Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Thơ Văn
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Văn Học - Nghệ thuật :Thơ Văn
Message Icon Chủ đề: "Quà tặng" các NỮ THI SĨ <GOCONG.COM> Gởi trả lời Gởi bài mới
Người gởi Nội dung
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Chủ đề: "Quà tặng" các NỮ THI SĨ <GOCONG.COM>
    Gởi ngày: 31/May/2010 lúc 1:09am
 
 
Nhân đọc được bài viết dí dỏm của N.T.Thanh Dương ,
thân mến gửi tặng các NỮ THI SĨ <GOCONG.COM> .
 
Sao-Mai ơi, 
mk  mong đây chỉ là "chuyện vui cho các Nàng-Thơ".
 Không thể nào và  không bao giờ  là ... sự thật ! đúng không ? Smile Wink
 
mk
 
 
 
 

Đừng Yêu Người Làm Thơ

(Nguyễn Thị Thanh Dương)

 
 
 

VRNs (28.05.2010)–Hoa Kỳ–

 
Đợi cho Quang ra khỏi nhà là mẹ tôi nói ngay:

- Anh Quang này trông đứng đắn đàng hoàng đấy, vậy con liệu mà bảo nó tính đến chuyện hỏi cưới đi.

Tôi đáp với lòng hãnh diện:

– Sớm muộn gì anh ấy cũng phải lên tiếng thôi, con việc gì phải bảo người ta cho nó mất giá trị!

– Mẹ thấy mấy đám trước cũng tử tế như thế này, cứ kéo dài hò hẹn, tìm hiểu mãi rồi ai cũng rút lui, chẳng hiểu họ chê con vì điểm gì? nên lần này con phải chủ động giục cưới cho chắc ăn, kẻo lại thêm một mối tình lỡ.

– Mẹ yên tâm, đây sẽ là mối tình cuối cùng của đời con.

Mẹ tôi cũng không quá lo xa đâu, có nhiều mối tình đến với tôi, nồng nàn tha thiết bao nhiêu nhưng vẫn không đi đến kết quả tốt đẹp. Mẹ tôi bảo tại tôi lãng mạn quá, trái tim dễ rung động quá, nên yêu nhiều mà chẳng được bao nhiêu, yêu chưa đúng người.

Tôi đã biết yêu từ năm 12 tuổi, hồi đó ở Việt Nam vẫn còn là tuổi của ngây thơ khờ dại. Tôi rất thích ăn mì của cái tiệm ở đầu đường nhà tôi do một người Hoa làm chủ, đứng nấu mì là một anh ba Tàu trẻ, thường thì mẹ dẫn tôi đi hay có khi tôi thèm thì xin tiền mẹ chạy đến tiệm ăn một mình. Dù đi với mẹ hay không, tôi đều thích đứng cạnh xe mì để nhìn ngắm anh Tàu trổ tài nấu mì, anh để một vắt mì vào thùng nước sôi và nhanh chóng vớt lên bằng một cái vợt lưới, bàn tay anh thao tác nhuần nhuyễn, hất tung vắt mì lên vài lần cho ráo nước và sau cùng hất vào tô, bao giờ cũng chính xác, không rớt ra ngoài… Xong anh bày lên những miếng thịt heo nạc thái mỏng còn viền màu đỏ vì đã được ướp xá xíu, một thìa tóp mỡ thái hột lựu, và một thìa củ cải mặn cũng thái hột lựu, rồi mới đến những cọng hẹ cắt khúc ngắn. Anh mở nắp vung thùng nước lèo, cả một mùi thơm bát ngát theo hơi khói bay ra, thuở đó trong mắt tôi thùng nước lèo to, sâu thẳm ấy là một công trình vĩ đại và kỳ bí như trò ảo thuật, vì chẳng biết anh Tàu nấu bằng xương thịt gì, bí quyết gì mà nước lèo thơm ngon thế? Có bao giờ tôi ăn tô mì mà chẳng húp hết nước sạch sẽ đâu!

Khi thì anh Tàu bê tô mì ra bàn cho tôi, khi anh bận thì tôi tự làm lấy vui vẻ. Tôi thích ăn mì và yêu cả anh Tàu nấu mì, không biết vì anh tre trẻ đẹp trai vui tính hay vì anh là người đã nấu cho tôi những tô mì ngon?

Tôi đến tiệm mì thường xuyên đến nỗi anh Tàu nhớ mặt tôi, có lần anh vừa vung vẩy biểu diễn hất vắt mì vào tô vừa cười cười với tôi: “Hày, con nhỏ này là khách quen của bổn tiệm mà, để tao cho mày thêm vài miếng thịt”.

Hôm ấy tôi ăn tô mì đặc biệt nhiều thịt, vừa sung sướng vì anh nhớ đến tôi, vừa buồn buồn vì anh gọi tôi bằng “mày” và xưng “tao”. Anh Tàu chẳng biết rằng con bé ranh này đang yêu anh, hôm nào không có tiền ăn mì, đi học về qua tiệm tôi đi chậm lại một chút để nhìn thấy anh rồi mới chịu đi nhanh về nhà, tương tư anh nên tôi đã nói với mẹ: “Lớn lên con sẽ lấy anh Tàu bán mì”.

Mối tình đơn phương đầu đời có liên quan đến vấn đề ăn uống ấy chỉ tồn tại được một hai năm, không phải vì có vài lần tôi thấy vợ anh đứng nấu mì thay cho anh, là một chị mập ú, luôn luôn mặc áo sát nách để hở hai cánh tay béo mỡ, vừa nấu mì vừa xổ một tràng tiếng Tàu với hai đứa con nhỏ đang luẩn quẩn bên cạnh, mà vì càng lớn tôi càng có nhiều sở thích khác ngoài ăn mì. Tôi thích đọc sách báo, thơ truyện, tôi biết tưởng tượng đến một người yêu thanh tao gấp mấy chục lần anh Tàu của tôi thuở tôi 12 tuổi.

Năm tôi học lớp 11, đã có vài bài thơ đăng báo nên cả lớp “nể mặt” và đồng loạt bầu tôi làm Trưởng ban báo chí của lớp, sau khi tôi đi họp để bầu Trưởng ban báo chí của toàn trường, tôi phải đứng trước lớp báo cáo lại kết quả buổi họp đó. Tôi đâu có tài ăn nói trước đám đông, trong khi bao nhiêu con mắt đang đổ dồn vào tôi, làm tôi bối rối thì ít mà thằng lớp trưởng đứng bên cạnh làm tôi bối rối thì nhiều, vì tôi yêu và nể nó, tính tình nó hiền lành, ăn nói lưu loát và có tài lãnh đạo. Tôi lí nhí kể lại buổi họp cho thằng lớp trưởng, khi một người ngồi dưới hỏi chị trưởng ban báo chí lớp ơi! đã bầu xong trưởng ban báo chí toàn trường chưa? Thì thằng trưởng lớp dõng dạc trả lời giùm tôi “Chị cho biết là chưa có bầu”. Cả lớp cười ồ lên còn tôi thì đỏ mặt. Lớp trưởng vội vàng sửa lại, nói đầy đủ hơn: “Chị cho biết là chưa có… bầu trưởng ban báo chí toàn trường”.

Tình yêu là một trò chơi quanh quẩn, trong khi tôi yêu thầm thằng lớp trưởng, nó chẳng thèm để ý đến tôi, (bụt nhà không thiêng?) thì một thằng bên lớp 12 lại trồng cây si tôi mê mệt, luôn luôn tôi thấy có cặp mắt nào đó đang nhìn mình, những lúc tôi đang ăn chè đá đậu hay chấm mút trái cóc chua ngọt với muối ớt trước cổng trường đều bị nó bám sát không rời, làm tôi phải nhịn thèm các món đó luôn vì mắc cỡ, cho đến cuối năm đó nó rời khỏi trường tôi mới được tự do ăn uống trở lại. Lá thư tỏ tình nó gởi tôi do một đứa bạn cùng lớp đưa lại chẳng bao giờ tôi trả lời vì tôi không yêu nó. Sau 1975 nó đi vượt biên với vợ con và mất tích ngoài biển khơi.

