Người gởi |
Nội dung |
Lan Huynh
Senior Member
Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23197
|
Chủ đề: GÒ CÔNG...VỀ TẤT CẢ Gởi ngày: 22/Jan/2010 lúc 6:23pm |
Ngôi mộ bát lăng đẹp nhất miền Nam ở Gò Công |
|
Trong một dịp rong ruổi về Gò Công, chúng tôi thấy được những cụm mộ đá tuyệt mỹ, trúc cách thật đa dạng với vô số những bức chạm trổ công phu. Đặc biệt là ngôi mộ bát giác trong vườn chùa Long Thiền (nay thuộc ấp Hoà Bình, xã Bình Nghị, Gò Công Đông, Tiền Giang). Đối với chúng tôi, đó là lần đầu tiên mồ mả trở thành một trong những thứ phải để tâm như những thành tựu kiến trúc – mỹ thuật
|
Toàn cảnh ngôi mộ đá bát lăng |
Từ đó, chúng tôi tìm hiểu làng đục đá Bửu Long (Biên Hoà), Núi Sập (Long Xuyên) và rồi theo lời chỉ dẫn của các lão nghệ nhân đi đây đó tìm hiểu. Tất thảy không có một ngôi mộ đá nào tạo nên ấn tượng về quy mô lẫn trình độ mỹ thuật như ngôi mộ trong vườn chùa Long Thiền nói trên.
1. Theo thầy Nhật Tánh, viện chủ tổ đình Long Thiền, thì chùa khai sơn tạo tự hồi thế kỷ thứ 19 trên cuộc đất do bà Trần Thị Sanh hiến cúng. Bà Sanh là con thứ sáu của một gia vọng tộc ở Gò Công. Bà được đời sau ca ngợi không chỉ ở việc giàu có mà vì bà là vợ thứ của Bình Tây nguyên soái Trương Công Định.
Tháng 8.1964, Trương Định hy sinh, bà tìm cách lãnh xác chồng về an táng lập mộ dựng bia khắc dòng chữ “Đại Nam, lãnh Anh – Hà lãnh binh, kiêm Bình Tây đại tướng quân, Trương Công huý Định chi mộ”, tổ chức tang lễ long trọng trước mắt kẻ thù. Bấy giờ mà làm được như vậy, bà quả là một phụ nữ bản lĩnh... Về sau, do đám tay sai chỉ chọt, thực dân Pháp đục xoá chữ trên bia lỗ chỗ, riêng bốn chữ “Trương Công huý Định” bị băm nát không còn dấu vết. Mãi đến năm 1930, mới dựng lại bia mới. Theo lời tục truyền chính bà Dương Thị Hương, con gái riêng của bà Sanh, tức nghĩa nữ của Trương Định, đứng ra làm việc này.
2. Theo lời thuật lại của thầy Nhật Tánh, bà Dương Thị Hương, theo nếp nhà của mẹ, là một phật tử thuần thành và lại là một đại thí chủ. Bà quy y với hoà thượng Hải Hội – Chánh Niệm, thường gọi là hoà thượng Long Hoà (Bà Rịa), được ban pháp danh Thanh Đăng và mặt khác, do chùa Long Thiền có quan hệ thân thiết với gia đình nên bà xin lập mộ ở vườn chùa khi còn tại thế. Đó là nguyên do, ngôi mộ toạ lạc tại vị trí này.
Những dòng chữ khắc trên mộ biểu – cột trụ trung tâm của ngôi mộ cho chúng ta biết chủ nhân của nó đúng là bà Dương Thị Hương (pháp danh Thanh Đăng, tự Diệu Quang), thọ 90 tuổi. Bà sinh năm 1844 (Giáp Thìn niên, thất nguyệt, thập lục nhật kiết thời sanh) và mãn phần vào năm 1933 (Quý Dậu niên, thập nguyệt, thập bát nhật, tý thời khứ). Các thông tin này cho chúng ta biết ngôi mộ – tháp là sản phẩm được tạo tác vào những năm đầu thế kỷ, trước năm 1933.
Tất cả các “nhân duyên” đó có thể thấy trong bài minh chữ Hán khắc trên tấm bia có công năng như bức bình phong đặt trên nền đàn của ngôi mộ tháp.
3. Đúng như miêu tả một cách đại thể trong bài minh này, ngôi mộ tháp có hình bát giác, phần “tháp” gồm năm bậc (Bát lăng biểu lý, Ngũ cấp nga nguy). Nói là vậy, song cũng cần lưu ý đôi điều về kiểu thức kiến trúc của ngôi mộ này.
Tháp của nhà Phật có nhiều loại, song về cơ bản là một kiến trúc gồm: lan can, nền đàn, thân tháp, bát úp, bình đầu, luân cái (còn gọi là bàn cái, thừa lộ bàn: hình giống như chiếc mâm tròn, nhiều lớp chồng lên nhau trên “bình đầu”, ở giữa có cây trụ xuyên qua, trên đầu có lọng) và bình báu. Mỗi loại tháp có công năng khác nhau, riêng về mộ tháp, có quy định cho hạnh không xuất gia – gọi là “phàm phu hiền thiện” – thì xây đầu bằng và không được dùng luân cái (khác với tháp chứa chân thân hay khôi thân của chư tăng). Điều này giải thích hình dạng và kiểu thức đặc biệt của ngôi mộ tháp này. Nói cách khác, kiểu dáng kiến trúc này là một thể kết hợp giữa mộ và tháp hầu tạo nên một trúc cách viên dung những quy thức giữa tháp và mộ, hình thức mà chúng tôi tạm gọi là mộ tháp.
Phần mộ, một mặt vừa mô phỏng hình bát úp của tháp vừa còn bảo lưu mặt bằng vuông vuông của hình dáng gò mộ phổ biến. Đó là một “gò” cao được xây bằng các phiến đá da quy, từ mặt đất lên đến nền đàn có đến 10 bậc cấp. Nền đàn được bao quanh bằng bao lơn bát giác (kín bảy cạnh chừa một cạnh làm cổng), kế đó là dãy bích tường, cũng bát giác và chính giữa là “tháp” bát giác năm bậc, bình đầu và tại trung tâm bình đầu đặt mộ biểu: đế là “năm luân cái”, thân trụ lục giác, đầu cột theo thức phối trí (composite order) và đỉnh cột là búp sen truyền thống. Trong cấu trúc trung tâm này, phần gọi là “tháp”, cũng có thể coi như một đài bệ năm bậc của trụ mộ biểu hình sen. Tính chất “lưỡng khả” này đã hoá giải được sự câu thúc của các quy định về tháp mộ và như vậy là đạt được sự lưỡng toàn giữa “lý” và “biểu”, tức tạo nên một hợp thể mộ tháp – kiểu thức mà dân chúng địa phương gọi nôm na là “mộ tán dù”.
Về mặt điêu khắc, công trình này lại là một tập thành khá đầy đủ các kỹ pháp tạo hình, từ hình khối ba chiều như mộ biểu/trụ sen, dĩa quả tử (mãng cầu, khế, măng cụt, phật thủ...) đặt trên đỉnh trụ tráp ở các góc bát giác của vòng tường bích đến các mảng phù điêu, các bức văn tự chạm chìm... Đặc điểm dễ nhận ra ở đây là các đồ án chạm khắc đậm tính trang trí, chú trọng đến tính đăng đối trong việc bố cục các mảng trang trí của toàn thể cấu trúc cũng như trong từng cấu kiện riêng biệt. Điều đó đã tạo nên thể dạng chân phương và bình chỉnh của công trình. Mặt khác, việc bố trí xen kẽ các mảng phù điêu và bức văn tự lại tạo nên vẻ thoáng đãng và thanh thoát, không lậm vào sự cầu kỳ.
Nếu đầu cột mộ biểu theo thức phối trí chỉ ra ảnh hưởng của kiểu thức phương Tây hay các dĩa quả tử, gồm các loại trái cây thổ sản thì ngược lại các phù điêu lại tuân thủ các đề tài truyền thống: dây lá hoá rồng, cổ đồ bát bửu (ống tiêu, bầu trói, phát trần, bảo bình, quạt vả...), đề tài cảnh – vật cặp đôi (trúc – tước, hoa – điểu, tùng – hạc, tùng – lộc, liên – áp...). Các phù điêu đề tài cảnh vật cặp đôi đa phần đều tuân thủ khuôn mẫu “một cây – một con” truyền thống, song cũng thấy một số bức phá cách bằng cách tích hợp các chi tiết phụ, khiến cho chúng nghiêng về tranh phong cảnh.
Nói chung, theo quan niệm “sống cái nhà, già cái mồ”, truyền thống xứ ta luôn coi trọng phần “âm trạch” ngang với “dương cơ”. Mồ yên mả đẹp là mong muốn chung của mọi người và luôn được con cháu lưu tâm thực hiện khi điều kiện vật chất cho phép. Chính vì vậy, trong lịch sử không ít các ngôi mộ, lăng mộ là những công trình kiến trúc – mỹ thuật. Đặc biệt, đây là ngôi âm trạch của một phụ nữ xứng đáng là nghĩa nữ của Phấn dũng tướng quân Bình Tây đại nguyên soái nên ngoài giá trị nghệ thuật còn hàm chứa những ý nghĩa lịch sử đáng trân trọng.
Huỳnh Ngọc Trảng – Nguyễn Đại Phúc http://www.sgtt.com.vn/detail35.aspx?newsid=47263&fld=HTMG/2009/0222/47263 | |
Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 31/Jan/2010 lúc 11:53pm
|
|
IP Logged |
|
Lan Huynh
Senior Member
Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23197
|
Gởi ngày: 25/Jan/2010 lúc 9:42am |
|
Bà Mụ trời .
Từ buổi ban đầu của công cuộc sáng thế,Thượng Đế đã tạo dựng nên người nữ với thiên chức làm mẹ. Người ta thường nói:
Có vàng đeo lấy mà phô, Có con nó nói trầm trồ cho nghe.
Bởi vì người đàn bà có chồng mà son sẻ ví như hoa mà hoa nở trên non:
Có chồng mà nỏ có con , Như hoa nó nở trên non một mình.
Bởi vì: Con cái là hậu tự, là hạnh phúc trời ban cho cả gia đình. Nhưng những đau đớn trong giờ khai hoa nở nhuỵ thì không ai gánh thay cho được. Có chăng là bàn tay nhân ái và giọng nói dịu êm của bà mụ sẽ vỗ về, an ủi sản phụ phần nào. Trong hoàn cảnh bình thường, việc sinh con của người phụ nữ cũng đã là vất vả khôn lường. Nếu không, tại sao có câu:
Đàn ông đi biển có đôi, Đàn bà đi biển mồ côi một mình.
Công việc đi biển vốn nhọc nhằn và nguy hiểm.Vì giữa trời nước bao la, làm sao mà biết trước được những lần mưa gió, bão bùng. Thời đó, hải bàn và phong vũ biểu chưa được xử dụng cách phổ thông. Ông cha ta chỉ ngắm trời mây để dự đoán thời tiết thôi. Khi thì:
Ráng vàng trời gió, ráng đỏ trời mưa. Ráng cao gió táp, ráng rạp mưa rào.
Hay là:
Tháng bảy heo may, Chuồn chuồn bay thì bão.
Hoặc:
Chuồn bay thấp thì mưa, Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm. Nhiều nhiều nữa... Song thai phụ nào cũng ít nhiều biết được bước đường trở thành người mẹ của mình.
