http://chimviet.free.fr/37/thutn055.htm
Khác người
là phụ nữ ta
Ðông Sơn đầy
nữ tướng
Là chuyện lạ
không đâu có
Thôi làm vỏ,
vẫn làm ruột
Kìa, trông lại
mà xem
Dư âm tự nghìn
xưa đấy!
Khác
người là phụ nữ ta
Á Ðông gồm bốn
nước "đồng văn" là Tàu, Việt, Nhật, Hàn. Ðồng văn tức
viết cùng thứ chữ, có cùng loại hình văn hóa.
Dưới mắt người
ngoài, như người Tây phương, trước kia Việt, Nhật, Hàn
đều trông giống Tàu : nào chữ Hán, nào đạo Khổng... Nhưng
chỉ trông thế thôi, chứ thực thì không phải thế.
Ba "anh em", mỗi
người khác Tàu sâu sắc cách riêng.
Trường hợp người
Việt, một trong những phân biệt lớn nhất giữa văn hóa
ta với văn hóa Tàu là vai trò của phụ nữ trong xã hội.
Gái Tàu nổi tiếng "yểu điệu thục nữ", gái Nhật nổi
tiếng ngoan ngoãn ngang với... cơm Tàu (1), còn gái Hàn trước
kia ta ít để ý, nay mới biết lại còn ngoan hơn cả gái Nhật!
Như sẽ trình bày, gái Việt oai hơn hẳn các chị em Á Ðông
đấy, rất có thể oai nhất thế giới!
Ðông
Sơn đầy nữ tướng
Ðã đọc trong
sách, đã xem ảnh trong sách từ lâu, vậy mà lần đầu tiên
đến thăm Viện Bảo tàng Lịch sử ở Hà Nội, tận mắt
ngắm những chuôi dao găm Ðông Sơn, vẫn không khỏi kinh ngạc.
Rõ ràng đó là
tượng một người đàn bà chống nạnh, mắt trợn tròn xoe,
oai phong lẫm liệt. Dao găm có tầm đánh ngắn, chắc là vũ
khí của cấp chỉ huy (như khẩu súng lục bây giờ). Người
đeo những dao găm ấy chắc là những nữ tướng...
Trần Quốc Vượng
cho biết tượng làm chuôi dao găm Ðông Sơn "phần nhiều là
tượng phụ nữ".(2) Có vẻ trong văn hóa Ðông Sơn phụ nữ
chẳng những có làm tướng mà còn chiếm đa số trong hàng
tướng lĩnh!
Là
chuyện lạ không đâu có
Làm tướng được,
sao không làm vua được?
Người ta có thể
tự hỏi, liệu trong số 18 vua Hùng có vua bà nào chăng (cho
đến giờ vẫn chưa ai tìm ra được một bằng chứng cỏn
con về nhân thân của các vị vua tiền sử ấy (3))...
Nếu có nữ Hùng
Vương, thiết tưởng đâu có gì lạ, vì đến mấy trăm năm
sau HV thứ 18 mà dân tộc ta vẫn còn có phụ nữ làm vua, tức
Hai Bà Trưng. Rồi hơn hai trăm năm sau đó, lại có phụ nữ
lãnh đạo khởi nghĩa nữa, tức Bà Triệu.
Các Bà là những
tổng chỉ huy quân đội xuất sắc. Hậu Hán thư chép Hai Bà
Trưng đã đánh cho "thứ sử Giao Chỉ và các thái thú chỉ
còn giữ được thân mình mà thôi"!(4) Còn Bà Triệu thì ra
oai dữ dằn đến nỗi "thứ sử Giao Châu mất tích"!(5)
Trong mấy trăm
năm đầu của thời Bắc thuộc có hai lần dân tộc Việt
Nam vùng lên chống ngoại xâm, cả hai lần đều do phụ nữ
cầm đầu.
Chuyện đàn bà
làm tướng làm vua ở ta là chuyện có bằng chứng, có được
ghi chép rõ ràng, ta quen đến nỗi lấy làm thường, chứ thực
ra là chuyện hết sức độc đáo, độc đáo đến nỗi hình
như khắp thế giới xưa nay không đâu có: cái xứ Amazon trong
thần thoại Hy Lạp, đa số sử gia Tây phương vẫn xem chỉ
là chuyện hoang đường.(6)
Thôi
làm vỏ, vẫn làm ruột
Ðọc tờ sớ báo
cáo tình hình cai trị của thái thú Tiết Tổng dâng lên vua
Ngô năm 231, dễ dàng thấy sau 400 năm đè đầu cưỡi cổ,
văn hóa Trung Quốc vẫn chưa làm quỵ được văn hóa Ðông
Sơn (7), mà một đặc trưng căn bản là vai trò quan trọng
của phụ nữ.
