn tượng” lắm rồi. Thế cho nên, tôi càng quan tâm gọi chú trả bài. Chú học hơi chậm hơn các bạn, nhưng mỗi lần chú thuộc được một câu tôi đã khen ngợi, đề nghị cả lớp vỗ tay tán thưởng. Rồi tôi tặng chú những món quà nho nhỏ, khi thì cái bánh ngọt, khi cây bút bi xinh xinh, lúc là con gấu bông tí hon gắn vào chìa khóa…Chú nhoẻn miệng cười. Tôi mừng quá. Trong học bạ, tôi thường ghi nhận xét rất tốt về những thành tích be bé của chú. Có hôm tới giờ học mà chú vẫn chưa ăn cơm. Tôi bắt buộc chú phải ăn hết cái bánh mì ngọt tôi đưa. “Nè, trẻ con phải ăn đúng giờ, không được nhịn đói, mất sức, và tiếp thu bài không tốt”. Nghe tôi dặn, chú nhìn tôi, long lanh đôi mắt.

Một tháng trôi qua, chú tiểu đã cười, thậm chí đã nói chuyện với bạn cùng lớp. Và một buổi chiều tôi thấy chú sửa soạn bàn ghế cho cô giáo rất tinh tươm, nào phấn, bảng, học bạ, sổ điểm, có cả một ly nước lọc. Chú nhanh nhẹn vô cùng, chạy lên chạy xuống thang lầu tìm người sửa giùm dây điện để gắn cái loa dạy học, rồi kéo dây ra mở quạt cho cả lớp. Mồ hôi ướt trên trán chú, mà chú vẫn vui vẻ, trong lúc các bạn cứ í ới đùa nghịch. Chú bỗng nhiên “lớn” hẳn ra, chững chạc một cách bất ngờ. Tôi vuốt đầu chú, nói “Cảm ơn con!”. Chú lỏn lẻn dạ nhỏ, đôi má rất hồng.

Qua tháng thứ hai, tự nhiên tôi thấy chú buồn bã trở lại. Có một hôm, tôi lên lớp mà không thấy chú đâu, bèn tranh thủ đi xuống nhà tổ tìm thử. Thì ra chú đang bị sư huynh phạt quỳ hương, vì chú mãi chơi quên làm việc gì đó mà sư huynh đã dặn. Tôi nói với một vị khác rằng hãy xin giùm chú, để chú học xong rồi hẵng phạt sau, như vậy chú không bị lỡ bài học. Vị ấy lắc đầu, không muốn can thiệp. Tôi buồn hiu.

Vài hôm sau nữa, chú vắng mặt hẳn. Rồi tôi nghe thầy nói chú đã bỏ về nhà. Tôi tìm hiểu mới biết nhà chú rất nghèo, có người cha say xỉn, hay đánh con, mẹ thì trốn đi mất biệt. Chú được đem vô chùa. Và cái tội lớn nhất là đã ăn cắp mấy trăm ngàn đồng của thầy, chỉ để mua cái máy nghe nhạc. Thảo nào hôm nọ tôi thấy chú mân mê cái máy nhỏ xíu màu đỏ đỏ, mặt phấn khởi lắm. Chú áp tai vào máy, như có người bạn chia sẻ tâm sự. Nào ngờ…Tôi không thể thanh minh cho chú. Nhưng nếu ai nhìn thấy niềm hạnh phúc của chú khi áp tai vào máy, mới hiểu nỗi cô đơn trong chú. Tôi lặng lẽ cất học bạ của chú vào túi xách, trong đó có mấy bức vẽ con mèo, con vịt tô màu rất đẹp. Thầy qua cơn giận, đã đến nhà kêu chú tiểu quay lại chùa, nhưng chú lắc đầu.

Ở một ngôi chùa quê tôi, cũng có hai chú tiểu con nhà nghèo được đem vô cho sư ông nuôi dưỡng. Chẳng bao lâu, hai đứa bé lên 8, lên 9 ấy đã bị đòn vì dám lấy tiền trong thùng Tam Bảo đi mua đồ chơi. Đó là hai chiếc xe ô tô bằng nhựa bán đầy ngoài chợ, giá chỉ vài ngàn đồng. Sau trận đòn, hai chú đi biệt luôn không về. Nghe nói hai chú trở lại căn nhà cũ, bỏ luôn chương trình học vì không có tiền mua sách vở. Tôi ứa nước mắt, nhìn đống đồ chơi của con mình.