Tôi nghĩ đời tôi có hai cái may, nếu mối tình với anh ba Tàu mà thành sự thật thì bây giờ tôi đã là chị ba Tàu, chắc cũng mặc áo sát nách đứng nấu mì thay cho chồng và quát tháo lũ con om sòm bằng tiếng Tàu rồi! hoặc nếu tôi lấy anh chàng lớp 12 si tình kia thì giờ này tôi cũng mất tiêu trên biển với nó rồi!

Cho đến năm tôi 20 tuổi, trước khi đi định cư ở Mỹ thì trong tâm hồn tôi đã có một đống những người tình lý tưởng lấy ra từ trong tiểu thuyết và phim ảnh, Rhett Butler của “Gone With The Wind”, Zhivago của “Dr. Zhivago”, hay ông linh mục Ralph của “The Thorn Birds” hay “chú” Sách tử tế và bao dung yêu vợ trong “Tình nghĩa vợ chồng” của Leon Tolstoi do Bảo Sơn dịch..v..v… Tôi từng bị tiếng sét ái tình với người trong phim truyện, thì với người đời bằng xương bằng thịt là lẽ đương nhiên, nhưng dù sét đánh dữ dội thế nào tôi cũng không bao giờ chết, yêu nhanh và quên cũng nhanh. Mẹ tôi bảo tính tôi lãng mạn, mê làm thơ, mê đọc thơ nhiều quá rồi nó vận vào người, toàn là những mộng mơ ảo tưởng! Đã hơn 30 tuổi rồi mà vẫn chưa “tỉnh” người ra để kiếm một tấm chồng, để sinh con đẻ cái như người ta. Tôi chống chế, thời buổi này người ta lập gia đình trễ sau khi đã có công danh sự nghiệp. Mẹ tôi lẩm bẩm, nhưng con không bận học hành, không làm ăn buôn bán, chỉ đi làm hãng xưởng thì sự nghiệp gì mà chờ đợi cho nó già cả người hở con?

Ba mươi mấy tuổi ! chưa già, nhưng cũng không còn trẻ ! Tôi không “nhìn lên trời” để tìm Rhett Butler hay Dr. Zhivago nữa, mà đã hạ tiêu chuẩn, tìm những người thường xung quanh tôi, lần này tôi sẽ không để mất Quang vì tôi yêu anh và anh cũng yêu tôi như thế.

** ** **

Đã mấy tuần trôi qua, chẳng hiểu sao Quang không liên lạc với tôi, cell phone và e-mail đều im lặng. Lạ quá! Những tín hiệu tôi gởi đi nhưng anh vẫn không hồi đáp.

Một người bạn thân của tôi báo cho tôi một tin không thể tin nổi là Quang đang quen với một người con gái khác, tôi cười khỉnh vào mặt bạn tôi rằng, đó là tin đồn thất thiệt, mày phải nhớ là Quang yêu tao như thế nào! chiều chuộng từng sở thích của tao như thế nào! và nhất là Quang yêu thơ của tao nữa ! Anh tìm đâu ra một người yêu vừa lãng mạn vừa biết làm thơ? người nào mà lấy tao thì cuộc đời sẽ đẹp như thơ.

Tôi bỗng nhận được lá thư của Quang gởi từ bưu điện. E-mail tiện lợi, anh không dùng, hay anh muốn cứu giúp ngành bưu điện đang ế ẩm, để các mailman có việc làm?

Thái độ im lặng thật lâu đã lạ, cách liên lạc của anh càng lạ hơn làm tôi hồi hộp khi bóc thư ra, nhưng tôi vẫn tin rằng đó là một lá thư dài tràn đầy lời thương nhớ và tới tấp xin lỗi em yêu! Tôi trải tờ thư phẳng phiu ra và khoan khoái đọc:

Thương gởi em ! (biết ngay mà, tôi nghĩ)

Suốt mấy tuần qua, anh đã suy nghĩ rất nhiều trước khi viết lá thư này. Anh phải viết bằng thư tay để em đọc xong và suy ngẫm, chứ gởi qua e-mail coi chừng em xóa mất !

Em ơi, chúng mình đã yêu nhau hơn một năm trời, đã bao lần hò hẹn, gặp gỡ tìm hiểu nhau, đủ để đi đến một quyết định… (đọc đến đây tôi nhắm mắt lại, thở phào một cái sung sướng trước khi đọc tiếp lời cầu hôn năn nỉ của anh ta)…

Anh nhận thấy một điều rất rõ ràng là: Anh không thể lấy em ! Có nghĩa là chúng mình sẽ chia tay từ đây! Vì em lãng mạn quá, em như sống ở trên mây, anh đã cố gắng chiều chuộng em, nhưng thà chiều chuộng một đứa trẻ, khi nó lớn lên một chút là thôi, còn chiều chuộng những đứa làm thơ như em thì phải cả đời.

Em đâu có biết, anh đã mệt mỏi căng thẳng biết bao để chiều lòng em ! Nửa đêm anh đang ngủ ngon để mai đi làm sớm thì em gọi cell phone đánh thức anh dậy để… khoe một câu thơ vừa hiện ra trong đầu, em đọc cho anh nghe, anh mắt nhắm mắt mở chỉ thèm ngủ chứ đâu có thèm nghe thơ, dù hay cỡ nào cũng không thành vấn đề đối với anh trong lúc này. Vậy mà anh phải khen hay, nhưng em không tin, còn bắt anh phân tích hay ở chỗ nào? Anh đành làm nhà phê bình văn học thơ em cho tới sáng, cho tới giờ đi làm. Anh không lạng quạng lái xe đụng người ta trên highway đầy nghẹt xe là may phước cho nhà anh rồi.

Những lúc hai đứa mình đi chơi, anh đang lái xe đến một địa điểm nào đó đã định trước, thì em chỉ huy anh phải quẹo hết con đường này đến con đường khác, mặc dù em không biết nó về nơi đâu! Nhưng đó là những con đường có hàng cây đẹp làm em mơ mộng, nổi máu muốn làm thơ.

Cái hôm mình đi ăn đám cưới một người bạn, em còn nhớ không? Chỉ vì anh đi theo những con đường thơ mộng đó theo bất chợt cảm hứng của em, mà đến trễ 3 tiếng đồng hồ, vượt hẳn kỷ lục đi trễ của người Việt Nam mình khá xa!

Yêu em nên anh ráng hy sinh, nhưng chuyện chiều chuộng em cuối cùng vừa rồi thì anh chịu hết nổi, và em có còn nhớ không? Đó là một buổi chiều Chủ Nhật, ngày vui của Weekend đã tàn, ai cũng cần nghỉ ngơi để thứ Hai đi làm, trời lại đang gió mưa, thật ấm cúng khi được ngồi ở nhà ăn bữa cơm chiều, hay xem tivi, đọc báo… thì em phone cho anh, đến gặp em gấp. Anh vội vàng thay đồ đến nhà em, tưởng em đang gặp chuyện gì khó khăn, cần có anh giúp một tay. Thì ra em rủ anh đi dạo phố chiều mưa với em cho… vui, cho romantic. Em ơi, lúc đó mẹ anh mà bị bệnh, kêu anh ra chợ mua cho bà hộp thuốc, chưa chắc gì anh muốn đi, nhưng vì yêu em, thấy em phấn khởi, thích thú quá, anh đành chiều.

Trời mưa rả rích, gió lạnh từng cơn, trên con đường lá rụng ướt đẫm nước mưa, anh cầm dù che cho em là chính, còn anh hứng toàn bộ cơn mưa, ngày xưa còn bé, anh khoái tắm mưa, còn hôm đó anh tắm mưa bất đắc dĩ, mưa ướt anh từ đầu đến chân, người anh run lên vì lạnh, nhưng anh không dám kêu ca, để tôn trọng tâm hồn thi sĩ của em, để cho em hoàn tất được ý thơ cho bài “Hai đứa đi trong chiều mưa gió”.