Chính vì vào khoảng
ấy trong xã hội ta phụ nữ còn có thể tự nhiên làm lãnh
đạo mà năm 248 mới lại có đàn bà Việt cưỡi voi đánh
đuổi Tàu.
Nhưng dĩ nhiên
rốt cuộc văn hóa Ðông Sơn đã phải quỵ.
Từ Bà Triệu tới
nay người phụ nữ Việt Nam không có lần nào xông pha lừng
lẫy như thế nữa.
Vì kém văn hóa
Tàu về quân sự mà văn hóa Ðông Sơn phải chịu mất... mặt.
Nó không còn được xuất hiện trong tư cách lãnh đạo, không
còn được làm "vỏ" cho xã hội Việt Nam nữa.
Nhưng nó vẫn tiếp
tục tồn tại như "ruột". Thôi Lạc vương Lạc hầu Lạc
tướng không có nghĩa là người Việt biến thành người Tàu.
Với đại đa số nhân dân vẫn sống trong các làng quê, xa
ảnh hưởng trực tiếp của văn hóa Tàu, trong bóng tối dân
tộc ta âm thầm xây dựng một nền văn hóa mới, vừa tự
lực sáng tạo, vừa tiếp thu hạn chế văn hóa của quân xâm
lược, vừa dai dẳng duy trì một số yếu tố căn bản của
nền văn hóa truyền thống...
Kìa,
trông lại mà xem
Tuy không còn oai
bằng Hai Bà Trưng, Bà Triệu, phụ nữ ta vẫn làm vua giỏi
khi có dịp. Lý Thánh tông thân chinh đánh Chiêm Thành, nguyên
phi Ỷ Lan ở nhà thay vua cai trị nước xuất sắc đến nỗi
vua đang rút quân nghe tin, nghĩ bụng: "Mình đi đánh Chiêm Thành
không thành công, thế ra đàn ông hèn lắm...", bèn mới quay
trở lại cố đánh quân Chiêm cho được.(8)
Rồi nữ tướng
Bùi Thị Xuân của triều Tây Sơn.
Rồi bao nhiêu nữ
chiến sĩ can trường trong thế kỷ 20...
Không phải chỉ
khi ngồi trên ngai hay trên bành voi trận, hay khi chiến đấu
với giặc cướp nước, người phụ nữ Việt Nam mới tỏ
ra không chịu lép cánh nam nhi.
Mặc cho các nho
sĩ cao giọng rao giảng "nam nữ thụ thụ bất thân", ở các
làng quê phụ nữ không hề chịu ru rú trong buồng hay lẩn
quẩn xó bếp mà vẫn đều đều đi chợ (9), đi hát quan họ
hát trống quân, đi hội Chùa Hương hội Chùa Thầy, đi ra
đình chen vai lễ bái với đàn ông, vẫn khúc khích bảo nhau
mua "ba đồng một mớ đàn ông"(10), vẫn thi nhau "gánh giang
sơn nhà chồng"(11) v.v. Nói chung là mặc các nho Việt
sì sụp khấn Khổng Tử, phụ nữ Việt cứ giao tiếp xã hội
tưng bừng, cứ cười cợt phái nam và cứ đưa "vai gầy" ra
vác trọn công việc nhà chồng!
Ca dao tục ngữ
là một tấm gương phản ánh văn hóa. Nhìn vào gương ca dao,
dễ dàng thấy một chân dung phụ nữ Việt đặc biệt ngang
tàng.
Cái hiện tượng
thơ Hồ Xuân Hương là một tấm gương khác. Nếu quả do một
nữ sĩ làm, thơ ấy hình như không hai trong lịch sử văn học
thế giới. Còn nếu chủ yếu là sáng tác của một đám đàn
ông (12), thì việc thơ ấy bị ký ẩu nữ sĩ cũng vẫn là
hiện tượng đặc biệt nổi bật. Trong lịch sử dằng dặc
của văn học Trung Quốc, chẳng hạn, không nghe nói có thứ
thơ văn "tục" do đàn bà ký tên, hoặc ký tên đàn bà!
