Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Thơ Văn
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Văn Học - Nghệ thuật :Thơ Văn
Message Icon Chủ đề: Truyện ngắn -Tùy bút chọn lọc Gởi trả lời Gởi bài mới
<< phần trước Trang  of 14 phần sau >>
Người gởi Nội dung
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 25/Feb/2010 lúc 6:46pm
 
 
 
Một bài viết thật cảm động.
Đọc xong,  NƯỚC MẮT không chỉ ướt mi, mà NƯỚC MẮT ngập cả trong lòng !
mk
 
 

Vượt Biển Một Mình

Nguyễn Trần Diệu Hương
 
 

Tác giả, hiện cư trú và làm việc tại vùng San Jose, kể chuyện một mình vượt biển giữa thập niên 80’ và trở thành cô giáo cho những thiếu niên không thân nhân tại trại tị nạn.

Ngày 30 tháng Tư 1975, Saigon sụp đổ. Những gia đình đang ở trong các cư xá sĩ quan, cư xá công chức bị đuổi ra khỏi nhà. Cùng chung số phận, gia đình chúng tôi bị đuổi khỏi mái nhà thân yêu trong cư xá, nơi chúng tôi có một  thời nhỏ dại êm ả. Mẹ đưa chúng tôi về căn nhà riêng Ba Mẹ đã xây nên bằng công sức của Ba Mẹ, nhưng nhà này cũng bị tịch thu.  Sau hai lần mất nhà, chúng tôi lớn lên như câu ca dao "Còn cha gót đỏ như son, mất cha lăn lóc như lon sữa bò." Ba chúng tôi còn sống, nhưng đang bị đầy ải trong trại cải tạo ở núi rừng âm u đầy chướng khí của miền Bắc.  Những ngày u ám đó in hằn vào đầu óc của chúng tôi, khiến chúng tôi trưởng thành sớm hơn tuổi của mình, vì chỉ được xã hội cho nếm mùi cay đắng.

Đầu thập niên tám mươi, trước những bế tắc không lối thoát, Mẹ thu xếp gởi anh chị em chúng tôi, từng đứa, vượt đại dương để đến một vùng đất tự do, ở đó không có khủng bố tinh thần, ở đó không có trại cải tạo giam giữ những người hoàn toàn lương thiện, và ở đó chúng tôi sẽ được học hành thành người. Cũng như rất nhiều người vợ lính khác, Mẹ đảm đang, xuôi ngược nuôi chúng tôi, nuôi Ba trong các trại tù cải tạo từ Bắc vào Nam. Tất cả những điều đó đẩy chúng tôi đến đường cùng, không còn lựa chọn nào khác hơn là phải đưa chính mạng sống của mình đánh cuộc với định mệnh, với đại dương. Còn nhớ thời đó,  người dân  miền Nam Việt Nam vẫn truyền miệng một câu ngạn ngữ của thời đại "Một là con nuôi mẹ, hai là mẹ nuôi con, ba là con nuôi cá." Cứ thế một hai ba Mẹ lo cho con một mình vượt biển.  Khả năng vượt thoát  chỉ là một phần ba. Ròng rã gần mười lăm năm dài, từ cuối năm 1975 đến đầu năm 1990, hàng trăm ngàn thuyền nhân (hay theo như cách gọi của  UNHCR  United Nations High Commissions for Refugees, Cao Uỷ Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc là "Boat People") đã đến được bờ bến tự do. Cùng lúc, hàng trăm ngàn thuyền nhân khác gởi thân vào lòng đại dương.

Chưa qua khỏi tuổi thơ, nước mất, nhà tan, chúng tôi, không có thời mới lớn,  tự động bước vào tuổi trưởng thành trước những khó khăn của Mẹ, vượt quá nỗi khổ của bà Tú Xương ở thế kỷ mười chín, vừa nuôi chồng trong tù cải tạo, vừa nuôi một bầy con dại còn ở Tiểu học hoặc ở những năm đầu Trung học. Từng đứa một,  khi có điều kiện, Mẹ gởi chúng tôi ra đi.

Đến phiên tôi, Mẹ chỉ đưa được tôi ra bến xe liên tỉnh để đi Vũng Tàu.  Cả hai mẹ con đều đội nón lá rộng vành để che những giọt nước mắt lã chã rơi không ngừng.  Mẹ khóc nhiều hơn những lần đưa các anh em trai của tôi ra đi,  vì tôi là con gái duy nhất trong nhà, thân gái dậm trường.  Ngồi trên xe đò từ  Saigon về Vũng Tàu, trong một góc xe đò, tôi úp nón lên mặt,  để che đôi mắt sưng đỏ vì khóc của mình.

Gần một tuần lênh đênh trên đại dương, chỉ có trời và nước, xanh thẫm ban ngày, đen kịt ban đêm, không có cả một cánh chim, tôi  nhớ Ba, nhớ Mẹ quay quắt, nhưng vẫn hài lòng với chọn lựa của mình. Hai ngày đầu, như mọi người trong lòng thuyền, tôi bị say sóng, nôn ra cả mật xanh, mật vàng. Đó là lần đầu tiên trong đời, tôi hiểu thế nào là "mửa mật". Vậy mà chỉ hai ngày sau,  quen dần với cảm giác bập bềnh của con thuyền nhỏ trước lực đẩy của nước ở đại dương, tôi tỉnh táo lại hoàn toàn với đầy đủ sinh lực của "tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu" mặc dù đã hai ngày không ăn uống.  Khi thuyền ra hải phận quốc tế, chúng tôi được lên khoang thuyền hít thở không khí trong lành đầy vị mặn của đại dương, hình như có thoang thoảng mùi vị của tự do.

May mắn hơn những người tỵ nạn khác, chúng tôi đi bình yên, không gặp một thuyền nào khác. Trời êm biển lặng  vào tháng sáu đầu mùa hè đưa chúng tôi đến thẳng đất liền của Mã Lai sau năm ngày sáu đêm  lênh đênh trên biến.

Lên tới đất liền, cùng với  chú lái tàu, tôi phải vận dụng vốn liếng tiếng Anh hạn chế đã tích lũy trong những tháng năm chuẩn bị vượt biên để giải thích cho nhân viên Cảnh sát Mã Lai biết chúng tôi là ai, tại sao chúng tôi đặt chân đến đây. Đó chỉ là lần đầu, một khởi đầu kéo dài mãi cho đến bây giờ, phải giải thích tương tự cho rất nhiều người khác nhau thuộc nhiều chủng tộc hiểu tại sao chúng tôi phải bỏ quê hương ra đi để sống đời lưu vong.

Những giờ phút đầu tiên trên đất liền, chúng tôi lại bị "say đất". Quen với trạng thái bồng bềnh, trôi nổi trên mặt nước; khi trở lại mặt đất bằng phẳng, mỗi lần đặt bước chân xuống, tôi có cảm giác mặt đất chao đảo như còn trên mặt sóng nhấp nhô. Sau hai ngày bận rộn với đủ thứ giấy tờ khai báo với cảnh sát địa phương Mã Lai, chúng tôi được đưa ra trại Pulau Bidong, trại tỵ nạn chính thức của Cao ủy tỵ nạn Liên Hiệp quốc đặt trên lãnh thổ Malaysia để thành một người tỵ nạn chính thức có số căn cước thuyền nhân, chờ được phỏng vấn định cư ở một nước thứ ba.  Lần này, hành trình từ đất liền ra đảo Pulau Bidong vững chắc hơn trên một thuyền khá lớn của UNHCR, có tên là "Blue Dart", khoảng cách lại ngắn, nên chúng tôi không bị say sóng.

Trại tỵ nạn Pulau Bidong đã dược xây dựng tương đối đầy đủ khi chúng tôi đến đảo vào giữa thập niên 80, có đủ trường Tiểu học, Trung học cho trẻ em, trường huấn nghệ (Vocational School) cho người lớn, có thư viện, có cả Chùa, Nhà thờ trên "đồi tôn giáo", có Bệnh viện với cái tên khá ngộ nghĩnh và dễ nhớ là "Sick Bay". Chúng tôi được đón tiếp với những thùng mì ăn liền vĩ đại hãy còn bốc khói, giống hệt như những thùng  mì Liên Hiệp Quốc phân phàt cho nạn nhân của thiên tai Tsunami ở South Asia cuối năm 2004.

Lần đầu tiên ăn đồ cứu trợ, sống bằng lòng nhân đạo của người khác, một thân một mình ở trại tỵ nạn của một đất nước khác, nước mắt tôi lăn dài, nghĩ đến Ba vẫn đang mỏi mòn trong ngục tù cải tạo ở núi rừng âm u đầy chướng khí của miền Bắc vẫn thiếu ăn, thiếu mặc; nghĩ đến Mẹ đang vò võ một mình ở nhà, chắc là vẫn đang cầu nguyện cho bầy con đã tứ tán mỗi đứa một quốc gia, một phương trời khác nhau, ở tuổi chưa đến hai mươi.

Tưởng là mình đã rất can đảm khi dám chấp nhận cảnh "thân gái dặm trường", không ngờ, ở trại tỵ nạn Pulau Bidong,  đến khu vực Cô nhi (Minor Refugees Residential Section), dành cho các em dưới mười sáu tuổi đến trại tỵ nạn một mình, tôi thấy  em nhỏ nhất chỉ mới sáu tuổi.

Ở đó, có Hanh, chỉ mới mười một tuổi, thông minh, đầy cương nghị, có Bố đang bị "học tập cải tạo" - như Ba tôi - được Mẹ gởi đi vượt biển một mình trên một thuyền bị hải tặc, mọi người đói lả gần ba ngày trước khi đến được trại tỵ nạn. Ở trại tỵ nạn, cậu bé tuy mới mười một tuổi  nhưng có sự khôn ngoan và nét chửng chạc cúa một người ngoài hai mươi  học hành chăm chỉ, hết học Anh Văn lại quay qua học Toán, quanh quẩn cả ngày ở trường Trung học trên đảo Pulau Bidong.

Ở đó, có Huyên, một em gái mới mười ba tuổi, cả gia đình mất tích trên biển khi thuyền bị lật. Như một phép màu, Huyên bám được một thùng plastic rỗng, trôi nổi bồng bềnh giữa đại dương gần nửa ngày, trước khi được một tàu tỵ nạn khác đi ngang vớt lên. Người ta đã thấy cô bé Việt Nam nhỏ bé mắt nhắm nghiền, gần như hôn mê bất tĩnh. thân xác mỏng manh như chiếc lá khô, hai tay vẫn còn bám chặt cái thùng nhựa rỗng bồng bềnh trên đại dương.

Ở đó, có Việt, rất thâm trầm, dù mới mười lăm tuổi,  nhà cửa bị tịch thu, Ba bị giam ở khám Chí Hòa vì "tội nhà giàu", Mẹ gởi em ra đi với nhà hàng xóm để thoát khỏi tương lai đen tối của giai cấp "tư sản mại bản".


Còn biết bao các em khác nữa.  Mười một tháng sau đó ở Pulau Bidong, với  vốn liếng Anh ngữ từ những năm ở trường Trung học, và những sách vở của thư viện trên đảo, tôi đã có cơ hội giúp cho UNHCR và cả các phái đoàn Mỹ, Canada, Úc trong việc thông dịch mỗi khi họ đến phỏng vấn thuyền nhân.

Mãi đến bây giờ, tôi vẫn còn cảm giác xót xa khi nhớ lại những lần thông dịch cho những ngưồi đàn bà, con gái Việt Nam bị làm nhục bởi hải tặc trên đường vượt biển, em nhỏ nhất chỉ mới mười hai tuổi. Hồi đó, Cao ủy trưởng Alan ở Pulau Bidong  chỉ định tôi chuyên làm công việc thông dịch đàn bà con gái trong các cuộc phỏng vấn  các thuyền vượt biển bị hài tặc. Đó là một công việc rất tế nhị và đầy xót xa. Đến một độ nào đó,  nỗi đau vượt quá sức chịu đựng, người ta mất cảm giác.  Nhiều người nữ thuyền nhân,  mặt còn đầy nỗi kinh hoàng nhưng kể lại từng chi tiết ô nhục mà chính mình phải gánh chịu với giọng đều đều, thản nhiên, lạnh lùng như nói chuyện trời mưa, trời nắng, trong khi chính tôi và cô May,  Cao ủy của UNHCR đã giọt ngắn giọt dài. Mỗi lần  dịch hay viết xong một hồ sơ tàu tỵ nạn bị cướp, tay áo tôi ướt đẫm vì nước mắt.  Tôi vẫn tự hỏi thủ phạm trực tiếp cho nỗi đau này là hải tặc Thái Lan, thủ phạm gián tiếp thực sự là ai?