Khi bài thơ ấy được đăng báo, may ra có một vài người cảm động vì thơ em, nhưng anh phải đánh đổi với cái giá rất đắt, suýt nữa bằng cả một sinh mạng! Anh về nhà, tối hôm đó bị cảm lạnh, lên cơn sốt cao hừng hực, mẹ anh biết chuyện vừa xót xa thương con vừa tức giận, mắng anh là thằng ngu! Nó đã dở hơi mà mày cũng dở hơi theo nó đi trong mưa như thế à? Tao nói cho mày biết nhé, dù con dở hơi ấy có giàu, có đẹp đến đâu cũng không bao giờ tao muốn nó về làm dâu nhà này (Anh xin thề đây là nguyên văn lời của mẹ anh, chứ anh không nỡ gọi em là “con dở hơi”, cho dù anh thấy điều ấy cũng… không sai).

Hôm sau anh phải nghỉ làm, đi Bác sĩ và nằm nhà suốt tuần.

Em, một người làm thơ, có tâm hồn nhạy cảm vô song, một chút nắng đổi màu, một cơn gió xao xác chuyển mùa, hoa lá kia đang nở hay héo tàn… em biết ngay, em sản suất ra thơ ngay. Nhưng anh nằm ốm bệnh lu bù ở nhà thì em không biết, em chẳng đoán ra, chỉ gởi những lời nhắn khơi khơi trên e-mail hay cell phone là “Gọi lại cho em gấp ! Đến nhà em gấp!”.

Em không hề thắc mắc là vì sao anh vắng mặt, vì sao anh im lặng, mà chỉ ra lệnh cho anh đến với em.

Sau trận ốm suýt chết oan đó, đọc thấy lời nhắn của em, anh sợ quá, sợ em lại rủ anh đi trong một cơn mưa gió cho một bài thơ khác sắp hiện ra trong đầu em, hay bắt anh chở đi lòng vòng khắp các nẻo phố phường có hàng cây lá đẹp, đến chóng cả mặt, và tốn cả xăng, thời buổi kinh tế khó khăn, giá dầu thô lên 82 đồng một thùng, em biết chưa?

Nhờ trận ốm đó, anh đã tìm ra một chân lý là “Đừng yêu người làm thơ”, những đứa làm thơ như em, chỉ làm thiệt hại đến người khác, chỉ nương tựa vào người khác. Anh đến nhà em, lần nào cũng thấy mẹ em đang nấu cơm, chưa bao giờ anh thấy em đứng trong bếp, dù chỉ để cắt một cọng hành! Anh dám chắc là trong đời em chưa bao giờ biết luộc rau muống, chứ đừng nói tới các món cầu kỳ khác! Thế mà đã mấy lần em mời anh đến nhà ăn cơm chiều, em tự hào khoe, mẹ em kho cá, mẹ em nướng thịt ngon lắm, hay bất cứ món gì khác, mẹ em đều nấu ngon hết.

Em ơi, nếu anh lấy em, ai sẽ nấu cơm cho anh ăn? Nên anh đã tưởng tượng ra thảm cảnh tương lai, anh sẽ phải làm bếp và nếu có con anh sẽ kiêm luôn phần trông con, giặt giũ, quét dọn nhà cửa, để cho em rảnh tay làm thơ. Vì thế, anh quyết định chia tay em để quen với người khác, một con người thực tế 100%, không biết làm thơ gì cả ! Chẳng sao, anh mở báo, mở net ra, có cả đống nhà thơ cho anh đọc, cần gì phải cưới một nhà thơ về để phải chiều nó cho mệt cuộc đời? Còn người vợ thực tế của anh sẽ biết đi chợ, sẽ biết lo cho anh miếng ăn, giấc ngủ.

Anh may mắn thoát khỏi tay em, nhưng anh chưa yên tâm đâu, sau này anh sẽ để di chúc truyền đời cho các con, các cháu anh để cho chúng biết mà tránh xa “Đừng yêu người làm thơ”.

Hôn em lần cuối.

Tái bút: Dù sao anh cũng luôn cầu mong em sớm kiếm được một người khác để thay anh dìu em đi trong mưa cho những bài thơ sắp tới của em (anh tin rằng cuộc đời này lúc nào cũng có sẵn những thằng ngu như anh).

Đọc xong lá thư tôi vừa tức vừa đau khổ, yêu tôi được lãng mạn thế, anh không happy thì thôi, mà còn kết tội tôi và chấm dứt mối tình đang tha thiết . Tôi vùi đầu trong chăn, trong gối, để mặc cho nước mắt tuôn rơi và cõi lòng tan nát.

Nhưng tôi chợt vùng dậy, chạy ra lấy giấy bút ghi vội một đề tài, một câu thơ vừa xuất hiện trong đầu, vì trong đau khổ hồn thơ bỗng lai láng, nên dù buồn đứt ruột vẫn có xen lẫn một chút vui thú vì câu thơ vừa ý. Nay mai tôi sẽ có bài thơ đăng báo là “Hai đứa chia tay trong chiều mưa gió”.

Và nếu đúng như lời Quang đã nói trong thư, tôi lại chờ đợi một anh chàng ngu ngơ, lù khù nào đó sẽ đi vào đời tôi, để tha hồ mộng mơ tiếp, và hi vọng lần này sẽ… kiếm được một tấm chồng có tâm hồn đồng điệu, biết yêu người làm thơ.

(Nguyễn Thị Thanh Dương)

 

http://dcctvnnet.wordpress.com/2010/05/28/d%E1%BB%ABng-yeu-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-lam-th%C6%A1/



Chỉnh sửa lại bởi mykieu - 31/May/2010 lúc 1:15am
mk
IP IP Logged
Hoang_Ngoc_Hung
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 16/Jan/2008
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1332
Quote Hoang_Ngoc_Hung Replybullet Gởi ngày: 02/Jun/2010 lúc 4:06am

100 năm ngày sinh nữ sỹ Hằng Phương: Một nữ sỹ của Thi nhân Việt Nam    

Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nữ sỹ Hằng Phương (9/9/1908-2008) được tổ chức tại Hội Nhà văn Việt Nam. Người ta biết đến bà rất nhiều với tư cách một trong những nữ sỹ hiếm hoi có tên trong Thi Nhân Việt Nam (cùng với Anh Thơ, Mộng Tuyết, Vân Đài…); với vai trò là vợ của nhà văn Vũ Ngọc Phan, là mẹ của một gia đình trí thức danh giá (với các con là GS.Viện sỹ Vũ Tuyên Hoàng, Họa sỹ Vũ Giáng Hương, KTS Vũ Ngọc Phương…)

Đâu phải là “nhà thơ một bài"!

Nữ sĩ Hằng Phương

Đối với nhiều bạn đọc trẻ hiện nay, nữ sỹ Hằng Phương thường chỉ được biết đến qua một bức ảnh và một bài thơ duy nhất được tuyển trong Thi Nhân Việt Nam. Bài thơ có tên là “Lòng quê” đề tặng V.N.P” mà người ta có thể đoán ngay ra là tặng Vũ Ngọc Phan, chồng bà, một nhà văn hóa lớn, tác giả của bộ "Nhà văn hiện đại" đồ sộ.

Trong Thi Nhân Việt Nam, Hoài Thanh - Hoài Chân đã dành cho nữ sỹ này những lời giới thiệu trân trọng “…đoạn cuối trong bài "Lòng quê" trích theo đây lời thơ thực yểu điệu dễ thương. Hằng Phương mượn lời chim để nói nỗi lòng mình. Nhưng thực ta không còn biết đây là lời người hay lời chim. Bởi mối tình ở đây nhẹ nhàng quá, trong trẻo quá. Người thơ tưởng chừng đã biến thành chim...”. Trân trọng vậy, nhưng bài thơ được tuyển chưa chắc đã phải là bài thơ hay nhất của bà, và cái “yểu điệu dễ thương" ấy có thể vẫn chưa nói hết được về tâm hồn nữ sỹ.

Và điều khiến tôi vừa ngạc nhiên là trong cuốn sách “Nhà thơ Hằng Phương, kỷ niệm 100 năm ngày sinh” (NXB Hội Nhà văn) phát hành nhân dịp kỷ niệm này, mặc dù tập hợp được khá nhiều những bài viết về bà của Xuân Diệu, Tô Hoài… nhưng lại không trích lại những lời giới thiệu trong “Thi Nhân Việt Nam" (cũng không nói đến việc bà có tên trong Thi Nhân Việt Nam). Tôi không nghĩ rằng đó là sơ suất của người làm sách. Được đọc một tuyển tập chưa đầy đủ những tác phẩm của bà trong cuốn sách trên, tôi nhận ra rằng sự nghiệp văn chương của bà lớn hơn những gì chúng ta biết đến qua một bài thơ duy nhất được trích trong Thi Nhân Việt Nam.