Thượng Đế tạo nên người đàn bà vô cùng dịu dàng, đôi khi yếu đuối trong tình cảm.Nhưng sức chịu đựng với thời gian có lúc thật phi thường. Thời kỳ 1945-1954 là thời kỳ dân Gò Công chịu chung số phận với cả nước về thảm hoạ chiến tranh. Giai đoạn đất nước trong thời chiến tranh Việt Pháp. Vùng quê của Gò Công đâu có bảo sanh viện hay nhà hộ sinh ở nông thôn.Thai phụ chuyển dạ thì đi mời mụ vườn. Từ vùng Gia Thuận - Tân Phước đến Giồng Nâu - Tăng Hoà. Ai ai cũng nghe, cũng nói về một bà mụ đỡ đẻ giỏi, đã từng cứu mạng nhiều sản phụ qua cơn sinh khó. Mà người dân Gò Công âu yếm gọi là Bà Mụ Trời. Ý nói bà do trời sai đến hay bà giỏi nhờ quyền phép Ông Trời ban cho. Hiểu sao cũng được! Tháng tháng, ngày ngày , bà bận rộn với công việc làm ăn, làm phước của mình.Bà đi từ Tân Niên Tây đến Cầu Sơn Qui. Đi từ Rạch Già - Tân Phước đến Vịnh Đôi Ma - Vàm Láng. Từ Bình Ân đến Tân Bình Điền rồi Tăng Hoà. Đâu đâu cũng thấy in dấu chân bà trên vùng đất quê nghèo và trong trái tim của những người làm chồng, làm vợ. ***
Vào một đêm khuya. Trăng hạ tuần nhàn nhạt. Bà ra sân phía hiên ngoài ngồi tiểu tiện. Thật lâu không thấy trở vào nhà nữa. Nhiều tiếng đồng hồ trôi qua.Nửa đêm. Rồi rạng sáng. Cả nhà ai cũng lo âu.Nỗi sợ hãi bắt đầu tăng dần. Tiếng mõ nổi lên. Đèn, đuốc sáng rực. Người ta đã tìm thấy nhiều dấu chân lạ của loài động vật trên nền cát của sân ngoài. Bỗng có tiếng của bậc trưởng thượng la lên: - Dấu chân cọp! Bà con ơi dấu chân cọp! Đoàn đông người tìm mãi vẫn không có dấu hiệu gì để có thể nghi ngờ Bà Mụ Trời bị cọp xé xác cả. Hôm sau, nhiều làng bên ai cũng vì thương mến bà đổ xô đi tìm kiếm. Bà vẫn bặt tin.. . Năm ngày năm đêm sau. Bà Mụ Trời trở về khi bình minh vừa ló dạng. Giữa lúc mọi người đã nản lòng, mệt mỏi. Tựa giấc mơ! Không ai dám hỏi một lời. Vì bà nói: - Tôi cần ngủ. Rồi bà nằm yên. Đi vào giấc ngủ miên man. Bà thức giấc lúc trời đã về chiều.Nhà nhiều người, đông đúc như hội chợ.Nhưng lạ một điều: Không khí thật lặng im, có thể nghe được tiếng muỗi vo ve.
Bà kể rằng: Tối hôm đó, bà bị cọp vồ rồi hất bà lên lưng, phóng mạnh vào tận rừng già. Tại đó, một con cọp cái đang chuyển dạ. Theo kinh nghiệm, bà biết là có trở ngại. Thế rồi, phải mất 2 ngày đêm cọp con mới chào đời.Bà còn kể trong những năm tháng làm mụ của bà, đây là lần thứ nhứt bà đỡ cho con vật. Mà sau đó con cọp đực đã phủ phục dưới chân bà , liếm tay bà và mang trả bà về ngôi nhà cũ.
Không ai bảo ai, người người đều tạ ơn đất trời vì nơi đây có một con người sống có ích cho con người và cho con vật nữa! Tưởng chừng câu chuyện qua đi. Khoảng chừng một tháng sau. Cũng vào đêm tối. Người nhà bà Mụ Trời ghe tiếng "bịch" thật lớn ở ngoài sân. Phải đợi cho yên ắng một lúc mọi người mới dám hé cửa ra nhìn. Ô kìa! Một con heo rừng nằm đó.
Đã nhiều chục năm trôi qua. Bà Ngoại tôi đã mất từ năm 1967. Mẹ tôi giờ đã 91 tuổi.Bị lẫn.Tôi không thể hỏi gì thêm về Bà Mụ Trời. Có thể tôi đã quên đi nhiều điều mà tôi từng nghe bà tôi kể. Nhưng chắc chắn một điều. Bà Mụ Trời rất được nhiều người biết ơn và thương mến. Ngày Xuân Canh Dần tôi muốn nhắc về Bà Mụ Trời mà cũng để nhắc về con cọp có nghĩa tại vùng đất Gò Công. Một vùng đất với nước mặn đồng chua nhưng mỗi con người luôn nồng nàn tình nghĩa.
Hoàng Yến.
|
Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 31/Jan/2010 lúc 11:53pm
|
IP Logged |
|
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
|
Gởi ngày: 26/Jan/2010 lúc 6:38pm |
BÀ VỢ THỨ Hằng năm gần Tết, nếu có dịp về quê tảo mộ ông bà bên ngoại, Chi cũng không quên đến chúc Tết sớm trước bà mợ vì đó là người còn sống thọ lâu trong gia đình. Đặc biệt hơn, mợ là người vợ thứ của cậu Chi. Thời phong kiến các ông có vợ chánh thất rồi mà còn có quyền thêm hầu thêm thiếp, vợ một vợ hai . Dù chính thức hợp pháp hay không, thông thường họ không được chấp nhận ngang hàng với các bà cả dù có đám cưới sau khi bà cả không còn nữa. Người đời gọi họ vợ thứ, vợ kế, thứ thất, vợ bé, bà sau, dì hai, má ghẻ, thường ít được cảm tình kính trọng mà có vẻ bị chê bai khinh thường. Các người con dòng lớn cũng không quên câu: “Mấy đời bánh đúc có xương, Mấy đời mẹ ghẻ có thương con chồng.”
Thật ra so sánh với lối sống càng ngày càng phóng khoáng tự do theo trào lưu tiến bộ nhanh đến chóng mặt, phải công nhận thân phận phụ nữ Việt ta thời trước có nhiều ràng buộc cứng rắn quá. Khung son tứ đức lồng nổi bật đóa hoa tam tòng khép kín đời của các bà âm thầm trong bốn bức tường gia đình như những cung vàng điện ngọc giam giữ phi tần cung nữ suốt đến cuộc đời.
Nghĩ cũng lạ, nói chung các ông thương yêu kính quí mẹ mình nhưng lại thường quên quan tâm lưu ý đến bà mẹ của con mình. Vậy trong tình phu phụ, chữ ‘phụ’ nầy vừa có nghĩa là vợ mà vừa còn là giúp, phụ tá mà thôi chứ không phải nam nữ bình quyền. Các ông được xã hội xưa cho cái đặc quyền đa thê, không phải chỉ tái giá ‘tục huyền’ sau khi vợ chết mà có khi bà nhà còn sống sờ sờ các ông mặc nhiên vẫn có quyền ‘ tìm của lạ ‘. Câu ‘Trâu tìm cột chứ cột đâu có tìm trâu’ còn chứng tỏ rằng giữa hai phái các ông luôn giữ thế chủ động, vậy mà phái yếu vẫn bị lên án phê phán khắt khe không khoan nhượng vì câu “luật bất thành văn” nầy
“Trai năm thê bảy thiếp, Gái chính chuyên một lòng”
Hơn thế nữa, đáng thương trường hợp người con gái nhẹ dạ bị gạt lầm lỡ một lần cũng bị lên án gắt gao, còn tội ngoại tình thì bị xử nặng nề không dung tha. Câu ‘ông ăn chã bà ăn nem’ vế đầu hợp lý cho phái nam chứ còn vế sau thì phải đổi lại ‘bà nhịn chờ’, cho dù có đói meo cũng cố mà dằn lòng, không được phép tùy tiện lên cơn ăn lén. Ngay cả trong Thánh kinh của đạo Ki tô cũng có chuyện’ người phụ nữ ngoại tình’ bị bắt quả tang. Theo luật Mô sê bấy giờ, phải bị ném đá cho đến chết, còn ở xứ ta không bị bêu đầu mà chỉ bị cạo đầu bôi vôi không phải để đi tu ‘cầu đạo’ đâu.
Nghịch lý nhất là các ông đã đề cao tấm trinh tiết của người thiếu nữ lên hàng đầu, thế mà chính các ông cũng là thủ phạm tàn nhẫn hái hoa bẻ nhụy không tiếc thương.Ngay các bà góa cũng khó thể ‘bước thêm bước nữa’ vì tiếng tăm gương tốt ‘’ tiết phụ khả phong ‘’. Vẫn biết “Một vợ thì nằm giường Lèo, Hai vợ thì nằm chèo queo, Ba vợ thì xuống chuồng heo mà nằm “.
Nhiều ông cũng chẳng để ý chi. Tục ngữ có câu :’’Chết trẻ còn hơn lấy lẽ’’ Nữ sĩ Hồ Xuân Hương cũng đã thông cảm hoàn cảnh và duyên phận hẩm hiu lẽ mọn : ‘Chém cha cái kiếp lấy chồng chung,… Thà trước thôi đành ở vậy xong.’
Riêng về các bà vợ hầu thiếp ái thê mẹ ghẻ, sách sử cũng đã đề cập từ ngàn xưa và nước nào cũng có và ít khi được châm chế trong việc luận phê. Không phải chỉ có vua chúa với tam cung lục viện trong hoàng cung, mà quan lớn nhỏ đại gia trọc phú cho đến dân thường đều được thừa hưởng ân huệ đó do luật pháp chế độ phụ hệ phong kiến từ ngày xửa ngày xưa.
Pháp chẳng hạn có chuyện Blanche Neige et les sept Nains Bạch Tuyết với bảy Chú Lùn hay Cendrillon Nàng Lọ Lem trong đó bà mẹ ghẻ nào cũng độc ác. Một bà không con ganh tị cuống cuồng với sắc đẹp con chồng, luôn luôn phập phồng lo sợ mình không phải là người đẹp nhất trên đời. Quân sư cố vấn của bà là một chiếc gương thần tố cáo tên địch thủ nào vượt bà đoạt tước hiệu hoa hậu trên. Thế là từ lòng ganh tị sang thù hận dễ dàng rồi âm mưu bàn kế làm khổ nạn nhân cho thoả lòng tự ái, thế cậy quyền:
“Xưa nay hãm hại người ta đã đầy” (Nhị độ Mai)
Bà trong truyện thứ hai cho ta thấy bộ mặt khác của tính ganh tị mà con người căn bản ai cũng có. Tính nầy giống như con rắn mê hoặc Ê-và ăn trái táo cấm để rồi Nàng dụ dỗ A-dong ăn luôn, nhưng ông tổ loài người chỉ nuốt nửa chừng nên có truyền thuyết về cục xương ở cổ chỉ thấy rõ ở đàn ông mà người Pháp gọi là Pomme d’Adam. Có con càng nên trở thành ích kỷ hơn, bà mẹ ghẻ dành giựt hết mọi quyền lợi cho con riêng, đày ải làm điêu đứng đứa con mồ côi mẹ xấu số bạc phận không tiếc thương. Các truyện nầy không khác mấy truyện Việt nam Tấm Cám và thầy Mẫn tử, vai đào độc nầy ngay trên sân khấu, phim, tuồng cũng bị khán giả ghét cay ghét đắng. Dù sao đáng thương nhất vẫn là những bà thứ không con, từng phục vụ chồng, gia đình chồng cho đến ngày ông mất đi, tuổi đời đã lớn, không có tài sản riêng, không còn ai trọng vọng cầm giữ nữa, các bà thường trở về ở với bà con của mình trong lúc xế chiều nầy. Đúng là « Cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm,
Cầm bằng làm mướn, mướn không công. » (Hồ xuân Hương)
Phận người vợ sau đã khổ rồi huống hồ trong trường hợp người vợ còn sống mà ông còn tằng tịu với một hoặc vài bà nhỏ khác, và khó xử nhất người đến sau lại là em hay chị ruột của vợ mình.
Ở các nước Tây phương, chuyện tái giá, tái hôn, tục huyền, ly dị xảy ra không làm ai ngạc nhiên hết, không còn sống hạnh phúc với nhau được thì đường ai nấy đi, không thù hận ? Cuộc chia tay tốn kém nhiều bút mực thuộc về những người nổi tiếng, minh tinh màn bạc như Liz Taylor, Brad Pitt, Madonna hay như cuộc tình tay ba của hoàng tử Anh Charles ngay khi công nương Diana còn sống, cũng là đề tài gây sốc một thời. Người dân Anh thương tiếc Diana nhưng cũng dễ dãi chấp nhận sự có mặt của bà tình địch của Diana.