Đó là khoảng thời gian rất bận rộn với  công việc thông dịch ban ngày giúp cho nhân viên Cao ủy Tỵ nạn. Ban đêm, tôi còn dạy thiện nguyện cho các em , chỉ nhỏ hơn tôi vài tuổi, ở trường Trung học trên trại Tỵ nạn. Trường chỉ dạy hai môn Anh văn và Toán.  Sách học là những quyển sách đơn giản tương đương trình độ của bộ "English for Today" quyển I đến quyển III. Trước ngày ra đi, tôi chỉ mới học xong quyển IV ở Việt Nam , nhưng nhờ làm việc, tiếp xúc nhiều với các nhân viên UNHCR, và bằng long thương yêu các em chân thành như em ruột của chính mình, tôi mang hết kiến thức và hiểu biết của mình truyền lại cho các em, mặc dù tôi chưa hề được qua một trường lớp nào về Sư phạm. Chúng tôi, những người dạy thiện nguyện  ở trường Trung hoc, vẫn đùa với nhau là mình đã theo một "trường phái sư phạm mới", lối dạy "mèo nhỏ tha chuột lớn".

Có lần, giải nghiã cho các em một từ mới, "dignity" - có nghĩa là phẩm giá - tôi không biết làm thế nào để giảng cho các em hiểu, đành viết lên bằng câu thí dụ "We lost everything, but never lose our dignity".  Viết đến đó, tự dưng nước mắt tôi lăn dài, các em ở tuổi mười bốn, mười lăm lúc đó cũng khóc theo.  Những giọt nước mắt đó  vẫn còn đọng trong tâm khảm tôi cho đến bây giờ, cùng có niềm tin ở một thế hệ trẻ lưu vong có đầy đủ đầu óc và trái tim  Chắc chắn, các em học sinh lúc đó, trên bước đường tha hương sau này, sẽ nhớ và hiểu nghiã chữ "dignity" hơn ai hết, và các em sẽ sống xứng đáng với lòng kỳ vọng của thân sinh các em, khi Ba Mẹ các em đã phải đứt ruột gởi con ra biển một mình.

Mỗi tuần hai lần, tàu "Blue Dart" của UNHCR cho nước ngọt, mì gói, gạo và thực phẩm tươi gồm gà và rau cải, đôi khi còn có dưa hấu hay thơm, vào cho thuyền nhân.  Hầu hết chúng tôi đến trại tỵ nạn chỉ với một bộ quần áo dính trên người. Chúng tôi được phát áo quần từ một kho áo quần "second hand", tương tự như áo quần cũ bán trong  Goods Will ở Mỹ. Áo quần thường rộng thùng thình, quá khổ, nhưng  chúng tôi tự sửa lại đúng với kích thước của mình. Cao ủy tỵ nạn Liên Hiệp quốc đã rất là chu toàn trong việc bảo vệ và  chăm lo cho những người tỵ nạn chính trị,  Đến lúc được chuyển qua trại chuyển tiếp Bataan ở Philippines để được hướng dẫn về đời sống văn minh của Mỹ trước khi chính thức đến Mỹ như một người  tỵ nạn, chúng tôi được huấn luyện chương trình buổi sáng, buổi chiều làm "Teacher Aid" cho các giảng viên người Phi. Ở đó, đời sống đầy đủ hơn, và lạc quan hơn vì chúng tôi biết chắc chắn ngày mình được định cư ở Mỹ. Và cũng ở đó, tôi có thì giờ tự học nhiều hơn cho chính mình, chuẩn bị một thời kỳ gian nan khác, một khởi đầu từ con số không ở quê hương thứ hai. Một vài lần được về chơi ở Manila (thủ đô của Philippines), những chuyến du lịch đặc biệt  bằng xe bus dành riêng cho các "Teacher Aid", chúng tôi vẫn ngậm ngùi thương cho sự lạc hậu của đất nước mình ngay cả khi so sánh với các nước Á châu khác như Philippines.

"Nỗi buồn nhược tiểu" đó càng tăng cao khi  trên đường bay qua Mỹ, tôi được dừng chân hai ngày  ở Tokyo - Nhật, thủ đô của nước Á châu giàu mạnh nhất sau khi nếm bài học xương máu với hai cột khói trắng hình nấm khổng lồ ở Hiroshima và Nagasaki cuối thế chiến thứ hai.  Tokyo văn minh sáng rực ánh đèn ban đêm tương phản với Saigon lạc hậu tranh tối, tranh sáng,  Nước mắt tôi lại chảy xuống cho sự thụt lùi của quê hương đã bị bỏ lại sau lưng.

Tôi đến Mỹ một tuần trước lễ Giáng sinh, cùng một thuyền nhân Việt Nam khác, hoàn thành nhiệm vụ cuối cùng được giao từ UNHCR, giúp đoàn người tỵ nạn gồm 85 người kể cả một vài người Lào và Cambodia cũng trốn chạy khỏi quê hương như chúng tôi. Giữa những hành khách Mỹ tự tin, cao to, với nhiều hành lý cồng kềnh về nước đoàn tụ với gia đình nhân dịp Giáng sinh và Tết dương lịch, rất dễ nhận ra  những người tỵ nạn nhỏ bé, mảnh mai mắt mở to vui mừng lẫn ngơ ngác, chỉ có hai bàn tay trắng với những túi xách của UNHCR và IOM  (International Organization for Migration), chỉ có giấy tờ nhập cư vào Mỹ và giấy tờ tùy thân .

Được chuẩn bị đầy đủ với gần 6 tháng học về "American Culture Orientation" ở trại chuyển tiếp Bataan, Philippines, với trình độ Anh văn tương đối sau một năm tiếp xúc và làm  thông dịch viên cho nhân viên Cao ủy  Tỵ nạn LHQ, tôi không đến nỗi bị lâm vào cảnh "mán về thành", nhưng thật sự đời sống ở Mỹ khác xa  với đời sống ở quê nhà như mặt trời với mặt trăng, như ngày với đêm.

Hình ảnh của Ba với mái tóc bạc trắng ở tuổi năm mươi trong lao tù cải tạo, hình ảnh Mẹ với đôi mắt buồn trong những ngày chuẩn bị gởi chúng tôi ra đi là nguồn nghị lực không bao giờ cạn, tiếp sức cho chúng tôi trong  thời gian chân ướt chân ráo ở quê hương thứ hai.

Từ nhiều trại tỵ nạn ở nhiều nước khác nhau: Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines, anh chị em chúng tôi  đến Mỹ trong nhiều thời gian khác nhau, được trùng phùng, như trăm sông đổ về biển,  và  mang sức sống của tuổi hai mươi lao vào đất nước của tự do và cơ hội. Một người bạn cũ của Ba, qua Mỹ từ  năm 1975, đang làm ở tổ chức thiện nguyện USCC, giúp tôi có được trợ cấp một lần là 650 dollars dành cho người tỵ nạn mới đến , bác viết cho tôi một reference letter và từ đó " I'm on my own way".  Bác cũng giới thiệu cho tôi đến tìm việc làm ở một vài nơi.  Trời thương, "thánh nhân đãi kẻ khù khờ", tôi được nhận vào làm full time ở một công ty lớn chỉ hai tuần sau ngày đến Mỹ. Lúc đó là đầu tháng giêng, giữa mùa Đông ở Mỹ, trời lạnh buốt, buổi sáng tôi thức dậy từ sáu giờ ba mươi, trời còn tối, ra đứng chỗ xe bus ở đầu đường, trời lạnh cóng, dưới 40 độ Fahrenheit, tôi phải mặc ba bốn lớp áo, nhưng áo quần cũ chị em chúng tôi đã mua từ Goods Will để vừa với túi tiền của mấy chị em lưu lạc quê người, chỉ có hai bàn tay trắng, với lòng tin của Ba Mẹ đặt ở mỗi chúng tôi.  Một tuần sau, chịu không nổi cái lạnh gần đông đá , từ 32 đến 39 độ Fahrenheit của mùa đông thứ nhất ở Mỹ, tôi dùng cái paycheck đầu tiên của mình thuê người dạy lái xe và dốc hết tiền trợ cấp một lần cho người mới đến mua một cái Toyota Celica đã mười bốn tuổi, để đi học và đi làm.   Đời sống lúc đó, còn nhỏ, là một hình tam giác với ba đỉnh là nhà, trường học và sở làm không hề có giải trí, không có cả thời gian để buồn và nhớ nhà. Đến Mỹ muộn màng, sau gần mười năm miền Nam sụp đổ, biết thân phận mình là "trâu chậm", chúng tôi lao đầu vào học, không dám để phí thêm một giờ phút nào. Mùa hè, học phí cao hơn, tôi chỉ ghi danh theo học một lớp, và làm part time cho một trạm bán xăng ở gần nhà  Nghĩa là lúc đó, tôi đi làm full time, đi học full time quanh năm.  Nhiều lúc quá mệt mỏi, tôi lại tự nâng đỡ tinh thần mình bằng câu nói cửa miệng của người Mỹ "No pain, no gain", và nhớ đến kỳ vọng của Ba Mẹ đã đặt ra cho chúng tôi. Buồn nhất là những lần bất chợt nghe được những câu hát rất đúng với tâm trạng của mình:  "Ai trở về xứ Việt, nhắn giùm tôi người ấy ở trong tù .....",  nghĩ đến Ba, nước mắt tôi vẫn lăn dài, và tự bảo lòng mình phải cố gắng học giỏi hơn để Ba Mẹ vui hơn, đủ nghị lực sống trong đời sống bị khủng bố tinh thần thường xuyên ở quê nhà.

Có lần được phát biểu cảm tưởng với thời gian ba phút trong một lần nhận học bổng, tưởng là sẽ cảm ơn đủ tất cả mọi người và hứa với "scholarship foundation" sẽ cố gắng nhiều hơn, nhưng tôi chỉ nói được gần hai phút: - Xin cảm ơn tất cả thầy cô đã có công dạy dỗ tôi, xin cảm ơn Hội đồng trao tặng học bổng cho tôi. Xin tri ân  đất nước Hoa Kỳ đã cưu mang và cung cấp một đời sống tự do, no đủ cho tất cả những người  tỵ nan, lưu vong.  Vinh dự hôm nay xin được dành riêng cho tất cả những người đã nằm xuống cho chúng tôi có được ngày hôm nay, và xin đặc biệt danh riêng cho Ba tôi, người vẫn còn đang bị đày ải trong lao tù Cộng sản vì đã ở trong một quân đội bảo vệ tự do,  xin được dành riêng cho Mẹ tôi, người đã rất chu toàn trong việc nuôi dậy con cái một mình.

Một phút còn lại, tôi không nói được vì cử tọa trước mặt đã mờ đi sau màn nước mắt, mùi vị đắng cay sau năm 75 ở quê nhà vẫn kéo về với đầy nỗi xót xa, ngay cả trong giờ phút ngọt ngào nhất. Một thầy giáo người Mỹ gốc Ba Lan đã tỵ nạn Cộng sản từ cuối thập niên 60, dạy tôi từ năm đầu Đại học, hiểu rất rõ tâm trạng của một người tỵ nạn, đã lên diễn đàn giúp tôi hoàn tất lời phát biểu.  Lần đó, tôi được đặc cách đề cử trực tiếp cho học bổng niên khoá kế tiếp, mà không phải qua những thủ tục bình thường. Món tiền tuy không lớn, cũng đủ để trang trải chi phí sách vở, học phí, ăn ở cho một năm học, là một yểm trợ vật chất lớn lao cho tôi trong ba năm đầu chân ướt chân ráo ở quê người. Có những điều hằn sâu trong ký ức, lúc nào cũng tưởng như mới vừa xẩy ra, như chuyện say sóng đến độ "mửa mật" của những ngày lênh đênh trên đại dương vẫn ám ảnh tôi không nguôi.  Cho nên, có lần được chọn là "Employee of the year" được tặng vé cho một chuyến đi cruise trên biển một tuần cho hai người, nhớ lại cảm giác đắng nghét ở miệng, cảm giác mất thăng bằng của những ngày mới đặt chân lên đất liền, tôi đã nhường lại phần thưởng đó cho "the runner up" trước con mắt ngạc nhiên của mọi người làm cùng chỗ.  Đó không phải là điều duy nhất người bản xứ không hiểu những người tỵ nạn, những người Mỹ gốc Việt lưu vong. Họ cũng không hiểu tại sao rất nhiều người Việt Nam nhỏ bé ốm yếu vẫn đội mưa đội gió  hàng giờ giương cao  những tấm biểu ngữ "Human Right for VietNam", "Freedom for VietNam" ở một góc đường nào đó trong đời sống lạnh lùng, đầy tất bật của đất nước Hoa kỳ.  