"….Ngây thơ con biết gì

Mẹ khóc, con cười khì

Chơi đùa quanh dưới gối

Mẹ khuây nỗi biệt ly

Ngày nay bên khóm trúc

Em thơ khóc rưng rức

Tìm mẹ biết tìm đâu

Trời xanh xanh một màu"

(trích Nhớ mẹ)

Có thể xem đó là một trong những bài thơ hay nhất viết về mẹ của bà (mà trong Thi Nhân Việt Nam mới chỉ được trích 4 câu cuối cùng). Tôi cũng tìm trong thơ của người phụ nữ có khuynh hướng gia đình này rất nhiều câu thơ tuyệt hay về người mẹ: “Những ngày vui sao chẳng được bao lâu/Vừa mới đó cuộc đời đà khác trước, Ví có cánh tôi bay theo chim phượng/ Tới Bồng Lai xem mẹ ở nơi nao?” ( Tết xưa, 1941); “Mẹ ơi nhớ tết năm nào, Mẹ mua guốc mới ướm vào chân con/ Con đi lếch thếch trên giường/ Đợi ngày mồng Một ra đường mới tinh/ Giờ con cầm dép xinh xinh/ Ướm vào chân cháu nhớ hình mẹ xưa/ Quê nhà hấm hút muối dưa/ Nuôi con cơm búng, lưỡi lừa cá xương” (Quà Tết nhớ mẹ, 1958); “Mẹ chết ba mươi năm/Đầu con đã hoa râm/ Vẫn còn nhìn thấy mẹ/ Trong cảnh sống âm thầm” (Ngày xưa mẹ tôi đi học, 1966)…

 


Đây mới chỉ là một góc thơ Hằng Phương. Tấm lòng nhân hậu thẳm sâu của bà thể hiện qua thơ đã giúp tôi lý giải được sự thành đạt của gia đình bà và các con bà sau này (đúng như câu Phúc đức tại mẫu).



Chỉnh sửa lại bởi Hoang_Ngoc_Hung - 02/Jun/2010 lúc 4:12am
hoangngochung@ymail.com
IP IP Logged
Hoang_Ngoc_Hung
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 16/Jan/2008
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1332
Quote Hoang_Ngoc_Hung Replybullet Gởi ngày: 02/Jun/2010 lúc 4:22am

.Nhà thơ Ý Nhi - Người đã biết tự chán mình

 

.dù bận bịu công việc đến mấy vẫn quan tâm đến chuyện bếp núc và chị cũng là người nấu món ăn cực ngon. Chị chưa bao giờ sao nhãng chuyện chăm sóc chồng con và những người thân. Thấy mớ tôm ngon chị mua cho nhà mình, thì cũng mua luôn cho nhà các em như vậy… Cái gì cũng san xẻ, chắt chiu... Dù là nhà thơ nhưng chị rất đảm đang trong việc tề gia nội trợ. Khác hẳn với thói quen thông thường của người đời hình dung về nhà thơ và thường sợ nhà thơ đoảng vị nếu “chót” lấy về làm vợ!

 

Thời gian trôi đi thật chậm mà cũng thật là nhanh... Chậm với những gì ta mong đợi, chờ đón. Nhanh với những gì ta chưa kịp nguôi quên và không thể nguôi quên... Mới đấy với đấy mà dường như đã đi gần hết một chặng đường đời...

                               Nhà thơ Ý Nhi

Mới ngày nào trông những người bạn cùng lứa, những người anh người chị trong làng văn còn mơn mởn sắc xuân...

Vậy mà nay gặp nhau vẫn khen nhau trẻ ra đấy nhưng lòng không khỏi ngậm ngùi khi thấy mớ tóc của ta, của bạn bè ta đã điểm bạc, da đã mồi, cặp mắt không còn tinh nhanh đen láy như xưa nữa...

Có người đã mất, có người thì tha phương, người thì di chuyển “hành phương nam” sinh sống...

Có những người mà ngày trẻ trung thân thiết là thế mà nay về già tuy sống cùng một thành phố đấy nhưng cũng chả có nhu cầu gặp mặt làm gì...

Trớ trêu thay là tình cảm con người, nó thay đổi không thể nào lường nổi... Có những lúc không khỏi tự vấn “Thế là thế nào nhỉ? Tại sao nó lại ra như thế?” Chịu, giời mới hiểu nổi. Đến gắn bó như vợ với chồng mà khi đã bỏ nhau thì cũng ít khi còn muốn nhìn mặt nữa là...

Tôi cứ miên man những điều vớ vẩn như thế khi những năm gần đây, mỗi lần có công chuyện vào Sài Gòn.

 
Lần nào cũng nghĩ, cũng nhớ đến một người, đó là chị Ý Nhi - một nhà thơ nữ thuộc lớp đàn chị. Nhưng phần vì chuyến đi nào cũng gấp gáp, cũng lắm công nhiều việc, phần cũng cảm thấy ngại ngần không dám đến chơi vì nghe nói đã lâu rồi nhà thơ dường như ở ẩn, ít thích giao du tiếp xúc với ai, ít thích xuất hiện trong những cuộc đọc thơ như trước...

Thật ra những điều như vậy tôi không lạ gì bởi tính chị từ xưa vốn đã không phải người dễ dãi. Chị đã từng viết “tôi không ưa đồ trang sức - kể cả nhẫn, vòng và các chức danh” hoặc “tôi rất ít bạn- đôi khi tôi mất họ vì một lẽ nào đó-ngoài ba mươi tôi không tìm thêm bạn mới- và không thường giao du với các đồng nghiệp” (Tiểu dẫn).

Rất ít nhà thơ “dám” thẳng thắn khắc họa tính cách mình như nhà thơ Ý Nhi. Có thể họ cũng có những ý nghĩ giống chị nhưng lại được che phủ bởi những câu nói khéo hơn. Nhưng chị là vậy, thẳng thắn đến mức cực đoan, không cần biết người ta thích hay không thích chỉ biết rằng TÔI là như thế!

Chị là người bao dung với lớp đàn em chúng tôi nhưng lại rất khe khắt với chính mình. Đặc biệt chị rất hay thương xót và tìm đến với những người bạn văn chương gặp cảnh trớ trêu hay gặp khó khăn trong cuộc sống để họ cần gì thì giúp đỡ. Nhưng khi họ đã khá giả, đã trưởng thành thì chị lại lặng lẽ lùi xa...

Còn nhớ những năm 70 của thế kỷ trước, một hôm tôi đến thăm GS - NSND Trần Bảng khi ấy ở khu tập thể nghệ sĩ phía trong Nhà hát nhân dân (nay là Cung Hữu Nghị).

Biết tôi là người mê thơ và cũng đã có một số bài được đăng báo, Giáo sư bảo nhà thơ Ý Nhi vừa sinh con đang ở nhà bố mẹ cạnh nhà chú đấy, cháu sang thăm chị ấy không?

Thú thực là tôi nghe danh nhà thơ đã lâu nhưng chưa một lần gặp mặt nên cũng rất muốn gặp chị. Và tôi đã được phu nhân GS dẫn sang. Lúc ấy chị Ý Nhi đang bế con.

Cậu bé mới sinh còn đỏ hỏn... Cảm giác đầu tiên trông chị không giống một nhà thơ (chí ít là trong trí tưởng tượng của tôi lúc đó - nhà thơ là phải có chút gì đó khác người hoặc làm ra vẻ khác người).