Ðiêu khắc dân
gian là một tấm gương phản ánh văn hóa nữa. Xem đi xem lại
ảnh chụp những chạm trổ ở một số đình làng ngoài Bắc
từ thế kỷ XVI đến XVIII (13), chợt để ý nét mặt và dáng
vẻ mạnh dạn của các phụ nữ. Bức chạm Thiếu nữ múa
ở đình Hưng Lộc (Nam Hà), chẳng hạn, cô gái múa mà tay
chống nạnh tay giơ cao làm ta vừa xem vừa lờ mờ nghĩ đến
cái chuôi tượng người tròn xoe mắt phượng của con dao găm
Ðông Sơn...
Tín ngưỡng dân
gian dĩ nhiên càng đầy hình ảnh văn hóa. Nhìn vào đó, ta
thấy gì? Gần như thấy toàn nữ thần! Do tình cờ lịch sử,
thế giới hiện thực coi như đã mất vào tay nam giới, nhưng
"thế giới tâm linh (của chúng ta vẫn tiếp tục) do nữ giới
cai quản"(14). Có phải sở dĩ đàn bà được làm trùm ở
thế giới bên kia là do họ đã vốn làm trùm ở thế giới
bên này trước khi bị đàn ông "đảo chính"?! Hẳn đàn bà
đã có vai trò đặc biệt quan trọng đối với nước, nên
bây giờ nhạc sĩ Phạm Duy yêu nước mới ca Mẹ Việt Nam
um sùm chứ!
Cái giá cao của
phụ nữ trong xã hội ta, nó đã từng được đúc thành luật
hẳn hoi: "Luật Hồng Ðức ở thế kỷ XV có một số điều
chú ý đến quyền lợi của phụ nữ. Như con gái có quyền
hưởng gia tài như con trai, có quyền sở hữu về tài sản;
vợ có quyền ly dị chồng nếu chồng bỏ vợ trong năm tháng
không đi lại, trường hợp có con, thời hạn ấy tăng lên
một năm. Ðó là tập tục cổ truyền còn được giữ lại,
và đó cũng là giá trị lớn nhất của luật Hồng Ðức."(15)
Triều Lê chủ
trương Hoa hóa mà còn phải nể "cổ" đến thế, đủ biết
cái thế lực của phụ nữ ở ta vốn nó lớn đến chừng
nào (các ông chồng "đi lại" biếng nhác bị đuổi như chơi!).
Dư
âm tự nghìn xưa đấy!
Không đừng được,
văn hóa Tàu đã có mức độ ảnh hưởng tới xã hội Việt
Nam. Ít nhiều, đã có xảy ra hiện tượng "chồng chúa vợ
tôi". So với bà tướng Ðông Sơn, bà vua Trưng, bà chủ tướng
Triệu thì... bà xã kém uy nhiều lắm. Tuy vậy, phụ nữ Việt
trước sau vẫn không hề thất thế tới mức bị... bẻ chân.(16)
Sau hơn một ngàn
năm Bắc thuộc, sau những thời kỳ vua chúa ta tự Hoa hóa
kịch liệt, mà người phụ nữ Việt Nam rốt cục vẫn có
được một địa vị xã hội oai phong hơn hẳn đàn bà Tàu,
thử hỏi do đâu mà được thế?
Còn đâu nữa,
nếu không là do cái đặc trưng trọng nữ độc đáo của
văn hóa Ðông Sơn mà tổ tiên ta đã kiên trì bảo lưu xuyên
suốt mọi giai đoạn lịch sử!
"Ðông Sơn đã mất
nhưng Ðông Sơn đang còn"!(17)
-----------____________________
(1) Có câu "Cơm
Tàu, vợ Nhật, nhà Tây". Vọng ngoại. Cơm Tàu béo quá, chóng
chán. Vợ Nhật chiều chồng quá, cũng chóng chán. Còn nhà
Tây nơi "Hà Nội phố" có lẽ hay, chứ nếu đặt giữa làng
quê thì trơ, mà ở thì làm sao thoải mái bằng nhà truyền
thống của ta được.
(2) Trần Quốc
Vượng, Văn hóa Việt Nam - Tìm tòi và suy ngẫm, nxb. Văn Hóa
Dân Tộc, Hà Nội, 2000, tr. 142.