Sau  khi đã ổn định,  - đã có một "career" đàng hoàng thay cho cái "job" để kiếm sống - có thời tôi đi dạy thiện nguyện cho một trường Việt ngữ ở điạ phương, học sinh là  các em teenagers. Dù cùng tuổi nhưng học trò của tôi bây giờ vô tư, ngây thơ, khác xa các em trong trại tỵ nạn chững chạc, trưởng thành trước tuổi.   Ở trường Việt ngữ, ngoài bài giảng từ sách của trường, thì giờ còn dư, chúng tôi giảng trích đoạn từ tác phẩm "Mùa hè đỏ lửa" của nhà văn Phan Nhật Nam,  từ bài thơ bất khuất "Nếu ai hỏi" của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện để các em hiểu rõ hơn giá trị của tự do, và biết yêu thương cha mẹ hơn, biết ơn cha mẹ các em đã hy sinh rất nhiều để các em có được ngày hôm nay.

Đời sống ở Mỹ vốn tất bật, nhưng một phút bình lặng nào đó của tâm hồn, dù đang bị kẹt xe trên một xa lộ xe cộ tất tả ngược xuôi hay đang ở trong một cuộc họp ở sở, đầu óc tôi vẫn lang thang về với quê nhà, và buồn thay, bao giờ cũng vậy, mùi vị đắng nghét như đang bị "mửa mật", mùi vị chua cay của một thời vẫn hiện về, rõ ràng, mồn một như chuyện hôm qua.

Và có một lần "chuyện hôm qua" càng rõ nét hơn. Đến thăm M***achusetts Institute of Technology (MIT) nổi tiếng về chuyên ngành Toán và Kỹ thuật, đang ngồi chờ người bạn ở cafeteria của trường, bỗng một sinh viên người Á châu đi qua, đi lại trước mặt tôi nhiều lần.  Sau cùng, anh ta dừng lại, lịch sự hỏi bằng tiếng Mỹ:  - Xin lỗi, chị có phải là cô Thuyên ở trường Trung học Pulau Bidong năm 1988 không?

Tôi trả lời bằng tiếng Việt:

- Đúng rồi, em có thể nhắc cho tôi nhớ em là ai không?

Người thanh niên vui mừng, rồi bằng một thứ tiếng Việt rõ ràng và lễ độ, anh ta trả lời:

- Em là Hanh đây chị, em học cùng lớp với Huyên và Việt ở Pulau Bidong.  Chị nhớ em không?

Hanh vẫn nhận ra tôi sau mười lăm năm không gặp, nhưng tôi thì không thể nhìn ra được anh thanh niên cao lớn chững chạc trước mặt  mình là cậu bé đen nhẻm, chững chạc, chăm học ở trại tỵ nạn năm xưa, Hanh lúc đó đang ở năm cuối của chương trình Tiến sĩ Toán, như ước mong ngày nào em đã trình bày trong một giờ thực tập nói tiếng Anh ở lớp học nhỏ xíu, mái lợp tôn thô sơ giữa đảo Pulau Bidong. Hanh kể cho tôi nghe về chuyện em đến Mỹ một mình ở tuổi mười hai, cùng với một nhóm ngườI Việt Nam tỵ nạn đặt chân đến Mỹ ở phi trường San Francisco, Hanh đổi máy bay về M***achusetts. Đi một mình, dưới mười lăm tuổi, nên Hanh được một cô Stewardess đích thân dắt lên máy bay trước.

Ra đón cậu bé tỵ nạn Việt Nam ở phi trường Logan  Boston - là đại diện của một tổ chức thiện nguyện và cha mẹ nuôi của Hanh.  Đó là một gia đình ngươi Mỹ gốc Tiệp Khắc, qua Mỹ tỵ nạn từ thập niên 60s. Dù chưa bao giờ có ý định xin con nuôi, nhưng thấy Hanh là một cậu bé mới mười một tuổi vượt biển một mình, không có thân nhân, nên họ muốn đưa Hanh về nuôi. Cả hai ông bà đều dạy Trung học.  Ông dạy Toán, bà dạy Home Economics (tương tự như môn Nữ công gia chánh ở Việt Nam). Người con duy nhất đi học xa, ông bà vẫn làm việc thiện nguyện ở một Nhà thờ Tin lành vào cuối tuần.  Khi thấy tên Hanh, một em nhỏ tỵ nạn Việt Nam mới mười một tuổi, không có thân nhân ở Mỹ, được nhà thờ tìm người bảo trợ, họ xin nhận Hanh làm con nuôi.  Vẻ chín chắn cùng sự khôn ngoan trước tuổi của Hanh đã chinh phục được lòng thương yêu của bố mẹ nuôi người Mỹ từ lúc đầu.  Vì cả hai ông bà đều là nhà giáo, Hanh lại có căn bản về cả tiếng Anh lẫn  học lực, lại chăm chỉ học hành nền em được vào thẳng lớp bảy như các học sinh bản xứ mà không gặp trở ngại nào.

Lên Trung học, Hanh tốt nghiệp thủ khoa Trung học. Với sự hướng dẫn quý báu của cha mẹ nuôi, với  thành tích học tập xuất sắc trong bốn năm Trung học, cậu bé Hanh tỵ nạn năm xưa nhận được học bỗng toàn phần của MIT, trong niềm hãnh diện  của cha mẹ nuôi ở Mỹ lẫn cha mẹ ruột ở Việt Nam.  Giữa thập niên 90s của thế kỷ hai mươi, ba mẹ sinh thành cùng hai em của Hanh được qua Mỹ theo chương trình nhân đạo HO.  Vậy là Hanh có đến hai ông bố, hai bà mẹ, và hai gia đình cùng ở tiểu bang M***achusetts, trong hai thành phố kế cận nhau. Không muốn làm mất lòng gia đình nào, và để được tập trung học tập, Hanh vào nội trú trong MIT.  Mổi thứ bảy về với cha mẹ ruột, ăn món ăn Việt Nam do mẹ nấu, nghe ba kể về những đọa đày ông phải gánh chịu trong các trại "cải tạo". Và mỗi chủ nhật, về lại căn phòng thân thuộc mà cha mẹ nuôi đã dành cho Hanh từ ngày cậu bé Việt Nam, da còn đậm màu nắng gió của trại tỵ nạn, chân ướt, chân ráo đến Mỹ.  Căn  phòng dù không còn được dùng thường xuyên, nhưng  trong closet vẫn còn treo hai bộ áo quần kỷ niệm của Hanh, một bộ Hanh mặc khi mới  đến Mỹ được người bảo trợ ra đón, và bộ kia là bộ áo quần đầu tiên Hanh được bố mẹ nuôi mua cho.  Ở một góc bàn học, vẫn còn cái lọ thủy tinh có cắm hai lá cờ nhỏ, một sọc trắng đỏ với năm mươi ngôi sao của Mỹ, một màu vàng với ba sọc đỏ của Việt Nam.  Trên tường vẫn còn hình Hanh năm mười tám tuổi, chững chạc trong áo mũ và dây choàng  thủ khoa (valedictorian) ngày tốt nghiệp Trung học.

Một chi tiết rất cảm động trong câu chuyện của cậu bé tỵ nạn ở Pulau Bidong năm xưa là hồi mới đến Mỹ, mỗi lần được cho kẹo chocolate, Hanh chỉ ăn một phần nhỏ và để dành hầu hết kẹo  để gởi về Việt Nam cho hai em và cho các bạn.  Điều "bí mật" đó bị phát hiện khi hai ông bà Mỹ thấy cậu con nuôi ăn uống rất chừng mực từ tốn nhưng luôn luôn xin được mua thêm chocolate. Kẹo "để dành" thường được Hanh gói cẩn thận trong những túi nylon dán kín để trong một góc tủ áo quần. Halloween đầu tiên ở Mỹ, đi học về, làm xong bài vở, trời vừa sụp tối, Hanh xin phép ba mẹ nuôi cho đi xin kẹo. Cậu bé miệt mài đi bộ một mình trong thời tiết se lạnh đầu mùa thu ở miền Đông Bắc  trên bốn năm con đường, gõ cửa từng nhà xin kẹo. Kêt quả rất khả quan, sáng hôm sau Hanh gởi được một thủng kẹo mười hai lbs (khoảng 5kg) về Việt Nam mà cước phí còn cao hơn cả tiền mua kẹo. Có nguồn gốc là người Tiệp Khắc, một thời đã phải sống dưới chế độ Cộng sản, bố mẹ nuôi của Hanh hiểu ngay mọi chuyện.  Và ông bà càng quý Hanh, cậu bé Việt Nam tuổi còn nhỏ nhưng tấm lòng đã  rất lớn.

Đến phiên tôi, tôi cũng kể cho Hanh nghe giòng đời đã đẩy đưa tôi từ trại tỵ nạn năm xưa đến California như thế nảo.  Có nằm mơ, tôi cũng không tưởng tượng nổi mình gặp lại được cậu học trò đen nhẻm vì vị mặn của gió biển ở Mã Lai, có đôi mắt sáng nhưng lúc nào cũng buồn ở trường Trung học trên đảo Bidong ngày nào. Ước gì tôi cũng gặp được Huyên và Việt, cũng như đã hội ngộ rất bất ngờ với Hanh ở một góc trường MIT ở miền Đông Bắc nước Mỹ. Nhưng dù chưa hay không có dịp tái ngộ với Huyên và Việt, tôi vẫn tin hai em đã rất thành công như Hanh, chứng minh mình có thể làm được nhiều điều, chẳng hạn như chuyện học hành, mà có một thời ở trong nước , sau tháng 4/75, nhà cầm quyền không cho phép mình làm.

Tất  cả chúng tôi dều giống nhau ở chỗ phải xa nhà, bỏ đất nước ra đi một mình, dù lúc nào trong tâm tưởng của chúng tôi cũng có một vị trí trang trọng cho quê hương chôn nhau cắt rốn đã phải bỏ lại sau lưng. Chúng tôi đã phải mang cả sinh mạng của mình ra đánh cuộc với định mệnh, với đại dương; một cái giá không một khoản tiền nào, dù lớn đến đâu có thể mua được. Những được mất với cuộc đời hãy còn ở trước mặt, nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ cố gắng không ngừng để xứng đáng với cái giá mình phải đánh đổi.

Chia tay Hanh hôm đó, tôi mang theo câu nói của Hanh với khuôn mặt rất nghiêm trang, già trước tuổi, và vẫn với đôi mắt buồn xa vắng như lần đầu tiên tôi gặp em ở trường Trung học trên đảo tỵ nạn:

- Điều em vui nhất là đã đền  đáp được phần nào ơn nghĩa sinh thành của cha mẹ ruột và ân tình cưu mang của bố mẹ nuôi. Em vẫn cố gắng hết mình, cố gắng đến hết cuộc đời để luôn làm cho cả Ba Mẹ lẫn Mommy, Daddy của em vui  Điều duy nhất không chắc em có làm được hay không, là "gánh sơn hà" mà đôi lúc Ba em và các bác, các chú cùng thời vẫn nửa đùa nửa thật là đã trao lại cho thế hệ của mình.


Hanh dừng một chút rồi hỏi một câu  mà  đến bây giờ tôi vẫn chưa biết cách trả lời:

- Gánh sơn hà nặng lắm một mình em hay cả hai chị em mình không thể nào gánh nổi! Chị ơi, làm thế nào để cả thế hệ của mình đủ sức gánh nổi sơn hà hả chị?