Chị thì lại đoan trang, lịch thiệp, hiền từ, giản dị cười cười nhìn tôi gật đầu chào. Biết tôi là người mới vào nghề còn rụt dè, bỡ ngỡ chị liền đưa cho tôi xem một chùm thơ chép tay của chị chắc là mới viết xong, bài nào cũng khá dài, tôi không kịp đọc chỉ kịp liếc nhìn thấy chữ chị sao mà đẹp thế, cứng cỏi thế, chữ nào ra chữ nấy chả bù với chữ tôi quều quào ngoáy tít như gà bới…

Phu nhân GS Trần Bảng bảo nhà thơ Ý Nhi quê gốc ở Quảng Nam, là con bác Hoàng Châu Ký “ông thầy Tuồng” nổi tiếng đấy, chồng chị ấy là GS Nguyễn Lộc - một trong không nhiều GS nổi tiếng của trường ĐH Tổng Hợp (chị lại là sinh viên của anh)!

Ôi chao, thảo nào chả trách trông chị ấy sang trọng thế, nhàn nhã thế chứ chả có vẻ gì là “đầu bù tóc rối”, là “mẹ bổi” như những nhà thơ nữ vất vả khác của thời ấy. Sau này được quen thân với chị thì cảm giác đầu tiên của tôi càng thấy đúng. Chị bao giờ cũng đi đứng khoan thai, nói năng từ tốn chứ chẳng như chúng tôi lúc nào cũng hấp tấp vội vàng lốp chốp loác choác...

Hồi ấy đời sống của mọi người đều rất khó khăn. Mấy chị em làm thơ có hôm nào đãi nhau được bữa bún chả đã là to lắm, sang trọng lắm. Tôi tuy ít tuổi hơn nhưng lại hay chơi với các nhà thơ đàn chị nhưng có lẽ, những người thường gần gũi với tôi nhất đó là hai nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn và nhà thơ Ý Nhi. (Chị Nhàn thì tuần nào chị em cũng gọi điện cho nhau, thỉnh thoảng vẫn gặp nhau.

Còn chị Nhi thì thảng hoặc, nhất là từ ngày chị vào sống trong Sài Gòn thì càng xa cách hơn). Nói đúng ra là ngày trước tôi hay được hai chị “rủ rê” cho đi chơi cùng.Tôi là đứa em hay được đi theo các chị và cũng là người hay được chứng kiến những chuyện “tào lao” của giới nữ làm thơ của chúng tôi ngày ấy .

Ví như có lần ngồi một nhóm chị em gái với nhau đến 4-5 người đều viết văn làm thơ cả, các chị đều yêu quí và gọi một nhà thơ nổi tiếng lại có chức sắc thời đó bằng ANH riêng tôi thì cứ nhất mực gọi bằng CHÚ.

Một chị bảo “sao mày không chuyển thành anh đi, cứ chú mãi thế.!”Chị khác nói luôn “ kệ nó, cứ để nó gọi CHÚ, loại được đứa nào tốt đứa ấy!” thế là cả đám cười vang, vui như tết! Và, có lẽ trong suốt mấy chục năm qua, mối quan hệ với hai chị không chỉ là thơ mà còn hơn cả thơ – đó là mối quan hệ chị em thân thiết.

Nhà thơ Ý Nhi từ cuối những năm 80 đã cùng gia đình chuyển vào Sài Gòn sinh sống.

Những năm chị mới vào trong đó, mỗi lần vào công tác tôi đều tìm đến thăm chị. Khi thì được chị giữ lại ăn cơm, khi thì được chị cho mượn cái xe đạp đi long dong khắp phố. Hàng ngày chị đến cơ quan (văn phòng đại diện của NXB Tác phẩm mới) với tà áo dài tha thướt.

Tôi thấy rất nhiều văn sĩ, trí thức đến làm việc với chị. Người có bản thảo, người chỉ có tay không. Họ đến không chỉ để được in sách mà quan trọng hơn là được nhìn ngắm chị - một nữ sĩ, một nhà thơ từ Bắc kỳ vào sao lại có người duyên dáng, lịch thiệp thế!

Rồi những đêm thơ nữ ở thành phố không thể vắng chị vì chị là “chủ soái” của CLB thơ nữ của Sài Gòn.

 
Bằng mối quan hệ quen biết của mình, chị đã đưa các nhà thơ nữ của thành phố đi đọc thơ ở hầu hết các tỉnh phía nam. Một lần tôi đang đi công tác ở Nha Trang, tình cờ gặp CLB thơ nữ của chị thế là được nhập vào và được coi như một thành viên luôn.

Lại nhớ về những năm 70 của thế kỷ trước... Khi ấy các con của tôi vẫn còn trứng nước mà mẹ của chúng lại vừa bị “gãy một lần đò”. Nhà thơ Ý Nhi là người đã đến động viên và chăm sóc tôi nhiều nhất trong những ngày ấy.

Biết tôi mang con về ẩn náu ở quê, chị đã cùng cậu con trai lớn đi canô về an ủi, động viên tôi gắng sống. Do không biết đường nên hai mẹ con ngồi quá mất một bến. Hai mẹ con phải lên bờ ngồi chờ chuyến canô ngược lên… trời thì nắng chang chang…

Đến tận bây giờ tôi vẫn không thể quên tấm lòng của chị. Mỗi lần nhớ tới chuyện ấy tôi lại cảm động và không hiểu sao ở trên đời này lại có một người tốt đến thế, nhân hậu đến thế!

Khi tôi chuyển nhà cũng vậy…trời thì mưa như trút nước, loay hoay chỉ có một mình… Chị Ý Nhi lại xuất hiện và chị đã đội mưa đi cùng tôi xuống tận Tân Mai. (Tôi đã viết lại cảnh này trong bài “Ngôi nhà Tân Mai”: Vẻn vẹn chưa đầy một xe xích lô-tất cả gia tài của con và của mẹ- giữa một chiều mưa như chưa bao giờ mưa như thế - mẹ con mình chuyển nhà về Tân Mai!).

Bây giờ ngồi viết những dòng này về chị, có thể là nhà thơ Ý Nhi đã quên như chị đã từng quên những điều chị đã làm cho người khác nhưng người khác lại không quên chị. Ngày tôi còn học ở Nga, chị Ý Nhi hay đến thăm các cháu và lấy thư của các cháu để nhờ gửi giúp mỗi khi Hội nhà văn có người sang... Mỗi phong thư ngắn ngủi của chị đã động viên tôi rất nhiều trong những năm học ở xa như thế.

Càng sống, con người ta như càng vỡ ra nhiều điều. Ngày trước có lần rủ chị đi đọc thơ chị chỉ cười, bảo “mày đi đi, tao giờ chán rồi không thích xuất hiện nữa” tôi nghe mà thấy ngạc nhiên. Sao lại chán? Sao lại không thích?

Bây giờ ở vào tuổi của chị ngày ấy tôi mới thấy chị đã thật đúng, thật sâu sắc khi biết tự “chán” mình ! Vẫn trong bài “Tiểu dẫn” chị đã viết “tôi ngại các tiệc vui - nhiều khi tôi khóc vì chính cái khiến mọi người quanh tôi vui sướng - và lại muốn thét lên khi mọi người yên lặng”. Chị đã viết như thế từ rất lâu rồi và chị cũng đã sống như những gì chị viết. Không thể khác được vì đó chính là chị.

Nhà thơ Ý Nhi đã cho xuất bản khá nhiều tập thơ (Trái tim nỗi nhớ, Đến với dòng sông, Người đàn bà ngồi đan (giải A Hội nhà văn VN, 1985), Ngày thường, Mưa tuyết, Gương mặt...) và bây giờ tôi dám chắc một điều là chị vẫn làm thơ, những bài thơ dù chị chưa công bố nhưng hẳn là sẽ rất thích, sẽ rất hay, sẽ đầy những suy nghĩ sâu sắc về cuộc đời, về nhân tình thế thái...

Nói vậy, dù biết chị “ở ẩn” nhưng năm ngoái, năm kia gì đó tôi đã theo Hoài Sơn em trai chị hiện là phóng viên TT & VH vào Gò Vấp thăm chị. Hoài Sơn biết tôi quí chị và ngược lại chắc chị cũng vậy nên sốt sắng đèo tôi đi.

Tôi hớn hở mua một bó hồng đỏ thật đẹp để tặng chị (vì chị em lâu ngày không gặp nhau. Cái sự “lãng mạn” này là tôi học được ở nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, bao nhiêu năm nay chị Nhàn vẫn có thói quen mua hoa cho bạn bè mỗi lần chị đến nhà chơi đã khiến lũ đàn em chúng tôi rất thích).