Chuyện lộn xộn xôn xao của tổng thống Mỹ Clinton ngay ở tòa Bạch Ốc cũng chỉ củng cố địa vị của ông hơn.Thời sự nóng bỏng năm 2009 là bà vợ của Thủ tướng Ý Berlusconi hăm dọa ly dị chồng léng phéng với các cô người mẫu. Rồi ông cũng vẫn được bầu làm thủ tướng như thường và ông còn tuyên bố rành mạch vui vẻ :’ Tôi cũng chỉ là một người đàn ông’. Cố Tổng thống Pháp Mitterand, hồi còn sinh thời và còn tại chức, có con gái với bà thứ hai trước mặt thế giới thế mà vợ con bà lớn, báo chí trong nước có rầm rộ tố cáo gì đâu.
Như thế, ngay cả xã hội phụ hệ văn minh ngày nay như vô tình mặc nhiên bao che các ông hơn. Người ta tha thứ dễ dàng hơn chuyện ngoại tình của phái nam hơn phái nữ như chấp nhận ‘phu xướng phụ tùy’ chứ ‘chồng quì vợ dọi’ hay’ gà mái đá gà cồ’ là không hợp lý, bị người đời dèm pha chẳng tha. Tuy nhiên, thật ra không phải bà vợ lẽ nào cũng tệ, như trường hợp bà mẹ kế của thầy Mẫn tử đã biết cải hối phục thiện.
Trường hợp mợ sau của Chi là trường hợp điển hình khác nữa. Mợ Xanh là một bà góa có gia sản bên chồng để lại. Mợ cũng không tái giá nuôi con đến gần mười năm cho đến khi tình hình căng thẳng ở nông thôn. Pháp đi ruồng bố ráp luôn và phong trào chống Pháp đang tập trung lực lượng và tìm nơi họat động ở các xả ấp xa. Đàn bà góa thời bấy giờ giỏi dang có chút tài chút sắc, thật khó sống yên một mình nuôi con giữa hai gọng kềm và vây quanh bởi bao thành kiến phiền toái bực mình xuyên tạc. Ngay phần đông các bà cũng không thích chồng mình giúp đỡ người neo đơn đặc biệt nầy vì biết đâu ‘lửa gần rơm lâu ngày cũng bén’. Còn các ông, bản tính thường đã là phóng khoáng quảng đại, vì thế nếu ông nầy tỏ ra hào hoa nghĩa hiệp, ông khác cũng tự cho quyền cứ ỡm ờ thả rong xe dê tìm lá so đũa, đâu mất mát gì. Mà đến từng tuổi nầy tất nhiên các ông thường đã có gia đình hoặc suôi gia con cháu đùm đề rồi, ít còn người cu ky độc thân đâu.
Vẫn biết khó có thể ở góa mãi vì tuổi đời chưa bốn mươi, mợ Xanh còn được tiếng tốt chịu khó đảm đang tốt bụng, ở vùng xôi đậu tranh sáng tranh tối, ban ngày lo sợ bị lính lê dương Pháp ruồng bố, tránh đạn súng cối mortier, bom lửa napalm dội xuống các vùng bị tình nghi. Ban đêm là lãnh vực của du kích, đào hầm cho cán bộ nằm vùng, tích trữ lương thực, làm giao liên, tuyên truyền, chiêu mộ người hoạt động. Sau nầy chính nhà mợ cũng bị bom ra tro, cậu con trai duy nhất của mợ thoát chết trong đường tơ kẽ tóc bên cạnh thằng bạn chết cháy co quắp đen như than. Thời bấy giờ miền Nam còn là thuộc địa Pháp nên có phong trào ngấm ngầm hoạt động chống xâm lăng đô hộ. Không phải chỉ có các sĩ phu trí thức giàu sang mới chủ xướng việc đối đầu với kẻ thù, chính giới nông dân mới thuộc thành phần âm thầm hy sinh nhiều nhất. Mợ tự vừa làm ruộng trồng vườn vừa buôn gánh bán bưng, bán cháo lòng ở chợ. Ngày nào như ngày nào tờ mờ sáng gà gáy mợ đã quảy gánh nặng trĩu vội vã ra đi để cho kịp buổi chợ làng nhóm thường rất sớm.
Ngày ngày đòn gánh tre oằn vai nhịp nhàng theo bước vội trên bờ con, chân bám mặt đường trơn trợt sau hay dưới cơn mưa gió mùa, mỗi bên chiếc thúng lồng trong đôi gióng với dụng cụ cần thiết. Trong chiếc gióng trước một nồi cháo ầm ĩ cho nhừ đặt trên bếp than lửa riu riu, bên trên tràng đựng thịt, lòng heo, chiếc gióng sau gồm chậu nước rửa, tràng tộ muỗng đũa, rổ rau, nước chấm gia vị, tất cả đều được sắp xếp gọn gàng bắt mắt phát thèm.
Còn nói chi đến việc trồng trọt, mợ Xanh có bàn tay ‘xanh’ như tên như mợ, theo cách ngày nay nói về môi sinh. Những liếp rau cải cần bẹ to xanh mướt, đám mía xào xạt với lóng dài to vàng óng, những cây bắp nếp thẳng tấp trổ cờ cao ngọn báo cho biêt năm đó trúng mùa và nhất là đám chuối sứ thế nào trong đó cũng có vài bụi chuối hột vì dân ta thích dùng lá, hoa chuối hột hơn của các loại chuối khác.
Cây chuối, cây tre là hình ảnh nổi bật nhất ở đồng quê, cần thiết nữa nên hầu như nhà nào cũng có. Dân ta dùng cả cây từ ngọn đến rễ không chừa bỏ phần nào. Ngày nay với kỷ thuật mới, quan niệm tiến bộ về mỹ thuật, cộng với óc sáng tạo phong phú linh động, nghệ nhân ta đã chế tạo từ tre ra dụng cụ thông thường càng ngày càng hoàn thiện hơn, không những có ích mà còn bền bĩ đẹp chứ không ‘tốt mã rã đám’ đâu. Hơn thế nữa, với tài khéo léo truyền thống gia truyền và óc tưởng tượng cầu tiến dồi dào, nhiều ngành mới liên quan biến thành sản phẩm tre trúc thành tác phẩm nghệ thuật độc đáo tuyệt vời. Nhìn những bức tranh phiến tre họa khắc khảm xa cừ hay tô điểm bằng những hình vẽ hoa văn quen thuộc truyền thống hay thư pháp đổi mới tân tiến, những bức họa đồng quê sơn thủy, chân dung cả người lẫn thú, người với bộ râu tre khô quắc thước, đầu rồng, bờm sư tử nổi bật linh hoạt sống động, ta cảm thấy tre sao mả gần gũi với cuộc sống dân mình làm sao.
Còn cây chuối cũng thật là đa dụng. Nhân ngày giỗ, lễ, bàn thờ được trang trí bằng một bình hoa với cây chuối non vươn sức sống mới lá xanh giữa nhửng cành nở ngài hồng tím, hoa huệ trắng, bông ngãi, bông điệp ta đỏ vàng xung quanh cũng thật độc đáo. Nếu có dịp thình lình về vùng quê miền Nam, bạn thường sẽ được đãi bằng thực phẩm cây nhà lá vườn liên quan phần lớn do hai cây đặc biệt ấy. Thân chuối non hay hoa chuối người ta xắt mỏng trộn thành món rau ghém hay gỏi làm mồi để nhậu hay món rau sống ăn kèm với mắm kho, lẩu mắm. Canh chua bằng bắp chuối hột, dai dai dòn dòn và trắng hơn hoa chuối khác, cùng lá me non với tôm đất hay cá chốt vừa vớt lên đổ ra còn nhảy soi sói, chấm muối ớt sừng trâu đỏ au, nhớ chỉ thôi đã thấy phát thèm chảy nước mắt. Cá lóc mang còn đỏ hồng, nếu gặp dịp tát ao, quấn rơm dùng thanh tre xỏ lụi xuyên qua từ đầu tới đuôi được nướng trên lữa rơm ngào ngạt thơm.
Ngoài chuồng gà vịt gần những cây me cây táo, ổi, còn có chuồng cặp ngỗng cổ dài như ống nước cao su giữ nhà rất giỏi kêu ó lên inh ỏi khi có người lạ đến nhà. Thích ơi là thích lượm nhặt được trứng ngỗng to hơn trứng gà và cả trứng vịt Xiêm, nhưng sợ hết hồn hết vía lúc bị cái bầy ngỗng rượt cắn mổ, cái cần cổ dài dai dẻo mà chắc cứng nghiêng nghiêng, cà sát trên mặt đất di động cất cao hạ xuống trong tư thế của con rắn hổ mang giáp trận, vừa chạy đến xáp lá cà vừa la éc éc oác oác chói tai xốc óc, cái mỏ bèm bẹp của nó thật cứng chui luồn cạp cắn đau bầm mình dễ sợ.
Cho đến một hôm, mợ Xanh không đi bán được. Số là như thường lệ, sáng sớm mợ đều quảy gánh cháo đi bán, trời còn tối nên mợ mang theo cây đèn lồng hay cây đèn chai, năm nầy qua năm khác. Thế mà, sáng hôm sau, có người phát hiện mợ Xanh đang nằm ngủ khì bên gánh cháo còn nóng hổi gần khét trên đường mòn ra chợ. Kêu mợ tỉnh dậy, mợ chẳng nhớ gì cả mà không hiểu tại sao mợ lại nằm đây không xa nhà bao nhiêu. Người ở đây thường bảo là ma dẫn đi. Có người khác còn bị nhét vào miệng cỏ khô, bùn đất, đó là chuyện ma người lớn thường kể có thể để hù các em trẻ phá phách nghịch ngợm không chịu đi ngủ sớm, ham đi chơi ngông về khuya. Bác sĩ cho rằng vì mợ làm việc quá độ nên may mà chỉ bị thiếp đi nếu không, hậu quả còn nghiêm trọng hơn. Thế là sau cơn đột biến ấy, mợ quyết định bước lên bước nữa.
Vả lại tình thế lúc bây giờ cũng căng quá. Bố ráp của Pháp, nhà ở quê tất phải đào hầm để tránh bom đạn mọt chê, đại bác nả vào ban đêm để ngăn du kích hoạt động hoặc yểm trợ lực lượng hành quân. Ban ngày sợ giặc, ban đêm tiếp tế trợ giúp thành phần kháng chiến chống Pháp. Trong những người hoạt động phải trốn tránh đó nay ở vùng nầy mai di qua vùng khác, nhà nầy thường xuyên hơn người khác, mợ thấy mình không thể nào tiếp tục sống góa mãi được nên đã chọn cậu Tư cậu của Chi.
Cậu Tư con nhà có học, có gia đình con cái, nhà làm ruộng lớn, hoạt động theo cao trào bấy giờ yêu nước chống ngoại xâm, nên cũng thường trốn tránh ở nhà mợ. Có thể hình ảnh của một người anh hùng hay cảm về tài ứng biến hay vì sắc vóc của cậu, có thể là tất cả lý do đó biến mợ thành bà vợ thứ tình nguyện.
Cũng may mà mợ lớn của Chi là người đức hạnh, tốt bụng, có tầm nhìn phóng khoáng, hiểu biết rộng, thông cảm hoàn cảnh số phận đàn bà thời bấy giờ nên đã chấp nhận lời xin đến tạ lỗi thú tội của mợ sau. Từ đó hai bà, nhà ai nấy ở, sống rất hòa thuận nhau. Khi nhà của mợ Xanh bị Pháp đốt cháy tiêu tan, chính mợ lớn đã đem các con của mợ sau về ở chung cho tiếp tục đi học, trong khi mợ Xanh trở về làng mình dựng chòi bám đất. Cậu của Chi rất may mắn không phải bị đau đầu khó xử vì một cảnh hai quê nầy cho đến ngày qua đời. Còn thêm điểm đáng khen là khi mợ Xanh già yếu trên chín mươi tuổi, mợ vẫn còn chứng kiến được anh chị em hai dòng lớn nhỏ vẫn luôn trên thuận dưới hoà. Cho đến ngày lâm chung, chính người con trai cả đã đứng ra làm chủ tế đám tang ‘ dì ‘cùng với các em cùng cha một cách chân thành cảm quí.
Chuyện các ông có phòng nhì phòng ba là chuyện thường có lúc bấy giờ. Chi còn biết, ba của bạn Chi là một thương gia Việt gốc Hoa, có đến ba bà mà mỗi bà ở một nơi khác nhau, mỗi bà được chu cấp một cái tiệm hàng xén chạp phô để tự lực cánh sinh nuôi con cái và phục vụ ông chồng chung. ‘Chén dĩa trong sóng còn khua ‘huống hồ gia đình chia bảy chia ba. Thế mà thời bấy giờ chuyện đánh ghen ít có xảy ra đâu.