Một ngôi chùa khác có cô tiểu vào ở với ni chúng. Mọi người rất bực vì cái tật ở dơ của cô. Mặc hết đồ mới chịu giặt, mà nếu giặt không kịp thì lấy đồ của người khác mặc tỉnh bơ. Mặt mũi cũng tèm lem, không biết giữ cho sạch sẽ. 16 tuổi, cô thèm nhất cái đồng hồ đeo tay như các sư chị. Thế là cô lấy cắp tiền của sư chị, mua cái đồng hồ secondhand đeo hí hửng. Sư chị giận, báo cáo lên. Cô tiểu sợ bị phạt, bỏ chùa đi trước. Tôi buồn buồn nói với sư chị: “Sao cô biết nhà nó nghèo, ba nó hay đánh con, mà cô không thương nó? Chính vì mẹ nó chết sớm nên không ai chăm sóc, dạy dỗ từng sự ăn, sự mặc, nó mới dơ, mới dở như vậy. Cô thử làm mẹ nó, giặt giùm nó bộ đồ, nhắc nó đánh răng, rửa mặt, coi nó có cảm động không. Rồi từ từ nó sẽ tiến bộ, sẽ hòa được với kỷ luật chung. Có ai đẻ ra đã giỏi liền đâu, phải có người nâng đỡ, dạy dỗ. Nó thiếu tình mẹ, nay lại thiếu tình chị nữa, tội nghiệp!”. Sư chị chảy nước mắt: “Trời ơi, tôi quên. Chúng sanh ở gần đó mà tôi còn chưa thương, thì làm sao tôi thương được những chúng sanh khác!”. Sư chị vội vã đi tìm nhà em, gọi em trở lại chùa. Nhưng cô tiểu đã mặc đồ mô-đen lên Sài Gòn bán quán cà phê rồi. Sư chị hết hồn: “Xin chư Phật gia hộ cho em đừng sa ngã giữa chốn phồn hoa!”.

Những đứa trẻ ấy được nuôi dưỡng với một lý tưởng cao đẹp, với lòng kỳ vọng sẽ đào tạo trở thành người tử tế, nhưng đôi khi chúng ta quên mất tuổi thơ của chúng. Tuổi thơ bình thường đã khó gìn giữ, nâng niu, huống chi những tuổi thơ bất hạnh, đầy mặc cảm, đầy vết hằn đau đớn từ ngôi nhà không có tiếng cười. Tuổi thơ ấy mong manh lắm. Và có đứa không hề có tuổi thơ, chúng “già” đi thật nhanh. Khi chúng ta biết giật mình nhìn lại, thì tuổi thơ đã theo gió bay đi…

Cánh diều nhỏ đứt dây, biết nó rơi chốn nào, trong đục ra sao…

http://www.giacngo.vn/UserImages/1/2009/05/13/cac%20chu%20tieu%20nuoc%20Han.jpg

 

Diệu Kim

 
 
 
 
 


Chỉnh sửa lại bởi mykieu - 14/Sep/2010 lúc 3:40am
mk
IP IP Logged
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 22/Sep/2010 lúc 7:02pm
 
Phần quan trọng nhất trên cơ thể

 

Mẹ tôi đã ra một câu đố: "Con yêu, phần nào là quan trọng nhất trên cơ thể hả con?"

Ngày nhỏ, tôi đã nói với mẹ rằng âm thanh là quan trọng đối với con người nên tai là bộ phận quan trọng nhất. Mẹ lắc đầu: "không phải đâu con. Có rất nhiều người trên thế giới này không nghe được đâu, con yêu ạ. Con tiếp tục suy nghĩ về câu đố đó đi nhé, sau này mẹ sẽ hỏi lại con."

Vài năm sau, tôi đã nói với mẹ rằng hình ảnh là quan trọng nhất, vì thế đôi mắt là bộ phận mà mẹ muốn đố tôi. Mẹ lại nhìn tôi âu yếm nói: "Con đã học được nhiều điều rồi đấy, nhưng câu trả lời của con chưa đúng bởi vi vẫn còn nhiều người trên thế gian này chẳng nhìn thấy gì."