Cạnh đó tôi cũng rất thực tế, mua một chú gà quay mang vào góp bữa (cái sự “thực tế” này tôi lại học được của nhà thơ Ý Nhi - nhà thơ bao giờ cũng chú ý đến việc có thực mới vực được đạo mà!)

Nhà thơ Ý Nhi đang làm vườn. Chị đón tôi bằng nụ cười hiền hậu như ngày nào và khen tôi mập hơn trước. Trong nhà hôm đó có cả bác Hoàng Châu Ký, cụ thân sinh của chị mới ở Đà Nẵng vô chơi. GS Nguyễn Lộc cũng khen tôi khỏe hơn trước và tôi cũng thấy anh như vậy.

Vẫn như trước đây, nhà thơ Ý Nhi dù bận bịu công việc đến mấy vẫn quan tâm đến chuyện bếp núc và chị cũng là người nấu món ăn cực ngon. Chị chưa bao giờ sao nhãng chuyện chăm sóc chồng con và những người thân.

Thấy mớ tôm ngon chị mua cho nhà mình, thì cũng mua luôn cho nhà các em như vậy… Cái gì cũng san xẻ, chắt chiu... Dù là nhà thơ nhưng chị rất đảm đang trong việc tề gia nội trợ. Khác hẳn với thói quen thông thường của người đời hình dung về nhà thơ và thường sợ nhà thơ đoảng vị nếu “chót” lấy về làm vợ!

Ngắm nhìn ngôi biệt thự một tầng nhưng kiến trúc theo kiểu Tây (có nhiều phòng ngủ bao quanh và một phòng khách rất rộng, tường phía ngoài quét sơn màu trắng vừa thấy giống kiến trúc kiểu Pháp lại vừa thấy giống kiểu Úc). Xung quanh nhà là khu vườn rộng mênh mông trồng cỏ xanh mượt, góc vườn để chiếc ôtô 4 chỗ phủ bạt.

Chị bảo khi cần thăm thú ai hoặc có việc gì thì bảo người lái xe đưa vào thành phố. Tôi kể với chị về những người chị quen thân ở Hà Nội trước đây, có người sống vui vẻ, có người thì vừa mới mất... Chị lặng yên rồi khẽ thở dài...

.__________________________

Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát

 



Chỉnh sửa lại bởi Hoang_Ngoc_Hung - 02/Jun/2010 lúc 4:24am
hoangngochung@ymail.com
IP IP Logged
Hoang_Ngoc_Hung
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 16/Jan/2008
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1332
Quote Hoang_Ngoc_Hung Replybullet Gởi ngày: 02/Jun/2010 lúc 4:31am

Nữ sĩ  Mộng Tuyết

Võ Văn Nhơn

 

Nói đến Đông Hồ, không thể không nói đến Mộng Tuyết, người bạn đời và cũng là người bạn thơ của thi sĩ. Cô học trò đặc sắc hơn cả của Trí Đức học xá đã bị bóng dáng đồ sộ của ông thầy che khuất. Và hình như nàng Úc cũng khiêm tốn và tự nguyện nép vào cái bóng ấy, tự nguyện làm người điểm xuyết cho người thầy, người anh mà mình hết mực yêu kính:

                      Còn anh em chẳng làm thơ

                      Có anh là sống giấc mơ tuyệt trần

                      Yêu anh tự kiếp tiền thân

                      Gặp anh biết có được gần kiếp sau.

          Nhưng có đọc hết tác phẩm của nữ sĩ, ta mới thấy đó cũng là một ngòi bút tinh tế và đa dạng, mới thấy Thất Tiểu Muội cũng có những nét riêng, rất riêng.

          Từ những ngày làm con chim nhỏ học trò học những tiếng líu lo của Trí Đức học xá, Mộng Tuyết đã sáng tác. Ngòi bút của Bân Bân nữ sĩ thật đa dạng. Bên cạnh thơ, trong đó tập Phấn hưong rừng đã từng được Tự Lực văn đoàn tặng bằng khen, Mộng Tuyết còn viết ký, kịch, truyện ngắn, truyện vừa, truyện lịch sử, khảo cứu…

 

..

 

Thơ Mộng Tuyết, như Hoài Thanh đã từng nhận xét, “có một vẻ yêu kiều riêng” với rất nhiều cung bậc, lúc bàng bạc sương kính như trong Dương liễu tân thanh, khi lại hồn nhiên nhí nhảnh với Làm cô gái Huế, Em xấu hổ, Em trả thù… Và đặc biệt, khác với ông thầy Đông Hồ, cô học trò Mộng Tuyết lại rất “thời sự”. Chúng ta có thể tìm thấy trong thơ Mộng Tuyết những sự kiện đau thương mà anh dũng của dân tộc, của đất nước, nhất là trong thời kỳ Cách mạng Tháng Tám và kháng chiến chống Pháp. Năm 1945, bọn thực dân, phát xít Pháp, Nhật gây ra nạn đói ở miền Bắc làm hàng triệu người chết. Đau lòng trước thảm cảnh ấy của dân tộc, Mộng Tuyết đã sáng tác mười bài thơ gọi là Mười khúc đoạn trường (trong đó có bài tặng Ân Ngũ Tuyên, tức nhà văn Nguyễn Tuân của chúng ta), định đem bán để lấy tiền cứu đói. Mười khúc này được Đông Hồ viết và vẽ trên giấy “Bạch ngọc”, bằng bút “Cửu trùng xuân sắc” và và mực “Hổ khê tam túc” cùng với mấy vần thơ rao bán:

                 Mười khúc đoạn trường thơ cứu đói

                 Bốn phương tri kỷ gió đưa duyên

                 Non sông cố quốc lòng đang rộn

                 Son phấn tài hoa nợ chửa đền.

          Việc làm ấy, ngày đó, quả là ngây thơ, nhưng tấm lòng của nữ sĩ đối với đồng bào miền Bắc thật đáng trân trọng.

          Khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, cùng với nhân dân cả nước, Mộng Tuyết đã đón chào cuộc đổi mới của đất nước bằng tất cả tấm lòng:

                Kết chặt hàng đi dưới bóng cờ

               Trời Nam dành lại nước non xưa

               Tưng bừng vận mới hồn trai trẻ

               Một khối nghìn thu vững cõi bờ.

(Dưới cờ)

          Sách Địa chí văn hóa thành phố ************, trong phần nói về thơ ca thời kỳ Cách mạng tháng Tám, đã cho đó là một trong những bài thơ nổi bật nhất khi ấy.

           Còn bài Chữ thập hồng, chính là để tặng Vân Muội – người bạn gái và cũng là một học trò hàm thụ của Trí Đức học xá ngày xưa, sau trở thành một cán bộ cách mạng, mãi đến sau ngày giải phóng miền Nam 30.4.1975 mới gặp lại được Mộng Tuyết:

               Có những bàn tay đẹp dịu dàng

               Bàn tay không vướng nét kiêu sang

               Cũng không tô chuốt màu hồng hạnh

               Mà vẫn hồng tươi, vẫn nhẹ nhàng

               Bao nỗi niềm riêng đành phải bỏ

               Những bàn tay ấy quyết đeo mang

               Đem bao êm dịu cho đau đớn

               Hàn vá lành cho những vết thương.

         Đến mùa Thu năm 1947, Mộng Tuyết lại có bài Chiếc lá thị thành để thăm hỏi người bạn thơ Huỳnh Văn Nghệ đang chiến đấu trên chiến khu:

              Đây một tờ thư của thị thành

              Thả về thăm hỏi chiến khu xanh

              Hỡi anh chiến sĩ mùa thu trước,

              Hơn một mùa thu bận chiến tranh.

          Cảm động trước bài thơ ấy, ông tướng – thi sĩ, tác giả của hai câu thơ nổi tiếng: “Từ thuở mang gươm đi mở cõi, Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long” đã sáng tác bài Lá thư rừng gửi về cho Mộng Tuyết. Bài thơ này đã được Huỳnh Văn Nghệ ký với bút danh Huỳnh Văn, và đã được đăng trên phụ trương Ánh sáng văn chương do Đông Hồ phụ trách:

              Trời! Cảm động đọc bức thư thành thị

              Gởi về thăm và an ủi chiến khu

              Dấu lệ rơi trên nét chữ đã mờ

              Lời êm ả, dịu dàng và tha thiết.