Ở đời người vầy người khác, các bà vợ lớn cũng thế, người tốt, người vẫn ghen ngầm hay dữ dội như Họan Thư hay sư tử Hà Đông. Ngay trong tỉnh nhà, hai chị em ruột giàu sang đều có cùng một người chồng có địa vị, thế mà rất hòa thuận chị chị em em. Lại trường hợp khác cũng tương tự như vậy, hai chị em đều có con cùng ở chung nhà, thế mà vẫn tránh nói chuyện nhau cho đến một người mất đi.
Một trong những câu chuyện đẹp về kiếp chồng chung thật khó tin đến nhiều người cho rằng là giả tưởng. Cô vợ lẽ trẻ không cưới hỏi đã được bà vợ cả đem về nuôi nấng trong nhà mình khi câu chuyện mang thai vỡ lở gây tai tiếng cho sự nghiệp của cả hai bên. Chẳng những hai bà sống thông cảm nhau không ganh tị ghen bóng ghen gió mà còn cùng hợp sức nuôi dạy các con nên người cho đến ngày ông và bà cả mất đi và các con đã lập gia đình ra riêng. Tưởng đến đây là chấm dứt thế mà, sau 75, bà vợ thứ được các con của mình bảo lãnh sang Mỹ. Khi biết tin các con dòng lớn còn ở Việt nam, người bị đi học tập, người vượt biên mất trắng, bà luôn luôn gửi tiền về giúp đỡ như con của chính mình.
Trong lịch sử nước ta, không ai phủ nhận công ơn của một thứ phi đức hạnh ở thế kỷ thứ 19, một lòng vì dân vì nước như Hoàng thái hậu Từ Dũ (1810-1902), con của Đức Quốc Công Phạm đăng Hưng, vợ của vua Thiệu Trị và mẹ vua Tự Đức.
Tuy nhiên tám thế kỷ trước đó, một cô thôn nữ hái dâu mồ côi nghèo trở thành phu nhân, thứ phi, Nguyên phi rồi Hoàng thái hậu, đã đóng góp rất tích cực hữu hiệu chẳng những cho cơ nghiệp của vua Lý Thánh Tông mà cho đất nước và dân tộc ta bấy giờ, Hoàng thái hậu Ỷ Lan (1044-1177). Từ thế kỷ thứ mười một, Đức Bà đã có những tư tưởng thật tiến bộ văn minh sáng tạo, nhân đạo, phương sách tổ chức, cải tổ, chấn hưng thức thời mọi mặt xã hội đối nội đối ngoại phù hợp với đời sống và lòng dân. Cho đến ngày nay, gương sáng tuyệt vời đó khó tìm thấy được ở trong và cả ngoài nước nữa.
Xin nhớ rằng không phải xuất thân từ gia đình vọng tộc quí phái đã được chuẩn bị huấn luyện trước như thông lệ ngày xưa, Đức Bà được tuyển vào cung qua một giai thoại nên thơ lãng mạn. Thế mà, Ỷ Lan phu nhân biết mình biết người nên khổ công tìm tòi học hỏi nhiều mặt làm cả triều đình khâm phục, và các nhà nghiên cứu văn học xếp vào hàng tác giả văn học thời Lý -Trần. Có những câu kệ trong những bài kinh của Đức Bà còn truyền tụng đến ngày nay :
« Sắc là không, không tức sắc Không là sắc, sắc tức không Sắc không đều chẳng quản Mới thấu được chân tông. »
Đức Bà còn hai lần thay chồng, con làm nhiếp chính, lịch sử còn ghi công ơn. Lần thứ nhất, năm 1069, vua Lý Thánh Tông thân chinh cùng Tể tướng Lý Thường Kiệt đem quân đánh Chiêm thành. Cũng năm nầy nước Đại Việt ta bị lụt to, mùa màng hư hại, loạn lạc nổi lên khắp nơi. Ở đây chúng ta mới thấy phát xuất hiện rõ tinh thần cao độ yêu nước yêu nòi, lòng nhân từ, tính bất khuất không chịu thua hoàn cảnh của bậc anh hùng, liệt nữ, nhà chính trị thức thời ái quốc đúng nghĩa. Không lợi dụng địa vị để củng cố kéo thêm bè cánh, thế lực để hưởng thụ trên máu xương của đồng bào, dù không qua một trường phái chính trị nào, thế mà chỉ bằng ý chi vượt khó, biết nghe lời cố vấn thừa đức tài kinh nghiệm có kế sách đứng đắn, Đức Bà, cô gái nông dân trồng dâu nuôi tằm Lê thị Yến trở thành Nguyên phi hiểu đời, thực tế, tài trí đức độ nên đã có quyết định kịp thời cứu đói người nghèo, ổn định tình thế, dẹp yên loạn lạc, duy trì luật pháp, bảo đảm kỷ cương phép nưóc. Anh thư như thế trên thế giới nầy, trong việc chấn hưng đất nước, thật có mấy ai ?
Lần thứ hai, năm 1072, vua Lý Thánh Tông băng hà, Lý Nhân Tông lên ngôi mới 7 tuổi, ở "khâu" nầy, ta mới thấy tài điều khiển nước khéo léo của Đức Bà, hai lần cùng tể tướng Lý Thường Kiệt đánh bại quân Tống xâm lược (1075, 1077). Nhưng điểm đáng nói thêm ở đây là tinh thần yêu nước của Bà thật thuần khiết, biết dẹp lửa hận thù giữa thắng thua, đối địch, bỏ qua hiềm khích cũ, trọng nhân tài, đã mời Lý đạo Thành về trao lại chức Thái sư cùng chung lo việc nước. Hành động nầy thật không phải dễ thực hiện đâu nhất là sau cuộc chính biến hay khi nắm trong tay cả thế quyền. Lịch sử dựng giữ nước ta đã bao phen bất lực chứng kiến cảnh đau lòng ‘nồi da xáo thịt’ ‘cạn tàu ráo máng’ ‘nhổ cỏ phải nhổ tận gốc’ vô nhân ấy từ trước cho đến ngày nay, ngay ở thời kỳ văn minh thế kỷ 21 nầy mà vẫn chưa rút ra được kinh nghiệm xương máu để cùng hưởng sống hòa bình.
Hoàng thái Hậu Ỷ Lan còn là người không quên gốc nông dân nghèo của mình. Một trong chính sách rất sáng tạo nhân đạo và tiến bộ nhất mà Đức Bà đã ban hành là tha cung nữ và chuộc nô tỳ, con gái nhà nghèo bị bán đi ở đợ gán nợ cho nhà giàu. Sử thần Ngô Sĩ Liên đã viết :’Con gái nghèo đến nỗi phải đợ mình làm mướn, con trai nghèo đến nỗi không vợ đó là cùng dân của thiên hạ. Thái hậu đổi mệnh cho họ cũng là việc nhân chính vậy’.
Chúng ta không quên việc giải phóng nô lệ được Tổng thống đầu tiên Hoa kỳ George Washington tuyên bố năm 1777 và Bản Tuyên ngôn Giải phóng Nô lệ mới ra đời qua văn bản ở thế kỷ thứ 19 do Tổng thống Abraham Lincoln hai lần ngày 22-9-1862 và 1-1-1863, Pháp đến năm 1848 và Trung quốc mãi đến thế kỷ 20, năm 1909. Vậy mà sáng kíến cao đẹp đổi đời nầy đã được khởi xướng áp dụng từ đầu thế kỷ thứ 12, năm 1103, do cô gái quê Việt hái dâu tựa gốc cây lan lên làm Thái hậu, đáng phục biết dường nào.
Thời Bà, luật pháp cũng rất nghiêm minh. Đức Bà đã xuống chiếu cấm giết trâu bò bừa bãi mà còn phạt nặng kẻ trộm trâu. Chồng trộm, vợ cũng phải phạt nặng như chồng và ngay cả láng giềng không tố cáo hay a tòng cũng bị phạt lây. Thông thường, các nhà cầm cân nảy mực dù liêm khiết, tế nhị, xét đoán công tâm vẫn bị ràng buộc bởi những đạo luật hiện hành. Chỉ một yếu tố đơn giản đó thôi cũng đủ làm cán cân đôi khi bị nghiêng lệch vì những sơ hở, thiếu sót, văn bản chưa kiện toàn, chưa cập nhật hóa kịp thời. Do đó cho đến ngày nay, việc chống tham nhũng, gian thương buôn lậu, ma túy dính dáng đến các gốc bự chóp bu trong chính trường, kiêu binh còn ít cơ may áp dụng có hiệu quả vì bệnh ngàn đời là huyện binh vực huyện phủ binh phủ. Điểm son ở đây là hơn mười thế kỷ trước, Đức Bà đã nghĩ đến tính độc lập của ngành tư pháp rồi, một trong ba ngành căn bản trong các chế độ dân chủ tự do sau nầy.
Về tôn giáo, để hiểu rõ hơn về đạo Phật, Bà trao đổi đối đáp trực tiếp với các cao tăng về thuyết giáo lý đạo Phật,và chính nhờ các câu chuyện giữa Đức Bà và các vị sư thời Lý, sách ‘Thiền uyển tập anh’ đời Trần còn ghi rõ, mà đến nay chúng ta mới biết được nguồn cội sự truyền bá đạo Phật vào nước ta. Quyết tâm học hỏi không ngừng tận tường để áp dụng đúng phục vụ đất nước của Đức Bà thật phi thường và đáng làm gương lưu danh.
Đến đây, chúng ta lại liên tưởng đến trường hợp khác, oan uổng cần tìm hiểu lại tận tường để vinh danh, của một bà vợ thứ thế kỷ 19 cũng đã cống hiến rất nhiều cho đất nước, tích cực chống Pháp mặc tiếng thị phi, miệng đời, mà người đương thời bấy giờ hiểu sai lệch về Bà, do thành kiến phong tục xã hội xưa hoặc do guồng máy cai trị tuyên truyền xâm lăng đô hộ Tây, Bà hầu Trần thị Sanh ở Gòcông. Sinh ra trong một gia đình giàu có vọng tộc, mẹ Bà là cô ruột của Cô Phạm thị Hằng, và chính cha mẹ Bà đã nuôi dưỡng giáo dục cô cháu gái mồ côi mẹ trước khi được tiến cung và sau nầy trở thành Hoàng thái hậu Từ Dũ. Góa chồng một con, Bà quán xuyến gia sản to lớn, có thế lực nhất nhì trong vùng.
Trong bối cảnh chính trị miền Nam lúc bấy giờ, năm 1861, Pháp tấn công Gia định lần thứ hai, Ông Trương Định cùng với Ông Nguyễn tri Phương giữ chiến tuyến Chí Hòa. Thế rồi Chí hòa lại thất thủ, Ông Trương Định lùi về Gò công giữ Định Tường, Gia định.
Năm 1862, Pháp chiếm Biên Hòa và ngày 5-6-1862, triều đình ký hòa ước Nhâm Tuất với Pháp. Ông Trương Định, một lãnh tụ nghĩa quân lúc bấy giờ từ chối lời dụ hàng của tướng Pháp Bonard và bất chấp luôn chiếu vua Tự Đức ra lệnh bãi binh tháng 2- 1863. Câu nói khẳng khái của Ông :
« Triều đình Huế không nhìn nhận chúng ta, nhưng chúng ta cứ bảo vệ Tổ quốc chúng ta. »
Trương Định rút về Gòcông làm căn cứ địa kháng chiến, được nhân dân tôn làm Bình Tây Đại Tướng quân. Về phần Bà Sanh, để có thể giúp Trương Định một cách danh chánh ngôn thuận, bất chấp dư luận, một đám cưới tổ chức long trọng tại nhà cha mẹ của Bà, nhà từ đường họ Trần hiện nay còn ghi dấu, và vì thế từ đó Bà trở là một cái đích chĩa vào, lên án từ mọi phía. Việc tái giá của Bà chẳng những là cái gai nhọn cho gia đình bên chồng mà còn một hiện tượng chống đối với đạo tam tùng thứ ba « phu tử tùng tử » chồng chết theo con theo phong tục phong kiến thời bấy giờ.
