Một Chuyến Thăm Amsterdam
Bích Xuân, Paris, Pháp
Buổi sáng, (lúc 09 giờ, thành phố Amsterdam đã đông nhúc những người, đa số là du khách, nhiều nhất là giới trẻ. Rất nhiều người mặc quần cụt, jean, áo thun, chân mang giày bata, lưng đeo ba lô. Amsterdam có rất nhiều đường hẻm, đường nào cũng nhỏ, hẹp. Các tiệm bày bán đủ loại hàng, nhưng không có lớp lang. Ví dụ : tiệm bán thịt, song song ngay bên cạnh tiệm bán các dụng cụ về sex shops, tiệm ăn, tiệm bánh ngọt ...
Nơi đây, hết 99 % các cửa hàng không để giá bán. Người bán hàng nghe khách hỏi tiếng Anh biết là khách du lịch, tự động lên giá « trên trời » khách hỏi bằng tiếng Hoà Lan thì họ nói với giá thấp hơn. Một cái bánh ngọt loại nhỏ, bày bán trong tiệm bánh, bạn sẽ trả 5 euros, nếu không hỏi giá trước. Đến đây, ly nước lạnh từ trong robinet cũng phải trả 50 c, hoặc ngồi quán café, khách vào toilette cũng phải trả 50, có nơi 35 cents ... Thấy xe ngựa leo lên, 30 phút phải trả 45 euros, vào xem những hình bằng sáp của các tài tử, 23 euros, một tô phở 10 euros ... Buổi trưa, tối, nhìn quanh các góc đường, người ta ăn đứng, ăn ngồi. Có người bày thức ăn để bên lề đường, ngồi bệt dưới đất ăn uống rất tự nhiên. Khu ăn uống bình dân ngay trung tâm của thành phố. Hoà Lan dùng hai thứ tiếng, tiếng của bản xứ và tiếng Anh, tiếng Anh nói lưu loát như tiếng mẹ đẻ.
Xem tiếp hình (lớn hơn) phía dưới
Nhà cửa ở Amsterdam chật hẹp với những hành lang nhỏ, không thể nào mang đồ đạc qua lại mỗi khi dọn nhà, người ta phải dọn đồ đạc qua đường cửa sổ. Amsterdam cũng có đội đá banh nổi tiếng tên là Ajax, một đội banh đã nhiều lần đoạt giải vô địch Aâu Châu và hai lần đoạt giải vô địch thế giới vào giữa những năm trước và sau 1990. Amsterdam có hai đại học lớn, một đại học của nhóm tin lành và một trường đại học không tôn giáo. Đặc biệt các cửa tiệm ở Amsterdam đa số chưng bán những đôi giày làm bằng gỗ, đủ màu sắc, giá từ 35, đến 55 euros một đôi. Hoà Lan là xứ không có núi non mà toàn là bình địa, nên không có gì để ngăn chặn gió. Bạn tránh đi vào khoảng thời gian từ tháng mười cho đến tháng ba, vì gió thổi lạnh buốt. Thời tiết thường hay thay đổi rất nhanh, ngay cả khi mùa hè nắng ấm, cũng nên mang theo áo ấm để đề phòng những cơn gió lạnh đến bất ngờ. Hoà Lan ở phiá Tây Âu Châu, có ranh giới chung với nước Bỉ, ở phía Nam, với nước Đức.
Xem tiếp hình (lớn hơn) phía dưới
Bờ của những con kinh đào là trung tâm của thành phố. Mỗi con đường xe chạy, đều có những con kinh nhỏ song song, nhìn từ xa rất thơ mộng, nhưng đến gần thì nước sông đục có mùi khai bốc lên. Bên cạnh, con hẻm nhỏ, những chiếc xe đậu san sát bên lề thật tài tình, phải là dân điạ phương ở đây mới cho xe vào được, vì lề đường thẳng bằng, không có gì để cản thành, khi «de » xe chỉ cần nhích một tí, dễ dàng xe lọt xuống sông. Những con kinh đào dùng để du khách thưởng ngoạn thì rộng lớn hơn. Trả 15 euros trong 1 giờ 30 phút, tàu chạy vòng quanh dưới những chiếc cầu tổng số 1000 cái. Với 100 chiếc ca nô lớn, nhỏ đậu bên sông trước 6 800 toà nhà cổ, và những ngôi nhà tân kỳ được xây dựng trên mặt nước. Trong thành phố, xe đạp là chính yếu, ít thấy xe hơi, đa số dùng xe đạp, chỗ nào cũng có nơi gởi xe đạp hàng hàng lớp lớp.