Đã bao lần tôi muốn mẹ nói ra đáp án, và vì thế tôi toàn đoán lung tung. Mẹ chỉ trả lời tôi: "Không đúng. Nhưng con đang tiến bộ rất nhanh, con yêu của mẹ."

Rồi đến năm 1991, bà nội yêu quý của tôi qua đời. Mọi người đều khóc vì thương nhớ bà. Một mình tôi đã vừa đạp xe vừa khóc trên suốt chặng đường 26 km từ thị xã về quê trong đêm mưa rào ngày 4/5 âm lịch của năm đó. Tôi đạp thật nhanh về bệnh viện huyện để mong được gặp bà lần cuối. Nhưng tôi đến nơi thì đã muộn mất rồi.

Tôi đã thấy bố tôi gục đầu vào vai mẹ tôi và khóc. Lần đầu tiên tôi thấy bố khóc như tôi.

Lúc liệm bà xong, mẹ đến cạnh tôi thì thầm: "Con đã tìm ra câu trả lời chưa?" Tôi như bị sốc khi thấy mẹ đem chuyện đó ra hỏi tôi lúc này. Tôi chỉ nghĩ đó là một trò chơi giữa hai mẹ con thôi.

Nhìn vẻ sững sờ trên khuôn mặt tôi, mẹ liền bảo cho tôi đáp án:"Con trai ạ, phần quan trọng nhất trên cơ thể con chính là cái vai."

Tôi hỏi lại: "Có phải vì nó đỡ cái đầu con không hả mẹ?"

Mẹ lắc đầu: "Không phải thế, bởi vì đó là nơi người thân của con có thể dựa vào khi họ khóc. Mỗi người đều cần có một cái vai để nương tựa trong cuộc sống. Mẹ chỉ mong con có nhiều bạn bè và nhận được nhiều tình thương để mỗi khi con khóc lại có một cái vai cho con có thể ngả đầu vào."

Từ lúc đó, tôi hiểu rằng phần quan trọng nhất của con người không phải là "phần ích kỷ", mà là phần biết cảm thông với nỗi đau của người khác.
 
Hoathuytinh.com

mk
IP IP Logged
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 28/Sep/2010 lúc 6:39pm
 




Tóc Thề
(Nguyễn Khôi)

Bố mẹ tôi lấy nhau từ lúc hai người còn rất trẻ.  Mẹ kể:  ngày trước,
trong đám sinh viên trường Mỹ Thuật mẹ chỉ để ý đến bố vì bố có mái tóc rất
đẹp.  Mối tình của hai người cũng lắm trắc trở.  Bà tôi bảo:  "Con yêu gì
thằng đó, chân yếu tay mềm, rồi cũng khổ thân mày".  Mẹ cười nói với bà:
"
Con yêu vì anh ấy có mái tóc đẹp.  Cái tóc là gốc con người mà mẹ!"  Cả họ
ngoại tôi đều bảo mẹ gàn.  Riêng bạn bè của mẹ thì khuyên ngặn:  "Chẳng lẽ
mày yêu hắn chỉ vì mái tóc?"  Mẹ triết lý:  "Nhưng ít ra cũng còn có cái để
yêu".  Lúc chỉ còn có hai người với nhau, mẹ cũng nói thật lòng với bố thế .
Cứ tưởng rằng bố sẽ buồn, nhưng không, Bố còn đùa tếu:  "Mái tóc muôn năm
".

Sau ngày cưới, mẹ đi chợ sắm cho tổ ấm của mình.  Trong những thứ linh tinh
mà mẹ khuân về có một cái kéo, một con dao cạo sắc lem.  Mẹ tuyên bố:  "Kể
từ ngày hôm nay em sẽ hớt tóc cho anh.  Cấm anh ra tiệm!" . Hôm đầu tiên
"ra nghề", mẹ phải cày cục gần một buổi mới hớt xong mái tóc của bố.  Không
biết "tác phẩm nghệ thuật" của mẹ đạt đến trình độ nào mà sáng hôm sau bố
phải đội sùm sụp cái mũ trên đâu để đến cơ quan.