(3) Có những sách
chép rõ tên hiệu của từng vua Hùng. Nhưng theo Trần Quốc
Vượng, "VUA HÙNG (...) chỉ là nét vẽ muộn màng của (...)
thời Lý - Trần – Lê" (sđd., tr. 60). Có lẽ thời Ðông Sơn
dân Lạc Việt đã có thủ lĩnh tối cao, nhưng chân dung của
các "vua" ấy không ghi lại ở đâu hết, mãi mười mấy thế
kỷ sau con cháu nhớ nguồn mới "vẽ" ra để có cái mà thờ.
(4) Phan Huy Lê,
Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh, Lịch sử Việt
Nam, tập I, nxb. Ðại Học và Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội,
1983, tr. 267.
(5) PHL, TQV, HVT,
LN, sđd., tr. 346. Về chuyện phụ nữ chiến đấu, tạp chí
Archaeology (Mỹ) số tháng 3 và 4 năm 2008 có ghi rằng ở Phum
Suay (Khơ-me) người ta đã đào được 35 bộ hài cốt trong
đó có 5 bộ là xác phụ nữ bên cạnh có gươm. Khu mộ táng
này được xem là có niên đại từ thế kỷ 1 đến thế kỷ
5 sau Tây lịch. Không biết những "nữ binh" Phum Suay có liên
hệ gì với phụ nữ ta hay không.
(6) Xem lời tóm
tắt trong Wikipedia.com.
(7) Nguyễn Duy Hinh,
Văn minh Lạc Việt, nxb. Văn Hóa - Thông Tin, VN, 2004, tr. 144.
(8) Trần Trọng
Kim, Việt Nam sử lược.
(9) Trong Nguồn
gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam (Sài Gòn, 1971, tr. 219), Bình
Nguyên Lộc cho biết đến năm 1911 mà bên Tàu việc đi chợ
mua đồ ăn vẫn là việc của đàn ông. Thậm chí, đến thập
kỷ 1960 mà ở Chợ Lớn đàn bà Tàu vẫn chưa được đi chợ!
Trong Hạn mạn du ký (1921, đăng trên tạp chí Nam Phong), Nguyễn
Bá Trác kể chuyện bên Tàu: "Người mấy tỉnh về đàng bắc
(...) Ðàn bà con gái tập tục khác hẳn những tỉnh đàng
nam: con nhà thượng lưu ít khi ra đến cửa". Vậy cấm cung
phụ nữ đúng là tục ở Hoa Bắc, tục của chủng Hoa.
(10) Ca dao: "Ba đồng
một mớ đàn ông / Ðem về mà bỏ vào lồng cho kiến nó tha..."
(Nguyễn Văn Ngọc, Tục ngữ phong dao).
(11) Ca dao: "Có
con phải khổ về con / Có chồng phải gánh giang sơn nhà chồng"
(Nguyễn Văn Ngọc, Tục ngữ phong dao).
(12) Xem bài Tuy
ngoài mà trong.
(13) Việt Nam điêu
khắc dân gian thế kỷ XVI-XVII-XVIII, Trần Văn Cẩn chọn, Nguyễn
Ðỗ Cung giới thiệu, Lê Vượng chụp ảnh, nxb. Ngoại Văn,
Hà Nội, 1975.
(14) Phan Ngọc,
Bản sắc văn hóa Việt Nam, nxb. Văn Hóa - Thông Tin, VN, 1998,
tr. 85-86: "thiên đình Ðạo giáo Việt Nam (...) do nữ giới
làm chủ, chứ không phải nam giới (...) Mẫu Thượng Thiên,
Mẫu Thoải, Mẫu Thượng Ngàn... cùng với các cô, các bà
chúa (...) thế giới tâm linh của Việt Nam là do nữ giới
cai quản."
(15) Trương Chính
và Ðặng Ðức Siêu, Sổ tay văn hóa Việt Nam, nxb. Văn Hóa,
Hà Nội, 1978, tr. 69.
(16) Văn hóa Tàu
có tục bó chân phụ nữ.
(17) Trong lời cuối
sách của Hà Văn Tấn, Văn hóa Ðông Sơn ở Việt Nam, nxb.
Khoa Học Xã Hội, VN, 1994.
Chỉnh sửa lại bởi mykieu - 20/Dec/2009 lúc 8:45pm
|