Câu hỏi đó cứ quanh quẩn trong tôi và chắc là phải còn lâu, lâu lắm, tôi mới biết được câu trả lời chính xác  Nhưng tôi tin là chỉ cần một phần mười của một thế hệ Việt Nam (cả ở hải ngọai lẫn trong nước) biết đoàn kết, có nhiệt tâm gánh vác non sông với chí khí của Trần Quốc Toản, với lòng yêu nước của Nguyễn Thái Học và với đầu óc của Lê Quý Đôn thì gánh sơn hà sẽ nhẹ nhàng như cái cặp đi học rất thân thuộc của một thời đèn sách.


(Viết cho Lan Hương, Tiến, Tuấn và những thuyền nhân  "đi biển" một mình).
 
 


Chỉnh sửa lại bởi mykieu - 25/Feb/2010 lúc 6:47pm
mk
IP IP Logged
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 01/Mar/2010 lúc 2:21am



Chủ Nhật, 28/02/2010, 20:39 (GMT+7)


Chuyện đời tự kể:



Năm mươi ngàn đồng
 của thầy ( giáo ) tôi


PHƯƠNG KHÁNH





TTO - Nếu không có 50.000 đồng của thầy, chắc hẳn tôi chẳng có được nghề nghiệp, cuộc sống ổn định như hiện tại. Câu chuyện trôi qua 13 năm nhưng tôi vẫn nhớ như in như mới xảy ra hôm qua, hôm kia…

Đó là vào mùa hè 1996, tôi đang học những ngày cuối cùng của lớp 12. Trường của tôi là Trường phổ thông cấp II-III Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, giờ là Trường THPT Lê Minh Xuân - một ngôi trường xa xôi của huyện Bình Chánh, TP.HCM.

Nhà tôi lại ở một xã xa nhất, nghèo nhất của huyện - xã Bình Lợi. Nếu xã tôi là xã xa nhất của huyện Bình Chánh thì nhà tôi lại là ngôi nhà xa nhất của xã (ở sâu trong một cánh đồng, ráp ranh với xã Tân Bửu, huyện Bến Lức, tỉnh Long An).

Nhắc đến Bình Lợi - người ta nghĩ ngay đến những đứa trẻ người nhỏ thó, đen nhẻm, quen lội sông, lội đồng mò cua, bắt ốc nhiều hơn là cắp sách đến trường. Tuổi thơ tôi cũng không ngoại lệ với những đứa trẻ ấy - cũng mò cua bắt ốc, cũng xúc tép làm mắm, phụ ba má đổi lấy manh áo, chén cơm. Con gái những ngày hành kinh cũng không kiêng nước, cũng trầm mình dưới những vũng bùn đen ngòm, cũng lội bì bõm dưới những con kênh nước xâm xấp chảy xiết…

Giờ nghĩ lại tôi còn thấy rùng mình, ớn lạnh. Có lẽ vì thế mà sau này tôi bị bệnh phụ khoa, phải chữa trị gian khổ lắm mới dứt và suýt chút nữa tôi mất khả năng làm mẹ (lấy chồng gần 5 năm chạy chữa mãi mới có con).


Tuổi thơ tôi gian khổ như thế vì nhà tôi nghèo, rất nghèo, ba má tôi phải chạy ăn từng bữa. Các anh chị học hành dở dang. Chưa một ai trong chín anh chị em tôi dám mơ ước vào đại học. Cánh cửa đại học lúc đó như một món hàng xa xỉ nhất đối với chị em tôi. Các chị tôi lớn lên, có chị học xong cấp I, có chị học xong cấp II, ở nhà phụ ba má cày sâu cuốc bẫm.

Phụ má được vài mùa gặt, đủ tuổi kết hôn là các chị “thoát ly” khỏi gia đình - thực hiện biện pháp “xoá đói giảm nghèo” cho ba má - lấy chồng. Tôi còn nhớ mỗi lần gả chồng cho các chị, mẹ tôi cứ khóc ròng. Tôi biết má thương con gái rồi số phận sẽ giống mình - lặp lại cái vòng luẩn quẩn đói nghèo - nhưng má không biết phải làm sao.

Là đứa con gái út của ba má nên tôi được ba má chăm sóc nhiều hơn. Ba tôi thường vuốt tóc tôi bảo: Con cố học, ba sẽ ráng lo cho con. Quả thật, ba rất chăm lo cho việc học của tôi. Suốt 3 năm học cấp III, nhà xa trường gần 7km, sáng ba chèo xuồng đưa tôi ra lộ, chiều lại kẻo kẹt tay chèo đón con gái về (bởi nhà tôi ở tận trong đồng sâu, không có lối đi, phải lội ruộng, băng đồng). Tôi đến trường có bước chân ba theo đi. Và tôi nhìn sâu vào đôi mắt ba, tôi biết đôi mắt ấy luôn rực cháy một khát vọng… Thế nhưng có lẽ ba cũng chẳng dám mơ tôi vào đại học. Tất cả chỉ vì cơm áo gạo tiền ở mảnh đất phèn chua nước mặn này cứ đè nặng lên đôi vai ba…

Những ngày cuối cùng của năm học lớp 12 - cũng là lúc gần hết hạn nộp hồ sơ dự thi đại học - tôi không có lấy một đồng trong túi. Cả nhà không còn một hạt gạo, ba má tôi phải chạy vạy từng lon gạo để nấu cháo ăn qua ngày, đợi mùa giáp hạt. Tôi cũng có một khao khát được thoát ly gia đình, được thoát khỏi cái nghèo đói, cơ cực nhưng không phải là lấy chồng mà là vào đại học.

Tôi cứ suy nghĩ trong cái vòng luẩn quẩn: không có tiền mua hồ sơ dự thi thì không thể thi đại học, mà không thi đại học thì không thể nào thay đổi được cuộc sống.

Suy nghĩ mãi, cuối cùng tôi nghĩ đến thầy tôi
- thầy Đoàn Tấn Phương - thầy giáo dạy môn vật lý của tôi. Tôi nghĩ đến thầy bởi có lần tình cờ trong một buổi sinh hoạt lớp, thầy bảo: Thầy thương nhất là các em từ Tân Nhựt, Bình Lợi (xã Tân Nhựt, xã Bình Lợi) ra, các em đi học vất vả quá.

Giờ ra chơi hôm ấy, tôi lấy hết can đảm đến gặp thầy… Thầy bảo tôi cuối giờ hãy ghé lại văn phòng. Thế nhưng cuối buổi học hôm đó tôi không gặp được thầy. Có lẽ vì tủi thân, vì xấu hổ nên bao nhiêu câu hỏi cứ đặt ra trong đầu: hay thầy không muốn giúp mình? Hay thầy ghét mình? Hay mình không xứng đáng nhận sự giúp đỡ của thầy?

Nghĩ đến đó nước mắt tôi tuôn rơi. Mơ ước vào đại học của tôi coi như không thể thực hiện. Trong tôi có cả niềm tủi hổ của đứa học trò nghèo và cả giận thầy nữa. Thế nhưng, đến ngày thứ hai đầu tuần, tôi thật bất ngờ nhận từ tay thầy một phong bì, trong đó có 50.000 đồng (số tiền quá thừa để làm hồ sơ dự thi và quá lớn với tôi) và một tờ giấy gấp đôi với những dòng chữ: “Lúc trước em hỏi thầy. Lúc đó thầy chỉ có hai ba chục. Thầy sau đó lên văn phòng lãnh bảo trợ. Lúc ra về không thấy em lên kiếm. Nay thầy đưa em bao nhiêu đây. Nếu cần thêm thì hỏi thầy”.

Đọc những dòng chữ của thầy, nước mắt tôi cứ chảy dài. Thì ra lúc đó thầy cũng không có sẵn tiền trong túi và có lẽ thầy cũng rất ít tiền bởi đồng lương giáo viên eo hẹp khi đó. Tôi thương thầy và thương cho chính mình.

Tôi tự nhủ mình sẽ cố gắng học thật tốt để thi đậu, để không phải hổ thẹn với thầy. Nhưng thật trớ trêu, năm ấy không những tôi không đậu đại học mà tôi rớt cả tốt nghiệp THPT. Rớt tốt nghiệp phổ thông với mọi người đó là chuyện bình thường bởi vì những đứa học trò nông thôn chúng tôi thời gian làm đồng, làm ruộng, mò cua bắt ốc nhiều hơn thời gian đến trường. Ba má tôi không trách tôi. Thầy cô không trách tôi. Nhưng tôi thấy lòng mình se thắt, đau đớn, xấu hổ.

Ba má tôi an ủi: Thôi, con học như thế là tốt hơn các chị nhiều rồi, ở nhà làm đồng phụ ba má rồi đi lấy chồng, sanh con đẻ cái. Ban đầu tôi cũng nghĩ thế như chấp nhận một số phận - vì tôi nghĩ không có cách nào khác hơn thế. Nhưng rồi hình ảnh của thầy tôi - thầy Đoàn Tấn Phương và 50.000 đồng của thầy cho tôi làm lòng tôi quặn thắt. Thế rồi tôi vừa phụ ba má làm đồng và vừa âm thầm ôn tập để thi lại.

Mùa hè năm 1997, tôi đậu tốt nghiệp THPT. Tôi dự thi vào Trường đại học Sư phạm như mơ ước. Và tôi đậu đại học vào năm đó. Mùa thu 1997, tôi vui mừng trở thành sinh viên của Trường đại học Sư phạm TP.HCM, khoá 23 (1997-2001).

Sau đó, tôi có trở về trường cũ, mong muốn gặp lại thầy tôi. Nhưng thầy đã chuyển trường - một trường phổ thông ở quận 9. Thế là tôi không gặp lại thầy nữa. Tôi chỉ biết nhà thầy ở quận Bình Thạnh nhưng tôi không thể tìm được. Bốn năm đại học cũng kết thúc. Những dòng chữ và tờ giấy úa nhoà của thầy tôi và cả cái phong bì đựng nó 13 năm qua tôi vẫn còn giữ.

Bất ngờ, tháng 3-2009 tôi gặp lại thầy bởi thầy đã chuyển công tác về Trường Trần Quang Khải (quận 11) từ tháng 9-2008, trong khi đó trường tôi dạy Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 11 kề bên trường thầy. Đúng là quả đất tròn, tôi gặp lại thầy ngay trước cổng ngôi trường mình.

Giờ thỉnh thoàng tôi mời thầy đi uống nước, dùng cơm với tôi. Hai thầy trò nói với nhau biết bao nhiêu chuyện buồn vui trong thời gian qua. Có thể thầy chẳng còn nhớ 50.000 đồng thầy cho tôi mượn. Nhưng tôi thì không bao giờ quên được món nợ ấy. Nhờ nó mà tôi có đủ ý chí, nghị lực để học tập và thi đậu đại học.

Ngồi nhớ lại những ngày tháng tuổi thơ gian khó, tôi biết ơn thầy tôi, thầy Đoàn Tấn Phương, vô hạn.


PHƯƠNG KHÁNH



http://mocay.org/forum/viewtopic.php?f=52&t=3078



Chỉnh sửa lại bởi mykieu - 01/Mar/2010 lúc 2:25am
mk
IP IP Logged
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 15/Mar/2010 lúc 11:20pm
 
 
 

Saturday, March 13, 2010 

 

 

 

 

“Nước mắt chảy xuôi”

 

(Huy Phương)

 

 

 

 

 

 

Cứ mỗi lần có dịp phải vào nhà dưỡng lão để thăm người quen hay bạn bè, tôi thường có những suy nghĩ và ám ảnh, liệu rồi sau này lúc già yếu, bệnh hoạn, tôi có phải vào nằm ở đây không, mà ví như cha mẹ tôi còn sống, tôi có khả năng nuôi nấng săn sóc cha mẹ tôi ở nhà không hay lại phải đưa quý cụ vào đây?

 

“Nước mắt chảy xuôi” là thành ngữ Việt Nam nói đến tình thương chỉ có thể từ cha mẹ dành cho con cái, theo dòng thuận của đời người, từ cao xuống thấp, để khuyên chúng ta đừng đòi hỏi một sự báo đáp từ con cái.

Nhưng sự thật, các bậc cha mẹ cũng buồn lòng khi thấy con cái đối xử với mình tệ bạc, nhất là đến tuổi già, bệnh tật, có khi bị bỏ quên, cha mẹ cảm thấy cô đơn, cần sự an ủi, săn sóc.

Trong một bài viết về nỗi niềm của cha mẹ già bị bỏ quên trong xã hội hôm nay, tôi nhận được lá thư của một vị cao niên ở tận miền Ðông, bày tỏ ý kiến của cụ:

“Tôi đã khóc, khóc cho chính mình và cho ai trong tuổi già ở xứ này".