Sinh năm 1820 theo sách sử, vậy là khi rút về Gòcông năm 1861, Ông Lãnh binh Trương đã 41 tuổi, tất nhiên không ai phủ nhận là có thể Ông đã có gia đình từ lâu rồi, mà rất tiếc không một sử liệu nào xác minh điều nầy. Hơn thế nữa, như chúng ta biết rõ các ông đâu có bị phạt tội nếu có thêm vợ một vợ hai. Thế mà người dân địa phương vẫn gọi khiếm danh Bà là Bà hầu. Lạ hơn có sách ghi là Ông Trương còn có cưới ở Gòcông một bà tên Lê thị Thưởng giàu có và có con trai nữa ( ? ) giúp Trương Định mộ quân thêm khí giới, mà từ trước đến nay không một tài liệu lịch sừ nào nêu rõ được bà Thưởng nầy gốc gác ở đâu, con cái của ai ở địa phương nầy..
Lại còn có nhà văn khác phê rằng Bà Sanh bằng lòng gá nghĩa với Trương Định là để dựa vào thế lực của Ông, hầu củng cố địa vị và bảo vệ gia sản của mình. Lập luận kết tội nầy quả không vững, có phần quá đáng, ác ý. Chúng ta biết rằng từ khi Ông Trương Định đã không tuân lệnh vua Tự Đức về việc bãi binh và trở ra Phú Yên, Ông Trương đã không còn là người thuộc quyền trìều đình Nguyễn nữa và đặc biệt đối với Pháp Ông trở thành một tên « loạn quân » nguy hiểm kháng cự đối đầu mà Pháp cần triệt hạ dù bất cứ giá nào. Tất nhiên người trong cuộc, Bà Sanh và dân chúng địa phương, biết rõ điều đó. Vậy thì nếu chỉ vì quyền lợi riêng thôi thì không một ai dại gì mà hiến cả tài sản, hy sinh danh tiếng cuộc đời của mình cho một vị tướng ly khai mà thế quân sự của nghĩa quân lúc bây giờ cần phải chỉnh đốn cấp tốc. Tóm tắt lại, chỉ có vị nào hun đúc đầy lòng yêu nước cao độ, tinh thần quyết chống xâm lăng đô hộ, bầu nhiệt huyết can đảm dấn thân hy sinh tuyệt đối mới có thể thực hiện được hành động quên mình cao cả đó, và trong trường hợp nầy lại do một phụ nữ, một vợ thứ, một bà hầu, một điểm son đuợc phê thêm sáng chói trong lịch sử bảo vệ nước nhà.
Chưa hết đâu, tấm lòng trung trinh và tinh thần cách mạng của Bà trong hoàn cảnh nào cũng không hề lay chuyển. Bằng cớ là chỉ ba năm sau, Ông Trương Định tuẩn tiết ngày 20-08-1864. Pháp đã đem phơi thây Ông để răn đe dân chúng. Chính Bà Sanh đã lấy danh nghĩa là vợ chính thức, can đãm đệ đơn xin Pháp đem thây Ông về chôn cất trang trọng, lập mộ vinh danh trên đất của cha mẹ ruột của mình lưu dấu ngàn năm. Thế nhưng, để tiếp tục xóa bỏ mầm mống chống đối Pháp và tiêu diệt lòng tri ân đối với những chiến sĩ anh hùng, nhà cầm quyền Pháp tại Gòcông bắt phạt Bà 10.000 quan Pháp, lý do vì lập bia mộ trái phép và bắt đục bỏ hàng chữ Bình Tây Đại Tướng Quân mà Bà đã cho ghi trên bia mộ.
Mười năm sau, Bà lại xin trùng tu mộ Ông Trương. Thế rồi các bức hoành phi và trụ đá ghi thân thế và sự nghiệp của vị anh hùng dân tộc lại bị đục bỏ. Dưới thời Pháp thuộc, ngôi mộ trở nên hoang phế vì sự cấm đoán và dòm ngó của lính kín mật thám. Những người lớn trên bảy mươi tuổi ở châu thành Gòcông và làng lân cận đều còn nhớ rằng, thời bấy giờ, con gái đàn bà ít ai dám đi ngang qua khu mộ cây cối um tùm nầy, một mình, sợ ma rượt bắt, ma thật hay ma người giả dạng ?.
Vậy thì xin thưa Bà Trần thị Sanh quả thật là một tiết phụ đã biết hy sinh cái riêng tư của mình vì cuộc đại nghĩa rộng lớn cao cả hơn và nhất là có công lưu danh ngàn xưa tên tuổi sự nghiệp của vị anh hùng dân tộc Bình Tây Đại Tướng Quân Trương Định. Lòng yêu nước và tri ân chân chính của Bà đáng được tôn vinh, ghi danh trong sách sử.
Thật ra sử kiện ngày xưa thường truyền miệng và ít được trực tiếp mắt thấy tai nghe nhất là liên quan đến phụ nữ và bí sử chuyện hậu trường sân khấu chính trị. Nhà viết sử cũng chỉ nghe kể lại nên câu chuyện có khi được thêm mắm dậm muối, thêm thắt tình tiết gay cấn éo le, khó hoàn toàn trung thực. Rồi chuyền tai người nầy sang người kia, đời trước truyền sang đời sau, dễ tam sao thất bản, người bênh kẻ đả kích, ai cũng dành phần đúng về mình, nhất định nguồn tin của mình là chính xác, đích thật, rốt cuộc người chết không sống lại để phân xử, hòa giài, biện minh. Người đương thời cứ đua nhau tranh luận chí tử. Rồi người thời sau lại lần giở trang sử xưa, tiếp nối luận bàn, thế hệ nầy sang thế hệ khác. Việc xác minh sử kiện cho đúng đề vinh danh người có công thôi, rất cần, cũng mới thấy không phải là một chuyện dễ làm. Thật đáng tiếc và ân hận biết dường nào !
Ngày nay với phương tiện dồi dào khoa học kỷ thuật tân tiến, người đương thời văn minh có làm được nhiều tiến bộ trên mọi bình diện lắm. Thế mà, sự thật chưa chắc được phơi bày thật sự, hoàn toàn khách quan, tự do. Hy vọng thế hệ trẻ tương lai càng ngày càng khôn ngoan và may mắn hơn trong việc truy tìm sử tích phân biệt đâu là chính tà công tội một cách hợp lý hợp tình.
Chúng ta còn nhận thấy thêm rằng cuộc đời như một ván cờ không thiên vị ai, trong đó tất cả đều là con cờ. Trong ván cờ người, con cờ người đều quan trọng như nhau trong địa vị, vị trí riêng, dù là tướng xe pháo ngựa hay là con chốt. Không phải chỉ có con xe tài, con pháo giỏi, con ngựa hay là cần thiết thôi, con tốt cũng có có thể chiếu tướng bí như thường :
« Đem tốt đầu dú dí vô cung » (Hồ Xuân Hương).
Hy vọng rằng qua những kinh nghiệm vơi đầy trong quá trình lịch sử, tấm gương của mọi thành phần xã hội, những thành kiến bất công, nhận thức còn nông cạn do con người tạo ra, chúng ta sẽ biết tìm cách đối phó, rút ra những bài học hữu dụng tốt đẹp hơn hầu có thề sống phù hợp hòa đồng với trào lưu tiến bộ văn minh càng ngày càng phức tạp của thế giới ngày mai. Trần Thành Mỹ
Chỉnh sửa lại bởi Nhom12yeuthuong - 26/Jan/2010 lúc 6:39pm
|
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
|
IP Logged |
|
Lan Huynh
Senior Member
Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23197
|
Gởi ngày: 27/Jan/2010 lúc 4:54pm |
Về thăm một vùng địa linh
(Cập nhật: 16.01.2010 03:33)
Huyện Gò Công Đông và Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang là vùng đất địa linh nhân kiệt với những con người kiệt xuất như Trương Định, Thủ Khoa Huân... Đây là quê hương hai hoàng hậu của hai vua triều Nguyễn. Đó là bà Từ Dũ vợ vua Thiệu Trị và Nam Phương hoàng hậu vợ vua Bảo Đại
VÙNG ĐẤT ĐỊA LINH NHÂN KIÊT Chiều cuối năm, chúng tôi về thăm Gò Công. Tiết trời hanh nhẹ, mát dịu với nắng vàng và gió mơn man thổi. Con đường Quốc lộ 50 dẫn vào thị xã Gò Công đang được khẩn trương thi công. Hai bên đường, những thửa ruộng vào mùa gặt lúa chín vàng ngút mắt, những vườn cây trái xum xuê xanh mát yên bình... Chúng tôi như cảm nhận được sức sống mới đang trỗi lên từ mảnh đất cửa ngõ ra biển Đông của Tổ quốc.
Gò Công hiện gồm các huyện: Gò Công Đông, Gò Công Tây và Tân Phú Đông. Theo sử liệu, lịch sử hình thành vùng đất Gò Công có từ lâu đời. Cuối thế kỷ XVII, lần lượt nhiều nhóm di dân miền Trung đến khai phá rồi hình thành các cụm dân cư trên các giồng đất cát: giồng Nâu, giồng Chùa, giồng Lãnh, giồng Bà Lẫy, giồng Đình... chuyên sống bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi. Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh tổ chức đơn vị hành chính, vùng đất này thuộc quận Tân Bình, dinh Phiên Trấn (Gia Định). Gò Công từng là tỉnh lỵ, là trung tâm phát triển kinh tế - xã hội của Nam bộ, là trung tâm phát triển hạt nhân của khu vực đông bắc Tiền Giang. Nhân dân Gò Công đã hưởng ứng cuộc kháng chiến của anh hùng Trương Định, tổ chức đánh Pháp từ chiến lũy pháo đài đại bản doanh Kiểng Phước - Gia Thuận. Cuộc kháng chiến sau đó lan khắp ba tỉnh miền Tây, gây cho thực dân Pháp nhiều khó khăn. Người dân Gò Công mãi ghi nhớ công lao các tướng sĩ, nghĩa quân dưới quyền Trương Định như: Đốc binh Trương Công Luận, Đốc binh Chấn, Đốc binh Chung, Tú tài Trần Văn Hội... Hiện ở thị xã Gò Công có tượng đài Trương Định, trước tượng đài là con đường mang tên ông. Đây là con đường văn hóa của thị xã. Gần đó là đền thờ Trương Định.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cùng với nhân dân cả nước, nhiều người con của Gò Công - Tiền Giang đã ngã xuống vì độc lập của Tổ quốc. Khu tượng đài văn hóa tưởng niệm về cuộc tổng tiến công Mậu Thân 1968 đã được dựng lên tại trung tâm thị xã Gò Công. Tượng đài nằm cạnh một trường tiểu học, như nhắc nhở thế hệ sau khắc ghi công ơn người đi trước.
Thái hậu Từ Dũ, Nam Phương hoàng hậu
VÀ HAI BÀ HOÀNG HẬU Gò Công từ xưa đã có truyền thống tôn vinh sắc đẹp. Ở Tăng Hòa, Gò Công Đông, hiện vẫn còn một ngôi mộ khắc ghi phần mộ của “hoa hậu tỉnh Gò Công”. Đó là bà Nguyễn Thanh Tùng (1919-1951).
Thái hậu Từ Dũ tên Phạm Thị Hằng, tự Nguyệt Thường, là trưởng nữ của Quốc công Phạm Đăng Hưng và bà Phạm Thị Vị. Bà Từ Dũ là vợ vua Thiệu Trị, mẹ vua Tự Đức. Bà nổi tiếng là người đức hạnh, biết yêu quí dân và giỏi nuôi dạy con. Thái hậu Từ Dũ sinh ngày 19-5-1810 (Canh Ngọ) tại giồng Sơn Quy (còn gọi là gò Rùa), thuộc làng Gò Công, Tân Hòa, tỉnh Gia Định (nay là huyện Gò Công Đông, Tiền Giang). Thuở nhỏ bà nổi tiếng thông minh, xinh đẹp, hiếu thuận và ham đọc sách. Năm 14 tuổi, hoàng hậu Trần Thị Đang, vợ kế của vua Gia Long, tuyển bà vào hầu hoàng trưởng tử Nguyễn Phúc Miên Tông, con vua Minh Mạng, là vua Thiệu Trị sau này. Bà sinh cho vua Thiệu Trị hai công chúa và hoàng tử Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, là vua Tự Đức sau này. Khi lên ngôi, vua Tự Đức nhiều lần ngỏ ý định tấn tôn cho mẹ, nhưng bà nhất định chối từ. Năm 1894 (năm Tự Đức thứ 2), nhân dịp khánh thành cung Gia Thọ, bà mới thuận nhận tôn hiệu là Hoàng thái hậu.
