Ở chức vụ Giám Ðốc AFMS, nữ bác sĩ gốc Việt, Trần Huỳnh, có trách nhiệm thiết lập các qui định, hướng dẫn và giám sát cho 65 nhân viên thuộc quyền ở 15 địa điểm khác nhau trên thế giới, và cho cả 150 nhân viên quân y của Không Lực Hoa Kỳ thuộc chương trình IHS.

 

Ðại Tá Huỳnh hoàn tất văn bằng cử nhân và bác sĩ y khoa tại đại học University of Virginia. Bà phục vụ trong Không Lực Hoa Kỳ suốt 18 năm, và hướng dẫn 25 cuộc trao đổi hợp tác về y tế ở 15 quốc gia, trong đó có hai lần ở Việt Nam.

 

Bác Sĩ Mylene Trần Huỳnh, tên Việt Nam là Trần Thị PhươngĐài, là ái nữ của cựu bác sĩ quân y, binh chủng Dù, QLVNCH, Bác Sĩ Trần Ðoàn, và Dược Sĩ Phan Thị Nhơn. Mylene tròn chín tuổi khi Sài Gòn thất thủ. Gia đình bà tìm cách ra khỏi Việt Nam nhưng bất thành nên quay về quê ở Nha Trang, nơi cha bà bị đưa đi “cải tạo” một năm.

Sau đó mẹ bà chung với ba gia đình khác, mua một chiếc thuyền đánh cá để vượt biên. Sau sáu ngày đêm vượt qua chặng đường dài 703 dặm, họ cập bến Manila.

 

31 năm sau, Ðại Tá Huỳnh tổ chức công tác nhân đạo giúp đỡ Việt Nam lần thứ hai. Bà triệu tập 45 bác sĩ, y tá, nha sĩ, nhà vệ sinh học, kỹ sư công chánh, cùng những chuyên viên tiếp liệu từ bảy tổ chức khác nhau, gồm cả Không Quân và Lục Quân Hoa Kỳ, và các nhóm nhân sự vụ Mỹ lẫn Việt.

 

Từ 11 đến 17 tháng 3, toán công tác đã thực hiện những cuộc giải phẫu và săn sóc y tế cho hơn 3,000 người ở tại Huế và vùng phụ cận, kể cả xây dựng lại hạ tầng cơ sở cho các trường ốc. Trong sáu ngày làm việc 10 giờ mỗi ngày, ban đêm phải họp ban để trao đổi về công việc trong ngày, toán y tế của Ðại Tá Huỳnh đã mang lại ánh sáng cho 63 bệnh nhân nhờ mỗ cataract; dạy về tiến trình của toàn nhóm cho tám bác sĩ nhãn khoa cùng với 160 sinh viên y khoa; giải phẫu tim cho một em bé bốn tháng; khám, cấp thuốc và giáo dục cho 2,000 bệnh nhân có bệnh tim và huyết áp cao; khám chữa răng cho 2,711 người; khám chữa mắt cho 1,000 người khác; cấp phát 900 kính đọc sách và biên toa thuốc cho hơn 10,000 bệnh nhân.

 

Toán chuyên viên y tế Hoa Kỳ trao đổi về những kỹ thuật lâm sàng cũng như giải phẫu với đối tác Việt Nam, và thuyết trình kiến thức y khoa ở trường Ðại Học Huế. Ngược lại, họ cũng học được của đồng nghiệp Việt Nam một số phương cách chữa bệnh như chữa mồ hôi tay bằng phương thức đông y cổ truyền.

 

Trong buổi lễ thăng chức Ðại Tá của Bác Sĩ Mylene Trần Huỳnh, Cựu Trung Tướng QLVNCH Lữ Lan, phát biểu rằng: “Thành tựu của Bác Sĩ Mylene Trần không những là một niềm vinh dự của riêng cô, mà còn là của cả cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Chỉ 35 năm trước đây khi những người tị nạn mới đặt chân lên miền đất hứa này, mấy ai nghĩ rằng cô bé 'thuyền nhân' nhỏ nhắn đã đến đây từ 30 năm trước, lại có ngày trở thành một y sĩ đáng kính trong ngành Quân Y của Quân Lực Hoa Kỳ. Giá như cô không sang được đây, nơi cô được nuôi dưỡng trong môi trường tự do và bình đẳng, tài năng của cô sẽ hoàn toàn bị phí phạm. Ðó là sự khác biệt giữa đời sống trong môi trường tự do với chế độ bạo quyền. Ðiều đáng ca ngợi nơi Mylene hơn nữa là, trong khi đang sống một cuộc sống tự do và hạnh phúc nơi xứ sở Hoa Kỳ, cô vẫn không quên nguồn cội mình và người dân Việt Nam còn đang sống khốn khổ dưới chế độ cộng sản. Cô cùng toán công tác y tế của mình đã nhiều lần trở về Việt Nam để cung cấp những săn sóc y tế cho người nghèo cùng những kẻ thiếu may mắn.”

 

Trong đoạn kết của bài phát biểu, Cựu Trung Tướng Lữ Lan nói rằng: “Luôn ghi nhớ, cô đã mang lại niềm hân hoan cho gia đình và cũng là niềm vinh dự của cả cộng đồng. Bất kể đạt được thành tựu đến đâu cũng đừng quên di sản truyền thống của dân tộc và hãnh diện rằng mình là người Mỹ gốc Việt.”

 

Buổi lễ vinh thăng cấp bậc Ðại Tá cho Bác Sĩ Mylene còn có sự hiện diện của Thiếu Tướng Byron C. Hepburn; thân phụ mẫu của Bác Sĩ Mylene; Kỹ sư Huỳnh Quốc Thành (Phu quân Đại Tá Mylene) và ba con trai; cựu Thượng Nghị Sĩ VNCH Nguyễn Khoa Phước (em trai Cố Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam) và phu nhân, Ông Bà Trung Tướng Lữ Lan...(TP)