Ông kể lại có cụ già đã chết cả một hai tuần, không ai biết. Con cái ở đâu? Ðó là những người có con mà còn vậy, còn những người không con thì chắc phải vô trường hợp này quá.

Vì tôi không con gái, chỉ hai ‘đực rựa’, một ở Cali, một ở gần đây, nhưng ít khi kêu, và có khi không kêu hỏi thăm được một tiếng, lúc cần tiền hay cần gì đó mới kêu. Có lúc tôi nghĩ: hay mình bất hiếu với cha mẹ nên con cái nó bạc với mình chăng?

Ở Florida này cũng có một bà Việt Nam ở riêng, mỗi tuần có cậu con trai mang đồ ăn tới. Hôm đó cậu ta kêu cửa, nhưng không ai ra mở. Cậu ta tưởng bà cụ đi vắng bèn treo gói đồ ăn vào hàng rào cổng. Mấy ngày sau trở lại, thấy gói đồ ăn vẫn còn, mới khám phá ra bà mẹ đã chết. Thật là thảm!”

 

Ðây chắc chắn là chuyện này có thể tránh được. Nếu mẹ ở nhà riêng, con nên có một cái chìa khóa nhà để dùng lúc cần thiết. Ðem thức ăn đến cho mẹ, khi mẹ đi vắng, dù bận thế nào đi nữa, thì cũng vào nhà, để thức ăn vào tủ lạnh cho mẹ. Nếu mẹ ngủ thì cũng vào nhà xem mẹ có khỏe không? Ðiện thoại cho mẹ nhiều lần mà không nghe trả lời thì phải nhờ người ở gần, đến gõ cửa nhà mẹ xem sao, hay vội vàng chạy lại xem sự thể thế nào?

Câu chuyện như trên có thể xẩy ra bất cứ ở đâu.

 

Trái tim của người mẹ có nhiều chỗ dành cho đứa con, như đôi cánh của một con gà mẹ có thể dang ra che kín mười đứa con bé dại,

nhưng người mẹ có chỗ nào trong trái tim của con.

Ngày xưa, mẹ chưa bao giờ biết nói tiếng “bận” với con. Khi đang ăn mà con “làm bậy” cũng phải buông đũa đứng dậy. Nửa đêm dù đau yếu, mỏi mệt nghe tiếng con khóc cũng phải mở mắt, vỗ về và ôm con vào lòng.

Sao các con bây giờ vẫn thường nói tiếng “bận” với cha mẹ.

Vì bận nên các con đưa cha mẹ già lú lẫn vào nursing home, vì bận, nên theo lời một cô y tá cho biết, nhiều gia đình bỏ cha mẹ vào đây rồi không bao giờ lui tới thăm viếng.

Cô cho biết nhiều người đã ở đây năm sáu năm rồi, không hề có ai lai vãng.

Có bao nhiêu lý do để những đứa con có thể nêu ra để không còn chỗ nào trong lòng, nhớ đến cha mẹ.

Nếu là đàn ông chúng ta nên vui, vì hiện nay trong các nhà dưỡng lão 70% là quý bà, vì các ông đã quy tiên sớm hơn vợ mình, thông thường ít nhất là 6 năm, để ngày nay khỏi phải chịu cảnh cô đơn, buồn tẻ.

 

Trước ngày Giáng Sinh tôi có dịp vào viếng thăm một người bạn sắp qua đời trong một nursing home.

Trên hành lang dẫn vào phòng người bạn, và ngay trước chỗ làm việc của nhân viên ở đây, tôi thấy nhiều ông bà cụ ngồi trên những chiếc xe lăn, nhìn những người qua lại.

Các cô y tá đã sắp xếp cho các cụ ra ngồi trên hành lang đối điện với văn phòng làm việc, một phần để trông chừng các cụ, một phần cho các cụ đỡ buồn.

Nhưng các cụ nhìn sự vật một cách dửng dưng, đôi mắt đờ đẫn, có người đã gục đầu xuống ngủ.

Giá mà có người đẩy xe lăn đưa các cụ đi dạo một vòng ngoài trời nắng ấm kia, chắc hẳn các cụ vui hơn và biết đâu cuộc sống sẽ kéo dài thêm một thời gian nữa.

Giờ này trong công viên hay trên những con đường trong thành phố nhiều người mẹ đang đẩy chiếc xe đưa con đi dạo, nhưng vài mươi năm nữa ai sẽ đẩy chiếc lăn cho bà. Phải chăng định luật của cuộc sống và tình thương là “nước mắt chảy xuôi”, sẽ không bao giờ có một dòng nước chảy ngược về nguồn.

Người Âu Mỹ thường thèm địa vị của các bậc cha mẹ người Á Ðông lúc về già vẫn còn được con cái lui tới săn sóc, nhưng họ cũng nên nhớ lại, họ chỉ nuôi con cho đến năm 18 tuổi là hết bổn phận, trên pháp lý, không ai trừng phạt gì họ được, mà trên mặt tình cảm cũng không có gì phải cắn rứt lương tâm. Trong xã hội văn minh này, một đứa trẻ bỏ học, đi lang thang ngoài đường hay bị đối xử tàn tệ, cha mẹ có thể ra tòa và mất quyền nuôi dưỡng, còn những cụ già vô gia cư, đói khát bị bỏ bên lề đường, không ai có trách nhiệm và chẳng có ai phải ra tòa.

Ðiều đáng nói là các cụ già cũng như những đứa trẻ, đều yếu đuối, không có khả năng tự bảo vệ và rất dễ xúc động, buồn vui.

Trong một xã hội đáng gọi là văn minh, các trẻ em và người cao niên đều được che chở, bảo vệ và săn sóc chu đáo.

Các cụ có các cơ quan xã hội lo thuốc men, thực phẩm nhưng với nỗi cô đơn, phiền muộn ai là người lo cho các cụ, trong khi những đứa trẻ có người an ủi, vỗ về và nói với nó những lời dịu ngọt.

 

Ngân khoản của liên bang cấp để ngăn ngừa tình trạng lạm dụng có đến 90% dành cho việc ngăn ngừa lạm dụng trẻ con, 7% để ngăn ngừa bạo hành trong gia đình nhưng chỉ có 2% sử dụng trong việc ngăn ngừa ngược đãi người già.

Không biết có bao nhiêu đạo luật và ngân khoản dành cho việc chống lại việc ngược đãi súc vật? Cứ vào “Pet-Abuse.com” chúng ta sẽ tìm thấy hàng nghìn trường hợp công dân Mỹ, già và trẻ, đàn ông lẫn đàn bà bị tù tội, phạt tiền vì bạc đãi, bỏ đói, đánh đập hoặc giết những con vật thân yêu trong nhà.

Bỏ quên một bà mẹ già trong nhà dưỡng lão nhiều năm có phải là một trường hợp ngược đãi không? Tôi nghĩ là không. Nếu có, luật pháp đã bắt đứa con phải phạt vạ hay vào nhà tù.

Theo người xưa, tuổi thọ là một ơn Trời và là một phúc đức lớn cho gia đình nào có cha mẹ tuổi thọ cao, trước nhất là của chính người cao tuổi nhưng đồng thời cũng là cho con cháu, bởi vì cha mẹ có sống lâu, con cháu mới có cơ hội được thể hiện lòng hiếu thảo.

Có ba điều người ta thường mong ước ở đời là Phước, Lộc và Thọ. Phước có chỗ đứng cao hơn hết, Lộc thì phù du mà Thọ chưa hẳn đã là may mắn.

 

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=109795&z=97

 

 

mk
IP IP Logged
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 25/Mar/2010 lúc 5:59am
 
 
 
 
Đường Tăng
(Trương Quốc Dũng)


Đêm cuối cuộc trường chinh đầy gian khổ, ngày mai yết kiến Như Lai để lên kiếp Phật, Đường Tăng trằn trọc không sao ngủ được. Suốt cuộc đời tâm nguyện tới cõi này, giờ đây khi sắp trút bỏ kiếp người, ông bỗng thấy lòng day dứt.

Nhiều ngày nay, thân thể Đường Tăng đã rã rời, đầu óc đầy mộng mị, tay biếng lần tràng hạt. Tâm linh như muốn níu chân dừng lại. Máu ông nhức nhối thấm lần cuối qua tim, cứa vào quá khứ đau xé. Ông nhớ tới những người sinh thành ra mình. Tình cha, huyết mẹ tạo nên mà bao nhiêu năm nay ông không một lần thắp hương, không một lần nhắc nhở.

Chặng đường dài tới đất Phật khiến trái tim ông dần chai sạn. Ông đã quá nhiều lần phải lạy lục, cầu khẩn các thần linh thánh lớn bé, đã quá nhiều lần giẫm đạp lên xác máu yêu ma xa gần, chỉ với một mục đích: mau thành chính quả. Ông thương người. Nhưng đêm nay, trước ranh giới cuối cùng của cõi Người và Phật, ông chợt hiểu ra cội rễ của tình thương ấy. Mỗi lần cứu giúp con người, ông chỉ thầm tính toán như xây thêm cho mình một bậc thang tới Phật đài.

Nhiều lần Đường Tăng đã tự hỏi tại sao nước mắt mình ngày càng lạnh giá. Giờ đây ông thầm biết, trên con đường thỉnh kinh về cứu rỗi người đời, ông đã dần dần xa lạ với con người.

Ông trở mình, thở dài: không là người, ta sẽ là ai? Yêu quái cản đường, biết bao kẻ chính từ trên đây xuống, pháp thuật vô biên, ác nghiệt vô cùng. Ta nhập vào chốn ấy biết rồi thành Phật hay ma?

Đường Tăng chợt nhói trong tim. Ông khẽ rên lên, hai tay ôm ngực. Mở mắt thấy các đồ đệ đang đứng bên giường nhìn ông âu lo. Cả ba hình như đều không ngủ.

Đường Tăng thở hắt: "Không sao đâu. Ta chỉ chợt nhớ tới ngày xưa". Nói rồi lại nhắm mắt.

Nghe tiếng Ngộ Không: "Xin thầy đừng tự dối lòng. Thầy đang nhớ cả kiếp người – Đường Tăng rùng mình khi giọng Ngộ Không quá u uất – Con từ đá sinh ra. Coi thường cả thần thánh, yêu ma, chỉ mong được thành người. Thầy đã là người lại tự bỏ mình đi tìm hồn phách khác. Đêm nay sao khỏi xót xa".

Bát Giới cười khẽ: "Làm người có gì vui. Chúng ta đã dốc lòng theo đạo, ngày mai được lên chốn thần tiên, sung sướng biết bao nhiêu. Thầy đừng luyến tiếc".

Sa Tăng an ủi: "Thầy trò mình sắp hóa Phật mang đạo xuống khai sáng cho loài người. Công quả vĩ đại lắm".

Đường Tăng lắc đầu, nằm im hồi lâu, hai tay vẫn đặt lên tim, mắt vẫn nhắm, nước mắt trào ra ấm nóng lại. Rồi như trăn trối: "Ta ước gì đêm nay đừng sáng. Ta đau đớn cho mười mấy năm viễn du. Ngộ Không ơi! Một đời con mong được thành người thì bị bắt ép phải theo ta để thành Phật. Bát Giới tự dối mình giác ngộ thật ra chỉ là đi tìm một chốn hoan lạc mới. Sa Tăng rời cõi u mê này sang cõi hoang tưởng khác mà lại hy vọng khai sáng. Còn ta? Không còn là người không phải là người thì làm sao đồng cảm mà đòi khai sáng, cứu vớt con người".

Ngộ Không sụp xuống nắm tay thầy nghẹn ngào: "Thầy đã nhận ra chân lý. Nhưng chậm quá rồi".

Đường về. Qua sông. Thiên sứ vừa cười vừa chỉ cho Đường Tăng thấy thân xác ông đang trôi dạt dưới cầu.

Nhưng Đường Tăng đã không nghe thấy gì nữa. Đôi mắt vô hồn.