Sau này, khi vua Tự Đức mất, bà còn được phong nhiều tước vị khác nữa, như: Từ Dụ Bát huệ Thái hoàng Thái hậu, Từ Dụ Bát huệ Khang thọ Thái thái hoàng Thái hậu. Ngày 12- 5- 1902 (năm Nhâm Dần), bà mất, thọ 92 tuổi. Triều đình cử hành đại lễ an táng bà gần phía sau bên trái lăng vua Thiệu Trị. Hiện khu lăng này nằm ở chân dãy núi Thuận Đạo, thuộc làng Cư Chánh, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Khi chúng tôi ghé thăm Gò Công quê bà, giờ chỉ còn lại khu lăng mộ hoàng gia. Đây là nơi an nghỉ của cha bà là ông Phạm Đăng Hưng và vợ ông. Khu lăng mộ khá khang trang nằm lặng lẽ bên Quốc lộ 50. Hiện khu lăng mộ đang được sửa sang thêm để đón du khách.
Nam Phương hoàng hậu tên thật Nguyễn Hữu Thị Lan là vợ của vua Bảo Đại. Bà sinh ngày 4-12-1914 tại Gò Công, Tiền Giang (nay thuộc huyện Gò Công Tây, Tiền Giang) là con gái của đại điền chủ Nguyễn Hữu Hào và là cháu ngoại của ông Lê Phát Đạt, tức Huyện Sỹ. Gia đình theo Công giáo và bà có tên thánh là Marie Thérèse. Năm 12 tuổi bà được gia đình cho sang Pháp học tại một trường nữ danh tiếng ở Paris. Sau khi thi đậu tú tài (tương đương THPT bây giờ), năm 1932 bà về nước.
Trong một buổi dạ tiệc ở khách sạn La Palace tại Đà Lạt do Toàn quyền Đông dương và viên Đốc lý thành phố sắp đặt, Nguyễn Hữu Thị Lan và Vĩnh Thụy, sau này là vua Bảo Đại, đã gặp nhau. Sau đó dù mẹ vua Bảo Đại là bà Từ Cung, không thuận tình, nhưng rồi lễ cưới giữa ông vua này và Nguyễn Hữu Thị Lan vẫn cử hành. Họ có với nhau hai hoàng tử và ba công chúa.
Cách mạng tháng Tám thành công, Bảo Đại thoái vị. Bà Nam Phương sang Pháp sống những năm tháng cuối đời với một gia tài lớn trong cô đơn. Ngày 14-9-1963, bà qua đời ở tuổi 49. Chúng tôi tìm về xã Đông Sơn, huyện Gò Công Tây - cố hương của bà Nam Phương - hỏi thăm hi vọng tìm lại dấu tích về bà. Hỏi nhiều người dân và những cán bộ làm văn hóa, tuyên giáo của địa phương, họ cho biết nơi đây không còn dấu tích gì về bà và gia tộc nữa. Thời gian đã làm phai mờ bao dâu bể của thế sự.
Phần mộ ông Phạm Đăng Hưng
THAY LỜI KẾT Gò Công hôm nay đang ngày một phát triển, khởi sắc. Thị xã Gò Công hiện là đô thị loại 4, đang phấn đấu để trở thành đô thị loại 3 vào năm 2010. Nhiều công trình chỉnh trang đô thị đang được thực hiện từng ngày, nhiều khu đô thị mới được xây dựng thêm. Với vị trí hết sức thuận lợi có bãi biển Tân Thành, đường biển dài hơn 30km tiếp giáp và là cửa ngõ ra biển Đông, Gò Công là một vùng đất giàu tiềm năng. Những công trình Quốc lộ 50, công trình xây dựng quốc gia cầu Mỹ Lợi thay cho phà Mỹ Lợi sẽ nối Tiền Giang với Long An và TPHCM giúp cho Gò Công phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Rời thị xã Gò Công trong nắng chiều, nhìn những tà áo dài trắng của nữ sinh trường THPT Trương Định bay vờn trong gió, thanh khiết, hồn nhiên và đẹp nao lòng, để rồi nhận ra một điều thú vị: cuộc sống hôm nay đẹp biết bao.
Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 27/Jan/2010 lúc 5:02pm
|
IP Logged |
|
Lan Huynh
Senior Member
Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23197
|
Gởi ngày: 28/Jan/2010 lúc 9:01am |
|
Hủ tíu - còn gọi hủ tiếu - là món ăn phổ biến khắp phía nam, đến nay đã xuất hiện ở miền trung và miền bắc. Trong các chương trình liên hoan văn hóa ẩm thực Việt Nam tại nước ngoài, đặc sản hủ tíu luôn được trân trọng giới thiệu. Tuy nhiên, dẫu từng nấu và xơi hủ tíu hoặc thỉnh thoảng hoặc thường xuyên, nào phải ai ai cũng hiểu rõ gốc gác cùng bao biến thể của món ăn này.
Từ đâu ? Bao giờ ?
Bấy lâu, không ít người cứ bảo món ăn này xuất xứ từ đất nước Chùa Tháp láng giềng vì thường nghe "hủ tíu Nam Vang". Kỳ thực, vậy mà... chẳng phải vậy !
Cái tên hủ tíu/hủ tiếu, vốn bắt nguồn bởi tiếng Hán quả điều mà dân Tiều (Triều Châu) phát âm thành cổ chéo. Nghĩa là "bánh sợi". Thì đấy là sợi bánh bằng bột gạo, gần giống bánh phở (âm Hán-Việt: phấn, nghĩa gốc là bột) song hủ tíu khác cơ bản ở chỗ sợi bánh thường được sấy khô, lúc chuẩn bị ăn mới trụng nước sôi và chần mỡ hành phi cho mềm-thơm-bùi-béo.
Như thế, trên cơ sở từ nguyên, có thể thấy rằng món hủ tíu thông dụng xưa nay khắp "Nam Kỳ lục tỉnh" vốn từng được khai sinh tít tận Trung Hoa rồi du nhập vào nước ta qua biên giới tây nam sau một thời gian "quá cảnh" tại Campuchia. Và cũng tương tự phở (ngầu phảnh/ngưu nhục phấn) cực kỳ phổ biến ở Bắc Bộ, món hủ tíu ngoại lai dần được Việt hóa theo bao cung cách khác nhau để trở thành đặc sản quen thuộc "đậm đà tính dân tộc" trên dải đất cong cong hình chữ S.
Một Việt kiều ở Pháp vẫn được bạn bè quen gọi bằng biệt danh Sous Chef vì anh từng làm bếp phó tại một khách sạn lớn giữa thủ đô Paris và từng đi đó đi đây để trao đổi nghiệp vụ "dao thớt". Sous Chef nói: Gặp dịp khảo sát món hủ tíu ở Bắc Kinh, Quảng Châu và Hồng Công (Trung Quốc) cũng như ở Phnom Penh (Campuchia) mọi người Việt chắc đều ngạc nhiên nhận ra hủ tíu những nơi ấy rất khác hủ tíu quê nhà. Khác và không ngon bằng ! Sợi bánh của họ ít dẻo thơm bằng. Nước lèo (nước súp) của họ thì kém trong, kém ngọt. Còn tôm thịt cùng gia vị cũng tồn tại lắm dị biệt.
Những "biến tấu" hấp dẫn
Sous Chef còn nêu ý kiến đáng chú ý: Nhiều nước, hủ tíu tồn tại cũng chỉ vài ba "chủng loại". Riêng Việt Nam, thật đặc sắc, hủ tíu được phát triển tới hàng chục kiểu khác nhau.
Về phở, giáo sư Phan Ngọc chịu khó lục lọi sách vở và thống kê thấy 17 kiểu cả thảy. Tôi thì la cà nhà hàng, quán xá, quầy, sạp, xe, gánh ở một số tỉnh thành phía nam, ghi nhận chưa đầy đủ được 25 kiểu hủ tíu. Này nhé: hủ tíu Nam Vang, hủ tíu Mỹ Tho, hủ tíu Sa Đéc, hủ tíu mì, hủ tíu nui, hủ tíu hoành thánh, hủ tíu xào, hủ tíu xá xíu, hủ tíu thịt băm, hủ tíu sườn heo, hủ tíu lòng heo, hủ tíu cá, hủ tíu cua, hủ tíu tôm, hủ tíu gà ta, hủ tít gà ác, hủ tíu bò kho, hủ tíu bò viên, hủ tíu bò tái, hủ túi bò sa tế, hủ tíu nai sa tế, hủ tíu vịt quay, hủ tíu nấm, hủ tíu măng, hủ tíu chay. Nói chung, mỗi kiểu đều chia 2 dòng là khô và nước, do đó nhân đôi lên vị chi món hủ tíu đã có sơ sơ 50 kiểu. Tùy nơi, tùy lúc mà các kiểu được linh động tổ hợp thành "model" mới như hủ tíu mì-nui-hoành thánh, hủ tíu cá-tôm-cua, hủ tíu nấm-măng, hủ tíu thập cẩmhủ tíu chuột, hủ tíu dơi, hủ tíu rắn, hủ tíu rùa. Thời gian qua, bên cạnh mì ăn liền nhiều loại hủ tíu ăn liền còn xuất hiện nhan nhản trên thị trường, âu cũng góp phần làm phong phú thêm bảng thực đơn "chuyên đề" hủ tíu . v.v. Ấy là tôi chưa liệt kê đôi kiểu "độc chiêu" thỉnh thoảng bắt gặp ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ như
Nói theo lý luận bếp núc Âu Mỹ, thì hủ tíu nằm trong hệ thống mỹ vị Pháp (gastronomie) vô cùng phong phú vì nó mang tính cách mở, linh hoạt, phóng khoáng, dễ hội nhập và thích ứng. Như vậy, tô hủ tíu phản ánh phần nào tính cách lẫn bản sắc của người dân Nam Bộ.
A Cánh - một chủ tiệm hủ tíu người Việt gốc Hoa ở quận Gò Vấp, TP ************ - tiết lộ: Gia đình ngộ (tôi) ít nhất đã ba đời sống bằng nghề này. Cũng như bún bò và phở, muốn nấu hủ tíu ngon thì phải đặc biệt chú ý tới nồi nước lèo. Hủ tíu khô hay uớt gì cũng cần nước lèo, chỉ khác là hủ tíu khô phải dọn nước lèo riêng thôi. Nồi nước lèo ngọt thơm nhờ hầm xíu quách (trư cốt: xương heo), củ cải, tôm khô và khô mực nướng. Ngộ còn thả thêm miếng xí pố (khô cá) nướng thiệt thơm. Bán hủ tíu mì, các quán chuyên nghiệp thường tự sản xuất sợi mì cho đúng ý, đồng thời chế biến xíu mại cùng tài páo (bánh bao) luôn. Dọn tô hủ tíu cũng phải lưu tâm kỹ các thứ gia vị cần thiết như zìm (muối), tsu (dấm), chương dẩu (xì dầu/nước tương), càng không thể quên tăng xại (đông thái).
Đông thái là cải bắc thảo thái mỏng và muối khô, một loại "phụ tùng" độc đáo thường thấy các tiệm hủ tíu đựng trong thạp gốm tráng men màu da lươn. Sau khi bỏ bánh sợi và mì sợi vào vợt kim loại nhúng xuống thùng nước sôi rồi trút vô tô, đầu bếp nhón một ít đông thái, thêm tóp mỡ, giá trụng thả vô tô nốt. Tiếp theo là đặt xá xíu thịt băm, miếng gan heo, quả trứng cút; kế đó rắc lá hẹ (chứ không phải hành lá) xắt nhỏ, rồi múc nước lèo chan vô tô. Cuối cùng, bứt ngọn xà lách xanh muốt làm đôi, bỏ trên mặt tô và dọn mời. Thực khách tùy gu mà thêm dấm, ớt, tiêu, xì dầu, đoạn trộn đảo và xưởng xích (thưởng thức) nóng sốt. Khi dùng, có người gọi thêm chén xíu mại, có người xơi kèm chiếc bánh quẩy (giò cháo quẩy).