Qua mấy chục năm, tay nghề của mẹ đến nay đã hết sức "vững vàng".  Mặc dù
là hiệu trưởng của một trường cao đẳng sư phạm, phải giảng dạy, họp hành
suốt ngày nhưng chưa bao giờ mẹ quên việc chăm sóc mái tóc của bố.  Món qua
mà mẹ tặng bố sau những chuyến công tác về thường là những chai thuốc gội
đầu, những lọ dầu xịt tóc.  Và công việc trước tiên là kiểm tra xem cái
râu, cái tóc của bố có "vấn đề" gì không.  Còn bố, từ một chú học trò chỉ
biết ngoan ngoãn vâng lời thì bây giờ đã "nghiện" nặng.  Đố ai hớt tóc được
cho bố.  Có những lần đi công tác ở nước ngoài gần năm tháng trời nhưng bố
vẫn không chịu hớt tóc viện lý do là để vậy cho ấm.  Bố thường bảo:  không
có hạnh phúc nào  bằng sau những chuyến đi mệt nhoài được ngả người trên
ghế để cho mẹ hớt tóc và gội đầu.  Những lúc hai người giận nhau thì bao
giờ bố cũng làm lành trước.  "Chiêu thức" thường dùng của bố là soạn "đồ
nghề" ra nhờ mẹ hớt tóc.  Và mẹ chỉ chờ có thế để chính thức tuyên bố "hòa
bình" .

Mẹ tôi ngã bệnh đã gần nửa năm nay.  Căn bệnh nan y đã rút cạn sức lực của
mẹ.  Suốt thời gian đó, bố túc trực bên giường bệnh, tự tay lo lắng tất cả,
ngay đến việc đút cháo cho mẹ bố cũng giành làm vì sợ chúng tôi vụng về.
Một hôm mẹ nắm tay bố cười buồn nói:  "Thôi! em cho anh ra tiệm hớt tóc
đó . Gớm ! tóc tai gì mà phát khiếp !" . Bố nghẹn ngào lắc đầu, chẳng nói
được lời nào .

Ít lâu sau thì mẹ mất.  Chôn cất mẹ xọng, bố tôi già xọm hẳn đi . Lúc đêm
vợ tôi nói:  "Mai anh đưa tiền cho cụ đi hớt tóc . Trông cụ mà não cả lòng
". Sáng ra bố bảo:  "Thằng cả hớt tóc cho bố".  Nói xong bố đến bên bàn thờ
của mẹ, run run lần mở bọc vải lấy ra những thứ "đồ nghê" mà mẹ để lại và
đưa cho tôi.  Khi nhát kéo đầu tiên vừa lướt qua thì những giòng nước mắt
nóng hổi của bố cũng lặng lẽ rơi xuống.  Tôi ôm lấy bố nức nở.  Phía trên
kia mẹ vẫn cười tinh nghịch .

 
Nguyễn Khôi
 


Chỉnh sửa lại bởi mykieu - 28/Sep/2010 lúc 6:41pm
mk
IP IP Logged
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 15/Oct/2010 lúc 6:29pm
 
03/10/2010

Chỉ cần 3 phút đọc và cả cuộc đời phải suy ngẫm….

Theo: vip.haynhatvn.net

 

 

 

Ăn rau không chú ơi?
Một giọng khàn khàn, run run làm gã giật mình. Trước mắt gã, một bà cụ già yếu, lưng còng cố ngước lên nhìn gã, bên cạnh là mẹt rau chỉ có vài mớ rau muống xấu mà có lẽ có cho cũng không ai thèm lấy.

- Ăn hộ tôi mớ rau…!

Giọng bà cụ vẫn khẩn khoản. Bà cụ nhìn gã ánh mắt gần như van lơn. Gã cụp mắt, rồi liếc xuống nhìn lại bộ đồ công sở đang khoác trên người, vừa mới buổi sáng sớm. Bần thần một lát rồi gã chợt quay đi, đáp nhanh: Dạ cháu không bà ạ! Gã nhấn ga phóng nhanh như kẻ chạy trốn. Gã chợt cảm thấy có lỗi, nhưng rồi cái cảm giác ấy gã quên rất nhanh. “Mình thương người thì ai thương mình” – cái suy nghĩ ích kỷ ấy lại nhen lên trong đầu gã.

- Ăn hộ tôi mớ rau cô ơi! Tiếng bà cụ yếu ớt.
- Rau thế này mà bán cho người ăn à? Bà mang về mà cho lợn!

Tiếng chan chát của một cô gái đáp lại lời bà cụ.

Gã ngoái lại, một cô gái cũng tầm tuổi gã. Cau mày đợi cô gái đi khuất, gã đi đến nói với bà:

- Rau này bà bán bao nhiêu?
- Hai nghìn một mớ – Bà cụ mừng rỡ.