Trương Quốc Dũng


http://www.ketcau.com/forum/showthread.php?t=1453
 
 


Chỉnh sửa lại bởi mykieu - 25/Mar/2010 lúc 6:17am
mk
IP IP Logged
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 29/Mar/2010 lúc 2:26pm
 
 
SỢI TÓC
 
Lê Thanh Sơn
(Thụ Nhân-K7)
 
 

 

Em gửi cho anh sợi tóc thề

Dù không hẹn ước chuyện phu thê

Dù không thề hứa lời dâu bể

Sợi tóc thay em hẹn lối về

 

Em gửi cho anh sợi tóc dài

Cùng lời thương nhớ viết đêm nay

Dù không thề hứa lời tơ tóc

Sợi tóc này anh nhớ giữ hoài

 

Em tặng cho anh sợi tóc mây

Với lòng yêu mến vẫn chưa phai

Gửi anh một chút mùi hương tóc

Là cả tình em, anh có hay ?

 

Em gửi cho anh sợi tóc buồn

Là lời trao gửi mối tơ vương

Dù em không nói câu thề ước

Sợi tóc và anh chung bước đường

 

Em gửi cho anh sợi tóc mềm

Là thương, là nhớ của nhiều đêm

Là tim em đó người yêu hỡi

Sợi tóc này mang cả nỗi niềm .

 

 

 LTS

mk
IP IP Logged
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 29/Mar/2010 lúc 2:30pm
 
 
 
 

THU  SẦU

Lê Thanh Sơn 
(TN-K7)
 
 

Chỉ là một chút hư cấu mà thôi …. , để nhớ lại một sáng trời êm mát ,

Quán Café Serenata , những chiếc lá vàng li ti rơi lả tả trên tay , trên tóc,

trên những cuộc đối đáp dềnh phiêu bạt ….

 

 

Những lá thu vàng đưa anh lang thang

Những lá thu sầu mây tơ giang ngang …

Hồn anh bạc trắng ,

Theo mưa dãi dầu ,

Trên bờ môi son ,

Vàng theo mùa lá …

Dáng em tan chìm trong không gian xưa ,

Mở lối đi vào nâng cao tim đau .

Mùa thương hờn dỗi ,

Rũ cánh tay ngà ,

Mười ngón xót xa nhặt lá khô vàng .

Hồn anh ngỡ ngàng ,

Trầm mình trong tiếng hát ly tan ….

Mây còn tiếc thương những chiều ,

Mưa còn tiếc thương lối mòn ,

Lòng anh sao không nhớ em ???

 

Từ dó thu vàng đưa anh lang thang ,

Từ đó thu sầu mây tơ giăng ngang ,

Trên lá thu vàng, tình ta dỡ dang …

Trên lá thu sầu , tình anh nát tan .

 

 

LTS

 

 

mk
IP IP Logged
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 01/Apr/2010 lúc 5:39pm
 
 
BÁT PHỞ ĐẦU TIÊN
(Đặng Hồng Sơn)

 

                                     

Yêu quý tặng Mẹ của con.

 

Ở đây không phải là luận cái sự ăn phở như cụ Nguyễn Tuân hay cụ Vũ Bằng theo triết lý tinh hoa của văn hóa ẩm thực nước ta mà là về bát phở đầu tiên tôi được ăn trong đời. Chuyện ăn phở ấy đến giờ mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn thấy như vừa mới diễn ra hôm qua, hôm kia...

Cái cửa hàng ăn uống thời mậu dịch tọa lạc ngay trước Công ty xổ số kiến thiết. Trên ô văng, chĩnh chện một hàng chữ đúc bằng xi măng xám ngoét Điểm Tâm - Giải Khát. Mấy cái bàn đá granito sứt sẹo chân sắt han gỉ mặt láng nhờn những mỡ. Dăm ba ông khách đầu đội mũ cối vội vã xì xụp ăn uống. Vài cô mậu dịch viên tạp dề ngả màu cháo lòng gác chân lên ghế khinh khỉnh. Ngoài thứ nước bột đậu xanh nhờ nhờ và nước chanh không đá, cái cửa hàng này còn bán cả phở. Một thứ quà xa xỉ mà thời đó không thể tìm thấy ở bất cứ đâu ngoài mậu dịch quốc doanh.

Sau năm 75, mấy chị em tôi theo bố mẹ rời ngôi nhà gianh lụp xụp trên cái nền cũ của Chùa Cầu – nơi gia đình tôi sơ tán bom Mỹ, để trở về Thị xã Bắc Giang sinh sống. Đối với tôi, một thằng bé gốc gác thành thị nhưng sinh ra và lớn lên ở nhà quê, cho đến lúc đó cái khái niệm về phở còn lờ mờ lắm.

Cái hôm mẹ tôi dắt đến trường Ngô Sỹ Liên để nhập học lớp Hai, đi qua cái cửa hàng ăn uống kia, tôi đã nhìn thấy tấm bảng gỗ có hàng chữ viết bằng phấn lem nhem sai chính tả. Phở à, lạ nhỉ. Tôi tò mò định hỏi song hình như mẹ cố ý kéo tôi đi nhanh hơn.

Cái thời bao cấp khốn khổ ấy nó làm cho những gia đình nhà giáo như gia đình tôi lúc nào cũng chỉ nơm nớp lo hết gạo, hết mỳ sợi, hết tem phiếu  chứ dừng nói là dám tơ tưởng đến phở. Bác Hợp “Xồm”, bạn cố tri của gia đình tôi túng quá tức cảnh làm bài thơ “Khóc Thùng Gạo” có đoạn :

        Ơ hay ! Không biết làm sao nhỉ

       Cứ đến đôi mươi dạ rối bời

       Gạo bột trong thùng trơ đáy gỉ

       Hòm không lăn lóc ống bơ ngơi…

“Đôi mươi” ở đây là khoảng ngày 20 trở ra của tháng. Gạo mua theo sổ thường 29, 30 cuối tháng mới bán. Có tháng còn phải duyệt sổ gạo mất mấy ngày. Bây giờ nói chuyện đó bọn trẻ không hiểu được.

Quay trở lại chuyện phở.

Lần ấy, giáo viên trường mẹ tôi dạy đều phải mua một tấm vé xổ số kiến thiết để đóng góp xây dựng thị xã. Mẹ tôi gấp tờ vé cẩn thận lắm. Người kẹp sâu trong quyển giáo án. Bố tôi đùa, mẹ mày đận này chắc dễ trúng xe đạp quá. Cả nhà có mỗi chiếc xe đạp từ thời ông Nội để lại hiệu Xteclinh của Pháp, bền lắm. Mấy chục năm mà phụ tùng vẫn tốt. Duy có săm lốp hiếm, quấn dây cao su mãi đến lòi cả tanh ra ngoài nên bố tôi đành treo gác bếp mà đi bộ.

Mẹ tôi trúng xổ số thật. Giải Năm hẳn hoi. Hồi đó, giải Nhất là một chiếc xe đạp Thống Nhất, giải Năm là một cây bút máy Kim Tinh.

Bố tôi cũng có một cây bút Kim Tinh. Cây bút màu cà phê sữa nắp bằng hợp kim trắng bóng, đầu khảm hình mũi tên vàng, thân khắc dòng chữ in hoa “Kỷ Niệm Mặt Trận Trị - Thiên - Huế”. Cây bút đó là của chú Bảy gửi từ chiến trường Thành cổ Quảng Trị ra tặng bố tôi. Chỉ mới tính đến giá trị vật chất, cây bút Kim Tinh đã là cả một tài sản. Một ước mơ của những nhà giáo có hơn chục năm trong nghề như mẹ tôi.

Sáng hôm ấy, mẹ dắt tôi đi lĩnh thưởng. Gương mặt người vui lắm. Chắc người nghĩ đã đến lúc không còn phải cặm cụi soạn giáo án bằng cây bút gỗ, ngòi con tôm chấm mực nữa. Chắc mẹ nghĩ đến việc chỉ cần hút mực đầy ruột bút là có thể viết được cả tuần lễ mà không cần mang theo lọ mực xanh Cửu Long lên lớp nữa. Mẹ tôi vui lắm.

Bà nhân viên trả thưởng sau khi soi xét kỹ tờ vé, lấy con dấu đã trả thưởng đóng cái cộp vào mặt sau, cất giọng hỏi lấy tiền hay lấy hiện vật .

Lấy tiền à, bao nhiêu. Mười đồng. Mẹ tôi đắn đo…

Chả theo dõi cuộc trao đổi làm gì, tôi đang bận nghển cổ sang phía cái cửa hàng có dòng chữ “Điểm Tâm - Giải Khát” bên kia đường. Thấp thoáng sau cái tủ gỗ quây vừa bằng lưới thép, vừa bằng kính nào là thịt bò nguyên miếng đỏ tươi, nào là hành dọc xanh mởn, rổ bánh phở chưa thái trắng phau. Rồi ớt, tỏi, chanh, dấm và cả đĩa lớn bánh quẩy vàng rộm. Trên bếp than hồng rực, nồi nước dùng ninh xương bò kêu sùng sục. Hơi bốc nghi ngút tỏa mùi thơm sang tận bên này đường làm cho đôi môi tôi đang tái nhợt vì lạnh cũng như hồng lại.

Mẹ tôi tay mân mê chiếc bút Kim Tinh màu xanh đen bóng, nắp mạ vàng chói. Bỗng bắt gặp ánh mắt của tôi đang hút về phía cửa hàng phở. Tần ngần một lát, người dắt tay tôi quả quyết sang đường.

Cầm cái Tích kê trên tay, mẹ tôi lại gần cái ô cửa có song sắt hình vuông thấp lè tè loáng thoáng mấy cái tạp dề đã ngả màu đang đi lại. Lát sau, mẹ trở ra vẻ mặt rạng lên với một bát phở trên hai tay.

Phở ! Đúng là phở thật. Lần đầu tiên tôi mục sở thị một bát phở, một bát phở mậu dịch quốc doanh hẳn hoi. Một bát phở tôi sắp sửa được ăn thật chứ không phải trong mơ. Khứu giác của tôi như bị hút vào nó. Lờ mờ trong màu nước dùng đùng đục bốc khói tỏa ra một hương vị mà từ bé đến giờ tôi chưa từng được ngửi. Thấp thoáng vài lát thịt bò mỏng như không thể mỏng hơn. Những sợi bánh phở thái to nghiêng ngả quấn lấy nhau một cách hờ hững. Vài ba củ hành dọc tráo đầu đuôi nửa nổi nửa chìm…, chỉ ngần ấy thôi cũng đã đủ làm cho cái thằng tôi tứa nước bọt, tay chân lập cập với những đũa, những thìa mà  không còn đủ tỉnh táo để thấy rằng mẹ chỉ mua một bát phở cho tôi còn người thì ngồi bên cạnh nhìn tôi ăn.

Tôi cắm đầu ăn thẳng một mạch. Phở nóng làm cho mồ hôi trên trán rịn ra. Ngoài kia trời tháng Ba lành lạnh nhưng hai má tôi ửng hồng lên tự bao giờ. Sau khi húp đến giọt nước dùng cuối cùng trong bát tôi buông đũa nhìn lên, bắt gặp ánh mắt chứa chan niềm yêu thương xen lẫn hạnh phúc của mẹ. Người đã ngồi nhìn tôi ăn nãy giờ. Lấy khăn mùi xoa lau nhẹ mồ hôi trên trán tôi, đôi bàn tay gầy nổi những sợi gân xanh của mẹ một đời vất vả, nhịn nhường. Đôi bàn tay của một thời con bồng con bế…

Bát phở những một đồng.

Cây bút Kim Tinh mười đồng.

Mẹ mang về chín đồng vừa đủ mua hai cái lốp xe đạp gia công cho bố đi dạy học xa.

 
Tôi lớn lên đi khắp đó đây, từng thấy nhiều của ngon vật lạ nhưng cam đoan rằng không có gì ngon bằng bát phở mậu dịch một đồng mẹ mua cho tôi ăn ngày ấy.

(Đặng Hồng Sơn)

 

mk
IP IP Logged
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 14/Apr/2010 lúc 9:29am
 
 
 
 
Bữa tiệc đêm trong nhà vệ sinh
 
 
Chị là Oshin - người giúp việc cho một ông chủ ngoại ngũ tuần rất giàu có. Đêm xuống, xong việc, vội vàng về với đứa con trai nhỏ 5 tuổi suốt ngày ngóng đợi trong căn nhà tồi tàn.

Hôm ấy, chủ nhà có lễ lớn, mời rất nhiều bạn bè quan khách đến dự tiệc đêm. Ông chủ bảo:
- Hôm nay việc nhiều, chị có thể về muộn hơn không?
- Thưa được ạ, có điều đứa con trai nhỏ quá, ở nhà tối một mình lâu sẽ sợ hãi.
Ông chủ ân cần:
- Vậy chị hãy mang cháu đến cùng nhé.
Chị mang theo đứa con trai đến. Đi đường nói với nó rằng:
- Mẹ sẽ cho con đi dự tiệc đêm.