Ấy là món hủ tíu mì quen thuộc. Thay mì bằng nui, bằng hoành thánh (vằn thắn), thành hủ tíu nui hay hủ tíu hoành thánh. Tô hủ tíu sườn thì lổn nhổn mấy miếng sườn heo non nấu hồng nhự (chao đỏ) với hương vị rất đặc trưng. Hủ tíu bò kho, bò viền, bò tái, bò sa tế hoặc hủ tíu gà cũng khác xa phở bò, phở gà. Hủ tíu bò sa tế nổi tiếng trên địa bàn TP ************ có ba quán cùng lấy hiệu Tô Ký do ba anh em ruột làm chủ, hai quán thuộc quận 6, một quán thuộc quận 5. Riêng hủ tíu gà, ở TP ************ có mấy tiệm "chuyên trị" món này tọa lạc trên đường Nguyễn Trãi. Nồi nước lèo dành cho hủ tíu gà phải hầm toàn xương gà với củ cải, thảo quả, mục quả (đu đủ) cùng gia vị, sao cho nước ngọt thanh và trong veo. Thịt gà xé đặt lùm lùm miệng tô, cùng mề, gan, tim, cật gà đã được xử lý bằng bí quyết riêng, ăn sao thấy lạ miệng và ngon đáo ngon để. Các loại hủ tíu thủy hải sản (cá, tôm, mực, cua,v.v.) giá cả thường đắt nhất, có tiệm tính tới 25.000 đồng/tô, song chẳng phải chỗ nào cũng nấu đạt chất lượng.
Ba bảy là gì ?
Nhiều người "nghiện" hủ tiếu cho biết: Muốn ăn hủ tíu tôm thì ghé ngã năm Bình Hòa ở quận Bình Thạnh. Hủ tíu cá, phải lên Chợ Lớn. Hủ tíu cua, về Gò Vấp. Nhưng mấy món hủ tíu thủy hải sản, chưa đâu nấu cừ khôi bằng quán chú Xồi ở miệt Lái Thiêu (Bình Dương).
Chú Xồi hoặc chú Chệc chỉ là tên gọi chung đàn ông Hoa kiều. Thực tế, tại nhiều thị tứ phía nam, đa số quán tiệm hủ tíu đắt khách thường do bà con người Việt gốc Hoa đứng bếp. Phần lớn các tiệm này cũng là "mì gia" treo biển hiệu song ngữ Việt - Hoa mà thoạt trông dễ nhận biết (và cũng dễ bị giả mạo) là hiệu danh chứa hậu tố Ký như Diệu Ký, Lưu Ký, Tuyền Ký, Hưng Ký, Hồng Ký, Tô Ký, Quang Ký, Oai Ký, Phánh Ký, Zìn Ký. Gia vị dùng cho hủ tíu cũng đậm đặc chất Tàu: nào đông thái, nào dấm đỏ, nào hắc xì dầu, v.v. Vậy mức độ Việt hóa món ăn này thể hiện ở điểm nào ? Sous Chef phân tích nghe khá hợp lý: Hủ tíu là món gốc Hoa, nhưng đã Khmer hóa và nhất là Việt hóa để thích nghi thủy thổ, cơ địa. Rõ rệt nhất là tô hủ tíu Mỹ Tho. Anh biết rằng tập quán ngươi Hoa là dùng dấm, xì dầu và hầu như chẳng bao giờ ăn rau sống. Hủ tíu Mỹ Tho thì dùng chanh, giá sống cùng lắm loại rau mùi, và độ mặn nhạt được nhấn nhá bằng thứ gia vị chính cống Việt Nam: nước mắm.
Tôi đã về thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) để lai rai khảo nếm món hủ tíu lừng danh nơi dãy quán quanh khu vực cầu quay. Ba Châu - chủ tiệm hủ tíu đắt khách trên đường Trưng Trắc - cho biết: Một trong những yếu tố tạo nên nét riêng của hủ tíu Mỹ Tho là bánh sợi. Sợi bánh được làm từ gạo Gò Cát dẻo thơm, loại gạo mà không phải đất nào cũng trồng được. Hiện cả tỉnh Tiền Giang có hai lò sản xuất bánh hủ tíu số zách: lò Bảy Hưng ở ngay Mỹ Tho, và lò Tám Thảo dưới Gò Công. Còn bí quyết nấu hủ tíu ngon hả? Phải xử lý nguyên vật liệu và gia vị sao để nước lèo, thịt thà, rau củ thiệt là vừa miệng. Khoản này thuộc loại gia truyền, khó chỉ bày chi tiết cụ thể lắm à !
Bên cạnh hủ tíu Mỹ Tho, đất phương nam còn nổi tiếng hủ tíu Sa Đéc. Khách sành điệu ở Sài Gòn vẫn còn nhắc quán hủ tíu chính hiệu Sa Đéc do một ngôi sao sân khấu mở tại góc đường Hùng Vương - Nguyễn Tri Phương vào khoảng năm 1973: bà Năm Sa Đéc, người bạn đời của nhà sưu tầm cổ ngoạn Vương Hồng Sển. Bây giờ, hai ông bà đã quy tiên, quán xưa cũng thay tên, đổi chủ. Thèm tô hủ tíu thơm mùi gạo Tân Khánh, hiện chỉ còn cách lặn lội về tỉnh Đồng Tháp, vượt sông Tiền, ghé thị xã Sa Đéc mà lùng sục. Há lẽ ăn tô hủ tíu, chạy ba quãng đồng ?
Đặt vấn đề bếp núc vùng (cuisine réogionale) học giả J. F. Flandrin yêu cầu tiếp cận các món ăn đặc biệt ở mỗi khu vực địa lý nhằm phát hiện "mô hình cấu trúc của hệ thống thực tiễn và khẩu vị ẩm thực của một vùng có gì khác so với các vùng lân cận". Áp dụng phương pháp chọn mẫu, các nhà nghiên cứu có thể đưa ra ba món phổ biến đại diện cho ba phong cách bếp núc vùng của nước ta: miền bắc có phở Hà Nội, miền trung có bún bò giò heo Huế, miền nam có hủ tíu Mỹ Tho hay hủ tíu Sa Đéc. Nhìn từ góc độ nào đấy, tô hủ tíu miền nam không chỉ là món đặc sản. Luận theo giáo sư Trần Quốc Vượng, tô hủ tíu còn là hiện vật sống động biểu hiện cả quá trình "đan xen, hỗn dung, tiếp biến, giao thoa, tương tác của văn hóa Việt Nam nói chung, của nghệ thuật ẩm thực Việt Nam nói riêng".
Hủ tíu kia cũng có ba bảy đường chế biến, soạn bày, thưởng thức và nhận định. "Ba bảy" đây chẳng phải "3 hay 7", cũng chẳng phải "từ 3 đến 7", mà là "37" (băm bảy) hoặc nhiều hơn... |
Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 28/Jan/2010 lúc 9:03am
|
IP Logged |
|
Lan Huynh
Senior Member
Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23197
|
Gởi ngày: 29/Jan/2010 lúc 12:19pm |
|
|
|
Lăng Hoàng Gia: Quần thể kiến trúc độc đáo ở Gò Công
Cổng vào Lăng Hoàng Gia. (Ảnh: Internet) |
Cổng vào Lăng Hoàng Gia. (Ảnh: Internet) | Lăng Hoàng Gia là nơi yên nghỉ của những người quá cố thuộc dòng họ Phạm Đăng – một dòng họ nổi tiếng ở Nam Bộ vào thế kỷ 18, 19. Khu lăng này tọa lạc trên gò Sơn Quy (nay thuộc ấp Lăng Hoàng Gia, xã Long Hưng, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang) cách TP. Mỹ Tho khoảng 30km.
Gò Sơn Quy là một giồng khá cao có hình dáng như một con Rùa nằm, khi đến Gò Công Phạm Đăng Dinh đã chọn đất này để sống và các đời kế tiếp của dòng họ Phạm cũng sinh sống tại nơi đây, đã có 13 người qua đời được xây lăng mộ tại đây trong khoảng thời gian 1811 đến đầu thế kỷ 20.
Đặc biệt, trong những lăng mộ đó là của Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng (ông ngọai của Vua Tự Đức) là một kiến trúc tâm điểm, độc đáo trong quần thể lăng mộ này. Phần mộ được xây dựng từ năm 1825, hình bát giác mang dáng dấp của một chiếc nón quan trong triều, khác với những mộ ở Nam Bộ.
Trước mộ có bốn trụ thấp cách điệu giữa búp sen va chiếc nón, ngoài ra bình phong được xây khá cầu kỳ, đường nét uyển chuyển làm cho ngôi mộ trở nên cổ kính và uy nghiêm.
Theo sử liệu, dòng họ Phạm có nguồn gốc như sau: cuối thế kỷ 17, tiến sĩ Phạm Đăng Khoa từ đất Thăng Long tránh loạn Trịnh Tùng theo Chúa Nguyễn từ Ái Tử (Quảng Trị) vào Phú Xuân (Huế), có vợ là Nguyễn Thị Dương rồi sinh được 3 con trai, sau đó ông mất tại Phú Xuân, thọ 91 tuổi. Con Phạm Đăng Khoa là Phạm Đăng Tiên, con trai của Phạm Đăng Tiên là Phạm Đăng Dinh, con trai thứ của Phạm Đăng Dinh là Phạm Đăng Long, con trai thứ của Phạm Đăng Long là Phạm Đăng Hưng. Phạm Đăng Hưng có vợ là Phạm Thị Dụ sinh được 2 người con trai và 1 người con gái là Phạm Thị Hàng, sau trở thành Chương Hoàng Hậu là vợ của Vua Thiệu Trị, mẹ của Vua Tự Đức, đây còn là một hiền phụ nổi tiếng Việt Nam thời đó. Hầu hết, những người con của họ Phạm đều là những nhà nho học và giữ chức vụ quan trọng trong triều đình nhà Nguyễn.
|
Quang cảnh bên trong Lăng Hoàng Gia. Ảnh: Internet |
Trong hợp thể kiến trúc tại Lăng Hoàng Gia còn có một kiến trúc quan trọng nữa là ngôi từ đường của dòng họ Phạm Đăng. Ngôi từ đường này được xây dựng năm 1826 gồm: một nhà thờ, nhà khách, nhà kho cùng các công trình phụ đều được làm bằng gỗ quý và trang trí đẹp.
Có thể nói đây là một quần thể kiến trúc xưa và lạ, bởi đây là nơi yên nghỉ của dòng họ làm quan nhiều đời và là họ ngoại của các ông vua Nguyễn. Du khách đến đây có thể tìm thấy được những di tích của một giai đoạn lịch sử đã qua ẩn hiện đâu đó trong từng phần của khu lăng mộ.
PV
| | | |
Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 29/Jan/2010 lúc 6:16pm
|
IP Logged |
|
Lan Huynh
Senior Member
Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23197
|
Gởi ngày: 30/Jan/2010 lúc 6:22am |
|
Lăng Trương Công Định Khu di tích Trương Định gồm lăng và đền Trương Định tọa lạc trong nội ô thị xã Gò Công. Lăng là phần mộ Trương Công Định, vị anh hùng của Việt Nam Ông sinh năm 1820 tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Cha ông là Trương Tầm giữ chức Lãnh binh Gia Định. Từ nhỏ Trương Định đã thông hiểu binh thư, võ nghệ. Thời Thiệu Trị, ông theo cha vào Nam, ông lấy vợ người Tân An, tỉnh Định Tường (nay là tỉnh Tiền Giang) rồi ở luôn quê vợ.
Ông là người đi đầu trong việc một dân nghèo khai hoang lập ấp ở huyện Tân Hòa (nay là thị xã Gò Công), được triều đình bổ chức Quản Cơ. Năm 1860 ông giữ đồn Kỳ Hòa (Gia Định), sau khi thất thủ, và chủ tướng là ông Nguyễn Tri Phương lui binh về Biên Hòa.