Nói đến Amsterdam, người ta nghĩ ngay đến khu vực màn đỏ, nằm trong những mục nóng bỏng về thời sự, không phải vì lý do kinh tế hay thương mại, mà về vấn đề cho phép xử dụng những loại ma túy nhẹ, vì thế, những dân bụi đời, có cuộc sống buông thả ùa về đây. Do đó, đã gây ra nhiều tệ nạn, nhiều cuộc nổi loạn, đụng độ với cảnh sát, và nhiều kẻ chiếm nhà để cư ngụ bất hợp pháp. Ngày cuối tuần, những nơi tụ tập đông người đều có 5 ,7 chiếc xe cảnh sát đậu sẵn chung quanh.
Thành phố Amsterdam của những năm 1960 và 1970, đã là khu ánh sáng màu đỏ, khu nổi tiếng «ăn chơi »này trải dài từ đường Warmoes tời đường Oudezijds Achterburwal, và tất cả những con đường đều thẳng góc với nhau. Điều này hợp pháp tại Hoà Lan từ năm 1815, đến năm 1996 chính phủ Hoà Lan đã lập ra một loại thuế trên "vấn đề" này. Theo những thống kê mới nhất, hiện nay, có khoảng hơn 25 000 kiều nữ hành nghề tại đây, phân nửa trong số người này là những người nhập cư bất hợp pháp.
Tại nơi đây, sau mỗi tủ kính được chiếu sáng bởi một ngọn đèn néon nhỏ; ngày cũng như đêm, những cô gái trong tủ kiến chờ khách làng chơi. Luật cấm những cô này không được phơi bầy "hàng hoá" 100 %. Tuy nhiên, các nàng vẫn tìm cách phô bày tối đa. Ngoài ra, khu phố này còn có rất nhiều quán rượu, bia để khách bộ hành dừng chân trên lộ trình đi ngang qua các sex shops khác nhau. Luật cũng cấm, không cho phép du khách chụp hình các nàng kiều trong tủ kính. Coi chừng. Nếu bạn chụp hình, bạn sẽ bị nhân viên an ninh đặt biệt của khu vực này yêu cầu bạn huỷ bỏ, và có thể mời bạn rời khỏi khu này.
Không khí tại vùng này có điều khác thường, những du khách thuộc đủ thành phần và đủ tuổi tác đến từ các chân trời khác nhau, tỏ vẻ coi nơi này như là một trò vui đùa không có gì quan trọng. Người ta có cảm tưởng, ở đây là một vùng giải trí về sex vào mỗi buổi chiều tối. Biết bao nhiêu du khách Nhật háo hức, ngơ ngác đổ bộ xuống đây từ những chuyến xe bus lớn. Một cuộc thăm viếng gần như cần thiết để biết mà trước khi đến đây người ta đã nghe đồn, đôi khi làm du khách thất vọng, vì đầu óc mọi người tưởng rằng sẽ có nhiều điều mới lạ hơn điều họ thấy. Khu này, là một khu xưa cũ nhất của vùng Amsterdam và du khách không khỏi thán phục những mặt tiền của những căn nhà cổ được xây dựng vào thế kỷ XIV, những con kinh đào và những con đường hẻm bé nhỏ dễ thương. Cũng tại nơi đây, người ta thấy một nhà thờ nhỏ cổ nhất của vùng Amsterdam.
Trong khu này, có Moulin Rouge trình diễn những màn vũ khoả thân 100 % và cho du khách coi chuyện « phòng the » sống động 100 %. Cũng trong khu này, số 141, đường Warmoes có tiệm bán "áo mưa". Nơi đây, là xứ sở của những chiếc "áo mưa" tuỳ theo sở thích, có đủ loại, đủ cở, đủ màu, và đủ...vị. Vào đây, bạn có thể tìm hiểu các tin tức, sách vở và có ngay cả một viện bảo tàng với chủ đề "áo mưa". Rồi đến viện bảo tàng érotique (dịch một cách nhẹ nhàng là "luyến ái") số 54, đường Oudezids Achterburgwal, đây là viện bảo tàng về lịch sử nghệ thuật khắp nơi về chuyện « gợi cảm ». Viện bảo tàng này, là hiện thân của khu ánh sáng màu đỏ. Đây là khu vực "rửa mắt" nhìn mà không biết chán, với năm tầng lầu, trong đó chứa tất cả những collections về nghệ thuật, liên quan đến sex gom nhặt từ khắp nơi trên thế giới.
Kế tiếp là Viện bảo tàng về sex, thuộc loại « mạnh » ở số 18, đường Damrak, bạn sẽ khám phá nơi đây, có thật nhiều collections với chủ đề nghệ thuật về « dục tính » qua các thời đại trong lịch sử, và ngay cả đến những cuộc triển lãm, và biểu diễn cũng được ghi nhận lại qua những hình ảnh, sách vở, báo chí, đồ vật, những bản thảo viết tay, hình điêu khắc, các pho tượng và những âm thanh Aaaa Oooo cũng được thâu lại qua chủ đề này. Nơi đây, có những phòng cách âm đặt biệt dùng để coi lại những phim "mây,mưa". Cũng nơi đây, có một gian hàng trình bày những dụng cụ, phụ tùng cho những chuyện « mây, mưa ». Những hình ảnh trên, được trình bày rất dễ hiểu, nhưng, chắc chắn, sẽ làm ngỡ ngàng và va chạm sự nhạy cảm của một số du khách, chưa kịp chuẩn bị tinh thần, trước những hình ảnh quá mạnh.