Thằng bé rất háo hức. Nó đâu biết là mẹ làm Oshin là như thế nào kia chứ! Vả lại, chị cũng không muốn cho trí tuệ non nớt của nó phải sớm hiểu sự khác biệt giữa người giàu kẻ nghèo. Chị âm thầm mua 2 chiếc xúc xích.

Khách khứa đến mỗi lúc mỗi đông. Ai cũng lịch sự. Ngôi nhà rộng rãi và tráng lệ... Nhiều người tham quan, đi lại, trò chuyện. Chị rất bận không thường xuyên để mắt được đến đứa con nhếch nhác của mình. Chị sợ hình ảnh nó làm hỏng buổi lễ của mọi người. Cuối cùng chị cũng tìm ra được cách: đưa nó vào ngồi trong phòng vệ sinh của chủ... đó có vẻ như là nơi yên tĩnh và không ai dùng tới trong bữa tiệc đêm nay

Đặt 2 miếng xúc xích vừa mua để vào chiếc đĩa sứ, chị cố lấy giọng vui vẻ và nói với con:
- Đây là phòng dành riêng cho con đấy, nào tiệc đêm bắt đầu!
Chị dặn con cứ ngồi yên trong đó đợi chị đón về. Thằng bé nhìn "căn phòng dành cho nó" thật sạch sẽ thơm tho, đẹp đẽ quá mức mà chưa từng được biết. Nó thích thú vô cùng, ngồi xuống sàn, bắt đầu ăn xúc xích được đặt trên bàn đá có gương, và âm ư hát...tự mừng cho mình.

Tiệc đêm bắt đầu. Người chủ nhà nhớ đến con trai chị, gặp chị đang trong bếp hỏi
Chị trả lời ấp úng:
- Không biết nó đã chạy đi đằng nào...

Ông chủ nhìn chị làm thuê như có vẻ giấu diếm khó nói. Ông lặng lẽ đi tìm...
Qua phòng vệ sinh thấy tiếng trẻ con hát vọng ra, ông mở cửa, ngây người:
-Cháu nấp ở đây làm gì? Cháu biết đây là chỗ nào không?
Thằng bé hồ hởi:
- Đây là phòng ông chủ nhà dành riêng cho cháu dự tiệc đêm, mẹ cháu bảo thế, nhưng cháu muốn có ai cùng với cháu ngồi đây cùng ăn cơ!

Ông chủ nhà thấy sống mũi cay xè, cố kìm nước mắt chảy ra, ông đã rõ tất cả, nhẹ nhàng ngồi xuống nói ấm áp:
- Con hãy đợi ta nhé.

Rồi ông quay lại bàn tiệc nói với mọi người hãy tự nhiên vui vẻ, còn ông sẽ bận tiếp một người khác đặc biệt của buổi tối hôm nay.
Ông để một chút thức ăn trên cái đĩa to, và mang xuống phòng vệ sinh.
Ông gõ cửa phòng lịch sự...
Thằng bé mở cửa...
Ông bước vào:
- Nào chúng ta cùng ăn tiệc trong căn phòng tuyệt vời này nhé.
Thằng bé vui sướng lắm. Hai người ngồi xuống sàn vừa ăn ngon lành vừa chuyện trò rả rích, lại còn cùng nhau nghêu ngao hát nữa chứ...

Mọi người cũng đã biết.
Liên tục có khách đến ân cần gõ cửa phòng vệ sinh, chào hỏi hai người rất lịch sự và chúc họ ngon miệng, thậm chí nhiều người cùng ngồi xuống sàn hát những bài hát vui của trẻ nhỏ...
Tất cả đều thật chân thành, ấm áp!

Nhiều năm tháng qua đi… Cậu bé đã rất thành đạt, trở nên giàu có, vươn lên tầng lớp thượng lưu trong xã hội. Nhưng không bao giờ quên giúp đỡ những người nghèo khó chăm chỉ. Một điều quan trọng đã hình thành trong nhân cách của anh: Ông chủ nhà năm xưa đã vô cùng nhân ái và cẩn trọng bảo vệ tình cảm và sự tự tôn của một đứa bé 5 tuổi như thế nào…

Nguyên tác: Chu Hải Lượng - TQ

Sưu tầm
 
 
 

 
mk
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 14/Apr/2010 lúc 11:23am
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 17/Apr/2010 lúc 8:34pm
 
Mời cả nhà thưởng thức "Hai Con Khỉ"  thật dễ thương !
mk
 
 
 
HAI CON KHỈ GIÀ
 
(NGUYÊN NHUNG)
 
 
 
Tâm Sự Vợ Chồng Già
Họ tự nhận là “hai con khỉ già”.
Bởi vì nụ cười của họ bây giờ cũng xệch xạc, méo mó lắm, nhất là mỗi lần cãi nhau, nhìn lại càng chẳng giống ai, cứ vênh vênh váo váo mà lại lườm lườm nguýt nguýt trông đáng ghét tệ. Nhưng mà đó là chuyện của họ, chẳng là của ai trên cõi đời này, nếu ai có trùng hợp mà nhận là vợ của mình thì cũng mặc thiên hạ.

Ðúng ra họ đã hay chí chóe từ hồi còn trẻ, y như hai con khỉ non. Lúc mới yêu nhau họ cũng hay giận hờn, nhưng những thứ giận hờn thuở đó chỉ bừng lên như lửa rơm, làm họ càng nhớ tới nhau nhiều hơn khi xa cách.

Trước khi quyết định đi tới hôn nhân, họ đã về vấn đề và xin phép cha mẹ đôi bên so tuổi như bao nhiêu cặp vợ chồng khác. Lão thầy bói đeo đôi kính đen, gật gù bấm bấm đốt tay, sau một lúc lẩm nhẩm tính toán, nghe loáng thoáng câu gì “thìn, tuất, sửu, mùi tứ hành xung, tý ngọ mẹo dậu ở với nhau không nát một chiếu”. Nhưng may quá hai người không nằm trong nhóm tuổi ấy, cuối cùng thì thầy cùng nói một câu ba phải: “Nữ mạng hỏa, nam mạng thổ, thổ sanh hỏa, tương sanh, tuy không giàu có, nhưng sống với nhau trăm năm đầu bạc”.

Thôi thế cũng được, bà già đứng dậy xuýt xoa cám ơn thầy, dẫu có khắc khẩu chút đĩnh mà cứ bạc đầu răng long cãi nhau hoài hoài thì cũng xem là hạp tuổi, không lo một đứa rửa chân về chầu Giời sớm. Mạng tích lịch hỏa chỉ là lửa sấm sét, nó gầm thét lên như chớp nhoáng là nguội ngay, còn thổ ngự sơn thì tuy không điền sản, dinh cơ, nhưng thanh cao chót vót đỉnh núi, sấm chớp không hề hấn gì. Sợ nhất là cái mạng mộc gặp hỏa, hay hỏa gặp thủy thì coi chừng hai đứa, đứa chết đứa bị thương. Xem thế cũng chưa chắc đúng, và thời ấy là thời chiến tranh, có nhiều người xem rất hạp tuổi mà vẫn gãy gánh giữa đường. Những lúc ấy, hai người đang yêu nhau lắm, dẫu có phải nhảy vào lửa để chết cho tình yêu họ vẫn chết, cho nên việc đưa nhau đi xem tuổi chỉ là để các cụ ở nhà yên chí mà thôi.
Thời gian cứ như thế vùn vụt trôi đi, mới ngày nào mà nay đã hơn ba mươi năm đầu gối tay ấp. Hôm lũ con đề nghị những ngày “hấp hôn” cho cha mẹ, ông đã nửa đùa nửa thật nói với lũ nhỏ:

“Thôi, đừng phú quí sinh lễ nghĩa, tao với mẹ mày ngày nào cũng như ngày tân hôn, cần gì tổ chức cho rậm đám. Ðứa nào thương cha mẹ, cứ cho tí tiền đi du lịch trăng mật tuổi già, chứ ăn thì đã không dám ăn, mặc đẹp cũng chả ai nhìn”.

Ðúng thế, với tuổi này ông nghỉ như vậy là thực tế, tiết kiệm được tiền cho con cái, mà lại không ngại thiên hạ xì xèo. Vợ chồng ông sống theo lối Việt Nam, hôm ngày Valentine, ông đi làm về, nghe thiên hạ ra rả chuyện tặng nhau đóa hoa Tình Yêu, lại thấy chú Mỹ đen đứng bán hoa ở ngã tư đường, ông bèn hào sảng mua tặng bà một đóa hồng nhung đỏ. Hí hửng lái xe, ông đậu xe rồi đem đóa hoa vào bếp. Thấy bà đầu bù tóc rối đang nấu cơm, ông vui vẻ đưa cho vợ, chưa kịp nói câu gì hay ho để lấy điểm với bà, thì bà đã nhăn nhó lên như khỉ:

“Làm trò khỉ gì thế, hoa với chả hóet. Sao không mua cho tôi bó rau muống xào thịt bò ăn cơm có phải ngon không?”

Ông cụt hứng, ngẫm nghĩ, rõ chán phèo cho cái con khỉ già, làm như cuộc đời chưa hề biết tới chữ “romantic” bao giờ cả. Nhưng nhìn mặt mũi vợ đỏ gay khi đứng bên bếp lửa, đang làm bữa cơm chiều cho cả nhà, ông lại nghĩ thương vợ: “Ừ phải đấy, cứ rửa cho bà ấy đống bát đĩa bẩn mà bằng trăm đóa hoa hồng phỉ gió kia.” Thế là ông xắn tay áo lên để rửa bát, nhưng bình thường đã mấy khi ông đụng đến công việc bếp núc của vợ. Ông lúng túng rồi tuộc tay làm vỡ cái ly, thế là bà tru tréo lên:

“Thôi ông cụ ơi, hễ ông mó vào đâu là đổ vỡ đến đó. Cứ để tôi, chẳng cần ông phải làm.”

Ông lắc đầu bỏ ra ngoài vườn, thôi đi tưới cây vậy. Nhác nhìn thấy mấy cây mướp đắng bà trồng hôm nay đã leo lên hết chiếc cột gỗ bên vệ rào, ông nghĩ ngay đến chuyện làm cho bà cái giàn.

Nghĩ là làm, ông hí hoáy lấy thang, rồi dùng những thanh gỗ mỏng để bắc giàn, nhưng chưa gì ông đã thấy bà đứng lù lù sau lưng. Tưởng bà khen, ai ngờ bạ lại la hoảng lên:

“Tôi lạy ông, ông chẳng làm gì cho nên thân cả. Lỡ gãy chân, nằm một chỗ là chết cái thân già này.”

Ông tự ái: “Bà cứ hay ồn ào, không ngã mà cứ nghe bà la hoảng cũng đủ giật mình ngã gãy cổ. Ðàn bà có thứ đâu ăn nói cứ toang toác lên.”

Bà đâu có toang toác, bà lo cho ông đấy chứ, nhưng hai chữ “toang tóac” làm bà ấm ách, mặt sưng lên lên trông hệt như con khỉ già. Tuy thế, ông cũng vác cái thang cất vào nhà kho, rồi vào nhà cơm, trên chiếc kệ gỗ, đã thấy hoa hồng đỏ ông mua tặng bà được cắm vào chiếc bình thuỷ tinh. Ông tủm tỉm cười, đàn bà họ nói vậy mà không phải vậy, đóa hoa hồng bây giờ đã tươi lên vì có nước.

Cũng không phải lúc nào họ cũng cãi nhau, và cũng không phải lúc nào ông với bà lại không có những giây phút êm đềm bên nhau khi lũ con đi vắng cả. Những câu chuyện họ trao đổi, nghe không ngọt ngào như hồi đôi mươi, nhưng đầy những lo lắng và băn khoăn cho nhau về sức khỏe cũng như chuyện trong nhà, ngoài phố. Ông hay nhắc bà cần phải uống thêm thuốc bổ mỗi ngày, còn bà thì lo lắng cái chân của ông dạo này đi đứng có phần thiếu ngay ngắn. Nhưng phiền nhất là mỗi lúc lái xe có bà bên cạnh lái phụ, nhắc nhở từng chi tiết khi cái kim đồng hồ nhích lên nhích xuống, bởi vì bà không lái xe mà lái tài xế. Cái này thực khổ cho ông, khi mắt phải chăm chú nhìn kính trước kính sau, miệng bà thì ong óng nhắc nhở chạy nhanh chạy chậm, khiến đầu ông cử hoảng lên suýt tông vào xe người khác. Ông quát vợ:

“Có câm cái mồm khi không? Ði với bà có ngày chết mết ngáp. ‘Pô Lít” tôi không sợ mà sợ cái miệng bà’.