Gã rút tờ mười nghìn đưa cho bà cụ.

- Sao chú mua nhiều thế?
- Con mua cho cả bạn con. Bây giờ con phải đi làm, bà cho con gửi đến chiều con về qua con lấy!

Rồi gã cũng nhấn ga lao vút đi như sợ sệt ai nhìn thấy hành động vừa rồi của gã. Nhưng lần này có khác, gã cảm thấy vui vui.

Chiều hôm ấy mưa to, mưa xối xả. Gã đứng trong phòng làm việc ngắm nhìn những hạt mưa lăn qua ô cửa kính và theo đuổi nhưng suy nghĩ mông lung. Gã thích ngắm mưa, gã thích ngắm những tia chớp xé ngang trời, gã thích thả trí tưởng tượng theo những hình thù kỳ quái ấy. Chợt gã nhìn xuống hàng cây đang oằn mình trong gió, gã nghĩ đến những phận người, gã nghĩ đến bà cụ…

-Nghỉ thế đủ rồi đấy!

Giọng người trưởng phòng làm gián đoạn dòng suy tưởng của gã. Gã ngồi xuống, dán mắt vào màn hình máy tính, gã bắt đầu di chuột và quên hẳn bà cụ.

Mấy tuần liền gã không thấy bà cụ, gã cũng không để ý lắm. Gã đang bận với những bản thiết kế chưa hoàn thiện, gã đang cuống cuồng lo công trình của gã chậm tiến độ. Gã quên hẳn bà cụ.

Chiều chủ nhật gã xách xe máy chạy loanh quanh, gã vẫn thường làm như vậy và có lẽ gã cũng thích thế.

Gã ghé qua quán trà đá ven đường, nơi có mấy bà rỗi việc đang buôn chuyện.

Chưa kịp châm điếu thuốc, gã chợt giật mình bởi giọng oang oang của một bà béo:
- Bà bán rau chết rồi.
- Bà cụ hay đi qua đây hả chị? – chị bán nước khẽ hỏi.
- Tội nghiệp bà cụ! một giọng người đàn bà khác.
- Cách đây mấy tuần bà cụ giở chứng cứ ngồi dưới mưa bên mấy mớ rau. Có người thấy thương hỏi mua giúp nhưng nhất quyết không bán, rồi nghe đâu bà cụ bị cảm lạnh.

Nghe đến đây mắt gã chợt nhòa đi, điếu thuốc chợt rơi khỏi môi.

Bên tai gã vẫn ù ù giọng người đàn bà béo kia. Gã không ngờ…!

http://dailyvnews.wordpress.com/2010/10/03/ch%E1%BB%89-c%E1%BA%A7n-3-phut-d%E1%BB%8Dc-va-c%E1%BA%A3-cu%E1%BB%99c-d%E1%BB%9Di-ph%E1%BA%A3i-suy-ng%E1%BA%ABm/


Chỉnh sửa lại bởi mykieu - 16/Oct/2010 lúc 8:22am
mk
IP IP Logged
lo cong
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 30/Oct/2007
Đến từ: Canada
Thành viên: OffLine
Số bài: 2596
Quote lo cong Replybullet Gởi ngày: 15/Oct/2010 lúc 8:18pm
 
 
Buồn quá!!!
 
 
 
Lộ Công Mười Lăm
IP IP Logged
Huy-Tưởng
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 15/Aug/2008
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 164
Quote Huy-Tưởng Replybullet Gởi ngày: 15/Oct/2010 lúc 11:17pm

Gã rút tờ mười nghìn đưa cho bà cụ.

- Sao chú mua nhiều thế?
- Con mua cho cả bạn con. Bây giờ con phải đi làm, bà cho con gửi đến chiều con về qua con lấy!

..............................
- Cách đây mấy tuần bà cụ giở chứng cứ ngồi dưới mưa bên mấy mớ rau. Có người thấy thương hỏi mua giúp nhưng nhất quyết không bán, rồi nghe đâu bà cụ bị cảm lạnh.
 
Ý nghĩa lắm, Mỹ-Kiều. Vâng, Đừng bao giờ hứa suông để rồi có thể hối-hận cả đời
mhth
IP IP Logged
<< phần trước Trang  of 14 phần sau >>
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.157 seconds.