Vào khu « nóng bỏng » của ánh sáng màu đỏ. Nhìn từ xa, tấm màng đỏ trong kính được vén lên là biết có một bông hoa biết nói đang trong lồng kính, với hai mãnh vải nhỏ xiú trên người. Màn đỏ buông xuống, là "hoa" đang "công tác" ... Khách mua hoa nên cẩn thận, khi thấy trên cổ "tiên nữ" có choàng chiếc khăn mỏng thì nên yêu cầu mở ra trước khi màn nhung buông xuống.
Đứng trước Moulin Rouge, người viết ngập ngừng, nửa muốn, nửa không, vào coi « chuyện ấy » do một đôi nam nữ trình diễn ngay trên sân khấu. Thôi kệ, vào đại ... Ủa sao mà vắng hoe vậy nè! Chỉ lèo tèo vài mạng trong phòng, nghe mà ớn lạnh, hồi hộp quá chừng. Trời đất ơi ! Sao mà...khó chịu, nặng nề đầu óc quá. Gồng mình lắm, cũng chỉ xem được 10 phút rồi bỏ đi ra, trong khi màn trình diễn "sống động" kéo dài 1 giờ với giá vào cửa 30 euros.
Amsterdam là thủ đô của Hoà Lan (mặc dầu trụ sở trung ương của chính phủ được thiết lập ở La Haye). Đây là thành phố lớn nhất của miền Bắc Hoà Lan và của những nước Bắc Âu. Tổng dân số Amsterdam có khoảng 2 300 000 người. Thành phố cổ xưa, được xây dựng chung quanh một hệ thống kinh đào theo hình bán nguyệt. Thành phố này được nổi tiếng về khu ăn chơi với những tủ kính (khu Wallen). Nơi đây, có những tiệm coffee shops chuyên bán cần sa với giấy phép đặc biệt, ngoài ra còn có Rijkseum, viện bảo tàng Van Gogh, Rembrandt, (những họa sĩ nổi tiếng), ngôi nhà của cô bé Anne Frank (cô bé Do thái nổi tiếng với cuốn nhật ký dười thời Đức quốc xã). Mỗi năm có khoảng 3,5 triệu du khách ngoại quốc thăm viếng. Hoà Lan xử dụng đơn vị tiền tệ là euro.
Amsterdam được xuất phát từ tên một đập nước (dam : đập nước) được xây dụng ở trên con sông Amstel, do đó, đọc trại ra thành Amsterdam, thay vì Amsteldam. Vào thế kỷ XII, Amsterdam là một vùng sình lầy với những người Hoà Lan ở rải rác đó đây. Sau 500 năm, Amsterdam đã trở nên một trung tâm kinh tế thế giới. Ngay từ thế kỷ XIV, Amsterdam đã trở thành một nơi buôn bán sầm uất. Vào thế kỷ XVI, chiến tranh chống Tây Ban Nha đã đem lại nền đập lập cho Hoà Lan. Trong khi chiến tranh tôn giáo tàn phá khắp Âu Châu. Những người theo đạo tin lành bị truy nã và hành tội. Hoà Lan đã khôn khéo cho tự do tín ngưỡng, rất nhiều người đã đến Hoà Lan để tị nạn và nương náu. Ở nơi đây, họ không bị kết tội về tín ngưỡng cá nhân. Tình trạng này đã đem đến cho Hoà Lan nhiều gia đình giàu có, người Do Thái, Bồ Đào Nha, và Tây Ban Nha. Vào thời đệ nhất thế chiến, Hoà Lan không bị ảnh hưởng tàn phá, vì giữ thể chế trung lập. Đến đệ nhị thế chiến, khoảng 100 000 người Do Thái ở thành phố Amsterdam bị lưu đày vào trại tập trung, cộng đồng này trong thành phố gần như không còn ai nữa.
Bây giờ thì khác, nơi đâu cũng thấy bóng dáng của người Do Thái.
Đến Amsterdam bốn ngày mà mưa dầm dề không dứt hết hai ngày rồi, thôi thì hẹn tháng tư, tôi sẽ trở lại Amsterdam trong mùa nắng ấm, để chiêm ngưỡng vườn hoa nổi tiếng, nơi đó, có hàng tỷ loại hoa đang khoe màu, khoe sắc hương trong một vườn đất với 5000 mét vuông.
Bích Xuân
bichxuanparis@yahoo.fr
vo van phan