Ông đã anh dũng chống Pháp ở rừng chồi Hòa Hưng, được triều đình Huế thăng lên Lãnh binh, ông rút binh về Gò Công, tiếp tục kháng chiến, phục kích và thắng binh Pháp ở Rạch Lá, triều Huế, khắc ấn phong ông chức Bình Tây Đại nguyên soái, ông đánh úp quân Pháp chiếm lại được Gò Công (tháng 03.1862), nhưng Pháp làm áp lực với Huế, triều đình một mặt giả tước chức ông để lấy lòng Pháp và phái Phan Thanh Giản khuyên ông hạ khí giới, nhưng ông chỉ giữ một lòng trung, ngày 26.02.1863, Pháp rút lui từ Thượng Hải về bao vây Gò Công, ông cảm tử đánh xáp lá cà, mở huyệt lộ rút về chiến khu mới giáp ở Cái Bè, Tân An, Hóc Môn, Bà Điểm, cuối cùng ông kéo binh về Lý Nhơn (nay là một xã thuộc huyện Cần Giờ, TP.HCM), trong "Đám Lá Tối Trời", thắng Pháp một trận vẻ vang, lập một chiến khu khác tại Gò Công chạy dài từ Bình Xuân đến Bình Thành và Kiểng Phước.
Nhưng ngày 19.08.1864, ông định kéo quân từ Bình Xuân để về Gia Thuận, ông bị tên bộ hạ phản trắc Huỳnh Công Tấn bắn gãy xương sống tử trận.
Nhân dân thương tiếc chôn ông tại thị xã Gò Công. Mộ ông được xây bằng đá ong với hồ ô dước, trên diện tích 67m2.
Lăng Trương Định là di tích lịch sử là kiến trúc dạng mộ táng tiêu biểu của người Việt ở Nam bộ. Đền thờ: xây dựng theo kiến trúc Đông phương vừa cổ kính, vừa tân thời với các án thờ, khuôn biển chạm trổ sơn son thiếp vàng.
Ngày 18.07 (Âl) năm 1973, lễ khánh thành Đền thờ anh hùng dân tộc Trương Định diễn ra rất trọng thể và trang nghiêm.
Để tưởng nhớ công lao của vị anh hùng dân tộc Trương Định, hàng năm vào ngày 19, 20 tháng 8 dương lịch, Thị xã Gò Công tổ chức trọng thể lễ hội tưởng niệm với các nghi lễ chính: Lễ rước linh (Thỉnh ông); Lễ Tiên thường và Chánh tế; Lễ Dâng hương của chính quyền địa phương cùng các hoạt động văn hóa với mục đích hướng về cội nguồn tưởng nhớ công đức tiền nhân
( Sưu tầm ) |
Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 30/Jan/2010 lúc 6:22am
|
IP Logged |
|
Lan Huynh
Senior Member
Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23197
|
Gởi ngày: 01/Feb/2010 lúc 12:16am |
Gò Công Tây: Khai mạc Hội xuân Canh Dần
(Cập nhật: 01.02.2010 06:46)
< ="js/highslide/highslide.js" =text/>
hs.graphicsDir = 'js/highslide/graphics/';
hs.outlineType = 'rounded-white';
|
| Hội xuân Canh Dần khai mạc đêm 26-01-2010, tại sân vận động huyện Gò Công Tây. Hội xuân năm nay diễn ra trong tuần lễ giao lưu văn hóa Lễ hội Kỳ yên trưng bày, triển lãm những thành tựu nổi bật của huyện về phát triển kinh tế - văn hóa xã hội - an ninh quốc phòng và công tác vận động quần chúng; những hình ảnh, mô hình, hiện vật, sản phẩm hàng hóa thuộc các khối: Nông nghiệp, Công thương, Văn hóa thông tin và Thể thao, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, An ninh Quốc phòng, Dân vận, Mặt trận.
Nhiều loại cây kiểng, hòn non bộ của các nghệ nhân trong và huyện cũng được trưng bày do Hội Sinh vật cảnh huyện phụ trách. Nhiều đoàn nghệ thuật, vui chơi giải trí phục vụ khách du xuân thưởng lãm. Đặc biệt, nhiều cuộc hội thi diễn ra như hội thi Kiến thức nhà nông, Tìm hiểu Luật giao thông, Chưng nghi ngũ quả, Cắm hoa, Ẩm thực, Tìm hiểu Luật Thuế... Nhiều gian hàng khuyến mại tiêu dùng hàng Việt Nam. Hội xuân kéo dài đến ngày 01-02-2010.
Tin, ảnh: Kiều Tước Ngu (Theo tiengiang.gov.vn) |
|
IP Logged |
|
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
|
Gởi ngày: 01/Feb/2010 lúc 12:19am |
|
|
Gò Công Tây tưng bừng Lễ hội Kỳ yên
(Cập nhật: 31.01.2010 22:44)
Hàng năm, cứ vào độ vầng trăng tháng cuối tròn dần là xóm làng Gò Công Tây rộn ràng trong Lễ hội Kỳ yên. Trẻ em xúng xính trong bộ quần áo mới; người lớn tươm tất y phục chỉnh tề, hồ hởi nhanh bước tề tựu trước đình làng trong ngày lễ hội.
Vùng đất này, thế kỷ XVII đã có người Việt từ các tỉnh miền ngoài đến sống rải rác trên giồng cát. Ðây là một trong ba nơi của xứ Gò Công có người Việt đến sớm (ngoài giồng Sơn Quy thuộc thị xã Gò Công và vùng Ðồng Sơn ngày nay).
Người Việt đến khai hoang vùng này ngày một đông. Ðáng kể nhất là khoảng nửa sau thế kỷ XVIII, có ông Trần Văn Huê cùng hơn 40 nam nữ đến lập nghiệp. Họ tích cực khai hoang những vùng đất cao. Ông Huê là người giỏi giang, biết hốt thuốc, sống đức độ, được dân trong vùng quý mến. Năm Mậu Thìn 1808 lập làng Vĩnh Lợi, lúc đó thuộc tổng Hòa Bình, huyện Kiến Hòa, trấn Ðịnh Tường, ông Huê đứng chân trong chính quyền làng, sửa sang ngôi miễu có từ trước thành đình làng Vĩnh Lợi. Bảy năm sau, vào năm Ất Hợi 1815, ông Huê lập chợ Vĩnh Lợi, dân trong vùng quen gọi là chợ Giồng. Khi ông Huê qua đời, giồng đất này được gọi là Giồng Ông Huê và chợ Vĩnh Lợi cũng được gọi là chợ Giồng Ông Huê.
Người Việt lần lượt di cư ngày một nhiều, có một số người tiếp nhận văn hóa Chàm, thờ chúa Ngọc hay gọi là thờ thánh Mẫu, vì cho rằng thánh Mẫu rất thiêng liêng. Năm 1885, họ xây dựng một ngôi miễu thờ Thánh Mẫu Thiên Y A NA khá lớn, hiện còn phía sau trường Măng non huyện. Cũng năm Ất Dậu 1885, trong làng xây dựng một trường học, được gọi là trường tổng, là một trong 6 trường của xứ Gò Công. Có chợ, trường, đình, miễu, khu vực này nhanh chóng trở nên sầm uất, đình đám, hội hè cũng rôm rả hơn nơi khác. Hàng năm, từ 14 đến 16 tháng chạp, dân làng hân hoan vào lễ hội Kỳ Yên (tức lễ hội Cầu An). Do quan niệm Thánh Mẫu rất thiêng, nên mỗi lần cúng đình phải làm lễ viếng Bà tại miễu, đưa linh vị thần đến miếu Bà, cúng tế Bà rất long trọng, rồi mới đưa linh vị thần trở về đình an vị. Dân làng đưa lễ vật: xôi, thịt, trà, rượu, bánh, trái, thậm chí cả heo quay đến cúng đình. Các trò chơi dân gian kéo dài suốt 3 ngày, như đẩy cây, nhảy bao bố, bịt mắt đập nồi, bắt vịt trên sông, ngâm thơ, múa lân, ra câu hò, câu đối ... Tại đình, đội múa lân, múa rồng liên tục trổ tài rất vui nhộn. Các đêm có diễn tuồng hát bội. Suốt mấy ngày đêm dân làng lũ lượt đi ra đình làng cúng bái, chiêm ngưỡng.
Năm Giáp Thìn 1904, vùng Gò Công tan tác bởi cơn bão lớn, và sau là trận đại dịch. Người chết quá nhiều. Nỗi kinh hoàng còn ám ảnh đến nhiều năm sau. Dân làng lập "Ðàn tràng" để cầu an; dựng bài vị Ðức Thánh Trần Hưng Ðạo để xua đuổi âm binh, cô hồn quấy phá. Do thờ vua nên hàng năm vào lễ Kỳ Yên, đình phải tổ chức múa rồng cho hợp với tước vị của vua. Ðây là nét đặc biệt của đình Vĩnh Bình mà nhiều đình khác không có.
Năm 1995, cùng với sự quyên góp của dân làng, những nhà hảo tâm, chính quyền địa phương cho xây dựng một ngôi đình mới, tọa lạc tại ấp Đông, lấy mẫu đền thờ Trương Ðịnh, bổ sung một số chi tiết cho thêm phần cổ kính.
Trong những ngày này, đường phố thị trấn Vĩnh Bình nhộn nhịp hẳn lên. Nhà nhà đều dọn dẹp tươm tất, chưng mâm ngũ quả trước cửa nhà để đón rước "sắc thần". Từ xế chiều ngày 14 tháng chạp (âm lịch), đội lân rồng của đình đón "Bàn các ấp" của thị trấn - một nghi thức có từ lâu của đình để cung thỉnh những vị đang được thờ tại các miễu và thỉnh vong linh các bậc tiền bối có công với địa phương. Trên bàn là các phẩm vật về nông nghiệp cùng với bàn tay khéo léo của các nghệ nhân làm nên những hình tượng tứ linh trông rất sinh động để cúng tạ thành hoàng. Sau đó là lễ đưa linh vị thần đến miếu Bà, cúng tế rồi lại đưa linh vị thần trở về đình. Ngày 15 tháng chạp diễn ra các lễ cúng Tiền hiền, Hậu hiền, vong linh liệt sĩ, cho đến nửa đêm thì cúng tế thần. Suốt ngày 16 tháng chạp, dân làng đến dâng lễ vật (thịt, xôi, bánh, trái) cùng khách thập phương đến cúng tế và chiêm ngưỡng những ngày lễ hội tưng bừng. Màn đêm dần buông, ánh trăng mười sáu dần ló dạng là lúc đội rồng đi quanh chợ, chúc sự phát đạt, an khang thịnh vượng cho mọi người, mọi nhà. Nửa đêm, lễ tống gió được tiến hành. Những con tàu bằng giấy kiếng, trang trí cầu kỳ, thắp những cây đèn cầy, thả trôi sông cùng các nghi lễ tống gió độc, những điều xui xẻo ra biển, kết thúc 3 ngày đêm náo nhiệt tưng bừng của những ngày lễ hội.
Để tạo thêm không khí vui tươi nhân dịp đón Xuân về và chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, huyện Gò Công Tây tổ chức hội xuân từ ngày 12 đến ngày 18 tháng chạp (âm lịch). Tại đây diễn ra các trò chơi giải trí, các cuộc thi múa mâm vàng, hội diễn múa lân, các hội thi kiến thức nhà nông, tìm hiểu chính sách thuế, Luật Giao thông; giới thiệu, trưng bày những kiệt tác hoa kiểng cổ, bonsai, hòn non bộ do Hội Sinh vật cảnh đảm trách; những sản phẩm hàng hóa, triển lãm thành tựu kinh tế - văn hóa -xã hội của địa phương. Các đêm hội xuân đều có biểu diễn nghệ thuật: xiếc hoặc mô tô bay, ca nhạc với một số danh ca, danh hài thu hút rất đông khách du xuân trong và ngoài vùng đến thưởng lãm.
Lễ hội Kỳ yên ở Gò Công Tây mang đậm nét văn hóa của vùng đất nông nghiệp, là dịp để người dân vui mừng sau một năm đã qua yên ổn, thuận hòa, cầu phúc cho một năm mới bình an, mùa màng bội thu...
Kiều Tước Nguyên (Theo tiengiang.gov.vn) | | |
|
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
|
IP Logged |
|
lo cong
Senior Member
Tham gia ngày: 30/Oct/2007
Đến từ: Canada
Thành viên: OffLine
Số bài: 2596
|
Gởi ngày: 01/Feb/2010 lúc 12:56am |
Đây là hình chụp lễ hội Kỳ Yên năm ngoái tại Gò Công Tây
|
Lộ Công Mười Lăm
|
IP Logged |
|