         Đó là chỉ nói riêng phần thơ. Vân Muội thương nhớ còn được Mộng Tuyết nhắc đến trong nhiều bài ký nữa. Truyện ngắn Có những vợ chồng ngâu mới chính là lòng cảm thông sâu sắc của nàng Úc đối với những đôi lứa vì kháng chiến mà phải xa nhau. Ông đạo Lập với những hành tung xuất chúng nào phải đâu để nói chuyện mê tín, hoang đường. Rồi còn Bánh bò kháng chiến và truyện, ký khác…

        Chất “thời sự” đó chính là tấm lòng của Mộng Tuyết đối với đất nước, là những rung động của một trái tim nhạy cảm trước lòng quật cường và những đau thương của dân tộc.



Chỉnh sửa lại bởi Hoang_Ngoc_Hung - 02/Jun/2010 lúc 4:35am
hoangngochung@ymail.com
IP IP Logged
Hoang_Ngoc_Hung
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 16/Jan/2008
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1332
Quote Hoang_Ngoc_Hung Replybullet Gởi ngày: 02/Jun/2010 lúc 4:43am

1.                             Xuân Quỳnh

Ai quen biết Xuân Quỳnh, hẳn sẽ để ý đến nét khác lạ nơi tay chị: một đôi bàn tay như già hơn khá nhiều so với gương mặt. Một gương mặt xinh đẹp, trẻ hơn tuổi, với cặp mắt tinh anh, duyên dáng, như rất dễ mỉm cười, che hết mọi phiền lo. Gương mặt phụ nữ đẹp đến nỗi khó tin đấy lại là người làm thơ.

 Mà người phụ nữ đẹp và làm thơ ấy lại có đôi bàn tay như gương mặt Trương Chi!
 
Chính Xuân Quỳnh đã không ít lần viết về bàn tay mình, ví dụ mấy câu này trong giọng dãi bày với người yêu:

Bàn tay em ngón chẳng thon dài
Vệt chai cũ, đường gân xanh vất vả
Em đánh chắt chơi chuyền thuở nhỏ
Hái rau dền rau dệu nấu canh
Tập vá may, tết tóc cho mình
Rồi úp mặt trên bàn tay khóc mẹ

..

Xuân Quỳnh tên thật là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, sinh ngày 6 tháng 10 năm 1942 tại xã La Khê, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Sơn Bình, trong một giai đình công chức. Thuở nhỏ, mồ côi mẹ từ sớm, ở với bà nộị

Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ tiêu biêu của thế hệ nhà thơ sinh ở thập kỉ 40 và "rỡ ràng" với những tác phẩm thơ "trẻ" ở thập kỷ 60.

Cũng giống như hầu hết các nữ sĩ Đông Tây Kim Cổ, Xuân Quỳnh làm thơ cốt để diễn tả cuộc sống của chính mình về tất cả mọi phương diện: những khát khao, những tình cảm, những suy nghĩ, và "sự sống" của một người phụ nữ. Vì lẽ đó hầu hết thơ của chị đều là thơ chữ tình. Đất nước, thiên nhiên, thời đại đều được phản ánh vào thơ chị thông qua cái lăng kính chữ tình đó.

Chị đã định hướng dứt khoát cho con đường sự nghiệp của mình: đó là nghiệp thợ Chị quyết định chấm dứt một cuộc hôn nhân mà chị biết là mình đã sai lạc để xây dựng tình yêu và hôn nhân với "chú đại bàng non trẻ" Lưu Quang Vũ mà chị biết chắc trong đó có tình yêu và hạnh phúc đích thực.

Chẳng dại gì em ước nó bằng vàng
Trái tim em, anh đã từng biết đấy
Anh là người coi thường của cải
Nên nếu cần, anh bán nó đi ngaỵ..
(Tự hát).

Với những dòng thơ sau đây, Xuân Quỳnh thổ lộ tâm tư nhưng chính là để tự khẳng định mình trước một người chồng mà chị biết anh ta vốn không phải là hạng "gà mờ"

Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Biết khao khát những điều anh mơ ước.
Biết xúc động qua nhiều nhận thức
Biết yêu anh và biết được anh yêu.

 
..


Ai quen biết Xuân Quỳnh, hẳn sẽ để ý đến nét khác lạ nơi tay chị: một đôi bàn tay như già hơn khá nhiều so với gương mặt. Một gương mạt xinh đẹp, trẻ hơn tuổi, với cặp mắt tinh anh, duyên dáng, như rất dễ mỉm cười, che hết mọi phiền lọ Gương mặt phụ nữ đẹp đến nỗi khó tin đấy lại là người làm thợ Mà người phụ nữ đẹp và làm thơ ấy lại có đôi bàn tay giống như gương mặt Trương Chi! Chính Xuân Quỳnh đã không ít lần viết về bàn tay mình, ví dụ mấy câu này trong giọng dãi bày với người yêu:

Bàn tay em ngón chẳng thon dài
Vệt chai cũ, đường gân xanh vất vả
Em đánh chắt chơi chuyền thuở nhỏ
Hái rau dền rau dệu nấu canh
Tập vá may, tết tóc cho mình
Rồi úp mặt trên bàn tay khóc mẹ

Đôi bàn tay tiết lộ số phận. Một số phận đã từng không may mắn, dường như luôn luôn phải "đánh đu" với cuộc sống, với hạnh phúc. Cũng là trớ trêu chăng, con người có số phận như thế lại mang trong mình nhiều khao khát. Trong một bài thơ viết năm 1962, Xuân Quỳnh viết rằng ngày bé mình chỉ mơ đến rằm tháng tám để được vui chơi với bạn bè dưới trăng thụ "Khi lớn khôn ước mơ cùng cháy bỏng": mơ ước "thành nhà thơ ca ngợi cuộc đời", đưa thơ cùng du hành vũ trụ, sưởi ấm vùng trăng lạnh, đưa thơ đi cập bến các vì saọ.. "Như lòng ta chẳng bao giờ nguôi khát vọng - Biết bay rồi ta lại muốn bay cao".

Giàu trí tuệ, nên cũng như Hồ Xuân Hương xưa kia, Xuân Quỳnh đã đóng vai trò tham mưu đắc lực, đã san sẻ "cái khôn" cho chị em cùng giới, để đối đáp và xử sự với phái mày râu:

Những cái chính chúng ta thường chả nói
Mà bọn con gái mình hay nói xấu nhau
Bọn con trai nghe lỏm đôi câụ..
Họ khinh chúng ta và lời cửa miệng:
"Chuyện đàn bà"

Ta yêu người con trai không phải vì mình
Mà họ yêu ta vì họ yêu chính họ
Được yêu hai lần, họ cao lên một bậc
Ta không được yêu cảm thấy thấp dần đi
Vì chính ra cũng chẳng yêu tạ..
(Thơ viết cho mình và những người con gái khác)

Xuân Quỳnh nhận thức được tính bi kịch vĩnh cửu của cuộc sống: đó là sự ngắn ngủi của đời ngườị Hình như chị còn tiên lượng được số phận của mình: Rất có thể Xuân Quỳnh - đoá hoa quỳnh mùa xuân - sẽ chỉ nở và toả hương được vài giờ trong đêm tối rồi tàn lụị Bởi thế, chị đã sống hối hả, nồng cháy, sống hết mình với cuộc đời, với thơ và tình yêu, với hạnh phúc và gia đình, như sợ tất cả những điều quá ư tốt đẹp ấy sẽ vụt qua như ánh chớp.

Chi chút thời gian từng phút từng giờ
Như kẻ khó tính từng hào keo kiệt
Tôi biết chắc mùa xuân rồi cũng hết
Hôm nay non, mai cỏ sẽ già ...
(Có một thời như thế)

Chị cũng là người biết giữ gìn và biết tận hưởng hạnh phúc cuộc sống ở mức tối đa có thể được hưởng. Xuân Quỳnh chính là đỉnh cao của những con người "nhân bản chủ nghĩa" thời hiện đạị

Thơ tình tôi viết cho tôi
Qua cay đắng với buồn vui đã nhiều
Vẫn còn nguyên vẹn niềm yêu
Như cây tứ quí đất nghèo nở hoạ
(Thơ tình toi viết).