Bà im một tí rồi lại lên mày:

“Ðã lái dở mà lại cứ chạy ‘len’ giữa, lỡ muốn ‘ếch xít’ thì sao?

Ông hầm hừ: “Ðường nó nằm trong đầu tôi, lái ‘len’ trong lỡ trượt bánh xe là đi vào thành xi măng, cũng giập đầu mà chết.”

Họ cứ cãi nhau lọan xạ như thế, nhất là khi ông mắt mũi kèm nhèm, không nhìn rõ bảng tên đường, định quẹo phải mà một thằng Mỹ đen đã lù lù chặn ngay bên cạnh. Thế là ‘sảy một ly đi một dặm’. Họ đã có nhiều kinh nghiệm những lần đi lộn đường như vậy, rồi loanh quanh mãi tìm không ra lối về, đi lạc vào những khu lạ hoắc, chỉ mới hoàng hôn mà nghe như đã tối om vì nỗi sự dâng ngập lòng.

Bà còn sơ nhất là tính nóng nảy của ông, khi bị một cái xe đằng sau cứ bóp còi ‘tin tin’ thúc hối, bởi ông bận nghĩ đâu đâu mà đèn xanh nhấp nháy vẫn chưa chịu chạy. Rồi khi nó vượt qua mặt ông, bèn giơ ngón tay giữa ra để chọc tức. Mỗi ngón tay là một biểu tượng của ngôn ngữ, có xấu có tốt, nhưng ở trường hợp này thì bà phải can ông đừng bắt chước kiểu trả lời thiếu văn hóa như thế, nhất là lỡ gặp phải thằng có súng, thôi thì ‘một câu nhịn chín câu lành’ vậy. Hồi ông mới qua Mỹ, chả hiểu ‘mô tê’ gì về ngôn ngữ ngón tay như vậy, lông ngông tìm đường đi thì đã thấy một cái đầu ở xe bên kia thò ra, giơ một ngón tay lên, ông còn lại mĩm cười nói ‘thank you’ người bạn Mỹ tốt bụng, về nhà cứ thắt thỏm sao nó biết mình đang đi tìm đường để chỉ.

Mỗi lần có dịp đi đâu với ông, phải lái trên ‘freeway’, xe cộ lạng lách như điên khiến ông xoay trở đến nhức đầu, mồm luôn luôn rủa ‘đồ khốn nạn’ bà lại bật cười. Hôm ấy trong lòng ông đời đầy những thằng khốn nạn, chúng nó đi đâu mà như ăn cướp, xã hội này khó mà có hòa bình khi con người cứ sùng sục lên như vậy. Nghĩ cho cùng thì chả bao giờ hết chiến tranh, từ triệu năm trước tới ngàn năm sau, con người cứ sống rồi chết, chiến tranh rồi lại hòa bình, kẻ đi vào lòng đất người lại tiếp tục sinh ra. Gọi là nhân loại còn khổ, vì lòng người cứ sùng sục lên như nồi nước sôi.

Hôm nay ông bà lại cãi nhau. Mặt bà sưng lên còn ông thì lừ lừ không nói năng. Họ đang cằn nhằn nhau, hay là chỉ có bà hay cằn nhằn mà thôi. Bà nói dai như đĩa, mà lạ thật, bà chỉ hay dai dẳng với ông chứ với người ngoài bà ngọt sớt, chiến tranh chỉ xảy ra giữa hai vợ chồng già còn khi ra ngoài bà hay đem hai chữ ‘bình an’ để tặng riêng cho thiên hạ. Thế có tức không chứ. Chuyện thì đâu có gì ghê gớm, vợ chồng thằng con trai dẫn đứa cháu nội đi đâu từ sáng sớm, chúng nó quên cả ngày kỵ của ông cố, mãi tới giờ này vẫn chưa dẫn cháu về ăn giỗ.

Ông bảo bà: “Muốn gì phải nói. Thời buổi này bận bù đầu bù cổ, chúng nó làm sao nhớ được ngày gì ngoài ngày thứ bảy với ngày chúa nhật”.

Bà chua chát: “Nhưng ít ra thấy tôi sửa soạn bàn thờ, nói xa nói gần thì cũng phải biết để cháu ở nhà đốt nhang cho ông bà chứ. Có thứ đâu lại cắp đít đi hết như vậy.

Ông chép miệng: “Ôi giào! Không có chúng nó thì tôi với bà cứ bày ra cúng rồi cùng xơi với nhau, càng ít người càng được ăn nhiều.”

Nhìn căn nhà vắng vẻ, nấu nướng bày biện xong đã mệt ngất như mà con cháu chưa đứa nào về, đâm tủi thân: “Mai mốt tôi với ông chết đi chắc chẳng có ai đốt cho nén nhang, cứ thời buổi này thì chẳng giỗ chạp làm gì cho mất công.

Ông gật gù: “Ừ, mà cũng chẳng cần phải chôn cất nữa cho chật đất. Tôi có chết cứ thiêu xong rồi đem tro đổ xuống biển, nhà thờ cho chúng nó một năm đôi lần thăm viếng. Nằm dưới ấy lại mát. Còn không thì đem lên núi, trãi ra làm phân bón cho cây cỏ, không ích lợi hơn à?

Nghe ông bình thản nói vui vẻ mà vẫn cứ ngậm ngùi. Mâm cúng đã dọn lên, mùi trầm nhang nghi ngút. Bà đốt ba nén nhang cắm vào bát nhang trên bàn thờ, miệng lâm râm khấn vái:
“Lạy các cụ, hôm nay ngày giỗ ông, mời các cụ về xơi bữa cơm với con cháu. Các cháu bất hiếu cụ bỏ lỗi cho, thời buổi này chẳng giống hồi xưa, các cụ ‘sống khỏe chết thiêng’ về phù hộ cho cả nhà an vui, khỏe mạnh, gia đạo trong ấm ngòai êm...’

Nghe bà khấn, ông vốn hay pha trò buộc miệng:

“Các cụ có phù hộ thì cứ phù hộ, còn việc hiện về xin miễn cho kẻo con cháu nó sợ.’

Ðang buồn trong bụng, thế là bà quay sang vặc lên với ông:

“Ăn nói rõ là lăng nhăng, ông đừng đùa với người khuất bóng mà mang tội, các cụ nghe được cả, đâu phải chỗ để ông đùa, bố thế hèn gì con cũng vậy. Tôi nói cho ông biết, lát nữa dẫn nhau về đây tôi cho một trận...”

Ông nhăn mặt: “Thôi xin can bà, bà chửi chúng nó các cụ cũng nghe, lần sau hoảng không
dám về ăn giỗ nữa. Ai lại mời các cụ về ăn giỗ, cầu vui cầu khỏe, mà gia chủ mặt mũi nhăn nhó như con khỉ già, tôi mà là cụ tôi cũng ‘đấm’ vào. Bà cứ để tôi dạy chúng cho, ‘ngọt mật mới chết ruồi’ chứ nhấm nhẳng chỉ làm nó ghét mình hơn”.

Bà ngang nghạnh trả miếng, bởi vì có mấy khi bà chịu thua ông.

“Không phải ngọt với ai cả, nó là con chứ không phải bố mình, nói nặng còn chẳng nghe ra, chứ nhẹ đã ăn thua gì.”

Thế là bữa cơm nấu nướng công phu đầy những món ngon bỗng lạnh ngắt vì chẳng ai muốn ăn. Ông bực mình nghĩ tới thằng con trai vô tâm không biết đến ngày giỗ ông bà mà bảo vợ ở nhà giúp mẹ chồng. Chúng nó đi đâu mà quên cả đường về, bọn trẻ bây giờ đều vô tâm thế cả, nếu cha mẹ mà không có lòng tha thứ và thông cảm, thì chắc chắn sẽ buồn giận suốt đời. Hóa cho nên hồi vợ chồng chúng nó mới lấy nhau, ông đã nghĩ đến chuyện ở riêng để ai có tự do của người đó. Nhưng riêng thì riêng, nề nếp gia đình vẫn phải giữ. Ông mặc quần áo rồi bảo vợ: “Tôi đi đằng này một chút”.

Bà đang ngồi buồn rầu nhìn mâm cơm: “Ði đâu? Cơm canh dọn sẵn rồi cũng bỏ đi, đúng là ‘bố nào con nấy’.

Ông bực mình quát: “Bà biết tôi đi đâu mà đã toang toát lên. Tôi đi tìm chúng nó về để bà chửi, chứ ăn uống thế này ngon lành gì mà ăn.

Tự nhiên giọng bà dịu xuống, ứa nước mắt: “Thôi ông ạ. Hai đứa kia đi học xa, chỉ còn chúng nó ở với mình, khó lắm chỉ sinh tội ra.

Thấy bà nói, ông bật cười, cái tính bà thì ông không lạ, chỉ chớp lên như lửa trời nhưng rồi lại tắt đi ngay, lão thầy bói chả nói thế là gì. Ông nhìn vợ pha trò: “Trông mặt bà cứ y như ‘con khỉ già’ trong sở thú.

Bà cũng nguýt yêu ông: “Ngó ông cười thì khỉ cũng đẹp hơn. Răng cỏ chưa gì đã ‘sút càng gẫy gọng’ cả ra.

Hai vợ chồng già giống như ‘hai con khỉ’ ngồi bắt chấy cho nhau. Họ cãi nhau luôn luôn để rồi vẫn thương nhau như thế đấy, ai có cười thì hở mười cái răng. Mỗi lần ông đi làm về thấy vắng bóng bà, ông bổ đi tìm, thấy bà nằm đắp chăn kín mít, vội sờ vào chân vợ thấy lạnh ngắt, ông hối hả đi lấy dầu bóp chân cho bà. Còn hễ ông đi về muộn, bà đi ra đi vào mắt không ngừng ngó cái kim đồng hồ, bụng nghĩ đến trăm thứ bất trắc trên đời. Nhưng hễ nghe tiếng xe ông đậu ở ngoài ‘garage’, bà thở phào nhẹ nhỏm, nhưng rất bực mình vì cái ‘con khỉ già’ về muộn mà không nói qua cho bà biết, lúc ấy mặt bà nặng chịch y hệt một con khỉ. Không biết ai là khỉ, nhưng họ cứ nghĩ tới nhau bằng cái tình đầy âu yếm mà chẳng cần ai phải hiểu.

Bỗng ông đứng bật dậy khi nghe tiếng máy xe nổ ngoài sân, vợ chồng thằng con đã dẫn cháu về, thằng bé lên năm mặt mũi xinh xắn, chạy ào ào vào ôm lấy ông nội nói bi bô:

“Thưa ông nội cháu mới về”

Thằng cháu nói còn đã đớt, mặt mũi nó hồng lên như hai quả đào. Ông ôm cháu và lòng âu yếm hỏi: “Cháu ông đi đâu mà lâu thế? Hôm nay giỗ cụ không về sớm mà ăn giỗ.”

Bây giờ anh con trai mới lên tiếng: “Chúng con cho cháu đi sở thú, nhớ ngày giỗ cụ muốn về sớm, nhưng cháu ông không chịu về, cứ đòi xem mãi.”

Ông vuốt tóc cháu, hôn lên đôi má phính: “Thế cháu thấy con gì trong sở thú kể cho ông nghe với.”

“Cháu xem con khỉ con bú mẹ, xem hai con khỉ già cãi nhau.”

Ông bảo cháu: “Tưởng gì, ở nhà mình cũng có hai con khỉ già cãi nhau suốt ngày.”
Bà đang đứng trong nhà nhìn ra, nghe ông nói, lườm ông một cái dài hơn cây số.

 
Nguyên Nhung
 



Chỉnh sửa lại bởi mykieu - 17/Apr/2010 lúc 8:35pm
mk
IP IP Logged
<< phần trước Trang  of 14 phần sau >>
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.195 seconds.