Mảng thơ đặc sắc nhất của Xuân Quỳnh chính là mảng thơ về tình yêụ Điều gì đã làm nên sự đặc sắc ấỷ

Trước hết vì Xuân Quỳnh có một "nhân bản yêu đương" cực kì mãnh liệt, là một người con gái có thể "sống chết vì tình". Dạng phụ nữ như Xuân Quỳnh, đã từng được như thi hào Nguyễn Du mô tả:

Thuý Kiều sắc sảo khôn ngoan
Vô duyên là phận hồng nhan đã đành,
Lại mang lấy một chữ tình
Khư khư mình buộc lấy mình vào trong.
Vậy nên những chốn thong dong,
ở không yên ổn, ngồi không vững vàng,
Ma dẫn lối, quỉ đưa đường
Lại tìm những chốn đoạn trường mà đị..

Xuân Quỳnh không giấu giếm bản chất ấy của mình:

... Nếu tôi yêu được một người
Tôi yêu anh ta hơn anh ta yêu tôi nhiều lắm
Tôi yêu anh dẫu ngàn lần cay đắng...

Xuân Quỳnh là người hành động nên chị nhất định không chấp nhận kiểu sống "đói lòng ngồi gốc cây sung". Trái lại chị đã "đi khắp chốn tìm người tôi yêu", đồng thời gạt bỏ những gì chỉ là "mạo danh tình yêu". Và khi đã đạt được tình yêu rồi thị chị sống với tất cả chiều sâu thăm thẳm của trái tim:

¤i con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức.
(Sóng)

Khi anh nói yêu em, trái tim em đập chừng mạnh qúạ
Mạnh đến nỗi em tưởng là nghe rõ
Tiếng tim anh đang đập vì em.
Em yêu anh, yêu anh như điên ...

Khác hẳn những người đàn bà "sống trong vương quốc của tình yêu mà không biết được biên giới của vương quốc ấy". Xuân Quỳnh là một phụ nữ không những có khát vọng mà còn có đủ khả năng đi đến tận cùng biên giới và tận cùng đáy sâu của vương quốc tình yêụ Phải chăng ở những điểm tận cùng đó mà những câu thơ tuyệt tác đã ra đời:

Chỉ có thuyền mới hiểu
Biển mênh mông nhường nào
Chỉ có biển mới biết
Thuyền đi đâu về đâụ

Ngày nào không gặp nhau
Biển bạc đầu thương nhớ
Những ngày không gặp nhau
Lòng thuyền đau - rạn vỡ...
(Thuyền và biển).

Một điều nổi bật trong thơ Xuân Quỳnh là chị không chỉ yêu say đắm mà còn đặt tình yêu ấy lên ngai vàng của sự tôn thờ tuyệt đốị Xuân Quỳnh rất có lí: ở cõi đời nàỵ Tình yêu chẳng phải là điều thực sự đáng tôn thờ hay saỏ Vả chăng. Xuân quỳnh, bằng tất cả những phẩm chất hội tụ trong con người mình, chị đã đạt được một tình yêu đáng tôn thờ. Người chồng, trong mắt Xuân Quỳnh, lúc nào cũng như một người tình mà chị yêu đắm đuối, cũng cảm thấy như "chàng" có thể vuột khỏi tay:

Tới thăm anh rồi em lại ra đi
Đôi mắt lo âu, lời âu yếm xẻ chia
Lúc anh đến, anh đi thành quá khứ
Anh thuộc về những người ngoài cánh cửa
(Thời gian trắng)

Anh, con đường xa ngái
Anh, bức vẽ không màu
Anh, nghìn nỗi lo âu
Anh, dòng thơ nổi gió...
Mà em người đời thường
Biết là anh có ở!
(Anh)

Cũng vì tôn thờ tình yêu thái quá, có lúc Xuân Quỳnh đã có linh cảm chẳng lành về hạnh phúc của mình. Thơ tình của chị đã đã đẩy tình yêu lên tầm bi kịch: Tình yêu tuyệt đích có thể sẽ kết thúc cách nào đó thật bất ngờ, trước khi tuổi già sộc đến:

Đọc bài thơ yêu em thấy sự chia xạ
Và bỗng nhiên em lại bơ vơ,
Tay vẫn vụng, trán dô ra như trước...
(Thơ viết cho mình)

Nếu từ giã thuyền rồi
Biển chỉ còn sóng gió
Nếu phải cách xa anh
Em chỉ còn bão tố
(Thuyền và biển)

Tình yêu trong thơ Xuân Quỳnh thật là nồng nàn, sâu sắc và đượm nỗi thoảng thốt lo âu, tất cả được diễn đạt bằng một ngôn ngữ giản dị, trong sáng, hầu như không cách điệụ Đó là thứ thơ đạt tới tầm cao của nghệ thuật nhưng vẫn dễ hiểu với đông đảo quần chúng, vẫn có thể gây được những niềm xúc động khác thường:

Em trở về đúng nghĩa
Là máu thịt, đời thường ai chẳng có
Vẫn ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồị

Và rồi cái điều bất ngờ nhất đã xảy ra với Xuân Quỳnh. Chị qua đời ngày 29 tháng 8 năm 1988 trong một tai nạn giao thông tại đầu cầu Phú Lương, thị xã Hải Dương, tỉnh Hải Hưng cùng chồng là Lưu Quang Vũ và con trai út Lưu Quỳnh Thơ (13 tuổi) để lại biết bao thương tiếc cho tất cả những ai yêu thơ chị, yêu kịch Lưu Quang Vũ.

Thế nhưng chính sự kết thúc ấy đã khiến cho tình yêu mà chị tôn thờ trở thành bất tử, đã làm Xuân Quỳnh và Thơ Xuân Quỳnh dường như càng đẹp ngời thêm lên bởi một vừng sáng kì diệu của huyền thoạị

 

hoangngochung@ymail.com
IP IP Logged
SaoMai
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 01/Jul/2008
Thành viên: OffLine
Số bài: 331
Quote SaoMai Replybullet Gởi ngày: 10/Jun/2010 lúc 7:16am
Sao-Mai ơi,
mk mong đây chỉ là "chuyện vui cho các Nàng-Thơ".
Không thể nào và không bao giờ là ... sự thật ! đúng không ?


Hihihi, chị Mỹ Kiều a, sau 2 tháng quá bận rộn, hôm nay em mới vào lại diễn đàn mới đọc thấy
Chị... an tâm hihihi, em không vì... lá thư từ hôn mà... hết làm thơ đâu á
IP IP Logged
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 10/Jun/2010 lúc 7:44pm
Chào SaoMai ,
 
Cám ơn Thi Nhân đã không... nao núng vì lá thư từ hôn thiếu ... khôn ngoan của "ai đó" , và diễn đàn lại được thưởng thức hai bài thơ hay của SaoMai : LẺ LOI  và CHIỀU NAY NGHE HÁT "MÌNH ƠI".
 
Smile


Chỉnh sửa lại bởi mykieu - 10/Jun/2010 lúc 7:45pm
mk
IP IP Logged
SaoMai
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 01/Jul/2008
Thành viên: OffLine
Số bài: 331
Quote SaoMai Replybullet Gởi ngày: 12/Jun/2010 lúc 10:44am
~::Trích Dẫn nguyên văn từ mykieu


Chào SaoMai ,
 

Cám ơn Thi Nhân đã không... nao núng vì lá thư từ hôn thiếu ... khôn ngoan của "ai đó" , và diễn đàn lại được thưởng thức hai bài thơ hay của SaoMai : LẺ LOI  và CHIỀU NAY NGHE HÁT "MÌNH ƠI".

 

Smile


Ui, hihi, em cảm ơn chị Mỹ Kiều nà

Chỉnh sửa lại bởi SaoMai - 12/Jun/2010 lúc 10:45am
IP IP Logged
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.139 seconds.